Mar 29, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
BUỒN NGỦ GẶP CHIẾU MANH
THÚY SƠN
Người ta bảo “buồn ngủ mà gặp chiếu manh”, là may mắn lắm. Ý nói như một anh nông dân nào đó, đang buồn ngủ thấy mẹ đi, mà chẳng biết ngả lưng vào đâu được. May sao vớ được một manh chiếu ở góc nhà. Thế là anh trải ra đánh một giấc ngon lành. Còn cái nghĩa “bóng” của nó là như tôi.

Một buổi chiều đông thê lương, mà chiều đông nào dường như cũng thê lương vậy. Dù ở đông hay tây. Ở Cali cũng như ở quê nhà, mùa đông nào cũng chẳng đẹp. Nhất là ở miền bắc nước Việt xa xôi của tôi. Mùa đông thật là ảm đạm, mây mù giăng giăng. Trời đã giá lạnh, lại còn thêm vào những làn gió từ phương bắc thổi xuống, thật là lạnh thấu xương. Có năm cả tháng không nhìn thấy mặt trời xuất hiện.
Nhưng ở Cali này thì khá hơn. Mùa đông cũng âm u giá lạnh, nhưng cũng không đến nỗi nào. Thỉnh thoảng còn có ánh sáng thái dương cho mây hồng lững thững bay qua. Ðủ gợi
hứng cho các văn nhân, thi sĩ thả hồn mơ mộng... Tôi đang buồn buồn vì mấy hôm nay bị tù túng chỉ ngồi nhà nhìn trời âm u và nghe mưa rơi rả rích, như là bão rong, làm tôi liên tưởng đến mấy câu thơ trong bài Thao Thức của Cao Mỵ Nhân:

Mưa như hơi thở của mình
Khi tan cuộc chiến chưa thành chí trai
Vẫn nghe mưa lạnh bên ngoài
Lọt vào tim nỗi u hoài cách ngăn...

Nhìn qua rặng núi phía đông, trước mặt căn “tệ xá”. Bên kia rẫy núi xanh xanh là khu vực thị trấn Fresno, mà đã có lần tôi lái xe từ LA về, đã lạc lõng tuốt lên đó.
Ðang ngồi buồn, như người buồn ngủ, và đang ước được cái manh chiếu. Thì người Bưu chính đem đến cho một cuốn “Tuyển Tập Thơ Văn Xuân thu 2003 của Thi Ðàn Lạc Việt”.
Ðúng là buồn ngủ gặp chiếu manh rồi.Thế là tôi mở ra từ từ đọc...
Người gửi là một anh bạn thơ Việt Bằng. Nói văn vẻ là Thi Hữu Việt Bằng, người đồng hương. Anh là đồng hương của tôi một trăm phần trăm. Chớ không phải là thấy người sang bắt quàng làm họ đâu nhé. Nói có sách, và mách thì phải có chứng. Vâng! Anh là Giáo sư Lê Xuân Tiếu, quê hương ở thị xã Thái Bình. Một tỉnh ở ngay trung tâm miền bắc nước Việt mến yêu. Miền bắc vào thời gian trước năm 1945, có 23 tỉnh và 4 đạo quan binh. Nhưng sau này thì tôi không biết. Họ cắt, họ xén, họ gom lại, nghe đâu còn có mười mấy tỉnh.
Thái Bình, là một tỉnh khá lớn, đất rộng, người đông, không bị thay đổi, gán ghép nên còn y nguyên cái tên Thái Bình. Cái “bình” người bắc còn gọi là cái “lọ”. Một hôm, nhân ngày ra mắt thơ của một nhà văn nào đó cũng quê hương Thái Bình. Nghe anh Lại Ðức Hùng kể chuyện: “Ngày còn nhỏ anh đi học, bị bạn bè chế giễu anh là “dân thái lọ”. Lúc đó anh chưa biết chữ lọ là bình. Anh nghĩ lọ là lọ lem, nên anh nổi cơn lên , “đục” cho thằng bạn một trận. Giám thị gọi lên phạt anh, rồi giải thích chữ lọ cho anh. Ông Giám thị còn bảo anh: “Tôi cũng người Thái lọ đây mà!”

