Apr 19, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
Mỹ Nhân Gốc Việt
Cát đơn Sa (DIỄM CHÂU)

Từ ngày theo đoàn người di tản xuống tàu ra hải ngoại, được tàu Mỹ vớt, cho đi thẳng đến “thiên đường” nước Mỹ... mà bao nhiêu người vượt biên mơ ước được đặt chân đến, thì Hoàng Hậu lúc đó 14 tuổi,  sau nầy bỗng dưng trở thành một người đàn bà “công dung hạnh” hồi nào không hay.
Trong cuộc đời chị Hậu, không bao giờ chị dám tham cao sang quyền quý. Cái tên của chị do bố mẹ đặt, không phải vì con nhà danh giá hay hoàng tộc, mà là vì thì là… bố chị đi lính, ngang qua thành phố Huế dừng chân đóng binh, nghe thấy chung quanh rất nhiều “Công Tằng Tôn Nữ” được trọng vọng, … thì đâm ra mơ ước!
Trong đầu của bố chị, những nhân vật nữ nổi tiếng của Thành Huế thời đó quá quan liêu, nói theo văn học nghệ thuật, thì những cái tên làm cho các tâm hồn thơ văn lay đọng, ai nghe cũng ham hết!
Thế là khi mẹ chị trở dạ sanh con ngay trong trạm y tế của khu trại gia binh, thì con bé mang tên Trần Vũ Hoàng Hậu ra đời!  
Cha họ Trần, mẹ họ Vũ, Hậu là tên. Ý của mẹ là mong cho chị phúc hậu, nhưng ý của bố là đời sống của chị mai sau sẽ sướng như ông hoàng bà chúa xứ Huế! Do đó thêm chữ lót là Hoàng. Đơn giản chỉ như vậy thôi. Nếu đặt là Trần Vũ Hậu, nhiều người lại tưởng tên con trai! Cũng có lý!
Nhưng đối với những người khác, vừa nghe qua cái tên ấn tượng… chu choa ơi, họ chu mõ, chụm đầu bàn tán, rồi cười hăng hắc với nhau, nhất là mấy ông bà ở gần chung quanh. Có người mỉa mai:
-    Tội nghiệp, “con quan thì lại làm quan, con lão thầy chùa đi quét lá đa”!
-    Hoàng Hậu con ông Túc là hoàng hậu của Xứ... Công Gô!
-    Chắc má con nhỏ nầy ảnh hưởng tiểu thuyết ba xu!
Thím Hai dễ dãi:
-    Thì đó chỉ là niềm ước mơ … Biết đâu nhờ vậy mà tương lai con nhỏ sau nầy khá hơn ba má nó thì sao!
-    Thật vậy. Mơ được cứ mơ, đã có sao! Dù chỉ mơ mộng, hay đứng trên sân khấu diễn tuồng, thì cũng đổi đời được trong chốc lát!
Câu nói thực tế của cụ Tám, đã chấm dứt chuyện bàn luận về cái tên kiêu kỳ của con bé nhà nghèo! Nói thật ra thì rủi sau nầy lỡ thời, con bé đi làm Osin, tức là ở đợ cho người ta, thì cái tên Trần Vũ Hoàng Hậu nhứt định sẽ làm cho nó khổ hơn... không hợp thời một trăm phần ngàn rồi!
Thế rồi từ đó, mỗi khi ai biết được tên con bé là Hoàng Hậu, như đi bác sĩ, đi ghi tên trường học… thì người ta lại nhìn mẹ con một cách khó hiểu. Người lịch sự thì cúi đầu ngẫm nghĩ, còn người bình dân thì cặp mắt nhìn trừng trừng vô đối tượng, nói lên ngay điều đó tức thì, khi vừa nghe đến tên:
-    Mày mà cũng dám lấy tên Hoàng Hậu à!!!
Vì vậy, khi cả gia đình năm người, bố mẹ và ba chị em được chiếc phi cơ tối tân đem qua Mỹ, bố mẹ Hậu thoải mái mừng thầm là từ đây, chắc chắn không bao giờ con gái lớn của mình dính vào kiếp Osin nữa. Qua Mỹ mà ai thèm làm Osin! Nghe nói ngồi không cũng dư ăn!
