Apr 25, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
RONG ĐÊM
MAI NINH

 

Du leo lên khỏi con dốc thì trời vừa ửng nắng. Nàng không muốn dừng lại dù thấm mệt, hơi thở ngắt quãng, nhưng có tiếng chuông xe đạp lẻng kẻng đằng sau. Du vội tạt vào đám cỏ khô cao đến đầu gối, giơ tay che nắng, nheo mắt nhìn. Người đàn bà mặc áo đầm xanh đạp xe đi tới, cái giỏ mây phía sau đầy hoa cúc trắng. Du nhận ra bà ta ở bên kia đồi thông, thường xuống biển tắm mỗi chiều. Thấy Du một mình, bà nhướng mắt ngạc nhiên nhưng chẳng hỏi gì, đề nghị chở nàng đến cuối con dốc. Du lắc đầu cám ơn. Chiếc xe đạp cùng giỏ cúc thoáng chốc đã mất hút. Thay vì tiếp tục con đường đổ xuống bến xe về thành phố, nàng lững thững rẽ vào một lối đi nhỏ. Hai bên nhấp nhô những đụn cát, và dưới kia, xa hơn, là biển. Đây đó từng lùm sậy vươn cao, có đám tươi xanh, đám đã vàng. Tất cả có vẻ hớn hở sau đêm mưa vừa qua.
 
         Mới đêm hôm qua thôi ư?
 
         Không, đã như từ nhiều ngày tháng trước...
 
 
         Khi hắn ngừng xe, tôi dang chân nhảy xuống. Vừa cởi cái nón môtô, một luồng gió mát khẳn mùi biển thốc vào mặt và tóc. Hắn chỉ cho tôi căn nhà mái ngói dựng sát một bờ đá, tường quệt từng mảng sơn vàng và xám. Căn nhà có hai máng xối dài chạy dọc suốt theo mái, dẫn vào thùng phi to đựng nước, thô sơ, quê mùa. Đằng trước, khoảng sân đất trộn lẫn gạch đá cùng cỏ dại. Một đống lon bia và vỏ chai rỗng, đủ loại, ôm quanh gốc cây ngô đồng sừng sững giữa sân. Dưới tàn cây rộng như mái nhà là chiếc bàn dài ngổn ngang ly đĩa cùng dao muỗng, vài ba cái ghế dựa vào gốc cây hay vất lưng chừng trong sân. Tôi quay mặt về hướng gió, những bụi cây, cao lẫn thấp, lan tận tới biển phía dưới xa. Trên màu nước xám, những gợn sóng trắng lăng quăng dài mút mắt.
 
         Xe chưa dựng xong, đã có hai bóng người từ trong nhà đi ra. Một cô gái mặt mày tròn trịa đưa tay chào. Người kia là cô nhỏ tóc dài tôi đã gặp ở bệnh viện. Cô ta định chạy ra, nhận thấy tôi liền sựng lại nơi ngưỡng cửa. Tôi ôm balô đi theo gã thanh niên vào trong. Căn nhà chia làm ba gian nối liền nhau bằng hai khung cửa không có cánh. Khoang giữa chen chúc bốn cái giường, áo quần vất lung tung. Hắn dẫn vào căn ngoài cùng. Biển thấp thoáng qua mảng cửa được che bằng miếng kính rạn nứt. Tôi đặt balô xuống chiếc giường sắt kê sát bờ tường đối diện rồi đến đứng cạnh cái bàn gần đấy, trong khi hắn loay hoay thu dọn dăm ba thứ linh tinh trên đó. Bỗng nhiên hắn nói:
 
         - Cô đừng để ý đến tụi nó.
 
Tôi bật cười :
 
         - Anh dụ tôi đến xem dân bụi đời lấy kinh nghiệm, lại bảo đừng để ý!
 
Hắn cười theo, hồn nhiên:
 
         - Ừ nhỉ, tôi quên, nhưng này, muốn khách quan, đừng quá nhạy cảm!
 
