Apr 19, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
MẸ CON LÀ AI
NGUYỄN TRUNG DŨNG

“Mẹ con là ai”, mỗi lần tôi hỏi câu hỏi đó với bố tôi, bố tôi đều cố tình né tránh hay tảng lờ. Có khi, hoặc lẳng lặng như không nghe thấy, hoặc ngập ngừng muốn nói mà nói không ra, câu hỏi của tôi hỏi bố, nhiều năm rồi vẫn như đầu đạn súng lớn bắn đi, đạn lép nên không có tiếng nổ vọng về. Khi, một điều thắc mắc không được giải tỏa, tôi vẫn mang điều thắc mắc ẩn ức để sâu ở trong lòng, không cách nào có thể nguôi ngoai được. Tôi thường tự hỏi, bố cố tình dấu diếm câu chuyện về mẹ, mỗi lần tôi hỏi để muốn biết rõ ràng sự thực, tại sao bố tôi lại không nói. Chính vì sự cố tình dấu diếm như thế, tuổi đời theo thời gian và trí óc phát triển, tôi càng thấy tò mò muốn biết câu tôi hỏi”mẹ con là ai” phải được bố tôi dứt khoát trả lời.

Có một lần, thấy tôi cứ cố ý gặng hỏi, bố tôi vừa bực vừa muốn trả lời một lần cho xong, nên đã gằn giọng bảo:
“Chuyện người lớn, bố nghĩ con không cần biết để làm gì. Học hành chính là việc trước mắt của con.”
“Vậy chừng nào con mới được phép nghe bố nói về chuyện đó.”
“Chừng nào hả. Vài năm nữa lúc con đã trưởng thành.”
“Bố đã hứa, bố phải nhớ giữ lời bố hứa nhé.”
“Ừ.”
Bố tôi “ừ” cho qua câu chuyện. Tôi đã nuôi tiếng “ừ” đó suốt nhiều năm trời cho đến khi tôi tròn hai mươi tuổi. Ở cái tuổi hai mươi của một người con gái, tôi tin rằng tôi đã trưởng thành để nếu tôi có hỏi bố tôi về mẹ tôi là ai, bố tôi sẽ không thể từ chối trả lời cho tôi biết được.
Một ngày khi bóng tối đã về, ở trong phòng khách, tôi nhớ đến tiếng “ừ” của bố tôi đã hứa, nên tôi dứt khoát muốn bố tôi phải thực hiện lời hứa của bố với tôi.
“Con gái của bố bây giờ đã hai mươi. Ở tuổi hai mươi, con có thể được coi là người lớn.”
“Đúng vậy. Con thực sự đã là người lớn dưới mắt bố. Và, con đã đến tuổi có thể lấy chồng.”
“Con không nói đến chuyện lấy chồng. Con chỉ muốn nhắc tới chuyện nhiều năm trước đây bố đã hứa với con.”
“Hứa. Bố hứa cái gì bao giờ đâu.”
“Để con nhắc lại nếu bố thực tình cố ý quên. Ngày đó, nghe con hỏi về mẹ, bố bảo chừng nào con lớn bố sẽ cho biết, con nghe lời bố và nói bố phải hứa với con khi con tới tuổi trưởng thành, bố đã ”ừ” thì bây giờ bố phải giữ lời bố nói chứ .”
Bố tôi nghe nhưng vẫn làm bộ tảng lờ như cố tình tai bố nghễnh ngãng, mắt vẫn chăm chú đọc sách chỉ trả lời nhát gừng cho qua:
“Chuyện gì vậy nhỉ. Hứa hả. Bố hứa cái gì với con vậy.”
Tôi đáp thẳng thừng:
“Bố hứa sẽ cho con biết “mẹ con là ai”.
  
