Mar 28, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
LẠC VÀO KHUNG TRANH
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

Thông thường, mỗi Chủ Nhật, hơn 8 giờ ông xã tôi mới dậy ăn sáng và đọc báo rồi 10 hay 11 giờ đi lễ nhà thờ.  Hôm nay, mới 7 giờ chàng đã phải tung chăn dậy theo đồng hồ báo thức, và rửa mặt đánh răng ngay, không có thời giờ vuôn vai, vặn mình làm mấy cử động giãn gân, giãn cốt. 
7 giờ 15 chàng đã chỉnh tề ngồi xe lái đi nhà thờ, chẳng kịp uống ly cà phê.  Bởi tôi đã hẹn chàng 9 giờ 30 chúng tôi sẽ đi xem triển lãm Beyond The Frame tại Viện Bảo Tàng Corcoran Gallery of Art  trong Washington, D.C.  Tôi lo đến muộn sẽ phải đậu xe xa và phải xếp hàng dài vào cửa thì mất công và mệt cái thân còm.
Hơn 8 giỡ rưỡi Robert đã trở về, tôi còn uể oải lười biếng trong cái áo choàng màu hồng và lẹp xẹp đôi dép vải cùng màu.  Phòng ngủ của chúng tôi toàn màu hồng mà lị!  Cũng bởi vì bức tranh (34 x 43”)  của Họa Sĩ Nguyễn Trung treo trên tường, đầu giường ngủ.  Bức tranh mang tên Màn Hồng (1971)!  Màu hồng pastel phơn phớt của bức màn trong tranh nhẹ nhàng bay với mái tóc thề của người thiếu nữ có bộ ngực chanh cốm để trần. Tác giả bức tranh, người bạn thư từ thuở học trò xa xưa, đã tặng tôi trước khi tôi rời Sài Gòn năm 1972.  Tháng 6 năm 2000, Họa Sĩ Nguyễn Trung sang Mỹ chơi, đã cùng Họa Sĩ Đinh Cường đến nhà tôi thăm hai bức tranh của anh.  Bức thứ hai lớn hơn, có tên Thiếu Nữ Đội Khăn (1971), tôi đã mua trong triển lãm tại phòng tranh Dolce Vista của Khách Sạn Continental cách đây 32 năm.
Họa Sĩ Nguyễn Trung sinh năm 1940 tại Sóc Trăng, Từ năm 1959 đến năm 1989 Nguyễn Trung có nhiều triển lãm cá nhân và tham gia các triển lãm khác trong nước, Paris, Singapore, Tokyo, San Francisco.  Tại Sài Gòn, Nguyễn Trung được giải huy chương bạc năm 1960, và huy chương vàng năm 1963.  Họa sĩ cũng có tranh sưu tập tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, Singapore; Bảo Tàng Bassano del Grappa, Ý Đại Lợi; các sưu tập tư nhân tại Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Anh, Thụy Sĩ, Ý Đại Lợi, Gia Nã Đại...

