Mar 29, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
Một góc trời Tây Bắc/Tháng Sáu Phượng Hồng - tạp bút LINH VANG

Thứ bảy, ngày 12, tháng sáu, năm 2010

Tháng sáu, học trò khắp nơi áo mũ lục đục ra trường. Tháng sáu, tôi không còn xôn xao như nhiều năm trước. Đã lâu tôi không còn nghĩ đến chuyện trở lại trường. Ha ha, thôi thì chấp nhận khi “ra đi” mà không có cái bằng đó (bằng văn chương Anh/Mỹ). Thấy cháu chắt mình ra trường, tự nhiên cảm thấy mình già đi. Tháng sáu bắt đầu mùa hè. Mùa hè thì có phượng nở. Ở xứ Tây Bắc này không có phượng – nghe nói vài nơi trong nước Mỹ như Florida, Hawaii có khí hậu ấm áp nên cũng có phượng, phượng đỏ, chứ tôi không kể phượng tím, vì tôi đã thấy những hàng phượng tím ở Nam Cali rồi, cũng đẹp đấy, nhưng sao không mê bằng phượng vỹ, phượng quê nhà. Nếu ở Florida trồng phượng được thì sao không ai thử trồng ở Nam Cali, xứ này cũng có nắng ấm vậy.
 
 
   
Làm học trò thuở ấy cứ được nghe hoài “Mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn…Màu hoa phượng thắm như máu con tim.” (Nhạc sĩ Thanh Sơn) Bây giờ tụi nhỏ nghỉ hè có thấy lòng man mác buồn hay không?
 
Nhìn quanh có biết bao hội ái hữu. Tôi thấy người ta tổ chức đại hội này đại hội nọ vui lắm. Các bạn của tôi, nhiều người một lúc thuộc nhiều hội. Chị Phạm Đào Nguyên có trường Trần Quý Cáp, rồi Sư Phạm Quy Nhơn (dù học chỉ có hai năm). Trong số những hội ái hữu cựu học sinh hay sinh viên, tôi thấy hội của các anh CVA và hội của các chị TV là làm gì cũng xôm trò nhất. CVA có anh Nguyễn Đức Nam, anh Vương Đức Lệ, anh Việt Bằng, anh Kim Vũ,... TV có các chị Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hồng Thủy, Lê Thu Hương, ... Là những anh chị mà tôi quen biết. Còn biết bao những người tiếng tăm khác. Ấu Tím cũng vừa lo xong đặc san cho trường Sương Nguyệt Anh, cho kỳ đại hội toàn cầu ở San Jose đầu mùa hè này, chị đùa là đang ngáp ngáp. Ngáp là cũng còn may vì nghe đâu sau đại hội SNA, chị còn dính vào đại hội của TQLC (của phu quân), dù ở đâu chị cũng kêu chỉ làm thợ vịn thôi. Vậy còn Võ Bị nữa chi! Đại hội toàn cầu nghĩa là 5 châu 4 bốn bể gì đó cũng gặp nhau. (Chúc đại hội SNA và đại hội TQlC ở San Jose thành công.)
Khi cần thì kêu đồng môn ủng hộ. Có ra sách thì nhờ bạn đi dự và mua sách dùm hỉ!
Học bao nhiêu trường từ tiểu học đến đại học nhưng tôi chẳng thuộc hội ái hữu học sinh hay sinh viên của trường nào cả. Không biết mấy trường ấy có thành lập hội ái hữu không nhỉ? Bây giờ chỉ có một trường đều đặn gửi đến nhà bản tin trường và thư …xin tiền là UPS (không phải UPS của việc chuyển thư!)  
 
