Oct 12, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
Varanasi, đêm nghe sông Hằng hát
TRẦN TRUNG ĐẠO

 Khi chiếc ghe đưa chúng tôi trở lại Ghat thiêu người, khoảng mười giờ tối, xác người đàn bà quấn vải trắng không còn nằm trên bờ sông nữa. Bà có thể vừa hay đang được hỏa thiêu. Giàn hỏa là một lò lửa thấp chất đầy những thanh củi lớn, khi đó đang bốc lửa đỏ rực. Tôi không biết chính xác Ghat này tên gì nhưng vì Ghat nhỏ và cách Dashashwamedh Ghat chỉ vài phút chèo ghe nên đoán là Harishchandra Ghat, một trong hai Ghat hỏa thiêu.

Ghat theo tiếng Hindi có nghĩa là những bậc thang cấp. Mặc dù danh từ ngày được dùng chỉ những bậc thang cấp ở nhiều nơi khác nhưng khi nghe đến Ghat người ta thường nghĩ ngay đến những bực cấp đi xuống sông Hằng nỗi tiếng ở Varanasi. Hãy nghĩ Ghat như là những bến sông, nơi có người và ghe thuyền tập trung, cho dễ hiểu. Có tất cả 84 Ghat lớn nhỏ dọc đoạn sông dài khoảng 5 dặm. Những Ghat được nhắc nhở nhiều trong sinh hoạt tôn giáo và văn học Ấn Độ gồm có Dasaswamedh Ghat nơi được tin rằng tại đó Lord Brahma đã đón mừng Lord Shiva trở lại thế gian; Tulsi Ghat gắn liền với tên tuổi của thi hào Ấn Độ Tulsidas, tác giả của trường thi Ramcharitmanas; Bhadaini Ghat biểu tượng của ánh sáng mặt trời; Assi Ghat có nhiều sinh hoạt rất sống động; Panchkoat Ghat do vua Madhya Pradesh xây; Man Mandir Ghat là nơi có các chùa Hindu thiêng liêng như Sthuladanta Vinayaka, Rameshwara và Someshwara.

Nhớ lại buổi chiều khi ghe chúng tôi được chèo ngang qua Harishchandra Ghat thiêu xác này, vợ tôi khẽ nhắc có một xác người, có thể là đàn bà, đang được đặt sát mặt nước sông Hằng. Tôi nhìn kỹ, xác bà được bao bọc kín thật chặt bằng vải trắng ngoại trừ khuôn mặt xanh xao. Bà đã được làm lễ tắm nước sông Hằng hay đang chuẩn bị để làm trước khi được hỏa thiêu. Tôi hỏi người chèo ghe có thể chụp hình. Anh ta trả lời không sao. Nhìn qua ống kính, khuôn mặt người chết xanh xao hiện ra rất rõ. Tôi định bấm, nhưng kịp dừng tay vì cảm thấy xúc phạm hương linh người chết. Cái chết và sự sống không bao giờ là một trò chơi, không bao giờ là một nghệ thuật. Tôi đặt máy xuống, một lời cầu nguyện âm thầm theo lễ nghi Phật Giáo dâng trong lòng.

 

varanasi-2Khi chúng tôi trở lại, dưới chân Harishchandra Ghat chỉ còn hai giàn lửa. Để giữ sự trang nghiêm, lần này, tôi chụp một tấm hình không dùng đèn từ khoảng cách khá xa. Bên cạnh hai giàn lửa là một thầy tế lễ Hindu đứng trên một bục cao chừng mười mét tính từ bờ sông. Thầy tế lễ đắp y màu đỏ viền vàng dài đến gối, hai tay cầm một ngọn đèn lớn và từng bước quay tròn trong điệu múa nhịp nhàng. Thầy đang làm lễ. Lời kinh vang trên mặt sông rộng theo gió đưa xa. Giọng thầy trầm bỗng như đang hát một bài hát tiễn đưa hương hồn những người ra đi hay cũng có thể đang chào đón những người đang đến trong hành trình vô thủy vô chung. Bên bờ sông Hằng, không có giàn âm thanh nhưng tiếng tụng kinh của thầy rất lớn làm chúng tôi tưởng chừng như đang phát ra từ một máy phát thanh khá mạnh. Hàng trăm chiếc ghe đang trở về nhiều Ghat khác nhau sau khi dự lễ Ganga Aarti ở Dashashwamedh Ghat nhưng ngoại trừ nhịp chèo ghe rất nhẹ làm xô động mặt nước sông Hằng, tất cả đều im lặng.