« À, mẹ con. Mẹ con là một người đàn bà. Người đàn bà đó đã đẻ ra con. Bố trả lời như vậy có được không ».
« Không được. Bố trả lời như vậy là không được ».
« Vậy con muốn bố phải trả lời như thế nào bây giờ ».
« Mẹ con. Mẹ con là ai ».
« Đã lâu rồi, bố không muốn nhắc lại chuyện cũ, nay con cố tình ép bố phải kể lại, con có biết đấy là con đã vô ý khơi lại nỗi đau trong lòng bố không. Thôi cũng được, nếu con đã muốn, bố sẽ thực hiện lời hứa của bố đã hứa với con ».
Bố tôi ngưng nói rồi ngồi với vầng trán có những vết nhăn, suy nghĩ để nhớ lại câu chuyện mà bố tôi muốn kể lại.
« Giữa anh và người đàn ông em quen biết, đã đến lúc em phải quyết định dứt khoát chọn một trong hai hơn là kéo dài tình trạng như thế này mãi. Giải pháp cuối cùng nếu em muốn được sống chung với ông ta, anh sẵn sàng hi sinh hạnh phúc gia đình bằng cách anh và em phải đưa nhau ra tòa xin ly dị. Chỉ còn con đường duy nhất đó để chấm dứt một thảm cảnh đã kéo dài quá lâu và không thể khứng chịu để chấp nhận thêm được nữa. Đây là lần cuối cùng anh phải nói ra để thà đau một lần còn hơn kéo dài cái đau như thế này mãi mãi được ».
« Anh vừa nói đến chuyện ra tòa, nếu anh muốn đưa em ra tòa để xin được ly dị, đấy là ý nghĩ của riêng anh chứ không phải là của em muốn. Dù sao đi nữa, cái ý nghĩ đó cũng làm tổn thương và chạm đến tự ái của em, em dám bất chấp nếu như mình bị đẩy vào con đường cùng. Một con đường cùng thì không bao giờ có lối thoát. Còn chuyện em đã quá đà đi lại với người đàn ông mà em quen biết, người đó chẳng phải là ai xa lạ mà là người tình cũ của em, một việc đã xẩy ra rồi, như một vết chém đã hằn vết, nay nếu có muốn làm gì đi nữa, thì vết hằn cũng không thể nguyên vẹn như trước trên da thịt được ».
Đối đáp giữa hai người vào buổi tối hôm đó đã xẩy ra, trong ôn tồn bình tĩnh nên không phải là cuộc đấu khẩu, là bởi giữa ông và vợ đã kiềm chế được cơn nóng giận và giới hạn được ngôn ngữ thái quá trong lúc nói. Ở trường hợp này, nếu không phải là ông mà là một người nào khác, câu chuyện chắc chắn sẽ căng thẳng với những lời nói lớn lối, hành động sẽ là những thái độ hung hăng, như một con bò tót trong đấu trường hăng máu. Hình ảnh con bò tót đó là hình ảnh dễ sợ với một cảnh bò và người quần thảo trên sân đất giữa một đám khán giả vừa thích thú vừa hồi hộp ngồi coi, đầu với hai cái sừng cong và nhọn, bò chụm bốn chân lao tới với hai cái sừng chĩa thẳng về người đấu bò đang đưa ra tấm vải màu đỏ, rồi …
Lộn xộn trong đầu với những ý nghĩ chắp vá về một chuyện đã qua nay phải hồi tưởng lại, ông cố nhớ như một người đã bỏ xứ sở ra đi, nay có dịp trở về thành phố cũ, thấy những con đường và nhà cửa, thấy những cây cối hai bên lề đường, thấy đêm với vầng trăng khuya lạnh lẽo, sau một trận chiến vừa xẩy ra. Tâm trạng của ông lúc này xôn xao hoang mang như tâm trạng của ông lúc đứng trước những cảnh đổ nát hỗn độn đó, nên ông ngồi rũ người như một bông hoa cánh đã úa héo và tàn tạ.
Một người ngoài cuộc như con ông, nó chắc chắn chẳng thể hiểu được nỗi đau của ông nên nó đang ngồi chờ để ông phơi bầy nỗi đau đó. Nhiều năm trôi qua như nước chảy trên dòng sông, có một điều ông muốn, nước cứ miệt mài chảy như thời gian qua đi, để ông mỗi lúc mỗi thấy quá khứ theo ngày tháng lùi xa như con tầu bỏ nhà ga xả tốc độ để về nơi tầu phải đến.
  
