Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
NGÀY CỦA MẸ
BẠCH CÚC NTN

Năm nay, Ngày Của Mẹ là ngày mùng 9, Chủ Nhật thứ nhì của Tháng Năm, 2004. Ðó là ngày Lễ được chính thức công nhận vào năm 1914 và bắt nguồn từ những công trình của bà Ann Javis (1833-1905) người đã tổ chức Câu Lạc Bộ Hành Ðộng của Các Bà Mẹ và qua các nỗ lực vận động của con bà là Anna Javis, người sáng lập ra lễ kỷ niệm từ năm 1907 mà bây giờ gọi là Ngày Của Mẹ.

Ngày Của Mẹ được cử hành để con cái nói lên lòng hiếu thảo đối với Mẹ. Chữ hiếu của Á Ðông là quan trọng nhất và được coi như là gốc của đạo làm người, trong tiến trình “tu thân, tề gia, trị quốc, và bình thiên hạ”. Không làm tròn chữ hiếu khó có thể được tin tưởng như là một thành viên tốt của xã hội, bởi lẽ đối với cha mẹ ruột thịt, ơn nghĩa sâu đậm mà còn bạc bẽo thì làm sao tốt được với người dưng? Muốn có chữ hiếu, phải làm sao? Xin ôn lại những tư tưởng của người xưa sau đây để tìm ra những điều mới.

Khổng Tử nói: “Cha mẹ còn sống, không nên đi chơi xa; và có đi đâu thì phải cho biết nơi, biết chốn. Tuổi cha mẹ không thể không biết. Biết để mà mừng; và biết để mà lo”.

Mạnh Tử nói: “Người đời có 5 tội bất hiếu là (1) Chân tay lười biếng, không làm nuôi cha mẹ. (2) Say mê cờ bạc, rượu trà, không nghĩ đến cha mẹ. (3) Ham tiền của, lo cho vợ, cho con, chẳng đoái hoài gì đến cha mẹ. (4) Hưởng thụ cho vui tai, sướng mắt để cha mẹ mang nhục. (5) Ham sức mạnh, thích đánh nhau để nguy đến cha mẹ.”

Thái Công nói: “Mình hiếu với cha mẹ, con sẽ có hiếu với mình. Còn mình không hiếu, hỏi sao con hiếu được? Hiếu thuận lại sinh con hiếu thuận. Ngỗ nghịch lại sinh con ngỗ nghịch. Chẳng tin hãy nhìn nước mái nhà: giọt trước nhỏ sao, giọt sau nhỏ vậy”.

Tăng Tử nói: “Cha mẹ yêu thì mừng mà không quên ơn. Cha mẹ ghét thì mệt mà không oán. Cha mẹ có lỗi thì can mà không làm phật ý. Hiếu là nết đứng đầu trăm nết (bách hạnh). Hiếu cảm đến trời, thì gió mưa hòa thuận; hiếu cảm đến đất thì muôn vật tốt tươi; hiếu cảm đến người thì có phúc, lộc, thịnh vượng.”

Tây Phương, tuy người ta không đề cao bổn phận làm con thành những nguyên tắc đạo đức, nhưng trong thực tế tâm tình của người con hướng về cha mẹ rất là thâm trọng. Thi sĩ Hoa Kỳ Edgar Allan Poe* trong thuở ấu thơ đã rất thiếu tình cảm của cha mẹ vì cha bỏ đi và mẹ thì mất sớm. Ông được gia đình John Allan giầu có nhận nuôi. Nhưng sau khi bà mẹ nuôi mất thì cha nuôi lại lăng nhăng. Ông tỏ lộ sự bất mãn thẳng với cha nuôi và vì vậy bị từ chối vai trò thừa kế.
Nhớ về mẹ, ông viết bốn câu thơ thật là tha thiết và gợi cảm:

To My Mother,

Because I feel that, in the Heavens above
The Angels, whispering to one another
Can find, among their burning terms of love
None so devotional as that of Mother.

Kính Mẹ,

Vì con cảm thấy Cõi Trên
Thiên Thần tìm kiếm dâng lên nhiều từ
Yêu nào nồng thắm vô tư
Suốt đời tận tụy hơn từ Mẹ đây?

Trong những thập niên gần đây, Tây Phương càng tỏ ra kính trọng nền tảng đạo đức của Ðông Phương mà tiêu biểu là Nho Giáo. Năm 1982, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2533 của Khổng Tử cử hành tại San Francisco, Tổng Thống Ronald Reagan gửi điện văn chúc mừng và bày tỏ rằng: “Hành vi cao quý và tư tưởng đạo đức và luân lý vĩ đại của Khổng Tử không chỉ có ảnh hưởng trong nước Trung Hoa mà còn ảnh hưởng tới toàn nhân loại.”

Người nữ với thiên chức làm mẹ, chịu nỗi cực mang nặng, đẻ đau, nuôi con sớm tối không quản nhọc nhằn như thế nào, suốt đời tận tụy hy sinh cho con: khi đói hay khát, con kêu tiếng “mẹ” là con có ngay một bình sữa ngon lành dù lúc đó nhà nghèo túng. Ngược lại, khi mẹ đã già yếu, lúc đói thèm ăn, thường cố nhịn để con đỡ tốn hao. Bậc cha mẹ hiền thường hy sinh cho con cái cho tới hơi thở cuối cùng, và nếu không còn có thể giúp ích gì cho con nữa thì cảm thấy thật không vui. Con người, chỉ khi có nuôi con mới biết ơn cha mẹ. Ơn đó trong Kinh Thi có viết: “Cha hề sinh ta, mẹ hề nuôi ta. Thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, công ơn cha mẹ cao như trời chẳng sao trả dứt được.” Như là lẽ tuần hoàn của trời đất, cha mẹ chăm nuôi con còn trong trứng nước cho đến khi lớn khôn, thì con cũng phải chăm lo cho cha mẹ lúc tuổi về già sức yếu, không thể chỉ trông cậy vào người dưng hay xã hội. Ðó là lẽ công bằng.

