Sep 17, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
TƯ TƯỞNG LÃNG MẠN, HIỆN SINH, SIÊU THỰC TRONG THƠ VIỆT BẰNG
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
Hải Bằng HDB

Một.

Mỗi người có một giấc mơ, nhà thơ Việt Bằng ngay từ thủa thiếu thời đã mơ tới những khung trời hiểu biết ố các Khuôn Viên Ðại Học, ở đó những kiến thức cao nhất được tôi luyện cho con người để sẵn sàng trở thành những cột trụ vững chắc xây dựng thượng tầng kiến trúc văn hóa nhân loại mà con người hi vọng sẽ giúp nhân loại thỏa mãn giấc mơ đạt tới tột đỉnh của trí thức.
Nhà thơ Việt Bằng đã khởi sự giấc mơ đó tại Ðại Học Văn Khoa Saigon, rồi qua Hoa kỳ, anh tiếp tục tại CSU Long Beach và San Jose State University. Anh đã đến những nơi đó không hẳn chỉ để trau dồi kiến thức, mà còn để có cảm nhận mình là một thành phần của Khuôn Viên Ðại Học, ở đó anh gặp những người cùng có giấc mơ như của anh, những người đẹp, những bông hoa của Khuôn Viên Ðại Học.
Mỗi bông hoa có một vẻ đẹp riêng, mang một cá tính riêng. Mỗi khác biệt đó cho anh một cảm giác, một gợi hứng để hồn thơ của anh tuôn trào.
Những hình tượng và những cảm nhận từ những hình tượng ấy đã được anh diễn tả như những làn sóng đại dương lúc nhẹ nhàng, rì rào như tiếng thì thầm của những người đang yêu nhau, có khi dồn dập ào ạt như biển trong bão tố, mãnh liệt như những làn sóng không hề mệt mỏi cuốn đi tất cả những gì cản trở để đem về chôn ở đáy đại dương, ngõ hầu anh cũng như các tha nhân sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất cứ cái gì. Ðó chính là ý nghĩa của cái gọi là Tự do vốn là Bản thể của tri thức.
Tri thức - Khuôn Viên Ðại Học là không biên giới và bao trùm hết thẩy nhưng nó cũng ở trong tất cả, trong mỗi người.

Hai.
Bằng tất cả tâm tình đó, nhà thơ Việt Bằng đã cho chào đời đứa con tinh thần thứ hai có tên là NHỮNG MẢNH TÌNH TRONG KHUÔN VIÊN ÐẠI HỌC để nói lên tâm tình của tác giả, người khao khát không còn biên giới giữa chủ thể và chủ thể tha nhân.
Ðặc điểm của thơ Việt Bằng toát ra từ những tâm tình ấy và với một lối thơ thật phóng khoáng không khuôn khổ nhưng vần điệu vẫn có, vẫn đan kết với nhau rung lên qua những sự lựa chọn từ và ý không gò ép, do đó thơ anh giầu nhạc tính. Vì thế không lạ, chưa đầy một năm kể từ khi anh xuất bản thi phầm đầu, Ánh Mắt Tình Nhân 2001, đã có tới mười hai bài thơ của anh được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ Phạm Ðức Huyến, Linh Phương và Vũ Ðình Ân.

Ba.

Về hình thức, nhà thơ Việt Bằng không đả phá nhưng xa lánh những cấu trúc thơ cổ điển như thất ngôn bát cú, lục bát, song thất lục bát... để đi đến một cấu trúc thơ tự do của riêng mình. Trong 42 bài thơ của thi phẩm”Những Mảnh Tình Trong Khuôn Viên Ðại Học” chỉ có một bài thơ lục bát, trớ trêu thay bài thơ đó lại được hai nhạc sĩ phổ nhạc với tên “Tình Khúc Ðêm Ðông” của Lynh Phương và “Tình Khúc 2” của Vũ Ðình Ân.

Với thực tại này, nhà thơ Việt Bằng, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, thơ hay không do “hình thức” diễn tả mà do “chất lượng” của thơ được tạo dựng bởi nhà thơ.

Bốn

Về tư tưởng, thơ anh đã theo kịp trào lưu tiến hóa của thi ca hiện đại. Ngay từ thủa còn là sinh viên Văn Khoa Saigon anh đã viết một số bài phê bình văn học, đại ý nói: Nếu thơ Mới của Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn và một số nhà thơ độc lập đã thay thế cho lối thơ cổ điển của các nhà Nho, thì tại sao thơ Tự Do không thay thế được cho Thơ Mới.

