May 02, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
TÁI NGỘ ĐẦU XUÂN
VI KHUÊ

Dzu dừng lại trước khu triển lãm của một nữ họa sĩ. Bức tranh – bức chân dung – đập vào mắt chàng, dữ dội đến nỗi chàng tưởng chừng như bị điện giật. Rõ ràng, suối tóc huyền. Rõ ràng, cặp mắt to đen, mài mại, hai hàng mi cong vút. Rõ ràng, chiếc cằm lẹm chẻ đôi. Và rõ ràng, cái lúm đồng tiền xoáy tròn, thật sâu, ở má bên phải. Bức tranh đẹp đến nỗi, tuy trời đã về chiều và gió rít lạnh buốt da thịt, vẫn thu hút sự chú ý của vài người Mỹ đang đứng ngắm, và có lẽ sắp hỏi mua. Dzu biết rằng mình không thể chần chờ được nữa. Chàng mở lời ngay với chủ nhân:

- Thưa Bà cho tôi lấy bức tranh này.

Nữ họa sĩ nhìn chàng, một thoáng ngạc nhiên, rồi bà ta nói với người Mỹ “Ông đây đã quyết định mua bức tranh, quý vị cảm phiền”. Trả tiền xong, Dzu còn đứng tần ngần mãi. Đi tơi đi lui, chàng lại rảo bước ra ngoài một tí, phóng tầm mắt nhìn một lượt quang cảnh chợ Tết năm nay của Cộng Đồng Người Việt tại vùng này thuộc trung tâm thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Chợ Tết ngày ba mươi tháng chạp tấp nập quá. Có trên tám mươi gian hàng bán đủ mọi thứ, từ bánh chưng bánh tét, mứt bí hạt dưa, đến hoa đào hoa cúc hoa thủy tiên. Từ quần áo giày dép đến bài tứ sắc tổ tôm bài vụ. Từ câu đối Tết đến cây quả, trầm hương. Bên cạnh chợ Tết mở ra hàng năm cho đồng bào vui Xuân trong niềm tưởng nhớ quê hương, đặc biệt năm nay lại còn có một số họa sĩ tên tuổi góp mặt trong một cuộc triển lãm tại một khu riêng biệt bên cạnh, nhằm giới thiệu tác phẩm hội họa Việt Nam với đồng hương cũng như với người bản xứ. Đã bốn giờ chiều; hội chợ sắp vãn như chương trình dự định mà chung quanh chàng, tiếng cười nói hãy còn rộn rã quá.

Nhưng bây giờ, lý do khiến Dzu tần ngần nán lại đó sau khi trả tiền mua tranh không phải vì chợ Tết quá hấp dẫn đối với chàng. Chàng băn khoăn đi tới đi lui nhìn chung quanh, nhưng thật ra chỉ mong làm sao gợi chuyện lại với tác giả bức tranh một lần nữa. Thì, nữ họa sĩ cũng đang nhìn chàng kia. Cặp mắt thật linh hoạt. Một cặp mắt sâu, được tô đậm màu tím than lên mí, phù hợp với chiếc áo dài màu tím thêu hoa bạch cúc đại đóa, đang được một bà Mỹ trầm trồ. Dzu nghe rõ bà ta đang giải thích với khách hàng: “Hàng này được người Việt ở hải ngoại gửi về cho người ở trong nước thêu tay, rồi lại gửi qua đây, và khắp năm châu bốn biển. Tôi mặc áo này cũng để giới thiệu cái tinh xảo của người Việt Nam trong nghệ thuật thêu tay”. Người Mỹ nói: “Tuyệt hảo, tuyệt hảo. Người ta không còn có thể làm gì hơn nữa cho một chiếc áo dài”. Chợt trông thấy Dzu, nữ họa sĩ ngoảnh lại:

- Kìa Ông, tôi có thể giúp Ông gì nữa không? Và điểm theo là nụ cười khích lệ. Du bước tới gần hơn:

- Vâng, quả thật tôi còn có điều muốn hỏi thăm Bà. À, ừm à, thưa Bà, tôi muốn nói rằng không phải chỉ trả tiền bức tranh là đủ, mà tôi còn phải nói cám ơn Bà. Bởi vì mua một tác phẩm nghệ thuật không phải như mua bất cứ thứ gì khác..