Chủ nhật, ngày 13, tháng sáu, năm 2010
Hai ngày cuối tuần trời thật đẹp, ấm áp, nhiệt độ có lẽ khoảng trên 70 một tí. Ông trời cũng đã suy nghĩ lại mà không mưa lạnh cũng như mây cứ đen nghịt như mấy ngày trước đó. Mưa đã đổ ầm ầm. Thoáng chốc lại tạnh, rồi lại mưa. Tôi nhìn bầu trời mà ngao ngán. Hừm! Đúng là xứ mưa. Thứ năm, thứ sáu còn như thế thì làm sao mà tin ông thời tiết được khi ông tiên đoán là thứ bẩy, chủ nhật sẽ nắng đẹp. Vậy mà lần này ông đã tiên đoán đúng đấy.  
Dù sao thì cũng nhờ mưa mà mùa hè ở xứ này, cảnh vật mới được mát mẻ, cây cỏ xanh tươi, mới được gọi là xứ Xanh Mãi Ngàn Năm (evergreen) chứ.
Tôi đi ăn sáng với sếp Malia và đồng nghiệp Irene làm chung ở thư viện. Ăn ở Old Country Buffet. Cứ lâu lâu đám thư viện lại hẹn ăn ở đây. Ai rảnh thì đến. Bắt đầu 9:15 và muốn về lúc nào thì về. Ngồi lại với Irene là tôi nghe được đủ thứ chuyện ở thư viện, cũng hay hay. Dạo này tôi có mặt ở thư viện cũng nhiều vì đi làm nhiều giờ - mà không hiểu sao tôi “không nghe, không thấy” chuyện gì cả! Có lẽ đầu óc của tôi không bao giờ hoàn toàn để ở nơi làm việc? Tôi chỉ để ý nghe khi có ai trực tiếp nói với tôi thôi. Tôi làm việc mà không bị chi phối bởi những tiếng rù rì của đồng nghiệp hay những tiếng động chung quanh – mà đã không để ý thì không nghe không thấy gì cả.
Có thể là tôi đang “viết truyện” nữa đấy! 
 
Nhắc tới thư viện, chỉ còn vài tháng nữa là chi nhánh bọn tôi sẽ dọn về tòa nhà mới cất, rộng rãi, xinh đẹp và sang trọng. Bỏ cái nơi chốn đang sử dụng tạm bợ, mà trước đó là một cái tiệm Pizza, bệ rạc và thiếu tiện nghi. Không có phòng ăn cho nhân viên, chỉ có một cái bàn và vài cái ghế để trong nhà kho (cất sách báo và dụng cụ giấy mực văn phòng). Nhà vệ sinh thì cũ kỹ quá, cái máy hút cũng lỗi thời, hầu như không còn làm việc nữa. Những ngày mưa, trần nhà bị dột, nước rỉ xuống ướt cả thảm! Chạy qua kêu ông chủ nhà là người Đại Hàn, có nhà giặt ủi bên cạnh. Rồi ông hấp tấp chạy qua. Thấy ông già bắc thang đứng vói tay chắp vá chi đó cho khỏi dột, cũng tội, sợ ông lại ngã. Tụi tôi hay cười bảo nhau, Mr. H thì tử tế, nhưng cái building này càng ngày càng “xuống cấp”, cũng tới lúc phải bỏ đi thôi. 
Mấy năm trước ngân sách thong thả, tiền bạc, thuế má thu vô dồi dào, dễ dàng. Tự nhiên họ lại đi đập cái building chỉ xây mới có 10 năm, mọi thứ cũng còn mới toanh, còn có cả nhà bếp để mình nấu mì gói, để cất một cái khác, cho thích hợp với kế họach xây khu đất đó thành town center, một trung tâm thương mãi hiện đại. Dự tính là một năm hay một năm rưỡi là xong, cho nên lúc đó thư viện cũng không chú trọng việc thuê một tòa nhà kha khá để bọn tôi làm việc. Nào ngờ, kinh tế cả nước bị khủng hoảng bất ngờ, cái dự án một hai năm trở thành năm năm, vì cứ thay đổi nhà thầu miết – vài nhà thầu rút lui. Bây giờ chỉ có thư viện là cất xong, còn những tiệm quán nào khác nữa thì chưa thấy. Bọn tôi mong có một tiệm Starbucks Coffee bên cạnh.
Hôm qua, tôi lái xe ngang qua đó, thấy có những lẵng hoa đủ màu được treo ở những trụ đèn nằm hai bên con đường dẫn vào thư viện, trông thật đẹp. Cái cảm giác được vào làm việc ở nhà mới làm mình cũng thấy vui vui.
 
