May 01, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
TẠP GHI: tác phẩm làm khổ tác giả
LƯU DIỆU VÂN

 

Ai đó đã nói “tác phẩm làm nên tác giả” một cách quả quyết nhưng ở cuối quy luật này có một ngôi sao nhỏ xíu, hệt như dấu hiệu bên cạnh câu chào mời bằng chữ to in đậm quà tặng miễn phí trong tờ quảng cáo và bên dưới là hàng chục câu chữ chi chít những điều kiện nếu như bạn bằng lòng trở thành hội viên của cửa hàng ít nhất là một năm, phải mở thẻ tín dụng với mức lãi ngất ngưởng, và phải mua ít nhất là hai mặt hàng khác với giá đắt đỏ hơn chợ đen bằng không bạn sẽ phải chịu đóng bồi thường gấp ba bốn lần món hàng tặng miễn phí. Ít nhất tấm quảng cáo còn tử tế cho bạn biết rõ những lời cảnh cáo – dù bằng kích chữ mà dù người có thị lực 20/20 muốn đọc cũng cần phải đeo kính – nhưng không ai mách cho tôi những cái giá phải trả khi trở thành “tác giả.” Gần một năm kể từ khi Văn Nghệ xuất bản tập thơ đầu tay của tôi, 7 Giờ 47 Phút, những mất đi và có được vẫn còn khập khễnh.

ldv_photo“Hậu quả” đầu tiên đến từ phía gia đình. Trước kia bạn sẽ khó tìm được chân dung của tôi bên trên trang lí lịch và điều đó dĩ nhiên là có lý do. Khi báo Văn, Hợp Lưu, gởi đến nhà và nhỡ bà mẹ có cầm lên đọc thì cũng không dám chắc Lưu Diệu Vân là con gái mình dù cái tên ông nội đặt cho khó mà nhầm ở ai khác. Không có hình, không tang chứng, tôi vẫn có thể cãi cố tên giống tên. Những ai có đôi lần đọc qua thơ Lưu Diệu Vân sẽ hiểu vì sao bà mẹ chắc chắn sẽ té ngửa khỏi ghế nếu đọc phải những câu đại khái: “tôi lạm dụng thuốc phá thai,” “có thời làm tiếp viên bia ôm,” “có cái nhìn khá phóng khoáng về tình dục”, “chúng tôi sẽ cuồng nhiêt thảo luận đề tài nữ tính trên giường,” v.v. Gần hai năm “công khai” viết lách, tôi đã thành công che giấu được danh tánh rồi… tác phẩm ra đời. Khi đại diện nhà xuất bản báo sách đã in xong cũng là khoảng thời gian mẹ tôi đang ở Việt Nam. May với rủi thường sánh đôi. May là mẹ có mặt lúc ấy để mang phần sách được phân phối về cho tôi nhưng rủi là từng câu chữ trong tập thơ sẽ phơi bày ngồn ngộn dưới mắt mẹ. Trước khi nhận sách, giọng mẹ tôi trên điện thoại viễn liên thấm ít nhiều hãnh diện khi biết tôi đã trở thành “tác giả” và rộn ràng những dự tính sẽ khoe khoang với bè bạn nhưng trạng thái đó không giữ được lâu. Nghe nói, sau khi cầm 7 Giờ 47 Phút trong tay, mẹ tôi phán với em gái tôi một câu “thơ quá táo bạo” và bà không một lần nào nhắc đến tập thơ với tôi hay bất cứ ai khác nữa. Điều tương tự cũng xảy ra với bác gái tôi, một người phụ nữ mà tôi cho là rất avant-garde, người quen biết rất nhiều tác giả trong vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Khi nghe tin tôi có tác phẩm mới xuất bản, bác có dự tính sẽ giới thiệu rộng rãi với các bạn văn và rất tự tin về việc giúp tôi phổ biến một số lượng kha khá. Sau khi đọc qua tác phẩm, bác tôi bảo “chắc không hợp với lứa tuổi của các bạn bác.” Tất nhiên, không ai dành cho tôi dù chỉ một câu khen khích lệ. Ngoài người yêu và em gái, không ai trong gia đình “thừa nhận” hay “đón nhận” tập thơ 7 Giờ 47 Phút. Không chừng trong gia phả, bên dưới tên tôi đã có thêm câu “người đem nhục nhã đến cho dòng họ bằng… thơ.” Tôi tự an ủi rằng bác cố tôi – tác giả Thụy An của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm – lúc ấy cũng không được lòng gia đình nhưng sau đã trở thành niềm hãnh diện cho dòng họ. Tất nhiên so với bác cố thì tôi chỉ là một hậu duệ bé teo với số không thành tựu nhưng con kiến cũng có quyền hy vọng vượt qua khỏi dòng sông… xét đoán.

