Apr 25, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
HƯƠNG VỊ MÙA TẾT
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

 

Thu qua, đông tới, tết lại về.  Cộng đồng việt Nam hải ngoại nơi nơi nhộn nhịp tổ chức những cuộc vui tất niên.  Để tìm lại hương vị quê xưa, tôi rủ Bạch và Hoàn đi chợ Tết.  Chúng tôi đi thật sớm nhưng vẫn phải đậu xe thật xa.  Làn sóng người đông đảo dồn đổ vào một trường trung học rộng lớn.
 Trước khi đi mua sắm các thứ khác, chúng tôi dạo khu hàng hoa trước.  Hoa thiệt. hoa giả rực rỡ đủ màu.  Nào cành đào, nào chậu cúc thược dược những bó lay-ơn đủ mầu hồng vàng đỏ.  Những bó hoa huệ trắng cũng không thiếu.  Trái cây có những chậu quất, cam, quít vàng ối, chĩu chịt.  Tuy  hàng hoa ở đây không thể so sánh với chợ hoa Tết Hàng Lược, Hàng Khoai Hà Nội hay chợ hoa Nguyễn Huệ Sài Gòn, người ta cũng tìm thấy khung cảnh náo nức, thân thuộc quê nhà.

Tôi không định mua hoa, vì nhà đã có chậu quít, mua từ mấy năm trước, vẫn ra hoa, đậu trái đều đều.  Vài cành đào, cành mai vàng cắt từ ngoài vườn, vài chậu thủy tiên ươm từ củ đã hé nụ.  Năm ngoái tôi cắt ngâm cành mai, cành đào quá chậm và thời tiết quálạnh, tôi đã phải chong đèn bao nhiêu đêm cho hoa nở đúng ngày mồng một Tết.  Còn hoa thủy tiên được ươm quá sớm, đâm trồi vòn vọt không kịp hãm.  Tôi phải mua cành tre nhỏ và buộc nơ đỏ cho mấy chậu thủy tiên cao lênh khênh, đổ nghiêng ngả.  Chẳng như ngày xưa, cha tôi ngâm thủy tiên vừa nở đúng hương khói giao thừa tỏa thơm nghi ngút khi chuông trống nhà thờ, nhà chùa, đình, đền đổ hồi  báo hiệu năm cũ đã hết, năm mới đã sang.  Tôi vẫn giữ truyền thống, hoa tươi  nở suốt tháng giêng, như thuở còn sống bên cha mẹ. Ngày Tết thiếu hoa như cuộc đời thiếu hạnh phúc.
 Gian hàng bán lịch, sách, báo Xuân lộng lẫy đến hoa mắt.  Nhớ ngày nào nhà đầy báo biếu, không phải mua bao giờ. Chẳng cần biết nội dung, tôi chọn một tờ báo có hình cành đào đỏ như xác pháo nghiêng nghiêng qua Tháp Rùa.  Tôi ngạc nhiên hỏi hai bạn:
 - Ô hay, người ta trồng đào bên Hồ Hoàn Kiếm hồi nào vậy?
 Bạch nhìn ngắm bìa báo:
 - Chắc rằng nhà nhiếp ảnh đã ghép in thêm hay chụp cảnh Tháp Rùa với cành đào mang theo để ngang ống kính.
 Tôi mơ mộng:
 - Tại sao người không trồng một vườn đào bên Hồ Gươm như rừng hoa anh đào Nhật Bản bên bờ sông Potomac, Washington, D.C. nhỉ?
 Hoàn cười lên khanh khách:
 - Xung quanh Hồ Hoàn Kiếm còn đất đâu mà trồng cả vườn đào?
 Thực vậy, mười mấy năm sống nơi chôn rau cắt rốn đó, tôi không thấy hoa đào nở quanh hồ.  Có chăng những chợ phiên tấp nập, đông đảo thường được tổ chức vào dịp tết và được dựng lên bên hồ từ Nhà Thủy Tạ ra đến Hàng Trống.  Thuở ấy, tôi thích nhất môn chơi ném vòng vào cổ những con vịt sống chạy lông nhông trong chuồng hay trò chơi đi vào bộ lạc Da Đỏ và lạc luôn trong các ngõ ngách tưởng chừng không tìm thấy lối ra.  Trong cái Kermess nhộn nhịp ấy, mấy cô bạn nhỏ và tôi còn thích thú nhìn trộm những cặp trai thanh, gái lịch kề vai sát cánh, để đoán xem họ có tình ý với nhau như thế nào rồi nháy mắt nhau cười khúc khích...

