Oct 12, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
Qui Nhơn, Một Thời Thơ Ấu.
LINH VANG

Tôi đang nhớ nhiều về thành phố gần biển nơi mà thời thơ ấu tôi đã sống. Qua câu chuyện, tôi được biết anh và tôi ngẫu nhiên cùng ở trên một con đường – thời còn mang tên Cường Để. Chắc chỉ cách nhau 5, 6 căn nhà, cùng một dãy. Quán bún bò Đắc Lợi ở góc đường, tôi bảo tôi hay mua bánh mì chan nước thịt ở đây, chỉ thích chan nước thịt, không thích thịt. Anh bảo anh hay ăn bún bò ở ĐL. Anh khen tôi có trí nhớ tốt, làm tôi nghĩ nếu tôi không ngồi xuống viết về thời gian đó thì trong tương lai sợ tôi sẽ quên. Tôi dự định giữa hai trí nhớ của tôi và anh, tôi sẽ ráng viết, được chút nào hay chút đó, về thành phố nhỏ bé này...
Ba má tôi mua căn nhà này, khi dọn về ở thì con đường trước nhà còn đang làm, chưa tráng nhựa.
Ngày anh đi lính đổi ra Qui Nhơn thì tôi đã theo gia đình rời thành phố nhỏ vào Sài Gòn. Anh bảo, nếu anh gặp em dạo đó, em chỉ là cô bé nhỏ, em đã phải kêu anh bằng chú. Tôi cười, đúng vậy! Bây giờ qua duyên văn nghệ, em được phép kêu mọi người là anh là chị hết, nên chú đã trở thành anh, anh bị xuống chức! Chẳng hạn em kêu thầy của ông anh Sông Côn là anh, mà anh SC vẫn phải kêu người đó là thầy. Chẳng hạn em làm bạn với ông của bạn em, khi một bạn văn vong niên của em qua chơi, bạn em của thủa đại học đã phải “khúm núm” rót nước “lễ phép” mời em! Vì em làm bạn (văn nghệ) với người còn cao hơn bố mẹ của bạn nữa. Thấy em oai quá, bạn em chắc cũng ...sùng!
Một ngày của tháng chín năm 2005. Ba gọi điện thoại kể vừa gặp một người ở trọ nhà ông Cử, hàng xóm của gia đình tôi ở Qui Nhơn. Hỏi tôi, có nhớ Hôm không? Năm đó, nó học lớp đệ tam rồi đi lính, nhảy dù ra Bắc, bị CS bắt ở tù hai mươi mấy năm, chừng được thả ra, họ cho về quê, lấy vợ ở ngoài đó luôn, vì hồi trước vô Nam một mình, không có thân nhân. Thời ở QN, tôi còn bé quá, chỉ nhớ một số các anh ở trọ nhà bà Sáu đi học trường trung học Cường Để, anh Bích, anh Thông, riêng anh Điềm là con độc nhất của bà; nhà bên trái, và nhớ anh Bảo, chị Quỳ, C, T, B, và con gái út của nhà bà C, nhà bên phải, là cô bé Phượng. Tôi không nhớ anh nào tên H cả. Ba kể là anh H hôm đó, gặp ba mừng quá, ôm ba khóc, làm mấy người đứng gần ngạc nhiên ngó. Anh có hai con, một trai, một gái. Gia đình anh hiện ở Seattle. Anh hỏi thăm hai đứa con của ba má, vì năm đó ba má tôi chỉ mới có tôi và cậu em kế của tôi thôi. Mấy chục năm rồi còn gì! Tôi thấy cái thời gia đình tôi ở Saigon đã quá xa là xa, huống chi thời ở QN còn xa hơn nữa, làm sao tôi nhớ anh H nào được! Nhưng nhắc tới ngày tháng cũ, thấy cũng ngậm ngùi. Như có lần tôi với anh L nhắc tới quán kem Phi Điệp, mấy tiệm sách ở đường Gia Long, đường Võ Tánh. Tôi kể cho anh nghe tôi hay ra mua sách ở tiệm sách Hương Bình của bà mẹ anh Nguyễn Mộng Giác, trên đường Võ Tánh, vì sách mua ở đây thì được bà mẹ anh G cho tôi