Một hôm tôi đi dự buổi họp do Thi Ðàn Lạc Việt tổ chức tại nhà một Thi Hữu, tình cờ tôi gặp Việt Bằng, và anh nhận ra tôi. Vì hồi còn ở quê nhà, trước khi về Hà Nội giữa năm 1950, anh học cùng trường với mấy cô em tôi. Anh và các bạn anh thỉnh thoảng có lại nhà tôi chơi. Có thể họ ve vãn mấy cô em gái tôi hay sao thì tôi không biết. Lúc đó tôi là người lớn rồi. Bẵng đi gần năm chục năm. Nay gặp lại người đồng hương, nên mừng lắm. Nhất là bóng chiều đã ngả. Trong người lại luân lưu dòng máu văn nghệ, nên dễ thông cảm hòa hợp. Anh thường gửi sách, truyện, hay thơ cho tôi mỗi khi có tác phẩm mới.

Lần này đọc tuyển tập Xuân Thu 2003 của anh gửi cho. Tôi đọc đến truyện “Biết đâu mà ngờ” của Diễm Châu TNQG. Tôi không biết 4 chữ TNQG là gì, chưa có đoán ra. Tôi nghĩ bụng: Không biết thì hỏi, có gì mà xấu. Thế là tôi đánh bạo kêu điện thoại hỏi Việt Bằng.
- Này cậu! Sau chữ Diễm Châu là 4 chữ gì đó?
- “Tôn Nữ Quỳnh Giao” đó ông bạn.
Anh định nói: Người gì mà quê quá vậy? Có cái tên của một nhà văn nổi tiếng như vậy mà không biết. Tôi biết mình là dân “Le nhà quê”,như những người của đỉnh cao trí tuệ, từ bưng biền mới nhập thành, nên khiêm nhường đáp:
- không biết thì phải hỏi chớ!
- Anh hỏi để làm gì? Muốn làm quen để gửi bài hả? Ðể tôi giới thiệu cho!
Bản tính nhút nhát, nên tôi chối phắt ngay, như Phê Rô chối Chúa. Tôi bảo: Không dám đâu. Tôi hỏi để biết thôi, chớ chưa dám “mon men” làm quen.
- Sao lai mon men?
- Nghĩa là chưa dám đến gần chớ sao. Ví như một ông già thấy cô gái đẹp ngồi trên ghế đá công viên. Ông muốn đến gạ chuyện làm quen, mà chưa dám. Cứ mon men lại gần, rồi nhích lại từng tí, từng tí một, gọi là mon men đó mà!

Việt Bằng cười: - À! Thì ra ông cũng đang mon men đấy hả? Ðể tôi giúp cho. Mà phải có gì cho tôi mới được? Người ta bào: “Phải có qua, có lại mới toại lòng nhau”.
- Coi chừng bị thưa về tội đòi hối lộ đấy nhé. Hối lộ tiền tài, thì còn đỡ, chớ hối lộ ... làm quen thì nặng lắm đó. Tôi lẩm nhẩm 4 chữ “Tôn Nữ Quỳnh Giao”. Thì ra người Hoàng Tộc, hay nói một cách nôm na, dân giả là họ nhà “dua”.

Hồi còn ở Saigon, tôi cũng có quen biết một cô họ Tôn Nữ. Cô có cái tên rất dài: Công Tằng Tôn Nữ Thị Kim Lang. Cô là con ông chủ tiệm may hiệu Kim Mai, đường Ðoàn Nhữ Hài, ngay góc chợ Xóm Chiếu, Khánh Hội. Hồi đó tôi làm bên quận Tư, nhà thì ở Quận Năm, nên trưa ở lại ăn cơm tiệm, chiều đi làm luôn cho tiện, khỏi lo bị kẹt xe. Một hôm tôi vào tiệm để nhờ may một bộ pyjama, nên làm quen. Cái gì chứ cái làm quen, là nghề của chàng mà! Trước thì may quần áo, rồi “mon men” thành người quen, người thân, mấy hồi. Nhan sắc nàng thì quả thực cũng không có được chim sa cá lặn gì, nhưng được nước da rất trắng, và hai cái răng khểnh cười rất có duyên. Mái tóc thật dài và óng ả. Cô ngồi may, mà mái tóc để xõa xuống chấm ghế. Có điều tôi cứ thắc mắc, và không hài lòng với chữ tên của cô. Ðáng lẽ phải là “Kim Lan” mới phải. Kim Lan nghĩa là lan vàng, như hoàng lan vậy. Ðằng này tên cô lại là Kim Lang, chữ Lang có “g”. Theo ông Tôn Thất Kim thì khi đi khai sinh, gặp ông Hộ Lại người miền Nam, ông giáng ngay cho cái đuôi vào tên con ông, nên thành Kim Lang.