Chung quanh hai giàn hỏa, khá nhiều thân bằng quyến thuộc của những người chết. Tuyệt nhiên không nghe tiếng khóc. Tôi đọc đâu đó rằng trẻ em và phụ nữ không được tham dự tang lễ để tránh khóc lóc làm nặng thêm hành trình của người ra đi. Đời sống trên sông Hằng, có thể từ nhiều ngàn năm vẫn diễn ra như thế. Một đời sống thuần túy tinh thần, dâng hiến trọn vẹn. Sống và chết, mất và còn, đến và đi đều diễn ra và kết thúc tại nơi đây. Những câu chuyện, những tin tức về chiến tranh, hòa bình, tranh chấp, quyền lực, danh lợi có lẽ không ảnh hưởng gì đến những người dân Ấn sống dọc sông Hằng. Không hỏi ai nhưng nhìn qua cách sống, tôi biết họ hoàn toàn không quan tâm đến việc cách đó vài hôm một trái bom nổ, được tin là do tình báo Iran đặt, ở thủ đô New Dehli làm bị thương trầm trọng một nhà ngoại giao Do Thái. Tôi quan tâm chỉ vì biến cố có thể ảnh hưởng đến việc đi lại của tôi trong thời gian ở Ấn. Đa số người dân ở đây có thể suốt đời không đi xa. Không có một định nghĩa nào về quê hương mang ý nghĩa trọn vẹn hơn ở đây. Quê hương là thánh tích, là nơi sinh ra và là nơi để chết. Đúng như một nhà báo viết, nếu ai muốn có một đời sống bên ngoài thế giới, hãy đến sông Hằng ở Varanasi.

Varanasi, còn có tên gọi la Benares hay Banaras, nằm bên bờ sông Hằng, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, được xem là thành phố thánh của Phật Giáo, Jains Giáo và là thánh nhất của Hindu. Vị trí của Varanasi của Hindu tương tự như Jerusalem của Thiên Chúa Giáo hay Mecca của Hồi Giáo. Theo truyền thuyết, Varanasi do chính Lord Shiva thành lập từ muôn thưở trước. Đối với tín đồ Hindu, bất kể thuộc tông phái nào Varanasi là “thủ đô tinh thần” của họ, là nơi được tin rằng nếu họ chết ở đó, sẽ thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi và được an nghỉ mãi mãi nơi thiên đường. Về mặt văn minh nhân loại được các sử gia đồng ý, với hơn ba ngàn năm lịch sử, Varanasi là một trong những thành phố cổ nhất không phải chỉ Ấn Độ mà cả thế giới có người sống liên tục qua các thời đại. Mark Twain trong tác phẩm Theo đường xích đạo (Following the Equator) xuất bản năm 1898 đã viết “Benaras (Veranasi) là thành phổ cổ hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cổ hơn cả huyền thoại, và trông già hơn tất cả những điều vừa nêu cộng lại nhau”.

Chúng tôi khởi hành chuyến đi Varanasi từ Bangalore, một trong những thành phố trù phú nhất ở miền nam Ấn Độ. Sau khi hạ cánh xuống phi trường New Dheli, chúng tôi tìm cổng để đổi chuyến bay đi Varanasi. Trên bàn thông tin ghi rõ chuyến bay, giờ giấc nhưng không có ai ngồi trong dãy ghế chờ mặc dù đại diện hãng máy bay xác định sẽ có chuyến bay, chỉ trễ ba mươi phút. Thỉnh thoảng có một vài người Ấn thuộc giáo phái Sikh đến. Họ ăn mặc khác lạ so với những người Ấn miền nam. Tóc họ búi cao, đội khăn đen quấn cao trên đầu và để râu dài tới ngực. Họ liếc mắt qua chỗ chúng tôi ngồi nhưng không trao đổi một nụ cười hay một lời chào xã giao quen thuộc như ở Mỹ. Tuy không nói ra nhưng trong bụng tôi cũng cảm thấy hơi lo. Không biết thành phố và người dân Varanasi sẽ chào đón chúng tôi như thế nào đây. May thay, khoảng nửa giờ sau, nhiều đoàn du khách lần lượt đến. Mỗi đoàn khoảng hơn chục người do một hướng dẫn viên điều hợp. Du khách phần đông là người Mỹ hay châu Âu và một số ít người Nhật. Tôi chỉ cầu mong có một thượng tọa, đại đức nào đó dắt đệ tử qua đây để chúng tôi nhập vào đi chung nhưng không thấy có đoàn hành hương người Việt nào. Rất ít khách địa phương, có lẽ vì đa số chọn đi bằng xe lửa với giá rẻ hơn nhiều. Phần lớn các đoàn du khách ngồi tập trung từng nhóm và hành lý cũng để chung, chỉ gia đình chúng tôi ngồi riêng một góc. Dù cảm thấy lạc loài nhưng cũng tự an ủi, ít ra chúng tôi không phải là những người duy nhất đi thăm Varanasi.