 
         Họ có năm người, ngoài hai cô gái và hắn ra còn hai gã con trai khác cùng cỡ tuổi. Một tên là anh trai con bé tóc dài. Tên còn lại già hơn, phụ trách bếp núc. Buổi tối, hắn chui vào ngủ trong cái xe chở hàng đậu ở hông nhà. Gian trong cùng là nơi nấu nướng và phòng vệ sinh. Mọi thứ tiện nghi hơn mức tối thiểu chẳng là bao, nhưng tự nhiên tôi không lấy gì lo lắng lắm. Cả bọn ngồi ăn nơi bàn dưới gốc cây. Mỗi người tự động bầy và dọn lấy phần của mình. Thường gã đầu bếp khuân ra một cái nồi hay chảo đựng món ăn độc nhất. Hình thức bề ngoài bị đơn giản tối đa, nhưng phải công nhận, hắn nấu ăn không tệ. Trong bữa cơm, họ nói cười, chửi thề, châm chọc ồ ạt. Đôi khi tôi không hiểu hết mấy câu rặt tiếng lóng, đưa mắt nhìn gã con trai, nhưng hắn mặc kệ, thản nhiên. Hình như hắn cố tình để tôi tự chèo chống. Biết đâu hắn chẳng đang cười thầm trước bộ mặt thành thị ngô nghê của tôi? Ý nghĩ ấy khiến tôi đâm bực mình, ngồi thẳng người dậy. Sau bữa ăn, hai cô gái rửa đĩa bát chỗ thùng phi đựng nước mưa dùng cho mọi nhu cầu. Tôi đã thấy cái giếng cạnh chỗ đậu xe nhưng có tấm tôn đậy kín, sợi giây thừng kéo nước đứt một đầu đong đưa.
  
Suốt đêm đầu tiên tôi trằn trọc trên cái giường nệm mềm xèo, quay qua trở lại là những thanh sắt rên kèn kẹt. Rồi nghĩ vẩn vơ đến hai cặp trai gái cùng ngủ chung trong gian bên cạnh. Lạ đời. Sau vách ngăn, có tiếng ngáy to khủng khiếp, một trong hai cô gái chửi thề rồi càu nhàu: - phải bóp mũi, nhét khăn vào miệng hắn mới được! Tôi mệt mỏi thiếp đi lúc gần sáng. Tỉnh giấc, nắng rực rỡ đã hắt vào tận giường. Bước ra sân, tên đầu bếp to con đang phì phèo điếu thuốc dưới gốc cây. Hình như bọn họ đi đâu hết, chỉ còn tôi với hắn. Tôi cầm khăn và bàn chải đánh răng đến chỗ phi nước, ngập ngừng trước màu xanh nhờ nhờ, một lớp váng phủ trên mặt lặng lờ. Tên kia ngồi xa theo dõi. Biết thế, tôi thục mạnh cái ca nhựa rồi xối ào lên mặt nhưng vụng về làm bắn tung tóe vào người. Chiều hôm ấy, mãi chạng vạng tối họ mới về. Thằng anh và con bé tóc ngắn trên chiếc cam nhông ọc ạch, gã con trai tôi quen chở cô tóc dài ào ào môtô chạy trước, đậu xịch trong sân. Cả năm xúm lại khiêng mấy gói bố nặng vào chỗ nhà kho lợp tôn ở góc sân, cũng kề bờ đá. Trong đó, sáng ngày tò mò nhìn vào, tôi thấy cái máy phát điện. Dọc theo tường có những đòn gỗ dài, ở giữa kê một chiếc bàn rộng với kìm kéo, những đọn chỉ to, đinh găm. Và trong góc, cái máy khâu kỳ lạ. Một thứ mùi nồng nặc xông lên. Sau này tôi biết, mấy đòn gỗ dùng để phơi những tấm da họ đem về trong các bao bố.
      
Trong hơn gần hai tuần tôi ở đó, sáng nào bốn người họ đi đâu chẳng biết. Tên nấu ăn đạp xe xuống đường mòn. Thường chỉ buổi chiều họ mới ở nhà. Ba người đàn ông lọc da, vẽ, cắt, khâu. Tiếng búa đập, tiếng máy khâu xè xè lạch xạch. Họ làm đồ da: xách tay, thắt lưng...Hai cô gái hoàn toàn nhàn rỗi, bữa nào gió không quá lớn, họ ngồi sát phạt nhau bằng những lá bài, hát hỏng chửi thề, có lúc gần như gây gổ. Rồi hứng lên cười re ré, ngặt nghẽo sau một câu chuyện tục. Con nhỏ tóc dài có giọng cười chói tai và không dứt. Nhiều khi gã con trai trong nhà kho phải hét vọng ra: Câm miệng! Con nhỏ chẳng im ngay, còn cố rét lên một tràng rồi mới ngừng hẳn.
 
