Apr 18, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
Một góc trời Tây Bắc - tùy bút LINH VANG

 

Thế là ngân sách tiểu bang Washington cuối cùng cũng được quốc hội thông qua. Một trong những điểm quan trọng là từ tháng sáu năm nay cho tới tháng sáu năm tới, 2011, các công sở sẽ đóng cửa 10 ngày cho nhân viên nghỉ mà không ăn lương, để giảm chi tiêu (là tiền trả cho nhân viên và tiền tốn kém điện nước). Không phải tất cả công sở sẽ đóng cùng ngày. Mà cũng có bộ không phải đóng vì sự cần thiết của nó phải mở cửa. Mà có khi cả cái bộ phải đóng nhưng lại có bộ phận không phải đóng, chẳng hạn tiền nong nhận được phải vô sổ sách mỗi ngày. Furlough bill –nghỉ không ăn lương – thông qua thì dễ nhưng thi hành chưa chắc đã dễ. Để coi! Ngay cả sếp cao cũng nói vậy, huống chi mình.
Bao năm đi làm tiểu bang, cũng đã thấy qua những kỳ kinh tế suy thoái nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới thấy họ phải áp dụng biện pháp này.
Thì các chuyên gia kinh tế vẫn nói đây là thời kỳ khủng hoảng kinh tế nặng nhất so với thời Great Depression của những năm đầu thập niên 1930 mà. 
 
Có người bảo với tôi rằng anh ta cùng lúc sống hai cuộc đời, cuộc đời hiện tại và cuộc đời quá khứ. Làm tôi buồn cười nghĩ, tôi cũng cùng lúc sống hai cuộc đời vậy. Một là cuộc đời của người sống ở Mỹ, đi làm công chức (tiểu bang), tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè Mỹ, nói tiếng Mỹ; thêm nữa là cái giốp ở thư viện; nơi nào tôi cũng là public employee, phục vụ người dân, ăn lương từ thuế do dân đóng. Cuộc đời kia là cuộc đời viết lách bằng tiếng Việt, chơi với bạn Việt trên nét, nói tiếng Việt với bạn văn, nói tiếng Việt với người thân.
Có những ngày tôi phục tôi vì có đủ tiếng Mỹ để kiếm sống, đủ tiếng Việt để viết lách. Nhưng rồi cũng có những ngày tôi không đủ từ để diễn tả ý mình, cả tiếng Mỹ và tiếng Việt. Khi nói chuyện với bạn Việt, tôi cứ nghe mình nói, ý là thế đó, mà không nhớ tiếng Việt phải nói làm sao, kỳ quá thật là không nhớ - tôi thấy tiếng Việt của mình đã rơi rụng đâu hết rồi. Cùng lúc vì ở Mỹ nên tôi lại không biết những từ mới sau này ở VN. Như là vốn mới không có, vốn cũ cạn dần. Chắc chắn là vậy rồi!
Nói xa hơn, nếu ai cũng như tôi thì chắc là không tránh được rồi tình trạng là người Việt trong nước, người Việt ở hải ngoại không hiểu nhau. Mình không hiểu họ. Họ không hiểu mình. Xe này đụng xe kia, xe kia đụng xe nọ, “tai nạn dây chuyền” mà báo chí ở VN bây giờ lại kêu là “tai nạn liên hoàn”. Mình cười họ. Họ cười mình. Cô bé ngồi quầy tiếp tân trong một khách sạn ở HN 36 phố phường chê tôi …nói tiếng Việt không rành!
Thật ra tôi không bi quan. Ngày nào còn nói và viết được tiếng Việt được thì cứ nói và viết tiếng Việt. Bao giờ thấy ngôn ngữ nơi mình ở nó phóng ra nhanh hơn từ cửa miệng mình thì mình cứ sử dụng thôi. Mình ở đây, kiếm sống ở đây, phấn đấu sống chết hằng ngày là ở đây, chứ đâu phải ở VN. Nói được tiếng Việt càng tốt, không nói được thì cũng không có gì phải hổ thẹn, sợ chê cười cả.
Tôi thấy có nhiều người viết báo khi viết về một em nào đó đã rất thành công mà cứ đòi hỏi em đó phải nói được tiếng Việt thì mới cho là giỏi, còn không thì dù thành công cỡ nào thì cũng là điều đáng tiếc, cười chê! Sao lại đòi hỏi nhiều thế!
Lại liên tưởng qua vấn đề khác. Đi xe buýt tôi có quen một anh bạn trẻ – bạn xe buýt vì chỉ gặp nhau trên xe buýt – người Đại Hàn. Anh có vợ Tàu (tôi không rõ Tàu nào). Hai người có một đứa bé gái chỉ thua cháu Bella của tôi hai tuần, tức là bây giờ được một tuổi rưỡi. Ngày sinh nhật của bé Anna được bố mẹ chụp hình, một hình nó mặc với quốc phục Đại Hàn, một hình với quốc phục Tàu. Nên nhớ con bé được sinh ra ở Mỹ. Rồi đây, dĩ nhiên nó phải nói tiếng Mỹ, đi kiếm gạo bằng tiếng Mỹ, cùng lúc bố mẹ ai cũng muốn con giữ gốc rễ của mình, nên rồi bị kiểu “lấn đất dành dân”, con bé sẽ phải học nói tiếng Đại Hàn, tiếng Tàu. Bị giằng co giữa ba ngôn ngữ, ba văn hóa, chắc là con bé sẽ bối rối lắm đây. Thật tội cho con bé!   
 