Ðầu dây bên kia có tiếng Việt Bằng nói:
- Thì Lang hay Lan có quan hệ gì. Miễn là người đẹp thì thôi. Sao mà ông khó tính quá vậy?
Tôi cười trả lời:
- Anh nói vậy, nghe cũng ngang ngang đấy. Như thằng bạn tôi bảo: Lấy vợ chẳng cần đẹp hay xấu gì? Cứ làm ăn được là tốt rồi. Không biết hai chữ “làm ăn” của nó hàm ý gì? Tôi cũng chẳng biết nữa?

Rồi đang chuyện nọ, anh xọ sang chuyện kia, anh hỏi:
- Tuần trước Cao Mỵ Nhân ra sách, sao không thấy ông tới?
- Thì đang tiếc đây nè! Tuần đó xui xẻo lại bị đau chân. Cái bệnh thấp khớp nó hành hạ tôi liền tù tì à. Cứ vài tháng nó lại chiếu cố. Hôm nay cũng còn đau đây. Chưa có đi đâu được.
- Sao không nhờ người ... đấm bóp cho! Ý muốn nói là đi châm cứu đó!
Tôi mỉm cười nghĩ bụng: Anh này có cái tật ưa nói bậy. Anh không nói mau thì tôi cũng hiểu là anh muốn nói gì rồi. Tôi đổi đề tài:
- Khi nào gặp nữ sĩ họ Cao, nói giùm tôi cáo lỗi nhé, vì hôm ra mắt, tôi không đến dự được. Chớ thực tâm tôi muốn đi lắm, để gặp người “đẹp” cùng ở trong “băng” của tôi, mà chưa gặp bao giờ. Tôi nghe ông bạn nhà thơ Trường Giang ca tụng lắm. Vì hai người cùng ở trong nhà “banh” với nhau mà! Ông cũng “tá”, bà cũng “tá”. Phải không? Chỉ có tôi là không “tá” thôi. Thảng hoặc có “tá hoả tam tinh” thì có.

Ðầu dây bên kia nghe có tiếng Việt Bằng cười khằng khặc, và tiếng trẻ con khóc oe oe. Tôi hỏi: -
- Bộ Ông còn có con “mọn” hay sao mà có tiếng trẻ thơ khóc?
- Ðó là tiếng con cháu ngoại đó. Mẹ nó đi làm nên quẳng nó cho cô nguời làm, giờ làm cơm trưa, tôi phải coi đỡ.

Rồi nhân dịp tôi hỏi thăm đến gia cảnh, gia đình anh luôn. Ðược biết con gái anh lấy con trai ông Nguyễn Năng Nhu, cũng người Thái Bình. Ông Nhu tôi quen biết hồi còn ở nhà. Ông dòng họ cụ Nguyễn Năng Quốc, đã có thời gian làm Tổng Ðốc tỉnh Thái Bình, thời Pháp thuộc. Bà vợ ông Nhu, cô Huệ người làng Thọ Cao, Cách làng tôi có vài cây số. Làng Thọ Cao và làng Phú Vinh, hai làng kế cận, cỏ nhiều gia đình hào hữu. Hồi còn nhỏ, tôi thường xuống quê bà nội tôi ở Thụ Ðiền, phải đi qua mấy làng này, nên tôi thuộc đường đi nước bước ở đây. Thọ Cao, tên nôm là làng Cau. Có gia đình cụ Hàn Tơn, ông Chánh Nhương, ông Cửu Kiều, ông Cửu Vũ...

