Apr 24, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
TẠP GHI TÁC PHẨM “Bitter in the Mouth”, Tác Giả MONIQUE TRƯƠNG
NGUYỄN MẠNH TRINH

 Nhà văn nữ Mỹ gốc Việt Monique Trương với tiểu thuyết đầu tay “The book of salt” đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương và được các nhà phê bình văn học tại Hoa Kỳ đặc biệt để ý tới. Tác phẩm này đã được điểm sách và giới thiệu trên những trang “book review”của các nhật báo và tạp chí có uy tín.

 Tác phẩm thứ hai “Bitter in the Mouth” đã hoàn tất và nhà xuất bản Random House phát hành trong năm nay cũng được sự chú ý của văn giới. Đã có những bài điểm sách của những nhà phê bình văn học có uy tín như Joan Frank của The Chronicle, Diane Leach của LA Times, Maya Muir của The Oregonian, Roy Hoffman của New York Times,…

 Có lẽ hầu như thích hợp nhất, sau năm chục năm ấn bản của “To kill a Mockingbird” của tác giả Harper Lee ra đời, một tác giả gốc Việt Nam người đã lớn lên và trưởng thành ở Hoa Kỳ, đã viết một tác phẩm với nhân vật chính người Mỹ gốc Việt mà nội dung gợi lại không khí của một thành phố miền Nam Hoa Kỳ. Nhà văn nữ Harper Lee đã viết về nhân vật Scout Finch sống ở thành phố Alabama trong tiểu thuyết nổi danh này :”Tôi là một người sống trong một thành phố có mầu sắc của dân Tamil ở miền Nam Ấn Độ nhưng không một ai đã nói với tôi điều ấy..”

  Monique Trương trong “Bitter in the Mouth” đã cho Linh Đào Nguyễn Hammerick, tức nhân vật chính Linda, ám ảnh về nhân vật của “To kill a Mockingbird”nhấn mạnh về một thành phố nhỏ ở vùng quê North Carolina, thành phố Boiling Spring:”Tôi không bao giờ là Scout. Tôi là Boo Radley, không ẩn nấp dấu mặt mà rõ ràng hình dạng..”

 Đi xa hơn những phương pháp xã hội học để tìm hiểu về những điều mà một cô gái Á Châu lớn lên trong môi trường của một thành phố ở miền Nam nước Mỹ, tiểu thuyết này đã sử dụng những va chạm căng thẳng giữa nội tâm và ngoại hình để tạo thành một cách thế nối liền những yếu tố về gia đình, chủng tộc và nơi sinh sống. Sự im lặng để dấu diếm những ẩn khuất của cuộc đời đã vô tình tạo ra những đại dương chia cách trong cuộc sống. Đi tìm bí mật ẩn dấu là một tính cách khai phá trong văn chương. Từ những ám ảnh gây ra những xáo trộn trong cuộc sống, con người như sống trong những thế giới khác nhau của những điều phức tạp trộn lẫn.

  Từ Monique Truong của “The Book of Salt”, một cuốn sách thuộc hàng “best seller”, người đọc thấy được nghệ thuật kể chuyện độc đáo. Bình, người đầu bếp Việt Nam làm công cho hai người chủ là Gertrude Stein và Alice B. Toklas, người đã tạo ra một góc độ nhìn ngắm một nửa thế giới của thành phố Paris vào thập niên 1930. Với “Bitter in the Mouth”, thực phẩm, thức ăn, mùi vị, cũng là những yếu tố để biểu tượng đời sống. Linda bị bệnh synesthesia, một bệnh của hệ thống thần kinh tạo ra cảm giác đồng thời khiến nhận thức bị pha trộn, thí dụ giữa thính giác và vị giác.. Nói một cách đơn giản, Linda nhận thức cảm giác từ chữ, cô nếm chữ. Những ảo giác hiện ra. Có lúc cô tưởng mình ở trong một nhánh của gia đình gồm có những nhân vật như Wassili Kandinsky và Vladimir Nabokov. Giống như những kẻ khác tạo từ ảo tưởng. Không giống như Vladimir Nabokov, người mà Linda tìm thấy, nhìn mầu sắc từ chữ và âm thanh hoặc Wassily Kadinsky, người họa sĩ liên quan đến màu sắc mà ông ta nghe qua âm nhạc. Tên của chính cô, Linda, tạo cho một vị giác của mùi bạc hà. Tên của người cậu đầy màu sắc tạo thành mùi của mật ong và cần tây. Và tên của cậu bạn trai của Linda thì có mùi vị của cà rem cam…