Hậu gặp hên, vì từ trong văn phòng làm giấy tờ, đã gặp anh thông dịch viên Việt Nam, hiểu rõ phong tục tập quán, hoàn cảnh và ước vọng của những vị cha mẹ nghèo, nên chỉ vẻ cho Hậu cách đổi ngược cái tên theo kiểu Mỹ, từ đó trở thành Hậu Hoàng Vũ Trần, đọc tắt là Hậu Trần.
Bố Hậu cũng vui, như thoát được một sự bực mình mà con của ông thường hay gặp lâu nay. Ngày đãi tiệc vài người bạn giúp đỡ bước đầu cho gia đình, anh Sính sau khi nghe bố Hậu giải bày niềm vui, còn gắng chọc cho không khí vui hơn:
-    Thôi, từ nay Mỹ nó đọc Hậu Trân là … hận trâu! Hận ai chứ hận trâu thì cũng không sao, cạn ly, cạn ly!
Hậu là một cô gái thông minh, đảm đang. Hai đứa em trai còn nhỏ, nên ngoài giờ học, Hậu giúp mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, răn dạy hai đứa em…
Mẹ Hậu đâu biết nghề ngỗng gì, nên nhận may đồ lố! Công việc nầy đa số người Việt mới qua hay làm. Đi xin tiền xã hội cũng khó khăn, vì hai đứa em trai của Hậu cũng đã đi học, bố mẹ lại còn khỏe mạnh.
Theo như cách thức của một số người đàn ông chủ gia đình ở Việt Nam, thì có những ông chồng chê việc bên Mỹ, không thèm làm, cứ ngồi đó cho vợ con nuôi! Trong số đó có ông Túc, bố của Hậu!
Ông cho rằng xưa nay ở Việt Nam, ông đã nuôi vợ nuôi con mệt cầm canh rồi, nay thì ông có quyền nghỉ ngơi, để cho vợ con lo. Hàng ngày ông xách đít lên xe Bus, ra quán cà phê ở cách nhà vài dặm, ngồi đấu láo mệt nghỉ với mấy ông cùng hoàn cảnh… cho tới trưa mới về!
Dù bà mắc may cho xong mớ đồ để giao cho người ta còn lãnh tiền, nhưng chưa bao giờ thấy ông để mắt phụ vợ một chuyện gì! Ăn cơm xong là ông đứng lên, ra xa lông xề người xuống, vặn TV coi phim… cái chén đôi đũa của mình cũng không bưng vào bồn rửa! Cho dù bà đang bận tíu tít với bao nhiêu công chuyện, và đống quần áo may dở dang!
Bà Túc thuộc loại nhẫn nhục, bà chẳng bao giờ trách ông đến nữa lời! Bà người dong dỏng cao, khuôn mặt trái soan, có sắc… Nhưng bà chẳng màng đến thân mình, lúc nào cũng ăn mặc bình dị và khuôn mặt không son phấn, cứ thế cong người xuống mà đạp máy, hoặc thu dọn hầu hạ cho cả nhà!
Thân phận một người đàn bà đã quen nhẫn nhục, và phục tòng chồng ở một đất nước nghèo đói, trong nhà chỉ có mỗi ông chồng đi làm, để lo việc tài chính cho cả gia đình, đã làm cho bà vợ phải chấp nhận hy sinh cuộc đời mình.
Những khi đi ăn cưới, chưng diện một chút, gặp người quen là mấy ông cũng ngỏ lời khen. Họ không nói trắng trợn, nhưng khôn khéo, như:
-    Trông chị hôm nay tôi nhận không ra, tưởng bà phu nhân nào…
-    Tôi lại tưởng là con bé Hậu có người chị bà con chứ!
-    Ông Túc nuôi vợ khéo quá, bà ấy ngày càng trẻ ra!
