Dec 04, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
Angie Chau, và tác phẩm Quiet As They Come
NGUYỄN MẠNH TRINH
Cộng đồng người Việt có lẽ là mộ t cộng đồng tuy trẻ tuổi nhưng có những phát triển không ngờ. Trong lịch sử chỉ vỏn vẹn ba mươi năm mà trên nhiều lãnh vực, sinh hoạt đã khởi sắc và phồn thịnh. Một trong những lãnh vực phong phú là văn học. Văn chương Việt Ngữ ở hải ngoại thành lập và tồn tại với nhiều người viết và nhiều người đọc phần đông ở thế hệ thứ nhất. Quá khứ được mang cõng trên vai luôn luôn đè nặng. Chiến tranh có nhiều hệ quả, trực tiếp. Thơ văn, có ngôn ngữ để bầy tỏ những xao động của biến thiên thời thế. Người đọc và người viết chia sẻ với nhau những chung mang. Không gian, thời gian có sự gần gũi. Viết, có khi là một phương cách sống lại. Những thuở xa xưa, khi còn ở quê nhà.
Nhưng với những người cầm bút viết bằng Anh hay Pháp ngữ, người đọc và người viết đã khác tâm tư, đã lạ nếp sống. Viết, không còn trong tâm trạng chia sẻ nữa mà là trình bày, là tạo dựng một thế giới để cho những người lạ bước vào. Thế giới của hội nhập ấy, để người đọc hiểu biết được dù bàng bạc nếp sống và nếp nghĩ của những người mới đến định cư, làm lại cuộc đời với những khởi điểm khắc nghiệt. Thay vào sự chia sẻ, là sự kích thích hiếu kỳ. Thế giới ấy, còn nhiều khám phá. Con người ấy, còn nhiều khó hiểu. Những biến cố của một đời người, có nét chân thực, có nét phác thảo của văn hóa Đông Phương, là đề tài của những trang sách nhiều hứng thú.
Không còn là người kể truyện nữa, mà phải là người sáng tạo, để tạo dựng một thế giới riêng…
Hoa Kỳ là một quốc gia đa văn hóa. Chính trong môi trường ấy, văn chương của những người thuộc các sắc tộc khác đến định cư được phát triển để như những sợi tơ đan lẫn vào nhau, hòa hợp để có một tổng thể đa diện và nhiều mầu sắc. Càng ngày, theo sự lớn mạnh của từng cộng đồng, văn hóa cũng theo đà phát triển ấy mà vững mạnh với những bước đi khởi sắc…
Angie Chau vừa mới xuất bản tập truyện đầu tay trong năm 2010. Tuyển tập Quiet As They Come. Đã có rất nhiều tiếng vang, từ các mục điểm sách của các tờ báo uy tín và của các nhà phê bình văn học hoặc các giáo sư đại học về văn chương. Với cộng đồng Việt Nam tị nạn, tác phẩm cũng được đón nhận đặc biệt.
Angie Chau tên Việt Nam là Châu Thanh Thư, sinh trưởng ở Việt Nam và theo gia đình đến định cư ở Hoa Kỳ lúc vừa 4 tuổi. Cô đã sinh sống ở Việt Nam, Malaysia, Italy, Spain, Kauai, Bắc California và Nam California, như vậy là 3 đại lục và một đảo quốc. Cô tốt nghiệp cử nhân về môn Văn hóa Đông Nam Á Châu và chính trị kinh tế học tại UC Berleley và cao học MFA tại đại học UC, Davis, nơi cô là chủ biên về tiểu thuyết của tạp chí The Greenbelt Review. Cô đã được giải Hedgebrook Residency và Macondo Foundation Fellowship. Các bài viết của cô được đăng tải trên các tạp chí Indiana Review, Santa Clara Review, Night Train Magazine, Slant, hợp tuyển Cheers to Muses. Năm 2009 cô đoạt giải Maurice Prize về tiểu thuyết của UC, Davis. Tác phẩm đầu tay Quiet As They Come, nhà xuất bản IG Publishing phát hành năm 2010.