 Như người đi trong mộng ngày, tôi mỉm cười nhìn các thanh niên nam nữ trong chợ Tết Hải Ngoại đang tuổi đuổi bắt trong mắt nhau, cái tuổi đẹp nhất cuộc đời. 
 Những gian hàng mứt thật quyến rũ.  Nhưng cũng như hai bạn, tôi chỉ mua một hộp mứt thập cẩm, một gói hạt dưa nhỏ.  Nhà còn hai vợ chồng, ăn chi nhiều.  Hồi con cái chưa lớn, chưa ra ngoài ở, tôi phải mua mỗi thứ mứt một gói lớn.  Cậu Thủy thích cắn hạt dưa đến đỏ môi, dát lưỡi.  Cậu Sơn có thể ăn mứt dừa trừ bữa.  Cô con gái Hân ăn ngoém một lúc hết một gói hạt sen ngọt lự.  Cậu út Phong, răng thưa phải đeo vòng sắt, lại thích ăn kẹo mè xửng dai hơn kẹo kéo.  Bà mẹ của các cô cậu cũng còn ham ăn đủ thứ, nhưng sợ mập nên đành thót bụng ăn chút chút cho đỡ thèm thôi.
 Tôi trở về thực tại khi nghe Bạch nói:
 - A, bánh chưng gian hàng này có vẻ nhiều nhân, nhiều thịt, rền nếp đấy.
 Tôi cũng nghĩ thế, nhưng lại thấy cái bánh tét cũng có vẻ hấp dẫn:
 - Ô kìa, cái đòn bánh tét ba mầu đậu xanh, đậu đỏ, và chuối tím kia cũng có vẻ ngon lắm. 
 Tôi kể chuyện cho hai bạn nghe, hồi còn đi học, một lần vào dịp giáp Tết, tôi đi chơi Cần Thơ, đã được thưởng thức bánh tét nóng hổi vừa mới vớt ra khỏi nồi luộc.  Những khoanh bánh tét ba mầu bổ béo, thơm ngậy, không bao giờ được ăn lại lần thứ hai mà ngon như vậy.  Tôi hỏi ý kiến bạn:
 - Mình muốn mua cả bánh chưng, cả bánh tét.  Nhưng ngày Tết không lẽ lại mua một cặp cọc cạch như vợ chồng mình ư?
 Hoàn tiếp luôn:
 - Có sao đâu, thời buổi máy fax, internet, e-mail, computer nhiều như tivi xứ lạnh này, còn kiêng khem làm gì cho mệt.  Cọc cạch mà hạnh phúc mới là tiên!
 Được sự đồng ý của bạn, tôi đã mua một đòn bánh tét, một cái bánh chưng.  Có lẽ chúng vui mừng được tôi mua bỏ vào giỏ, không phải chịu cảnh ế ẩm như số phận các bánh khác còn nằm lại đến giờ tan chợ chiều.
 Những gian hàng bún ốc, bún riêu, bánh tôm, bánh cuốn, thịt bò kho... tấp nập kẻ ăn, người uống xì xụp.  Kẻ đứng lên, người ngồi xuống thế chân liền.  Con kiến trong bụng bắt đầu bò loạn xạ.  Nhưng ba bà đi bán lợn xề ngại ngùng ngồi xuống ăn uống luộm thuộm trong cái không khí nóng nảy này.  Chúng tôi bàn nhau đi ra tiệm ngoài phố ăn cho thoải mái.  Khi chúng tôi đi qua một phòng khác trong trường thì nghe có tiếng trai trẻ hát véo von:
  Thân em như tấm lụa đào,
  Phất phơ giữa chợ rơi vào tay anh ...
 Chúng tôi theo tiếng hát đi tới một sân khấu được trang hoàng với mái đình làng, cây nêu, cành pháo.  Trẻ con,  người lớn ngừng ăn uống, mua sắm, sang phòng này để xem các nhóm, các hội quanh vùng tình nguyện trình diễn văn nghệ dân tộc miễn phí cho đồng bào.  Một nhóm sinh viên nam nữ đang diễn cảnh hội đình đám thôn quê ngày xưa.  Lâng lâng vui, tôi liên tưởng tới ngày Tết thuở ấu thơ, khi chúng tôi còn ở biệt thự Văn Khôi làng Mọc Thượng Đình.  Tôi đã theo các chị ra đường làng khoe quần áo mới đẹp.  Hai chị tôi mặc áo dài nhung hồng, quần sa-tanh trắng, bít-tất trắng, săng-đan đỏ.  Tôi được mặc một bộ short nhung lam, viền vàng, mũ chào mào có tua vàng, có lẽ bố mẹ hiếm và mong con trai đấy?  Làng Mọc chỉ cách Hà Nội vài cây số, nhưng dân làng sinh trưởng ở đây ăn mặc khác hẳn chúng tôi.  Đàn ông con trai đội khăn xếp, mặc áo the thâm, quần vải trắng hồ bột cứng queo, kêu xột xoạt mỗi bước đi.  Đàn bà con gái mặc quần, mặc váy lĩnh đen, áo tứ thân, khăn mỏ quạ.  Trẻ con làng quê đi theo trầm trồ, nhìn ngắm mấy cô bé Hà Nội.  Chúng tôi cũng ngẩn ngơ nhìn những nàng thôn nữ ríu rít đi chảy hội chùa bên làng Hạ Đình.  Các cô ôm những thúng xôi nếp trắng, xôi gấc đỏ, xôi hoa cau trắng lấm chấm đậu vàng còn nóng hổi để đem đi thi tài nấu khéo léo.  Các nàng nhí nhảnh, duyên dáng, môi giầu cấn chỉ, đỏ như son.  Yếm đào, yếm thắm, khăn lưng phất phới, hoa lý, hoa sen, thiên thanh, hồ thủy rực rỡ đủ màu.  Hình ảnh quê hương thanh bình, muôn đời vẫn còn đẹp trong tâm tưởng.