Chưa từng bắt gặp, nhưng tôi biết cô ta lụy ma túy qua những thay đổi bất chợt trên khí sắc và trong cử chỉ. Cả gã con trai cũng lắm lần lờ đờ gật gưỡng. Lúc đó. tôi vội tránh xa để không phải nhận cái nhìn soi sóc khó chịu của hắn. Con nhỏ tròn dễ thân thiện hơn. Sau vài ba ngày đầu, một buổi trưa ngoài sân nắng, nó ngồi ở thềm cửa một mình, tay xóc xóc bộ bài, thấy tôi, nó cười, hàm răng vàng ố thuốc lá. Trời hâm hấp nóng. Tôi đứng dưới bóng cây luồn tay vào trong áo, hong hong cho khỏi dính da. Căn nhà mái ngói trần trụi không lớp che chắn nào khác, nên nắng thì nóng hôi hổi, gió lên là lạnh căm căm. Chẳng hiểu khi mưa bọn họ làm sao? Con bé cất tiếng:
 
 - Cô nực hả, đi tắm đi.
 
Tôi ngoắt tay rủ nó đi cùng. Nó nhỏm dậy, chạy liền xuống bãi. Tôi trở vào mặc vội áo tắm rồi bương bả rượt theo.
        
Khu này suốt ngày bãi vắng ngắt, chiều về mới có vài người từ khu nhà phía bên kia đồi thông cách cả hơn cây số xuống đây. Cát không mịn, nhiều vỏ sò nhưng lẫn một thứ mica óng ánh huyễn thực. Gần mặt nước, rong rêu từng nhánh quấn quít lềnh bềnh. Bãi không rộng, ngay sau là những chòm cây, vừa kim tước nở hoa vàng cho đến những lọn đuôi chồn, cỏ gai, lau sậy. Tất cả mọc trên cát, trên những mõm đá nhấp nhô chen lẫn với những đụn cát mềm mại tạo thành chỗ ẩn hữu hiệu cho người từ nước chui lên trong những ngày có gió. Con bé tới nơi, tuột hết quần áo chạy ào vào nước. Tôi ngẩn người nhìn làn da đậm nắng hồng hào khắp thân thể nó, rừng rực sức sống. Tôi không thể không mặc cảm ngó xuống bộ ngực và cặp đùi xanh xao của mình. Cô nhỏ quay lại cười, vẫy gọi. Quơ hai ba vòng tôi thấm lạnh, chạy lên nhào vào giữa hai đồi cát nhỏ, thanh thản nhìn mấy con chim biển vục xuống, chòi lên trên mặt nước. Con bé vừa tiếp tục lặn ngụp vừa cười hùng hục một mình. Lát sau nó chạy lên cạnh tôi, không thèm mặc lại quần áo, nằm dài ra rồi tướng giọng hát cái gì đó tôi không quen. Hát chán, nó ngồi dậy, trồi ra ngoài nắng ngồi cắn móng tay. Nếu tôi lao xao cảm xúc trước thân thể mơn mởn hồng quân ấy thì ngược lại những ngón tay đang chấm mút giữa hai hàm răng làm tôi ngao ngán. Chúng thô, vuông, và móng mòn vào tới thịt. Chực nhớ tới mục đích mình đến đây, tôi gợi chuyện. Con bé tình thật kể hết, từ bà mẹ chắc hiện còn ở miền bắc với người dượng ghẻ luôn nhìn cô ta bằng cặp mắt hay háy từ khi cô nhỏ bắt đầu có ngực, cho tới quãng đời bỏ nhà đi lêu lổng khắp nơi. Cuối cùng, được gã con trai cứu thoát khi suýt bị cảnh sát tóm đi vì xét thấy trong người một gói cần sa. Con bé tự nhiên thề với tôi là nó chưa bao giờ đụng vào thứ ấy, mà chỉ đứng bán cho mấy tên đầu đảng. Tôi không tiện hỏi về mấy người còn lại, dù thèm biết thêm về gã thanh niên. Hắn có sức hút nào đó có thể kéo ta đến gần bờ vực. Con bé lại rất vô tư, hình như ngoài chuyện đánh bài và làm tình với anh trai con tóc dài thì nó không cần biết thêm điều gì nữa cả.
 
         Thật ít khi tôi gặp gã con trai một mình. Thường, sáng, hắn đi với đồng bọn, chiều, hắn hì hục làm da. Ở bữa ăn, hắn ít nói. Cuối ngày, con bé tóc dài trèo lên phía sau môtô, rồi hai đứa phóng đi. Trước đó, có khi hắn tạt qua cửa sổ, ném về phía tôi đang ngồi viết ở bàn một câu:
 
         - Đừng thức khuya, cô bệnh, ngủ sớm đi.
 
Lại có lần hắn hỏi nhưng không đợi trả lời :
 
         - Đã chán đây chưa?
 