  Trở lại buổi sáng vợ chồng tôi đi xem triển lãm Beyond The Frame.  Tôi nướng bánh ngọt và pha coffee cho hai đứa.  Robert tự làm thêm một bát oatmeal (lúa mạch) nóng với sữa.  Ngày nào chàng cũng ăn được như thế.  Tôi thì chịu, trông cái bát oatmeal như cám cho heo ăn, chẳng hấp dẫn chút nào, nhưng bổ lắm đấy các cụ ạ. 
Còn nửa giờ để sửa soạn.  Ăn sáng xong, tôi chỉ kịp nghe loáng thoáng TV nói máy thám hiểm Spirit Rover đã đáp xuống hỏa tinh sáng sớm hôm nay, lúc người miền đông còn đang say giấc nồng. Tuy nóng nảy muốn xem Spirit Rover khám phá được những gì trên hỏa tinh cho người hạ giới xem, tôi miễn cưỡng vào phòng trang điểm chút phấn hồng, son nhạt.  TV báo thời tiết hôm nay mưa phùn và sẽ lên tới hơn 60 độ F.  Mùa đông như vậy là ấm lắm đối với miền Đông Bắc Hoa Kỳ.  Tôi chọn mặc cái quần màu xám với cái áo len mềm, mỏng, màu rượu chát. Robert cũng mặc bộ quần áo len nhẹ màu xám.  Khi ra tới cửa, chàng khoác thêm cái áo blouson mỏng màu đen. 
Nhìn lên trời có vẻ âm u, nhưng phía xa ửng chút mây hồng, tôi mặc thêm cái áo khoác dạ đỏ mùa xuân và bỏ cây dù nhỏ vào ví xách.  Tôi lái xe.  Ông xã tôi chỉ đường.  Khác hẳn ngày làm việc giờ này xe nối đuôi nhau kẹt cứng, Toll Road 267 hôm nay thênh thang vắng vẻ.   Hai bên đường, cây trơ trụi lá, cỏ vàng úa khô.  Chỉ có loài thông vẫn hiên ngang xanh rờn trong băng giá mùa đông.  Vài hạt mưa lấm tấm đậu kính xe.  Nét mặt tươi rạng, Robert nhìn sang tôi đắm đuối, và bổn cũ sao lại, chàng đưa tay tôi lên môi hôn:
 “Anh rất sung sướng, chúng mình có date với nhau hôm nay.  Anh cảm thấy như ngày chúng ta mới quen nhau.  I love you, baby.”
Ông xã tôi như vậy đó, sẽ suốt đời gọi tôi baby.  Lẽ dĩ nhiên tôi cũng phải đáp lễ chàng  bằng câu:  “Me too.”  
Đã lâu, chúng tôi không đi thăm các viện bảo tàng trong D.C. vì tôi không thấy có triển lãm nào đáng chú ý, hay vì tôi bận ăn cơm nhà vác báo Cỏ Thơm, đi dự các buổi ra mắt sách, các sinh hoạt cộng đồng Việt Nam, gần như mỗi tuần, nên đôi khi quên rằng mình đang sống trong xã hội Hoa Kỳ chăng?  Chỉ một tháng đôi lần chúng tôi dung dăng, dung dẻ đi tiệm ăn, đi movie.  Chúng tôi định chiều nay đi xem phim Cold Mountain, dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng của Charles Frazier’s và do Nicole Kidman và Renée Zellweger   đóng.  Tôi thích xem những phim dựa theo một tác phẩm hay, hoặc dựa theo truyện thật.   Chúng tôi cũng định sau movie sẽ đi ăn tối tại tiệm Mỹ nào đó trong Reston Town Center gần nhà. 
Nhưng khuya hôm qua, tôi bỗng thấy trên TV nói về triển lãm Beyond the Frame, những tượng cảnh ba chiều (Paintings in three-dimensions), được tạo dựng y hệt tranh của Renoir , Monet , Manet , Van Gogh ...  Tôi hô hoán Robert chú ý vào TV  để lấy chi tiết.
Công trình tạc tượng theo tranh này là của một điêu khắc gia người Mỹ mà tôi chưa nghe ra là ai.  Người xem có thể đi vào bức tranh  sờ mó các bức tượng, có thể nằm lên giường trong The Bed Room của Vincent Van Gogh, có thể mơn trớn đôi vai nõn nà của cô nàng Olympia của Edouard Manet, hay lên tầu dự  Luncheon of the Boating Party của Pierre-Auguste Renoir.  Tượng có kích thước người thật mới hấp dẫn chứ!  Tôi đang náo nức lại giật mình nghe TV nói ngày mai, Chủ nhật 4 tháng 1 là ngày triển lãm cuối cùng.
Không một hai chi nữa, tôi quyết định rủ Robert đi xem cái triển lãm mới lạ chưa nghe, chưa thấy bao giờ, và ngay sáng hôm sau là ngày triển lãm chót. 
Hình như ai đã thích tranh, đã thích vẽ đều mê tranh ấn tượng, Impressionism, một loại tranh phát xuất từ các danh họa Pierre-Auguste Renoir, Edouard Manet, Claude Monet... cuối thế kỷ 19 của Pháp. 
Lần đầu tiên đặt chân tới Paris cách đây gần 30 năm, tôi đã đòi Robert đưa tới Viện Bảo Tàng Jeu de Paume để xem tận mắt những bức tranh thiệt của các danh họa trên và nhiều tên tuổi siêu việt khác.  Tôi đi học vẽ mấy năm, vác giá vẽ to hơn người, bước thấp bước cao với cái portefolio từ Brussels sang Bonn rồi về Virginia, cũng vì mê man những bức tranh ấn tượng có sức quyến rũ mãnh liệt.  Bây giờ, tôi đâm bổ đi lùng cái hơi hướng, màu sắc đó cũng chẳng có gì lạ.
Qua Toll Booth, trạm lộ phí, không phải ngừng trả tiền vì xe có gắn Smart Tag, thẻ tự động tính tiền như điện thoại, tôi lấy Xa Lộ 66.  Xe chạy một lèo tới Cầu Theodore Roosevelt bắc ngang Sông Potomac, vào địa phận Washington, D.C.  Bên trái, Kennedy Center, nhà hát lớn nhất vùng thủ đô, làm toàn bằng đá trắng, trang trọng tọa lạc bên bờ sông, nơi vợ chồng tôi đã tham dự nhiều buổi hòa nhạc và xem nhiều vở kịch trong đó có, Cats, Miss Saigon...   Tôi hỏi Robert:
“Gần đây anh không thấy có buổi hòa nhạc hay vở kịch nào đáng chú ý hả?”
“Ư’ ừ!  Anh không thấy gì thích cả ngoại trừ những vở kịch, những buổi trình diễn chúng mình đã coi rồi.”
Qua Watergate, địa danh tai tiếng, gắn liền với tên Tổng Thống Nixon, xe đi vào vài đường một chiều, vòng phải, vòng trái, Corcoran Museum ở góc Đường 17 và Đường New York.  Chúng tôi đi thêm hai quãng thì kiếm được chỗ đậu xe cùng phía với viện bảo tàng. Lác đác trên hè vài người đi bộ cùng hướng với chúng tôi.  Không khí thơm mát, ấm áp. Tất cả những suy nghĩ, những chương trình làm việc thường xuyên đều ra khỏi bộ óc chật chội, tôi cảm thấy khoan khoái lạ thường.  Hoa Pensees tím, vàng nở tươi tốt trong những chậu xi-măng lớn trước một công sở cổ kính cũng như những tòa nhà khác hai bên đường.  Pensees trông mong manh nhỏ bé nhưng là loài hoa có thể nở trong mùa đông của vùng thủ đô này. 
Từ xa, chúng tôi đã thấy tượng một cặp nam nữ khổng lồ ôm nhau trong dáng khiêu vũ được dựng bên ngoài viện bảo tàng.  Cặp tượng giống một tranh của Pierre-Auguste Renoir, được đặt trên một nền đá cao.  Tôi đoán cặp tượng này thuộc triển lãm Beyond The Frame.  Đến gần, đầu tôi chỉ tới chân cặp tượng mà có lẽ cao như tượng Davis bằng thạch cao trắng (có cái đùm bự toòng teng), tôi đã từng ngắm nghía kỹ lưỡng tại viện bảo tàng Florence bên Ý. 
Vừa lên khỏi bực thềm đá trắng vào viện bảo tàng, tôi đã thấy một dẫy người đang đứng chờ.  Tôi tưởng phải xếp hàng sau họ, nhưng nhân viên trật tự trong đồng phục đen trắng chỉnh tề, lịch sự đã lễ phép chào và đưa tay mời chúng tôi vào.  Hành lang bảo tàng viện thật cao, thật rộng, cột đá ngạo nghễ, trang nghiêm.  Chúng tôi mua vé  , lấy chương trình, bản đồ khu triển lãm và theo bảng chỉ dẫn lên lầu.  Bậc thang và tường đều bằng cẩm thạch trắng, mát rượi, sáng sủa ánh sáng thiên nhiên từ mái kính trên cao tỏa xuống.  Tôi chợt nhớ tới những bậc thang tối tăm, chật hẹp của Viện Bảo Tàng Louvre ở Paris, khai òm những mùi xú uế.  Không biết bây giờ còn vậy không?
Đọc qua chương trình, tôi được biết triển lãm Beyond The Frame là của J. Seward Johnson, Jr.   Ngoài cái tên, tôi chưa có tài liệu về tiểu sử của nhà điêu khắc.  Nhưng từ từ, hạ hồi tôi sẽ đọc và viết lại hầu quí vị.
Tượng cảnh đầu tiên chúng tôi được xem là On Poppied Hill  của J. Seward Johnson, Jr. dựng theo hai bức tranh mang tên Woman With a Parasol (1875) và Poppy Field at Argenteuil (1873) của Claude Monet.  Tượng là hình ảnh bà vợ Monet trong mấy lớp xiêm y màu xanh nhạt, đội mũ rộng vành, mặt che voan mỏng, tay giương cây dù và đứng trên ngọn đồi cỏ xanh, rực rỡ hoa Poppies đỏ, lưa thưa hoa tím, hoa vàng.  Thấp bên chân bà là cậu con trai đội mũ và mặc bộ đồ chẽn màu gần giống màu váy áo của bà mẹ. 
Thuở xưa, phụ nữ quí tộc luôn luôn che dù, giữ làn da mịn màng, trắng hồng.  Nếu không bắt buộc, đàn bà không giãi nắng, dầm mưa sợ mất vẻ đẹp quý phái.  Không như bây giờ, người ta nướng da dưới mặt trời, dưới ánh đèn nhân tạo, hành hạ da đến cái độ làm cho da bị ung thư.
Trong tranh Woman With a Parasol, Claude Monet vẽ cận gần cả thân hình bà vợ che dù và cậu con trai trên đồi cỏ không hoa Poppies. Trong tranh Poppies at Argenteuil, Monet vẽ hình ảnh vợ con xa xa trên đồi hoa Poppies mênh mông đỏ.  Nhà điêu khắc J. Seward Johnson, Jr. không thể bỏ qua hoa Poppies nên đã cho hoa đỏ vào tượng cảnh On Poppied Hill của ông.
Tôi chú ý và biết tới loại hoa đỏ này từ khi được xem tranh Monet tại viện bảo tàng Paris và đọc bài thơ “In Flanders Fields”   trên báo Stars and Stripes của Quân Đội Hoa Kỳ khi tôi ở Bỉ.  Bài thơ  viết lên lời các linh hồn tử trận trên những cánh đồng Poppies màu đỏ máu. 
In Flanders fields the poppies blow
Between the crosses, row on row 
...
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields.