 Rời chợ Tết, chúng tôi ghé tiệm ăn vắng hoe, mỗi người một tô bún ốc nóng hổi và đấu láo với nhau cả giờ chẳng biết chán.  Sau đó, chúng tôi đến tiệm thực phẩm Việt Nam.  Tôi mua thịt bò bắp để kho bó với gừng, vài lát cá thu kho giềng.  Một bịch cải xanh muối dưa.  Tôi ngạc nhiên nhìn thấy những cây mía cao lá còn xanh tươi trong một góc tường.  Ngày xưa, để đem xêu Tết thông gia, mẹ tôi thường chọn mấy cặp mía mập, đốt dài thẳng nhất vườn, một cặp gà sống thiến to đẹp nhất chuồng, một đôi cá chép tươi lớn nhất vừa được lưới lên từ trong ao.  Tôi reo vui, sung sướng được mẹ cho theo ngồi xe tay nhà và mang lễ vật đi xêu Tết.
 Tôi hỏi Bạch và Hoàn:
 - Đồng bào hải ngoại vẫn còn giữ phong tục cúng giỗ tổ tiên bằng mía và cá tươi ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời hay sao?
 Hoàn khôi hài:
 - Chắc rằng chỉ có các cụ đã ăn tiền già rồi mới còn giữ phong tục này.
 Bạch thêm:
 - Các cụ còn đâu răng để nhai mấy đẫn mía cứng như gỗ sau khi cúng vái không?
 Ba cô đội gạo lên chùa lại được dịp cười hinh nhích.  Sau khi đưa các bạn về nhà họ, tôi độc hành lái xe trong trời mưa phùn, gió bấc như thủa nào mùa đông Hà Nội.  Tôi vặn băng nhạc Xuân mua từ trước khi rời Sài Gòn:
  Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa...