« Bố. Sao bố cứ ngồi mà không nói gì cả ».
Ông bố nghe con hỏi, giật mình cũng là lúc những ý nghĩ trong đầu ông như luồng khói bay đi.
« Ờ. Bố đang hồi tưởng để nhớ lại ».
«  Con thấy có điều gì đó làm bố không vui. Nếu vậy, bố không vui thì để hôm khác bố kể lại cũng được. Con không muốn cố ý ép bố đâu ».
« Ờ ».
Bố tôi lại « ờ » khi nghe tôi nói thế. Buổi tối với câu chuyện chỉ có vậy, không đi xa hơn được, đến giờ ngủ thì tôi nói bố tôi đi ngủ. Ngồi lẻ loi một mình trong căn phòng, tôi nhìn ra khu vườn ở bên ngoài, mắt chỉ thấy những cây cối già đang đứng rũ những đám lá. Đêm không có trăng. Bầu trời thẫm đen và đường phố, nhờ ánh sáng của những ngọn đèn đường tỏa xuống, vẫn đấy chỉ là hai dẫy xe đậu ở cạnh hai bên vỉa hè.
Ngày này qua ngày khác, câu tôi hỏi bố « mẹ con là ai » vẫn chỉ là quả đạn pháo câu đi, nhưng ở xa nơi quả đạn rớt xuống, đạn lép nên không có tiếng nổ vọng về. Như thường nhật, buổi chiều bố tôi ra hộp thư lấy thư. Ngồi ở phòng khách giở coi từng lá thư, bố tôi chợt nói:
« Cô làm đám cưới cho con gái lớn của cô, cô gửi thiệp mời bố con mình đến dự ».
« Vậy hả bố. Con gái cô có phải tên là Phương Khanh đấy không ».
« Phải. Con bé lấy chồng người Mỹ ».
« Nếu con đi dự, bố muốn con ăn mặc như thế nào ».
« Ăn mặc như thế nào tùy ý con. Bố thấy áo màu gì, với nhan sắc trời ban cho con, bố tin rằng ở nơi nhà hàng tổ chức đám cưới đêm đó, con vẫn là người đẹp nhất của buổi lễ hội ».
« Bố nói « nhan sắc trời ban cho con » như thế là sai rồi. Con nghĩ nhan sắc đó là của mẹ con ban cho con mới đúng ».
« Ừ thì Trời hay Mẹ cái nào cũng được cả ».
Thường mỗi khi nghe tôi nhắc đến mẹ, bố tôi hay lái sang chuyện khác hơn là để tôi kéo mẹ tôi vào sâu câu chuyện.
« Con đã đồng ý, bữa tiệc cưới hôm đó, bố con mình sẽ đi ».
Một lần nữa bố nói để xác nhận, thấy tôi gật đầu thì bố tôi bốc điện thoại gọi cho cô tôi, đồng ý đi dự đám cưới của con gái cô.
Ngày cưới rồi cũng đến. Ở nhà hàng, bố tôi và tôi được xếp chỗ một trong những cái bàn của bên nhà gái. Những người khách ngồi ở cái bàn đó, tôi nhận ra phần lớn là quyến thuộc xa gần bên bố tôi. Có nhiều người tôi đã gặp nên tôi biết mặt. Trong đời tôi, đây là lần đầu tôi đến dự một buổi tiệc cưới nên giữa đám đông người, tôi cảm thấy mình hơi lạc lõng và lẻ loi. Bố tôi gặp người thân nên hết quay sang nói chuyện với người này lại quay qua nói chuyện với người kia, chưa bao giờ tôi thấy bố tôi vui như thế. Đã tới giờ bắt đầu khai mạc, MC bước lên sân khấu đứng sau cái « micro ». Một cô gái có khuôn mặt trái soan, tóc để dài, môi hình trái tim, mặc áo màu xanh có thêu mấy bông hoa cúc, lên tiếng chào mừng quan khách và chúc cô dâu chú rể với những lời thân tình và nồng nhiệt nhất. Buổi lễ diễn tiến theo từng tiết mục đã ghi trong chương trình, hết màn này đến màn kia, cuối cùng thức ăn được nhà hàng mang ra bầy trên bàn để khách bắt đầu nhập tiệc. Thời gian đó là thời gian của ban nhạc khởi động với tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát cất lên để giúp vui. Có người nghe, có người mải ăn nên không
 