Tác phẩm Quiet As They Come là một tuyển tập truyên ngắn viết về những nhân vật người tị nạn Việt Nam, sống trong một đời sống giữa hai nền văn hóa và bắt đầu sự nghiệp ở một xứ sở lạ với hai bàn tay trắng. Thời gian của truyện khởi từ năm 1980 tới bây giờ, với những khám phá kỳ thú về những người di dân tị nạn cố gắng điều chỉnh cuộc sống để có thể hòa hợp với đời sống mới. Những nhân vật của Angie Chau, gồm tất cả 12 người, của 3 gia đình có họ hàng với nhau, cùng sống chung trong một căn nhà 3 phòng ngủ kiểu Victorian ở Sunset District của thành phố San Francisco. Với mỗi gia đình một phòng ngủ, mỗi phòng riêng đầy ắp những nỗi vui và cả những nỗi buồn tự đè nén, những bí ẩn từ quá khứ và những giấc mơ hướng về tương lai. Trong khi có những người có thể vượt qua được những khó khăn để có thể sống còn và hòa hợp, thì có những người đã bị vỡ mộng về giấc mơ Hoa Kỳ. Như khi đại gia đình phân tán ra các nơi, mỗi người trong cuộc sống của mình đã có nét riêng bộc lộ những cuộc chiến đấu thầm lặng của những người tị nạn liên tục đi tìm một mái nhà trú ẩn. Đọc những truyện ngắn về những cuộc đời ấy, có lẽ trong các độc giả Việt Nam dường không thể nào quên những quãng đời sống đã in hằn trong ký ức của mình. Những nhân vật của Angie Chau, có thể gọi là những chứng nhân của một cuộc đổi đời, tuy âm thầm nhưng không phải là không có nét khốc liệt của những cuộc cố gắng để sống còn, để cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Trong văn học Hoa Kỳ, đã có rất nhiều tác phẩm của những người di dân đến định cư bắt đầu cuộc sống mới. Nhất là những người Á Châu, như người Hoa Kỳ gốc Nhật Bản chẳng hạn. Nhưng, với người Mỹ gốc Việt thì hơi hiếm. Mà đời sống của người tị nạn thì có lẽ đặc biệt hơn bất cứ một sắc dân nào, vì đời sống phong phú thật nhiều biến cố, có khi bi thảm, có khi hài hước, và có khi đầy sức mạnh để nỗ lực sống còn. Có lẽ, đó là một nguyên do để Angie Chau viết tiểu thuyết.
Một tiểu thuyết gia đã nhận xét về “Quiet As They Come“ đại ý: Đây là một tuyển tập linh động và sâu sắc với những truyện ngắn mạnh mẽ tỏa sáng và những đời sống nối liền nhau của một đại gia đình di dân từ Việt Nam. Tác giả đã đưa đẩy lèo lái để tạo dựng những mảnh đời sống đầy cá tính - nhiều khi bi thảm nhiều khi hài hước, giữa ao ước mơ mộng và phẫn nộ, giữa những mất mát to lớn và nét thanh tân bí ẩn - với những nét duyên dáng, nhân bản và lòng trắc ẩn mạnh mẽ đến điên cuồng. Quiet As They Come giới thiệu những bước chân khởi hành của một tài năng văn chương gây nhiều kinh ngạc với những kỹ thuật diễn tả tinh vi nói về những mảnh gia đình phức tạp với tuổi tác, với đời sống di dân và - trên tất cả - là kho tàng chôn dấu từ thẳm sâu của trái tim nhân loại...”