Chúng tôi đến Varanasi vào sau trưa. Vừa nhận hành lý xong, nhìn ra đường, một tài xế của công ty du lịch địa phương do văn phòng đại diện Ấn Độ của hãng tôi sắp xếp dùm đang đưa cao bảng tên có chữ “Mr. Tran”. Biết đó là tôi nên cảm thấy yên tâm. Anh ta vui vẻ bắt tay như gặp lại cố tri và hăng hái đưa hành lý lên xe. Anh chàng tài xế là một người trẻ với khả năng tiếng Anh đủ để trao đổi những điều cần thiết. Đặc điểm chung của các tài xế Ấn là lịch thiệp và tận tụy. Họ có mặt tại khách sạn bất cứ khi nào chúng tôi gọi và chỉ về nhà ngủ sau khi biết chắc là chúng tôi không đi đâu nữa trong ngày. Không phải chỉ vì bản tánh nhu hòa hay khả năng chuyên nghiệp cao nhưng quan trọng hơn vì lợi tức chính của họ là tiền thưởng của khách. Lương của một tài xế ở Ấn rất thấp. Và đương nhiên, muốn có tiền thưởng nhiều phải phục vụ tốt.

Phi trường Varanasi rất mới và trang bị đầy đủ như một phi trường địa phương ở Mỹ. Đoạn đường từ phi trường về thành phố chỉ dài khoảng 15 dặm nhưng phải cần 40 phút lái xe vì đường xấu, hẹp, chật chội, rất nhiều bò thả bộ an nhàn trên phố và quá nhiều xe cộ đủ loại chen chúc nhau. Đúng như lời bạn tôi cảnh giác, thành phố Varanasi quá nghèo nàn với những căn nhà lụp xụp dọc bên đường và cuộc sống người dân vô cùng lam lũ. Tôi chợt nghĩ, bây giờ còn như vậy, hai ngàn năm trăm năm trước, khi đức Phật đến đây giảng pháp lần đầu, xứ này còn nghèo nàn đến mức nào. Ngày đó, vài tuần sau khi Thành Đạo, chưa có tăng đoàn, chưa có một đệ tử nào, đức Phật đã phải vừa khất thực để sống, đêm ngủ dọc đường, ngày một mình đi bộ trên đoạn đường đầy gai góc dài hơn hai trăm cây số từ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) ở Gaya đến Vườn Lộc Uyển (Sarnath) gần Varanasi.

Tại sao đức Phật đến khu vực này mà không đi nơi khác? Nhiều người đặt ra câu hỏi đó nhưng không có câu trả lời nào thỏa đáng ngoài việc vào năm trăm năm trước công nguyên Varanasi đã là một trung tâm văn hóa lớn của Ấn Độ. Trong mảnh da thịt mong manh của đức Cồ Đàm chứa đựng một trí tuệ vượt không gian và thời gian, để lại cho muôn đời những lời khuyên nhẹ nhàng như lời ru và cần thiết như hơi thở. Đối với tôi, đức Phật trước hết là một nhà đại giáo dục. Tôi đọc những bài kinh, những bài pháp không phải để giải thích niềm tin tôn giáo huyền bí, không phải để cầu ơn phước và sau khi chết sẽ được sinh ở cõi an lạc nào nhưng để lắng nghe những lời dặn dò từ một bậc thầy lớn của nhân loại và cố gắng áp dụng vào đời sống hôm nay, ngay tại cõi ta bà ô trược này. Câu “Thắp đuốc lên mà đi” đức Phật giảng trong những ngày cuối của hành trình ngài đi trên thế gian, không chỉ đúng với một Phật tử nhưng với tất cả, từ mỗi con người cho đến toàn dân tộc. Không ai cứu mình nếu chính mình không tự cứu. Ngồi trong xe, tôi hồi hộp khi nghĩ đến ngày mai, sẽ đến thăm Sarnath, nơi nền tảng của đạo Phật với Chuyển Pháp Luân, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo được xây dựng lần đầu, nơi năm anh em ông Kiều Trần Như gặp lại người bạn tu đã là Như Lai. Ngày mới phát nguyện vào Gia Đình Phật Tử, nghe các anh chị trưởng kể chuyện Vườn Lộc Uyển như nghe chuyện cổ tích thuộc vào một cõi nào đó xa xôi, không nằm trong thế giới này và sẽ không bao giờ đến được. Tôi hẹn với chính mình như hẹn với cậu bé mồ côi quét lá đa ở chùa Viên Giác ngày xưa "Ngày mai mình sẽ đến thăm Vườn Lộc Uyển".