Dĩ nhiên câu nầy làm ông Túc nở mũi, thấy đúng y chang như vậy… nhưng trái lại, làm cho bà Túc bất mãn trong lòng!
Ông mà là người chồng có trách nhiệm đúng nghĩa, thì bà chắc còn trẻ hơn nhiều!
Từ ngày qua Mỹ, bà vừa đóng vai chồng, vừa làm nhiệm vụ của vợ! Tối ngày hết lo tài chính đến cơm nước, dọn dẹp, may vá v.v… Cũng may là còn có bé Hậu giúp cho một tay!
Bà không muốn nghĩ đến ông chồng ích kỷ nữa, mất vui! mà nghĩ đến cô con gái ngoan bây giờ đã là một thiếu nữ, bà cảm thấy an ủi và êm dịu trong lòng.
Hậu may mắn có nét đẹp giống mẹ, tính nết lại hiền lành hơn mẹ! Học giỏi, thương em út và biết lo lắng chuyện nhà. Nhưng… đôi khi bà Túc lại không muốn con mình quá đảm đang và khéo léo! Theo bà biết, những đứa con gái như vậy thì số khổ!
Rõ ràng trước mắt là biết thì phải làm, không biết khỏi làm! Nhìn ông chồng của bà đó, cứ mỗi lần nhờ ổng cái gì, ổng nhăn nhó mặt mày, trả lời:
-    Không biết!
Thế là xong! Đã thế, bây giờ nhiều người đàn bà còn gặp cảnh chồng dối trá, lừa vợ để có nhân tình, hay mỗi lần gặp mặt nhau là cứ to nhỏ những chuyện gì mà thấy vợ đến gần là im lặng, lãng ra ngay!
Nói chung, trường hợp như vậy không phải chỉ ở Mỹ, mà xảy ra khắp nơi. Những người đàn bà Việt Nam trên dưới năm mươi, sinh ra trong thế kỷ nầy đã gặp phải điều không may! Bởi vì từ khi xảy ra tình trạng con gái trong nước chỉ ngồi ngóng quen Việt Kiều để ra đi, là coi như các bà thua ngay trên tình trường ở nhiều phương diện!
Tụi con gái, và chính gia đình của tụi nó, cũng rắp tâm muốn lấy đàn ông nước ngoài… họ đa số thường đẹp hơn, trẻ hơn, biết nhõng nhẽo và mơn trớn đàn ông hay hơn các bà vợ, kể cả chuyện moi tiền.
Thử hỏi với ông chồng sống bên nhau đã quen, mà tự nhiên bắt các bà làm lại những cử chỉ yêu đương lúc ban đầu, nếu không mát thì cũng bị các ông chồng cho là khùng!
Bà Túc thấy mình còn may mắn... là ông chưa dở thói “lăng nhăng” với mấy mụ đàn bà khác, chỉ có tánh “chồng chúa vợ tôi” đã chịu không nổi rồi! Đôi khi bà nghĩ ông chưa bắt chước theo mấy thằng cha bạn mất nết của ông đi Việt Nam để kiếm gái hà rầm, bởi vì ông không có tiền riêng đấy thôi!
Cũng may là ông chưa hạch sách bà, bởi vì ông cũng thấy gia đình làm trối chết mà có tiền dư đâu!
Lại nữa, ngày hôm kia, bà Túc thật là rầu khi ông đi chơi, rồi theo bạn leo lên chiếc xe mới mua của người ta, chưa có bảo hiểm đòi lái thử. Ông hứng chí muốn chứng tỏ cho thiên hạ biết là ông cũng ngon lành lắm, từng cầm lái những chiếc xe hơi khi còn ở Việt Nam!
Nể ông, bạn cũng cho ông lái một vòng, nào dè ông lạng quạng sao đó, húc vào sau xe của người ta một cái rầm, khi chiếc xe thắng gấp ở phía trước! Thế là “air - bag” trong xe bung ra, xe của cả hai bên đều bị móp!
Cũng may mà xe bên kia cũng là Việt Nam, họ không kêu cảnh sát, và bằng lòng cho ông bồi thường bằng cách trả tiền cho tiệm sửa xe, tốn cả hai chiếc xe là ba ngàn rưỡi bạc!