Robert đã đưa tôi đi Normandy, Pháp Quốc, và Bastogne, Vương Quốc Bỉ vào những mùa xuân để viếng Nghĩa Trang Chiến Sĩ Hoa Kỳ tử trận trong thế chiến thứ hai.  Hình như linh hồn người tử trận còn phảng phất trên cánh đồng Poppies đã từng loang máu đỏ của họ.  Tôi ngậm ngùi chạnh nghĩ đến những thân người đã gục ngã trên chiến trường miền Nam bên trời quê hương mình. 
Tượng phẩm của Điêu Khắc Gia J. Seward Johnson, Jr.  được đúc bằng đồng, được sơn vẽ giống hệt như những bức tranh nguyên thủy.  Trong tranh Claude Monet, cỏ che chân người đàn bà và đứa bé.  Người ta chỉ nhìn thấy bề mặt bức tranh.  Trong tượng cảnh, Johnson, Jr. phải đúc tượng với
toàn thể chiều cao thân hình, váy áo, mũ, khăn, dù.  Vạch cỏ ra, người ta sẽ nhìn đôi chân mang giầy của Bà Monet...
Khách thưởng lãm đi xung quanh nhìn ngắm được từng chi tiết cả bốn phía.  Điểm tài tình làm tôi sững sờ, thở hắt ra, là mảnh voan che mặt Bà Monet, trông thật mỏng, thật nhẹ, và như đang bay theo chiều gió.
Sau Poppied Hill, chúng tôi lên lầu coi phẩm tượng Oriental Fan của Johnson, Jr. đúc và sơn theo tranh La Japonaise (1876) của Claude Monet vẽ Camille, bà vợ ông trong áo kimono gấm thêu màu đỏ và đang múa quạt.  Các chi tiết tỉ mỉ và màu sắc của áo, tóc, quạt, sàn, tường được giữ rất trung thành với tranh. Tuy nhiên, sàn, tường bị giới hạn, và nhiều hình quạt treo trên tường, hay nằm trên sàn và bị cắt bởi khung tranh Monet.  Trong tượng phẩm, Johnson, Jr. phải làm tường và sàn cao, dài rộng hơn,  và tất cả những cái quạt đều có hình nguyên vẹn.  Khi người thưởng lãm bước qua bên tay trái của tượng thì được nhìn thấy tấm áo kimono mở rộng để hở đôi cẳng chân trần, trắng muốt của tượng mà trong tranh Claude Monet người ta chỉ thấy tấm kimono che kín người mẫu.  Trí tưởng tượng của nhà điêu khắc Johnson rất phong phú.
Qua tượng Camille múa quạt, chúng tôi đi vào căn phòng ấm cúng dưới ánh đèn lu mờ của cô nàng Olympia với y phục Eva, phô bầy tấm thân hấp dẫn, nõn nà trên giường phủ khăn gấm thêu, tua vàng mà J. Seward Johnson, Jr. đặt tên là Confrontational Vulnerability, được đúc vẽ theo bức tranh Olympia (1863) của Edouard Manet.  Bức tranh này là một cuộc cách mạng tai tiếng thời đó, vì  Manet đã ngang nhiên phô bầy thân hình Olympia trần như nhộng.  Ở tượng phẩm, đôi gò bồng đảo của nàng căng đầy với điểm nhũ hoa tươi hồng.  Bàn tay trái của nàng đặt trên phần kín đáo dưới bụng.  Chân trái xỏ trong chiếc dép cao gót và vắt chéo qua chân mặt tuột ra khỏi chiếc dép kia nằm trên nệm. 
 Người thưởng ngoạn có quyền sờ mó tấm thân ngà ngọc của Olympia.  Nhưng không ai lúc ấy làm việc đó mà chỉ chụp hình nàng lia lịa với cả flash.  Đó là điều trái ngược khi người ta xem tranh ở những triển lãm khác.  Một bông hồng được cài bên trái mái tóc màu hạt dẻ xõa vai Olympia.  Nàng đeo hoa tai hạt trai và cái cổ ba ngấn được thắt dây nơ nhung đen với một hạt trai hình giọt nước.  Cườm tay đeo vòng vàng, với hạt đá đen.   Đôi môi cong chúm chím cười.   Đôi mắt mở rộng như nhìn người bước vào phòng.  Dưới chân nàng, con mèo đen cong cái đuôi dài, trợn tròn đôi mắt sáng quắc như đe dọa người khách đang tiến lại gần.  Bên trái cái giường, người nữ nô tì mập mạp, da đồng đen, đang khúm núm dâng nữ chủ nhân một bó hoa trắng, tím, đỏ, chắc là của kẻ ái mộ Olympia.  Bàn ghế trong phòng theo kiểu Louis XV mà khách vào xem có thể ngồi nghỉ chân... Tường treo màn nhung xanh đậm, có mảng là gỗ mun đỏ, có mảng được vẽ như  giấy hoa, màu sắc tiệp với hậu cảnh nâu đỏ trong tranh của Edouard Manet.
Trên sàn trải thảm Trung Đông.  Cửa ra vào treo mành mành bằng hạt thủy tinh màu đỏ, đen, vàng làm cho căn phòng của người đẹp thêm phần huyền ảo.  Khung tranh Olympia của Manet bị cắt ở một góc cái giường, một góc cái gối, và một phần tua khăn giải giường, người ta không nhìn thấy chân giường và gầm giường.  Nhưng tượng phẩm Confrontational Vulnerability của J. Seward Johnson, Jr. cho người ta thấy tất cả các chi tiết đó và có thể đi xung quanh cái giường, đi sau lưng người nữ tì phục phịch trong bộ áo, váy mấy lớp rộng thùng thình.  Khách thưởng lãm có thể đứng sau Olympia và ghé gần nàng xem bông hoa gắn trên tóc nàng là hoa gì.  Tôi đoán là hoa trà màu đỏ.  Madame au Camélia Rouge chăng? 
Ánh sáng từ chùm đèn pha lê trên trần tỏa xuống tấm thân ngà ngọc, ngồn ngộn, trắng muốt. Có ai thèm thuồng, khao khát cái chi chi... không nhỉ? 
Ra khỏi phòng Olympia, tôi hỏi nhỏ Robert:
“Nhìn cô nàng Olympia, anh có hứng gì không?”
“Anh không có hứng với tượng.”  Robert đỏ mặt trả lời và bóp chặt bàn tay trái của tôi.  Cái nhẫn cấn vào ngón tay làm tôi đau điếng và kêu lên oai oái, chàng mới chịu buông tay tôi.
Tôi không mang theo máy hình để chụp ảnh, cũng không nhớ được hết những lời chú thích gắn trên tường của từng tác phẩm.  Tôi bảo Robert ngồi xuống một cái ghế, giữ cho tôi cái áo khoác, tôi đi như bay xuống tiệm bán hàng kỷ niệm, mua một cái disposal camera và một quyển catalogue của triển lãm Beyond The Frame.  Tôi lo khi xem xong mới mua sách thì hết tiêu mất.  Nhưng cô bán hàng nói họ có nhiều lắm.
Sau khi có những thứ cần dùng trong tay, tôi lại đi như gió lên lầu rồi cùng Robert vào thăm tượng cảnh If It Were Time   với những bức tượng của J. Seward Johnson, Jr. dựa theo tranh The Terrace at Sainte-Adresse (1866-1867) của Claude Monet.
Trên lối vào cao 5, 7 bậc, tựa tay trên lan can, chúng tôi nhìn xuống khu vườn hoa đỏ rực rỡ của nhà bà cô Họa Sĩ Monet trông ra bờ Biển Normandy.  Biển được vẽ phóng trên vải bố, cao lên tận trần và rộng cả chiều ngang của căn phòng lớn.  Người ta có cảm tưởng thực sự nhìn ra đại dương sóng nước mênh mông, lênh đênh vài cánh thuyền buồm trắng.  Xa xa cuối chân trời, những con tầu nhả khói  xám trên nền trời xanh, mây trắng cuồn cuộn bay.  Bỗng tôi giật mình nhìn sang người bên cạnh.  Ông ta mặc bộ đồ đen, thắt nơ đen, đội mũ đen, râu quai nón đen rậm, tay cầm palette sơn màu và cọ vẽ, mắt nhìn ra biển.  “Ah, Mr. Monet.  How are you?  I like your painting.  Do you know that?”
 Vâng, thưa đó là tượng Claude Monet do Nhà Điêu Khắc J. Seward Jonhson, Jr. tạo dựng bên ngoài cảnh If It Were Time.  Vài khách thăm viếng vừa bước vào, nghe tôi chào và vỗ vai “Ông Monet”, họ cũng bật cười.   Một máy thu phát hình màu đặt phía dưới lan can cho thấy trên màn ảnh nhỏ du khách đang đi dạo dưới vườn có cột cờ Pháp ba màu xanh, trắng, đỏ.  Người ta thay phiên nhau chụp hình với các tượng phẩm được giới thiệu có life-size, kích thước người thật.  Nhưng xem ra khách thưởng lãm cao lớn vẫn nhỏ hơn tượng. 
Chúng tôi chụp vài cảnh từ lan can rồi đi xuống vườn.  Các bức tượng trông như người thật, người ta được phép sờ mó tự do.  Một cậu bé giật mình đánh thót khi nắm phải tay một bà du khách ngồi trên cái ghế bên cạnh tượng ông thân sinh của Monet.  Cậu bé tưởng bà du khách cũng là một bức tượng.  Ông cụ Monet râu dài, đội mũ rơm, ngồi sưởi nắng trong vườn, cái cane dựng bên cạnh.  Tôi chụp cho Robert một tấm hình ngồi trên cái ghế trống cạnh bức tượng người đàn ngồi bà che dù trắng, bên tay trái ông già Monet.   Có thể đó là bà cô của họa sĩ.
Robert chụp tôi đứng giữa hai bức tượng nam nữ trẻ đang thủ thỉ với nhau, lưng quay ra biển. Với disposal camera, chúng tôi chỉ nghịch ngợm chụp hình kỷ niệm chơi, chứ không thể nào lấy được cảnh vừa ý.  Nhưng yên trí lớn, tôi đã có nhiều hình ảnh đẹp nhất và rõ nhất của Beyond The Frame trong quyển Catalogue để nghiền ngẫm sau này.
Rời khỏi If It Were Time, chúng tôi đi vào khu vườn Family Secret  của J. Seward Johnson, Jr., được tác dựng theo tranh Two Sisters (1881) của Pierre-Auguste Renoir.   Tượng phẩm là một thiếu nữ trẻ và cô bé em ngồi ngoài vườn, trước cái bàn nhỏ và cái giỏ đựng những cuộn len nhiều màu.   Thiếu nữ đội mũ đỏ, mặc xiêm y xanh dương, đeo bao tay xám nhạt, ôm cái ví đen trên đùi.  Trong ví có một tấm giấy in bức tranh nào đó.  Cô bé đội mũ xanh rộng vành gắn hoa tím, vàng, đỏ.
 Trong tranh Renoir, người ta chỉ được nhìn thấy một phần cảnh vật xung quanh hai chị em.  Trong tượng cảnh của Johnson, Jr. người ta nhìn thấy toàn thể hai cái ghế họ ngồi, chân để dưới bàn.  Cái thùng gỗ nguyên vẹn dựa vào hàng rào sắt chạy dài sau lưng họï.  Một khoảng trời xanh, cây lá ửng nắng và mặt hồ xa xa phía sau vườn.   Hậu cảnh của tranh Renoir được  phóng rộng lớn trên nhiều tấm canvas ghép lại.  Nét vẽ, màu sơn trên tượng, trên tranh đằng sau tượng được giữ rất trung thành với nền tranh của Pierre-Auguste Renoir.   Không nhà họa sĩ và điêu khắc nào có thể đúc vẽ giống tranh thật hơn thế được.
Robert chụp cho tôi một tấm hình đứng đằng sau tượng.  Hình như Ngọc Dung nghe lén được Hai Chị Em nhà kia đang chia sẻ sự  bí mật của họ:  “Khi cô  bé em đi học về, được chàng công tử con ông thị trưởng nhờ đưa lá thư tỏ tình cho cô chị.  Chàng viết rằng chủ nhật này chàng sẽ đi nghe hòa nhạc Mozart ở nhà thờ Đức Bà.  Chàng khẩn khoản muốn nàng cùng đi.   Chàng sẽ đợi nàng lúc 1 giờ chiều tại công viên gần nhà nàng.   Cô chị bàn, hai chị em giả bộ xin phép cha mẹ ra công viên dạo chơi, rồi cùng lên xe ngựa của chàng...”  Tôi có biết một cô bé 16 tuổi cũng dám nói dối cha mẹ để đi chơi lén với bạn trai trong quyển hồi ký Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương đấy quý vị ạ!
Tiếp tới là bức tượng Follow Me  được J. Seward Johnson, Jr. đúc vẽ theo tranh The Fifer (1866) của Edouard Manet.  The Fifer đã bị phòng triển lãm thời đó từ chối.  Bởi vì Manet đã vẽ rất thực một cậu bé lôi thôi lếch thếch, thổi sáo trong thời chiến tranh.  Cậu đội mũ chào mào chỏm đỏ, tua vàng.  Cái áo blouson da đen, khuy đồng, quần dạ đỏ dài, rộng thùng thình.  Cái dây da màu trắng, to tổ bố, đeo cây sáo lòng thòng.  Đôi vớ loi thoi lòi ra ngoài đôi giầy quá khổ.  Có lẽ nhà buôn tranh thấy cậu bé thổi sáo chẳng có vẻ gì đẹp mắt cho một bức tranh trưng bầy trong các dinh thự của giới thượng lưu.  Nhưng Manet đã vẽ nghệ thuật vị nhân sinh, theo sự thật những gì ông nhìn thấy và vì lòng thương xót cậu bé vô gia cư, lang thang trên đường phố.  Cậu đã kiếm ở đâu ra được bộ quần áo, giầy vớ của người lớn và mặc vào để làm nghề thổi sáo dạo, độ nhật trong cảnh nghèo đói như chính các họa sĩ thời đó chăng?
  Vị nghệ thuật,  người nghệ sĩ thường thích gì vẽ đó, viết đó, không chiều theo thị hiếu xã hội, không màng tới dư luận và hậu quả có thể trái ý, Johnson Jr. đã đúc vẽ The Fifer với cái tên dễ thương Follow Me và mong rằng người đời sẽ đi theo và hiểu được The Fifer của Manet để thưởng lãm, để chia sẻ những kinh nghiệm đau thương của nhà danh họa này.
Không xa bức tượng Follow Me là bức Landlady, được nhà điêu khắc J. Seward Johnson, Jr. đúc vẽ theo bức tranh L’Arlésienne: Madame Josheph-Michel Ginoux (1888) của danh họa Vincent Van Gogh.  Johnson, Jr. đã làm sống lại người mẫu của Van Gogh và lột tả được cái nét cay nghiệt và u tối của bà chủ cho thuê nhà, trong bộ xiêm y đen xịt, ngồi trước cái bàn đen xì với mấy quyển sổ nợ đòi tiền dân “ABC” không có nhà đi ở thuê như người họa sĩ nghèo tận mạng.  Đằng  sau tượng phẩm là vách tường với những ván gỗ ghép sơn màu vàng chói đối chọi với màu đen của tấm khăn dải bàn và màu đen của tóc áo Landlady.  Sàn nhà cùng màu vàng với tường.  Johnson, Jr. đã làm cả cái ghế cho bà chủ nhà ngồi, và nguyên vẹn cái bàn với khăn trải, nhưng dĩ nhiên tất cả đều bằng sắt và sơn giống như thiệt.  Thuở tối tăm đó, không ai thèm chú ý tới tranh của Van Gogh bởi vì những đề tài hắc ám, tuyệt vọng ấy.  Nhưng Johnson cũng như những người hiểu được giá trị nghệ thuật tranh Van Gogh sau này, đã đúc vẽ tượng phẩm để vinh danh nhà danh họa, mà ngày nay có bức tranh của ông trị giá gần trăm triệu Mỹ kim.
Từ biệt Landlady, chúng tôi sang dự Déjeuner Déjà Vu của J. Seward Johnson, Jr. dựng theo Le Déjeuner sur l’herbe (1863) của Edouard Manet.  Một lần nữa, Manet lại đem một người mẫu phụ nữ không quần áo ra trưng bày trước công chúng.  Nhưng lần này bạo phổi hơn, ông cho nàng ngồi thỗn thện, trắng hếu ngay trên bãi cỏ, giữa thanh thiên bạch nhật.  Nàng pinic với hai người đàn ông có thể là Manet và người bạn trong y phục mùa đông ấm áp dầy cộm.   Có lẽ người nghệ sĩ muốn cho khách thưởng lãm tranh thấy đầu óc tưởng tượng phong phú của ông về thân hình đích thực của người đàn bà bên trong lớp váy áo chăng?   Xiêm váy của nàng đặt bên cạnh giỏ trái cây, bánh mì và chai rượu.  Sự đàm tiếu lại nổi lên rầm rầm.  Cũng cùng một lý do như The Fifer, bức tranh này của ông bị phòng tranh từ chối triển lãm.  Manet đã trả lời sự phản đối rằng:  “Triển lãm là tìm bạn và đồng minh để tranh đấu.”
Gần thế kỷ rưỡi sau, bên trời Mỹ Quốc, nhà điêu khắc J. Seward Johnson, Jr. rất ngưỡng mộ tư tưởng hồn nhiên, bất cần đời ấy của Manet.  Johnson Jr. muốn cảm ơn Manet đã cho chúng ta thưởng thức Le Déjeuner sur L’herbe rất ngon miệng và hấp dẫn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.  Vì thế ông đã thực hiện bức tranh đó thành tượng phẩm.  Johnson, Jr.  cố tình làm đôi mắt lôi cuốn của người đàn bà nhìn thẳng vào khách thưởng ngoạn từ bất cứ góc cạnh nào trước tượng phẩm.  
Nhất định là tôi phục điên đảo nghệ thuật của cả họa sĩ lẫn điêu khắc gia.  Nhưng tôi chẳng thấy người mẫu phụ nữ hấp dẫn chút nào.  Tôi tự hỏi, giá Ông Manet đừng vẽ ngực nàng xệ, bụng nàng gấp hai ngấn to, lưng nàng đừng còng còng, cổ nàng đừng có mấy lằn nếp thì sướng con mắt biết bao?  Họa sĩ không sửa sang sắc đẹp cho nàng nên ông điêu khắc cũng giữ nguyên những nét thiếu mỹ cảm.  Có lẽ sự suy nghĩ của phái nữ khác phái nam chăng?  Thế là hình dáng nàng sẽ đời đời như vậy.  Trong khi đó, hai người đàn ông ngồi với nàng đều mặc mấy lần quần áo dầy cộm, ấm áp.  Ông nào cũng râu quai nón rậm rạp, kiểu râu Abraham Lincohn, ông Tổng Thống Mỹ bị ám sát chết trước đó hai năm (1865), vì bênh vực người da đen và nhất quyết bãi bỏ chế độ nô lệ ở miền Nam.
Hậu cảnh  của Déjeuner Déjà Vu là nền tranh Le Déjeuner sur l’herbe với một phụ nữ đang vén váy rửa chân bên hồ, được phóng rộng như một bức tranh lớn thứ hai dựng phía sau và cách tượng phẩm vài bước.  Khoảng cách này cho phép tôi bước vào tranh ba chiều của Johnson Jr.  và  đứng sau người đàn ông đội mũ tay cầm cane, đối diện với người đàn bà “chuổng cời”.
Tôi ra hiệu cho Robert chụp nhanh một cái hình, rồi đi vội ra khỏi cảnh trí, vì không muốn thiên hạ chụp cả tôi trong hình của họ. Đã xem nhiều tượng từ phòng này qua phòng khác mà tôi vẫn háo hức nắm tay Robert đi nhanh sang phòng kế bên.  Tôi vừa muốn xem kỹ vừa muốn xem nhanh và bồn chồn biết rằng triển lãm còn nhiều tượng phẩm hấp dẫn lắm.   

