May 02, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
NHỮNG CÁNH HOA ANH ÐÀO
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

Chiều nay sau khi tan trường, nơi Cẩm Tú là giáo sư dạy lớp bảy, lớp tám, nàng không trở về nhà ngay. Cẩm Tú cũng không muốn đi chợ hay mua sắm như mấy tháng trước đây, khi Khiêm chưa gọi điện thoại cho nàng vào giờ này.

Cẩm Tú lái xe vào con đường vắng vẻ dẫn ra ngoài thị trấn. Hai bên đường những cánh đồng cỏ như mạ non nối tiếp nhau chạy tới bìa rừng thưa đang trổ lá. Hoa anh đào màu phấn hồng nở đầy trong các khuôn viên thơ mộng. Nàng bỗng thấy hình ảnh Khiêm khôi vĩ trong lễ phục sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt và cô nữ sinh áo dài trắng Cẩm Tú lả lướt, chập chờn trên vùng đồi xanh cỏ mướt. Rồi hai hình bóng ấy như thấp thoáng bên bờ hồ Xuân Hương mịt mù sương khói...

Ký ức hiện về. Lần đầu tiên gặp chàng sinh viên Võ Bị trong buổi tiệc tại nhà Bích Thúy, người bạn học cùng lớp, cô nữ sinh áo trắng Cẩm Tú bị Khiêm thu mất linh hồn ngay. Từ đó hai người gặp gỡ nhiều lần. Rồi chàng thổ lộ tình yêu, yêu ngay từ giây phút ánh mắt giao nhau, con tim rung động. Tình tuổi trẻ thật say đắm, thiết tha.

Cẩm Tú yêu Khiêm vì dáng dấp thanh cao, tuấn tú như Tây phương trong bộ lễ phục sĩ quan oai hùng, ăn nói điềm đạm, lịch sự, biết nhẹ nhàng săn sóc phái nữ. Khiêm kiêu hãnh người con gái thùy mỵ, đoan trang, học giỏi ấy là “của” chàng. Rất nhiều người theo đuổi Cẩm Tú nhưng nàng chưa để ý, chưa yêu ai. Nàng chọn Khiêm từ đó. Tất cả nguồn vui ngoài sự học, là mơ với hình ảnh chàng, là mộng có chàng trong đời.

Một năm sau, Cẩm Tú đậu ưu hạng Tú Tài đôi. Nàng mới vừa đôi chín. Ðược học bổng, Cẩm Tú phải vâng lời cha mẹ đi du học Hoa Kỳ. Nàng cảm thấy còn quá trẻ để lập gia đình, lo cho chồng con. Ông bà Ðốc Hoạt dự tính việc du học của Cẩm Tú mấy năm trước khi nàng gặp Khiêm. Ông bà đặt niềm kiêu hãnh và tin tưởng vào tương lai xán lạn của cô con gái út. Với tinh thần cấp tiến, ông bà muốn Quyên học cao, tốt nghiệp về nước giữ chức vụ quan trọng nào đó trong chính phủ hay xe duyên với người nào như thế.

Với tâm hồn khoáng đạt, không vị kỷ, trong buổi đi chơi cuối cùng, dù mênh mang buồn như sương lam trập trùng trong Thung Lũng Tình Yêu Ðà Lạt, Khiêm bồi hồi ôm Cẩm Tú trong vòng tay ấm áp, khuyên nhủ:
- Em còn trẻ và học giỏi, con đường học vấn còn dài. Anh không có quyền ngăn cản, dù xa em anh rất buồn. Bốn năm nữa, nếu anh còn sống sót trong chiến tranh tàn khốc này và em bằng lòng, anh sẽ xin cưới em.
Cẩm Tú áp má trên ngực Khiêm khóc nức nở:
- Em mơ có người chồng như anh cho đời em ngay từ khi mới gặp. Vâng, em muốn được là vợ anh. Anh có thể chờ em được không?
Khiêm ôm chặt Cẩm Tú hơn:
- Anh sẽ chờ em. Nhưng đừng bắt anh chờ suốt đời.
Nụ hôn gắn bó cuối cùng hòa lẫn nước mắt Cẩm Tú. Thung Lũng Tình Yêu nhạt nhòa bóng hai người tuổi trẻ yêu nhau tưởng chừng như không bao giờ có thể xa cách.

