Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CÁC BÀ, CÁC CÔ!
KATHY TRẦN

Trong văn chương, bất cứ tác giả nào cũng phải dựng ra một hay nhiều nhân vật chính và phụ trong câu chuyện của mình. Mỗi nhân vật thường thể hiện một nhân cách nào đó.

Những nhân vật đó có thể là nhân vật trong huyền sử, trong cổ tích, trong lịch sử hay chỉ là nhân vật tiểu thuyết. Ðiều quan trọng là nhân vật phải làm tròn vai trò được tác giả giao phó. Làm trọn vẹn, xuất sắc vai trò, nhân vật sẽ trở thành bất tử, lưu truyền mãi trong dân gian, từ nhà bác học tới người bình dân đều biết tới.
Việt Nam ta có rất nhiều nhân vật điển hình xuất sắc như vậy. Chỉ cái tên gọi của họ cũng đủ tạo nên cả một ấn tượng sâu sắc,
Các bà, các cô nổi tiếng lẫy lừng trong văn học nhân gian cũng như trong đời sống thường ngày rất nhiều. Cứ gọi tên ra là người ta biết mình muốn ám chỉ cái gì ngay. Ðiển hình là các bà, các cô dưới đây:

Con Thị Mầu

Từ chuyện Thị Kính là người vợ trẻ bị hàm oan giết chồng, phải cải trang đi tu tên gọi là Kỉnh Tâm. Thị Mầu mê chú tiểu Kỉnh Tâm nên lẳng lơ trêu ghẹo, quyến rũ mãi chú tiểu mà không được, cô nàng bèn thông dâm với tên đầy tớ trong nhà. Khi có con, bị làng tra hỏi, phạt vạ, Thị Mầu liền vu oan và mang con đến chùa trả cho tiểu Kỉnh Tâm để trả thù. Tiểu Kỉnh Tâm vì lòng từ bi, nhận chịu nỗi oan để nuôi con cho Thị Mầu trong những dè bỉu, chê bai của người đời. Khi Kỉnh Tâm bệnh chết, làng nước mới biết tiểu Kỉnh Tâm là gái và chịu hàm oan, lúc đó những nỗi oan của Thị Kính được giải tỏ.

Thị Mầu được để chỉ những cô lẳng lơ, dâm dật, trơ tráo cứ cho cọc lồng lên tìm trâu, bất kể tai tiếng, đạo đức và người ta có chịu mình hay không.
Dĩ nhiên không phải ai cũng chê Con Thị Mầu như chú tiểu Kỉnh Tâm mà thiếu gì người như tên đầy tớ sẵn sàng giúp Thị Mầu thoả mãn những nhu cầu cần thiết nên lúc nào xã hội cũng có những đứa con hoang kém may mắn. Ngay trong xã hội lễ giáo ngày xưa của ta cũng vẫn có những thằng Ruộng luá, thằng Lượm, con Rớt là những cái tên nói lên cả nguồn gốc tội nghiệp của đứa trẻ!

Bà Thị Kính

Người tử tể, hiền lành mà mắc hàm oan, không những thế còn hy sinh, chịu hàm oan cứu người thì gọi là “Bà Thị Kính”. Ai oan uổng thật thì gọi là “oan Thị Kính”; Ai gian dối, lẳng lơ thì được gọi là con Thị Mầu. Gian dối mà còn già miệng kêu oan để vu oan cho người khác thì được phán cho mấy tiếng “oan Thị Mầu”.
Chỉ cần gọi tên một người là vụ án đã xử xong, chẳng cần tới Bao Công mặt sắt của Tầu hay Công Tố Viện đặc biệt bên Mỹ như trong vụ Clinton cho mất thì giờ và tốn tiền dân vô ích.

Tú bà

không phải các bà vợ của các ông Tú thời nho học mà là mụ chủ thanh lâu đã cho người đi dụ dỗ, mua bán các cô gái hiền lương phải làm nghề không vốn để mụ kiếm tiền. Bề ngoài Tú Bà được Nguyễn Du diễn tả xuất thần:

“Thoắt trông nhờn nhợt mầu da
Ăn gì cao lớn, đẫy đà làm sao!”

Và tư cách mụ còn siêu hơn nữa, mụ trắng trợn:

“Bảo rằng đi dạo lấy người
Ðem về tiếp khách lấy lời mà ăn.”

Mụ Tú Bà từ ngày được Nguyễn Du khai sinh thì mụ sống mãi, không chịu khai tử bao giờ, chắc đợi bao giờ các ông chừa hẳn thói yêu hoa trong lầu xanh, lầu hồng thì mụ mới chịu thất nghiệp mà đổi nghề chăng?

