Apr 18, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
KHOẢNG CÁCH
LINH VANG

Sau chuyến đi VN trở về, bà Tâm vừa phụ chồng đem va-li đồ đạc bỏ tạm ở phòng khách xong, là bà đã vội đi mở tung những cánh cửa sổ cho không khí mát bên ngoài lồng vào mọi phòng. Căn nhà rộng lớn, cả tháng đóng kín. Trời tháng tám, bốn giờ chiều còn nắng nhưng không gắt lắm. Đứng bên cửa sổ ở phòng ngủ của mình, nhìn ra khu vườn, bà hít thở một hơi dài khoan khoái. Đi đâu rồi cũng nhớ nhà của mình, nhất là được nằm trên cái giường quen thuộc. Bà đảo mắt một vòng tìm ông Tâm, ông đang đứng cạnh hồ cá, nhìn đàn cá đỏ, vàng, cam, bạc bơi lội. Mấy bông súng đỏ, hồng đậm và trắng nở, nằm phơi mình trên mặt nước. Chợt bà nghe tiếng ông kêu bà ra coi … Ông vừa khám phá ra cái con Thiên Kim đã đập bầu, từ bao giờ. Con cá này có màu bạc nên đã được bà đặt cho cái tên đó. Cả năm con cá lớn, đều được bà đặt tên!

Ông Tâm người thấp, nước da đen rắn chắc. Năm nay ông đã 68 tuổi, nhưng ông vẫn chưa về hưu, vì ông thấy ông còn khỏe mạnh và sợ ở nhà sẽ buồn chán. Công việc làm lâu năm đã thành thạo, quen thuộc nên không còn khó khăn đối với ông. Vả lại, các sếp lớn của ông còn cần ông lắm, nên họ đối xử rất tử tế. Lương tháng khá cao, quyền lợi hậu hĩnh. Thời buổi kinh tế khó khăn, thiên hạ mất việc nằm dài ở nhà chờ phone, ông mà bỏ việc thì cũng tiếc.

Bà Tâm 60 tuổi, dáng người cao thon, làn da trắng mịn, có đi làm chừng 15 năm, bà đã nghỉ làm năm bà 55 tuổi. Hồi mới qua Mỹ, bà ở nhà lo cơm nước và chăm sóc con dại. Khi chúng khá khôn lớn, bà mới đi làm. Bây giờ, ba đứa con, một gái, hai trai, đã ra ở riêng hết rồi. Đứa lập gia đình, đứa đi làm xa.

Thanh Hương lấy chồng, mua nhà ở gần đây, mười phút lái xe thôi. Hương là cô giáo tiểu học của trường Steven Williams. Cô có hai con nhỏ, một bé gái Stephanie học lớp một, một bé trai Tony chưa đi học. Bà Tâm ở không cũng buồn, muốn giữ cháu, nhưng sợ mẹ cực nên Hương không để cho mẹ giữ. Hương mướn một bà Mễ tới trông coi thằng bé hằng ngày. Tony thường ngày gần với bà nanny nói tiếng Mễ, thằng bé cũng bập bẹ nói tiếng Mễ, nghe rất dễ thương.

Bà Tâm có trách Hương:
“Con để má giữ thằng Tony, rồi má dạy cho nó nói ít tiếng Việt để khỏi quên nguồn gốc, có phải hơn không? Người Việt gì mà không nói được tiếng Việt, thiên hạ lại chê nó, trách mình.”

Hương cười trả lời:
“Má ơi! Cháu nó cũng đâu hẳn là người Việt đâu má. Với lại, con không muốn má đã cực vì con nhiều rồi, nay lại cực vì cháu. Để má rảnh rang đi du lịch như người ta. Con mong muốn được thấy má như vậy”.