Việc chọn lựa khách sạn ở Varanasi cũng là một chọn lựa khó khăn. Phần lớn khách sạn tương đối đầy đủ tiện nghi đều nằm trong phố, cách sông Hằng hai chục phút lái xe. Sát bên bờ sông chỉ có những nhà khách nhỏ. Để có thể nhìn chiều xuống và mặt trời lên trên sông Hằng, tôi quyết định mướn một phòng của một nhà khách đơn sơ cách Assi Ghat khoảng chừng hai trăm mét. Tôi chọn Assi Ghat vì theo ý kiến chung trên các diễn đàn du lịch Ấn đây là Ghat sạch sẽ, ít hỗn tạp. Cô con gái út của tôi, dù được cảnh báo trước nhiều lần, đã thật thất vọng khi bước vào phòng. Cô bé bảo khách sạn này phải được xếp vào hạng “không sao” mới đúng. Trước sân và sau khách sạn là những chuồng bò. Ổ khóa phòng là ổ khóa sắt ở Việt Nam hay dùng để khóa những chiếc rương lớn ngày xưa. Dù sao, sau khi mở quạt để xua đi bầy muỗi và làm quen với hoàn cảnh mới, chúng tôi đi thăm một số chùa Hindu.

 

varanasi-3Chùa Hindu ở Varanasi nhiều đến nỗi không phải đi xa mà chỉ cần bước sang một góc đường nào đó cũng gặp một ngôi chùa. Con gái út tôi thích nhất là Durga Temple, còn được gọi là Chùa Khỉ (Monkey Temple). Trong sân chùa nuôi rất nhiều khỉ. Sau chùa, từng bầy khỉ đu ngang dọc trên cây. Tôi hỏi người tài xế tại sao ở đây nuôi quá nhiều khỉ. Anh chàng cũng thuộc trường phái huề vốn nên trả lời bởi vì đây là Chùa Khỉ. Người tài xế đưa chúng tôi vào chùa Kashi Vishwanath làm lễ cầu an. Vị thầy tế lễ hỏi tên từng người, sau đó tay cầm một khay hoa quả vào chánh điện tụng một hồi kinh ngắn. Giọng ông trầm bỗng và rất hùng hồn. Khi bước ra, thầy tế lễ chấm vào giữa trán mỗi chúng tôi một chấm đỏ. Người tài xế đáp lễ theo cách Hindu, còn gia đình tôi lần lượt chấp tay hướng vào chánh điện vái ba vái theo nghi lễ Phật Giáo và cám ơn thầy. Chúng tôi không quên đặt vào khay một số tiền cúng dường. Thầy mỉm cười hài lòng và cùng chúng tôi chụp hình kỷ niệm. Chúng tôi tạm biệt thầy để đi thăm vài chùa khác trước khi ra sông Hằng.

Đoạn đường từ dãy phố cuối cùng dẫn ra sông Hằng là một đoạn đường hiểm hóc và nếu không có người hướng dẫn sẽ không thể nào đi được. Đó là một con hẻm rất dài và hẹp, băng qua những tiệm ăn, những đống gạch vụn, những mái nhà chấp nối tồi tàn. Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều tu sĩ Hindu ngồi dọc hai bên hẻm. Có người thiền định, có người đọc sách, có người chỉ ngồi nhìn khách du lịch đi qua. Trên khuôn mặt họ, ngoài chấm đỏ lớn giữa hai mắt còn có nhiều vết sơn ngang dọc. Có người ở trần ngực sơn đủ màu và cũng có người ăn mặt rất kín đáo. Sau khoảng 15 phút vượt qua nhiều đoạn quanh co, người tài xế nhắc lớn, chúng ta đã đến Ghat và sông Hằng. Tôi nhìn xuống, đúng vậy, trước mặt chúng tôi là bậc thang cấp dẫn xuống sông Hằng huyền bí.

