Apr 25, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
PHỐ CÔ ÐẦU
THÚY SƠN

Ðúng như nhà văn Diệu Tần đã nói: “Ở thế hệ 20, 40 hay 60, chẳng mấy người biết đến phố cô đầu Khâm Thiên nó “nằm” ở chỗ nào?” Người viết có cái may mắn là vào những năm 1949, 1950. trong giai đoạn chiến tranh Việt Pháp khốc liệt đã phải chạy vào Hanoi, để cầu sinh lộ.

Bởi lúc đó những thanh niên, và những người có máu mặt, nếu còn ở lại nhà quê thì phải chịu cái cảnh
một cổ hai tròng. Có làng thì ban ngày theo quốc gia, hay nói cho đúng ra là theo Pháp, đã có Pháp đóng đồn bảo vệ. Nhưng ban đêm thì Việt Cộng mò về tuyên truyền, thu thuế và bắt thanh niên, trai tráng đi tập cầm súng bắn giết, hoặc làm lao công đi tải đạn vượt trường sơn, mà họ gọi là chống giặc cứu nước.

Gia đình tôi mua được một căn nhà nhỏ ở phố Hàng Bột, trên con đường đi vào ấp Thái Hà. Ấp này là những dinh cơ của cụ Hoài Ân Quặn Vương Hoàng Cao Khải. Một gia đình dòng dõi quan lại vào bậc nhất miền bắc thời đó. Người ta nói Cụ Quận đáng lẽ được phong tước “Phó Vương”. Nghĩa là chỉ đứng sau Ðức Ðại Nam Hoàng Ðế mà thôi. Nhưng trong lúc bầu cử thì một vị đại thần là Cao Xuân Dục, đã khẳng khái bác bỏ. Ông viết vào đơn bầu là: “Thiên vô lưỡng nhật. Quốc vô lưỡng vương. Thần Cao Xuân Dục bất cảm ký.” Nghĩa là trời không có hai mặt trời, và nước không có hai vua. Tôi: Cao Xuân Dục không dám ký. Thế là Cụ Quận nhà ta mất chức phó vương. Chỉ còn được phong là “Hoài Ân Quận Vương”, kiêm nhiệm chức Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ. Vì vậy người đương thời gọi cụ là Cụ Quận. Các con cháu cụ thì gọi cụ là “Cụ Tổ”. Các ông Tổng Ðốc Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu, Hoàng Gia Ðức, là con cháu cụ. Ngoài ra các quan lại miền bắc, từ tri phủ, tri huyện trở lên đều nằm dưới “trướng” cụ. Cụ sống rất thọ, khi về già, không còn răng phải dùng sữa người “trực tiếp”. Ðám tang lễ của cụ, xe hơi cứ nối đuôi nhau đi hàng mấy cây số chưa hết.

Mỗi lần đi từ ga Hàng Cỏ về nhà, tôi phải đi qua phố Khâm Thiên. Một dẫy phố toàn là nhà hát cô đầu. Gọi là “Cô Ðầu” hay “Ả Ðào” cũng vậy. Nhưng gọi là cô đầu nghe nhẹ nhàng, thanh lịch hơn. Còn gọi “ả” nghe có vẻ miệt thị giới nghệ sĩ này quá. Cô đầu có hai loại” Cô đầu hát, và cô đầu rượu.” Cô đầu hát là chuyên nghiệp, chỉ có ca hát thôi. Ðã có những bài ca trù, mà các thi nhân soạn riêng cho các cô. Nhưng họ cũng phải có những giọng ca thiên phú, tiếng hát trong trẻo, mạch lạc rõ ràng, lại phải có công khổ luyện. Khổ luyện nghĩa là khổ công luyện tập, chớ không phải “khổ luyện” là cây xoan ta dùng làm thuốc sát trùng hiệu nghiệm. Mỗi cô ít nhất cũng phải học thuộc nằm lòng mươi bài ca gọi là “tủ”, của các cụ Tam Nguyên Yên Ðổ, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát ...