Thực vậy, Thơ Mới đã xóa mờ ảnh hưởng của Thơ Cổ Ðiển đã tồn tại hàng ngàn năm lịch sử vì đã dựa vào cái mới - Văn Thơ Lãng Mạn Pháp Thế Kỷ thứ 19 với những Alphonse Lamartine (1790-1869), Arthur Rimbaud (1854-91), Paul Verlaine (1844-96). Thực ra thơ Lãng Mạn Pháp bắt nguồn từ Thế Kỷ 16, với Pierre Ronsard (1524-85) qua bài thơ nổi tiếng Hélène, mà thế hệ cha anh chúng ta đã từng thuộc lòng.

Năm.

Kỷ nguyên của Triết Học Hiện sinh (Existentialist Era) bắt đầu từ sau Thế Chiến thứ hai (1939 -1945) với J.P. Sartre qua những tác phẩm La nausée - Buồn Nôn (1938), Le Mur - Bức tường (1939), L’imaginaire - Tưởng tượng (1939) và Albert Camus với La Peste - Bệnh Dịch, Le Myth de Sisyphe - Huyền Thoại Sisyphe, L’Homme révolté - Người Nổi Loạn.
Mặc dầu chưa bao giờ A.Camus xác nhận ông là người theo chủ nghĩa Hiện Sinh nhưng những tác phẩm của ông được xếp vào khuynh hướng ấy.

Thủa ấy, nhà thơ sinh viên Việt Bằng say mê đọc Triết Học Hiện sinh, và đến gần với Nietzche trong quan điểm “Thượng Ðế đã chết thì Ta là Thượng Ðế.” (Nietzchean “death of God”).
Anh ca ngợi quan điểm của J.P. Sartre qua câu nói:
“Quan niệm Hư vô đến với thế giới qua con người” (The concept of nothingness comes into the world through man).*

Từ đó anh xa dần Triết Học Hiện sinh hữu thần của Kierkegaad và các triết gia có khuynh hướng Cổ điển, Kinh viện như Maritain, Simon, Weil và Teilhard de Chardin v.v... Theo anh, hệ thống này đi tới chỗ hoàn toàn bế tắc và tự nó trở thành khô cứng như những bộ xương trong hầm địa chất, trong khi Triết Học Hiện Sinh của J.P. Sartre là suối nguồn cho những sáng tác không những về thi ca, Văn học mà còn cả Ðiêu Khắc và Hội Họa nữa.

Sáu.

Thơ Tự Do đã xuất hiện rất phong phú trong Kỷ Nguyên Hiện sinh. Sau đó André Breton đã đưa thơ tự do đến với chủ nghĩa Siêu Thực (Surrealism).
Từ đây, người làm thơ tự do hay siêu thực sẽ đoạn tuyệt với thói quen ghép vần hay kể chuyện của lối thơ cổ điển. Ðề tài cũng đổi khác, Chân dung dòng sông, người đẹp hay thành phố được miêu tả bằng ngòi bút đam mê tha thiết hơn.

Thực ra hai dòng tư tưởng hiện sinh và siêu thực hoàn toàn nghịch hướng. Hiện sinh căn cứ vào Ý thức, trong khi Siêu Thực đặt căn bản trên Vô thức. Jean-Paul Sartre đã từng nói: - Ðộng lực nào điều khiển vô thức nếu không phải là ý thức**

Thật là sai lầm nếu cho rằng cứ đưa những từ tối nghĩa, bí hiểm vào Thơ thì có thơ Siêu thực. Thơ như vậy chính tác giả cũng không hiểu mình nói gì huống chi độc giả. Hơn mọi thể loại thơ, thơ Siêu thực đòi hỏi người viết phải có một trình độ nào đó.

Bảy.

Tôi đã đọc một số bài thơ viết theo phương pháp siêu thực của nhà thơ Việt Bằng đăng trong Phụ Nữ Thời Nay Hải Ngoại, tạp chí Rạng Ðông Arizona, đặc san Xuân Thu và thi phẩm “Những Mảnh Tình Trong Khuôn Viên Ðại Học”. “Giã Từ Huyền Thoại” là bài thơ siêu thực tôi ưa thích nhất vì tương đối đúng phương pháp luận của André Breton và nói lên được cái rất “riêng” của anh thường được diễn tả qua ẩn dụ:



· See an article by Victor Bentata, “La Question du Néant,”
Revue de Métaphysique et de Morale, April June 1965, pp. 193-198
** Jean-Paul Sartre THE AGE OF REASON. Oxford University Press Inc. 1967

Mùa Xuân tràn vào khung cửa hẹp,

Em dục tôi,
Lên đỉnh ngọn đồi.
(Giã từ Huyền Thoại)