 Người đọc thấy được một khuôn dáng con người nổi bật, có sức lôi cuốn như một người có phép thôi miên để viết về một người phụ nữ trẻ đi tìm kiếm căn cước và gia đình của mình, như là một hành động mở ra những bí mật của quá khứ và của lịch sử. Ít nhất từ câu chuyện kể này, người đọc đã hiểu được sự cần thiết để biết về chính mình, về nơi chốn mà mình đã đến, đã sống và cũng hiểu được những gì mà mình có từ nơi chốn này. Từ sự mạo hiểm để tìm và hiểu sự thực, nhân vật Linda đã làm cho độc giả bị lôi kéo theo với hấp lực của một chủ đề nhân bản sâu sắc với những khiếm khuyết năng động của một chân dung đích thực. Nỗi cay đắng của Linda chấm dứt khá mơ hồ, cái kết thúc câu chuyện khá lửng lơ đã đặt Monique Truong vào cuộc đối thoại với các nữ tác giả nổi danh như Ann Finch, Charlotte Anna Perkins và Virginia Woolf. Vĩnh viễn là ám ảnh bệnh hoạn, những truy vấn tìm kiếm đầy tính tâm linh có thể trả lời câu hỏi về những bất bình nội tại của người phụ nữ mà họ nhìn ngắm giống như những cảm thấy không hài lòng vì sự mơ hồ từ tầm nhìn lệch lạc đến sự suy sụp tinh thần sau khi sinh nở hoặc những xáo trộn về cả tâm tính lẫn cơ thể. Chịu đựng những khiếm khuyết của nhận thức cảm giác với căn bệnh synesthesia, những điều kiện khó chịu đã làm như con người trở thành vô giác, Linda vẫn còn tồn tại những bức bối khó chịu. Một nhân vật phụ nữ trục trặc của thế kỷ 21, khuôn dáng cô nổi bật từ dòng giống tổ tiên chấp nhận những huyền bí để xác định là một phụ nữ dễ thương hơn là một cô gái bất bình thường. Cũng gần giống như ở trong một thế giới mà chữ đã có nhiều nghĩa thay đổi và kết luận vẫn coi như đầy đủ cho nhận thức con người.

  Lớn lên ở một thành phố nhỏ vào thập niên 70 và 80, Linda tin tưởng rằng cô ta có sự khác biệt sâu sắc với mọi người khác, kể cả những người thân thuộc trong gia đình của cô.”Điều gì ta hiểu về con, đứa trẻ gái nhỏ bé, là phải tách rời con làm đôi”. Đó là câu nói tàn bạo nhưng đầy bí ẩn, là những ngôn ngữ cuối cùng mà bà ngoại cô đã có lần nói với Linda.

Linda có một món quà kỳ lạ bất đắc dĩ của trời, cô nghe chữ và cảm thấy qua mùi vị. Thí dụ như khi nghe tên của người bạn trai cô, cô cảm thấy ngay mùi vị của cà –rem cam. Khi nghe tên của chính cô thì cô lại cảm thấy mùi của bạc hà. Tùy theo giọng người nói, Linda lắng nghe và ngửi thấy mùi vị hoặc thơm ngon hoặc đắng chát. Trong phần đầu của câu chuyện, với những người thân trong gia đình, cô đã khiêu vũ với người cậu kỳ quặc, người mà giọng hát đã làm giới hạn khả năng”cảm mùi vị của chữ” của cô. Cô cũng đối diện với bà ngoại của cô hay nói chua chát, Iris. Cô cũng có người cha khả kính Thomas và người mẹ lạnh lùng Deanne.