Cứ vào quãng 8, 9 giờ tối là tiếng đàn, tiếng phách lại nổi lên dìu dặt âm vọng ra mãi ngoài đường. Những khách bộ hành dù không có sính với tiếng ca, nhịp phách, cũng văng vẳng bên tai: “Hồng,Hông! Tuyết, Tuyết! Mới ngày nào chưa biết cái chi chi! Mười lăm năm thấm thoát có xa gì...”
Người ta kể rằng cụ Nguyễn Công Trứ, lúc còn niên thiếu cũng mê cô đầu lắm. Ðến nỗi phải theo cô đầu đi làm công, gánh hòm đồ nghề cho các cô, để có dịp được nghe tiếng hát của các nàng. Một hôm chàng quảy đồ nghề cho nàng đi hát, khi ngang qua khu miếu ở giữa cánh đồng làng Tường Yên thuộc huyện Thư Trì. Ở đây có một tòa miếu cổ chung quanh có nhiều cổ thụ um tùm rậm rạp. Ðoàn lữ hành vào nghỉ mệt, cho bớt quãng đường xa. Chàng họ Nguyễn định giở trò “nài hoa ép liễu”. Nhưng cô nàng không chịu “đèn” nên vùng vằng “ứ hự”.

Một thời gian sau, chàng thư sinh họ Nguyễn đỗ đạt, được bổ làm quan. Khi về trọng nhậm tại một huyện gần quê cũ. Tổng lý đem cô đầu đến hát mừng quan mới. Khi nghe cô đầu ngâm câu: “Giang sơn một gánh giữa đồng... Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?...” Quan lớn sực tỉnh và nhìn kỹ lại thì đúng là nàng rồi. Lần này thì mình có quyền, lại có thế, chắc cô nàng không còn ứ hự nữa, mà có lẽ là ừ hự. Người ta bảo cô này sau được làm quan tắt. Nghĩa là một bước nhẩy lên làm Nguyễn phu nhân ngay thôi. Cụ Nguyễn công Trứ sau này được làm “doanh điền sứ”, mở mang hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải. Vì vậy nên đất Thái Bình, đã nẩy sinh ra phố cô đầu huyện Vũ Tiên, chắc cũng là do thừa hưởng cái di sản vui thú ca trù của cụ.

Vào đầu thế kỷ 20, hay nói cho đúng hơn là vào thời gian trước năm 1945, miền bắc chỉ có hai xóm Bình Khang nổi tiếng nhất là Khâm Thiên, (Hanoi) và Vũ Tiên (Thái Bình). Hai nơi này tập trung toàn là cô đầu gạo cội cả.

Ngoài cô đầu hát còn có một “giai cấp” cô đầu nữa là “cô đâu rượu”. Hạng này không cần phải biết ca hát, hay đánh phách, gõ nhịp gì cả. Chỉ cần có một tí nhan sắc là được tuyển dụng ngay, Mấy cô này được các ông chủ, bà chủ,cho ăn diện rất là mỹ miều, lả lướt, để chiều chiều ra phất phơ ngoài cửa chào đón quan viên. Khi có khách thì các cô phải lo phục vụ chuốc rượu, và quạt mùng, trải chiếu... Người viết bài khi còn là một học sinh, vào năm 1937, 38 ở trọ nhà một người quen, ở sát vách nhà bà Ký Ðường, nhà nuôi cô đầu nổi tiếng ở phố huyện.Vũ Tiên. Trong số những cô đầu “chanh cốm” nhà bào Ký Ðường có cô Khàn là khá nhất, người còn trẻ, nhỏ nhắn, độ 15, 16 tuổi gì đó. Nét mặt hao hao giống cô ca sĩ Ngọc Hạ bây giờ. Mỗi lần coi vidio Paris by night, nhìn thấy hình dáng Ngọc Hạ làm tôi lại liên tưởng đến nàng. Hai người giống nhau đền 8 chục phần trăm. Nhất là cái miệng, chỉ khác có một điều là cô Khàn thì xỏ lỗ tai thông thường như mọi cô gái miền bắc, xỏ ngay ở “dái tai”, còn Nhặt Hạ thi lại đeo vòng ở phía trên một tí.

