Sep 17, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
THƠ DƯƠNG HUỆ ANH, MỘT ÐỜI NHÌN LẠI
Hình ảnh
#1
#2
Bấm vào hình
để phóng to
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ

1. Chỉ một năm nữa, bóng chim bay qua song cửa, ông bạn văn, thơ của tôi có thể ăn mừng thọ được rồi. Tựa đề tập thơ dày cộm này, ông gọi là Tổng Tập, vẫn mang tên khá dài như các tập thơ khác: “Thiên niên kỷ mới, độc hành, ta vui”. Ðã thế, nhà thơ bạc đầu hói trán còn đe dọa kho thơ đã sản xuất có thể in đến tổng tập thứ 6. Mỗi tổng tập có trên, dưới 300 bài thơ, nhân sáu lần ông sẽ có hơn một ngàn rưởi, hợp lại với những 5, 6 tập thơ đã trình làng, ông có đến gần 3000 đóa hoa thơ nở rộ. Thật là một con số đáng nể, bên nữ giới kỷ lục về lượng phải kể Cao Mỵ Nhân, còn bên nam giới không ai tranh được với thi sĩ họ Dương.

2. Không chỉ vì phẩm chất, thơ ông vẫn không nhàm chán. Ông làm thơ đủ thể lọai, trừ thơ tự do mới có vài bài. Tâm tư ông trải rộng qua đủ đề tài, một cái cớ nhỏ bé nào đó cũng khiến ông rung động thảo ra ngay một bài thơ. Những chủ đề chính trong thơ Dương Huệ Anh là Tình Yêu, là Phật, Thiền, là Thời sự, là Quê hương, là cái Tôi của ông. Bởi thấm nhuần Phật học, Ông không nặng về quan điểm chính trị, thảng hoặc có nhắc đến biến chuyển thời sự, khía cạnh lập trường, biểu tỏ tư tưởng chính trị của ông cũng nhẹ lướt như mây khói. Vâng, họ Dương làm thơ nhẹ như mây khói. Ông phải làm thơ, không làm thơ không thể chịu được. Như hoa nở, như lộc trồi, như hơi thở, như con chim ngứa cổ phải hót lên gọi bạn, chào mừng bình minh hoặc khắc khỏai khóc trong bụi gai xứ tuyết.

3. Tựa đề tập thơ là “Thiên niên kỷ mới độc hành, ta vui!”, ghi dấu những năm đầu của 2000 với dấu cộng. Ðộc hành đây không mang nghĩa ông cô đơn, là một Nhạc Bất Quần trong trường văn trận bút, có lẽ ông độc hành trong tình yêu chăng, độc hành vì công việc ông làm không được người trong gia đình cảm thông, chia xẻ, bạn bè ít người hiểu ông chăng? Ta đi thay vì tôi đi, ông không độc hành, ông không là người lữ hành cô độc như bút hiệu vay mượn Ðộc Cô Cửu Kiếm. Ông thú nhận là bỏ được Sân khi làm thơ, nhưng không thể bỏ được Si, bởi ông Si Tình quá lắm! Suốt cuộc đời , ông đã ghi tên bao người yêu trong thơ, người yêu trong mộng, người yêu thuần khiết và người yêu trần tục . Cho nên có người nghĩ rằng ông vẫn còn Tham. Ông tham lắm, ông đòi yêu nhiều thứ, đòi thương nhiều người quá, có lẽ bởi vì ông nghĩ -như nhà thơ Hạ Ðỏ đã nhận xét- đó là sự công bằng trước nỗi khổ đau của đồng loại, theo tư tưởng (Từ Bi) Phật giáo ! Ông tham, ông muốn làm nhiều việc cùng một một lúc, khi bóng tà huy đã gần kề.

4. Thưa thực vậy, như tôi đã có lần nói là ông như một con dao pha, một Hemingway, một selfmade-man. Ông đã là công chức hành chánh cao cấp, nếu không Tham và Si về tình yêu thơ văn, học thuật, ông dám trở thành một nhà ngọai giao, hoặc một chính khách có hạng. Ông học Thiền, ông nghiên cứu đạo Phật, ông hăm hở làm thày thuốc đông y tài tử, là nhà địa ốc tài tử, nhà biên khảo tài tử, nhà văn tài tử. Nghĩa là không chuyên chú, nghĩa là inachever. Ông thích dạo khúc đàn muôn điệu , nhưng đa phần còn dang dở-(vì thiếu nhiều điều kiện thuận lợi) , chưa chuyện gì được hoàn mãn , trừ làm thơ. Do ông nhảy vào nhiều lĩnh vực nên ông có rất nhiều bạn. Tuy nhiên về số tử vi cung, Nô bộc của ông không khá. Những đàn em, những người chập chững làm thơ đến với ông buổi ban đầu, nhờ những khuyến khích của đàn anh, khi (nghĩ rằng) mọc đủ lông cánh tập bay được, gần như đã quên ông.