 Xen kẽ câu chuyện của Linda là những truyện ký lịch sử về tiểu bang nhà của cô, North Carolina với những truyền kỳ về nô lệ da đen thời xa xưa, chuyện về cuộc phi hành đầu tiên của máy bay, và những truyền kỳ về người da đỏ Indian.

 Bây giờ inda đã ở tuổi ba mươi, cô ngoái nhìn lại quá khứ và di chuyển dọc theo một con đường cuộc đời mà cô đã trải qua. Cô được sự giúp đỡ tận lực chí tình của người cậu tốt, Harper, yêu thương cô và cũng đam mê khiêu vũ yêu âm nhạc như cô. Cô còn có người bạn thân nhất, Kelly, người mà Linda đã trao đổi từng chữ mỗi ngày và ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống cô.. Linda có lần nói về sự thực của gia đình cô là khi họ làm phật lòng một người khác, cô nghe từ thính giác nhưng cũng cảm bằng mùi vị của lưỡi đồng thời cùng một lúc. Khi cô nghe chữ “disappoint”, cô cảm thấy đang trong tình trạng bất bình như bị nướng chín và có mùi khét. Linda ngửi thấy mùi của chữ, và theo nghĩa của chữ để có mùi vị khác nhau thí dụ như khi nghe chữ “selfish” thì lại thấy có mùi của lõi bắp ngô …

 Dài theo thời gian mà cô có thể nhớ, Linda đã có kinh nghiệm về những xúc cảm bí mật, cô cảm thấy mùi vị khi nghe từng câu chữ, với một mãnh lực để chia sẻ, hoặc kinh hoàng, hoặc khoan khoái. Khi tai nghe từng tên hoặc từng chữ, cô thấy gợi lại những mùi vị khác nhau.

Những nhân vật của “Bitter in the Mouth” biểu hiện mỗi người một cá tính riêng..”. Hai bà cháu, Iris và Linda, có những quan hệ nặng nề với nhau, trong khi hai vợ chồng, Thomas và Deanne, là cha mẹ của Linda thì có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Deanne là một người đàn bà tượng trưng cho những gì tiêu cực nhất. Thomas xuất hiện rất ít, cố gắng giữ cuộc hôn nhân trong tình trạng êm đẹp bề ngoài và trong thâm tâm ông yêu đứa con gái nhất. Người cậu, Baby Harper, đã khẳng định là độc thân suốt đời, là chỗ tựa thân cận nhất của Linda. Sự đồng tính luyến ái là một bí mật mà không ai được nhắc tới nói tới. Nhân vật Bình của “The Book of Salt” giữ kín tình yêu với người đồng tính trong khi người cậu này trong giây phút chót lại cởi mở và nói ra sự thực này.

  Linda có nhiều điều kỳ lạ, ngay cả thân thể của mình, cô cảm thấy có một điều gì huyền bí, và tâm trạng như ở hai con đường, một chỗ này ở phía nam nhưng có thể là một chỗ khác ở phía bắc. Linda chọn con đường lên phía bắc học đại học trường Yale và vào trường luật ở Columbia rồi hành nghề luật sư ở New York City. Lúc đó cô cũng vẫn chưa hiểu sự thực của mình trong quá khứ. Khi có những nỗi thương tâm trong gia đình khiến cô phải trở lại Boiling Springs, cô đã hiểu biết về người mẹ mà trước đây cô không hề biết đến và khám phá ra những bí mật của gia đình. Khám phá ấy như là một cách Thượng Đế an bài để nói ra với mọi người.