Trong những truyện ngắn, phảng phất một phong thái cợt đùa nhưng nhiễm chút cay chua, như tác giả đã biểu hiện được một món quà khác thường đặc biệt giữa những liên hệ phức tạp nhiều khi đối nghịch nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa hai giới tính đàn bà và đàn ông, giữa văn hóa Hoa Kỳ và Việt Nam. Angie Chau phác họa chân dung với tính chất của những nhân vật sống chơi vơi không biết rõ chỗ đứng của mình phân vân phải lùi lại hay tiến lên trong cung cách sống thích hợp. Nhân vật của Quiet AsThey Come có khi là ngôi thứ nhất, có khi là ngôi thứ ba, nhưng tất cả đã tạo cho độc giả những điểm khởi hành khá bất ngờ, dù rằng cũng chỉ là không gian và thời gian quen thuộc của những người Việt tị nạn. Truyện ngắn đầu tiên, ”Hunger”, tức thời nêu lên những âm hưởng của những trở ngại đầy thách đố mà mỗi cá nhân phải trực diện với, đặc biệt là mức độ của mỗi người phải chịu đựng. Thật là bi thảm khi ở xứ sở no đủ này mà một nhóm các đứa trẻ không đủ tiền bạc để chung với nhau mua một bánh pizza thơm ngon mà đành bẩy đứa chia với nhau một miếng bánh nhỏ.
Truyện ngắn “The Pussycats”, tác giả đã sử dụng cách mô tả sự thách đố khó khăn của những người cố gắng học hỏi để tìm hiểu về một nền văn hóa mới đầy khác lạ qua lăng kính của một người mẹ sống với hai đứa con ở xứ người trong khi người chồng còn bị tù cải tạo ở Việt Nam, muốn dỗ dành đứa con gái nhỏ. Trong trường hợp này, đứa con gái muốn một con mèo nhỏ. Người mẹ bèn dẫn đứa con gái đến rạp hát bóng chiếu phim khiêu dâm mang tên Pussycats mà bà mẹ nghĩ rằng phim ảnh ở đây sẽ là những chứng liệu về con mèo. Mới đầu, là một sự khôi hài nhưng sau đó, sâu xa hơn là những giới hạn của những người đi tìm hiểu những sự kiện khác nếp sống, khác suy tư, lạ lùng với họ. Angie Châu đã sử dụng phương cách khéo léo để làm người đọc dễ tiếp cận hơn với những thông điệp chuyên chở theo. Mặc dù cô đã nói truyện của cô không có mục đích chuyên chở theo những thông điệp nào. Trong truyện “Everything Forbidden”, Angie Chau đã kể lại chuyện một người mẹ bị kết tội là hành hạ con cái khi người ta thấy những vết hằn tím đen trên da ở sau lưng đứa trẻ. Người cán sự xã hội đến điều tra và đã tìm thấy đó là một phương cách chữa bệnh truyền thống thông thường của người Việt Nam là đánh gió giải cảm bằng dầu và đồng xu. Nhưng người mẹ cũng tìm hiểu được là bà có thể bị buộc tội là đánh đập hành hạ đứa con của mình và khó có thể làm rõ ràng để bác bỏ tội trạng ấy. Sự khác biệt về văn hóa và đời sống đã tạo ra nhiều sự việc mà những người bản xứ khó lòng chấp nhận và thông cảm.
Trong truyện ngắn cuối cùng kể về chuyến trở về thăm quê nhà cùng với bà mẹ của cô bé 4 tuổi đến Mỹ định cư ngày nào. Cô nhìn thấy đất nước sau chiến tranh, nhìn thấy đời sống diễn ra và nghĩ đến sự nhỏ bé và giới hạn của những người Việt Nam thế hệ trước. Những cảm giác của người trẻ nghĩ về những lớp tuổi già, nghĩ đến sự khác biệt đối kháng của những thành viên trong gia đình.
Angie Chau đã viết tác phẩm đầu tay này của mình trong nhiều năm và cô cảm thấy rằng vẫn còn chưa đủ những tác phẩm viết về những kinh nghiệm sống để hội nhập của người Việt Nam. Cô muốn có những cuốn sách viết đa dạng và phong phú hơn bởi ở trong cuộc sống của những người di dân tràn đầy những chi tiết sống động và sẽ làm thích thú người đọc. Cô là một độc giả, yêu văn chương thích đọc sách và khao khát muốn có những tác phẩm lột tả được chân thực đời sống khá đặc biệt này.