- Ồ, thế thì quý quá. Ông thật là người sành điệu mà lại nhiều tình cảm. Chắc Ông cũng là nghệ sĩ nên mới thông cảm nghệ sĩ như vậy.

- À, thật ra tôi muốn cám ơn Bà vì bức tranh. Tôi đã xúc động vô cùng khi nhìn thấy nó... Chợt nhận ra giọng nói của mình đang run lên giữa một khung cảnh ồn ào không mấy thích hợp, nên, cười lên một tiếng nhẹ, Dzu vội tiếp ngay:

- Ai mà không một lần trong đời có kỷ niệm với một người đàn bà, phải không Bà?

Người đàn bà đưa một bàn tay về phía chàng, như mời mọc; những ngón tay thon dài:

- À, thế là tôi hiểu rồi. Và tôi nghĩ rằng Ông còn muốn nói nhiều điều hơn thế nữa. Phải không? Nào, Ông còn muốn hỏi gì về người trong tranh? Ông nghĩ rằng đó là người Ông từng quen và có những kỷ niệm? Tôi thấy Ông lưu tâm quá, à nha! Được, Ông hỏi chi tôi cũng sẽ trả lời. Chịu chưa?

Dzu nhìn lên và chợt nhận ra rằng người đàn bà họa sĩ này nói với chàng như nói với con nít. À, chắc bà ta lớn tuổi hơn mình nhiều. Thế mà lúc mới bước vào đây, Dzu đã thoáng nghĩ: Chị họa sĩ này vừa đẹp vừa lịch sự, và trông phảng phất giống Cẩm, một người bạn gái, cũng đã bốn mươi lăm tuổi như chàng. Cách đối xử cởi mở làm cho câu chuyện bỗng trở nên thân mật dễ dàng. Sau khi vắn tắt thú nhận với thiếu phụ về mối xúc động lớn lao của mình khi bắt gặp bức chân dung ở đây, Dzu khẩn khoản năn nỉ bà ấy cho biết tông tích “người trong tranh”, người mà chàng đã khổ công tìm kiếm từ những ngày chạy loạn ở quê nhà, rồi tiếp theo là gần hai mươi năm trời ở đây, nơi quê người. “Nước Mỹ mông mênh quá, và bao gồm đến 50 tiểu bang, thì, bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm”. Chàng ngậm ngùi như vậy, rồi nói thêm: “Thưa Bà, người trong tranh đã là người yêu của tôi trong hai mươi lăm năm, từ bên nhà qua tới bên ni!”

Trời lạnh quá. Tuyết ngập trắng xóa trong kỳ chợ Tết năm nay. Chủ nhân xem chừng cũng bận rộn, vì mặc dầu chợ sắp vãn, người đến dự vẫn còn đông. Cuối cùng bà ta vui vẻ nói:

- Bây giờ không tiện nói nhiều ở đây. Nhưng tôi có thể tiết lộ để Ông yên chí, để giúp Ông: Người trong tranh đúng tên là Bích Ti; đúng là người Ông tìm kiếm. Còn một chi tiết nữa, tôi có thể giúp Ông trọn vẹn được, nhưng không phải ngay bây giờ. Để tôi xem nào. Ông cầm số điện thoại này nhé. Sáng mồng hai Tết – vì mai là mồng một Tết, không thể được – đúng 10 giờ, Ông gọi tôi ở số này. Ông hỏi họa sĩ Lê. Chắc là tôi sẽ giúp ông được đấy. Đừng sốt ruột, nghe!