chọn màu giấy bóng, rồi sách được bao giấy bóng kỹ càng, miễn phí. Bà được gọi là bà Trợ Châu, vì chồng bà là thầy giáo. Họ của bà là họ Văn, một giòng họ giàu có –tôi nghe má tôi kể như vậy. Tôi còn nhớ đứng coi bà bao, khi bà đưa cái kéo cắt hai rẻo giấy bóng ở phần đầu gáy cuốn sách, rồi khéo léo bao cuốn sách, rồi cẩn thận giao cho tôi. Tôi không nhớ có gặp anh NMG ở nhà sách, có lẽ thời đó anh còn học ở ngoài Huế? Anh NMG, một dạo là hiệu trưởng trường Cường Để, sau này là nhà văn nổi tiếng. Tôi có dây dưa bà con với anh từ phía má tôi, nhưng kêu tôi giải thích bà con như thế nào thì tôi không nhớ mà giải thích được, dù rằng má tôi đã cho tôi biết ít nhất là hai lần. Anh H nói với ba là anh B chết rồi, chị Q thì đang ở tiểu bang...Tôi hỏi, vậy C, T, B, Phượng thì giờ ở đâu? Ba nói, không nghe nói. Tôi đã đánh lộn với nhỏ Nga hàng xóm vì nhỏ cắp đôi tôi với T, nói T che dù cho tôi đi học, mà sự thật thì làm gì có chuyện đó chứ. Tôi có dặn anh SC của tôi, anh đứng trong cửa sổ nhìn ra, khi nào thấy em thua thì anh ra cứu em nghe? Nhưng chưa ai thắng thua thì ba của N đã kéo N về. Hú hồn tôi! Vì chắc chắn vật nhau lâu thì tôi sẽ thua. Năm đó, hình như tôi đang học lớp tư (là lớp hai bây giờ)! Nghĩ lại, cái thời đó, tôi cũng nghịch quá chứ - đánh lộn, leo cây, trốn học (đó là thời gian chưa vào Ấu Triệu. Vì gặp ông thầy dữ quá!) Vậy mà khi lớn lên, tôi lại rất nhát gan, học giỏi, và ai cũng bảo tôi hiền (?) – hihi...
Tôi với anh L mỗi khi nhắc về Qui Nhơn thì nói hoài không hết chuyện hay quanh quẩn cũng những chuyện đó mà nói hoài không chán. Tôi học lớp năm (lớp một bây giờ) ở trường tiểu học Ấu Triệu. Học với bà giáo Sự làm hiệu trưởng, con gái của bà là BN học chung lớp với tôi, cuối năm cô bé này lãnh phần thưởng hạng nhứt và tôi lãnh phần thưởng hạng nhì. Trường gần biển, hình như chỉ cách một hai con đường chi đó. Nhớ sân trường toàn đất cát, loại cát biển, đi lún lên lún xuống. Quanh trường có nhiều cây thông cao, gió thổi vi vu, nhiều bữa đến trường sớm, thấy trường vắng vẻ thì sợ ma lắm. Phía sau sân trường hình như có nhiều cây xoài. Không hiểu sao tôi lại phải đi học trường xa như vậy (nói là xa, chứ khi phải đi bộ thì tôi cũng đi bộ được). Mà mấy đứa hàng xóm trên con đường Cường Để cũng đi học trường này. Nên tụi tôi ba nhóc đi xích lô tháng, có một ông xích lô đem xe tới đón đưa mỗi ngày. Có lẽ năm đó, trường tiểu học Nguyễn Huệ chưa cất xong chăng? Để bữa nào tôi hỏi lại ba má tôi xem có nhớ lý do tại sao không. Vì bắt đầu năm lớp tư (lớp hai sau này) là tụi tôi đã đi học trường gần nhà rồi, là trường NH. Gần lắm, cạnh trường Cường Để cũ, đi bộ chừng 5, 7 phút thôi. Nhớ năm đó có vụ mẹ mìn bắt cóc con nít, nên cô giáo bắt học trò phải xếp hàng dài tùy khu ở mà đi về với nhau. Đứa nào tách ra đi riêng là bị mấy đứa đi chung trong hàng ngày hôm sau vô méc lại với cô giáo, thì sẽ bị phạt.
