Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
LÝ ĐI RỒI LÝ LẠI VỀ
LƯU VĂN VỊNH


Vùng Đình Bảng ( Kinh Bắc ), dân chúng từ xưa vẫn truyền tụng hai câu sấm :

Bao giờ rừng Báng hết cây
đầm Long hết nước Lý nay lại về

(hay Tào khê hết nước Lý nay lại về...). rừng Báng và Tào khê bây giờ vật đổi sao rời đã hết cây cạn nước. Nguyên vùng Cổ Pháp tức Đình Bảng là đất xuất phát của nhà Lý, Lý Công Uẩn lên ngôi một cách êm đẹp nhất trong sử Việt, một hiền sĩ duy nhất không cần dựa vào thanh gươm để đoạt ngôi báu, từ năm khai mở triều đại 1010 đến 2010 sẽ là 1000 năm rồng dậy đất Thăng Long. Nhà Lý mất vì nhà Trần năm 1225 cách đây 775 năm ( tính từ năm 2000), Trần Thủ Độ dùng thủ đoạn quyết liệt tận diệt họ Lý, thừa khi tôn thất họ Lý làm lễ giỗ tổ, ông cho đào sẵn hầm rồi giật sập nhà chôn sống cả trăm người họ Lý ( 1232 ). Tuy vậy vẫn có người trốn thoát, thay họ đổi tên sống trong nước hoặc trốn ra ngoài nước như trường hợp hoàng tử Lý Long Tường vượt biển sang Hàn Quốc.

CÓ HAI CHI HỌ LÝ ĐI SANG NƯỚC HÀN

Theo tài liệu của Sở Cuồng Lê Dư trên số Xuân 1942 Tri Tân (sang Hàn quốc 1914) và của Trần Văn Giáp, thuộc Viện Khảo Cổ Hà Nội, năm 1959, thì có 2 vị dòng dõi nhà Lý chạy sang nước Hàn :

1-Lý Dương Côn, em vua Lý Thần Tôn 1128 -1138 ( tức Lý Dương Hoán) chạy sang Hàn quốc để “ tránh quốc loạn “, không nói rõ loạn gì và tại sao lại chạy mãi sang Hàn Quốc, chỉ biết Lý Tinh Thiện hiện đại là dòng dõi chi này.

2-Lý Long Tường, chú vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224), con vua Lý Anh Tông (1138- 1175) em vua Lý Cao Tông (1176- 1210), cùng với Lý Quang Bật mang đồ thờ cúng chạy ra biển Đông ( cửa Thần Phù, Thanh Hóa ),trốn khỏi bàn tay Trần Thủ Độ, trên ba con thuyền. Một thuyền bị bão dạt vào Trung Hoa không rõ sống chết ra sao, thuyền của Lý Long Tường đến được Trấn Sơn, gần Pusan ngày nay, vào năm 1226.

Lý Long Tường khi ấy ở khoảng tuổi 50, ông ra đi với tâm nguyện noi gương Vi Tử đời Ân ( khi nhà Ân mất thì Vi Tử chạy sang nhà Chu để giữ việc cúng tế gia tiên theo sử Tầu), vì thế ông lấy hiệu là Vi Tử Động và có ghi trên bia Thụ Hàng Môn Ký Tích ở Bồn Tân, Hàn quốc, tâm nguyện đó.

Tương truyền vua Hàn quốc là Cao Tông nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, đậu bên bờ sông Tây Hải, khi cho người tìm kiếm thì thấy thuyền của Lý Long Tường và tùy tùng đang dạt vào bờ, vua Hàn nhớ lại giấc mơ cho là việc kỳ diệu nên đối xử với họ Lý rất tử tế.

Hai mươi bảy năm sau,1253, quân Mông Cổ do Đường Cơ chỉ huy xâm lăng Hàn quốc, Lý Long Tường năm ấy đã vào khoảng 78 tuổi, cưỡi ngựa trắng đôn đốc dân chúng trong vùng chống trả quân Mông Cổ suốt 5 tháng. Quân Mông thấy khó thắng bèn lập kế khuân 5 hòm vàng lớn tới dâng Bạch Mã Tướng quân Lý Long Tường, Lý Long Tường biết là mưu kế nên cho khoét lỗ, đổ nước sôi vào hòm, quả nhiên sát thủ Mông nấp kín trong hòm bị phát giác và chịu chết. Sau khi thủy binh của đô đốc Katan Khan bị hỏa công phá tan, bộ binh của Đường Cơ mất tinh thần, bị quân Hoa Sơn bản địa họ Lý nòi Việt tiêu diệt chỉ còn lại vài tên chạy về Mãn Châu.

Sau chiến công ấy, vua Hàn cả mừng, phong Lý Long Tường làm Tướng quân, đổi Trấn Sơn nơi họ Lý trú ngụ thành Hoa Sơn ( bởi thế có tên Hoa Sơn Tướng quân ), lại lấy 30 mươi dặm vuông, nhân khẩu 20 hộ cho họ Lý làm Thái ấp. Nơi quân Mông Cổ đầu hàng được gọi là Thụ Hàng Môn, lại cho lập bia để ghi công Lý Long Tường, di tích nay hãy còn.