  “Bitter of the Mouth” đặt ra nhiều câu hỏi làm kinh ngạc độc giả với những giả thuyết nhiều khi đối chọi nhau. Về những ý nghĩa thế nào là gia đình, thế nào là thân hữu, và thế nào là người ngoại quốc và thế nào là người bản xứ. Cũng như thế nào là liên hệ nối liền hay đứt đoạn giữa bản thân và kẻ khác từ dĩ vãng của thể xác chúng ta, của lịch sử cuộc đời chúng ta và cả nguyên vẹn kiếp sống chúng ta nữa.

 “Bitter in the Mouth” phác họa chân dung một cô gái trẻ thông minh ngắm nhìn lại đời sống của mình với sự thắc mắc là không hiểu tại sao mình lại bỏ cái thành phố nhỏ này ra đi rồi lại trở về để tìm lại những bí ẩn từ nguồn cội gia đình mình. Tác giả đã kể lại với những diễn biến lôi cuốn độc giả.

 Monique Truong là một tác giả người Mỹ gốc Việt. Trả lời một câu hỏi đại ý cô có sinh quán là Việt Nam và đã đến định cư ở Hoa kỳ với tư cách một người tị nạn. Như vậy những kinh nghiệm sống ấy có ảnh hưởng hoặc vị trí nào khi cô dựng khuôn cho tiểu thuyết của mình, cô phát biểu:

”Lúc 6 tuổi tôi và mẹ tôi rời khỏi Việt Nam vào tháng tư năm 1975. Đó chỉ là một biện pháp phòng ngừa tạm thời để chúng tôi có thể an toàn khi giả sử có những cuộc pháo kích có thể xảy ra trong đêm. Cha tôi, là một người giữ chức vụ điều hành khá cao của một hãng dầu quốc tế, đã ở lại sau cuộc ra đi của chúng tôi. Sau ngày tháng mà Sài Gòn bị sụp đổ từ cuộc cưỡng chiếm của Cộng sản, cha tôi đã vượt biển Nam Hải bằng một chiếc thuyền nhỏ, cũng là biển khơi mà mẹ tôi và tôi may mắn đã vượt qua trên một chuyến bay từ trước đó một tuần. Chuyến khởi hành ra đi, mất mát cả nhà cửa gia sản, đã thúc đẩy người tị nạn tìm mọi phương cách có thể làm được để tạo dựng cuộc sống mà tôi đã diễn tả trong The Book of Salt. Thực ra không có những biến cố quân sự, không có người lính trận, không có các loại vũ khí trong tiểu thuyết này. Tôi giả sử không có sự trùng khớp giữa chuyến bay đường dài đầu tiên của sự tưởng tượng. Là một người cầm bút tôi đã tự mang tôi về thời điểm của lịch sử chiến tranh Việt Nam khi hòa bình không có mặt dù nhiều hay ít. Khi bạn là một đứa trẻ sống trong thời đại chiến tranh ấy thì bất hạnh thay hòa bình lại là tất cả tưởng tượng của tàn phá cũng như, tôi nghĩ là một đứa trẻ sống thời chiến tranh, một trong những câu hỏi luôn luôn trong tôi và tôi đã tự cố gắng trả lời bằng cách viết một tiểu thuyết. Câu hỏi đó là sẽ ra sao nếu trong thời điểm không chiến tranh, thì những động lực nào đã làm con người rời bỏ đất nước mình rời bỏ nơi sinh trưởng lại đằng sau…”

 Monique Truong đã gây nhiều ấn tượng cho cả độc giả lẫn người phê bình với tác phẩm đầu tiên của cô, The Book of Salt, một trong những tiểu thuyết đầy chất nhân bản của chữ nghĩa văn chương hiện đại.