Larry, chồng của Hương là người Mỹ gốc Ý. Tổ tiên anh qua lập nghiệp xứ này từ thời ông cố, Larry cũng đâu nói được tiếng Ý, dù rất sành sỏi những món ăn Ý. Hai người quen nhau từ thời trung học. Mới đầu bà Tâm không chịu, nhưng mối tình bền vững kéo dài qua nhiều năm từ trung học lên đến đại học thì bà cũng xiêu lòng, đành cho lấy nhau. Ông Tâm dễ dãi hơn. Ông theo đạo Tin Lành, nên ông nghĩ mọi người đều là con của Chúa. Gốc nhà Larry theo đạo Công Giáo, nhưng Larry thì không tha thiết đi nhà thờ Công Giáo nên khi lấy vợ, Larry theo vợ đi nhà thờ Tin Lành.
Hương nói thằng bé không hẳn là người Việt là vậy, hai đứa nhỏ con của cô mang hai giòng máu, chúng nó là dân Mỹ. Mỹ gốc Việt, gốc Ý.

Bà Tâm quay đi, nói lẫy hờn:
“Chẳng trông mong gì được cháu ngoại. Bà cháu lại phải dùng tiếng Mỹ ngọng nghịu để nói với nhau!”

Bà chỉ lẫy hờn lúc đó thôi, chứ mẹ nào lại đi giận lâu với con. Bà thương con, thương cháu không hết!

Ông bà Tâm có hai thằng con đều có công ăn việc làm ở xa. Một đứa bác sĩ, một đứa kỹ sư. Đứa bác sĩ có bồ là y tá người Mỹ, làm chung một bệnh viện. Khoa mới ra trường, tuy cặp bồ với Carol, nhưng nói chưa sẵn sàng lập gia đình. Bà Tâm mong con lấy vợ Việt, nhưng người Việt ở vùng này hiếm, con bà lại sống ở Mỹ lâu, hợp với con gái Mỹ, chứ không hợp với con cái của những gia đình HO mới sang, lối sống còn rất VN. Khiêm trước đây có vợ Việt, nhưng không hợp nhau, được một năm thì ly dị, chưa có con. Bây giờ trở lại độc thân, bồ bịch lung tung, ấy là ông bà đoán vậy qua cách nói úp mở của anh em nó, chứ họ chưa thấy một con bồ nào của nó. Hai thằng con chỉ giống ông ở nước da đen thôi, nhưng mà đen ít hơn ông. Khoa và Khiêm giống mẹ hay bên ngoại nhiều hơn nên đứa nào cũng khá đẹp trai, cao ráo.

Hồi xưa, sau khi lấy bà xong, ông Tâm còn cho bà đi học. Ông cưng vợ vì vợ trẻ và đẹp. Thủa đó, khi hai người còn trẻ, ông cũng ghen dữ lắm, chục lần là đều ghen vô lý; mỗi lần ghen, ông nổi nóng, nói những điều nặng nề với bà. Tuy phùng má, trợn mắt, mặt dữ dằn, đập bể chén bát, xô ngã bàn ghế, nhưng chưa lần nào ông đánh vợ. Càng lớn tuổi, ông càng đằm tính lại, bớt ghen tuông. Làm sở Mỹ có tiền, không những ông nuôi bà ăn học mà ông còn bảo bọc đám em của bà nữa, lo chúng ăn học, dựng vợ, gả chồng cho chúng sau này. Cha bà mất sớm, mẹ bà ở vậy, tần tảo với một quán ăn nhỏ nuôi mấy chị em bà, đời sống rất chật vật; từ ngày có ông đeo đuổi rồi lấy bà thì gia đình bên bà dễ thở hơn. Với mọi người chung quanh, ông Tâm là một người chồng tốt, biết lo gia đình, không cờ bạc, rượu chè, trai gái.

Ở vườn sau, một hồ cá rợp bóng cây sơ-ri, vào một buổi chiều mát trời ông ra hóng mát, nhìn những con cá bơi lội; mấy phút sau bà cũng đã xuống đứng cạnh ông để cùng ngắm nhìn những con cá đang bơi lội ấy. “Trông chúng mà lòng mình cũng thanh thản theo, phải không mình?”, bà chợt hỏi ông như vậy, nhưng không nghe ông trả lời. Bà thấy thật bình an bên ông. Ông đã lo cho bà mọi thứ. Quyết định mọi thứ. Ông đi tới đi lui, xem xét những bụi hoa, thấy lá hoa hồng trở vàng và có những đốm đen. Ông nói:
“Hoa hồng lại bị bệnh rồi, tôi phải mua thuốc xịt rầy mới được.”