Có một bài báo liệt kê những nghề dễ tìm vào thời buổi khó khăn này, một trong những nghề đó là làm nhân viên khai thác hầm mỏ. Mỏ than. Tôi lại cứ tưởng cái kỹ nghệ khai thác mỏ than không còn nữa! Nó chỉ rầm rộ phát triển vào cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20? Hay được nhắc tới trong những cuốn tiểu thuyết. Tôi tưởng tượng ra những tựa đề như “Cha Tôi, Người Thợ Mỏ”, hay “Con Gái Người Thợ Mỏ Than”. Những cái tựa đề cho cái cảm tưởng là xưa lắm rồi. Rồi mới đây những tin sập mỏ than làm chết người, ở chỗ này, chỗ nọ, nước này, nước nọ, ngay cả trong nước Mỹ, “văn minh” như thế mà cũng để cho chết người, làm tôi sửng sốt. Hóa ra vẫn còn cái vụ khai thác như thế. Cứ tưởng chắc phải gặp đường cùng lắm mới làm nghề này. Chứ nguy hiểm quá! Hầm vẫn sập và vẫn có người chết đó thôi. Có những người bị kẹt trong hầm, viết thư để lại cho vợ con, trong khi chờ đợi được cứu, nhưng rồi người ta đã không cứu được. Thương tâm quá!
Vậy mà bây giờ báo lại bảo ngành này đang phát triển và đang tuyển người làm, mới là lạ chứ!
 
Thứ hai, ngày 14, tháng sáu, năm 2010
Tùy bút Một góc trời Tây Bắc, viết cho nhiều người đọc, được bảy tuổi rồi – tôi sinh hoạt nét cũng từng ấy năm. Tôi vẫn thầm nghĩ để xem mình giữ nó được bao lâu. Tôi bắt đầu viết journals sau khi đọc một loạt sách journals của nhà văn May Sarton.  
Bà May Sarton tiếp tục viết journal, từ cuốn đầu tiên Journal of a Solitude, ở tuổi 61 cho đến ngày bà qua đời, ở tuổi 83 (May 3, 1912-July 16, 1995) với cuốn At Eighty-Two: a journal. Bà viết truyện, viết kịch và làm thơ. Nhưng những journals của bà lại được fans đọc nhiều hơn vì khi đọc thì họ cảm thấy rất bình an, rất gần gũi với thiên nhiên. Bà viết về căn nhà gần biển (The House By The Sea), về cây cỏ trong vườn cũng như ở ngoài cánh đồng hay trong rừng, là cảnh vật bao quanh bà. Những thú vật sống trong khu rừng này và chim chóc viếng vườn nhà bà luôn luôn là một phần đời sống của bà. Bà để thức ăn (lúa thóc, hột cỏ) để dụ đủ loại chim đến vườn. Bà viết về cảnh sống một mình (Journal of a Solitude), về bệnh tật, đau ốm, điều không tránh khỏi (After The Stroke: a journal), về nỗi vui mừng sau khi bình phục (Recovering: a journal). Sống là chấp nhận định luật của Tạo Hóa. Tuy sống một mình nhưng bà cố gắng thoát khỏi tâm trạng bị cô đơn bằng cách đón nhận bè bạn đến thăm, gửi sách, gửi thư cho fans ở xa. Bà nuôi mèo, săn sóc vườn tược, ngoài những lúc viết văn, làm thơ, đi diễn thuyết. Bà sống trọn vẹn một cuộc đời hữu ích, không bi quan, nhàm chán.    
 