Năm 1966, Dzu vừa hai mươi tuổi. Sau khi thi rớt một lần nữa tại Sài Gòn, chàng đã thấm mệt với ê chề, chán nản. Ha mươi tuổi đầu với một mảnh bằng Tú Tài hai chưa đậu được, với một ước mơ trở thành “nhà văn” của cái đất nước chinh chiến triền miên, nhiều tủi nhục hơn vinh quang, nhiều gian truân hơn hưởng thụ, Dzu không phải là đứa con trai gia đình đặt vào nhiều hy vọng. Khi chàng thưa với cha mẹ để giã từ, người cha hãy còn nhiều nghị lực với cái bề ngoài ưa bởn cợt cả trong khi buồn khổ nhất, đã nói: “Nhà văn An Nam khổ như chó, người ta nói thế đã lâu rồi. Nhưng con đã chọn thì âu cũng là nghiệp dĩ. Đã chọn thế thì còn học hành gì được nữa. Thôi con đi đi, chừng nào mệt mỏi con cứ trở về, bố mẹ và các anh chị vẫn chờ mong con”. Một mình lang thang lên vùng đất Cao Nguyên, cuối cùng Dzu chọn dừng chân ở thành phố Đà Lạt thơ mộng, nơi người và cảnh rất hiền hòa, khí hậu thích hợp cho chàng hoàn thành vài tác phẩm mong muốn. Một buổi tối có trăng thật tròn và thật sáng, mấy người bạn cùng trọ tại một cư xá sinh viên đường Võ Tánh rủ Dzu đi nghe nhạc tại “La Tulipe Rouge”, một trong vài ba phòng trà hiếm hoi của Đà Lạt lúc bấy giờ.

Hôm ấy, sau khi đôi uyên ương nghệ sĩ tài danh vừa chấm dứt loạt bài hát tủ của họ trong những tràng pháo tay nồng nhiệt thì người giới thiệu nói quá máy vi âm: “Đặc biệt hôm nay Quý Vị và các Anh Chị sẽ thưởng thức giọng hát đầy triển vọng tương lai của một mầm non ca nhạc rất xinh, rất dễ thương. Thưa Quý Vị, đây cô Bích Ti”. Một cô gái nhỏ nhắn, từ sau màn bước ra, áo trắng học trò, tóc rẽ đường ngôi lệch, môi thoa son màu bạc óng ánh. Và đôi mắt, đôi mắt to tròn vẻ man rợ Tây phương, một đôi mắt lé mại mà chàng vẫn thường ngưỡng mộ nơi những người đẹp lừng danh trên màn bạc; Miêu Khả Tú có ánh mắt ấy, Liz Taylor cũng vậy, dường như. Người giới thiệu lại vừa nói vứa hét lên: “Thưa Quý Vị, hôm nay Bích Ti sẽ mở đầu bằng bài Cô Gái Bích La Thôn rất được ưa chuộng”. Giọng cô bé cất lên và cao vút: “Em là cô gai Bích La Thôn, Đôi tám tròn trăng lắm kẻ dòm, Nhưng mẹ bảo bà mai trong xóm, Rằng cháu tuy vậy chưa lớn khôn...” Liền có tiếng con trai nói chõ vào sân khấu: “Mới mười lăm thôi, em ơi! Mới mười lăm thôi, em ơi!” Nhưng bài ca cũng chấm dứt trong tiếng vỗ tay rào rào. Rồi, bản thứ hai được giới thiệu, và con nhỏ lại bắt đầu hát, lần này lấy bộ điệu vui tươi, nhí nhảnh hơn: “Cô nhân tình bé của tôi ơi, Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười, Những lúc có tôi và mắt chỉ, Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi...” Lại có tiếng vài ba cậu choai choai, hét lên, nghịch ngợm: “Hỡi! Hỡi cô nhân tình bé của tôi ơi!” và tiếp theo là tiếng huýt sáo trêu ghẹo. Tuy vậy, Bích Ti vẫn cố gắng hát xong bài, và lại được tán thưởng nồng nhiệt. “Bé tí vậy chứ hoa khôi đấy, hoa khôi xóm nhà lá!” Lại có tiếng phê bình.

Bỗng dưng, trong lòng Dzu dâng lên một niềm công phẫn. Nhỏ này con cái nhà ai. Con như thế mà không nuôi ăn học, lại để đi hát phòng trà, và những bài với nội dung như thế!

