Mar 28, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CÁI NGÀN VÀNG
KATHY TRẦN

Chữ trinh đáng giá ngàn vàng!
Hay:
Trai năm thê, bẩy thiếp
Gái chính chuyên chỉ có một chồng!

Những câu tục ngữ, ca dao trên nói lên một quan niệm từ thời phong kiến, ngày các ông được quyền có tới... 12 người vợ, thê và thiếp. (5 thê + 7 thiếp = 12!!!)
Một ăn tới 12!
Sao lại sướng đến thế?

Trong khi các ông sung sướng hay vất vả với đủ một tá vợ với nàng hầu thì 12 bà chỉ được quyền có mỗi một ông chồng!
Ông chồng ngon lành hay không là chuyện khác nhưng nội cái chuyện chồng chung cũng đủ làm các bà... ứa gan, vùng lên làm cách mạng để phản đối.

Các bà hỏi:
- Tại sao gái chính chuyên chỉ được có một chồng?
- Còn gái không chính chuyên thì sao?
***
Chính chuyên là một từ ngữ... cổ, ít ra là với những cô gái lớn lên trong xã hội nam nữ bìønh quyền, nơi đàn bà, đàn ông, trên nguyên tắc, bình đẳng với nhau về quyền lợi cũng như bổn phận.

Các xứ văn minh công nhận chế độ một vợ, một chồng, không thiếp, không hầu chi cả!
Muốn hay không tuỳ các ông nhưng đã là luật thì xin các ông cứ triệt để thi hành cho nếu không muốn có chuyện rắc rối với pháp luật và với vợ nhà.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, trọng nam, khinh nữ để các ông ra vẻ khinh bạc:
Nhất nam viết hữu
Thập nữ viết vô
Hoặc bình dân hơn nữa:
Mười đứa con gái không bằng hòn dái đứa con trai!

Các bà các cô chẳng được cái may mắn tự định đoạt cho mình nên đành phó mặc cho số phận. Các cô để toàn quyền cha mẹ lựa chọn, quyết định duyên phận cho mình và tự an ủi:
Áo mặc sao qua khỏi đầu.
Hay đợi chờ định mệnh xếp đặt:
Thân gái như hạt mưa sa
Hạt vào gác tiá, hạt sa ruộng đồng!
Những hạt mưa chẳng may sa vào ruộng đồng rất nhiều khi chịu phận đắng cay dù đã hết lòng nín nhịn, hy sinh vì chồng con:
Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp, hổ chàng
Nó giận, nó phá tan hoang cả nhà
Nói đây có chị em nhà
Còn dăm ba thúng thóc với một và cân bông
Em bán đi trả nợ cho chồng
Còn ăn, hết nhịn cho vừa lòng chồng em
Đắng cay ngậm quả bồ hòn
Cửa nhà gia thế, chồng con kém người
Nói ra sợ chị em cười
Tội nghiệp chưa? Thế nên, những lúc tức mình, uất ức, có bà nghiến răng, nghiến lợi ruả thầm các đức ông chồng:
Đàn ông năm bẩy đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha!
Trời ơi là trời, cứ bắt các bà yên phận vợ hiền, yên phận chồng chúa, vợ tôi, cứ bắt các bà... chính chuyên một chiều mãi được sao trong khi các ông tha hồ làm giặc? Các bà cay đắng đùa cợt, miả mai:

Gái chính chuyên lấy được chín chồng
Vò viên bỏ lọ, gánh gồng đi chơi
Không may quang đứt, lọ rơi
Bò ra lổm ngổm, chín nơi chín chồng
Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi ngang chỗ lội đánh rơi mất chồng
Chị em ơi, cho tôi mượn cái gầu sồng
Để tôi tát nước, múc chồng tôi lên
***
Bắt bẻ các bà, giam giữ các bà trong vòng rào chính chuyên được mãi sao? Rồi cũng có các bà hùng dũng vùng lên, cho đối phương biết tay. Lúc đó, phải biết uy quyền các bà:

Làm trai rửa bát quét nhà
Vợ gọi thì: Dạ, bẩm bà, em đây!

Không những các bà chỉ huy chồng ra gì, các bà còn hoàn toàn bình đẳng với chồng trên chiếu bạc, sòng bài. Đã cờ bạc thì phải đi tới lăng nhăng, hệ luỵ ái tình:

Chồng đánh bạc thì vợ đánh bài
Chồng hai ba vợ, vợ hai ba chồng!

Bây giờ ta như đũa có đôi, ta cứ sòng phẳng tuyệt đối với nhau đi. Chuyện tình cảm đặt trên chiếu bạc nào có giá trị gì nữa đâu, huống hồ chút chính chuyên!

Ông ăn chả, bà ăn nem
Đứa ở có thèm, mua thịt mà ăn.

Chẳng phải sự sắp xếp nào cuả cha mẹ, của xã hội, của ông Tơ, bà Nguyệt cũng êm đẹp nên có những tai nạn chết người xẩy ra cho những cô gái dại dột để mất cái... ngàn vàng!

Trót dại, cô đành bỏ nhà ra đi, mong xây dựng lại cuộc đời, tránh cho cha mẹ cảnh xấu hổ, bẽ bàng.