Thứ ba, ngày 15, tháng sáu, năm 2010
Trời bất chợt mưa lạnh trở lại. Tôi phải vặn sưởi cho nhà ấm áp. Giữa tháng sáu rồi mà lạnh kiểu như là đã hết hè và mùa thu đang trở lại, nản! Nhìn những tấm hình bạn chụp ở Nam Cali thấy được bóng nắng mà ham. (Thật ra cũng thời gian này vào tháng trước, trời cũng đẹp bất ngờ vào cái ngày sinh nhật của tôi, nên những tấm hình tôi chụp ở Viking Fest cũng thấy được bóng nắng.) Thấy được trước nhà có giàn bông giấy đầy bông đỏ trong nắng vàng, đẹp quá. Ở vùng Tây Bắc này, đó không phải là hình ảnh mà mình có thể thấy thường ngày. Thỉnh thoảng tôi có thấy bông giấy được trồng trong chậu, bán ở chỗ ươn cây kiểng, mới mua về thì bông còn nở rất nhiều, nhưng mình chỉ ngắm chơi vài mùa rồi nó cũng chết ngủm, không thấy ai có thể trồng ở ngoài vườn và có thể giữ hết năm này qua năm khác. Tìm tòi, lục lạo thì cũng có thể thấy vài loại bông quê nhà, chẳng hạn hôm nọ thấy người ta bán chậu bông mua (bông tím, lá mướt có lông), chậu bông ổi tàu (Có vùng gọi là bông ngũ sắc). Mấy thứ bông này ở quê nội ngoại tôi, chúng mọc hoang tùm lum trên gò cao, hai bên đường làng quanh co, là loài hoa dại, tầm thường. Ở Mỹ nơi tôi ở, muốn vác chúng về nhà thì phải trả một giá chẳng phải rẻ. Vậy mà cũng vác! Để có được một chút gì của quê hương. Mà cũng ngộ, cho vào chậu thì lại thấy chúng cũng quý phái chẳng thua loài hoa nào (hay mình cũng “thiên vị” khi nghĩ vậy?). Tôi nhớ hồi còn bé, mỗi khi về quê ăn giỗ, tôi hay bắt chước chị em họ ngắt bông ổi tàu, đưa ống lên miệng hút, như ong hút nhụy. Khi bông ra trái, bọn tôi cũng hái trái xanh (khi chín đổi ra màu đen), nhỏ, tròn, chơi ô làng nữa. Bây giờ mà kể cho thế hệ con cháu nghe những trò chơi này thì chúng sẽ ngố mắt, kêu “huh?”.
Hoa ổi tàu
 
 
Bạn bảo, có muốn ngắm thì xuống đây mình cho ngắm, chứ tội gì bỏ tiền ra nhiều thế. 
 