Liền lúc đó, con nhỏ từ hậu trường sân khấu đi ra, theo sau là một bà đi hộ tống. À đây là bà mẹ “nàng” đây. Ở Sài Gòn, các cô ca sĩ có hạng vẫn thường được mẹ dù già dù trẻ hộ tống như thế; và cũng như họ, cô Bích Ti mười lăm tuổi cũng đến lượt mình hát xong là ra về liền, không nấn ná cho người ta chiêm ngưỡng lâu... Khi đi ngang qua chỗ Dzu ngồi, người đàn bà bỗng nhìn chăm chú; ra tới cửa bên hông, người ấy còn ngoái đầu nhìn lại. Và, một lát sau, có bàn tay khẽ đập vai Dzu.

- Cậu Dzu! Phải đúng Dzu không? Đúng rồi. Tôi không lầm mà. Cô Loan đây. Bạn cô Diễm đây.

Dzu bỏ chương trình đang xem dở, đi với người thiếu phụ ra ngoài. Chàng đã nhớ ra: Cô Loan, bạn học của cô Diễm, em của mẹ chàng.

- Phải, cậu nhận ra tôi thế nào được. Cô già đi nhiều mà. Xấu xí đi. Tồi tàn đi. Phải không Dzu?

Thiếu phụ tủi thân, nức lên bên hông cửa phòng trà. Dzu ái ngại: “Thôi, để cháu đưa Cô về. Không ngờ hôm nay lại gặp Cô ở đây”. Người đàn bà kể lễ trên đường về, trong nỗi mừng hằng bao năm mới gặp được người thân. “Cô ba đời chồng rồi, con ạ. Kể từ khi chú mất, năm 1955. Em Ti mới là cái thai năm tháng. Năm nay Ti mới mười lăm tuổi, nhưng phải khai là mười sáu để người ta cho hát, đó con. Cô lập gia đình một lần nữa để có nơi nương tựa; rồi người ấy chết, nay thì cha sắp nhỏ – năm đứa ở nhà đó – là một người lao động tầm thường. Ôi chao, số phận cô...” Dzu nhìn lên và thấy hai gò má của người đàn bà nhô lên, nhô lên cao một cách khác thường. Lưỡng quyền cao! đường chồng con vất vả. “Số mệnh chi mà số mệnh, chỉ là do chiến tranh thôi! Ba Ti chết vì trúng mìn trong một chuyến đi kinh lý, chớ có phải vì cái số mà chết đâu. Chiến tranh giết chết đời Cô, con ơi!” “Cô ca sĩ” sau khi cùng mẹ lần vào ngõ hẽm ngoằn nghoèo tối tăm dẫn vào căn nhà thấp lợp tôn nồng nặc mùi nước tiểu trẻ con, đã lặng lẽ trút bỏ bộ đồ nghề không mấy hào nhoáng, lấy gạo ra vo, sửa soạn bữa cơm tối quá khuya khoắt. Ba đứa em lỏi tì mặt mũi lem luốc, ngồi ủ rũ trong góc, chớ cơm. “Chín giở rồi mà chưa ăn cơm, đói quá mẹ ơi! Ti ơi!”

Đứa con gái tất tả làm việc, xem như không có Dzu ở đó. Lớp son môi màu bạc óng ánh chưa kịp chùi khỏi môi, như tương phản với sự nghèo nàn tàn tệ chung quanh. Và cuối cùng: “Ông hỏi làm gì, Tôi đâu có muốn ông tới đây”. Như một gáo nước lạnh xối vào lòng Dzu đang mềm nhũn. Bích Ti! tội nghiệp chưa! em ăn nói như một kẻ lõi đời. Em có biết rằng em xinh hơn Shirley Temple? Và với màu da bồ quân, em còn mặn mà gấp mấy lần Lăng Ba, Lâm Đại? Và với giọng ca trời cho không tập luyện kia, sao em lại không sẽ là một Connie Francis? Nhưng, bởi vì em chỉ là một con bé Việt Nam ở nơi cái xó xỉnh tối tăm này, thì rồi lớn lên em chỉ sẽ được người ta vứt vào sọt rác.

