Mar 29, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
Một Góc Trời Tây Bắc - LINH VANG.

 

  Tháng chín, tôi chợt nhớ là Kỷ Nguyên Mới sắp được một tuổi nữa. Bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Ra mắt tháng mười năm 2000, vậy là bắt đầu lên năm thứ 14 rồi! Thời buổi này, báo giấy chết dần, đến nỗi Nguyễn Hưng Quốc đã phải viết một bài gọi là Thời Tàn Của Báo Giấy, vậy mà KNM vẫn còn sống (hay đang “cô ma”?), vẫn ra hằng tháng. Nghĩ mà phục các anh chị đang chăm sóc tờ KNM, hihi…trong đó có tôi!
Tháng tháng, chị Nhị vẫn gửi thùng báo đến nhà - em cảm ơn chị.
Tôi vẫn tặng KNM cho thư viện nơi tôi làm. Bao năm rồi, họ vẫn không mua, sau này lại lấy cớ là ngân sách thiếu hụt! Trong khi họ mua những tờ ngoại ngữ khác, là những tờ có tiếng Đại Hàn, Tây Ban Nha, Đức, Nga, Tàu, ngay cả Phi Luật Tân. Vì đã có người tặng chùa rồi thì tội gì họ mua. Tôi lại không có gan bảo sếp lớn của tôi là thư viện phải mua đi chứ, không mua thì tui cúp, không tặng nữa à nha.
Tại tôi vẫn muốn KNM có mặt trên kệ báo đó, để cho người Việt mình có báo mà đọc.
Thôi thì đằng nào cũng nghèo rồi. Chơi ngon chút nữa thì cũng chẳng sao mà.
Tôi vẫn vui khi biết có người mượn đọc. Có bữa tôi giở cái giá sách lên thì thấy mười một số báo được mượn sạch, chỉ có số mới nhất thì chưa được cho mượn, vẫn còn bày trên giá thôi. A! Chắc là một độc giả Việt nào mới dọn về khu này?
Ngay cả khi có người trách hỏi sao báo ra trễ (họ không mua), tôi vẫn vui trong bụng vì thấy buồn cười quá. Không mua báo mà kêu báo dở, báo hay, báo ra trễ là làm sao! Biết trách thì sao không giúp cho nó sống?
Nguyên năm (12 số) chỉ có 60 đô – giá tiền cũng chỉ vừa đủ gửi báo qua bưu điện.
Nhắc tới ông bưu điện nhà nước, làm ăn bị lỗ lã hoài, không cạnh tranh nổi với internet, nên cứ phải lên giá cước phí.
Ồ, cũng có người khen đó, khen các cô giỏi quá. Chứ không phải chỉ có chê hay trách cứ.
Nhưng…sao không ai nghĩ là con cá sống nhờ nước. Cũng phải có tiền thì mới ra báo được chứ.
Tôi lại nhớ tới người thân của tôi vẫn thường nói, đã ráng chơi được thì đừng than thở chi nữa.
Nhiều báo đã chết mà báo mình vẫn còn sống là mình giỏi quá rồi! (Mình có điên không, chị Nhị?)

Bán máu. Đó là chuyện ở bên VN. Bán máu để “bồi dưỡng”, “bồi dưỡng” để bán máu. Chuyện kể có người vừa bán máu xong, ra ăn tô phở “để thấy chất bổ ngấm vào người vào máu. Để thấy máu mình lại đang nảy nở, sinh sôi”. Tôi chưa bao giờ ngồi ăn tô phở mà nghĩ như thế, thấy ăn tô phở cũng bình thường như ăn những tô bún khác. Tôi lại không mê phở, vốn mê bún bò hơn.
Không biết mỗi lần bán máu như vậy thì được trả bao nhiêu (tiền VN) nhỉ?
Ở Mỹ, người ta cho máu, chứ không bán. Vì vậy, ai đau ốm cần máu thì cũng không phải trả tiền. Ở sở tôi làm, cứ lâu lâu (có lẽ là 56 ngày vì đó là thời gian một người có thể trở lại cho máu) lại thấy cái xe mobile home dài tới đậu ở bãi đậu xe, máy lạnh chạy rì rào, nhân viên vào đó nằm dài trên giường bệnh viện, để cho máu, mỗi người cho đủ một bịch máu, một pint. Mấy ông to con hay người nhỏ con như tôi (tối thiểu phải cân nặng 110 pounds, y tá chỉ hỏi như vậy, chứ tôi không thấy họ cân mình) cũng đều cho một pint.
Ai cho máu xong thì được mời uống một ly nước cam, nước táo, hay ăn một cái bánh cookie, thế thôi.
Có những người, họ làm dưới nhà, mình làm trên lầu, chẳng mấy khi gặp mặt nhau, bây giờ lại có dịp gặp nhau ở chỗ hiến máu, tay bắt mặt mừng, hỏi han mừng rỡ.
Tôi nhát gan nhiều thứ nhưng lại gan lì khi cho máu, chỉ quay mặt đi, không nhìn bịch máu là được (vì thấy máu lại sợ)!