Bà Túc tức và uất ức đến điên người! Vừa mới trả tiền phạt cho ông vì băng qua đường không đúng chỗ, nay lại tốn một số tiền lớn để sửa xe! Bà không la lớn như nhà người ta gây nhau là la cho hả giận, vì bà bị ông đàn áp quen rồi! Nhưng bà cảm thấy tức ngực và đau quặn ruột!
Sáng tới giờ bà vẫn ngồi bên đống đồ, cố may vá cho quên đời… nhưng càng may càng sai, lại phải tháo ra may lại! Việc nầy còn khó hơn là may bình thường!
Hậu thấy mẹ buồn cũng ái ngại, lại gần mẹ, đặt tay lên vai mẹ an ủi:
-    Thôi mẹ, rồi mọi chuyện cũng qua!!!
-    Lấy tiền đâu mà trả cho người ta hả con?
Nước mắt mẹ ướt sũng, khiến cho Hậu bối rối, quay đi! Thương cho cuộc đời mẹ lao lực quá! Nhìn bố mập mạp, tỉnh bơ rung đùi ngồi uống bia, bình chân như vại coi phim bộ, như không có chuyện gì phải lo lắng… trong lúc mẹ xanh mướt, ốm o, đôi vai gầy nhô lên rung rung, mà Hậu càng thương mẹ hơn!
Chuyện nầy cũng khiến cho Hậu suy nghĩ từ hôm qua tới nay. Hậu biết Cộng Đồng sắp tổ chức buổi thi Hoa Hậu Việt Nam trong hội chợ, số tiền mặt cho giải thưởng lên đến cả mười ngàn đô la, kèm theo nhiều món quà khác thật là hấp dẫn.
Hậu không bao giờ tự cho mình đẹp, dù nổi tiếng là một trong những cô gái “sắc nước” trong trường, được đa số bạn bè tán tụng… nhất là khi leo lên sân khấu để dự thi Hoa Hậu sắc đẹp thì lại càng không!
Trời ơi, Hậu chưa bao giờ tự tin lẫn tự nhận mình đẹp! Hậu thấy không đủ can đảm để cho rằng mình đẹp, huống chi là lên sân khấu uốn éo, đi qua đi lại... biểu diễn sắc đẹp cho người ta xem.
Trong những màn thi hoa hậu mà Hậu rất thích coi, thì phần Hậu ưa nhất là thi tài năng. Chẳng là Hậu có tài làm xiếc, chỉ độ mươi trò thôi, rất nhanh tay lẹ mắt… bảo đảm xiếc của Hậu làm khá thú vị!
Hậu có lần từng nghĩ nếu mà Hậu đi thi hoa hậu, thì phần tài năng chắc không ai qua nổi mình!
Nhà Hậu đang cần tiền, nói thẳng ra là bố mẹ Hậu cần. Nhìn bố, nhiều khi Hậu muốn mặc kệ, không nhúng tay vô… cho Bố biết thân! Nhưng người khổ không phải là bố... bố cứ ù lì ra đó, để mặc cho mẹ lo!
Mẹ thì Hậu thương lắm. Mẹ đẹp và đảm đang mà mẹ chẳng hạnh phúc gì cả! Dù bận việc, nhưng lúc nào mẹ cũng chú ý tới Hậu, ôm Hậu trong vòng tay, hỏi han trò chuyện… Nhiều khi hai mẹ con ngồi rất lâu ở nhà bếp để tâm sự… có miếng gì ngon, lạ là mẹ nghĩ ngay đến Hậu… vì vậy Mẹ là thần tượng của Hậu, Hậu phải làm gì cho người mình thương bớt khổ đây?
Những ngày sau đó, Hậu vào trường dò ý mấy đứa bạn về cuộc thi Hoa Hậu Cộng Đồng. Con Thu reo lên:
-    Trời ơi, Hậu mà chịu đi thi là tụi nó rớt hết cho coi…
Bích hưởng ứng:
-    Tao mà đẹp như con Hậu là tao ghi tên liền… Hậu, mày thi đi, có tụi tao ủng hộ… đừng lo.