Quá nửa đêm, họ rà xe về. Thằng anh và hai con bé lè nhè, chửi đổng luôn miệng. Tôi biết chắc bọn họ đã chè chén nhưng chưa say, nhưng hiếm khi nghe gã con trai lên tiếng. Sau đó, hắn và cô bồ bao giờ cũng chạy xuống bãi tắm, trong khi hai người kia hoặc dỡn cợt hút thuốc ngoài sân hay kéo nhau vào giường quần thảo. Lát sau, từ bãi cát chồi lên tiếng cười khăng khắc rất tỉnh ngủ của con tóc dài, rồi tiếng nước xối ào ào dưới hai ống máng.
 
Tôi quen dần với gió biển, lắm lúc chợt nhìn hai bàn tay, mấy ngón đã hồng màu máu. Bọn bạch huyết cầu hẳn đang bị trấn áp thảm hại trong cơ thể gầy guộc của tôi. Tôi cũng khá quen với cách sống vừa hoang sơ, vương vãi, nhưng lại tiềm ẩn một thứ trật tự nào đó. Quen cả với lời ăn tiếng nói thô tục nhưng lắm khi chân chất lạ kỳ của năm người này, còn bật cười theo. Nhiều khi tôi muốn tìm gã con trai trò chuyện, hình ảnh hắn dịu dàng bên giường bà mẹ ở bệnh viện hôm nào vẫn còn là một ám ảnh. Nhưng khi hắn có mặt trên khu biển này thì hoặc với hai người đàn ông kia khâu da, đục cắt. Vả chăng con bé tóc dài lúc nào cũng xoắn xít bên cạnh. Tuy thế, tôi biết hắn là loại người thích một mình. Lắm lúc hắn khoát tay, đá chân hất con bé tách ra. Con nhỏ lườm lườm có chút sợ hãi, nhưng chẳng bao lâu đã xấn lại gần. Và nếu vô tình thấy tôi vào lúc ấy là tự nhiên cô ta hếch cằm, mắt lung lên.
     
Cách đây hai ba ngày, sau bữa cơm chiều, một bọn ở đâu ào đến. Mấy chiếc xe gắn máy rồ tới, tung bụi mù trên con đường đất. Cả trai lẫn gái gần một chục. Thế là bọn họ lại bày ra, đồ ăn thức uống, và những chai rượu rẻ tiền. Thằng anh vừa khuân cái máy hát ra giữa sân là mấy cô gái vội lắc lư theo điệu nhạc. Uống đã, hút đã, bọn con trai nhập vào với họ, cả lũ cuồng lên dưới ngọn đèn treo lơ lửng đầu cành cây. Gã thanh niên thấm rượu, từ bỏ lớp vỏ lầm lì hằng ngày, cũng nói cười hò hét. Bỗng dưng như nhớ ra, hắn chạy vào phòng kéo tôi nhập cuộc. Đôi mắt hắn long lanh niềm vui, lần đầu tiên tôi nhận thấy.
 
         Tuy thế, vừa quá nửa đêm, gã con trai đã ra lệnh giải tán dù không khí đang nóng nhộn vô cùng. Thật ngạc nhiên, bốn người ở đây lẫn bọn khách không một lời phản đối, tự động lên xe lao xuống dưới đồi. Đêm hoàn toàn yên tĩnh bất ngờ. Tôi vào giường lăn đùng ra ngủ. Nhưng chẳng bao lâu chợt tỉnh giấc, qua khuôn cửa mở trăng vành vạnh trên trời, đêm trải sông sao. Xa hơn, một đám mây xẫm đen nhưng có đường viền ánh lên một màu vàng sáng rực rỡ. Tôi bước khỏi giường, sự lặng lẽ lan toả đến vô cùng, chỉ có sóng tha thiết gọi. Với chiếc áo khoác, tôi đi xuống biển. Con đường cát đêm nay hóa trắng. Sóng rào rạt, kêu gọi hơn và mùi rong rêu ngai ngái làm tôi ngây ngất. Đến một chỗ nhìn thấy biển rõ nhất, chọn hòn đá bằng phẳng, kéo cao cổ áo, tôi đứng lại hai tay ủ trong túi, đê mê hít thở. Chợt đâu có tiếng cười khanh khách quen thuộc, trăng chiếu vằng vặc. Chẳng cần tìm lâu, tôi thấy ngay giữa hai đồi cát, hai thân người quấn quít. Tôi không bước đi, chân chôn tại chỗ. Mặt trăng lùi dần vào đám mây đen, không gian bỗng tối sầm, thoáng chốc trăng lại ló ra, cứ thế. Biển tự nhiên cuồng đập, cả hơi thở tôi.
 