Tháng chín. Sau ngày lễ Labor Day, học trò đi học trở lại, bây giờ lái xe trên đường, phải cẩn thận nhường những chiếc xe buýt vàng chở học trò và cũng phải dòm chừng nhường những đứa học trò nhỏ qua đường. Thứ sáu của tuần lễ này, Puyallup Fair cũng bắt đầu, sẽ kéo dài trong hai tuần, Fair này cũng báo rằng mùa gặt hái đã xong, giờ thì chúng ta vui chơi, ăn mừng.
Thường khoảng thời gian này tôi đã thấy lá phong bắt đầu trở vàng và cái không khí lành lạnh tôi hít thở thì có vẻ mùa thu rồi. Nhưng năm nay trời vẫn nóng, có tuần lễ nóng gần 90 độ, nghe TV nói là Tây Bắc đã có một mùa hè dài, ít mưa.
Tôi cũng mong có thêm những ngày nắng để đợt trái bầu sau cùng mau lớn.
Năm nay, bỗng nổi hứng mà Ng và tôi trồng đủ thứ. Bí sáp, vỏ xanh, đếm được 12 trái, nằm đầy trên mặt đất, giống như bí đỏ cho mùa Ma Quỷ; bầu ra vài đợt, mỗi đợt cũng chừng bốn, năm trái; và lần đầu tiên trồng su hào, không được nhiều trái như nhà người ta, của mình chỉ chừng 10 trái, mà cũng thấy vui rồi. Hai chậu ớt chỉ thiên cũng sai trái, cay đến nhức đầu. Chỉ có bụi đậu ngự là chẳng thấy hoa quả gì hết, toàn là lá um tùm.
Cà chua đủ cỡ đã bắt đầu chín đỏ, vàng (loại nhỏ hình trái lê, khi chín thì màu vàng). Chưa biết làm gì cho hết đây? Chắc nấu bún riêu cho nhanh?
Zucchini, phải đem cho bạn để bạn làm bánh mì zucchini (zucchini bread), rồi cho lại mình một cái.
Nhưng điều thích thú nhất là hai cây sung con đều có trái, tổng cộng 15 trái, dù một cây có cái ngọn tháng trước bị nai ăn mất tiêu! Nhưng nhờ mất ngọn mà nứt ra nhiều nhánh mới. Lạ là chẳng thấy có hoa, hoa đực, hoa cái gì cả, để ong bướm hút nhụy đơm trái, chỉ thấy nhú ra từ thân cây những trái nhỏ, và chúng cứ lớn dần ra.
Nhớ lời chị bạn nói, sao không trồng sớm, để có mà ăn, trồng trễ quá, biết có trái mà ăn? Ở cái tuổi này, làm gì cũng nghĩ có còn kịp không?
Nhớ tới bác Hà Bỉnh Trung, tôi lẩm nhẩm tính tuổi mình và lại nghĩ nếu được thọ như bác thì mình cũng còn khoảng hơn ba chục năm nữa…để ăn hoa quả từ cây trái mình trồng và để viết lách, hihi.
Không hiểu sao mỗi lần nhớ tới bác, tôi vẫn không nghĩ là bác đã mất. Tôi không gặp bác những năm sau này, nên không thấy là bác đã lớn tuổi lắm rồi, tôi chỉ nhớ bác vào những lúc tôi gặp bác thôi, khi đó đi đứng trông bác còn rất khỏe, phong độ.