-    Tao sẽ thành lập một băng gồm cả trăm đứa sinh viên để “reo hò” ủng hộ cho gà nhà. Mạnh dạn lên, thi đi Hậu.
Hậu ngại ngùng:
-    Chưa, Hậu chưa tính gì đâu, chỉ hỏi cho biết thôi… Tụi nó bây giờ nhiều đứa rất cao, đẹp lắm…
-    Bộ cao là đẹp sao?
-    Không biết, nhưng cao thì có lợi thế…
-    Hậu cũng cao vậy, sáu “feet” hả Hậu?
-    Không, Hậu chỉ năm “feet” tám thôi.
-    Vậy được rồi, cộng thêm đôi giày cao cả gang tay, với lại chải thêm tóc cho phồng, thì mấy con nhỏ “model” Mỹ cũng chào thua…
-    Nhưng không biết Hậu có đủ tiêu chuẩn dự thi không?
Mỹ Hảo cười rú lên:
-    Trời ơi, nhìn mắt mấy ông giáo sư nhìn Hậu thiếu điều lé luôn…
-    Thôi đi, chỉ tổ xạo!
Dù Hậu chưa có quyết định gì chắc chắn, nhưng tin đồn Hậu dự thi Hoa Hậu cộng đồng đã vang đi khắp trường. Hậu lo sợ khi thấy đâu đâu cũng bàn đến mẩu tin nầy. Không tự tin, sợ hãi không muốn đi thi, nhưng khi về nhà nhìn mẹ còm cõi ngồi đạp máy suy tư, Hậu lại thấy thương mẹ làm sao… Thôi thế nầy thì Hậu dẹp mặc cảm, lo sợ qua một bên, để mà tiến bước vậy!
Gì chứ tự cho mình là đẹp, Hậu thấy sao sao ấy!
Cuộc thi đã lấy của Hậu rất nhiều thì giờ. Sau giờ học, Hậu không còn được về thẳng nhà để giúp mẹ nấu cơm, dạy cho hai em học, rồi ngồi vắt chỉ giùm mẹ… mà Hậu phải đi tập vũ, tập hát, tập nhịp điệu trình diễn… với toán hoa hậu ghi tên dự thi.
Nhiều khi tập tành mệt quá, Hậu vẫn suy nghĩ không biết Hậu có làm nên cơm cháo gì không? Ngoài việc mất thì giờ, Hậu lo nhất là còn phải tốn tiền để may một cái áo dài thật chiến và phải có thêm một áo dạ hội Tây Phương…
Điều nầy khiến cho Hậu cảm thấy bức xúc.
Mẹ của Hậu vẫn chưa biết con gái ghi tên dự thi hoa hậu. Hậu không biết mẹ sẽ nghĩ gì về điều nầy? Có thể mẹ sẽ không hài lòng?
Không nói với mẹ, Hậu không biết bày tỏ nỗi niềm với ai? Nói với lũ bạn thì sợ tụi nó khinh khi nhà mình nghèo! Nhất định là không được.
Mà nếu không có hai cái áo nầy để dự thi, thì coi như là bỏ cuộc! May là phần áo tắm đã có ban tổ chức tặng mỗi thí sinh một áo.
Thấy Hậu hay về trễ và suy tư hơn trước, mẹ hỏi:
-    Dạo nầy con bận học nhiều lắm hả?
Vô tình, Hậu trả lời:
-    Không mẹ, thì vẫn như cũ thôi…
-    Sao con có vẻ mệt và không về đúng giờ? Hình như con tham gia vào chương trình gì phải không?
Hậu chối. Mẹ ngồi im, một lát mẹ mới thố lộ:
-    Hậu à, mẹ cần phải có tiền để trang trải nợ sửa xe của bố, mẹ hứa trả cho tiệm sửa xe mỗi tháng năm trăm đô. Mà may kiểu nầy thì không thể có tiền được… Con ráng về nhà đúng giờ để nấu cơm, lo cho tụi nhỏ học trong vòng một năm được không con?