Tượng phẩm tiếp theo đó của J. Seward Johnson, Jr. là Sailing the Seine  được đúc vẽ theo bức tranh Argenteuil (1874)  của Edouard Manet.  Tượng cảnh là một cặp tình nhân ngồi trên  ghế gỗ dài bên bến sông.  Người đàn ông  to lớn khỏe mạnh, nước da nâu hồng, đội mũ rơm.  Anh ta ngồi rất sát và âu yếm nhìn người đàn bà đẫy đà.  Tay trái chàng thủy thủ đặt trên đùi với cây dù của nàng.  Người đàn bà đội mũ kết nơ lớn, khuôn mặt bầu bĩnh, mũi thon, môi mỉm, đôi mắt lim dim như đang lắng nghe lời mật ngọt. 
Trong tranh Manet, người ta không nhìn được toàn thể bộ váy của người đàn bà và đôi bàn chân mang giầy trắng, dây đỏ của người đàn ông.  Nhưng trong tượng phẩm, Johnson, Jr. đã phải đúc vẽ thêm những chi tiết đó kể cả cánh tay mặt rắn chắc của người thủy thủ ôm hờ lưng người tình.  Nhà điêu khắc cũng bầy đặt hoa và nơ lụa trên mái tóc chải lọn ôm gáy của người đàn bà. Phía sau tượng là tranh phong cảnh tầu, thuyền dừng bến sông.  Robert ngồi xuống phần ghế trống bên cạnh người đàn bà và ra hiệu cho tôi chụp hình.  Nếu không có tượng người đàn ông, trông Robert giống tình nhân của người đàn bà trong cảnh.  Tượng được đúc vẽ linh động như người thật.
Từ bến “Sông Seine của Johnson, Jr.” chúng tôi ghé vào Chez le Père Lathuille tại Clichy, nơi Edouard Manet thường lui tới và vẽ bức tranh mang cùng tên.  J. Seward Johnson, Jr. đã dựa theo bức tranh này và đúc vẽ thành tượng phẩm mang tên Eye of the Beholder (1997).   Tượng trong cảnh là đôi trai gái ngồi bên nhau trong tiệm ăn.  Lẽ dĩ nhiên Johnson, Jr. phải đúc nguyên cả người với tóc, áo, váy, quần, chân giầy của họ dưới gầm bàn mà trong tranh của Manet ta chỉ thấy có nửa người. Bàn ghế, khăn trải bàn, bình hoa, bánh mì, bơ, fromage và chai champagne  cũng đều bằng đồng, và được sơn vẽ trung thực với tranh Manet.  Người thanh niên để ria ngắn, tay mặt đặt trên bàn, tay trái quàng qua lưng ghế người phụ nữ.  Đôi mắt chàng đắm đuối thiết tha thôi miên người đối diện. Nhưng nàng nhìn xuống, không dám chạm ánh mắt thôi miên ấy.  Đó là tại sao Johnson, Jr. có cái tên Eye Of Beholder cho tượng phẩm của ông.  
Ấy, chút nữa thì quên, trong tượng phẩm còn có thêm một nhân vật nữa là người tiếp đãi viên để râu quai nón, mặc áo vest  đen, sơ-mi trắng, nơ cổ màu đen,  mang tablier trắng, tay cầm bình cà-phê, nách kẹp cái khăn lau ly chén.  Ông ta đứng cách bàn của đôi trai gái vài bước và chăm chú nhìn đôi người hò hẹn.  Vài cái bàn trải khăn trắng, ghế gỗ đỏ được đặt xung quanh bàn của cặp tượng.  Nền tranh Manet được phóng lớn làm cảnh xung quanh tượng. 
Tượng phẩm này được một tiệm ăn bên Ý mượn và để giữa các bàn thực khách.  Nhìn thoáng qua, người ta không nhận ra người hay tượng.
Từ Chez le Père Lathuile chúng tôi đi vào Nhà Kiếng Mùa Đông của Manet (In the Conservatory, 1879).    Chúng tôi lại được gặp một cặp nam nữ khác của J. Seward Johnson, Jr. đúc vẽ:  A Thought to Consider  theo tranh  Manet. Trong nhà kiếng trồng hoa rực rỡ, lá xanh tươi, người đàn bà trẻ, ngồi thẳng ngay trên băng ghế sắt dài, dáng quý phái, thanh tú trong bộ xiêm y màu xám, mũ len, bàn tay mặt đeo bao tay và cầm cây dù cụp màu ngà đặt trên đùi, bàn tay trái để trần đặt lên thành ghế sắt;   người đàn ông trung niên đứng khom người bên cạnh và đằng sau người đàn bà, đôi cánh tay khoanh tròn, tì trên thành ghế gần bàn tay để trần của người đàn bà.  Người đàn ông nghiêng bộ râu quai nón rậm về phía nàng như đang nói chuyện, nhưng không nhìn nàng mà nhìn xuống bộ váy bóng lộn của nàng.  Người đàn bà nét mặt nghiêm trang, không nhìn người bên cạnh, nhưng có vẻ như đang lắng nghe chàng nói.   Phải chăng đó là ý nghĩa tượng phẩm của  Johnson, Jr. ,  A thought to consider?