Khàn rất hồn nhiên ngây thơ. Không biết nàng có để ý gì chúng tôi không. Nhưng nhiều hôm, những buổi chiều thứ năm, chủ nhật. Ngoài trời mây mù giăng giăng. Những cơn gió bắc vút qua làm rơi rụng những lá vàng còn sót trên tàng cổ thụ. Hàng thông hai bên đường từ ngã tư Vũ Tiên đến Tân Ðệ theo tiếng gió vi vu, xào xạc như một bản tình ca lỗi nhịp. Tôi và thằng em họ, đang trùm chăn năm bò trên giường học bài, thì Khàn ở ngoài chạy vào, leo lên giường rúc vào giữa chúng tôi rồi xuýt xoa:“Trời lạnh quá! Các anh làm gì mà chăm học vặy?” Thế còn học hành gì được nữa, Chúng tôi gấp sách vở lại, ngồi nói chuyện. Toàn là những chuyện trời ơi, đất hỡi không à! Nhưng nhìn khuôn mặt nàng. Nhìn cái miệng có môi trên chúm chím, nghe nàng kể chuyện tầm phào. Chúng tôi cũng cảm thấy trong lòng xao xuyến và dâng lên một niềm vui dào dạt vô biên... Khàn hỏi:
- Các anh học làm gì mà học nhiều thế?
Thằng em họ tôi hơn tôi gần hai tuổi, nên có vẻ khôn lanh hơn tôi nhiều. Nó thả dê, câu tài:
- Chúng tôi phải học gạo. Ðể mai mốt thi đậu vinh quy, còn có: “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” chớ!
Khàn véo vào đùi nó một cái, nói:
- Liệu đã có võng đào chưa?
- Tụi tôi còn đang chờ cô đấy!
Năm đó là năm học thi cử của chúng tôi, nên cũng cố gắng xa lánh vòng tình ái. Nên chẳng dám bén mảng gì đến các nàng cả. Mặc dầu thấy các nàng ăn nói có duyên, trang phục trai lơ , chải chuốt, nên trong tâm hồn của các cậu trai quê nhiều phen cũng rạo rực điên đảo. Rồi thời gian phôi pha, năm tháng cũng vơi lòng buồn. Một hôm tôi đi coi ruộng về, qua xóm Ðồng Bùi, nghe tiếng trống phách bên nhà ông chưởng bạ Tài. Tôi liền vào chơi, ông mời tôi ngồi rồi nói như giới thiệu:
- Mấy cô này là cô đầu bên Bi, Mễ sang chơi (Bi Mễ là tên gọi tắt của hai làng Thọ Bi và Ô Mễ thuộc huyện Thư Trì). Các cô ở lại nhà tôi cả tháng đấy. Cặu có muốn học “gõ trống”. tôi bảo các cô ấy chỉ cho. Mau lắm! Tôi cũng đang học đây!
Sau một hồi chuyện trò. Tôi được biết hai cô này tên là Bình và Thảo. Cả hai đều là cô đầu hát ở phố huyện Vũ Tiên. Quê quán ở làng ông Lý Triêm bên Ô Mễ. Hai cô đều có tuổi xuýt xoát ngang nhau, nghĩa là vào quãng đôi mươi. Cô nào cũng khá xinh xinh. Chỉ có nước da đồng màu, nên không được trắng trẻo cho lắm. Nhưng cũng chưa đến nỗi nước da “bánh mật”. Thảo thì nhỏ con hơn, mình dây và có giọng ca rất trong trẻo, cao vút tặn mây mờ, như nhà thơ Thế Lữ đã tả: “Khi cao vút tặn mây mờ, khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh...” Ðúng quá đi chớ! Mấy cô này quen biết với ông Tài, nên thường đến mùa lúa tháng 5 và tháng 10 là sang chơi, ở lại vài tuần giúp đỡ gặt hái. Các cô bảo, cũng như người đi “nghỉ hè” mấy hôm cho thay đổi không khí vặy mà! Tôi có hỏi thăm đến đời sống và lối suy tư của những người nghệ sĩ này, các cô cho biết:
- Nghề cầm ca của chúng em, cũng chỉ là cái nghề bất đắc dĩ mà thôi. Coi như là một nghề tay trái. Phần nhiều vì hoàn cảnh đưa đẩy mà lạc vào thế giới ca trù. Chớ ai cũng mong “tạm trú” một thời gian, rồi có người “rinh” đi. Mình lại sống một cuộc đời xuất giá tòng phu. Cô nào may mắn cũng được một bước nhảy lên làm bà nọ, bà kia. Rồi cũng sinh con đẻ cái như ai. Chỉ trừ những thiên tài đặc biệt, thì nhà chủ cứ giữ chặt như một “bảo bối” để câu khách. Có người suốt một đời mang kiếp cầm ca. Khi đã chiều tàn bóng xế, thì còn mong gì mà kiếm được cái nửa kia của cuộc đời. Nên đành ngậm ngùi ôm mối sầu lẻ bóng, mà nuối tiếc tuổi thanh xuân...