Thứ tư, ngày 16, tháng sáu, năm 2010
Giá chim hiểu được tiếng người thì tôi sẽ hỏi con chim đen cánh đỏ đó cả năm đi đâu mà cứ tháng năm “vợ chồng” nó lại về đây đẻ trứng? Năm nào cũng về cái tổ làm ở bụi rậm sát cái ao, bên trong hàng rào kẽm sắt. Chúng làm tổ ở đó ít nhất là năm năm qua. Trong lúc mụ vợ ấp trứng hay úm đám con thì tên chồng đậu trên cây anh đào loại thấp tè, hay đôi khi ở trên ngọn thông cao, canh ai đi gần là bay tới chụp đầu người ta. Trời có nắng chang chang, nó vẫn đậu ở đó. Nhiều tờ giấy warning dán ở quanh hàng rào kẽm, để cho khách hàng của Bộ Xã Hội biết. Dân đi làm hằng ngày ở những cao ốc gần ao thì đều biết rồi nên ai cũng phải đi xa xa cái tổ, vừa đi vừa dòm chừng, và tôi thì lúc nào cũng có sẵn cây dù để xua chim đi. Tự nhiên bọn chim hiên nang chiếm giang sơn của người làm giang sơn của mình!     
Chim con lớn khôn thì bố mẹ chim dẫn đàn chim con bay đi đâu? Mỗi năm thấy một cặp chim trở về, làm sao mình chắc được đó là cặp chim cha mẹ, chứ không phải là một trong những chim con trở về với partner của nó.
Nhà của chị Ấu Tím có con cu đất cứ mỗi năm là về làm tổ ở cái vị trí cũ là trên một cái thanh ngang bắc ở mái hiên trước nhà. Cái tổ nằm bấp bênh như là có thể rơi kêu một cái bịch xuống đất, bầm xương nát thịt bất cứ lúc nào, nếu có cơn gió mạnh thổi qua. Chị bảo nhìn thấy thương thì thôi.
Còn cặp chim bản xứ “native birds” ở góc vườn sau nhà tôi năm nào cũng về làm tổ ở đám bụi hoa, loại hoa này mọc thấp sát mặt đất, được trồng để thay cỏ, để mình khỏi phải cắt cỏ nhiều quá. Mà năm nào hình như con mẹ cũng phải “sửa nhà” vì đám chim con lớn lên làm cái tổ bị nới ra. Làm tổ dưới thấp như vậy mà đám chim con không bị mèo hay con gì ăn là hên lắm. Mỗi ngày đi làm về, tôi cứ ra vườn thăm chừng chim con lớn cỡ nào rồi. Những cái miệng mở rộng, đầu ngóc lên, như chờ mình đút mồi. Hừm! Tưởng mình là mommy của chúng hả? Trong khi chim mẹ đậu trên hàng rào kêu chích chích liên tục, như sợ mình bắt con của nó. Loại chim này hiền, không dữ như loại chim đen cánh đỏ ở sở làm.  
Rồi một ngày chỉ còn là một tổ trống! Chim con đủ lông đủ cánh bỏ tổ.
Những tháng mùa xuân, đi bộ dọc theo bờ vịnh Chamber Bay, tôi cũng thấy những con chim én về làm tổ trên những vách tường cao, bay ra bay vào, vậy mà không rớt tỏm xuống đất, hay thiệt.
Có gì lưu luyến mà chúng cứ về chốn cũ?
 
Thứ bảy, ngày 19, tháng sáu, năm 2010
Nói đến chuyện thiên hạ chết để của lại cho chó, hẳn nhiều người còn nhớ mười mấy năm trước có bà tỷ phú Leona Helmsley đã làm di chúc để lại 12 triệu cho con chó Trouble của bà. Nhưng lại có hai người cháu, trong bốn đứa cháu nội của bà, đã không nhận được một xu teng nào, vì lý do gì thì bà nói“chính chúng cũng biết rồi”. Là tỷ phú (gia tài là của chồng để lại), nên 12 triệu thì có thấm thía gì đâu.  
Bữa nay cũng có một bà ở Florida chết để lại 3 triệu cho chó. Gail Posner qua đời, để di chúc cho con trai độc nhất chỉ có 1 triệu, nhưng con chó Conchita của bà, cũng như mấy chị em của nó, thì được nhiều gấp ba. Người con trai đang kiện những người giúp việc – phụ tá, gạc đờ co, quản gia- kết tội là họ đã cho bà uống thuốc để bà làm di chúc để lại 26 triệu cho họ, và một người trong số đó còn được quyền ở trong tòa lâu đài để săn sóc những con chó này.  
Tôi cũng thích chó, loại chó nhỏ như con Chloe, giống Yorkshire Terrier, của cô em dâu tôi. Nhưng chó là chó. Vài cục xương là đủ làm chúng hài lòng rồi. Sao không đem tiền tặng cho những hội từ thiện có phải là giúp ích hơn không, nếu không muốn cho con cháu? (Ừ, con cháu mà đối xử tệ bạc với mình thì cho làm chi chứ.)
Làm chó ở xứ này thật sướng (và không sợ bị ăn thịt!). Thức ăn cho chúng được bán đầy rẫy trong siêu thị, hai ba dãy dài. Rồi mấy tiệm Pet Mart, chợ dành riêng cho chó mèo. Tôi chưa vào đó lần nào, nhưng đoán là họ bán áo quần và đồ chơi cho chó mèo. Chó mèo được cưng và được xếp loại trên cả đàn ông. Hồi mới qua Mỹ, đám học trò chúng tôi đã được bạn Mỹ mách là, ưu tiên theo thứ tự: con nít, phụ nữ, chó mèo, cây cỏ rồi mới tới đàn ông! Đàn ông VN dù có nghe về cái thứ tự này thì cũng phớt lờ đi, coi như là không có.
Tôi thắc mắc sau khi những con chó của mấy bà nhà giàu này mất thì mấy triệu bạc đó sẽ đi đâu? Dĩ nhiên làm sao hết được vì tiền làm ra tiền mà. Hay lại vào tay những người giúp việc tham lam này?
Giá gì mình cũng được tặng chút đỉnh để làm báo văn học nhỉ?   
        