35 năm, thoáng đó mà đã qua cái vù. Ngày rời VN, tôi còn ngồi ghế nhà trường, giờ đã bàn tính chuyện về hưu. 35 năm, với tôi, nỗi đau mất miền Nam vẫn còn đó. Tại sao mỗi năm tới ngày 30 tháng tư, họ vẫn ăn mừng. Hẳn là rình rang lắm đến nỗi một cái đài phát thanh nơi tôi ở cũng nhắc đến ở bản tin đầu ngày khi tôi vừa thức dậy sửa soạn đi làm. Họ ăn mừng chiến thắng cùng lúc lại bảo người tị nạn ở hải ngoại hãy quên đi quá khứ! Ngày họ ăn mừng cũng là ngày giỗ của bao gia đình của miền Nam – những người bỏ xác trong biển cả, trong rừng thiêng nước độc, ở chốn lao tù. Đất nước VN đâu của riêng ai, làm sao mà mình không đau lòng cho được. Xin thắp một nén hương lòng cho quê cha đất tổ.    
 
So với năm ngoái, tôi nghĩ vùng Tây Bắc, mùa đông năm nay ít lạnh hơn, ít tuyết hơn và cái lạnh không dai dẳng kéo dài tới tháng tư. Thoáng cái mùa đông đã hết! Tôi hí hửng chờ đón mùa xuân và những ngày nắng ấm áp.
Khi ra vườn sau coi lại, ấy vậy mà mấy gốc lá gai đã không thấy đâm chồi ra lá gì cả. Bên nhà ba má tôi cũng vậy. Bao năm cứ thấy chúng trơ trơ sống nhăn, mùa đông lá rụng hết nhưng rồi mùa xuân thì đâm chồi nẩy lá non trở lại, nên mình an tâm đâu nghĩ chuyện mùa đông mang nó vào nhà để trốn lạnh đâu. Có lẽ là do mấy ngày lạnh (khô, không mưa, không tuyết) của tháng mười một chăng? Tôi đã quên những ngày lạnh đó vì trời không mưa – vừa lạnh vừa mưa thì mới thảm thương, mới làm tôi nhớ. Mặc bao lớp áo, cái lạnh vẫn luồn theo ống quần lên người, vừa đứng đợi buýt vừa run. Nhưng khi leo lên xe buýt ấm áp thì khoái quá chừng.       
Không có lá gai thì làm sao có bánh ít lá gai? Tôi không làm bánh ít nhưng hay hái lá đem qua nhà má tôi để khi nào má tôi làm thì tôi ăn ké.
Chị Lê Mộng Hoàng còn nhớ bánh ít lá gai của má em không? Năm đó sáu người mình ngồi ăn bánh ít trên con phà đi qua đảo Victoria để thăm vườn hoa hồng nổi tiếng. Chị khen bánh ngon. Em nghĩ cho dù bánh có dở mà ăn lúc đó thì cũng thấy ngon ha. Trời xanh, biển xanh, phong cảnh hữu tình, ngồi ăn thoải mái quá đi. Lại có mấy con cá dolphin nhào lộn cho mình thưởng thức nữa chứ. Thời gian qua nhanh, thoáng đó mà đã mấy năm rồi!
Tôi nói với Ng, hay mình hỏi chị Thiên xem bụi lá gai của chị còn sống hay không, vì khu nhà chị không có cây cao nên ấm áp hơn, xin một gốc nhỏ đem về gầy lại? Ng trả lời, đem khổ cực (mang lậu, may mà không bị bắt phạt! hèn gì vào lại Mỹ, mấy ông ở bộ Nông Nghiệp xét người VN mình kỹ quá, kỹ mà vẫn có người lọt được, cũng hay) từ VN qua mà trồng không được, chết từ đời nào rồi, đâu còn để mà xin.  
Có lẽ cũng là lúc giảm ăn ngọt vì sợ mắc bệnh tiểu đường nên nghĩ tới bánh trái làm gì nữa, bánh ít lá gai cũng phải quên thôi.
À, sẵn đang nói chuyện bánh trái, làm tôi nhớ lại mới đây có lần tôi đã nhắc tới một loại bánh “nhà quê” tôi đã ghét lắm mà không nhớ tên, bánh hấp xong nở ra nhiều cánh, nghĩ là tai yến. Qua lối tôi tả thì bạn bè tôi bảo là bánh thuẫn, chứ không phải bánh tai yến. Có bạn bảo cả đời chưa bao giờ được ăn loại bánh ấy.   
 