-    Ủa... sao vậy mẹ?  
-    Mẹ tính bay qua tiểu bang xa khoảng một năm, để giữ một em bé, chủ nhà họ trả công một ngàn rưỡi, và cho mẹ muốn làm thêm gì cũng được những ngày cuối tuần. Như vậy mới dư tiền được con ạ…
Hậu kêu lên:
-    Thôi mẹ, đừng có đi… không có mẹ con nhớ lắm...
-    Ở đây may nhiều mà có bao nhiêu tiền đâu? lại ngồi còng cả lưng… mẹ đau lưng lắm Hậu ạ… Cứ như vầy hoài chắc mẹ cụp xương sống... Qua bên đó, ngoài một ngàn rưỡi, mẹ còn nhận nấu cơm cho hai vợ chồng họ, thì họ sẽ trả thêm năm trăm nữa. Con thấy thế nào?
Rồi mẹ bàn tính:
-    Một tháng hai ngàn mà mẹ đâu có tiêu gì, nhà cửa ăn ở chủ lo hết… vừa có tiền trả nợ xe, còn có tiền lo cho gia đình, và mẹ cũng không làm cực như ngồi may ở đây con ạ! Chỉ có điều là mẹ đi thì nhớ tụi con, rồi ai lo cho tụi con và bố!!!
Nghe mẹ  nói, Hậu “hứ” một tiếng, mẹ khéo lo! Hậu thấy mẹ phải thương cho cái thân của mẹ thì đúng hơn!
-    Sao lúc nào mẹ cũng lo cho bố hết vậy! Bố có để ý tới ai đâu! Mẹ chỉ cần lo cho mẹ và hai em con là đủ rồi!
Giọng mẹ ôn tồn, chịu đựng:
-    Thôi con, dù sao bố cũng là bố con. Vì bố vụng về, có làm cũng không được như người ta, nên kệ bố đi con ạ, miễn là bố đừng gieo thêm nợ nữa là được rồi!
-    Để mẹ coi, hết chuyện nầy lại đến chuyện khác tiếp theo… bố có bao giờ để yên... hay làm lợi cho cái gia đình nầy!
-    Kệ bố...
-     Mẹ lúc nào cũng "kệ"... cũng chịu được bố! thành ra bố đâm lờn! Ðàn ông mà không có tư cách cư xử, trách nhiệm của một người chồng, người cha trong xã hội!
Mẹ Hậu nghe con chỉ trích chồng, ngồi im không trả lời, chỉ thở dài buồn bã...
Lời Hậu nói rất phải. Hậu thay mặt lên tiếng cho bà... không có Hậu, thì ai dám nói ra những điều nầy... Nhưng... nói mà chỉ hai mẹ con nghe, thì cũng đâu thay đổi gì được tính tình của ông?
Tội nghiệp cho mẹ quá... Nhưng đi làm xa??? Phải rồi, biết đâu mẹ đi xa một thời gian, có thể thay đổi được ông chồng ích kỷ của mẹ! Không có mẹ, bố Hậu phải bắt buộc phải để mắt tới hai thằng con trai... biết đâu nhờ vậy mà ông bỏ bớt thói la cà ngoài đường.
Lúc mới nghe mẹ nói, thì Hậu không muốn mẹ đi, nhưng bây giờ, suy nghĩ kỹ, Hậu lên tiếng:
- Mẹ... lẽ ra con không tán đồng ý kiến của mẹ... nhưng con nghĩ là mẹ cứ đi một thời gian, một năm cũng được... giao trách nhiệm lại cho ba... trước hết mẹ phải lo cho sức khoẻ của mẹ... Ở đây làm khổ cực mà lại không được bao nhiêu tiền, mẹ còn phải lo lắng cơm nước, hầu hạ cho cả nhà... coi chừng ngã bịnh thì khốn!