Tôi bắt đầu thương em từ đó,và cũng từ đó, tôi thường xuyên lui tới nhà em như về nhà mình. Tí Ti – ở nhà gọi vậy – đôi khi nhìn tôi bằng cặp mắt lạ lùng và lặp lại: “Tôi đâu có muốn Ông tới đây. Tôi chỉ là đứa con gái để cho thiên hạ chọc ghẹo chơi”. Mới mười lăm tuổi thôi, nhưng em ra đời sớm, em chua chát như một bà cố. Em có biết ở bên Pháp, bên Mỹ, và ngay cả ở Sài Gòn, những đứa con gái mười lăm tuổi xinh đẹp như em còn được bố bế lên lòng hay không? Mới mười lăm tuổi, “nàng” đã nghiễm nhiên là người yêu của tôi, một người yêu chẳng bao giờ chịu nhận nơi tôi một món quà, nhưng lại cười rất phước hậu khi tôi đưa đến cho những đứa em nàng cái cặp, hộp bút chì màu, cái áo len.... “Ông đến đây làm gì” có nghĩa rằng “Ông cũng nghèo mà tôi cũng nghèo, liệu chừng ông sẽ làm gì được cho tôi”. Nhưng tôi cứ như vậy, tôi tự xem như là người yêu của Tí Ti, trong khi em vẫn tiếp tục theo học lớp Tú Tài tại ngôi trường nữ lớn nhất thành phố. Rồi, chuyện gì phải đến đã đến: tôi được gọi lên đường nhập ngũ. Một ngày kia, tôi nghỉ phép trở về. Khi tôi hớn hở đến nhà với đầy ắp những món quà nhỏ trên tay thì vẫn trong căn nhà tối tăm năm xưa đó đang diễn ra một cảnh tượng vô cùng bi đát: Cô Loan nằm dài trên giường, khóc lóc nỉ non, bà chủ Hãng Nước Đá từ Sài Gòn ra, đến đòi món nợ thiếu đã mười năm, chỉ trả được lời chưa trả vốn. “Chị nghĩ sao? Tôi với chị ngày xưa thì cũng có là bạn – bạn học ấy mà – nhưng bây giờ thì khác – bà ấy nhếch mép lên – tôi không chờ đợi được nữa. Bốn mươi ngàn từ khi con Ti mới lên năm. Thôi thì Chị dứt khoát cái vụ thằng Tường – con Ti đi. Đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề”. “Thằng Tường”, kỹ sư tốt nghiệp từ bên Mỹ, nặng 70 ký, bụng phệ, con bà chủ Hãng Nước Đá. “Tiền đâu mà đi học thi Tú Tài, sao không trả nợ hả Ti? hả cô Ti? Này, tôi nói lời cuối: một là chấp nhận lời cầu hôn của con tôi, hai là tôi đưa ra tòa. Xiết căn nhà thổ tả này, xiết luôn ... tất cả.... tất cả...”

Bích Ti lên xe hoa năm 1970. Bạn bè mừng nàng lấy được chồng kỹ sư tốt nghiệp từ bên Mỹ, con nhà giàu. Tôi cũng mừng đôi chút: “Thôi em ạ, trong muôn vàn khổ nhục, không khổ nhục nào cho con người bằng đói cơm rách áo. Người ta có xe hơi cho em đi, nhà lầu cho em ở, thì cũng đáng kể chứ... Còn anh thì, “Ông tới đây làm gì?” Bây giờ anh mơi biết lời em nói năm xưa là đúng. Mười lăm tuổi em đã khôn rồi, hơn anh. Từ đó, tôi vò võ trong nỗi nhớ thương Ti, nhưng cũng an tâm trong niềm ngụy tín rằng em được hạnh phúc. Cho đến ngày ba mươi tháng tư bảy mươi lăm lịch sử, chúng tôi biệt tin nhau....