Bốn năm du học qua đi, cha mẹ, anh chị em và bạn bè khuyến khích, Cẩm Tú học tiếp lấy bằng Tiến sĩ, ngành giáo dục. Ở bên nhà, Khiêm bị gia đình Cẩm Tú cảnh cáo không được ngăn cản sự học của nàng. Ông bà Ðốc Hoạt dọa sẽ không nhận Khiêm là rể nếu nàng bỏ học dở dang về Việt Nam làm đám cưới với chàng. Như ngọn doi quất vào mặt, thân nam nhi chính khí, không để chuyện thường tình chà đạp danh dự. Khiêm ngưng liên lạc với Cẩm Tú từ đó, dù nàng tiếp tục viết thư thăm hỏi và tha thiết hứa hẹn với chàng. Nhiều khi nàng ước mong học kém đi, để không được học bổng. Nàng khổ sở vì yếu mềm trước ảnh hưởng gia đình và bị cao vọng lôi cuốn. Càng nhớ nhà, nhớ người yêu, Cẩm Tú càng học xuất sắc. Một năm sau đó, Cẩm Tú nhận được tin từ Bích Thúy cho biết Khiêm đã lấy vợ. Kỷ niệm Ðà Lạt với hình ảnh Khiêm và Cẩm Tú như xoay tròn, đảo lộn trong không gian, trong trời đất, trong trí óc nàng. Thế là hết, Cẩm Tú không còn thấy cần thiết phải trở về Việt Nam, trở về Ðà Lạt nữa. Khiêm là cái đích đã bị nước biển dâng tràn, bị động đất chôn vùi mất hút, không bao giờ còn trông thấy và nắm bắt được nữa.

Chưa mất Khiêm, Cẩm Tú chưa biết sự đau khổ như thế nào. Mất nhau rồi, nàng mới cảm thấy đủ cả nghĩa đen, nghĩa bóng của sự tuyệt vọng đau đớn, trái tim bị nghiến nát tơi bời. Tuy nhiên, Cẩm Tú không hề oán trách Khiêm kể cả những khi tinh thần xuống thấp nhất. Lỗi tại nàng ham học và bỏ đi quá lâu. Lỗi tại nàng nghe gia đình cản ngăn trở về lấy một sĩ quan chiến đấu ngoài trận mạc không biết sinh tử lúc nào. Từ đó, lòng nàng lịm chết. Cẩm Tú thực sự mất Khiêm rồi. Không còn gì chờ đợi nàng ở vùng cao nguyên trăng mật ấy nữa!

May mắn đền bù cho nàng, càng buồn Cẩm Tú càng muốn sống khép kín, cô đơn và càng học miệt mài. Năm học cuối, bỗng xuất hiện chàng Tiến sĩ trẻ sắp ra trường như nàng. Cẩm Tú đắm đuối với tình yêu vượt trùng dương bao la cách trở, bận rộn với sự học, nàng chưa bao giờ để ý tới Ðạo, ông Tiến Sĩ Kinh Tế Học đó. Sau vài lần họp sinh viên Việt Nam, đi ăn cuối tuần với nhau, Ðạo hỏi cưới nàng. Cẩm Tú suy nghĩ mấy tuần và nhận lời làm vợ Ðạo. Nàng biết chàng là người đứng đắn và sống cô đơn như nàng. Tình yêu đầu đời nàng dành cho Khiêm tất cả. Cẩm Tú nghĩ, tuy không yêu Ðạo, nhưng có sự quý trọng người bạn đường, cột trụ tinh thần cho nhau. Với Ðạo, ngoài vẻ đẹp lạnh lùng, Cẩm Tú có tất cả mọi điều tương xứng để xây dựng gia đình với chàng. Không có tình yêu lãng mạn như thuở thiếu thời, Ðạo và Cẩm Tú ngẫu nhiên chọn lựa người phối ngẫu với tính toán, thực tế cần thiết.