Phềnh phềnh ở giữa lớn ra
Mẹ ơi, con chẳng ở nhà được đâu
Ở nhà làng bắt mất trâu
Cho nên con phải đâm đầu ra đi

Nhưng mà này cô em ơi, trên đời đâu phải lúc nào cũng toàn những chuyện rủi ro?
Cõi đời đâu phải chỉ có 9 phương trời? Có tới mười phương cơ mà.
Hãy chơi cho thoả chí cái đã rồi tính sau:

Đánh đĩ chín phương,
Chừa một phương lấy chồng!

Người con gái cao tay ấn, muốn ăn chơi vung vít, hưởng thụ đã đời, tràn trề trong những ngày ...còn không:

Chơi cho thủng trống, long bồng
Rồi ra ta sẽ lấy chồng, lập nghiêm
Chơi cho thủng trống, long chiêng
Rồi ra ta sẽ lập nghiêm, lấy chồng.

Cô nàng trâng tráo công nhận:

Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra, con thiếp? Con chàng? Con ai?

Chữ trinh đáng giá ngàn vàng ư?
Chuyện vô lý quá, cô nàng trắng trợn khẳng định cái quan niệm hưởng thụ của mình:

Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng chôn ra ngoài đồng!

Hay thực tế, sống sượng hơn nữa:

Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ!

Trong cả hai câu tục ngữ trên đều không có chủ từ!
Câu văn không có chủ từ thường để chỉ mệnh lệnh, nếu không phải là mệnh lệnh thì câu văn trở thành tối mò mò.
Trường hợp này khác hẳn. Chủ từ tuy không có trong câu nhưng rõ ràng vẫn được hiểu và cảm nhận đầy đủ, hơn nữa, còn rất gợi hình, gợi cảm và gợi tình!
Phải cúi đầu bái phục!

Cái người đàn bà đã chơi đến thủng trống, long bồng đó, không phải chỉ đam mê nhục dục mà cũng có lúc vướng phải lưới tình để nhớ nhung nhân tình:

Hai tay cầm bốn quả hồng
Quả chát phần chồng, quả chín phần trai
Đêm đêm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều

Đã mê trai, cô nàng chỉ ước mong được theo tình nhân nên phải nhờ đến thầy bói:

Sáng ngày ra đứng cửa đông
Xem một quẻ bói: Lộn chồng được chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lộn thì lộn được nhưng năng phải đòn
- Mồ cha có đứa sợ đòn!
Miễn là lấy được chồng dòn thì thôi.

Chị chàng mê mẩn tình nhân đến mất cả sáng suốt, thậm thụt ngoại tình đến nỗi bị chồng bắt được, đánh đòn. Dù đau gần chết, chị chàng vẫn lì lợm công khai nhận tội:

Anh đánh thì tôi chịu đòn
Tánh tôi hoa nguyệt, mười con chẳng chừa
Anh đánh thì tôi chịu đau
Tánh tôi hoa nguyệt, chẳng chừa được đâu

Mấy chữ trinh tiết, chính chuyên hoặc Tiết hạnh khả phong chỉ là chuyện trên trời với những cô nàng trời đánh này.
***
Những cô gái dẫy đầy sinh lực lại thêm bản tính đa tình đã ấm ức lên tiếng phiền cha, trách mẹ khi thấy bạn bè đều gia đình yên ấm mà mình vẫn thiếu thốn một... tấm chồng:

Chồng rồi, chồng rồi!
Nghĩ rằng chị em đã có chồng rồi
Sao em chưa có? Đứng ngồi vân vi?
Ới, thầy mẹ ơi!
Cấm đoán con chi?
Mười lăm, mười tám sao chả cho đi lấy chồng?

Cô nàng đã lỡ thì chưa mà kêu khóc thê thảm đến vậy?
Cô không những trách cha mẹ, cô còn trách đến cả ông trời đã hại cô, không cho cô lấy được tấm chồng. Đêm đêm cô đơn, cô kêu réo ông Trời và trách móc ông Nguyệt lão:

Ới, ông Trời ơi!
Sao ông ăn ở bất công?
Duyên em đã lỗi,
Em trách ông Tơ hồng sao khéo trêu ngươi?
Cứ đêm đêm nằm, em vuốt bụng kêu trời!
Khổ quá là khổ! Trời ơi là Trời!

Cô than thở, năn nỉ, dụ dỗ, hối lộ ông trời để ông thoả mãn nhu cầu có một tấm chồng cuả cô:

Ới, ông Trời ơi!
Sao ông ăn ở bất công?
Xin ông thí bỏ cho tôi chút chồng
Tôi về, tôi làm lễ, tôi tế ông.
Mổ con lợn béo, tôi xin lấy đức anh chồng cho rõ to
Bõ công tôi mượn chú lái đi mổ bò.

Người đàn bà lăng loàn, ôm chồng trong tay mà mơ ước tình nhân bị xã hội xỉ vả đã đành. Những người goá phụ tuổi mới đôi mươi, nhan sắc não nùng, những tay yếu chân mềm, chịu cảnh tang chế ba năm thì đáng thương biết mấy:

Lên đênh chiếc bách giữa dòng
Thương thân goá bụa phòng không, lỡ thì
Gió đưa cây trúc ngã quỳ
Ba năm trực tiết, còn gì là xuân?

Thế nên Hồ Xuân Hương hạ bút phê vào đơn xin đi lấy chồng (?) của Nguyễn Thị Đào:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo, cắm sào đợi ai?
Chữ rằng xuân bất tái lai
Cho về kiếm... tí, kẻo mai nữa già

KATHY TRẦN

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003