Một bức tranh nổi tiếng, The Bedroom (1889) Vincent Van Gogh vẽ một năm trước khi chết, cũng được J. Seward Johnson, Jr. dựng lại với tiêu đề Welcome Home, như để tặng Van Gogh một mái nhà mà suốt cuộc đời nghèo khó, người họa sĩ chưa bao giờ  làm chủ.   Johnson dựng lại căn phòng ngủ đầy màu vàng tươi rói, màu nắng ấm của miền Nam Nước Pháp, để mời Van Gogh trở lại, cùng nhà điêu khắc mơ những giấc mơ xưa mà danh họa không được hưởng lúc sinh thời và mơ giấc mơ ngày nay Beyond The Frame mà Johnson đang theo đuổi.   Trong căn phòng có cái giường gỗ thông màu vàng chói, cái mắc ở đầu giường treo áo, mũ, ca-vạt., một cái khăn lông treo trên tường.  Trên cái bàn sơn đỏ có bình nước uống, chậu rửa mặt, một bình không hoa, hai lọ thuốc, đĩa xà-vông, ly uống nước, một bàn chải lớn, loại dùng để cọ nhà bây giờ.  Không lẽ Van Gogh dùng nó để chải quần áo, chải râu tóc hay kỳ cọ thân thể?   Cửa sổ trước bàn rửa mặt chan hòa ánh nắng.   Xin nhắc lại rằng những đồ vật kể trên vẫn là sculpture, cũng như  sàn gỗ,  ba cửa ra vào, và ba mảnh tường quanh phòng đều được đúc bằng đồng và được sơn vẽ cùng màu sắc với tranh Van Gogh, trừ cái mền, cái nệm giường và đôi gối là thứ thiệt.  Người xem có thể xờ mó những vật đó để tìm cảm xúc với ngườiø họa sĩ  đã về bên kia thế giới từ 114 năm qua và cảm thông với điêu khắc gia hiện đại.  Trong thời gian thực hiện công trình tượng phẩm ba chiều Beyond The Frame, Johnson thường nghỉ trưa trên giường Van Gogh.  Ông có đôi dép luôn luôn  để trong ngăn kéo bàn trong căn phòng ngủ đó. 
Có khách thưởng lãm nằm trên giường để chụp hình kỷ niệm.  Robert  ngồi xuống cái ghế bên đầu giường để nghỉ chân.  Cái ghế trông như ghế mây nhưng thực ra cũng được đúc bằng đồng và sơn vẽ rất trung thành với cái ghế trong tranh Van Gogh.  Ông xã tôi ngoắc tay ra hiệu cho tôi chụp hình.  Tôi ngồi xuống một ghế khác, hướng máy về phía Robert và chụp.
Người đời đã ngưỡng mộ, đã bái phục Vincent Van Gogh sau khi ông chết trong nghèo khó, bệnh tật và tuyệt vọng.  Tranh của ông trị giá gần trăm triệu ngày nay, nhưng sao tôi vẫn ngậm ngùi khi ra khỏi “căn phòng Van Gogh”!
Whispering Close của J. Seward Johnson, Jr. là tượng phẩm đúc vẽ theo bức tranh Dance in the City (1883)  của Pierre-Auguste  Renoir.  Một cặp trai gái trẻ trung, quý phái, dịu dàng ôm sát nhau, vai kề vai, má kề má.  Nàng mặc bộ xiêm y satin dài xếp gấp nhiều nếp.  Người ta có thể đi xung quanh tượng để nhìn thấy phần trên của bộ xiêm y hở cổ, hở lưng và cánh tay trần nuột nà.  Đôi bao tay màu trắng, dài tới khuỷu.  Đôi giầy cùng màu áo.  Chàng mặc bộ tuxedo đuôi tôm màu đen, áo sơ-mi trắng cổ cao, thắt nơ  trắng, bao tay trắng.  Cánh tay mặt của chàng ôm gọn eo lưng nàng, bàn tay trái nắm tay nàng đưa ngang.  Hai người trong tư thế luân vũ.   Gấu váy nàng quét lê trên sàn gỗ bóng.  Đuôi áo chàng tung bay.  Tranh đằng sau tượng phẩm vẽ phong cảnh tường, cột đá trắng, hoa lá cành trong một tòa lâu đài hay dinh thự sang trọng.  Tiêu đề Whispering Close đã nói lên những nét dễ thương của tượng phẩm. Tôi chợt nghĩ tới những chuyện thần tiên, hoàng tử và công chúa một thời trẻ thơ mơ mộng đầu đời.  Hình  như thực tế hiện tại đã biến mất trong khoảnh khắc phù du.
Tượng phẩm A Turn of the Century của J. Seward Johnson, Jr. được cấu tạo theo bức tranh Dance at Bougival (1883) của Pierre-Auguste Renoir.  Cặp tượng phẩm này cũng giống hệt cặp tượng khổng lồ, cao 20 feet được đặt bên ngoài Viện Bảo Tàng Corcoran trong suốt thời gian triển lãm Beyond The Frame, chỉ khác cặp tượng bên trong cao lớn bằng người thiệt mà thôi.   Vì quá vĩ đại nên cặp tượng khổng lồ đã được đúc làm ba khúc và đặt lên nhau để di chuyển dễ dàng hơn.
Cái tiêu đề A Turn of the Century của J. Seward Johnson, Jr. muốn nói lên rằng luân vũ không còn chỉ dành riêng cho giới quý tộc trong triều đình, trong lâu đài quyền quý.  Luân vũ đã xâm nhập quán rượu bình dân như cặp nam nữ thường phục, ôm nhau nhảy trong bức tranh của Pierre- Auguste Renoir mà Johnson, Jr. đúc dựng lại rất sống động.   Người nam đội mũ rơm, đắm đuối nhìn người nữ như muốn trao nụ hôn.  Nàng đội mũ vải màu đỏ gắn chùm nho, tay để trần, cái nhẫn kim cương (?) lóng lánh trên ngón tay trái giáp út.  Nàng nghiêng người ra xa như né tránh, nhưng đôi mắt khép hờ như đợi chờ... Có người thưởng ngoạn nào cảm thấy thân thể bừng bừng nóng như đang ôm ấp hỏa diệm sơn hay rạo rực trong vòng tay ai thuở nào không?
Tượng phẩm Time For Fun của J. Seward Johnson, Jr. được đúc vẽ theo bức tranh Dance in the Country của Pierre-Auguste Renoir (1883).  Cảnh trí cũng trong một quán rượu.  Cặp trai gái có vẻ say mê, ôm nhau xoay tít thò lò.  Cái mũ cói của chàng rớt trên sàn.  Chàng mặc bộ complet xậm, áo sơ-mi trắng, thắt cà-vạt.  Nàng đội mũ vải đỏ, vành rộng, khuôn mặt bầu bĩnh, thân hình tròn lẳn, tay mang bao da, cái quạt xòe trong bàn tay phải.  Nét vẽ thể hiện vẻ ngốt ngát nóng bức pha chút mệt phờ trên hai khuôn mặt kề sát nhau, nhưng bước chân họ như vẫn nhảy chết thôi theo điệu vũ, quên trời bỏ đất.  Hình như những bước khiêu vũ lả lướt quấn quít theo âm thanh vi vút xoay tròn thoát ra từ cặp tượng sống động này.
Rời cảnh ngốt ngát trước điệu vũ quay cuồng của đôi nam nữ trên, chúng tôi bước sang La Promenade thênh thang, mát mẻ, mưa giăng tím mờ của J. Seward Johnson, Jr. được dựng theo bức tranh Paris Street:  A Rainy Day (1887) của Gustave Caillebotte . Nhà điêu khắc đúc vẽ một cặp nam nữ trong y phục mùa thu, khoác tay nhau che ô đen rộng, đi trên một ngã đường phố lát đá cổ.  Có lẽ trời mưa phùn, nên không nhìn thấy giọt mưa mà chỉ thấy người ngựa như đi trong sương mờ.  Quang cảnh Paris này sao có vẻ quen thuộc,  giống ngã tư trước nhà Godard, Phố Tràng Tiền Hà Nội thuở nào.
Cũng có thể vì tôi du lịch Paris nhiều lần trước kia và đã gặp những ngày mưa, trời mây u ám nhiều hơn nắng. Đông đảo du khách chụp hình kỷ niệm với tượng phẩm. Tôi vừa đứng dưới ô của đôi nam nữ Parisien khoác tay nhau để Robert chụp hình, một bà du khách đề nghị chụp cho cả hai chúng tôi.  Sau khi được chụp và cảm ơn bà ta, Robert bảo tôi dương dù lên chụp thêm một cái nữa.  Nhưng tôi không muốn dù che lấp cảnh Paris, nên chỉ đứng ở một góc tượng cảnh với đầu trần mà khi lên ảnh giống như tôi đang lang thang dưới mưa bụi Paris.
Một tượng phẩm làm tôi không ngừng tấm tắc khâm phục J. Seward Johnson, Jr. là Were You Invited?   dựa theo tranh Luncheon of the Boating Party (1880-1881) của Pierre-Auguste  Renoir.  Tôi không được mời nhưng cứ lên thuyền dự party và thầm ngưỡng mộ tài nghệ có một không hai của nhà điêu khắc.  Trong tranh, Renoir chỉ có 15 nhân vật nửa người mờ nhạt.  Trong tượng cảnh, Johnson, Jr. không những đúc vẽ những tượng đó với nguyên thân hình, y phục mà còn thêm 6 tượng khác trong số đó có chính nhà điêu khắc Johnson, Jr. và  5 cộng sự viên của ông.  Kẻ đứng người ngồi, kẻ nghiêng người ngả, kẻ ăn người uống,  kẻ cười người liếc, kẻ nói người nghe chung quanh bàn tiệc đầy thức ăn, trái cây, pho-ma, bơ, rượu, ly, muỗng, dao, nĩa bừa bãi.   Lại thêm một nàng đang ôm nựng nịu con chó xù.  Một nàng cởi một chiếc giầy để khêu gợi cọ cựa bàn chân trần lên cái cẳng dưới gầm bàn của chàng ngồi bên cạnh.  Tôi lấy tay thử kéo một cái ghế.  Ghế không nhúc nhích.  Có thể ghế được gắn chặt xuống sàn hay ghế và người ngồi trên ghế bằng đồng quá nặng?  Không biết Ông Johnson, Jr. đã tốn bao nhiêu tiền của và mất bao nhiêu năm mới thực hiện được tượng phẩm này, đừng nói đến cả công trình Beyond on The Frame.   