Hai người làm hôn thú ngay trong Ðại Học George Town. Sau đó, Ðạo và Cẩm Tú trở về Ðà Lạt, mong đem sự học giúp thế hệ trẻ. Với lý tưởng, Cẩm Tú vững vàng đối diện với tất cả khung trời Ðà Lạt. Ðôi khi bắt gặp vóc dáng sinh viên Sĩ Quan, Cẩm Tú không khỏi bồi hồi nghĩ tới Khiêm, tới những kỷ niệm đẹp, dấu mốc cao nhất, thần thoại nhất trong đời. Cẩm Tú không luyến tiếc, không muốn tìm lại hay sống lại những kỷ niệm quý báu đó, nhưng nàng cũng không muốn xua đuổi chúng ra khỏi ký ức. Chúng luôn luôn nằm trong tâm khảm nàng với tất cả trân trọng.

Thỉnh thoảng Cẩm Tú nghe bạn bè nói chuyện về Khiêm. Họ biết mối tình đầu tha thiết của nàng. Vợ chồng Khiêm có hai con nhỏ lúc đó và Khiêm làm việc tại Tòa Án Quân Sự Sài Gòn. Trong trận Mậu Thân tại Quảng Trị, chàng bị thương ở chân và được biệt phái về Tòa Án. Vợ Khiêm là dược sĩ có tiệm thuốc. Thôi thế cũng tốt đẹp cho chàng!

Tháng 4, 1975, vợ chồng Cẩm Tú kẹt ở lại. Giáo sư Ðạo, nhà kinh tế học chế độ cũ bị đưa đi vùng kinh tế mới. Tú được yên thân ở nhà vì có bầu đứa con trai đầu lòng. Ba năm sau, Ðạo trở về. Gia đình Cẩm Tú được người học trò gốc Hoa giúp phương tiện vượt biên.

Ðến Mỹ, Ðạo được nhận ngay vào làm việc trong trường Ðại Học cũ, George Town. Cẩm Tú làm giáo sư trường trung học tại Silver Spring. Sau đó, nàng có thêm một bé gái. Thời gian trôi qua, hai con tới tuổi vị thành niên, trung học, rồi đại học, Cẩm Tú không có giờ mơ mộng về dĩ vãng. Cho đến năm ngoái, nàng đi Montreal chơi và được nghe Bích Thúy nói về Khiêm:
- Chắc mi không quên Khiêm nhỉ?
Bỗng nhiên, Cẩm Tú nghe như thảng thốt trong lòng. Nàng nghĩ ngay đến “Khiêm đó”của nàng ngày xưa nhưng vẫn vờ hỏi:
- Khiêm nào hả?
- Còn Khiêm nào nữa? Khiêm Ðà Lạt của mi chứ còn ai vào đây!
- Nhưng Khiêm làm sao?
Bích Thúy cười hóm hỉnh:
- Tuần trước vợ chồng hắn mới sang đây chơi. Ta gặp họ trong bữa tiệc nhà người bà con. Hắn hỏi thăm mi. Khiêm vẫn còn phong độ lắm đấy.
Cẩm Tú làm bộ thản nhiên:
- Thì chồng bạn và chồng tôi có ai kém đâu!
- Mi còn vờ vĩnh hả? Khiêm vẫn mang vẻ rất chi là công tử điển trai. Hồi đó biết mi và Khiêm yêu nhau mà ta vẫn mê vẻ nghệ sĩ lãng mạn của hắn.
Cẩm Tú cười nhẹ. Bích Thúy tiếp:
- Khiêm hỏi thăm mi.
Tim đập dồn dập nhưng Cẩm Tú làm vẻ lơ đãng:
- Thế hả?
- Khiêm nhắc tới tên mi bằng giọng thật xa vắng, mơ màng. Cả bầu trời Ðà Lạt như hiện ra trong đôi mắt hắn. Nếu ta không chồng, Khiêm không vợ, ta dám mê hắn lắm.
Cẩm Tú bật cười trước vẻ hồn nhiên của bạn:
- Thì mi không đang mê Khiêm đấy hay sao?
- Nói vậy thôi, cái đó ta để dành cho mi!
- Khỉ ạ, Khiêm là của vợ con chàng. Ðâu phải của tôi hay bạn. Mà chúng ta cũng có chồng rồi.
Bích Thúy bướng bỉnh:
- Thì mê cái hình dáng hắn thôi, đã chết chóc ai chưa!
Ðến lúc này Cẩm Tú không thể ngăn được chuyện hỏi thăm về Khiêm:
- Gia đình Khiêm ở đâu? Có khá không?
- Ở Oregon, nghe nói khá lắm. Khiêm làm cho chính phủ tiểu bang, bây giờ đàn hát, viết văn nữa. Vợ hắn có cửa tiệm thuốc Tây. Mấy đứa con là bác sĩ, luật sư cả.
Cẩm Tú ngạc nhiên:
- Khiêm viết văn, đàn hát hồi nào nhỉ? Sao không bao giờ thấy tên chàng trên báo?
- Ối giời ơi! Cái cuộc di tản vĩ đại tháng tư năm 75 sản xuất không biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, ca sĩ. Bác sĩ, luật sư hát như điên. Thành kiến xướng ca vô loại lỗi thời rồi. Báo Việt Ngữ mọc ra như nấm, làm giầu cho văn học hải ngoại. Khiêm nói rằng hắn có nhiều bút hiệu, không dùng tên thật.
- Bút hiệu gì?
Bích Thúy cười hóm hỉnh:
- Bây giờ mi mới bắt đầu hỏi kỹ hả? Hắn không cho ta biết và chỉ nói viết chơi vớ vẩn ấy mà! Nhưng ông xã ta cho biết một trong những bút hiệu của Khiêm là Tâm Nguyên. Hắn đi bên vợ mà ta có cảm tưởng hắn cô đơn, lạc lõng sao đâu! Bà vợ nói thay cho Khiêm hết!