Thúy Kiều

Chỗ nào có mụ Tú Bà là có ngay các cô Kiều bên cạnh để cộng tác với Mụ. Gần nhau thế nhưng trong khi các ông khinh ghét mụ Tú Bà thì các cô Kiều lại được các ông yêu quý, nâng niu. Thúy Kiều lừng lẫy đến nỗi các ông cứ nói tới Kiều là biết ngay nghề nghiệp của người các ông nói đến.

Các cô Kiều bất cứ thời đại nào cũng chỉ cần tham gia vào hàng ngũ những cô làm nghề không vốn là được gọi là Kiều và các ông sẵn sàng chiếu cố ngay, không cần nhớ rằng cô Kiều của Nguyễn Du phải xinh đẹp:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh! “

Hay phải tài hoa:

“Một mai nghiêng nước, nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.”

Và còn có hiếu nữa, trong cơn gia biến, dù yêu Kim Trọng thắm thiết, Kiều vẫn quyết định:

“Quyết tình nàng mới hạ tình
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.”

Những ưu điểm đó khó khăn quá, các ông không đòi hỏi cao như thế, cứ hành nghề dưới trướng Tú Bà là được gọi bằng Kiều!

Hoạn Thư

Con quan Lại bộ, vợ chính thức của Thúc Sinh. Hoạn Thư nghe đồn Thúc Sinh ở với Kiều nên nổi máu ghen, lập mưu sâu bắt Kiều về làm người hầu hạ trong nhà để hành hạ. Khi gặp mặt Thúc Sinh, hai người đau đớn vô cùng nhưng không dám nhận nhau vì đã phân ngôi chủ, tớ. Một lần, Thúc Sinh lén ra gặp Kiều bị Hoạn Thư bắt gặp, Hoạn Thư không tỏ vẻ ghen tuông ra ngoài nhưng Kiều sợ hãi cho cái ghen ngấm ngầm chết người của “ả Hoạn” nên trốn đi. Hoạn Thư lại là người gang thép khi đấu lý năn nỉ Kiều lúc Kiều lấy được Từ Hải, cho bắt tất cả “cố nhân” về để ân đền, oán trả:

“Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.”

Thấy lời hợp lý, Kiều đành phải tha cho Hoạn Thư.
Bà nào ghen ghê gớm, dữ dội, thâm hiểm thì được gọi là Hoạn Thư hay có máu Hoạn Thư. Cỡ cô Quờn đốt chồng hay bà trung tá Thức của Việt Nam hay em... Bobbit của Mỹ thì đúng là con cháu Hoạn Thư dù em không phải là người Việt Nam.

Các ông cùng họ với Thúc Sinh hễ nghe tới tên Hoạn Thư là mặt mày xanh lè, tay chân run lẩy bẩy.
Các cô Kiều nghe tới đại danh Hoạn Thư cũng cuốn gói chạy dài y như cô Kiều thiệt đã đang đêm bưng theo của và bỏ cả Thúc Sinh ở lại để chạy lấy người ra khỏi nhà tiểu thư họ Hoạn. Không có Thúc Sinh cũng chẳng sao chứ ở nơi Long đầm, Hổ huyệt có ngày mất mạng vì máu ghen của bà.

Con nặc nô, con bà Chằng

Chỉ những người đàn bà dữ dằn, hung ác, còn gọi là “bà Chằng” hay cao cấp hơn nữa là “bà Chằng lửa”.
Nhà giầu ngày xưa, các nhà buôn bán một vốn, bốn lời hay cho vay lãi thắt họng thường nuôi những con nặc nô để đi đòi nợ mướn. Mấy con nặc nô còn đi chửi mướn, đánh thuê hay đánh ghen mướn. Con nặc nô thường mặt mũi dữ tợn, sẵn sàng tay búa, tay dao nếu con nợ dám chống cự lại.

Nói tới con nặc nô hay bà Chằng lửa là các ông, các bà tử tế đều xếp giáp quy hàng còn các ông cảnh sát thì sẵn sàng rút cặp còng số 8 ra để sẵn đó.

Ðiêu Thuyền

Theo trí nhớ của Tiểu muội thì cô này là con gái nuôi của quan Tư Ðồ, cô rất xinh đẹp, muá hay, đàn giỏi và sở trường về việc quyến rũ các ông! Vì vấn đề chính trị, ông Tư Ðồ đã gả Ðiêu Thuyền cho Ðổng Trác rồi còn hứa gả cho Lữ Bố.