Tượng phẩm cuối cùng của J. Seward Johnson, Jr. chúng tôi được xem là Lap of Choice  dựa theo bức tranh Young Girl at a Window (1883) của Mary Cassatt  , nữ họa sĩ ấn tượng Hoa Kỳ độc nhất trong cuộc triển lãm này.
 Johnson, Jr. đúc vẽ một thiếu nữ trong xiêm y, mũ áo trắng toát ngồi trên ghế mây bên cửa sổ chan hòa ánh nắng ban mai. Đôi mắt mơ màng, đôi môi đỏ phụng phịu, tay nàng ve vuốt con chó nhỏ nằm gọn trên lòng cô chủ.  Cái vẻ hiền hòa, trong sáng ở tượng phẩm này khác hẳn với những nét sống động, trần tục ở nhiều tượng phẩm khác.
       Sau triển lãm Beyond the Frame, chúng tôi xuống Cafeteria dùng bữa trưa dưới sảnh đưỡng có mái kiếng cao chót vót.  Những cột đá trắng lớn, cao tới lan can lầu trên.  Không khí thoáng mát.  Chủ nhật ở đây có “buffet brunch, all you can eat” và có ca nhạc của những nhóm người nhà thờ trong vùng giúp vui.  Có nhiều thực khách nhún nhẩy hát theo nhịp điệu.  Tiếng vỗ tay ran sau mỗi bài hát.  Món ăn bầy tràn trề trên mấy cái bàn dài, nhưng tôi chỉ ăn vài miếng saussages với khoai tây chiên, salad, trái cây, còn để bụng ăn bánh ngọt, uống cà-phê chứ!  Nhìn những khay bánh ngọt hấp dẫn, tôi không thể bỏ qua được.   Robert và tôi vừa ăn uống vừa giở sách và giấy tờ, đọc về Beyond the Frame.  Tiểu sử của J. Seward Johnson, Jr.  làm tôi ngạc nhiên.  Tôi chia sẻ với Robert:
 “Anh có biết Johnson, Jr. là ai không?”
 “Không?” Robert trả lời.
“Ông ta là con cháu Gia đình Johnson & Johnson làm baby powder của con bé Mai (cháu nội chúng tôi), có mùi rất thơm đấy.  Ông ta được thừa hưởng một gia tài kếch xù, nhưng từ chối không chịu giữ một chức vụ nào trong hãng thuốc của gia đình mà lại đi học vẽ từ năm 20 tuổi?”
Tôi vừa dứt lời, Robert nhào người qua bàn ăn và với lấy quyển sách trên tay tôi, giành đọc tiếp về nhà điêu khắc. 
Về sau, Johnson, Jr. được bà vợ khuyến khích theo học ngành điêu khắc.  Ông đã sáng tạo hoa viên tượng phẩm, Grounds for Sculpture, rộng 22 acres ở Hamilton, NJ.  Tôi nói với Robert:
 “Đến mùa xuân, đẹp trời mình phải đi thăm cái công viên đó mới được.” 
 “Đúng đấy, có thể nó vĩ đại và đặc biệt hơn cái triển lãm này nữa.  Chúng mình phải đi xem.”  Robert sốt sắng trả lời.  Có điều gì tôi yêu cầu mà chàng từ chối đâu!
Beyond The Frame bắt đầu từ 15 tháng 9, mà tôi không biết.  Đã thế, suýt nữa thì hụt xem.  Muốn theo dõi các cuộc triển lãm tại các bảo tàng viện vùng Hoa Thịnh Đốn thì phải theo dõi  mục Museums, Exhibitions của Washington Post Weekend. 
Càng nghĩ tôi càng phục sự  kiên chí, quyết tâm thực hiện công trình Beyond The Frame của  J. Seward Johnson, Jr.  Ông đã làm sống lại những tác phẩm lớn của Phái Ấn Tượng thế kỷ 19.   Không thiếu gì các nhà điêu khắc tài hoa siêu đẳng trên thế giới, nhưng thực hiện được 18 tác phẩm với mấy chục bức tượng bằng đồng, mỗi bức tượng nặng cả ngàn pounds, rồi lại vẽ, sơn y như tranh nguyên bản thì phải có trí, kiên nhẫn tuyệt vời.  Không biết ông J. Seward Johnson, Jr. đã mất bao nhiêu năm tháng để hoàn thành công trình đó.  Lại nữa, viện bảo tàng đã tốn bao nhiêu công của để dựng Beyond The Frame?  Không dễ gì người ta sẽ được xem lại triển lãm này tại Washington, D.C. lần thứ hai trong đời.  Tôi nói những điều đó với Robert.  Chàng gật gù:
“Chúng mình may mắn không hụt xem cái triển lãm lớn lao, mới mẻ này.  Cảm ơn em đã rủ anh.  Bây giờ chúng mình sang xem phòng triển lãm tranh Impressionism của Hoa Kỳ đi.”