Nhắc về gia đình ông bà Cử mà anh H ở trọ, họ là người Bắc và theo đạo Công Giáo. Một lần tôi mặc váy đầm chơi u quạ với bạn cùng xóm, dưới ánh đèn đường neon, váy tung bay, tôi bị con chó của họ cũng theo đùa nghịch cắn cho một phát ở đùi. Sau này khi Khang và tôi liên lạc được nhau, Khang bảo con chó là của nhà Khang nhưng nó dữ quá mới cho nhà cụ Cử. Con chó sau đó được làm thịt. Còn tôi thì phải đi chích ngừa mỗi ngày một mủi thuốc nơi rún, 21 ngày! Ai cũng nói tôi lì lắm, bị chích mỗi ngày, nhiều ngày như thế mà không bao giờ khóc!
Trước nhà ông bà C có cây trứng cá, trái sai lắm, nhưng tôi ít dám khèo cây này, mà khèo trụi cây nhà của bạn tôi là Khang. Không những hái trái ăn khi trái mới vừa ửng hồng mà hai đứa còn hay leo lên cây, bẻ nhánh làm nhà, để trú mưa. Nhưng một hồi mưa nặng hột thì hai đứa lại phải leo xuống. Kh là con gái thứ hai của gia đình này-nhà Kh cách nhà tôi một căn, bên phải. Chị An của Kh chắc lớn hơn hai đứa tôi một hai tuổi gì đó, nhưng mà trông nghiêm nghị lắm; chị chẳng bao giờ tham gia trò chơi với Kh và tôi. Tôi nhớ đám chị em của Kh có tên A, Kh, Phú, Loan, và Hoa.
Nhà ông bà C và nhà tôi chung nhau một cái giếng. Còn bà S thì lại phải bước qua bờ thành ngắn giữa nhà tôi và nhà bà để lấy nước từ cái giếng này. Các anh học trò dặn nhau đừng xách nước giếng vào giờ trưa khi cô bé (là tôi) đang ngủ - gây tiếng động đánh thức cô dậy thì sẽ bị cô la cho.
Nhiều tối, các anh lại hay cầu cơ, có khi còn cho tôi để một ngón tay vào con cơ! Con cơ chạy vù vù. Hừm, các anh hỏi hồn toàn là về tình duyên!
Nhớ lại một kỷ niệm vui. Năm đó, chị Quách Thị Mộng Hoa có cho tôi một cuốn sách giáo khoa thư, là cuốn tôi đang cần phải mua-chị là cô giáo tiểu học. Ở trang đầu chỉ có chữ ký của chị thôi, không đề tặng cho ai. Thế nên khi tôi lên trả bài, cô giáo tôi thấy tôi có cuốn sách với chữ ký của chị MH thì tưởng tôi “ăn cắp” sách của cô giáo MH! Cô nhất quyết dẫn tôi đi gặp cô giáo MH để bắt tôi xin lỗi và trả sách, dù tôi có nói là sách cho, cô vẫn không tin. Chừng hai cô giáo gặp nhau, cô giáo của tôi mới hay chị QTMH là chị họ của tôi-con của nhà thơ Quách Tấn, ông QT là bạn thân của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Là bà con bên vợ ông QT vì các anh chị bên đó kêu ba tôi bằng cậu.
Thật ra thì cô giáo cưng tôi lắm vì tôi học giỏi và lễ phép. Nói chuyện lễ phép, ra đường gặp cô, mà gặp hoài vì là thành phố nhỏ, tôi luôn luôn vòng tay và cúi người chào. Cô hay bảo vòng tay thưa là đủ rồi, em đừng gập cả người như vậy. Nhưng tôi vẫn cứ...gập người!
Chị MH cùng chồng con hiện đang ở bên Đức, còn cô giáo tôi có tên là Phúc thì đã mất lâu lắm, nghe nói vài năm sau khi cô lập gia đình - mất khi sanh khó. Thời gian đó tôi đã vào SG rồi. Tôi vẫn còn nhớ khái niệm là cô trắng trẻo, đẹp dịu hiền.