Hồi năm 1935, ông Cửu Vũ bị cướp vào nhà, bắt được ông, chúng tra khảo của bằng cách đổ dầu vào rốn, rồi đốt, nên ông bị tử thương. Ðến thời Việt Minh, bà Cửu Vũ, nhũ danh Hà Thị Thảo, tham gia hội họp với uỷ ban huyện Tiên Hưng liên miên. Ði đâu bà cũng xách theo cô con gái lúc đó độ 16 tuổi, đề làm thư ký riêng. Tôi được quen biết mẹ con bà từ thời gian này. Bà thường bảo tôi: “Mình phải hăng hái tham gia, để ... đánh giáo giữ nhà.” Cho nên chẳng cuộc họp nào ở Phủ Tiên Hưng, nhất là những cuộc họp cỏ tính cách “kinh tài” là phải có mặt bà. Danh tiếng của bà Hà Thị Thảo ai cũng biết... Còn tên cô con gái bà, tôi nhớ dường như là cô Bình thì phải. Tôi quên mất. Ðã hơn nửa thế kỷ rồi còn gì? Cô Huệ chắc còn nhớ cô bé này?

Không biết bây giờ cô ở đâu? Còn hăng hái tham gia để “Ðánh giặc giữ nhà” hay đã mai danh, ẩn tích ở một phương trời nào xa lạ...
Viết đến đây tôi lại nhớ đến quãng thời gian 1945-50. Thời gian mà người bắc lúc đó gọi là thời VM. Chúng tôi thuộc lớp tuổi thanh niên, nên hăng hái tham gia đủ mọi công tác. Những người lớn tuổi như lớp tuổi bà Hà Thị Thảo, thì gia nhập hôi Phụ nữ. Hội Liên Việt, hội Phụ Lão. Nhưng hội gì thì hội, theo sau cũng phải có hai chữ “Cứu Quốc”, mặc dầu chẳng cứu được quốc. Những người trẻ thì tham gia đoàn thanh niên, thiếu nhi, hay nhi đồng... Mỗi khi có “mít tinh” biểu tình thì lại vác trống ếch ra sân đình đập inh ỏi.
Những ông Hàn, ông Chánh, ông Bá, ông Tổng, ông Lý cũng không ngoại lệ. Các cụ lúc đó rất vui vẻ và hoà nhã, người cứ nhũn như con chi chi, chẳng có thái độ gì là hống hách như ta đây cả.

Có lần đào con đường nhựa liên tỉnh, ngay xã Cổ Quán, gần phủ lỵ Tiên Hưng .Tất cả các cơ quan, đoàn thể, đều được huy động tham gia hết. Các cụ, các ông, các bà, các anh em thanh thiếu nhi, không chừa một ai. Cứ sáng thì đem mai, cuốc đến đào. Trưa đã có cơm tập đoàn. Vừa làm, vừa thưởng thức văn nghệ, do các “cháu ngoan” của Bác ca hát. Một anh bạn đang đào đất bên cạnh tôi, thấy ông Hàn Tư, đang khuân đất, ở trước mặt, anh nói:
Mấy cụ này trước kia, ai dám đụng tới. Ði ra đường gặp mà không chào, còn bị ăn đòn nữa. Vậy mà bây giờ cũng hăng hái, vui vẻ “khổ sai” như mình.
Tôi bảo: Anh không nghe người ta nói: “Gặp thời thế, thế thời phải thế “ hay sao? Bây giờ người ta gọi là “Hỏa quang đồng trần” mà! Ai cũng lao động hết. Lao động là vinh quang ! Từ chủ tịch huyện đến chủ tịch xã, rồi các thân hào, nhân sĩ, ai cũng “được” tham gia hết. Cả cụ chánh án Thái Bình Nguyễn Duy Ninh nữa kìa! Bạc đầu mà cũng vác được cuốc đó. Anh thấy không? Cách mạng mà! Cái gì cũng... cách hết.

Mặt trời từ từ hạ xuống chân trời phía tây như một trái lửa khổng lồ. Ðoàn thiếu nhi đi theo nhịp trống ếch vang vang.. “Nhanh bước nhanh nhi đồng...” báo hiệu một ngày lao động hoàn tất. Mọi người sửa soạn ra về, để ngày mai lại tiếp tục... công tác đào đường đắp ụ.

Thúy Sơn



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003