5. Ðúng thế, với bản tính vị tha, mong giúp đời, giúp người, thậm chí ông còn bị một vài con chim quay lại, dùng cái mỏ vừa lột hết mép vàng, mổ ông, nhưng ông chỉ cười, dễ dàng bỏ qua. Có vài người ồn ào đả kích ông, ông cười làm hòa, không phải không phục thiện, mà đây là nụ cười độ lượng. Ông chủ trương, lúc đầu nên “Quý hồ đa, bất quý hồ tinh” để tập hợp, giới thiệu, làm chỗ vịn cho những cây bút mới đặt bàn viết, những người trẻ làm thơ và cả những người già làm thơ còn non trẻ. Trong khi đó nhiều người chủ trương ngược lại: phải tối hảo, phải tuyệt đối, phải perfect, không chịu ngồi chung một chiếu, không mở rộng vòng tay, hòa hợp, nâng đỡ ai. Có lẽ phải đến cái tuổi bát thập người ta mới hiểu được lẽ tương đối và tuyệt đối, hoặc không bao giờ hiểu được.

6. Trong “Thiên niên kỷ mới, độc hành, ta vui” hôm nay, tôi thấy nổi bật ba chủ đề: Tình yêu đuổi bắt vô vọng: Phật, Thiền và cái Tôi với tuổi hòang hôn. Già mà ham, chơi đùa với máy vi tính, hẹn hò với người đẹp, với em-thơ ba năm trời đằng đẵng. Rồi mong đi tìm, bóng chim tăm cá, chưa hề nghe tiếng nói, chưa hề thấy dung nhan, ông đã hối hả đòi gặp cho được Người Tình Không Chân Dung. Phải nói thẳng để thấy mức si mê của họ Dương ghê đến mức nào. Bay qua nửa vòng trái đất, gặp được người trong mộng, nhưng thực tế lại phũ phàng: Em cũng chỉ là một simple person thôi. Cho hay con người ta ta đôi lúc phải đi trên mây, phải mộng du, phải mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. mới sống nổi! Và như thế mới có thơ!

7. Nghiên cứu Phật, tập ngồi Thiền, nhưng nhà thơ thú nhận vẫn chưa bỏ được Si và bị dính thêm tội Tham, nhưng ta không nên ngăn cản ông đừng làm thơ có Phật vị, Thiền tính, vì đây chỉ là trường hợp đang tu tập, muốn vươn lên. Không ít người đã nói Phật giáo không phải là một tôn giáo thuần túy mà là một triết lý. Cho nên tôi vẫn chuộng thơ Tuệ Nga, thơ có Phật bên trong, nhưng lời thơ ít dùng kinh điển và những từ ngữ, thuật ngữ đạo Phật. Phật ở trong tâm, không ở bên ngòai, không ở tấm áo cà sa phủ ngòai, không ưa trình diễn. Tôi vẫn thích nghe thượng tọa Thích Tịnh Từ chùa Kim Sơn nói chuyện tu tâm, dưỡng tính. Thày giảng, khuyên tín đồ nhưng rất ít dùng từ ngữ nhà Phật. Giống như múa kiếm mà không cần kiếm, như Phạm Duy Khiêm viết Pháp văn giản di, dễ hiểu, nhưng lại rất khó viết được.

8 . Cái Tôi vốn đáng ghét, còn cái Tôi của người già còn não nề hơn. Có sinh phải có lão rồi gì gì nữa, nghe thảm lắm. Trong những tập thơ trước của ông, chủ đề Tình yêu nổi bật. Tập thơ này ông nhắc nhiều lần đến thân phận tuổi xế chiều. Tất cả còn lại là quá khứ, hiện tại thì qua mau, tương lai như ngọn đèn mờ, như tơ trời mong manh. Tất cả phải là chấp nhận, là khứng chịu, không thể làm gì hơn được. Bởi con người nhỏ bé bất lực, đã biết mệnh trời từ tuổi sáu mươi. Nhưng nhà thơ không bi quan, thản nhiên và vẫn yêu mình, yêu người, yêu đời sống, vui được là cứ vui, vui đến đâu hay đến đó. Ông nhắc nhiều đến bệnh tật, đến nỗi mất-còn, điều ít thấy trong mấy tập thơ đầu. Ðiều này cho thấy rõ, ý thơ, tứ thơ, nội dung thơ không những biến chuyển theo tinh thần, tâm tư, mà còn di dịch theo tình trạng thể chất nữa.
Tôi không trích dẫn thơ ông ở đây, vì đã có thi hữu Hồ Trường An ghi trong lời bạt. Chỉ mạn phép có một cái nhìn chung và nhìn ngược về phía sau 13 năm ở ngòai nước và có lẽ đến ngót nửa thế kỷ, nếu tính theo mứÔc khởi đầu từ quê hương của nhà thơ Dương Huệ Anh. Tôi quý trọng ông với tính dĩ hòa vi quý, ưa thích họat động văn học nghệ thuật. Tôi mến thơ ông, theo dõi thơ ông. Bởi dường như ông có duyên, có nợ, mang cái nghiệp làm thơ vào thân. Từ tập “Huyền ca diễm ảnh”, 1991 đến “Quê hương vĩnh cửu tình yêu” 1992, qua”Ðương nào có hoa đào” và “Tha hương mười tám năm sầu có ai”, 1993 và “Tổng tập I Thơ DHA”, 1997 độc giả sẽ thấy thi phong của ông trước sau như một, có sâu sắc hơn, trầm lắng hơn, còn tâm tư theo năm tháng, theo tuổi đời có những biến chuyển mới, những dư hương tình yêu mới.
Xin mời độc giả lần giở từng trang mang mang một biển trời tâm sự của một nhà thơ có tinh thần đam mê cao độ.

DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ

GHI CHÚ:
H1: NV Diệu Tần
H2: NT Dương Huệ Anh

 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003