         Con bé tóc dài đã đứng dậy, chạy ào vào nước vốc tưới lên người. Rồi nhặt mớ áo quần, bước theo con đường dốc phía bên kia dẫn thẳng tới nhà kho, trong lúc gã thanh niên vẫn nằm xấp dài, im lìm trên cát và những nhành rong.
 
         Có lẽ sự bất động ấy khiến tôi chẳng thể quay bước dù tôi không muốn hắn bắt gặp mình. Một lúc sau gã con trai cũng đứng lên, hiện rõ ràng dưới ánh trăng đã thoát khỏi đám mây. Tương tự với con bé tròn hôm tắm chung, mắt tôi hút đi vào màu da nâu và thân hình cân đối, những bắp thịt rắn rỏi trước mặt. Gã thanh niên trần trụi dưới mắt tôi kia lừng lững một hấp lực kỳ lạ, tôi bỗng mềm người, nghẽn ngực. Cái đầu tóc ngắn hầu như trọc từng làm tôi e ngại trong bữa đầu khi hắn đẩy toang cửa, bước vào căn phòng bệnh viện, nay lại làm tăng thêm sự cường tráng của cơ thể. Muốn lùi khuất vào sau lùm cây để hắn đừng nhận ra, nhưng hai chân dường như càng lún vào cát. Mỗi giây, hắn đến gần hơn, lúc bắt gặp tôi, hắn bối rối đứng lại, hai tay cầm quần áo định khua lên. Nhưng không ngờ hắn điềm tĩnh rất nhanh, tiếp tục bước, trong khi tôi hoá gỗ. Gã thanh niên đến bên, đứng gần thân cây, lẳng lặng, cát còn đậu trên da, trên đám lông mềm trước ngực và đùi. Trong gió đêm tôi cảm thấy lũ hồng huyết cầu đang chiến thắng vinh quang. Tôi muốn nghĩ tới điều gì khác, muốn giữ bình tĩnh, muốn thở đều hòa. Tôi cũng muốn nói với hắn rằng tôi vừa viết xong đoạn kết của cuốn sách. Chắc chắn trong lúc này, hắn sẽ không thể dùng cái giọng châm chọc cố hữu để cố tình đả thương tôi. Gió bắt đầu tốc, mây kéo nhiều hơn, trăng bỗng nhiên mềm, ảo. Hắn chậm rãi mặc áo vào người, nói rất nhẹ:
 
         - Về thôi, lạnh.
 
         Sau đêm trăng, tự nhiên suốt ngày con bé ít nói. Tôi tin, nó không nhìn thấy tôi dưới vầng nguyệt sáng hôm ấy. Nó không đánh bài, chẳng xổ tục như thường lệ, ngồi tư lự trên bệ cửa xi măng. Cái vẻ hùng hổ trâng tráo đã biến đâu, chỉ còn một khuôn mặt ngây thơ buồn bã. Nhưng chiều chiều bốn người vẫn chở nhau vào thành phố. Mưa bắt đầu rơi từ lúc họ vừa kéo nhau đi, tôi nằm thao thức lo sợ, đây là trận mưa đầu tiên kể từ hôm đến đây. Tuy biết tên đầu bếp mập vẫn ngủ trong xe hàng, nhưng hình như tôi sẽ yên tâm hơn nếu có mặt gã con trai. Đêm, hai người họ về sớm hơn thường lệ, chưa có tiếng xe của thằng anh và con tóc ngắn. Họ không xuống tắm, chắc vì mưa. Gã thanh niên lục đục tìm chậu hứng những chỗ mưa dột, nước rơi lanh tanh đồm độp. Hắn soi đèn pin bước nhẹ vào phòng tôi xem xét. Ở gian bên, cô bồ nện gót đi đi lại lại không ngừng. Tên con trai bỗng gắt:
 
         - Không ngồi yên được sao!
 
Tiếng chân dừng tức thì. Con nhỏ vụt nói, giọng khàn đục, dằn mạnh:
 
         - Nói đi, tại sao ngươi không chịu?
 
         - Đã bảo không là không!
 
         - Đạo đức giả. Lần trước con J. với thằng anh ta thì ngươi bảo nó phá thai, bây giờ bắt ta giữ. Mà phải, từ ngày bà già chết, ngươi đâm khùng! Bả ám ngươi đó. Hay là con bé kia...
 
Con nhỏ chưa nói hết câu, hắn giận dữ quát:
 
         - Im miệng, tống cho một đạp bây giờ.
 
         - Giỏi tống đi, mẹ mày !
 