  Trong cuộc phỏng vấn của nhà xuất bản Houghton Mifflin, tác giả đã nói về cuốn sách của mình:

“The Book of Salt” lấy bối cảnh ở Paris tháng 10 năm 1934. Bình, người đầu bếp, vai chính trong truyện, đi cùng hai người chủ Gertrude Stein và Alice B. Toklas ra ga xe lửa. Anh phải quyết định là sẽ phải sang Mỹ cùng các chủ nhân này hay không? Anh sẽ trở về với gia đình tại Việt Nam, hoặc tiếp tục cuộc sống tại Pháp, hoặc du lịch đến nơi nào đó mà anh chọn tùy theo ưa thích của mình? Trước khi quyết định của Bình được tiết lộ, cuốn sách đưa ta ngược thời gian và hé mở câu chuyện của người đầu bếp Việt với hai bà chủ Mỹ. Cái gì đã khiến họ phải lìa bỏ mảnh đất nơi sinh ra và lớn lên? Điều gì, nếu có, có thể đưa họ trở về quê hương? Lời giải đáp cho những câu hỏi này được nhìn ra trong những hồi tưởng, suy ngẫm, trong những quan sát và có thể trong cả những lời nói dối không thực của Bình - tất cả đều liên tục vừa xác nhận vừa phủ quyết lẫn nhau. Những câu chuyện của Bình được kể qua tiếng nói nội tâm, một tiếng nói phong phú hơn, sắc bén hơn - quả thực, nó tương phản rõ rệt với những gì mà anh đã nói thành lời. Bình là một người sống lạc lõng xứ người, làm công cho những chủ nhân mà nói một thứ ngôn ngữ hoàn toàn lạ lùng với anh. Bình vật lộn với ngôn từ của họ và mỗi lần cố gắng là mỗi lần thất bại. Bị giới hạn như thế và bó buộc chịu im lặng, Bình chỉ còn ký ức và trí tưởng tượng làm bầu bạn và chia sẻ. Trong chương cuối của cuốn tiểu thuyết, câu chuyện trở lại nhà ga xe lửa, nơi mà về thực chất chính độc giả buộc phải có một quyết định như Bình trong vui vẻ hay buồn chán tuyệt vọng. Liệu họ có xích lại gần nhau hay rời xa nhau bởi những chuyện quá khứ, hiện tại và tương lai của Bình, những câu chuyện mà tự chúng đối chọi với nhau?”

 Với tác phẩm thứ hai, Bitter in the Mouth, cô cũng đã có một thể văn xuôi lôi cuốn tạo một thời trang cho những câu chuyện của tuổi mới lớn đến trưởng thành mà thực sự không thể nào quên được trong cuộc đời để tưởng tượng ra một cô bé bị bịnh synesthesia người nếm được chữ. Là người kể chuyện, Linda Hammerick đã như đồng nhất trong liên hệ, và tác giả đã mô tả một cách xuất sắc những ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau từ gia đình, thân hữu, và cả thế giới của ngơi nghỉ để tạo thành một tiểu thuyết vừa trong sáng vừa tràn đầy thi tính.

 Tác giả đã viết về tác phẩm của mình:

”Tôi là một người viết tiểu thuyết bởi vì tôi không thể cất giọng hát. Nếu tôi có thiên khiếu về thanh nhạc, thì với giọng hát ấy có thể đầy đủ khả năng chuyên chở được những giai điệu có thể nhói sâu vào trong làn da với cảm giác không thể nghi ngờ và là cung bậc sống động nhất. Tôi không thể nào trải qua nhiều ngày của đời tôi một mình, dời đổi những con chữ khó sử dụng chung quanh một màn ảnh giống như nhiều người đã sắp xếp những mảnh puzzle từ những hình thể khó khăn và không thích hợp. Tôi hát khúc nhạc chiều, vẫy tay từ chính khuôn cửa sổ cao vút của bạn. Tôi hát điệu ru con, những phiên khúc thơ mạnh mẽ, hát thánh ca để đi trên con đường của tôi vào trái tim bạn. Tôi, Patsy Cline, Dusty Springfield, Dolly Parton, Etta James, và Khánh Ly.Vâng tôi sử dụng những tên ca sĩ này như một động từ. Rồi sau đó tôi rời khỏi bạn và tiếp tục làm chuyện đó với bất kỳ một người nào khác.