 Lời ca não nùng, xót xa của một thời nước nhà trong binh biến, điêu linh.  Tôi luôn luôn cảm ơn Thượng Đế đã không bao giờ để chiến tranh trực tiếp kinh hoàng cuộc đời tôi.  Lái xe qua trạm lộ phí lúc nào không hay, về đến nhà tôi vẫn thấy đồng 25 xu còn nằm trong túi áo khoác, tôi quên không trả lộ phí.  Ở tuổi nào người ta cũng sống trong mơ mộng, vượt không gian, thời gian, quên hết sự đời.

 Tết nhất nhà cũng phải có một chút mầu đỏ cho vui mắt, nên tôi vẫn giữ cái khăn giải bàn hoa đỏ và các chúc tụng từ Lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch.  Nếu tôi có một cái chiếu cạp điều như ngày xưa mẹ tôi mua trải sập gụ của bà nội, tôi sẽ treo như tranh Tết trên mảng tưởng lớn còn trống trên cửa chính ra vào nhà.  Tôi nhủ thầm, ngày nào về Hà Nội nhất định sẽ phải ghé phố Ô Quan Chưởng mua một cái chiếu như  ý muốn.
 Bàn thờ cúng tổ tiên mọi năm chỉ có ảnh cha tôi.  Năm nay thêm ảnh mẹ.  Bà vừa về sum họp cùng ông sau 25 xa cách.  Bộ bát nhang, cây nến, đỉnh đồng xinh nhỏ tôi đem theo từ ngày rời quê cũ được đánh bóng lại.  Hương trầm, nến đỏ được cắm sẵn.  Một bình hoa đào đỏ, một bình hoa mai vàng, một chậu thủy tiên được đặt trên bàn thờ.  Tôi không tin linh hồn người ta thích ăn uống như  mẹ tôi đã cúng linh đình những ngày Tết. 

 Trước năm 1975, bà thường sửa soạn làm các món mứt từ một hai tháng trước Tết.  Những hộp mứt quất, mứt dứa, mứt mận không nhào trộn nhiều đường, trong, dẻo, còn chua dôn dốt, làm chảy nước miếng, được chị em chúng tôi ưa thích và chiếu cố nhiều nhất.  Chúng tôi thích phụ với mẹ để được ăn vụng.  Nhất là làm món bánh quế nước dừa, va-ni thơm lừng nhà.  Thỉnh thoảng chúng tôi đổ một cái thật dầy, thật vàng, tự trả công cho mình.

 Theo thông lệ, mẹ tôi nấu cỗ cúng tổ tiên vào chiều ba mươi.  Hằng ngày chúng tôi “lươi huyền” không thích vào bếp.  Mẹ lo mọi việc bếp nước với chị người làm.  Nhưng ngày Tết, hình như vui hơn, những món ăn đặc biệt hơn, anh chị em và các cháu về ăn cỗ đông hơn, chúng tôi phải giúp mẹ làm cho nhanh mới được ăn chóng.  Nào làm món xôi vò cho tơi, thêm mỡ gà cho khỏi khô, nào món gỏi sứa thật ráo nước, thật giòn.  Cắt chả quế hình quả chám sẽ có cơ hội được nếm mấy cái rẻo thừa nên cô nào cũng tranh nhau:
 - Mẹ ơi con cắt chả quế nhé?
 - Mẹ ơi, bầy mấy đĩa thịt gà, mấy đĩa giò chả nhỉ?
 Bà luôn luôn nhắc nhở lũ con gái:
 - Không được ăn trước khi cúng, phải tội đấy!
 Nhưng chúng tôi vẫn cứ nhón ăn hết những trái tim và buồng trứng non của gà.  Nồi nấu nào chúng tôi cũng thấp thỏm nhòm ngó và hỏi mẹ luôn miệng:
 - Mẹ ơi, gà hầm được chưa?
 - Mẹ ơi, có đặt miến gà lên bàn thờ không hả mẹ?
 - Mẹ ơi, bát nào bày bún thang, bát nào bầy bóng, mực?
 Món bóng mực của mẹ tôi chẳng đâu ngon bằng.  Mực phải thái thật mỏng, sào, nấu thật mềm.  Trên mặt bát mực bầy hai góc giò, một góc trứng tráng mỏng, thái nhỏ, một góc thịt gà trắng xé chỉ và ở giữa điểm một lát trứng muối như nhụy hoa.  Bóng ngâm rửa thật thơm, nấu vừa sôi tới, còn giòn tan.  Trên bát bóng được bầy hai miếng giò, hai miếng trứng tráng, hai miếng cà-rốt và miếng đậu Hòa Lan xanh ngắt.  Đấy là hai món đặc biệt khéo léo nhất của mẹ, tôi không bao giờ có đủ kiên nhẫn làm.  Thôi thì để dành hai món bóng mực tưởng tượng này để cúng bà mẹ trong tâm tưởng vậy.
 Giờ đây, tôi nhìn lên bàn thờ với ảnh bố mẹ và thầm cầu khấn trong lòng.  Chắc ông bà chẳng giận con gái đã không còn giữ tục lệ cúng lễ thức ăn dềnh dang nữa.  Hai nén hương trầm, một chậu thủy tiên, một lọ mai vàng, một cành đào cũng đủ để con thương nhớ bố mẹ vô vàn.  Ông bà không còn xa chác nhau và đang phảng phất đâu đây trong nhà tôi.