Cái tát văng ra, nghe rõ mồn một. Tôi giật mình nhớ lại hình ảnh con nhỏ chúi dũi vào tường ở nhà thương hôm ấy.
 
         Tiếng con bé khóc rấm rức đi theo tôi, chập chờn mộng mị cho đến sáng.
 
***
 
         Người đàn bà được khênh vào chiếc giường còn lại trong phòng vài ngày trước khi Du xuất viện. Bà ta xấp xỉ sáu mươi mà già thóp, chỉ nhìn qua Du biết bà đã đi đến chặng cuối cuộc hành trình. Không ai đến thăm bà hai ngày đầu. Bỗng buổi thứ ba, sau cơm trưa, Du sửa soạn định nằm xuống nhắm mắt một chút thì ngoài hành lang cồm cộp tiếng giầy nện mạnh. Chỉ vài giây, một gã thanh niên xô toang cửa. Du hoảng hốt nhìn lên, tên con trai ước chừng hai mươi lăm tuổi, đầu cạo gần trọc, tóc mọc lún phún chưa được nửa phân, đã sừng sững bước vào. Quần đen sát đùi, blouson da không tay để lộ hai cánh tay cuộn vàng màu nắng như gương mặt. Đôi giầy bốt nặng nề, đinh sáng loáng hai bên ống, đập vào mắt Du. Hắn ta đi tới, cao lớn mạnh bạo, che gần hết cô y tá đang chạy đến sau lưng, mặt mày hớt hải, định lên giọng cự nự. Nhưng tên này quay lại trừng mắt, thế là cô ta sựng đứng không dám nói gì. Du cũng sợ, người dính vào nệm. Gã thanh niên tiến tới bên giường bà ta, lặng nhìn, rồi nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay nổi đầy gân xanh, ghim ống dẫn truyền nước biển. Người đàn bà vẫn im lìm bây giờ tự nhiên cựa quậy và mở mắt, ngơ ngác thoáng giây. Khi nhận ra hắn, bà mỉm cười, một nụ cười hiền lành sung sướng đến tội nghiệp. Gã con trai cúi xuống hôn lên trán bà, chỉ kêu một tiếng:
 
 - Mẹ.
 
Bà ta không trả lời, giương mắt ngó con đăm đăm. Một lúc sau mới thều thào:
 
        - Ở nhà, còn đầy sách của con, hãy về lấy đi. Không, mẹ ở đây, tụi nó bán hết.
 
         - Vất đi, mẹ ạ.
 
Bà ta lắc nhẹ mảng đầu quấn băng trắng:
 
         - Biết đâu sau này cần.
 
Thằng con như muốn lảng chuyện, hỏi thăm bệnh tình một chốc, rồi bảo:
 
 - Con đi đây.
 
Trước khi bước ra, bỗng nhiên gã ta quay lại, ném cái nhìn về phiá Du để nàng kịp thấy mắt hắn xanh, sâu, phảng phất ánh người mẹ.
 
         Từ lúc ấy bà ta dần tỉnh, suốt sáng hôm sau tỏ vẻ trông đợi thằng con, cứ có tiếng cửa mở là ngóc đầu lên. Tới chiều, khi Du viết được đôi trang thì gã đến, vẫn gót giầy nện, cử chỉ hùng hổ lúc vừa tới, nhưng nhẹ nhàng ngay sau đó. Lần này hắn ôm theo cho bà mẹ vài cuốn báo, thoáng nhìn, Du biết ngay là loại tạp chí cho phụ nữ. Thằng con kéo cái ghế ngồi gần, chỉ những tấm hình trong đó cho mẹ xem với những lời bàn dí dỏm. Lật tới lật lui, sau, hắn chọn một bài về chuyện thay vợ đổi chồng của một cô tài tử xi-nê xem chừng hợp ý bà mẹ, rồi đọc. Đôi khi hắn cố ý pha giọng giống nhân vật, người đàn bà ra vẻ thích thú. Vô tình, Du cũng nghe theo, không thể tiếp tục những gì đang muốn viết. Khi gã con trai đã đi khỏi, người mẹ quay sang, bắt gặp ánh mắt Du, bà hãnh diện:
 
         - Coi bộ vậy, nhưng nó hiền và thương tôi cô ạ.
 