Khi ông thân tôi biết chuyện. Sáng hôm sau ông cụ sang nhà ông Chưởng Bạ chơi, và cho phép tôi được học “gõ trống” cô đầu từ mùa hè năm đó. Năm tôi vừa đúng tuổi “trăng mọc giờ tuất”. Ởợ quê tôi thường có câu: “Hai mươi tuất rốt, hai mươi mốt nửa đêm”. Nghĩa là đêm 20 thì trăng mọc vào cuối giờ tuất, và 21 thì mọc vào nửa đêm. Ngày nào cũng cứ chiều chiều, tắm rửa xong là lại sang cho các cô luyện. Nào là khổ giáo đầu, khổ sòng, khổ xếp... Khi cô đầu hát đền khổ nào thì phải gõ trống cho đúng vào nhịp phách, mà cô đầu vừa gõ xuống.

Cô đầu thì thường phải ngồi “xếp bằng tròn” dười chiếu. Cái phách để trước mặt. Phách là một nửa gióng tre đực dài độ 20 phân tây. Cô đầu dùng hai thanh như một đôi đũa lớn cũng bằng tre hoặc bằng gỗ lim, đập vào phách nghe lách cách, lách cách. Khi nào cô giơ cao tay phải lên và đập mạnh một cài vào phách, thì người cầm chầu phải đập doi chầu xuống mặt trống, nghe tiếng “tom” đúng vào nhịp phách. Nếu sai thì gọi là lỗi nhịp. Người cầm chầu thì gọi là “quan viên”. Ngày xưa thì ngồi trên sặp gụ, nhưng sau này có thể ngồi ngay ở bàn ăn, hay bàn ghế tiếp khách, như “salon” chẳng hạn. Trống là một loại đặc biệt, có người gọi là “trống khẩu”. Tang trống bằng gỗ mít, hay gỗ vàng tâm, cao chừng 20 phân tây, và đường kính độ 18 phân. hai mặt trống bưng kín bằng da trâu, hay da bò rất mỏng.

Khi cầm chầu quan viên dùng bàn tay trái đè lên mặt trồng, bịt kín chừng 1 phần ba mặt trống về bên trái, còn hai phần ba phía bên phải dùng doi chầu mà đập xuống. Dùi trống, cũng gọi là doi chầu dài chừng 30 phân tây, bằng gỗ trắc, hay bạch đàn gọt giũa rất nhẵn nhụi. Quan viên dùng tay phải đập xuống mặt trồng làm sao cho khi đánh xuống mặt trông chỉ kênh chứng 10, hay 15 độ. tiếng trống nghe mới kêu giòn. Ðó là nghệ thuật của người biết chơi... “cô đầu”.
Ông Tài nói:
- Các cụ ta ngày xưa đánh trống cô đầu, phải nghe tỉnh nhịp phách, mà đập xuống. Nhiều khi cô đầu lại lẩn phách, nghĩa là gõ không đúng khổ, thì quan viên rất khó mà đánh, nên phải học nhiều, đi hát nhiều mới điêu luyện. Nhưng bây giờ, quan viên cứ học thuộc nhiều bài hát. Khi nghe hát đến đâu thì đập trống xuống. Rất chắc ăn. Nói tóm lại học gõ trống cô đầu, tôi nghĩ còn khó hơn học “nhảy đầm” bây giờ. Ngoặi trừ những điệu valse, hay fantaisie. Các cặu gọi là “phăng” thì mới phải tập luyện lâu dài. Còn chỉ nhảy đủ để... “ngoặi giao” thì không khó lắm.
Tôi đọc cho ông Tài nghe một bài thơ trào phúng của Tú Mỡ, đăng trên tờ Ngày Nay. Bài thơ như thế này:
Cũng ca, cũng hát, cũng tom tom, chát chát xóm bình khang.
Cũng lên râu cụ lý trong làng, cũng học thói làm sang mời mọc khách.
Tiếng nhạc, tiếng đàn, chen tiếng phách. Hơi men, hơi thịt, lẫn hơi người.
Cũng dan tay dùi đục kề vai, cũng đặt hãm một vài câu lếu láo.
Cũng gọi chủ bắt gà nấu cháo. Cũng quạt màn, trải chiếu. Chị em ơi!...
Ông Tài lấy giấy viết bài thơ này đưa cho cô Thảo ca.
Cô cầm lấy lẩm nhẩm một lượt, rồi để bài thơ trước mặt. cô lấy phách ra gõ, và chỉ cho tôi. Khi nào cô giơ tay phải lên cao, rồi đập xuống phách, thì tôi phải đánh tiếng trống “tom” một cái vào đúng nhịp phách đó.