Lữ Bố là dũng tướng, là cánh tay mặt và là con nuôi của Ðổng Trác. Quan Tư Ðồ lập mưu cho Ðiêu Thuyền dùng nhan sắc yêu kiều và tài nghệ quyến rũ, lả lướt, lẳng lơ, nhõng nhẽo, quỷ quyệt gây sự nghi kỵ, ghen tuông giữa cha con Ðổng Trác, sau cùng Lữ Bố đâm chết Ðổng Trác!
Cô nào xinh đẹp, lẳng lơ, hay lợi dụng một lúc hơn... một ông nạn nhân, cho các ông vào xiệc di dài, hại các ông đến thân bại danh liệt thì được phong chức Ðiêu Thuyền!

Cô Hằng Nga

Chỉ người đẹp như tiên. Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ, người đã bắn rơi tám trong số chín con quạ lửa để cứu trái đất khỏi bị nóng thiêu đốt thành tro bụi.
Hằng Nga vì muốn được trẻ đẹp mãi nên uống trộm quá nhiều thuốc tiên của chồng. Hằng Nga bị bay lên cung trăng sống cô đơn, lạnh lẽo. May mà sau này cô có chú Cuội cuả nước láng giềng là Việt Nam ta lên sống chung nên cũng đỡ cô quạnh.
Theo tiểu muội, chưa chắc cô Hằng Nga đã đẹp như chúng ta tưởng. Cô bay lên cung Trăng khi cô trẻ trung xinh đẹp, chú Cuội cũng bay lên cung Trăng khi chú vừa lấy vợ được ít lâu, tức là cũng trẻ trung, khoẻ mạnh.

Tại sao bao nhiêu năm chung sống không thấy hai ông bà láng giềng này gây nên lời ong, tiếng ve đàm tiếu chi cả? Chẳng lẽ ở với nhau bao năm mà vẫn không nói chuyện được với nhau? Không học được tiếng nhau để thông cảm cảnh cô đơn với nhau? Nói cho cùng, tình yêu đâu có biên giới ngôn ngữ ngăn cách mà không thấy họ có chuyện gì lôi thôi cả. Lạ thật!
Hay họ có... chuyện với nhau nhưng vì trên cung Trăng không có... nhà báo nên chúng ta chẳng biết được chuyện gì?

Thế mới biết không có nhà báo cứ hay chõ mũi vào cuộc đời thì đời mất đi biết bao thi vị dù là cuộc đời trên cung trăng với cô Hằng Nga!

Bà Xã xệ.

Thọat ra thì bà không xệ nhưng trót dại làm bạn với ông Xã Xệ nên bị gọi là bà Xã Xệ. Số các bà Việt Nam bị xệ rất hiếm nên sau này tên các bà được các ông âu yếm gọi tắt lại là bà xã! Từ bà Xã là vợ của ông Xã Xệ, các bà trở thành bà Xã của riêng cái người đang âu yếm, kính nể hay sợ hãi khi nhắc tới bà.

Nói tới “Bà Xã” là biết ngay đó là của riêng người ta, cấm không được nhòm ngó tới, không thì mất mạng như chơi.

Bà Ðen

Theo truyền thuyết, ngày xưa ở tỉnh Tây Ninh có một cô tiểu thư xinh đẹp, tính tình lại rất đáng yêu nên mọi người yêu quý cô hết mực.
Chẳng may, nhan sắc cô lọt vào mắt tên thực dân Pháp trông coi vùng đó. Hắn đòi bắt cô làm vợ, cha mẹ cô thương con nên lập mưu cho cô trốn vào rừng trên ngọn núi cao. Tên thực dân Pháp nổi điên lên khi biết chuyện bèn bắt cha mẹ cô giam lại hòng dụ cô ra để bắt.
Cô trốn tránh mãi nhưng một ngày, cô thương nhớ cha mẹ quá, không chịu nổi, cô bèn cải trang thành con trai, bôi đen cả người, cả mặt mũi, lấy tên giả vào thăm cha mẹ. Âm mưu bại lộ, tên thực dân bắt được cô, định cưỡng bức cô nhưng cô đã cắn lưỡi tự tử để bảo toàn trinh tiết. Cảm lòng hiếu tử và tiết hạnh của cô, từ đó người dân Tây Ninh lập đền thờ cô trên núi, nơi cô ẩn náu và gọi núi đó là núi Bà Ðen.

KATHY TRẦN

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003