Cử chỉ gã thanh niên càng ngày càng khiến Du ngạc nhiên. Lắm hôm bà mẹ mệt mỏi mê đi, hắn vẫn ngồi lại vuốt mái đầu chỉ còn vài sợi tóc lơ thơ do hậu quả của sự trị liệu. Bệnh người đàn bà mỗi ngày một nặng, nhưng cứ trưa đến là giật mình khỏi cơn mê, mắt hướng ra cửa. Có lần hắn đến trễ, Du đề nghị đọc báo thay hắn cho bà đỡ bồn chồn. Khi gã tới, tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng chẳng nói gì. Thấy mấy tờ bản thảo của Du trên đầu giường, hắn đột nhiên hỏi:
 
         - Cô viết gì mà ngày nào cũng viết?
 
         - Tôi viết truyện.
 
         - Văn sĩ chuyên nghiệp?
 
         - Không, tài tử.
 
         - Viết thứ gì, thân phận, tình yêu hay...trinh thám?
 
Du không mấy thích cách hỏi của hắn nhưng gã con trai đang nhìn thẳng vào nàng nên không thể không trả lời:
 
         - Tôi viết truyện cho trẻ con.
 
         - Trẻ con! Tại sao?
 
Du hơi gắt:
 
         - Tại thích, thế thôi!
 
Nhưng lại nhận ra dường như hắn thành thật, nàng dịu giọng:
 
         - Trước kia tôi dạy học, sau này bệnh, phải nghỉ. Viết, cho có việc làm.
 
Nàng ngồi dựa thành giường, gã đứng, cao lừng lững. Một thoáng, không biết nghĩ gì, hắn nhếnh miệng :
 
         - À, nhà giáo, hi vọng không phải kiểu truyện tuổi sách hồng, hồn nhiên, êm ấm, Tối đến em học bài, ba em đọc sách, mẹ em đan áo dưới ánh đèn. Giỏi lắm nếu có con nít khốn khổ ăn mày thì cuối cùng cũng gặp được tiên, cho có hậu.
 
Du không bực mình mà chợt buồn cười, thấy ngay gã con trai đang cố tình châm chọc, dù chẳng hiểu tại sao. Biết hắn đợi nàng phản ứng, Du không trả lời ngay, mãi sau mới nói thật chậm:
 
         - Sao anh biết truyện tôi là như vậy? Bất cứ viết gì cũng không thể hoàn toàn là tưởng tượng, hư cấu hoặc sao chép. Tất cả phải dựa trên một cái nền, đó là những nhận thức thực tế, là những gì tôi sống hay tiếp cận, nhìn thấy và nghĩ ngợi.
 
         Gã thanh niên khua tay định nói, nhưng cuộc tranh cãi sắp bắt đầu ấy bỗng ngừng gọn. Một người đẩy cửa xông vào. Ba người trong phòng cùng quay ra. Một cô gái trẻ tóc dài cột đuôi ngựa, mặt mày xinh xắn nhưng đanh đá, cánh tay khuỳnh ra, cặp nách hai cái mũ môtô. Thấy hắn, cô ta xấn lại:
 
         - Trời! ngồi đợi dưới kia ê mông, hoá ra ngươi tán dóc trên này!
 
Vừa dứt câu, cô ta liếc sang tôi rồi quay về phiá người đàn bà đang trố mắt ngẩn ngơ. Đảo qua thấy mấy tờ báo, cô bé nhún vai, hích lên một tiếng:
 
         - Chà, bà già ngỏm tới nơi còn khoái coi chuyện mấy con đào sexy...
 
Cô ta chưa kịp nói hết, Du đã thấy chân tay gã thanh niên giơ lên thật nhanh, cô nhỏ bị hất chúi vào tường, đầu và hai cái nón mô tô bằng nhựa cứng đâm binh cùng một lượt. Bà mẹ kêu lên thảng thốt. Mấy cô y tá nghe động chạy đến, hét ầm, rung chuông gọi nhân viên an ninh. Cô bé chưa gượng dậy nổi, gã con trai đã xốc nách lôi mạnh ra khỏi phòng. Xong hắn trở vào, vỗ nhẹ vai người mẹ:
 
- Mẹ đừng sợ! con sẽ quay lại.
 
Du nhìn theo, trên cổ áo da đen kia hừng hừng một cái gáy đỏ gay.
      
 
Ngay hôm sau biến cố, Du được phép xuất viện. Nàng đi, không thể từ giã người đàn bà. Từ tối hôm trước người ta phải truyền moọcphin, bà chìm vào cơn mê. Mãi hơn một tuần, Du trở lại tái khám. Vừa ra khỏi thang máy, đầu kia hành lang, người bác sĩ với cô y tá quen thuộc và cả gã thanh niên, đang hấp tấp đi tới. Tự nhiên chân nàng cũng bước mau về phía họ. Lúc giao nhau, gã con trai nhìn Du như muốn nói câu gì, nhưng rồi lại thôi. Nàng ngoảnh theo, nhận ra điều khác thường, hôm nay hắn mặc bộ đồ jean xanh đã bạc. Người hắn dường như thấp xuống với đôi giầy cũ. Sau, hỏi thăm, Du được biết người mẹ đã qua đời cách đó hai hôm.
 