Anh đã táo bạo hơn khi ẩn dụ được dục tính hóa:

Hai cánh cửa,
Mở hé một khung trời Hạnh Phúc.
Khi Em vào đời,
Bỗng hóa thân thành những vành môi...
(Giã Từ Huyền Thoại)

Và đoạn kết của bài thơ này rất siêu thực và cũng không kém táo bạo qua cách dùng ẩn dụ như trên:

Một giọt nước,
Ðã sô nghiêng một đời con gái,
Giã từ Huyền Thoại!
(Giã Từ Huyền Thoại)

Thơ anh giầu hình ảnh, chiêm bao, giấc mộng đến từ Vô Thức,

Từ ấy,
Trong Khuôn Viên Ðại Học.
Em về ngơ ngác lối chiêm bao,
Tháng sáu chìm sâu cõi mộng nào?
(Tháng Sáu)

Có thể nào,
tình không phân biệt tuổi?
Ðể tôi về treo mộng trên cao,
Và mơ một ngày chung lối
(tháng Bảy)

Tình yêu vốn thường không lý luận vì con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không bao giờ biết đến nhưng anh cứ để ánh sáng của lý trí chiếu rọi cho đến khi “người đẹp” chịu đáp ứng:

Anh không về như người nô lệ tình dục,
Hay tình nhân chờ em phủ phục.
Mà như ông Nghè cưỡi ngựa vinh qui,
Ðể Em đưa tới cuối đường đam mê.
(Quỳnh Hoa)

Tám.
Dường như, anh nhìn sự vật qua lăng kính của tương quan dị biệt hơn là tương đồng:

Dù em nay đã qua thời,
Vẫn còn trẻ mãi,
trong vần thơ tôi.
(Tháng Bẩy)

Ý thơ bất tận
dạt dào.
Nửa ra hiện thực,
Nửa vào mộng mơ.
(Bao Giờ Tôi Quên)

Thâm tâm nửa muốn
về nguồn.
Nửa vui đất khách,
Nửa buồn xa quê.
(Bao Giờ Tôi Quên)

Chín.

Nhìn chung, thơ anh mang tính hiện sinh triết học, rất Sartre trong cái hư vô, phi lý của cuộc sống và trong cái nhìn hiện thực qua tri thức khách quan của anh. Dường như với anh, khi lý trí đã lên ngôi, không còn có ý niệm Thượng Ðế trong nhân sinh quan và thế giới quan của con người:

Nơi bản chất hiện nguyên hình,
Giá trị con người cao hơn cả thần linh.
(Nơi Mặt Trời Ðến Ngủ)

Từ Hiện sinh, anh đã bước tới Siêu thực qua vô thức với những ẩn ức, dồn nén dục tính thể hiện qua giấc mơ và chiêm bao. Nếu không ngoài dự đoán của tôi, anh sẽ bước tới chủ nghĩa Tân Hình Thức (New Formalism) đang thịnh hành ở Âu châu và các trường Ðại Học Mỹ.

Thơ hậu hiện đại của Hoa Kỳ (Post Modern American Poetry) phát triển mạnh ở Mỹ từ năm 1990 chính là thơ Tân Hình Thức. Loại thơ này có tham vọng chuyển biến những lời nói thông thường thành thơ mặt khác thơ cũng được tính dục hóa.

Mô hình Văn học lãng mạn Pháp thế kỷ 19 cũng được tìm thấy trong các thi phẩm của Việt Bằng.

Nói cách khác, thơ Việt Bằng là tập hợp của ba dòng tư tưởng Lãng Mạn Hiện Sinh và Siêu Thực:

Em có tìm anh
trên lối cũ hoang đường?
- Lối vào tiềm thức,
em về chiêm bao.
- Lối ra hiện thực,
một màu vong thân.
(Người Ði Sẽ Lại Về)

Em về chiêm bao biểu thị vô thức, (ý hướng Siêu thực). Ra hiện thực là hành vi ý thức (ý hướng Hiện Sinh). Nhìn chung, từ khúc này đến từ khuynh hướng Lãng Mạn.

Anh diễn tả nhanh, cốt sao chụp ngay được ý tình, không để ý đến phần cô đọng từ như phần lớn những nhà thơ cổ điển thích có những từ trau chuốt và vần điệu chặt chẽ.

Thơ anh mở lỏng, dường như để trả lời cho những gì mà thế hệ của anh đã muốn khép anh vào khuôn khổ mà anh muốn giã từ và bay bổng.

Hải Bằng H.D.B
Phoenix, Arizona, Chiều chớm Ðông 2003.
 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003