Tôi đã làm quen với sông Hằng qua những phim tài liệu và sưu tập nhiều hình ảnh trước ngày đi Varanasi nhưng khi đứng trước sông Hằng tôi vẫn cảm thấy xúc động trong lòng. Tôi đặt tay xuống dòng nước mát như để làm dấu lăn chỉ tay, chứng minh cho một mơ ước tuổi thơ vừa thành sự thật. Tôi mơ đến nơi này từ những ngày còn tập hát những bài hát về những nhánh sông tách ra từ đây như Ni Liên Thuyền và A Nô Ma. Trong số mười con sông lớn nhất của thế giới, không một dòng sông nào chứa đựng nhiều huyền bí hơn sông Hằng. Chỉ riêng trong văn học Sankarit, sông Hằng đã có 108 tên gọi khác nhau. Sông Hằng là nguồn cảm hứng cho vô số thơ ca nhạc họa Ấn Độ. Những câu chuyện về dòng sông dài 1560 dặm từ Hy Mã Lạp Sơn đến vịnh Bengal này không bao giờ kể hết. Rabindranath Tagore từng ví sông Hằng như bạn đồng hành trong thi ca của ông và cũng là nơi ông đã dành nhiều thời gian gần gũi. Tôi chợt nhớ đến một nhà thơ Việt Nam, Vũ Hoàng Chương, cũng viết về dòng sông này trong bài thơ Lửa Từ Bi “Nam mô Ðức Phật Di Ðà, Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?” Về mặt tôn giáo, không cần phải giải thích nhiều, đây là giòng sông thánh nhất của Hindu qua những kinh truyện về Lord Shiva. Bản thân của sông thôi cũng đã là một vị thánh, thánh Ganga, để được tôn thờ. Nhưng nếu chỉ là giòng sông bình thường thôi, đây sẽ là nơi không nên đến. Bờ sông đầy rác rến. Mức độ ô nhiễm của sông Hằng trầm trọng gấp ba ngàn lần so với tiêu chuẩn do Tổ Chức Y Tế Quốc Tế Liên Hiệp Quốc (WHO) đưa ra.

Người tài xế đã tìm được ghe. Chúng tôi bước xuống để được đưa ra sông đi dự lễ Ganga Fire Aarti dưới chân Dasaswamedh Ghat. Lễ Ganga Fire Aarti (dâng ánh sáng) do các tu sĩ Hindu tông phái Brahmin thực hiện kéo dài khoảng gần một giờ. Đối với du khách, đây là tiết mục hấp dẫn nhất, màu sắc nhất trong ngày. Tôi quây một đoạn phim và chụp khá nhiều hình. Vợ tôi mua ba cây đèn nhỏ gắn trên bông sen giống như đèn phóng sinh ở Việt Nam để con gái út thả xuống dòng nước. Cô út thả đèn ba lần, hai lần thay mặt cho anh chị đang đi học xa và một cho chính cô út.

Người chèo ghe cho chúng tôi là một cậu bé khoảng 14 tuổi. Có lẽ theo nghề khá lâu và tuổi còn nhỏ nên cách phát âm tiếng Anh của cậu còn tự nhiên hơn cả người tài xế. Nếu tính theo Mỹ kim, mỗi ngày trung bình cậu bé làm được chỉ hơn 1 đô la. Khi tôi hỏi tại sao lương ít quá vì chúng tôi phải trả cho chủ ghe gần 20 đô la. Cậu bé trả lời rằng cậu chỉ chèo ghe vào buổi tối thôi, ban ngày còn phải lo đi học. Tôi rất mừng khi biết cậu bé lo học nên trước khi trả tiền cho chủ ghe đang đứng đợi trên bờ, tôi dúi vào tay cậu bé số tiền thưởng bằng lương cậu bé làm vài tuần lễ. Lễ xong, chúng tôi theo thuyền về Ghat cũ. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết Ghat cũ đó tên gì nhưng chỉ nhớ đã đi ngang qua Ghat thiêu xác như đã viết ở phần trên.