Mẹ nhìn Hậu đăm đăm, thấy thương cho đứa con gái xinh đẹp, hiếu thảo của mình. Chính bà cũng nghĩ là phải nên đi, thì mới mong cứu vãn được sức khoẻ cho chính bà, và còn có tiền để chi tiêu trong mọi việc!
- Con sắp đi thi hoa hậu, nếu trúng giải, thì có thưởng 10 ngàn tiền mặt, và thêm nhiều quà cáp nữa...
Bà Túc bất ngờ khi nghe Hậu nói, "đi thi hoa hậu"... danh từ nầy không lạ, nhưng với con gái bà, thì không bao giờ bà nghĩ đến là nó sẽ lên sân khấu để khoe trương nét đẹp của mình!
- Cho dù con có được giải hoa hậu hay không, thì mẹ cũng nên đi xa một thời gian để nghỉ ngơi... dù đó không phải là nghỉ ngơi... nhưng con nghĩ công việc của mẹ không tất bật như ở nhà, và còn được trả lương... mẹ cứ thử một thời gian xem sao...
- Mẹ thương hai thằng em con còn nhỏ...
- Nhỏ gì... chúng nó cũng học trung học rồi... cũng biết đói biết no... Con sẽ để ý tới tụi nó thay mẹ...
- Có được không con?
Hậu dẫn giải:
- Nếu mẹ đi làm xa, con sẽ dậy sớm nấu cơm sẵn buổi chiều cho cả nhà, sau đó đi học, khi về nhà hâm lại thức ăn, dọn dẹp, rửa chén... Cuối tuần con đi chợ... Bố sẽ có phận sự coi bài hai đứa nhỏ, đưa tụi nó đi học và đón về, giặt và xếp quần áo cho cả nhà... Có bao nhiêu đó thôi mà không làm được thì... quá bết!
Rồi Hậu hạ giọng:
- Con hy vọng trúng giải để có được mười ngàn trả nợ cho bố, lo cho các em và chính con tươm tất hơn một chút... thế thôi...
Bà Túc thực tế:
- Rồi phấn son quần áo dự thi, con lấy đâu ra mà mặc?
Hậu suy tư:
- Con cần phải có một cái áo dài và một cái áo dạ hội... cả hai thứ nầy cũng phải tốn cả ngàn đô la.... không biết có làm nên cơm cháo gì không... chưa gì mà đã thấy tốn tiền quá xá rồi!
- Con đã kiếm ra tiền để mua áo chưa?
Hậu lắc đầu:
- Không sao... con tính nếu không có được, thì con mượn áo của mấy đưá bạn mặc tạm vậy... Con Hoa cũng vóc người như con...
Bà Hậu suy nghĩ... rồi bà dứt khoát:
- Con đừng lo, mẹ sẽ giúp con...
- Bằng cách nào?
- Mẹ sẽ gọi phôn cho vợ chồng người mà mẹ sắp qua làm, nói họ gởi giúp mẹ trước một ngàn, và cho họ địa chỉ để người quen họ đưa vé máy bay tới đây cho mẹ, và đưa mẹ ra phi trường...
Hậu mừng rỡ ôm lấy mẹ... bao giờ cũng thế, mẹ là người luôn nâng đỡ Hậu trên bước đường đời... dù cha nàng biết việc nầy sẽ rất tức giận...
- Mẹ không tham dự buổi thi hoa hậu được... vì người ta cần mẹ qua giúp càng sớm càng tốt... nhưng mẹ cầu cho con thi đậu... là mẹ hãnh diện về con lắm.. con biết không, con gái ngoan của mẹ...
Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau.
Hậu ôm mẹ trong vòng tay, mơ đến một ngày đứng trên sân khấu, hãnh diện nhận chiếc vương niệm từ tay cô hoa hậu năm trước trao lại, gắn lên đầu cho nàng...
Ðó là niềm mơ ước hiện tại, không biết tương lai có như ý nguyện của Hậu không... Nhưng cuộc đời là phải tự tin và cố gắng. Hậu cùng mẹ đang cố gắng làm cho đời sống cả gia đình tốt đẹp hơn...
Cát Đơn Sa (Diễm Châu)


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003