Thế rồi sau đó vài tuần bỗng dưng Cẩm Tú nhận được nguyệt san Văn Học phát hành từ California khởi đăng truyện dài Ðồi Xưa Bóng Cũ, tác giả Tâm Nguyên. Nếu Bích Thúy không cho nàng biết bút hiệu ấy của ai, nàng đã không đọc. Nàng không là độc giả tiểu thuyết. Truyện Tâm Nguyên lôi cuốn tò mò của Cẩm Tú nhất là vì dưới tiêu đề truyện có hàng chữ “Tặng C.T. của Kh.” Càng đọc nàng càng nhận thấy đây chính là tâm tình Khiêm. Các nhân dáng trong truyện rất quen thuộc mặc dầu được đổi tên. Các địa danh là những nơi Khiêm và Cẩm Tú đã đặt chân tới, nào Hồ Xuân Hương, Vườn Bích Câu, Chùa Linh Sơn, Hồ Than Thở, Thác Cam Ly, Suối Vàng, Thung Lũng Tình Yêu...
Cẩm Tú đang ngơ ngẩn bồi hồi với truyện của Khiêm thì Bích Thuý rối rít tít mù gọi nàng từ Montreal:
- Mi đọc truyện Ðồi Xưa Bóng Cũ của Khiêm chưa?
Cẩm Tú làm ra vẻ bình thường, buông một tiếng ngắn ngủi:
- Rồi.
- Mi thấy không? Tặng C.T. của Kh., tình tứ như thế.
Cẩm Tú thở dài:
- Sao chàng liều mạng thế? Nhỡ bà xã biết lại bị nghiến, bị nghiền và bị cấm đăng truyện bây giờ.
- Mi yên trí đi. Cái tên Tâm Nguyên ngoài tác giả ra, chỉ có vợ chồng ta và mi biết thôi. Mi liệu hồn. Chẳng ông nào muốn vợ mình ôn lại tình xưa, tích cũ.
- Cũng may Ðạo chỉ thích đọc báo tin tức, xem News hay Sports trên TV thôi. Nên cũng đỡ lo.
Từ đó, hằng tháng Cẩm Tú nhận đều đều tập san. Nàng hồi hộp đợi chờ, theo dõi từng kỳ truyện dài Ðồi Xưa Bóng Cũ. Cẩm Tú nhìn thấy nàng và các bạn thuở nữ sinh Bùi Thị Xuân, thấy Khiêm và bạn bè thuở sinh viên sĩ quan Võ Bị. Lòng nàng rưng rưng ngậm ngùi. Có lẽ, nhiều người đọc cũng có cảm tưởng họ là nhân vật trong truyện, cùng tâm tình, tậm trạng, hoàn cảnh với các nhân vật. Truyện có vẻ thật, văn phong giản dị, trong sáng làm độc giả thông cảm dễ dàng nội dung tác giả muốn gửi gấm tâm sự.
Như cái lệ, sau mỗi lần nhận được nguyệt san Văn Học, Bích Thúy lại léo nhéo gọi Cẩm Tú:
- Cẩm Tú ơi, mi đọc truyện Khiêm kỳ này chưa? Mi nghĩ thế nào?
- Mi là Mộng Thúy, bạn Cẩm Tâm trong truyện đấy chứ? Khiêm viết rất đúng và rất thật. Chàng nhắc lại tất cả chuyện chúng mình làm sao không bùi ngùi thương nhớ cho được. Thuở xưa thật đẹp dù có những chuyện buồn đi chăng nữa.
Rồi Ðồi Xưa Bóng Cũ đi vào câu chuyện tình thơ mộng của Cẩm Tâm và Việt Khánh. Những hò hẹn, những vòng tay đam mê, quấn quýt, những nụ hôn nóng bỏng, rồi hứa hẹn, thề nguyền, rồi chia tay vĩnh biệt. Bao nhiêu sức đề kháng trong tim Cẩm Tú từ ngày Khiêm lấy vợ, rã rời kiệt quệ hết. Nàng sống lại và quằn quại với kỷ niệm đau đớn cũ. Ðọc truyện, Cẩm Tú cảm thông hơn nỗi tuyệt vọng, giận hờn của Khiêm khi chàng lấy vợ. Ðây cũng là sự trần tình gián tiếp tạ lỗi với Cẩm Tú.
Thực vậy, thuở đó Khiêm lấy vợ nhưng chẳng có ngày nào chàng không nghĩ tới Cẩm Tú. Chàng làm đầy đủ trách nhiệm và bổn phận người cha, người chồng tốt. Nhưng tim chàng vẫn chứa đầy tình yêu cho Cẩm Tú. Tiềm thức chàng mang hình ảnh nàng. Chàng tự cho mình quyền tự do tương tư ấy. Dĩ nhiên Khiêm giữ kín tâm tình, không để vợ con hay. Chàng không muốn họ đau khổ, buồn phiền. Ðến một ngày, không thể giữ mãi tình yêu thầm lặng ấy trong tâm, Khiêm thấy cần phải dàn trải trên giấy trắng mực đen, không phát điên, phải lên núi, hay vào sa mạc, hoặc ra biển vắng thét gọi tên Cẩm Tú. Chàng muốn gửi trả Cẩm Tú tâm tình đè nén con tim mấy chục năm qua không lúc nào nguôi ngoai, phai nhạt. Nếu Khiêm có tất cả độc giả tờ báo mà không đến tay, đến đôi mắt đẫm lệ, đến con tim thổn thức của Cẩm Tú thì chàng chẳng còn lý do viết tiếp. Chàng thấy được chia sẻ nhẹ bớt phần đớn đau nhàu nát trong lòng khi nghe Bích Thúy nói Cẩm Tú theo dõi Ðồi Xưa Bóng Cũ. Khiêm nghĩ thầm. “Có thế chứ, nàng sẽ hiểu được lòng ta vẫn yêu nàng như thuở nào, chẳng bao giờ phôi pha. Cảm ơn em cho anh cơ hội tạ tội chối bỏ tình yêu đầu đời của em.”