Một người con khác của ông QT là chị QT Tường Vi, sau biến cố 75, chồng chị là sĩ quan hải quân chạy được qua Mỹ, còn mẹ con chị thì bị kẹt lại. Quá buồn khổ, chị đã cho ba con còn nhỏ uống thuốc độc chết rồi chị cũng tự tử chết luôn. Chuyện này, tôi không thấy báo nào nhắc tới.
Một lần tôi nói chuyện với nhà thơ Quỳnh Anh, ở tiểu bang Virginia, chị cho biết chị đang đan áo len cho tôi. Chị hỏi, cưng thích màu tím không? Tôi thích màu hồng, màu đỏ; nhưng mùa đông mà mặc mấy màu này sáng quá, không thích hợp. Màu tím thì thích hợp rồi-tôi cũng thích màu tím-nên tôi nói với chị là chị cứ đan màu đó cho em. Đâu có biết chuyện chị đan áo cho tôi, đang nói chuyện tập thơ sắp ra của chị mà, tự nhiên lạị “lòi” ra “vụ” này! Chị cũng dặn tôi canh chừng bưu điện quà chị gửi nhân dịp chị đi chơi Địa Trung Hải vừa về (tôi chẳng nhớ là Đông hay Tây Địa Trung Hải, nhưng nếu là Đông thì kỳ trước chị đã đi Tây rồi). Chị hỏi, “Không biết Ng thích thứ gì?” Tôi cười nói ngay, “Chị mua quà cho em là được rồi, Ng là đàn ông con trai, khỏi quà đi!”
Nhắc chuyện đan áo là vì tôi nhớ hồi xưa thấy các chị Sư Phạm Qui Nhơn, chị nào cũng học đan. Chắc là sau này, các chị đan áo, đan tất, đan mũ cho chồng, cho con. Vừa nói chuyện vừa đan. Đi đại nhạc hội, vừa nghe vừa đan. Có lần tôi nghe chị AT đan áo tặng cho chị PC. Chắc chị PC mỗi lần mặc áo do chị AT đan tặng thì nhớ chị AT lắm lắm, nhớ cái tình của chị AT. Má tôi cũng biết đan. Bà hay đan cho hai đứa cháu gái ở dưới San Diego. Tôi nhớ tôi có học đan, có cầm mấy cây đan, nhưng không nhớ đan được gì! Chắc chắn là chẳng được gì. Đan áo cho người yêu, đan áo cho chồng, tình tứ quá chứ. Tôi vẫn còn nhớ đã đọc một truyện ngắn của nhà thơ Nhất Tuấn-ông nổi tiếng về thơ nhiều hơn, như tập thơ Chuyện Chúng Mình, nên được kêu là nhà thơ NT, không nghe kêu nhà văn NT-, truyện Mây Bay Trên Đỉnh Núi. Có hai người yêu nhau mà chẳng dám nói yêu nhau. Nàng đan áo ấm muốn tặng chàng, mà khó tặng quá, ai lại đường đột đi tặng áo như thế. Chàng thì không dám thố lộ tình yêu vì sợ không có ngày trở về thì lại tội cho nàng-chàng là lính chiến mà. Đọc mà thương quá! Năm đó, tôi mới ...mười tuổi!
Qua Mỹ, bác NT với tôi là đồng nghiệp, làm chung ở Bộ Hưu Bổng. Thỉnh thoảng, ông lạì cho tôi đọc một bài thơ ông mới làm. Nhiều khi không đưa tay, mà bỏ vào bao thư, như là thư từ hành chánh để cho anh đưa thư mang đi-bác làm dưới lầu, tôi làm trên đầu. Như có lần, bác viết, “Bây giờ cháu đọc loại thơ tình được rồi.”-ý là năm đó tôi đã trên 20 tuổi. Tôi viết trả lời, “Bác ơi, cháu đã đọc truyện tình của bác từ năm cháu mười tuổi lận á!” Ở tuổi đó, tôi nhìn lên thấy các anh học trò đi học trường Cường Để, sáng chiều nào cũng đi ngang qua nhà, anh nào cũng lớn, và các chị Sư Phạm nào cũng lớn. Thời kỳ này cuốn tiểu thuyết Yêu của Chu Tử ra đời. Tôi nhớ các chị chuyền tay nhau đọc. Tôi cũng xin, cho em mượn đọc với. Thì các chị nói, chỉ cho mượn hai tiếng thôi, rồi phải trả nghe chưa. Vậy mà tôi cũng đọc xong! (Nhưng chắc là chẳng hiểu gì!) Tôi đọc truyện này khi còn ở QN.