 Sáng mồng một Tết, cũng như mọi năm, ông chồng tôi mở cửa ra lấy báo và trở vào thành người xông đất.  Tôi ngủ kỹ trong chăn ấm quên thời gian, hiện tại.  Chàng phải đánh thức tôi dậy bằng cái hôn nhẹ trên trán và thì thầm:
 - Happy Tết, honey!
 À thì ra hôm nay là mùng một Tết.  Tôi chúc lại chàng nhưng vẫn lười lĩnh co ro trong chăn như con mèo ngái ngủ.
 - Này em ơi!  Tuyết xuống đầy ngoài kia, đẹp lắm!
 Như  bị điện giật, tôi ló đầu ra khỏi chăn, tỉnh như sáo:
 - Thật hả anh! Tuyết nhiều không?  Anh vén rèm cho em nhìn tuyết đi!
 Chồng tôi phá lên cười:
 - Có thế anh mới đánh thức em dậy được!
 Bị mừng hụt, tôi càu nhàu, kéo chân trùm qua đầu, định nằm mơ mộng trở lại.  Chàng ngồi xuống bên cạnh giường, lùa bàn tay nóng ấm xoa lưng tôi:
 - Anh nghĩ rằng cưng đang chờ được đấm bóp phải không?
 Tôi làm bộ giận  giỗi:
 - Hôm nay là mồng một Tết không phải April Fools’ Day đâu nhé.  Năm nào em cũng phải nhắc anh.  Người Việt chỉ nói chuyện vui, không lừa dối nhau, không giận nhau, không quét nhà, v.v...
 Chồng tôi giật mình:
 - May quá xe rác chưa tới.  Để anh chạy ra đường lấy thùng rác đem vô nhà.
 Đến lượt tôi cười rộ và nắm tay chàng:
 - Em kiêng một chút cho có vẻ Tết thôi, không kiêng đến độ giữ rác lại đâu.  Hơn nữa rác dơ của năm cũ càng nên đổ đi. Người Việt chúng tôi nói rằng, tống cựu nghinh tân đấy.
 - Oh my darling, you are so cute!  Nào, nằm ngay ngắn, duỗi thẳng chân ra, anh xoa nắn cho rồi dậy ăn pan cake.  Bàn đã dọn.  Bột đã pha rồi.
 A, ngày Tết mà lại được ăn sáng bằng pan cake thì Mỹ thiệt!  Nhưng chồng tôi đã bắt trúng ý vợ.  Cũng như nhiều người Việt hải ngoại, tôi không còn thích ăn bánh cuốn, phở hay bún riêu buổi sáng sớm nữa.  Và, trong tất cả các món ăn sáng của Mỹ, tôi thích nhất pan cake nhà làm.  Thực ra chàng đã theo cách pha crêpes suzette chứ không phải pan cake mix mua sẵn. Bánh thơm ngon, nóng hổi, cà phê bốc khói, bên ngoài trời lạnh, nắng trong, có người hầu hạ, dù không có tuyết cũng đủ tuyệt vời.
 Chồng tôi vừa định rút tay ra khỏi áo và kéo áo che lưng tôi, tội quặp vội cẳng chân chàng lại:
 - Anh quên chưa bóp những ngón chân và bả vai cho em.
 Không biết chàng nợ tôi kiếp nào mà suốt từ hai mươi năm nay, không sáng thì tối, chàng là ông thầy tẩm quất của tôi trước khi tôi ra khỏi giường hay đi ngủ.  Cái thói hư này tôi có vì một lần cũng vào ngày Tết, tôi ăn phải một miếng bánh chưng thiu trong cái nóng oi bức của Sài Gòn.  Tôi đã bị tào tháo đuổi, chân tay mình mẩy mỏi nhừ, liệt bại.  Bà bếp đã làm một màn cạo gió, thoa bóp cùng mình cho tôi.  Thế là từ đó tôi nghiện món ma túy này.  Khi rời Sài Gòn về quê chồng, tôi không còn bà bếp.  Một hôm bị cảm cúm mệt mỏi, tôi nhớ cái món đấm bóp kia, tôi đã cưỡi lên lưng ông chồng và huấn luyện chàng:
 - Này nhé, em xoa bóp cho anh như thế này anh có thích không và liệu anh có thể làm lên đầu mình và tứ chi của em được không?
 Miệng chồng tôi nói “OK” nhưng tay tôi đưa đến đâu chàng co rúm người tới đó vì nhột.  Đỡ quá, tôi không phải mệt sức làm cho chàng.  Trái lại, từ đó chồng tôi có thêm chức tẩm quất cho vợ.  Như sáng nay, chàng đã mừng tuổi cho tôi bằng một chầu massage rất đáng đồng tiền bát gạo.  Sau cùng, chàng vừa nắn rút ngón chân cho vợ vừa hát:
 - Con lợn nhỏ thứ nhất đem rác ra ngoài đường.  Con thứ hai ra cửa nhặt báo.  Con thứ ba ở nhà làm pan cake.  Con thứ tư chờ ăn pan cake.  Con thứ năm mau mau dậy ăn đi!
 Đấy là những món mừng tuổi Tết rất tầm thường, nhưng quý giá nhất, tôi mong muốn được hưởng suốt cuộc đời còn lại.