Chủ nhật, ngày 20, tháng sáu, năm 2010
Father’s Day. Ngày của Cha không được rầm rộ như Ngày của Mẹ. Không thấy những sạp hoa bán ở những góc đường. Bán cho ai? Tại mấy bà hay nhận hoa từ mấy ông; khi mới quen nhau cũng là mấy chàng mua hoa cho mấy nàng. Chứ đâu thấy phụ nữ tặng hoa cho đàn ông. Các bà mẹ cũng được nhắc tới nhiều hơn các ông cha. Tháng năm có Ngày của Mẹ, tôi lo được một số báo về Mẹ. Tháng sáu, có Ngày của Cha, tuy có nhớ nhưng khó kiếm bài quá vì ít người viết về Cha nên tôi lờ đi. Đâu phải Cha không hy sinh bằng Mẹ. Nhiều ông Cha hy sinh cho con cái cũng cảm động lắm chứ.   
Bị bỏ quên nên các ông cha chúi đầu vào TV coi đá banh. Cuối tuần trời lại mưa, dù bữa nay đã là cuối mùa xuân, ngày mai sẽ chính thức qua hè. Hè gì mà ông Trời cứ thút thít như thế! Đang mùa đá banh World Cup 2010, mấy ông đâu màng chuyện mưa gió ngoài kia, ngồi trong nhà ấm áp say mê coi mấy đội banh của các nước tranh tài nhau trên TV – quên cả ăn! Nghe nói nhiều năm còn có ông giả bệnh không đi làm để ở nhà coi cho sướng. Có nơi còn chơi cá độ, nợ nần như núi, bán sạch nhà cửa. Thiệt tình! Năm nay trận đầu tiên giữa Mỹ và Anh, thế là cũng có nhiều người không chừng vỡ nợ vì cứ cho là Anh sẽ thắng Mỹ, tại món đá banh thì Mỹ còn non nớt mà, football và baseball mới là những môn thể thao phổ thông. Hóa ra lần này huề.
Đang coi như thế mà bị cúp điện, chắc bực lắm đấy. May mà mưa nhẹ thôi, chứ không phải mưa to gió lớn gì mà làm điện tắt. Cắt mấy cây thông rồi, khỏe quá, không còn nghe trái thông rớt lộp độp trên mái nhà.
Ng chóng mắt vào TV coi đá banh. Tôi thì ôm máy dạo nét! Cũng công bình thôi!
 