Sở dĩ mùa hè năm đó, tôi được học đánh trống cô đầu, cũng là có nguyên nhân cả.
Vì, cuối năm ngoái. Tôi nhớ vào một buôi sáng cuối thu. Tời rất đẹp, nền trời xanh lơ lơ, có mây hồng lơ lửng. Gió thu hiu hiu làm lay động những bụi tre già bên bờ ao nghe rì rào, như tiếng lòng thổn thức cuả thiếu nữ dặy thì. Thầy tôi bảo tôi sửa soạn lên Nguyên Lâm dự đám “Khai hạ” Lý trưởng. Tôi liền mặc quần áo rồi lấy xe đạp đi ngay. Hôm đó lại đúng vào ngày có phiên chợ Khô, nên tôi đi sớm, để vào chợ chơi, đến gần trưa mới vào nhà Lý Hạng. Nguyên Lâm là một xã rất nhỏ, chỉ có chừng non một trăm nhân số, và tư điền cũng chỉ có độ một trăm mà có hàng chục ông điền chủ phụ canh. Ðến nỗi có người khôi hài nói xã này như là một tô giới vặy. Người giầu nhất làng cũng chỉ có chừng vài ba mẫu. Nguyên Lâm nhờ vào ngôi chợ Khô, nên trong làng cũng đỡ khổ. Chợ Khô là ngôi chợ khá nhất trong vùng Tiên Hưng, Duyên Hà, chỉ đứng sau chợ Phủ thôi.
Làm Lý trưởng xã Nguyên Lâm là cứ tà tà làm mãn kiếp, vì ít có người có đủ tài lực, vặt lực ra đảm đang. Lý trưởng đương nhiệm mới làm được có 6, 7 năm thì bị lao phổi mà đi đời. Phó lý Nguyễn Văn Hạng được “đôn” lên, gọi là thôi bổ. Dù là thôi bổ hay tân bầu thì cũng phải có khao, có vọng. Ðó là tục lệ của hương đảng mà. Người ta bảo “Phép vua, thua lệ làng “ là vậy. Tiệc khao gọi là “Khai hạ”. Vì thế ngay ở cổng nhà Lý Hạng đã làm một cái cổng chào bằng lá dừa, trên có một tấm bảng bằng giấy hồng điều đề hai chữ : “Khai Hạ” rất lớn bằng Hán tự.
Khi tôi vào đến nhà thì thấy mấy người đang sửa soạn cổ bàn. Khán Lâm thấy tôi thì chạy ra đỡ lấy xe đạp, dựa vào chân giặu trước sân, cách một khu vườn nhỏ. Anh ta dẫn tôi đến một người thư ký ngồi ở một góc sân. Tôi đặt hai đồng bạc lễ mừng đề cho người này ghi vào sổ. Tôi vào trong nhà thì đã thấy một số tân khách ngồi. Tôi lựa một bàn ở gian bên cạnh ngồi. Một lát thấy Lý Hạng khăn áo chỉnh tề, đến mời tôi sang bàn giữa. Tôi thấy đã có ba vị ngồi đó là cụ Chánh Bút, chánh tổng sở tại còn hai người kia là ông Hàn Trâm, và ông Cửu Khanh ở Duyên Tục. Tôi e ngại vì mình còn trẻ, mới có 18 tuổi, mà lại ngồi với mấy ông tai to mặt lớn trong hàng huyện, sợ thất lễ chăng? Nên tôi từ chối không sang. Nhưng Lý Hặng nói:
- Mời cậu cứ sang ! Chẳng gì cặu cũng là cháu cụ Ðiều Cố. Các cụ đây là cụ chánh và cụ Hàn và cụ Cửu, thì cặu cũng quen biết. Rồi vừa nói ông vừa kéo tay tôi sang và giới thiệu với ba vị khách kia. Tôi ngồi phía ngoài bên cụ chánh Bút. Khi bưng cỗ lên, Lý Hặng tự tay mở nút chiếc nậm rượu “đế “ra, rót vào bốn cái chén hạt mít. Gọi là hạt mít, vì nó chỉ nhỉnh hơn hạt mít một tí, và trắng toát , nên gọi là chén bạch định. Loại chén này chỉ dùng để uống rượu khi có cỗ bàn.