Nếu Khiêm biết rằng truyện của tác giả Tâm Nguyên đã xâm nhập tâm hồn Cẩm Tú, khuấy động sự bình thản của nàng từ mấy tháng nay, Khiêm có hài lòng sung sướng không, hay thương tội nàng? Lúc vắng Ðạo, Cẩm Tú thường giở những trang truyện đó ra đọc lại. Nàng như bị chìm trong cơn sốt cao độ. Suốt mấy ngày liền sau đó tâm thần nàng không còn thăng bằng. Sương mù Ðà Lạt giăng đầy trong ký ức. Hình ảnh Khiêm hiện ra mờ ảo trong vùng khói tím sương lam. Ðôi mắt to sâu ngày xưa của chàng như thu hút và theo dõi từng cử chỉ, từng hành động nàng hằng ngày. Cũng may, Ðạo không bao giờ mở đọc những tờ báo trong đó có truyện tình của vợ chàng.
Trong lúc Cẩm Tú ở trong tình trạng hôn mê đắm đuối với câu chuyện tình nhức nhối năm xưa, một chiều nàng đi dạy học về chưa kịp thay áo thì Khiêm gọi điện thoại tới. Chàng xúc động nhận ngay ra tiếng nói điềm đạm, rõ ràng của Cẩm Tú trả lời. Nàng bàng hoàng nghe giọng đầm ấm dịu dàng của Khiêm mà bao năm qua nàng chưa quên. Cẩm Tú không ngờ có phút giây điện đàm với người yêu cũ. Nàng bối rối, lúng túng, chỉ đối đáp từng câu ngắn ngủi, lạt lẽo. Sau cùng chàng hỏi:
- Em nghĩ thế nào về truyện của anh?
- Cảm ơn anh gửi báo cho em. Em ít đọc, nhưng đã theo dõi truyện từng kỳ. Có lẽ em tò mò muốn biết anh viết về nhân vật Cẩm Tâm ra sao?
Khiêm lại hỏi:
- Thế em có hài lòng những điều viết về em không?
Cẩm Tú cân nhắc câu trả lời:
- Ðược anh viết một cách trang trọng như thế, em còn đòi hỏi gì hơn. Ðành rằng viết là quyền tự do của anh để giải tỏa tâm sự. Nhưng nếu “chị ấy” và Ðạo biết chuyện, có lẽ Ðồi Xưa Bóng Cũ phải ngưng hay là em không được đọc truyện anh viết nữa. Chúng ta nên kín đáo để khỏi tổn thương những người thân của mình.
Thế rồi, Khiêm tiếp tục gọi Cẩm Tú. Trước thưa thớt, sau tuần một lần, rồi hai lần. Họ biết rằng người phối ngẫu chẳng ai bằng lòng cho họ tâm tình triền miên như vậy. Khiêm khôn ngoan gọi điện thoại cho Cẩm Tú sớm, trước khi chồng nàng đi làm về. Buổi đầu, những hỏi thăm gia đình, sự nghiệp vợ chồng con cái đôi bên. Cả hai đều công nhận họ không có điều gì phàn nàn về người phối ngẫu. Rồi những kỷ niệm êm đẹp được ôn lại, nỗi giận hờn, niềm đau khổ được nhắc tới. Cảm xúc dạt dào của Khiêm, thổn thức nghẹn ngào của Cẩm Tú được bộc lộ. Khiêm muốn gặp Cẩm Tú, nhìn thấy nàng, vuốt tóc nàng, ôm nàng trong vòng tay, đặt những nụ hôn cuồng nhiệt lên môi nàng. Qua giọng nói, Khiêm hình dung Cẩm Tú còn trẻ đẹp, thanh tú, nét môi nàng còn hồng đào quyến rũ. Trên trái đất này chỉ còn sự hiện hữu của Cẩm Tú mà thôi. Hình ảnh nàng bên hoa cỏ, trên trời mây, trong nắng mưa, trăng gió, bên chăn gối đêm mê. Giọng nói tiếng cười Cẩm Tú ngự trị tâm trí chàng từng giây, từng phút. Cuối cùng, Khiêm thổ lộ vẫn yêu nàng tha thiết và khao khát muốn gặp. Cẩm Tú sợ hãi cản ngăn:
- Không được đâu anh ạ. Anh còn nặng tình với em thì không nên. Vợ anh và chồng em không ai bằng lòng chuyện chúng ta điện thoại như thế này huống chi gặp gỡ. Anh đã giãi bày tâm sự qua truyện, chúng ta đã giải tỏa tất cả nỗi niềm câm nín tự đáy lòng. Ðến lúc nên coi nhau như bạn để thỉnh thoảng thăm hỏi. Nếu không làm được như vậy, chúng ta phải tạm thời ngưng liên lạc. Em thấy rất tội lỗi nói chuyện yêu thương. Anh và em đều có bổn phận với gia đình.
Cẩm Tú khuyên Khiêm nhưng cho cả bản thân nàng. Người đàn bà yếu đuối sợ phải đối diện cố nhân tha thiết nồng nàn. Tình yêu thuở ban đầu với tất cả lý tưởng, thần thoại chiếm ngự trái tim nàng.
Trong những lần điện thoại sau đó, hai người vẫn không tránh được nhắc nhở kỷ niệm nhức nhối cũ. Khiêm vẫn đòi gặp Cẩm Tú. Người đàn bà sáng suốt hơn. Cẩm Tú không dám đùa với ngọn lửa vừa bùng cháy giữa hai người. Cẩm Tú quyết liệt thưa dần trả lời những cú điện thoại hiện lên chữ “unavailable” trên máy. Chỉ có cách ấy mới làm Khiêm chán nản, nguội lạnh dần tình yêu đang sôi sục trong tim chàng.
Không nói chuyện được với nàng, Khiêm lấy tên Khánh trong truyện để lại lời nhắn trong máy. Cẩm Tú vội vàng xóa bỏ ngay. Nàng không muốn Ðạo biết người yêu cũ của vợ đã liên lạc với nàng. Ngoại tình tư tưởng tiến tới gặp gỡ không xa lắm nếu thả lỏng tình cảm.
Bích Thúy lại gọi Cẩm Tú và gián tiếp than thở giùm Khiêm:
- Tội nghiệp Khiêm, mấy lúc gần đây hắn cứ than buồn, cô đơn và chán nản. Hắn muốn lên núi, vào chùa đi tu hay xuống hang ở ẩn. Hắn muốn biến vào không gian, vào hư vô cho hết nợ trần. Mi nên gọi hay trả lời điện thoại khuyên giải hắn.
Cẩm Tú vừa thương Khiêm vừa giận bạn:
- Tôi làm việc đó nhiều lần rồi. Tôi không thể liều lĩnh chơi với dao để gây thương tích cho cả hai bên gia đình. Nếu bồ thương tôi thật sự, làm ơn khuyên anh ấy nên ra khỏi cơn mê sảng này. Tôi không thể trở về sống trong dĩ vãng với anh ấy được. Tình trạng kéo dài chỉ tổn thương Khiêm và gia đình anh ấy. Bồ nói giùm, tôi không thể tiếp tục liên lạc với anh ấy như người tình được, dù rằng chỉ qua điện thoại. Bao giờ Khiêm thực sự coi tôi như người em, người bạn, lúc đó sẽ tính lại.