Em năm xưa! Những tưởng không bao giờ gặp nhau nữa! Giấc mơ trở thành nhà văn, nhà báo của đời Anh, Anh chỉ đạt được nửa vời, cũng như mảnh bằng Tú Tài của đời học trò, Anh chỉ đậu có một nửa. Ngày xưa, yêu thương Em biết bao nhiêu, Anh chỉ đành ngồi bó tay nhìn Em hy sinh trả nợ cho Mẹ, nhìn Em về với người ta, mà chẳng làm gì được cho Em. Bây giờ Anh khá rồi, bởi vì Anh đã tới được nước Mỹ, đất của Tự Do và Cơ Hội, người ta nói thế. Công việc làm ăn cũng đang tiến triển tốt đẹp. Thì lại được tin về Em. Bây giờ Em ra sao? Liệu Anh còn cơ hội, một lần, đến với Em trong vòng tay chở che đùm bọc mà một người nói Yêu Em cần phải có? Đêm nay, đêm ba mươi tháng chạp nơi quê người, và tại nhà một người quen ở quận Arlington lần đầu tiên Anh đặt chân tới, Anh đã thức trắng đêm để đợi chờ qua ngày mai và qua đêm mai nữa để được biết thêm tin tức về Em. Tin có lành không, hay tin dữ? Hỏi người chung quanh thì ai cũng biết : họa sĩ Lê, bà ấy danh vọng lẫy lừng. Nhưng còn em thì sao, liên hệ thế nào với người đàn bà đặc biệt này?


Mồng hai Tết năm ấy. Đúng mười giờ sáng. Đôi chân cuống quít của Dzu cũng vừa dừng lại trước chỗ hẹn: Tiệm Kim Hoàn Emerald nằm giữa trung tâm sầm uất. Nữ họa sĩ làm gì ở đây? Bích Ti có mặt ở đây không? Thì, qua khung cửa kính trong vắt pha lê, một người đang đứng đó, dưới ánh đèn nê-ông sáng trưng, như ánh sáng của một cõi nào xa, ngoài hạ giới. Áo màu huyết dụ, cổ sáng ngời kim cương, tai sáng ngời kim cương, và 10 ngón tay móng dài tô màu huyết dụ sáng ngời kim cương, hai bàn tay mà Dzu chưa bao giờ tưởng có thể đẹp đến thế. Bích Ti đứng đó, nhưng là một Bích Ti lộng lẫy ở cái độ tột cùng của lộng lẫy, xa hoa ở cái độ tột cùng của xa hoa. Thân hình hơi đẫy ra, hai má no đầy không cười vẫn in sẵn lúm đồng tiền tròn sâu thuở nào. Ánh sáng khắp nơi. Ánh sáng từ những ngọn đèn xanh chiếu xuống, ánh sáng từ những quý kim: vàng, bạc, platine và ngọc trai, cẩm-thạch hổ-phách trân-châu mã-não pha-lê chiếu hắt lên. Và người đàn bà tuyệt đẹp đứng giữa cảnh huy hoàng đó, chính là Bích Ti!

Người đàn ông đứng ngoài, đưa tay kéo cổ áo măng tô lên, và đồng thời kéo vành mũ đã thấp xuống, che khuất mặt. Vừa lúc ấy, một chiếc xe hơi đổ xịch trước tiệm, người đàn bà bán tranh bước ra, trong khi một người đàn ông lái xe chạy thẳng vào nhà để xe.

Họa sĩ Lê bước ra đến gần Dzu:

- Thế nào, Ông đã thấy rồi chứ?

- Vâng, càm ơn Bà.

- Con dâu út tôi đấy.

- Bà ấy, con dâu út Bà?

- Chứ sao, tôi đã sáu mươi hai tuổi rồi.

- Vậy mà, vậy mà... tôi cứ tưởng Bà chừng bốn mươi lăm.

- Thế còn cô ấy, thưa Bà, được mấy cháu?

- Bốn đứa: hai đứa trước, và hai đứa cháu nội tôi.

- Thế còn ông ấy, con trai Bà?

- Là chủ nhân cơ sở này, và là một giáo sư khoa học, Đại Học M.

- Ông ấy người Mỹ sao?

- Không, người Việt Nam chứ, con tôi mà.