Thứ tư, ngày 23, tháng sáu, năm 2010
Hai ngày qua thời tiết đẹp quá – hôm nay được 77 độ F. Những bụi heather quanh sở nở đầy, những cụm hoa nhỏ, màu hồng đậm, gần như tím hoa sim, nhìn kỹ thấy cũng đẹp (vậy mà đã có lúc tôi chê, có lẽ vì heather ở vườn nhà mình thiếu phân bón nên hoa nở nhỏ tí tẹo, không đẹp chăng?). Cắm vào một bình nhỏ xíu, để nơi bàn làm việc, thấy cũng xinh xinh. Có một tự điển dịch heather là cây thạch nam (?), tôi thấy tên thạch thảo dễ thương hơn, vì có vẻ “con gái” hơn…Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo. Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi! (Mùa thu chết – Phạm Duy phổ nhạc. Mỗi lần nhìn heather là lại nhớ tới bài hát.)
Tháng này hoa hồng trong vườn nhà cũng đã nở nhiều. Tôi cắt hoa đem vào sở tặng sếp và đồng nghiệp. Tôi cũng cắm một bông để ở bàn làm việc, nhưng đôi khi hương thơm của nó tỏa ra mạnh quá, làm cái mũi chịu không được, tôi lại phải mang cả bông lẫn bình đem để ở bàn người khác! Tháng trước lilac cũng vậy, chỉ một chùm nhỏ thôi mà nồng không chịu nổi. Lilac có màu tím than rất dễ thương. Tuần nào tôi siêng cắt hoa mang vào sở thì bà bán hoa ở Farmers’ Market gần sở mất một khách hàng.
Hì hì! Tôi không rành về hoa, nhưng cứ thích nói chuyện hoa – và đầy thành kiến về hoa này hoa nọ.
 
 
 
Bây giờ đang là mùa hè. Cây cỏ xanh tươi. Tôi đang vui thú, thưởng thức khí hậu Tây Bắc, trọn vẹn và hạnh phúc. Tôi có thể trải khăn trên đám cỏ, nằm dài mà viết lách, đọc truyện. Nắng Tây Bắc bao giờ cũng hiền hoà, dễ chịu. Cả những con chuồn chuồn kim, bé như cây kim, màu lục cũng hiền hòa bay lượn quanh tôi. Gió hiu hiu.
Tôi sẽ đặt bài viết này một cái tên dễ thương: Tây Bắc, tản mạn vào hè.
 
Khi trả lời những câu hỏi về sức khỏe (health assessment), tôi mới chịu nhận là có hai việc trong lối sống hằng ngày của tôi mà tôi cần phải thay đổi. Là phải đi ngủ cho đủ bảy tiếng mỗi ngày. Lâu nay tôi cứ nghĩ mình ngủ ít mà mình không ngủ gà ngủ gật ngày hôm sau, vẫn khỏe để làm việc, thì việc ngủ 5, 6 tiếng mỗi đêm, tuy không đủ nhưng đâu có sao. Ấy vậy mà dạo này tôi đọc báo cứ thấy nói là muốn sống lâu (dĩ nhiên là tôi muốn sống lâu rồi) thì phải ngủ ít nhất bảy tiếng mỗi đêm. Tự nhủ, vậy thì phải ráng ngủ cho đủ. Phải đi ngủ sớm. Nhưng tôi là night owl, cú đêm, quen thức khuya để viết lách đọc bài vở rồi. Khuya mà con mắt vẫn tỉnh bơ (không mang kính gì cả). Và việc thứ nhì là phải làm giảm stress. Tôi không bị căng thẳng vì công việc, mà bị căng thẳng vì nạn kẹt xe, cứ sợ vào thư viện trễ. Càng ngày xe cộ càng nhiều, mà vẫn chỉ có một xa lộ I-5 (độc nhất) nối liền hai thành phố. 35 năm qua sống ở đây, tôi thấy dân số mỗi ngày mỗi đông, mà vẫn không có thêm xa lộ. Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ về tới exit có căn cứ Fort Lewis (bộ binh), gặp giờ tan sở của mấy ông lính này, là bị kẹt, xe nhích từng tí một, tốc độ chỉ có mấy dặm trên một giờ, ngồi lái mà nóng ruột quá. Cuối tuần đọc báo lại biết là sẽ có 18 ngàn người lính từ hai mặt trận (Iraq và Afghanistan) sẽ trở về căn cứ này. Mèng! Chừng đó sẽ còn kẹt xe kinh khủng nữa. Tôi không vui, nhưng tiệm quán, nhà hàng, bao cơ sở dịch vụ, thiên hạ sẽ vui. Chắc chắn là gia đình họ vui trước nhất.
Sau khi làm heath assessment, tôi được thưởng 30 đô gift card để muốn mua gì thì mua. Ngòai ra, tôi còn được thưởng thêm 30 đô gift card vì tập thể dục (đi bộ) đủ tiêu chuẩn mà hãng bảo hiểm sức khỏe đã đưa ra (họ đòi hỏi 2.5 miles/một tuần, mà tôi đi mỗi ngày cũng 3 miles rồi). Chính phủ lo cho dân. Mình có khỏe thì mình mới đi làm được, không đau ốm thì không tốn kém này nọ cho họ, chính phủ và mấy cái hãng bảo hiểm sức khỏe này cũng khôn thấy mồ. Nên mỗi năm có thưởng mình 60 đô thì họ vẫn còn lời chán!
Nói tóm lại, tôi vẫn cần đi ngủ sớm và làm sao khỏi bị căng thẳng -vì vụ kẹt xe. Làm sao đây?
 