“Hậu quả” thứ hai nghiêng về khía cạnh xử thế. Tôi tin mình làm buồn lòng nhiều tác giả, những người trước kia đã ưu ái dành tặng tôi nhiều tác phẩm của họ và cũng là những người tôi cảm thấy rất hân hạnh nếu được họ đọc 7 Giờ 47 Phút. Nhưng với cố gắng cứu thơ ra khỏi tai tiếng “thơ chỉ tặng, không được bán,” tôi đã không chuyển tặng đến tác giả nào, ngay cả những anh chị em thân thiết trong ban biên tập Da Màu, tập thơ của mình, việc mà đáng lẽ tôi nên làm. Trước khi chưa có thi tập, mỗi khi được biếu tặng tác phẩm, tôi luôn luôn gởi tặng lại một món quà nho nhỏ để tỏ lòng kính trọng của mình về nỗ lực sáng tạo của tác giả. Cũng có những cuốn sách tình cờ đến tay tôi mà tôi không cách nào liên lạc tác giả để gởi lời cảm tạ, đối với họ tôi vẫn còn nợ một điều gì đó. Nhưng chỉ vì mơ ước cứu thơ ra khỏi tầng lầu đại hạ giá trong thương xá chữ nghĩa, tôi đã lỗi đạo với nhiều người mà tôi thiết nghĩ một lời cáo lỗi chân thành cũng chưa đủ trọng lượng.

Áp lực tâm lý cũng là một “hậu quả” nặng nề của việc có tác phẩm. Vì hiện nay (hy vọng là chỉ tạm thời), tôi được cho là “tác giả” trẻ nhất trên văn đàn hải ngoại nên khi nghe tin tôi có tác phẩm, mọi người đặt nhiều kỳ vọng vào tôi và tôi bắt đầu cảm thấy tác động trầm trọng của gánh nặng tinh thần. Trước kia, tôi hãnh diện là một người viết tài tử, tôi viết những gì mình thích, tôi không có tính so sánh. Nhưng nay tôi luôn luôn so sánh mình tiền-7 Giờ 47 Phút và hậu-7 Giờ 47 Phút. Tôi vẫn viết nhưng không… dám phổ biến những gì mình viết một cách hồn nhiên như xưa. Tôi đưa mình lên bàn cân, tôi đối xử với tôi khắt khe đến độ tàn nhẫn. Hồ sơ “unfinished works” trong máy tính ngày càng đầy những bài thơ đã được hoàn tất nhưng “chưa hài lòng.” Tất nhiên cơ chế tự kiểm duyệt rất hữu ích cho người viết nhưng nếu chúng ta sợ hãi chính mình quá độ thì sẽ chẳng bao giờ dám vượt rào đi tới trước. Tôi mang nỗi lo sợ đó từng ngày. Tôi sợ sẽ khiến ít nhiều người thất vọng nếu không có tác phẩm thứ hai, hay một tác phẩm Anh ngữ, và tác phẩm đó phải hơn hẳn 7 Giờ 47 Phút. Tôi vẫn tin thành tựu cá nhân của một tác giả cũng là thành tựu chung của cả văn đàn và ngược lại, thất bại cá nhân ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự đánh giá của khối-văn-chương-việt, không chỉ riêng “trong” hay “ngoài” nước.

Đời sống tất nhiên không bao giờ quá tàn nhẫn. Song song với những khó khăn, tôi cũng có được những hạnh phúc nhỏ nhoi. Ngay sau khi 7 Giờ 47 Phút được giới thiệu rộng rãi, nhiều tác giả tôi không quen biết trước đó đã dành cho tác phẩm những bài bình luận không thiên vị, không vì “quan hệ cá nhân bàn nhậu”, như Bùi Công Thuấn, Nguyễn Nguyên An và Cổ Ngư. Dù tác phẩm dường như không tồn tại với gia đình và bè bạn (vì những người lứa tuổi tôi hầu hết không biết nhiều tiếng việt hoặc không thích đọc văn chương), tôi khám phá một điều thú vị rằng thơ Lưu Diệu Vân được tác giả ưu ái hơn là độc giả đời thường. Chỉ trong vòng một tuần, con số tiêu thụ của 4 Giờ 47 Phút làm tôi choáng một cách… thi vị và phần đông người đặt mua là các tác giả quen thuộc của chúng ta. Có rất nhiều tác giả mua số lượng 5 hoặc 10 cuốn (không biết để làm chi, hy vọng là không phải để kê bàn ghế). Có vài tác giả mua 1 hoặc 2 cuốn nhưng đã gởi chi phiếu gấp ba lần giá bìa. Có lẽ tác phẩm… coi cũng được hay vì các tác giả muốn khuyến khích một người viết tiếp nối. Không cần thiết lý do gì, tôi cũng vô cùng cám ơn những tấm lòng đã dành cho Lưu Diệu Vân và thơ của “cô ấy”.

Nếu tôi thành thật bật mí với bạn lý do tôi xuất bản tập thơ 7 Giờ 47 Phút không vì ao ước muốn trở thành “tác giả”, không vì một mục đích cao cả là góp phần nuôi dưỡng nền văn chương hải ngoại, mà chỉ vì tôi không muốn “kém cạnh” người yêu mình (vì “hắn” là tác giả của hơn mười tác phẩm), bạn sẽ thất vọng với tôi không? Vì Lưu Diệu Vân chỉ là một đứa con gái trung bình, là Bé Nhã đơn thuần của người mẹ không dám khoe thơ con gái như một cách che chở nó, là Bé Yêu của một người nhìn thấu được con người thật sự của người yêu đằng sau những dòng chữ táo bạo, và chưa bao giờ là “tác giả” trong mắt nhìn của chính mình.


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003