 Buổi tối cậu cả và vợ chồng cậu út ở gần bên đến ăn cơm Tết với vợ chồng tôi.  Như ngày nào, tôi vẫn cho các con mỗi người một phong bao để tiền lì xì, kể cả cô con dâu, con rể, cháu ngoại Mỹ.  Sơn từ Orlando và Hân từ Dallas đều gọi về chúc Tết ba mẹ. Xứ Hoa Kỳ rộng lớn quá, con cái như chim đủ lông, đủ cánh bay xa mịt mờ khắp phương trời tự do, tìm hiểu những vùng đất xa lạ.  Chúng cũng không bao giờ lai vãng tới cộng đồng Việt Nam dù tôi cố gắng thuyết phục.  Nếu trong phong bao lì xì, tôi không nhắc đến ngày Tết, chắc rằng các con tôi cũng không nhớ.  Đến một thuở nào đó, người ta không còn giữ được tập tục hoàn toàn Việt Nam cho con cháu sống trên đất Mỹ nữa.
 Sau khi các con tôi ra về, căn nhà trở lại vắng vẻ, lòng buồn khác thường.  Tôi cảm thấy chưa trọn vẹn một ngày Tết.  Ở nhà cha mẹ ngày xưa, kẻ tới người lui, con cháu, khách khứa đông vui ồn ào, náo nhiệt mấy tuần lễ.  Nhất là những bàn cờ bạc hào hứng không thể thiếu xót.
 Anh, chị em họp nhau chơi tam cúc say sưa.  Tướng sĩ tượng thâm bị tướng sĩ tượng hồng đè, tức tối thét lên như bị quỵt nợ.  Xe pháo mã điều đè xe pháo mã đen khoái trá cười rú lớn hơn còi tầu xe lửa qua cổng số mười đường Võ Tánh Phú Nhuận.  Tốt đỏ đè tốt đen reo hò như quân vua Quang Trung ra trận.  Tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, cả làng ngẩn tò te!...
 Chơi bất mới hồi hộp làm sao!  Ngấp nghé nặn từng quân để rồi nhị tống cửu, tiu nghỉu!  Tam tống bát té re!  Nhất ông cụ tống cửu sừng mê tơi!...
 Chơi cá ngựa đá nhau păng pắc, đá tàn bạo ngay trước cửa chuồng, đá dã man văng ra khỏi bàn, đá tiêu luôn xuống đất.  Kẻ thì hả hê, kẻ thì ấm ức tức điên người!...
 Cái trò bầu cua cá cọp cũng sôi nổi lắm.  Cả làng đặt cá, cọp.  Nhà cái lật ra tôm, gà, vơ vét tất cả.  Cả làng đặt cua, bầu.  Xúc xắc chán chê mê mỏi, nhà cái cũng ra bầu, cua bị thua sạch túi!...
 “Năm mới, năm me” làm sao quên được những chuyện vui hồn nhiên, tưng bừng trong ba ngày Tết, chúng tôi ngủ mệt...” rất dí dỏm ấy!...