Trời nóng quá, có một ngày tôi nghe đồng nghiệp bảo là nhiệt độ có thể lên tới 100 (độ F). Tôi không đọc báo hay coi TV ngày đó để xem có đúng như vây không. Nhưng tôi biết mấy ngày qua có lẽ trên 90 độ là cái chắc vì trong nhà buổi tối đã 83, 84 rồi. Mới đầu thấy mặt đông như New York, Boston bị nóng 100 độ, mình ở mặt bên này thương hại người ở mặt bên đó (cảm ơn internet, tôi và bạn bè có thể biết tin nhau nhanh chóng, dễ dàng). Ai dè! Rồi Tây Bắc cũng bị nóng. Vậy mà Cali lại không. Hừm! Sao lạ vậy hè?
Tôi đi bộ mà không quên mang theo chai nước lọc. Cái vụ đi bộ đếm bước, cho hè năm nay, đã vừa bắt đầu trở lại. Đi trong 6 tuần lễ. Đi mà có nhóm, có đội, có thi đua thì giúp mình hăng hái, siêng năng hơn. Năm nay có chị Nguyệt trong đội mình nên chắc chắn là sẽ về nhất thôi. Chị đi bộ nổi tiếng ở sở, ngày nào cũng đi, ba lần, bất kể nắng nôi mưa gió gì. Đi quanh năm như thế, chứ đâu phải chờ vào đội thì mới đi. Xứ mưa thì cứ cầm dù, chứ đợi trời khô ráo thì biết đến bao giờ. Đi siêng như vậy thì không lo đường cao, cholesterol cao, kẻ thù nào cũng bị quánh tan hết! (Xin viết thêm, chị Nguyệt là độc giả trung thành của Kỷ Nguyên Mới, từ báo số một. Cảm ơn chị.)
 
Mùa hè đã đến. Được dịp ra sông, hồ, biển, vịnh. Được dịp mặc áo ngắn tay, quần short, mang giày săng đan (ló những ngón chân). Được dịp phơi nắng trên bãi cỏ. Được dịp đi chợ Nhà Nông. Được dịp thưởng thức nhạc sống Music In The Park. Được dịp cuốn bánh tráng với rau cỏ trong vườn. Cứ cuốn là cuốn, mùa hè xứ này, cá salmon (cá hồi) rất rẻ. Được dịp đi chơi những cái hội chợ. Puyallup Fair, Lakefair. Mình phải tận hưởng, mỗi ngày, phải biết quý nó, vì nó sẽ không ở lâu với mình. Lá sẽ úa vàng, gió sẽ lành lạnh, và mùa thu sẽ đến hồi nào chẳng hay.
 
Linh Vang

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003