         Khám bệnh xong, nàng bước ra cửa bệnh viện thì trời đổ mưa. Cơn giông mùa hạ quật xuống, to hạt, ào ào. Những cây dương cong theo chiều gió, vật vã. Khu bệnh viện nằm trên miền đất cao của thành phố, dân ở đây thường than vãn, gió hút về đó ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm. Du đành trú chân dưới hiên che rộng cùng những người khác. Bỗng có tiếng nói quen thuộc sau vai:
 
         - Mưa này không lâu đâu. Bệnh cô khả quan chứ?
 
Nàng chưa kịp ngoảnh lại, gã thanh niên đã đứng bên cạnh nhìn nàng co ro trong chiếc áo mưa mỏng. Du nói nhỏ:
 
         - Tôi vừa hay tin, chia buồn với anh.
 
Hắn không trả lời, cũng chẳng nhìn nàng nữa, đôi mắt hướng về những đường mưa đang đổ thẳng những sợi cước trong vắt. Từ đó, im lặng.
 
         Rồi mưa cũng ngớt, Du nói:
 
         - Chào anh.
 
Dợm bước đi, thì hắn nói to bất ngờ :
 
         - Cô đến chỗ tôi chơi vài ngày không?
 
Tay đang giương dù, Du gập lại, ngạc nhiên:
 
         - Đến chỗ anh?
 
Gã con trai gật nhẹ :
 
         - Ừ, tới chỗ bọn tôi. Cô bảo chỉ có thể viết về những gì cô tiếp cận, vậy đến coi chơi, lấy kinh nghiệm.
 
Rồi để thuyết phục, hắn nói thêm:
 
- Tôi ở cạnh biển, tốt cho sức khỏe.
  
  
         Màn sương trắng ngoài khơi đã tan dù nắng trời còn nhẹ. Mặt biển, màu trời rõ rệt hơn. Du ngửng nhìn lên phiá cao ngọn đồi, nơi nàng vừa bỏ đi, cũng là nơi nàng đã thuận lòng đến đó theo lời mời của gã con trai. Một khoảng nhỏ mái nhà ấy thấp thoáng, lưng chừng, sau màn xanh cây cối. Khá xa thế, nhưng Du còn hình dung ra những miếng ngói nâu phủ rêu chồng xếp xô lệch. Vô tình cúi xuống, nàng thẫn thờ, hai bàn tay trắng xanh của nàng cũng lệch lạc úp lên nhau. Quanh chỗ ngồi, những chùm bất tử vàng và bìm bìm biển trèo leo trên các mô đá và cát. Du với tay ngắt một cành thủy cúc, màu hồng nhạt làm nàng nao nao nhớ cành hoa với cánh chuồn chuồn mong manh trên bức tranh treo lò sưởi. Du sẽ trở về với căn phòng phố thị của nàng.
 
Tối hôm qua mưa lạnh, gió lọt qua mái qua mọi ngõ ngách của căn nhà ba gian trên đồi. Du có cảm tưởng, ngay cả chân tường cũng đầy lỗ hổng. Vừa nhặt nhạnh đồ đạc nàng vừa thèm nhìn thấy ngọn lửa reo trên thanh củi cháy bùng.
 
         Kéo cái balô nằm nghiêng trên cỏ, tìm chai nước và ba viên thuốc tới giờ phải uống, nàng lôi ra luôn tập giấy má, có hai dòng dợm viết để lại cho gã con trai, nhưng cuối cùng đã dúi cả vào đó.
 
         Tiếng máy xe chợt ồ ồ ngoài con đường chính, Du giật thót người, đứng bật dậy. Nhưng không, chỉ là một chiếc xe nào đó chạy lên phía đồi thông. Một con hải âu từ bụi sậy vụt tung cánh, oác lên hai ba tiếng rồi xà ra biển. Ở đây, mưa hay nắng, biển cũng thật buồn. Du đeo túi lên vai, hành trang bỗng nặng. Bến xe cách chừng cây số nữa. Thành phố cũng không xa. Một chỗ để nàng trở về, nhưng đã thêm bao lẩn quẩn loanh quanh như những nhành rong mệt nhoài trên cát, chỉ có thể chờ nước cuốn đi.   
 
Mai Ninh
           
 
* cần sa

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003