Tôi có một cái smart phone, tại cái người ở T-Mobile quảng cáo dai dẳng dai nhách quá nên tôi xiêu lòng, mua một cái. Nhưng tôi vốn dở về kỹ thuật, lại nhút nhát không dám thử nút này nút nọ, nên đã không tận dụng được hết những chức năng của nó, là một smart phone.
Tôi chỉ tìm tòi biết những chức năng mà tôi cần thôi, như xài phôn để nói chuyện, để mở mail, vào Facebook, Twitter. Tôi mua trả góp, 10 đô một tháng, lý do là không có tiền lời nên dại gì trả một lần. Nợ trả chưa hết mà họ đã thúc là tôi nên đổi phôn mới, nhanh và hiện đại hơn. Đổi để làm gì chứ, trong khi chưa biết được hết những gì mình có thể sử dụng, ngay cả chưa setup voice-mail (nên nếu có ai nhắn vào máy thì tôi cũng không nghe được), chưa biết chụp hình.
Dù sao, đi đâu có cái phôn tay, lại là “phôn thông minh”, thì cảm thấy an tâm hơn, nghĩ là ở bất cứ chỗ nào mà cần liên lạc với ai thì tôi cũng liên lạc được, tại có lần ở trên núi cao mà tôi còn gọi được, huống chi trong thành phố.
Nhưng không phải thế đâu! Một bữa từ một chỗ không xa nhà quá một dặm, đi bộ chừng 5, 7 phút thôi, mà tôi đã không thể nào gọi cho Ng được.
Số là tôi bị nhốt trong cái phòng thử áo quần của chợ Fred Meyer (ngoài bán thức ăn, còn có khu bán áo quần). Cái phòng có hai ổ khóa, vào xong, tôi lơ đễnh bấm thế nào mà sau khi thử xong thì mở cửa không được.
Còn bình tĩnh nghĩ, tôi chỉ cần lấy phôn tay gọi cho Ng, còn đang lững thững đâu đó cũng trong chợ, Ng sẽ đi kêu họ tới mở cửa cho tôi ra, không có gì phải sợ cả. Nhưng cái phôn lại không gọi được! Bấm gọi mấy lần, đều chỉ thấy cái dấu hiệu là nó không bắt sóng được. Tôi có nghĩ chuyện leo qua cái vách tường!
Đã gần giờ chợ đóng cửa, 11 giờ tối, chợ này không mở 24/24 như Safeway, Wal Mart! Tôi sợ bị nhốt qua đêm ở trong đó. Bắt đầu hốt hoảng! May sao, sau nhiều lần đập cửa thì có người tới mở cửa. Tôi kêu tôi không mở cửa được. Người đó nói, chúng tôi biết rồi, cái cửa này có vấn đề.
Nghĩ bụng, hừm! Có vấn đề sao không sửa? Lại để một người nhát gan, mau hốt hoảng như tôi bị kẹt trong đó chứ?
Vậy đó, smart phone, nó thông minh hơn tôi, nhưng không hẳn lúc nào cũng làm được việc như tôi vẫn lầm tưởng. Cũng như ở trong bệnh viện, nhiều khi cell phone không gọi ra ngoài được.
Tôi lại bị kẹt một lần thứ hai, cũng từ cái phòng đó: họ nói thì nói nhưng vẫn chưa cho người tới sửa.
Từ đó, tôi đi sắm áo quần, chỉ ướm áo vào người rồi thấy vừa là mua, chứ không dám vào cái fitting room nào nữa.
Ng cười bảo tôi là ở chỗ công cộng dù có khóa, bao giờ cũng từ trong mở cửa ra được, chỉ là ở ngoài không vô được thôi.
Tôi nói, nhưng cái chỗ đó, chỉ là nơi thử áo quần thôi, vậy mà không mở ra được đó, mà làm gì lại cần tới hai cái khóa, để mình quáng gà kia chứ.
Tôi cũng không hiểu tại sao cái phòng thử nào cũng phải khóa nữa, mình cần, hỏi họ thì họ mới mở cửa. Chao ơi! Gây phiền phức như vậy thì ai dám đi mua sắm áo quần!
Ng cũng cho là tại …tuổi tác tôi mỗi ngày mỗi lớn, mới như thế.
Thôi không cãi nữa, vì đúng là vậy mà!

Linh Vang

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003