Trời đã khuya. Khách du lịch đã về khách sạn. Không phải vì giới nghiêm nhưng không có lý do gì ở lại. Chúng tôi ghé một tiệm chay của người Nepal mua ít đồ ăn tối trước khi chia tay người tài xế. Phòng ngủ của gia đình tôi hướng ra sông. Bầy muỗi vo ve làm tôi không ngủ được nhưng không biết đi đâu. Ở đây không có quán cà phê, không có internet. Ngọn lửa thiêu xác chắc cũng đã tàn. Đêm thật vắng, không một bóng người qua lại nhưng trong mơ màng tôi nghe lời kinh như khúc hát ngàn xưa vẫn còn vọng lại từ sông Hằng huyền bí.
Khoảng gần sáu giờ sáng, tôi một mình xách máy chụp hình đi bộ ra Assi Ghat. Mặt trời vừa xuất hiện bên kia bờ sông rộng. Sông Hằng thật êm đềm. Xa xa một chiếc ghe nhỏ chở du khách đang xuôi mái chèo về hướng bắc. Trên bệ đá bên bờ sông, hai nhạc sĩ trẻ đang ngồi. Người nam đánh đàn và người nữ gõ trống. Cây đàn rất quen nhưng tôi không nhớ tên. Hôm sau, khi gởi tấm hình lên Facebook, anh Hữu Việt nhắn cho biết đó là đàn Sitar, một nhạc cụ quen thuộc của Ấn Độ.

 

varanasi-4
 

Hai nhạc sĩ trẻ, không rõ là người Nhật hay Nam Hàn, có vẻ là tình nhân đang chào đón mặt trời lên trên sông Hằng bằng âm nhạc. Người thanh niên khi đàn xong một bản nhạc choàng tay vuốt nhẹ lưng người con gái như vỗ về và khuyến khích. Không có một động tác âu yếm nào khác và thậm chí không cả nhìn nhau nhưng tâm hồn họ hẳn đang quyện tròn vào nhau như những giọt nước trên sông Hằng không thể phân ly đang trôi trước mặt. Nếu ai muốn biết chiều sâu của thung lũng tình yêu, trên thế gian này, có lẽ chỉ hai bạn trẻ này là những người duy nhất có thể trả lời.

Một khoảng cách không xa phía sau, một người đàn ông Ấn tuổi trung niên đang ngồi lắng nghe. Ông cũnng là người hạnh phúc. Tôi ngồi xuống phía xa hơn và chợt nghe trong lòng dâng lên một niềm vui rất lạ. Chúng tôi không trao nhau một ánh mắt, một nụ cười hay một lời chào buổi sáng nhưng sợi dây nhân duyên vô hình giữa người và người đã nối chúng tôi chung tại điểm hẹn này. Lát nữa đây, khoảng không gian này sẽ biến mất và thời gian sẽ trôi theo sông không trở lại nhưng khoảnh khắc diệu kỳ này sẽ sống mãi trong tâm hồn mỗi chúng tôi.

Mặt trời vàng rực rỡ dang lên cao dần. Chợt nhớ sắp đến giờ ra đi, tôi đứng dậy đi chụp thêm một ít ảnh sinh hoạt bên sông Hằng buổi sáng. Phía dưới sông nhiều người dân Ấn mộ đạo đang gột rửa bụi trần bằng nước sông Hằng để đón sự trong sạch đến với tinh thần họ. Du khách từ trong phố bắt đầu lang thang tìm ghe để được đưa đi thưởng ngoạn sông Hằng mặt trời lên. Một ngày mới nhộn nhịp lại bắt đầu ở Varanasi.

Khoảng nửa giờ sau, tôi trở lại Assi Ghat, cặp tình nhân nhạc sĩ trẻ kia vẫn còn đó và khán giả duy nhất của họ vẫn còn đó. Tiếng đàn Sitar và tiếng trống Tabla tiếp tục vang lên trên sông Hằng. Nhưng trễ rồi và tôi phải ra đi. Nhìn ra sông Hằng, tôi thầm nói lời tạm biệt.

Và một ngày tôi sẽ trở lại thăm
Sông Hằng Varanasi
Có thể không còn là con người xương thịt như hôm nay
Mà chỉ là giọt nước
Từ mây trời phương tây xa xôi
Hãy đón giọt nước như đón tôi hôm nay
Hãy cho tôi cùng chảy với sông
Trong tiếng đàn Sitar và tiếng trống Tabla
Trong một đêm huyền diệu
Trong buổi sáng lặng yên
Tạm biệt sông Hằng
Tạm biệt Varanasi.

Trần Trung Đạo
(Ảnh của tác giả)


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003