 
nghe, có người đầu ghé gần nhau chuyện trò riêng tư chẳng cần biết trời trăng đất nước.
Ở một cái bàn không xa bàn tôi ngồi, tôi thấy có một bà cứ lâu lâu lại đưa mắt về phía tôi để nhìn tôi hay nhìn ai đó tôi không biết nữa. Rồi có một lúc, tôi thấy bà ta đứng dậy rời khỏi bàn, đi về chỗ tôi ngồi. Đến đứng sau lưng bố tôi, bà ta nhìn bố tôi với đôi môi hơi hé mở. Một nụ cười chưa thành hình đã biến ngay mất khi bố tôi đang ngồi bỗng đứng bật dậy, đẩy cái ghế sang một bên để rời khỏi bàn. Bố tôi đi về hành lang nơi có mũi tên gắn ở tường viết một chữ « restroom ».
« Lớn và đẹp dễ sợ, mẹ cứ nhìn mãi mà không nhận ra ».
Tôi chưng hửng. Đấy là bởi chữ « mẹ » bất ngờ tôi nghe được khi bà ta nói, tôi lại nghĩ bà ta đã nhận diện lầm tôi với một người nào khác. « Mẹ », nhiều năm rồi, chữ « mẹ » đó đã thiếu vắng trong ngôi nhà tôi ở cũng như chữ « mẹ » đã làm bố tôi khó chịu khi nghe tôi nhắc đến, vậy mà đêm nay, một người đàn bà lạ bỗng dưng xưng « mẹ » với tôi như thừa nhận tôi là con của bà ta vậy. Tôi ớ người và nhìn đăm đăm bà ta đang đứng nhìn tôi xăm xoi.
« Con khỏe không ».
« Thưa bác, con khỏe ».
« Đừng gọi là bác, con phải gọi mẹ là mẹ ».
« Vâng. Ở tuổi bác, bác chắc cũng có con gái lớn bằng con, nếu bác cho phép, con không kêu bác là bác mà là mẹ vậy ».
« Phải. Mẹ là mẹ còn bác là một người xa lạ vô can dự « .
« Thưa bác, à thưa mẹ, con xin lỗi, lúc nãy, con  thấy mẹ ngồi ở bàn bên kia, sao mẹ nhìn con chầm chập vậy. Con cứ thắc mắc tự hỏi, con có gì lạ mà mẹ phải nhìn con như thế ».
« À, mẹ thấy con bây giờ lớn thật lớn, lại đẹp nữa, nên mẹ cứ phải nhìn ngắm con ».
Câu chuyện bị cắt đứt khi bố tôi trở lại bàn. Bố không nhìn người đàn bà và khi kéo ghế ngồi xuống, bố quay sang nói với tôi:
« Con ăn đi. Từ nãy đến giờ, bố chẳng thấy con đụng tới bát đĩa gì cả ».
« Ờ, con ăn đi ».
Sau lời nói phụ họa với lời bố tôi nói, người đàn bà thấy chẳng còn lý do gì để đứng ở đó nữa, bà ta quay về bàn của mình. Ngồi xuống ghế cạnh ghế của một người đàn ông đeo cặp kính trắng, mép để râu, bà ta nói cái gì đó với ông ta rồi đầu cứ lắc qua lắc lại. Tôi như một quả bông gạo bỗng toác vỡ vỏ, những sợi bông trắng nhẹ thênh nhẹ thếch từ trong cái vỏ toác đó thoát ra bay đi tứ tung, bay chấp chới trong luồng gió thổi để trôi về khắp nơi khắp chỗ. Có sợi xà thấp dính vào đám cỏ bên sườn đồi, có sợi vút lên cao biến vào không gian bao la và rỗng tếch.
Rời khỏi nhà hàng, xe xuống « freeway », rồi cứ thế lao đi trên con đường cao tốc. Bố tôi ngồi cầm tay lái, im lặng đến khó hiểu, chẳng nói ra một lời, ngay cả tiếng cười nữa.
« Bố sao kỳ lạ vậy. Có điều gì trong bữa tiệc làm bố không vui ».
« Chẳng có điều gì cả ».
« Rõ ràng là có điều gì sao bố lại nói là chẳng có ». 
« Bố đã nói chẳng có. Tại sao con phải bận tâm và thắc mắc về chuyện đó để làm gì ».
Thôi không hỏi nữa, tôi ngồi lặng im. Lại nhớ đến người đàn bà trong bữa tiệc, tôi quay quắt hỏi bố thêm một câu hỏi nữa:
 
« Người đàn bà đến bàn hỏi con, người ấy có phải là mẹ con không ».
« Con muốn nghĩ sao cũng được ».
« Thì ít ra bố phải giải thích cho con biết chứ ».
« Bố chẳng cần giải thích gì cả. Giải thích cái gì khi cái điều cần giải thích đó chẳng cần làm bố quan tâm ».
« Thì ít ra ..."
« Thôi ngưng. Con phải biết rằng bố đang lái xe ».
Mắt tôi nhìn về phía trước con đường, chỉ thấy con đường với hai vệt sáng của hai vệt đèn pha. Từ đoạn đường đó cho đến lúc xe về đến nhà, bố tôi và tôi giữ sự im lặng thay cho lời nói hay tiếng cười như mọi khi.
Đêm với giấc ngủ, tôi nằm mơ thấy người đàn bà trong bữa tiệc của buổi tối, tôi đã gọi tiếng « mẹ » lần đầu tiên trong đời tôi với người đàn bà đó như thể bà ta chính là người mẹ của tôi vậy.
 
NGUYỄN TRUNG DŨNG

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003