Mấy tuần ông bà đi VN thì ông có nhờ thằng Scott con ông hàng xóm bên cạnh qua tưới nước bông hoa cây cỏ giùm, nhưng chuyện sâu bọ này thì ông phải lo rồi. Bây giờ, ông thấy chuyện vườn tược nặng nề, mất thì giờ quá, không còn là cái thú giải trí cuối tuần như mấy năm trước nữa. Ông nói với bà chắc ông phải kiếm người lo chuyện này. Bà nói, thì tùy ông quyết định thôi, lớn tuổi rồi, cũng không nên bỏ sức cho nhiều thứ quá, không đáng. Dĩ nhiên, ông nói là ông làm, ông đâu cần bàn với bà, vì xưa nay nhiều chuyện quan trọng hơn mà ông còn tự tính toán, chứ không để cho bà phải lo rồi ưu phiền. Bà cảm thấy hạnh phúc được chồng lo, bà vẫn hay nói với mấy bà bạn thân như vậy. Có người lại thương hại bà, kêu bà phải tập tành biết tiền nong ông bà có bao nhiêu, giấy tờ quan trọng ông để ở đâu, để lỡ có chuyện gì, nửa đường ông đứt gánh, bà còn biết mà tự lo cho bà. Bà cười khanh khách nói, lo làm chi cho mệt, ông đã kêu là nếu ông có mệnh hệ nào thì tất cả nằm trong cái tủ ở phòng ngủ đó, các con chỉ mở ra là biết, rồi chúng lại tiếp tục thay ông lo cho bà. Nghĩ là các bà thế nào cũng nhắm vào chuyện bà bé, bà nhỏ, nên bà lại nói thêm:

“Còn nói chuyện ông có mèo mỡ, theo con mẹ nào hả? Ổng đen, lùn, xấu xí thế kia, ai mà thèm chứ!”

Có bà lấy kinh nghiệm nhìn đời, cẩn thận khuyên:

“Chị nói không thèm chứ chị nới tay ra coi có ai thèm anh nhà không? Nhất là cỡ ảnh về VN còn sáng giá lắm đó. Đàn ông thường có tính thương người, mình thả lỏng ra là đi thương bậy liền hà. Chị đừng ỷ y! Hãy nhìn cảnh chị Yến kìa. Ai có nghĩ người hiền như anh Hưng mà cũng bỏ vợ hiền, đẹp như chị Yến để đi si mê một bà khác không? Lại chịu làm đám cưới lớn với bà ta nữa! Cho mở mày mở mặt bà ta. Mời đông đủ bạn bè. Mời tôi, tôi đâu có đi!”

Bà có biết chuyện ấy. Ừ! cái cha Hưng về VN mắc trúng bùa ngải gì mà làm chuyện điên như thế không biết nữa. Rồi sao không làm đám cưới quách bên đó cho rồi, lại đưa sang bên đây làm.

“Em cũng lấy làm lạ thật đó! Nhưng em cảm ơn các chị đã dặn dò, em vẫn nghĩ là chồng em không có tánh đó đâu. Mấy chục năm sống bên nhau, có phải một hai bữa đâu mà không biết tánh nhau.”

Một bà lại nói:

“Chị ơi! Cẩn thận là hơn! Ảnh hiền mà người ta đâu có hiền! Nghe nói bên đó họ có đủ trò để chài mấy ông. Ông nào về cũng để lại một cô vợ hờ trẻ măng. Gửi tiền về nuôi ả, thì ả lại đi nuôi kép hờ khác!”

Rồi quay nói với các bà kia:

“Các chị nhớ nhé! Đừng có để cho mấy ông về VN một mình!”
*

Những ngày sau đó, đôi khi bà bắt gặp ông buồn buồn, khuôn mặt trầm tư, khiến bà đoán chừng ông nhớ anh em của ông ở bên VN. Sau chuyến đi VN về, bà cũng khuyên ông nên sắp xếp về hưu là vừa, về để mà vui thú tuổi già. Thấy bạn bè đi cruises, đi du lịch, bà ham quá, cũng mong ông rảnh mà đưa bà đi. Nếu ông về hưu trễ, khi đó sức khỏe yếu kém, lại chẳng đi đâu được. Bà nói gì thì nói, ông cứ ừ hử; nhưng xem chừng ông lại có ý làm nhiều chuyến về VN nữa. Mấy năm nay, ông cũng hay về vì chuyện gia đình bên ông, cần có ông để giải quyết. Cha mẹ ông mất trước cả 75, ông chỉ còn anh em thôi. Vậy mà cứ cãi cọ, xích mích vì cái nhà lớn và miếng đất rộng của ông bà để lại. Họ cứ đòi bán để chia nhau. Ông không phải là trưởng nam, cũng không phải là nhà chỉ có ông là con trai, nhưng vì ông ở nước ngoài, mọi người ai cũng cho là ông có tiền, nên cứ đùn cho ông giải quyết. Dĩ nhiên là ông phải dùng tiền bên này để giải quyết. Biết là ông cứ bám víu lấy nhà đất vì của ông bà tổ tiên để lại, không cho bán. Họ cứ hù bán là ông chi tiền ra!

Vài lần phải chính ông về thì mới lo xong việc được. Đi hai người tốn kém, nên ông nói bà đừng đi. Bà tiếc tiền cũng chẳng muốn đi. Về VN như lần này chẳng đi chơi đâu, chẳng thăm thắng cảnh nào, cứ lẩn quẩn trong nhà giải quyết chuyện cãi cọ của đám em.

Một bữa trong lúc nói chuyện với bà Trí ở cùng thành phố, bà Tâm nghe bà Trí bảo hôm trước bà có gặp ông Tâm đi gửi tiền ở chỗ ABC. Bà Trí chỉ vô tư nói thế rồi đề cập ngay qua chuyện khác. Bà Tâm nghĩ bụng. Gửi qua dịch vụ ABC thì chỉ có gửi tiền về VN thôi. Nhưng bà Tâm lại không nghe ông nói gì về chuyện gửi tiền đó. Sau đó, bà cũng không hỏi ông. Bà vẫn nghĩ không phải là chuyện của mình. Chuyện tiền nong bao năm một mình ông lo, từ hồi họ mới lấy nhau mấy chục năm về trước, rồi ngay cả thời gian 15 năm bà đi làm. Để ý thêm chi cho mệt!

Một ngày. Là cái ngày ông cho bà biết một tin động trời: Ông muốn ly dị bà để về VN lấy vợ khác. Ông đã có con với bà nhỏ này. Bà Tâm nghe điếng người. Bà chới với. Mưa trong lòng mà cũng mưa ở ngoài trời, vì bữa đó là một chiều mưa gió của tháng 12. Ông bảo ông cũng khổ tâm lắm khi quyết định về ở hẳn bên VN, mới đầu chỉ tính đi đi về về thôi, nhưng con ông còn nhỏ quá mà bác sĩ lại vừa cho biết nó mắc bệnh suyễn (sau này về VN rồi, ông mới biết đứa con nhỏ của ông không có đau ốm gì hết, cô vợ bé chỉ nói thế để ông lo mà về ở VN thôi), cần có ông bên cạnh để lo cho mẹ con nó. Ông cũng già rồi, ông chọn giải pháp về VN để dưỡng già luôn, chứ không muốn đưa họ qua Mỹ. Bà chới với là phải vì không dè tình huống đã đến nước này rồi. Gạo đã thành cơm!
Cả hai im lặng. Một khoảng thời gian dài tưởng như bằng đời của bà! Rồi bà là người lên tiếng trước:
“Ông lấy ...con đó...từ bao giờ?”
“Hai năm!”
Ông vừa nói vừa đưa tay ôm đầu, cái đầu đang cúi xuống, để lên hai đầu gối của ông. Ông nói nhỏ vừa đủ cho bà nghe, tôi không thể nào bỏ mẹ con nó!
Có một lúc, ông cũng khóc hu hu, như chính ông cũng là nạn nhân trong tình cảnh này. Ông xin bà tha lỗi cho ông. Mẹ con nó cần tôi hơn. Ông là người có tội mà ông khóc tỉ tê, tới điều khiến bà gần như phải dỗ dành ông, nín đi, rồi tui cho ông về VN với con bồ nhí đó. Bà đoán con nhỏ đó chắc cũng phải trên bốn mươi là gái lỡ thì mới chịu ưng ông là một ông già gần 70, ai dè ông Tâm tỉnh tỉnh nói là cổ mới 27 tuổi thôi. Bà trợn mắt, giận quá, “nó” còn nhỏ hơn con Thanh Hương nhà bà! Bà mắng tạt vào mặt ông một câu: Ông đúng là già không nên nết!