Nói thì mạnh lắm, thi hành thật khó. Mấy tháng nay, Cẩm Tú lúng túng trong nghề nghiệp, cảm thấy tội lỗi với chồng con. Có những lúc báo mới tới, Cẩm Tú không dám mở ra đọc, hay chỉ ngó vài dòng truyện Khiêm rồi gấp lại ngay. Giáo sư Cẩm Tú phải đóng kịch thản nhiên bình thường với chồng con và học trò nhưng tinh thần và thể xác nàng kém xút như mắc cảm cúm trầm trọng.
Hôm qua, Chủ Nhật, theo chồng cùng mấy người bạn từ California sang chơi, đi xem rừng hoa anh đào bên bờ sông Potomac, Cẩm Tú hôn mê như lạc vào rặng hoa đào bên bờ hồ Xuân Hương. Người đi ngoạn cảnh nườm nượp với máy hình, máy quay phim giữa thủ đô Hoa Kỳ nhưng Cẩm Tú tưởng như đang đi dạo bên Khiêm hùng tráng trong bộ lễ phục Alpha màu trắng ở Ðà Lạt năm nào. Mấy lần Ðạo và bạn bè hỏi chuyện, Cẩm Tú lơ đãng không hiểu họ nói gì. Vào đến tiệm ăn, nàng chỉ khời đũa vài miếng rồi cáo mệt, bỏ ăn. Cẩm Tú không có ý kiến gì về việc tiếp đón mấy người bạn phương xa. Ðạo phải xếp đặt hết mọi chuyện.
Không biết Ðạo có hiểu nội tâm của vợ không, nhưng chàng để ý đến sự mệt mỏi, bất thường của nàng. Ðêm về, Ðạo ân cần cho Cẩm Tú uống thuốc an thần và bắt nàng lên giường nghỉ sớm. Sau giấc ngủ dài nặng nhọc, nàng để cho nước ấm trôi qua đầu tóc và ngâm mình rất lâu trong bồn tắm Jacuzzi nước xoáy. Cẩm Tú thấy khỏe khoắn, lại người và đến trường bắt đầu một ngày dạy học như thường lệ.
Cẩm Tú tự nhủ, từ đây phải thoát ra khỏi tình trạng ray rứt này. Trước hết, nàng phải giữ gìn sức khỏe để tiếp tục nghề nghiệp và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Ðạo là người vị tha, đầy lòng nhân từ. Vợ chồng Cẩm Tú thường tiếp đón các sinh viên Việt Nam mà gia đình họ ở tiểu bang khác, làm công tác xã hội nhà thờ như giúp người già trong các viện dưỡng lão, các nhà thương tâm thần và những gia đình mới di cư tới.