Khu triển lãm The Impressionist Tradition in America của Viện Bảo Tàng Corcoran có tới 75 bức siêu họa phẩm  (masterpieces) với nhiều tranh của giới Ấn Tượng Hoa Kỳ cũng rất tuyệt vời như Susan on a Balcony Holding a Dog (1883) của  Mary Cassatt mà J. Seward Johnson, Jr. đã đúc vẽ thành tượng được trưng bầy trong triển lãm Beyond The Frame chúng tôi vừa xem.  Ngoài ra còn có tranh của John Singer Sargent:  Ms. Henry White (1883), The Oyster Gatherers of Cancale (1878).   Nhiều bức tranh phong cảnh lớn bằng cả bức tường như  Valley of the Seine Giverny Heights (1892)  của Theodore Robinson; May Night (1906) của Wilard Metcalf.  Bên cạnh khu triển lãm The Impressionist Tradition in America có một cái phòng được trạm trổ bằng vàng thiệt, The Salon Doré.  Chung quanh tường có nhiều gương lớn làm cho phòng trông rộng hơn.  Màn gấm đỏ thêu chỉ vàng rủ từ trên trần cao sơn vẽ trời mây, thiên thần, hoa lá mỹ lệ.  Nguồn gốc phòng này từ Khách Sạn Clermont ở Paris, được xây cất vào đầu thế kỷ 18, dành riêng cho giới quý tộc.  The Salon Doré chẳng có gì huy hoàng so với những lâu đài vua chúa Âu Châu,  nhưng nó có một sự tích đặc biệt. 
Cuối thế kỷ 18, Khách Sạn Clermont được một Bá Tước mua lại.  Khi sắp cưới một cô công chúa, ông sửa sang một phòng thành The Salon Doré để dành riêng cho nàng.  Sau cuộc cách mạng Pháp, ông bá tước lưu vong sang Đức và chết nghèo khổ tại Vienna, Austria, năm 1809.  Sau này, Khách Sạn Clermont thuộc về chính phủ.  Năm 1904, những vật trang hoàng The Salon Doré được bán cho thượng nghị sĩ Montana, Hoa Kỳ, Ông William A. Clark.  Ông Clark cho gắn The Salon Doré vào dinh thự của ông tại New York City.  Năm 1925, khi ông chết, vợ con ông đã tặng cái phòng mạ vàng đó cho Bảo Tàng Viện Corcoran.   The Salon Doré được mở cho công chúng xem từ năm 1928. 
Căn phòng vàng đã trải qua bao thời thế biến chuyển, đã lưu lạc và được ưu đãi trên đất Mỹ, nhưng chủ cũ của nó thì đã chết lưu vong khốn khó từ 200 năm nay.  Số phận The Salon Doré  có khác gì những di dân đã đến tá túc trên xứ  sở Hợp Chúng Quốc này.  Nếu họ chịu khó học hành, làm ăn sẽ thành công, sẽ được trọng đãi.  Có vô số người Việt di cư làm giầu hơn The Salon Doré rất nhiều.  
Trước khi rời Corcoran, tôi vào Gift Shop mua mấy thứ kỷ niệm như thói quen rất con nít từ ngày đặt chân tới xứ Hoa Kỳ 32 năm về trước:  một hộp thank you note in tranh Impressionist và một coffee mug in tranh Claude Monet với người đàn bà che cây dù trên cánh đồng hoa Poppies đỏ.    Từ hai mùa xuân qua, hoa Poppies đã được trồng hai bên xa lộ 66, quãng đường trước khi rẽ vào khu chợ Eden của cộng đồng Việt Nam vùng Falls Church, Virginia.   Những dải hoa Poppies này quá nhỏ hẹp bên xa lộ luôn luôn bị kẹt xe, nên người ta khó lòng liên tưởng tới những linh hồn chiến sĩ đã bỏ mình bên trời Âu vì tổ quốc họ và tổ quốc bạn.  Trên đường ra xe, Robert ôm tôi sát người, vừa đi vừa mơ mộng:
“Vỉa hè này làm anh chợt nhớ tới hè Đường Thống Nhất, trước cửa Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ngày nào, đã nhiều lần chúng mình hẹn hò đi trên đó nhỉ?”
“Hê, em cũng vừa nghĩ như vậy mới lạ chứ!  Không biết bây giờ con đường đó ra sao?” Tôi reo khẽ vì sự đồng giao cách cảm của chúng tôi. 
Con đường Thống Nhất ngày xưa bỗng hiện ra trong tâm trí tôi.  Dinh Độc Lập ở một đầu đường, Sở Thú ở đầu kia; Nhà thờ Đức Bà với Công Trường Kennedy; Hãng RMK nơi tôi làm việc vài năm; Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ nơi Robert đi tới đi lui làm việc 6 năm;  Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp bóng lá me xanh, chạy ngang Sở Thú tới trường Trưng Vương của Nguyễn Thị Ngọc Dung hơn 40 năm về trước.  Robert ngậm ngùi:
“Chắc rằng chúng mình không có dịp thăm lại Sài Gòn cùng nhau nhỉ?” 
Thực vậy, người anh hùng của tôi đã thấm mệt mà đường về phương đông những 24 giờ bay một chiều.  Tôi cứ rập rình bao mùa Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội mà vẫn chưa về thăm Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương.  Khi muốn về thì nào vụ khủng bố 9/11 xẩy tới, rồi bệnh Sars, bệnh bò điên, cúm gà, cúm vịt...  
Lên xe, Robert lại cầm tay tôi hôn nhẹ, một việc mà chàng không cần phải sức lực nhiều:
“Cảm ơn cưng đã cho anh một buổi hẹn hò thật hạnh phúc.  I love you, my dearest.”
“Nếu không có anh, chắc chắn em cũng hụt xem Beyond the Frame.  Em cũng cảm ơn anh nhiều.  Mỗi tuần anh nhớ xem các mục Museums, Exhibitions trong Washington Post weekend section nhé.  Có gì đặc biệt thì chúng mình cùng đi xem.   
Tôi cảm thấy tim óc như sáng thông, rộng mở, tinh thần sảng khoái như được uống một liều thuốc bổ rất cần thiết cho cuộc sống lắm nhiêu khê, nhiều phiền toái này.  Hạnh phúc là tự nơi mình tạo ra, tự mình tìm thấy.   Hãy “make time for your happiness.”