Gõ bài vở thẳng vào máy vi tính thì thật tiện lợi vì mình muốn sửa, xóa gì cũng được. Chỉ phải nhớ là lâu lâu lại save, không thôi thì chữ nghĩa có khi biến mất tiêu vì một động tác vô ý nào đó của mình. Uổng công gõ! Có khi tái tê cả người nữa đó chứ. Đời viết lách của tôi, tôi cũng qua mấy lần hao tổn xương máu như thế nên rành quá.
Tôi nghĩ dù gì thời này làm nhà văn dễ quá, so với thời của đại văn hào Leo Tolstoy. Ông viết tay, sửa tới, sửa lui. Bà vợ viết lại một bản khác cho sạch sẽ, để cho ông sửa tới, sửa lui, gạch xóa chằng chịt nữa. Bà vợ lại viết lại. Bao nhiêu lần như thế. Mà cuốn tiểu thuyết nào của ông cũng dày “cui”. Điển hình là cuốn Chiến Tranh và Hòa Bình. Vậy khi ông thành nhà văn nổi tiếng thì ông phải kể tới công của bà vợ.
Tháng trước khi tôi đang ngồi gõ bài Một góc trời…ở cầu thang nơi sở chính (thường trốn ra ngồi ở đây là vì khi cần vào net thì cái wireless laptop của tôi bắt được “sóng” chùa của cái thư viện tiểu bang bên cạnh), vô ý đụng vào chỗ nào mà cái bài viết trở thành nằm ngang, xoay máy đọc thì được nhưng làm sao gõ được. Tôi tái mặt, gọi hỏi Ng. Ng bày tôi cách sửa. Mà tôi lại quên “save” cái bài viết! Thế là hốt hoảng, là lạnh người! Thường đã nộp bài trễ, giờ lại gặp cái “tai nạn” này. Ngồi mà gõ lại…, thì …đau khổ quá đi. Cuối cùng thì cũng được Ng cứu bồ! “You saved my life!”. Cái bài viết đã không mất!
Tôi hoảng hốt bao nhiêu lần vì mất bài vở - mà Ng “lấy lại được” nên chừng nào tôi thành nhà văn nổi tiếng thì tôi cũng phải kể công của Ng. Hì hì, tôi sẽ phát biểu, tôi có được như ngày nay là nhờ đấng phu quân của tôi. Chàng là người đã cứu tôi bao phen. Tôi cũng hay cười bảo Ng, khi chụp hình in sách, sẽ cho you đứng ké. Vậy mà anh Hai chẳng ham “cái danh”! chỉ muốn đứng trong bóng tối mà giúp em út  thôi.  
 