Anh L bảo tôi hãy viết truyện có dính líu về Qui Nhơn đi. Anh đi lính ở QN và những quận chung quanh của tỉnh BĐ mười năm, và nằm tù cải tạo ở đây cũng mấy năm nữa, tổng cộng là mười mấy năm hít thở không khí BĐ và uống nước sông BĐ. Anh nhắc tới những vườn xoài ở Bình Tường vào những tối đi tuần. BT là quê ngoại của tôi. Họ Trần là một họ lớn –tôi nhớ những căn nhà ngói nằm một dãy nhìn ra đường lộ. Nhà ngói cây mít là nhà khá, nếu không nói là giàu có. Tôi không nhớ có thấy những cây mít trong vườn hay không nhưng nhớ là nhà nào trong họ cũng là nhà ngói, có nhà ngõ lớn, và trồng nhiều cây xoài. Có cây có nhánh ngã thật thấp. Mỗi lần về ăn giỗ, tôi hay cùng các anh chị họ leo trèo lên những nhánh này, ngồi thòng chân xuống con lạch. Anh chị còn dẫn tôi đi nhổ đậu phọng. Con nít thành phố không có những diễm phúc này.
Mới đây tôi nghe tin chị Nga đã mất, người chị họ đã dẫn tôi đi chơi trong những ngày ở quê ngoại.
Rồi Bình Khê, quê nội. Nhà thơ Quan Dương đi lính, đổi về nơi này. Họ Bùi của tôi cũng là một họ lớn. Anh kể anh hay đi ăn giỗ ở nhà các ông, các bác của tôi, tả những đường làng quanh co, ngõ nhà ai như thế nào, quả thật, tôi cũng nhớ đúng như anh tả. Tôi cũng đang muốn khoe tôi là con cháu của bà Bùi thị Xuân, đời thứ mười, cùng vai vế với người đang coi nhà thờ bà, là Bùi Đắc Lưu.
Tôi bảo tôi rời QN khi còn bé quá thì có nhớ gì nhiều mà viết về QN được. Nhưng anh L lại phục tôi đã nhớ được nhiều đến như thế. Hôm nọ, nhắc tới cái rạp hát ở góc đường Võ Tánh và Phan Bội Châu giao nhau, nghe ba tôi nói đó là rạp ciné Tân Châu. Tôi nhớ mỗi lần có chiếu phim mới hay có đoàn cải lương nào ra hát ở đây thì một chiếc xe lam chạy khắp đường phố, chạy thật chậm, có người ngồi ở phía sau xe phát những tờ program. Qua khu nhà mình (nhà của nhà văn Võ Phiến chỉ cách mấy căn), tôi cũng chạy ra đường xìa tay xin, nhưng còn nhỏ quá, họ không phát cho. Rồi một ngày, được phát cho một tờ, tôi mừng quá đi..., cầm đem khoe cùng xóm. Ba tôi bảo chủ rạp hát này là người Tàu.
Ở Mỹ, tôi đi dự đám hỏi con trai ông VP là P với bạn MT của tôi. Ông bà từ Cali lên Seattle hỏi vợ cho con trai út, nhưng rồi cái đám cưới đó lại không thành, bạn tôi từ hôn, trả nhẫn.
Cái thuở ở Qui Nhơn. Mấy chục năm rồi còn gì! Bây giờ, tóc của tôi đã lẫn lộn muối tiêu! Tuy vậy, quê hương đó là quê hương luôn luôn hiện về trong nỗi nhớ của tôi, dù tôi chưa một lần trở lại.

Linh Vang


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003