 Tôi mở ngăn tìm đồ nghề bài bạc cũ.  Bộ bất, tam cúc, bầu cua cá cọp và cá ngựa tôi mang theo từ ngày tới đất Mỹ vẫn còn đây và chưa có dịp dùng tới.  Ngày nghỉ các bạn mới có thể tới hội họp cay cú nhau cho đã đời trời đất.  Tháng giêng là tháng ăn chơi!  Nhắc điện thoại lên, tôi gọi một vòng Belt Way của Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và mời bạn bè tới nhà tôi làm thịt nhau ăn Tết.   Tôi không quên nhắn các bạn mặc áo dài để chụp hình kỷ niệm hồi xuân, sống lại thời Tết trẻ trung ở Sài Gòn những năm nào.  Đã lâu lắm tôi không được mặc y phục phụ nữ Việt Nam.  Gần đây được sự khuyến khích của chị em và bạn bè rằng thân hình tôi còn yểu điệu thục nữ lắm.  Nên đánh liều tôi may một lúc mấy cái áo dài xanh xanh, đỏ đỏ như cho em nhỏ nó chơi nó mừng, vừa đỡ tiền hơn quần áo Âu Mỹ, vừa trịnh trọng, thích hợp với những ngày lễ, Tết cổ truyền Việt Nam. Cuối tuần đến, mấy chục tà áo dài tha thướt thắm tươi ồ ạt đem vào nhà tôi cái không khí tưng bừng, ồn ào của ngày Tết.  Bức tranh lụa treo trên tường, Chợ Hoa Nguyễn Huệ trước tòa thị sảnh Sài Gòn, thêm linh động, xôn xao trước sự chú ý và khen tặng của mọi người.  Tôi cảm thấy gần gụi hơn với thành phố cũ.  Chúng tôi bắt đầu với bàn tam cúc ba người, bàn cá ngựa bốn người, bàn bất sáu người.  Sau cùng, hơn hai mươi cái miệng nhao nhao đồng ca tiếng hét, tiếng hò.  Những mệt mỏi, ưu tư hay cô đơn trong đời sống đã bị bỏ ngoài xa lộ.  Tất cả mải mê châu đầu quanh bàn bầu cua cá cọp hào hứng, sôi nổi.  Ánh nét vui tươi chan hòa trên mỗi khuôn mặt rạng rỡ, dù thường ngày có người rất nghiêm trang,  ít khi đùa rỡn.  Trùm đèn thả từ trên trần muốn trao nghiêng theo tiếng cười rạn vỡ thủy tinh.  Tâm hồn tràn ngập niềm hân hoan ngày xưa thiếu nữ.
 Ngoài kia nắng hanh vàng rực sáng niềm hy vọng nhân gian.  Mùa xuân ấm áp  lại trở về...

Nguyễn Thị Ngọc Dung
(Trích trong tập truyện Một Thoáng Mây Bay)
 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003