Với độc giả đồng hương người Việt, Angie Chau muốn họ thấy được sự hiện hữu của họ ở đây trong đời sống ở Hoa kỳ. Họ tự nhìn vào gương soi để thấy được những nỗ lực của những người di dân. Cô viết thành sách những chứng liệu ấy, để những thế hệ về sau này hiểu được những bước đi khai phá của lớp người đi trước. Còn với độc giả bản xứ, cô muốn họ có thể hiểu được và thông cảm đối với những xúc cảm, những tâm tư của người tị nạn lẫn lộn giữa hy vọng và thất vọng, giữa đau khổ hoặc vui sướng, giữa cô đơn và sum vầy. Những nhân vật của cô, sẽ có những đặc tính như vậy trong tác phẩm mà cô đã thai nghén và mong ước được hình thành từ nhiều năm trời.
Cô viết tác phẩm này như một chuyện tự kể những kinh nghiệm sống thực của mình và nhìn cuộc sống với sự quan sát và suy luận rất cá nhân. Nhân sinh quan mỗi người dĩ nhiên là khác biệt nhau nhất là đối với người tị nạn thì hoàn cảnh, tâm tư, ước vọng,…lại là những tử số khác biệt. Nhưng ở mẫu số, vẫn chung một tình trạng là bảo tồn được giá trị truyền thống Việt nam và dung hòa với những căn bản của đất nước định cư trong mục đích cân bằng đời sống.
Angie Chau đã đề cập đến những nỗ lực hội nhập, sự băn khoăn giữa những điều phải duy trì và những điều phải cập nhật từ cuộc sống mới. Quyết định giữ và bỏ không phải là dễ dàng mà là một quá trình nhiều xô đẩy giằng kéo. Chúng ta không thể cứ khư khư giữ gìn mãi những điều có thể lỗi thời nhưng cũng không thể một cách quá phóng túng chấp nhận những điều mới mẻ một cách a dua vô ý thức.
Nhìn vào cuộc sống hiện tại của người tị nạn, cô không quá lạc quan để nói về sự thành đạt. Có những người quá sức khó khăn, có những trường hợp thất bại đau đớn. Giấc mơ của xứ Mỹ không phải chỉ là những giấc mơ đẹp mà có khi chỉ là những cơn ác mộng. Cô từng nói: ”Tôi hy vọng các câu chuyện của mình mô tả mọi mặt của cuộc sống. Thực sự không phải cứ đến được Hoa Kỳ là mọi sự sẽ tốt đẹp hoàn hảo. Theo tôi Giấc mơ Hoa Kỳ có thể trở thành hiện thực đối với một số người tị nạn may mắn nhưng đối với nhiều người khác thì giấc mơ đó lại có thể vỡ tan. Đó không phải là một sự bảo đảm hoàn toàn vững chắc…”
Ước mơ của Angie Chau là muốn được nhìn thấy những tác phẩm viết về đời sống người tị nạn Việt Nam được phổ biến ở các thư viện, được bầy bán ở các tiệm sách và được đề cập đến hoặc giảng dạy tại các trường học. Có lẽ điều đó không phải là tham vọng bởi vì “Quiet As They Come” đã được xác định là được dạy trong khóa mùa xuân năm 2011 của California College of The Arts. Giáo sư tại đại học Loyola cũng dự trù sẽ chọn tác phẩm này làm đề tài giảng dạy cũng như giáo sư Stephen Sohn môn Anh ngữ của đại học Stanford cũng sẽ dạy về tác phẩm này trong các khóa học của Asian Study của mình.