Dzu đứng sững sờ, tay mân mê vành mũ vừa được lấy ra khỏi đầu:

- Tôi cứ tưởng là mọi sự không có thật, tôi cứ tưởng là tôi đang mơ. Tôi không tin Bà sáu mươi hai tuổi.

Dzu nhìn kỹ lại bà ta: đầu tóc màu nâu đen mượt mà. Đầu tóc ấy đáng lý ra thì có thể phải đã bạc!

- Tóc thì nhuộm, Ông ạ. Người ta phải làm mọi sự để cho cuộc đời bớt buồn tẻ, để mà sống chớ. Tôi không thích sự buồn thảm và nghèo khó, tối tăm, u ám! Bà ấy nói như đọc hết ý nghĩ trong đầu Dzu. Và thêm:

- Sao, mồng hai Tết, có gì vui chưa? Tôi giúp Ông năm mới như vậy được rồi, chớ?

- Bà cho tôi hỏi thêm một câu cuối thôi; tôi tin tưởng ở sự vui vẻ cởi mở của Bà: Cô ấy có thực sự được hạnh phúc không? Bởi vì có khi nhiều tiền mà...

- Hạnh phúc lắm. Vì cô ấy thực sự biết mình muốn gì. Phải biết mình muốn gì mới có hạnh phúc được, phải không, ông Dzu? Lần sau, ông đến nhà chúng tôi chơi nhé. Ông cứ đến, như người nhà. Còn bây giờ, thì đột ngột quá. Cô ấy chưa biết đầu đuôi gì cả, phải không?

- Cám ơn Bà. Nếu tôi... có điều gì không phải, Bà bỏ qua cho. Cám ơn Bà lần nữa.


Trên đường về nhà, Dzu vừa đi vừa cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng một cảm giác khó tả, nửa tỉnh nửa mê, mừng vui lẫn lộn. Nữ họa sĩ Lê! nghĩ đến Bà mà vui lây với sự hồn nhiên, thẳng thắn, trẻ trung! Đầu năm gặp Bà, chắc rồi cũng hên! Và Bích Ti ơi, Anh thực sự mừng cho Em. Anh phải biết điều chứ. Vả chăng, Anh thương Em tự thuở nào, vẫn bằng mối tình của một người Anh bên cạnh người tình. Anh đã chẳng làm gì được cho Em trong dĩ vãng, thì nay Anh phải mừng cho Em chứ. Người ta thường nói cuộc đời này bi thảm, đúng vậy. Nhưng riêng đối với Em thi nó mang ý nghĩa lột xác, một hóa thân, một đầu thai vào kiếp khác. Anh mừng cho Em, không phải chỉ vì Em đang ngồi trên nhung gấm ngọc ngà châu báu; không phải chì vì Em có một bà mẹ chồng văn minh tiến bộ, từ ái, bao dung; không phải chỉ vì Em có một người chồng thừa sức đùm bọc chở che Em; mà còn vì Anh đã thấy, qua ánh mắt bao giờ cũng thông minh diễu cợt của Em, dưới ánh đèn nê-ông chói sáng, rằng chính Em chấp nhận hạnh phúc này. “Có những hạnh phúc không được chấp nhận” ngày xưa Em đã có lần nói thế mà. Em đã “biết điều” từ thuở mười lăm – mười bảy!

Em thương yêu! mọi sự đổi thay rồi, và là một đổi thay để tốt đẹp hơn. Anh năm nay bốn mươi ba tuổi rồi. Anh sẽ trở về miền Ca-li nắng ấm, chấp nhận hạnh phúc của đời Anh, chấp nhận sự đổi thay của đời Anh. Anh sẽ kết nghĩa trăm năm với Trầm Sa, một người đàn bà đã từng là nạn nhân của hải tặc, có chồng bỏ thây ngoài biển cả. Nàng rất yêu thương Anh. Con gái đầu lòng của Anh sẽ mang tên là Yên Thảo. Vì “Yên Thảo như Bích Ti”, Em còn nhớ câu thơ Đường ấy chứ?

Virginia

tháng 9 năm 1995



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003