Về đạo hiếu, Cổ Học Tinh Hoa có ba truyện làm tiêu biểu: Thầy Tử Lộ (Hứa Do) và Thầy Tăng Sâm, và Mẫn Tử Khiên.
(1) Thầy Tử lộ vào hầu Khổng Tử, nói rằng:
· Ðội nặng đường xa thì tiện đâu nghỉ đấy, không đợi chọn chỗ rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm thế nào hay thế ấy, không đợi có quyền cao chức trọng mới chịu làm. Ngày trước Do này lúc song thân (cha mẹ) còn cơm thường dưa muối; đường xa trăm dặm, phải đội gạo để nuôi song thân. Lúc song thân mất, thì làm quan nước Sở, xe ngựa hàng trăm, lương bổng hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những của tốt; mỗi khi nhớ đến song thân, lại muốn muối dưa, đội gạo để nuôi người như trước, thì không sao được nữa! Cha mẹ già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Con muốn nuôi cha mẹ, mà cha mẹ chẳng còn sống!
Khổng Tử nói:
· Do. Nhà ngươi phụng sự song thân như thế rất là phải. Lúc người còn thì hết lòng phụng dưỡng; lúc người mất thì hết lòng thương tiếc.
(2) Thầy Tăng Sâm bừa ruộng dưa, lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau quá, ngã gục xuống, điếng đi một lúc mới hồi lại. Khi về nhà liền thưa với cha rằng:
· Lúc nãy con có tội để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha. Thực con lỗi đạo.
Nói xong, lùi xuống vừa gẩy đàn vừa ca hát, có ý để cha nghe tiếng để tưởng mình không còn đau đớn gì nữa. Ðức Khổng Tử nghe thấy chuyện ấy bèn bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào. Tăng Sâm nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà ngài giận. Khổng Tử nói:
· Ngày trước ông Thuấn phụng sự cho là Cổ Tẩu; lúc cha sai khiến gì thì ở luôn bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh đi xa; cha đánh bằng roi thì cam chịu; đánh bằng gậy thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng là bất từ (không yêu thương con). Nay Sâm thờ cha, liều mình để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá cha đánh quá tay mà chết mất thì có phải là làm cho cha mắc tội không? Tội bất hiếu ấy còn gì to hơn nũa? Tăng Sâm nghe lại chuyện, biết mình lầm lỗi, vội xin đến tạ tội Khổng Tử.
(3) Mẫn Tử Khiên mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Mẹ kế sinh được hai con trai và chỉ yêu con đẻ mà ghét Tử Khiên. Mùa đông tháng giá, không cho Khiên mặc áo mền bông mà chỉ cho mặc áo mền lau. Một hôm Khiên đánh xe hầu cha; cha thấy con co ro run rẩy liền quở. Khiên chỉ nín lặng không dám nói. Cha giận đánh; không ngờ áo rách lòi bông lau ra. Cha biết chuyện, căm giận vợ kế bạc đãi con mình, liền muốn đuổi đi. Khiên khóc mà van rằng:
· Dì con còn ở lại thì chỉ có mình con rét. Dì con mà phải đuổi đi thì ai may vá cho chúng con? Có lẽ ba anh em con đều không có áo, phải chịu rét cả.
Cha nghe nói cảm động, bèn thôi không đuổi vợ kế nữa. Từ đó, vợ kế cũng đổi lòng thương yêu Tử Khiên như thương yêu con đẻ vậy.
*
Ngày nay, cha mẹ không chấp chữ hiếu chặt chẽ như người xưa, vả lại xã hội (Mỹ) cũng không để cho người già phải lệ thuộc vào con cái. Cha mẹ nào cũng chỉ cần con cái biết tỏ ra có lòng tôn kính cha me là đủ. Tuy nhiên, trong thực tế ngày nay, của cải vật chất dư thừa, nhưng tình cảm đối xử giữa con người với nhau lại thiếu hụt. Nhiều gia đình, cha mẹ than con cái thiếu tôn kính; ngượi lại con cái trách cha mẹ thiếu cởi mở. Sự hụt hẫng về văn hóa ố lối sống và suy nghĩ giữa hai thế hệ trẻ và già khác biệt - làm cho cuộc sống trong đại gia đình trở nên căng thẳng. Kinh nghiệm cho biết: cuộc sống chung sẽ trở lại vui vẻ nếu mọi người thực sự có thiện chí tạo cơ hội để thông tin, liên lạc, thảo luận với nhau; bởi vì đối thoại bao giờ cũng hữu ích hơn là đối đầu. Chỉ có ngồi lại với nhau trong tinh thần xây dựng và bao dung thì việc gì cũng có thể giải quyết ổn thỏa bời lẽ: “không gì giỏi bằng hay bàn; không gì yên bằng hay nhẫn; không gì hơn người bằng có đức; và không gì sướng thân bằng làm lành (Hoàng Thạch Công).

BẠCH CÚC NTN

* Sinh quán tại Boston, Massachusetts ( 1908-1849); viết truyện ngắn, thơ, và bình luận, nổi tiếng về chuyện bí ẩn và kinh dị như cuốn The Murder in the Rue Morgue (1841) và bài thơ “The Raven” (1845). Văn nghị luận của ông ảnh hưởng tới Baudelaire và Phái Tượng Trưng Pháp (French Symbolists).




Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003