Ở trong từng cốt lõi của những điều tôi cố gắng làm với những điều tôi cống hiến - là “giọng hát” của trang giấy, khi nó không phải trong cổ họng - mà là những khoái cảm xuất phát từ cái rùng mình, là cái hệ thống thời tiết bất chợt đến, là cái nhận thức toàn diện ôm choàng từ bên ngoài và bên trong, là tất cả những tận hưởng xúc cảm khi tôi nghe được một khúc hát tuyệt vời chân thực.

Như thế khi tôi suy nghĩ về những danh sách bản nhạc sẽ hiện diện trong tác phẩm thứ hai này của tôi, tôi nghĩ mình sẽ có hai danh sách riêng biệt. Thứ nhất là những nhạc khúc đã giúp tôi hình tượng những tình cảm xứng ý khi kể chuyện, đó là những nhạc khúc của bản viết. Thứ hai là những nhạc khúc chứa đựng trong câu chuyện kể. Những nhạc khúc được viết ra. Và với mỗi danh sách có nhiều nhạc khúc.. Linda Hammerick, nhân vật chính của tiểu thuyết có một tính chất của người lệch lạc thần kinh, bị bệnh xáo trộn cảm giác vì nhận thức đồng thời nhiều cảm giác từ tai, từ lưỡi nên tạo thành câu chuyện nếm chữ. Cô đã học được một điều rất sớm trong suy nghĩ, khi say mê nghe nhạc, con chữ sẽ thành trắng không. Rồi những ca khúc, với Linda, bắt đầu thành ốc đảo để nghỉ ngơi. Nơi chốn mà con chữ chỉ mang theo ý nghĩ những gì cô cho phép, ở nơi chốn mà cô chế ngự được với những điều cô nói với chúng ta một định nghĩa của “Hạnh phúc”. Danh sách ca khúc ở dưới là của những bản viết tôi. Còn những nhạc khúc được viết ra, xin đọc ở trang mạng của tôi và hãy đọc sách tôi…”

  Với hai tác phẩm đã in, Monique Trương coi như đã đạt được thành quả nhờ sự quyết tâm của mình. Cô đã chọn lựa nghề viết văn, một con đường khó đi nhiều chông gai và bỏ quên đi nghề luật sư của mình. Trong một bài phỏng vấn, nhà văn nữ Monique Truong đã kể về trường hợp chọn lựa của mình.

”Tôi bỏ việc luật sư. Thật ra cũng chẳng phải tôi táo bạo lắm đâu. Sau khi viết truyện ngắn “Seeds”, tôi biết rằng còn nhiều thứ tôi còn có thể viết về Bình, người đầu bếp nhưng tôi không thể viết được nếu vừa hành nghề luật sư vừa làm nhà văn. Tôi không đủ sức lực và cảm xúc để làm đồng thời hai công việc. Một trong những người bạn cùng thực hiện biên tập tuyển tập “Watermark” đã gợi ý tôi xin cấp tài trợ Van Lier cho những nhà văn mà tuổi đời dưới ba mươi. May thay họ cấp cho tôi một khoản tài trợ vì lúc ấy tôi vừa đúng 29 tuổi. Khoản trợ cấp ấy là tiền mặt giúp tôi đủ trả tiền thuê nhà và tiền vay của nhà trường trong hai tháng. Tôi đã hỏi xin và nhận được một giấy phép ở văn phòng luật chỗ tôi làm việc lúc ấy. Thế là sự nghiệp luật sư của tôi chưa bao giờ thành tựu…”.    

 Monique Truong tốt nghiệp đại học Yale, học luật và ra trường tại đại học Columbia với chuyên ngành về sở hữu trí tuệ. Nếu cứ tiếp tục chắc sẽ gặt hái được nhiều thành công. Vì lòng đam mê văn chương đã có một chọn lựa có thể làm nhiều người ngạc nhiên.   

  Nguyễn Mạnh Trinh

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003