Tháng năm rồi. Tây Bắc, scotch broom nở vàng. Ở xa lộ I-5, gần thủ phủ Olympia, scotch broom mà có dạo bị cày sạch, giờ đã mọc cao trở lại trên dải đất ngăn đôi hai giòng xe cộ. Hay là tại ngân sách cắt giảm nên không có người đi dọn dẹp? Nhưng tôi lại thích nhìn scotch broom dại mọc như thế, đừng cày, please. Nhìn hoa vàng cả một vùng trời, nếu may mắn trúng vào một ngày nắng đẹp, như nhìn một cái gì quen thuộc, làm mình cũng thấy vui.
Chỉ còn vài tuần nữa Chợ Nhà Nông sẽ nhóm lại – nhóm cho tới cuối tháng mười. Chợ ở thành phố này nơi tôi làm việc, mỗi tuần chỉ một ngày thứ tư. Buổi trưa nào chợ nhóm thì tôi hay đi bộ đến đó mua đồ ăn, rồi ngồi nơi ghế (sắt) công viên vừa ăn vừa nghe nhạc sống ngoài trời. Có người ngồi trên thảm cỏ. Ăn xong, tôi mua ít rau cỏ, đậu, trái cây organic mang về. Mắc hơn ở siêu thị một chút nhưng rất tươi và trồng bằng phân bón hữu cơ. Cũng có khi là một bó hoa tươi màu sắc rực rỡ, để chưng nơi bàn làm việc, ngắm được cả tuần, 8 đồng một bó. Tháng năm, khi chợ mới bắt đầu nhóm lại, cũng là lúc mình có thể mua những chậu cà chua, những chậu ớt đã trồng sẵn. Có khi cà chua đã lên cao, đã ra bông! Mua như vậy thì mau có trái mà ăn, chứ ươm bằng hột thì lâu quá. Trời âm ấm, mình đem cây cỏ ra ngoài, thế rồi bất ngờ lạnh, cây chết queo hay lạnh quá cũng đứng yên, không chịu phát triển. Mưa nắng thất thường – tôi ở xứ này cũng 35 năm rồi, mà có khi đoán thời tiết cũng sai.
Có những nông trại nhỏ quanh đây, nhà nông họ chịu giao tận sở mình, mỗi tuần một lần, những thứ rau cỏ mình cần. Họ đưa mình một cái danh sách, và mình khoanh vào những thứ mình muốn họ giao. Mình có rau cỏ, khoai, đậu bí vừa mới hái, nhất là không trồng bằng phân bón hóa học nên dĩ nhiên là lành mạnh. Đồng thời là cách để giúp nông phẩm của họ được phân phối đến tận tay người tiêu thụ mà không phải qua trung gian nào. Tối thiểu phải trả cho mỗi tuần (mỗi lần giao) là 35 đô. Thế nhưng dù ai cũng muốn một lối sống khỏe mạnh cũng không mấy người tham gia. Có lẽ không ai muốn gò bó vào một điều gì. Tuần nào thích ăn rau đậu gì thì mua rau đậu nấy, biết đâu có tuần lại chẳng muốn ăn rau đậu gì cả?
Tôi nói với Ng, dạo này mình chủ trương ăn rau rán là chính, mình cũng nên để họ giao cho tiện. Ng bảo nhà ít người, muốn ăn gì, ra siêu thị mua cho rồi.
Nghĩ mình dở quá, đáng lẽ mình cũng nên giúp họ.  
 
Ước gì mình có nhiều thì giờ! Tôi muốn làm nhiều thứ quá. Ham công tiếc việc. Cũng đọc bao nhiêu sách để coi có thể “moi” ra chút giờ ở đâu không – mà không tìm được. Thêm giờ để đi làm (vẫn không từ chối sếp được mỗi khi cô muốn tôi làm thế cho ai đó, một phần là…ham tiền nữa.) Thêm giờ để đọc sách. Ôi chao bao nhiêu là sách khiêng về rồi lại phải khiêng đi trả. Có những tối cuối tuần, còn thức khuya, lên nét, vào hệ thống thư viện nhà, đặt bao nhiêu là sách mới, cái tay cứ click, click thôi, chẳng khác gì online shopping, mà shopping
này thì không phải trả tiền. Chừng lô sách về một lượt, đọc không kịp, đọc mà như có ai đuổi. Tôi vẫn mê thư viện Mỹ quá chừng chừng!  
 
Cuối tuần coi DVD 55 Năm Nhìn Lại của Trung Tâm Asia, được nghe lại những bản nhạc mà thuở trước tôi hay nghe, thấy ngậm ngùi, xao xuyến làm sao. Nhớ lại thuở học trò, thời gian ở Sài Gòn những năm mới lớn. Những kỷ niệm, những con đường xưa, những nơi ngồi ăn quà vặt. Những chuyến xe lam. Sau này có được chiếc xe đạp mini, đạp đi khắp nơi. Thuở làm “em gái hậu phương viết thư cho anh trai tiền tuyến” – nhưng chưa có người yêu, mơ mộng nhớ ai thì có.  Thuở bắt đầu tập tành viết văn, đã bắt đầu có nhuận bút. Nhớ áo trắng học trò, mang đôi guốc mộc, leo lộp cộp lên cầu thang của toà soạn CT, rụt rè chìa thẻ học sinh ra để nhân viên kế toán trả tiền (mặt, 800 đồng, thủa đó dĩa bánh cuốn chả lụa, ở chợ Bến Thành, chỉ mới 120 đồng). Ôi thuở mới lớn, thật bình an! Mơ về tương lai là được đi dạy học buổi sáng và viết văn buổi chiều. Mơ làm cô giáo và cũng mơ làm nhà văn. Cho dù bây giờ không kiếm ra tiền bằng viết lách, tôi vẫn cho rằng viết lách là một thú vui tao nhã, đáng quý.

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003