Khi còn là một cô bé đến trường học, cô đã khổ sở và mặc cảm vì món ăn trưa mà cô mang theo. Cô giấu diếm thật kỹ món bánh mì thịt mà mẹ cô đã làm ở nhà cho cô với những thịt bì, hành, tiêu, nước mắm và gia vị. Cô đã bọc hai ba lần giấy thiếc và giấu trong hộp ăn trưa. Cô nhớ người bạn đã nói với cô: ”Hãy cẩn thận khi mày ăn món ăn này. Những người bạn có thể nghĩ rằng đó là một món ăn khó ngửi. Mày hãy ăn một mình ở một chỗ nào không có người”. Cô bé Việt Nam ấy sống với gia đình ở một căn nhà mà ba gia đình sử dụng chung một phòng tắm. Rồi cả chục năm trôi qua, cô lớn lên và rất ngạc nhiên khi chưa đọc được một cuốn sách nào về những đời sống như thế, về những con người tị nạn như thế, về những cuộc đổi đời như thế. Và cô chọn viết văn.
Người bản xứ đã nhìn chiến tranh Việt Nam qua những phim ảnh loại những anh hùng như Rambo hay những vai chính của phim Platoon hoặc những nét phác họa ngu xuẩn kiểu như Long Duk Dong trong Sixteen Candles. Người đàn bà Á Châu thường được phác họa như ” thầm lặng,, nhu mì như một cô gái Geisha” Angie đã nói: Tôi nhớ rằng khi tôi còn trẻ tôi đã thật thất vọng khi những tính chất ấy không phản ánh cá tính của những người phụ nữ ở trong gia đình tôi, những người tôi thật tình kính trọng, họ có cá tính mạnh, phức tạp nhưng thông minh. Và không chỉ có đơn giản như thế thôi mà còn nhiều tính chất khác. Thế mà tôi không tìm thấy được những điều ấy khi nói về phụ nữ Việt Nam, và có lẽ điều ấy đã tạo hứng khởi cho tôi để viết văn...”
Những nhân vật trong tuyển tập truyện ngắn này khá đông và mỗi người đều biểu lộ những cá tính riêng nhất là các nhân vật phụ nữ. Nhân vật chính, cô bé Elle (tên Việt Nam là Trần Thảo) đã có mặt ở câu chuyện đầu tiên khi cô nhớ lại ngày lễ Độc Lập Fourth of July lúc cô tám tuổi khi đại gia đình gồm 12 người sống chung trong một mái nhà. Một người dì của Elle tên là Kim là vai chính của truyện thứ hai và kế tiếp những người trong gia đình như Hương, mẹ của Elle, rồi Michelle, Sophia,… …
Với những nhận xét dung dị, với lối diễn tả tự nhiên chân thực, và cái nhìn sắc sảo nhạy bén, câu chuyện đã vượt qua khỏi những phác họa của đời sống người tị nạn mà còn muốn đi xa hơn, đến những khám phá về mặt xã hội, kinh tế, chính trị của xã hội của nơi định cư nữa.
Bắt đầu với nhận xét của một bé gái ngây thơ, rồi ở truyện cuối, lại là ý nghĩ của một thiếu nữ dạy thì có những nhận xét khá sâu sắc. Ở trong đại gia đình, những người lớn tuổi thường có suy tư của những người phải cố gắng vượt qua những trở ngại tận lực để sống còn thì những người trẻ tươi mát hơn và có nhiều tin tưởng lạc quan vào đời sống hơn. Những người lớn tuổi, với dĩ vãng bám chặt nên họ có những khó khăn khi trực diện với đời sống mới. Còn những người trẻ, môi trường sống khoãng khoát hơn và tâm tư cũng mở rộng hơn.