Ðạo không những là người chồng mà còn là người anh, người bạn của Cẩm Tú. Ðạo rất cần Cẩm Tú cũng như nàng rất cần chàng từ ngày cưới. Hai người chia sẻ mọi chuyện, dựa vào nhau để sống. Nhất là quãng đời ngặt nghèo bị kẹt lại Việt Nam. Sống chết, hiểm nguy như treo trên sợi tơ, kẽ tóc những ngày vượt biển. Ðến nay, cuộc sống ổn định, thành công, hài lòng, với tất cả. Sao Cẩm Tú để tâm hồn lạc lõng vào thế giới vô hình bất định, một nơi không có gia đình và chồng con? Trải qua bao biến cố, thử thách, vợ chồng Cẩm Tú vẫn vượt lên tất cả. Sao lần này nàng để truyện dĩ vãng nghiêng ngả lòng mình. Nàng biết nếu liên lạc lại với Khiêm, họ sẽ yêu nhau trở lại. Công khai thì gia đình đổ vỡ. Lén lút là sai quấy, tội lỗi! Bản tính nhân từ, người đàn bà không để gia đình rơi vào khổ lụy.
Khiêm vẫn mang hình ảnh và tình yêu Cẩm Tú trong tâm hồn. Chuyện yêu thương say đắm xa xưa để trong tiềm thức. Tình cảm ấy lãng đãng trong văn thơ, cao đẹp biết bao, cao quý dường nào! Tình yêu ấy chỉ nên coi như chương đầu đời tập hồi ký. Các nhân vật trong truyện không thể đóng vai trò của họ ở cuối đời được nữa. Diễn viên cuốn phim cũ không thể diễn xuất lại tuyệt vời như họ đã thủ vai từ mấy chục năm trước.
Ðời sống một người liên hệ tới nhiều người khác. Người mê cần người tỉnh đưa về thực tế. Nhìn lại thời gian qua như xem cuốn phim cổ điển giá trị để giải trí, thấm nhuần những bài học trường đời, để sống cao, sống đẹp. Dĩ vãng không thể xáo trộn đời sống hiện tại của nàng. Cẩm Tú là cột trụ thứ hai giữ thăng bằng gia đình. Cột trụ ấy không thể lung lay, ngã đổ được.

Cẩm Tú không nhớ lái qua những đâu, nhưng bỗng thấy xe đi vào sân trước nhà nàng. Cây anh đào góc vườn, thân thể xù xì già cỗi, vẫn tiết mật, nở hoa thật tươi tốt dù trải qua mùa đông khắc khổ, lạnh căm. Cây ở đó từ khi vợ chồng Cẩm Tú mua căn nhà 15 năm cũ. Ðạo tự tay săn sóc, cắt tỉa, xịt thuốc trừ sâu để cây sống khỏe mạnh, nở hằng ngàn bông hoa tươi thắm khi xuân về. Ðạo nói đó là điềm hạnh phúc, hưng thịnh của căn nhà và gia đình họ.
Cẩm Tú ước muốn tâm hồn nàng được trong sáng, hồn nhiên như cây hoa đào kia. Thân phận người đàn bà dù có địa vị, dù tài giỏi trong xã hội, nào khác những cánh hoa anh đào mong manh, rất cần cội gốc thân cây vững vàng, lành mạnh nuôi dưỡng, để hoa lại nở mỗi mùa xuân ấm áp nắng hồng.

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003