Đường chúng tôi về trời vẫn còn nắng ấm như mùa xuân, chỉ khác cây rừng vẫn trơ trụi lá, những củ hoa còn nằm ngủ dưới đất, những nụ hoa chưa nhú trên cành.  Tôi tắt máy sưởi nóng, xuống kính xe, hít thở không khí trong lành khi qua dòng Sông Potomac mênh mông tràn đầy như hạnh phúc chúng tôi đang có và đã có từ ba mươi mấy năm qua. 

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

-----------------------------------

TƯỢNG CẢNH BA CHIỀU CỦA  J. SEWARD JOHNSON, JR.

 

Tượng cnh Confrontational Vulnerablity

J. Seward Johnson, Jr.

theo tranh Olympia ca Edouard Manet.

 

Oriental Fan: J. Seward Johnson, Jr. theo tranh La Japonaise:  Claude Monet.
 

 

Tượng cnh Whipering Close:  J. Seward Johnson, Jr. theo tranh Dance In The City: Pierre-Auguste Renoir.

 

Time For Fun:  J. Seward Johnson, Jr.

theo tranh Dance In The Country:

Pierre-Auguste Renoir.

A Turn of the Century:  J. Seward Johnson, Jr. theo tranh Dance at Bougival: Pierre-Auguste Renoir.

 

 

Follow Me: J. Seward Johnson, Jr.

theo tranh The Fifer:  Edouard Manet.  

 

Lap Of Choice:  J. Seward Johnson, Jr.

theo tranh Susan  on  a Balcony Holding a Dog:  Mary Cassatt.

 ----------------------------------

GHI CHÚ:

 1. 500 Seventeenth Street, NW, Washington, D.C. 20006-4804.
 2. Ngày 29-02-2004,  Renee Zellweger được gii Oscar vi vai n, ph trong phim Cold    Mountain.
 3. Pierre-August Renoir,  danh ha n Tượng Pháp, 1841-1919.
 4. Claude Monet , danh ha n Tượng Pháp, 1840-1926.
 5. Edouard Manet, danh ha n Tượng Pháp, 1832-1883
 6. Vincent Van Gogh, danh ha Hòa Lan, 1853-1890
 7. Vé thường:  $5.  Vé cao niên:   $4.  Vé sinh viên, hc sinh:   $3.   Tr em dưới 12 tui:  min phí.
 8. Xin xem hình trong bút ký Theo Du Chân n Tượng.
9. “In Flanders Fields” ca Lieutenant-Colonel John McCrae:  1872-1918.
10.  Tâm Minh Ngô Tng Giao dch:  “Chn đây chiến đa Flanders, Hoa anh-túc n nên thơ giăng cùng”
11 Xin xem hình trong bút ký Theo Du Chân n Tượng.
12. Xin xem hình trong bút ký Theo Du Chân n Tượng
13. Xin xem hình trong bút ký Theo Du Chân n Tượng.
14. Xem du ký Theo Du Chân n Tượng
15.  Xem bút ký Theo Du Chân n Tượng
16.  Gustave Caillebotte:  danh ha n Tượng Pháp, 1848-1894.
17. Xem bút ký Theo Du Chân n Tượng.
18. Xem bút ký Theo Du Chân n Tượng.                  
19. Mary Cassat, n ha sĩ n tượng M (1844-1926)

 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003