Những gia đình tị nạn đã trải qua những cơn biến động với cuộc đời chìm nổi theo thời thế. Một nhân vật tiêu biểu nhất là người chủ gia đình, ông Việt, trong truyện ”A Map Back to the World”. Ông là chứng nhân của cuộc đời đổi. Ở xã hội cũ ở Việt Nam, ông là người có vai vế trong xã hội, là một giáo sư đại học khoa bảng và được sự nể trọng của gia đình và xã hội. Qua định cư ở Hoa Kỳ, bằng cấp ở Việt Nam không còn giá trị nữa, phải làm công việc dưới khả năng của mình. Đời sống trong gia đình và hôn nhân cũng bị xuống cấp, rồi bị thất nghiệp, phải giữ những công việc nội trợ trong nhà trong khi người vợ lại giữ vai trò chính yếu trong sinh kế. Sự tụt thang này khiến ông có những việc làm bất thường như dùng tiền dành giụm của gia đình mua một máy hút bụi quá đắt tiền và xa xỉ. Và chính đó là một nguyên nhân làm đổ vỡ gia đình. Cái số phận như của ông Việt có lẽ cũng thường thấy trong đời sống của những người tị nạn. Nỗi niềm tuyệt vọng đau đớn nhất chính là sự bất lực trước cuộc sống ở xứ người trong khi họ lại giữ vai trò chủ chốt chỉ đạo gia đình ở Việt Nam.
Khi trả lời một câu hỏi là tại sao Angie Chau lại chọn nhan đề “Quiet As They Come”, cô trả lời đại ý : ”Trong nhan đề truyện ngắn ấy, người kể chuyện là một cựu giáo sư triết học ở Việt Nam và đã định cư ở Hoa Kỳ bây giờ làm nhân viên có đẳng cấp khởi đầu của sở bưu điện. Những người đồng sự đã mô tả ông ta với cái tên “quiet as they come” với ý nghĩa rằng ông ta còn đặc biệt hơn cả những người Á Châu câm lặng thụ động một cách kỳ quặc nhưng đã đến trong đám đông ở San Francisco vào những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80.
Trong những truyện ngắn, người đọc sẽ thấy nhân vật Việt có năng lực nhiều hơn là cái bề ngoài tưởng chừng như điềm tĩnh ấy đã gợi ý và nhắc nhở tôi đến nhiều người đàn ông Á Châu đến định cư ở đất nước này và kết quả là họ bị đánh mất nhiều thứ, thân thế, nghề nghiệp chuyên môn, và có khi còn đánh mất cả nam tính và cả lý lịch như một người trần trụi khởi hành từ lúc bắt đầu. Họ đánh mất bằng cấp mà họ có, và không có ngôn ngữ để truyền đạt ý nghĩ của họ và họ hầu như vắng mặt trong hiện tại với cùng những vinh quang mà họ đã từng hãnh diện trong quá khứ. Tôi đã dùng nhan đề này bởi vì nội dung mức độ của các truyện cũng như tính chất của nó. Nhân vật Việt là tên của vai trò chính trong hai truyện ngắn và là nhân vật phụ của ít nhất là năm truyện ngắn. Trong một mức độ khác, ở bên kia những vóc dáng của nhan đề gợi ra về phía tượng hình phiên bản của người Á Châu là thụ động và thu nhỏ con người lại, tôi cũng muốn trong nháy mắt có một đề tài thật khích động về người di dân. Nó cũng là một ấn nút nóng bỏng ở Hoa Kỳ nữa. Và nhất định gia đnh di dân của chúng tôi hợp pháp. Nhưng tôi biết rằng vẫn còn có những tâm cảm và cả những tin đồn chống người Á Châu mạnh mẽ về ”những ngưới Á Châu trốn lánh đã im lặng khiếp nhược vào trong lãnh địa của họ và dồn tất cả tâm sức cho công việc làm “.
Sau hết, tôi thích rằng nhan đề này cũng là để hướng dẫn về lòng tôn kính. Tưởng tượng hình ảnh người cha nói với con ”Shh... Quiet as they come” tôi nghĩ rằng đã có tiến trình để mọi người nhận thức xứng đáng về một mẫu người có giá trị. Hoặc là đã có nhiều áp lực “quiet…(pause) as they come…”.
Đọc "Quiet AsThey Come” để hiểu thêm một chút về chính chúng ta, có phải?
 
Nguyễn Mạnh Trinh

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003