Vừa lúc đó thì có người trải xuống ngay giữa nhà một cái chiếu hoa. Một cô đầu đã đứng tuổi và một anh công văn, cỡ ngoại ngũ tuần. hai người vừa ngồi xuống, thì Lý Hạng bưng lại ngay đầu bàn ăn của chúng tôi một chiếc ghế đẩu, trên có để một cái trống chầu. Người ngồi đối diện với tôi là ông Hàn Trâm. Ông này tôi có gặp mấy lần, khi tôi qua thăm ông bác họ bên An Lạc, phải đi qua nhà ông. Sau này thì quen thân hơn, vào năm 1952, khi quân Pháp hành quân qua phủ Tiên Hưng thì gia đình ông Hàn Trâm phải chạy xuồng Thái Bình, tạm trú tại đền Mẫu. Ban đêm ông thường sang nhà tôi ngủ, để chuyện trò cho vui. Ông Trâm chỉ hơn tôi chừng mươi tuổi, người nho nhã, ăn nói rất có duyên. Ông có người con gái lớn độ 15 tuổi, mũm mĩm như cục bột. Mấy đứa em tôi cứ chọc cô là cục bột.

Theo phép lịch sự thì ông Hàn Trâm nhường cho cụ chánh tổng sở tại, nhưng cụ chánh Bút từ chối, nói là ông Hàn ngồi ở ngoài thì tiện tay đánh trước. Sau khi nghe một vài bài, ông Trâm đẩy chiếc trống về phía tôi. Tôi không biết đánh, nên từ chối và chữa thẹn rằng, là người công giáo, nên gia đình không cho học đánh trống. Tôi liền đem trống về bên cụ Chánh Bút. Thế là thoát nạn. Về nhà tôi kể chuyện này cho thầy tôi, nên nhân dịp có mấy cô đầu ở nhà ông Chưởng Bạ Tài, tôi được tự do học. nhưng ông cụ bảo:
- Học thì học cho biết thôi. Chớ đừng có mê! Ở đời không nên mê một cái gì cả. Ông cụ còn thêm:
- Mê cô đầu cũng như người nghiện thuốc phiện. Hễ đã mắc vào, ruộng nương cũng cho đi tuốt luốt luôn.

Tôi học gõ trống cô đầu bên nhà ông Tài được hơn một tuần lễ, đang ngon trớn. Có thể đã cầm chầu tạm được, thì ông anh họ tôi nghe tin, ông cũng mò sang học. Không hiểu sao, bà bác tôi biết, bà sang bắt anh về, và bà vào mách với ông nội tôi. Thế là cụ chửi tôi một mẻ, cả thầy tôi cũng bị vạ lây. Ông cụ cấm chúng tôi không được “bén mảng” đến nhà ông Tài. Vì vậy, nên khóa học của tôi bị bãi bỏ ngang xương, làm tôi cứ tiếc ngẩn, tiếc ngơ cả ngày.
Không biết ai đã dậy cô em út tôi, lúc đó mới bặp bẹ tập nói. Cả ngày cô cứ lải nhải, mấy câu: “Cô đầu, cô đít, cô đuôi. Anh tôi đi vắng lấy ai nuôi cô đầu...”

Thúy Sơn



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003