Khi Lý Long Tường mất, mộ táng cách Thụ Hàng Môn ( ở Bồn tân ) 10 dặm, tại chân núi Di Ất, gần Bàn Môn Điếm bây giờ.

Trong thời gian ở Hoa Sơn, Lý Long Tường lập làng Giao Chỉ, làng Nhật Nam, lại hay lên đỉnh núi ngồi vọng về phương Nam mà khóc, nơi ấy gọi là Vong quốc đàn !

Về sau dòng họ Lý ở Hoa Sơn chia làm hai chi, từ Bình Nhưỡng (cố đô) ở Bắc Hàn, rời về Hán Thành Seoul là đô mới của nước Hàn ở phía Nam, có tộc phả dày 400 trang ghi rõ chi tiết. Hâu duệ họ Lý này hiện có trên 200 hộ, hơn 600 người, cháu đời thứ 26 là Lý Xương Căn đã về lễ tổ tại Đình Bảng lần đầu tiên vào năm Tuất 1994 ( xin ghi chú Lý Công Uẩn sinh năm Tuất ).

Tại nước Hàn, nhiều sách truyện về Hoa Sơn Tướng quân được truyền tụng, tập Hoa Sơn Quân bản truyện còn ghi sự tích cây hạnh lớn do Lý Long Tường trồng trên nền nhà Văn Nhã Đài là nơi Lý Long Tường từng ngồi dạy học, vì thế Lý Long Tường còn có tên là Hạnh Đàn Công tử. Như vậy đủ thấy Lý Long Tường cũng như nhiều danh nhân khác đời Lý Trần, có đủ tài kiêm văn võ, theo đúng truyền thống Đại Việt mà đời sau, từ đời Lê trở đi, để mất, đổi từ Văn ôn võ luyện sang tiên học lễ, hậu học văn, biến kẻ sĩ thành ra “ trói gà không chặt “, hư danh khoa bảng, thật đáng tiếc.

*

Ở Việt Nam hiện nay, dân chúng vùng Cổ Pháp ( Đình Bảng là tên mới từ đời Trần ) vẫn làm lễ hội rất lớn tại đền Đô ( tức đền Lý Bát Đế thờ 8 vị vua Lý ), họ truyền tụng câu :

“ đền Đô đến hẹn lại lên “......

hẹn gì ở ngôi đền đất Kinh Bắc, cố đô tinh thần hương quán nhà Lý và của nền quân chủ nhân quốc văn hiến Việt Nam ? lại lên và bao giờ lên ? câu sấm hay đồng dao này xuất hiện từ bao giờ và do ai đặt ra, không mấy ai biết rõ, nhưng chắc rằng có mang mầu sắc huyền nhiệm nên cả dân chúng lẫn giới truyền thông đều tin rằng có gì thiêng liêng trùm lên dòng sử Việt nhất là từ khi con cháu họ Lý từ Hàn Quốc trở về giỗ tổ sau gần 1000 năm tính từ năm 1010 khai triều thịnh đức nhà Lý.

LÝ ĐI RỒI LÝ LẠI VỀ

Những câu sấm trên do ai đặt ra và đặt ra từ bao giờ ? Điều này chỉ có thể giải thích được nếu ta ngược dòng lịch sử 1000 năm trước để theo các nhà sư Mật tông như Định Không, La Quý An, Vạn Hạnh...tiên đoán đất Cổ Pháp hưng vương, và nhất là sư Vạn Hạnh, thầy của Lý Công Uẩn, người đã xây dựng nên triều Lý, một kingmaker của thế kỷ thứ X-XI. Theo truyền thuyết, các nhà sư này đã xếp đặt cuộc đất vị trí phong thủy cho đất Cổ Pháp và sư Vạn Hạnh đã nhìn ra thế đất Thăng Long vô chiến địa để làm quốc đô, chuyển từ đất Hoa Lư ra đất Long Đỗ ( lưng rồng), có Ba Vì , Tam Đảo làm án che, có sông Hồng sông Tô làm huyết mạch, có Tây Hồ làm não bộ...Nếu đã có khả năng tiên đoán nhà Lý dài tám đời vua, rằng ngôi mộ của mẹ Lý Công Uẩn có mối đùn lên thành hình hoa sen tám cánh, thì các nhà sư đó cũng đủ khả năng sấm ký để tính ngày trở về của họ Lý, ngày quang phục vương đạo truyền thống Lạc Việt Hùng Vương. Dường như sư Vạn Hạnh đã tìm ra ngôi đất tái phát một ngàn năm sau cho họ Lý, điều này Sấm Trạng Trình có ghi lại :

Lý đi rồi Lý lại về
...ngẫm về sau nhà Lý xưa nên
nghìn năm lại thấy mọi nơi vẹn toàn...

Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010, một nghìn năm sau, khoảng 2010, nền vương đạo nhân quốc Lạc Việt sẽ lại phục hoạt sau 500 năm long mạch đất Giao Chỉ bị Cao Biền trấn yểm và ma quỷ ( qua huyền sử Hồ tinh chín đuôi xâm phạm minh đường Tây Hồ sau bị Lạc Long Quân đánh chết ở Đầm Xác Cáo ) quấy phá đất tổ :

Ma vương sát đại quỷ
hoàng thiên chu Ma vương
...một cơn sấm dậy đất bằng
thánh nhân ra mới cứu hằng sinh linh

NHỮNG HIỆN TƯỢNG LẠ TRÊN NỀN TRỜI CỔ PHÁP THĂNG LONG

Lý Long Tường và Lý Quang Bật ( Bật là em Hàn lâm Học sĩ Lý Quang Châm, Châm bị Trần Thủ Độ giết cùng với nhiều tông thất họ Lý ) khi chạy sang nước Hàn đã mang theo được vương miện, áo long bào và thanh Thượng phương bảo kiếm truyền từ đời vua Lý Thái Tổ, sang bảo toàn trên đất Hàn. Tại Hoa Sơn Trấn, Lý Long Tường còn cho xây ngôi đình kiểu Đại Việt, đền thờ các vị vua Lý... trong những ngày lễ tết, Bạch Mã tướng quân ra lệnh gióng 2 hồi 6 tiếng chiêng trống thay vì 3 hồi 9 tiếng, để dành 1 hồi 3 tiếng cho mọi người lặng lẽ âm thầm chiêu niệm cố hương ! Tục lệ này nghe nói tới nay con cháu họ Lý trên nước Hàn hãy còn giữ.

Ngày 18/5/1994 Giáp Tuất, Lý Xương Căn thuộc đời thứ 26 dòng Lý Long Tường, lần đầu tiên về lễ tổ ở đền Lý Bát Đế đã ghi vào sổ lưu niệm như sau : ...” cháu chắt xin thề nguyện không làm điều gì tổn thương đến vong linh cao cả tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh đặc biệt “

Bốn chữ cuối, do học giả Trần Văn Giáp dịch, “ sứ mệnh đặc biệt “ phải chăng hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng mà Lý Xương Căn đã được tổ tiên phó thác ?

Tính ngược lại từ năm Giáp Tuất 1994 tới năm Canh Tuất 1010 là năm Lý Công Uẩn lên ngôi ( Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất 974 ) thì họ Lý quả có trở về sau 33 đời, 984 năm, nghĩa là gần 1000 năm sau năm khai nghiệp và cùng vào năm Tuất.

Câu sấm : Chó nọ vẫy đuôi mừng Thánh chúa
ăn no ủn ỉn lợn kêu ngày
và câu ngẫm về sau họ Lý xưa nên
cùng với câu : nghìn năm lại thấy mọi nơi vẹn toàn

cho thấy có sự ứng hợp vào năm Tuất ( Bính Tuất 2006) Thánh xuất, và năm sau, Đinh Hợi (2007) yên ổn thanh bình, đấy cũng là hàm ý của câu sấm “ Tuất, Hợi, phục sinh “ mà cố học giả Hồ Hữu Tường rất quan tâm mà không giải ra được . Đây cũng là thời điểm : Bảo sơn thiên tử xuất, bất chiến tự nhiên thành vậy. ( xem Việt Sử Siêu Linh cùng tác giả tr.95).

*
Trong hai năm 1997- 98 vừa qua, vùng Cổ Pháp ( Đình Bảng ) xuất hiện 4 hiện tượng lạ :

1- Chùa Ứng Tâm ( tức chùa Dặn, thờ mẹ vua Lý Thái Tổ ), có cây dứa lạ, một quả mẹ và nhiều quả con nở ra xung quanh (1997).

2- Hình tám giải mây hiện trên đền Bát Đế đúng ngày hội 21- 4- 97, vào chính ngọ ở nóc đền, như linh khí của 8 vị vua Lý hiện về.

3- Hình tám đợt mây hiện trên đền Bát Đế vào đúng ngày giỗ vua Lý Anh Tông, 26- 8- 1998, với một đợt mây nhỏ ở sau chót mà người ta giải là biểu tượng của Lý Chiêu Hoàng, đời vua chót thứ chín nhà Lý trước khi bị nhà Trần đoạt quyền.

4- Hình một giải mây vàng như mình rồng từ Thăng Long bay về Cổ Pháp vào ngày lễ rước linh bài Lý Thái Tổ và chiếu rời đô ra Thăng Long, 1- 9- 1998 lúc 4 giờ 45. Giải mây dừng lại trên đền rồi tản dần ra.

Các hình trên có lưu trữ tại đền Đô, Đình Bảng, gần Hà Nội, như là dấu tích huyền nhiệm của dòng Việt Sử siêu linh.

Lưu Văn Vịnh 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003