* Ba năm sau...
Người ta hay thấy một bà cỡ ngoài sáu mươi cứ lang thang ở khu phố VN. Bà không hẳn là khờ khờ, dại dại hay không còn tâm trí. Nhưng mà kiểu tàng tàng. Gặp ai, bà cũng móc túi khoe, tui cũng có tiền đây, tui từng đi làm mà, tui có tiền nhà nước cung cấp hẳn hoi mà. Tờ 20 đồng, tờ 50 đồng. Đôi khi cả tờ trăm. Mấy tờ giấy bạc xếp đôi ngay ngắn. Nhiều người đồng hương ái ngại, lo cho bà, sợ bà cứ giơ tiền ra như thế, nhỡ tụi Mỹ đen thấy được sẽ giựt tiền của bà, mà có khi làm bà thương tích, nguy hiểm lắm.
Không ai ngờ bà đã từng có một gia đình hạnh phúc, nhà cao cửa rộng, con cái thành công ở nước Mỹ. Bây giờ bà già và xấu đi nhiều lắm, vì không tự săn sóc cho mình nữa. Ăn uống thất thường, tóc để bù xù, áo quần xốc xếch. Chị em Thanh Hương khổ tâm vì tình trạng của mẹ họ như thế. Sau khi ông Tâm bán nhà cửa, thu gọn về VN cất nhà ở hẳn bên đó, thì Thanh Hương rước bà Tâm về ở chung để tiện chăm sóc cho bà. Nhưng Thanh Hương cũng phải đi dạy, cũng phải lo cho gia đình nhỏ của nàng, nên nàng đâu thể canh chừng bà hoài được. Có dạo nàng mướn một bà cũng tuổi trung niên tới trông chơi với mẹ, nhưng bà cáu kỉnh với người ta, đuổi bà đó đi, không cho vào nhà, không cho đi theo. Cũng không thể nào làm gì khác hơn như là đưa bà vào nhà dưỡng trí, ai nỡ lòng nào làm như thế, với lại bà đâu có điên.
Nhắc về ông Tâm, nghe đâu bây giờ ông lại cực khổ với cô vợ trẻ và hai con nhỏ dại, trong một thành phố đã bị đổi tên, đông đúc, chật chội, dơ bẩn, nóng nực, vì cây cao đã bị chặt hết. Ông không muốn đưa vợ con qua Mỹ vì sợ khi đó cô vợ trẻ sẽ bỏ ông, ông đã nghe và thấy nhiều cảnh như thế. Ông hầu vợ, chìu con. Như người xưa thường nói, đúng là già còn chơi trống bỏi! Cô vợ chưa tới 30 tuổi, không chừng sẽ đẻ cho ông vài đứa con nữa. Ẵm con ra đường, thiên hạ nhìn mái tóc bạc phơ của ông, dám thắc mắc không biết ông đang ẵm cháu nội hay cháu ngoại của ông! Dù sao, có hưu bằng đô la mà xài ở VN thì cũng khỏe lắm rồi. Chỉ là không có thì giờ mà đi du lịch thôi; có sao đâu, ông đâu có thích đi du lịch. Bà vợ trước của ông mới là người đòi đi Thái Lan, Trung Cộng, Âu Châu, Nam Mỹ, Địa Trung Hải...
Kiểu về hưu của ông cũng khác người!...


*

Bà Tâm bỗng giựt mình, thức giấc, thấy người ướt đẫm mồ hôi. Lúc đó bên ngoài trời đang mưa nặng hột, âm thanh tí tách, tí tách đều đặn. Đồng hồ ở đầu giường đang chỉ 3:15 sáng. Bà hốt hoảng, choàng người qua trái, quơ tay tìm kiếm, đụng phải ông Tâm đang nằm ngủ ngon lành bên cạnh. Ông ú ớ điều gì không rõ, rồi quay sang ôm quàng lấy bà.
Thì ra chỉ là một cơn ác mộng! Bà thở phào, nhẹ nhõm. Ông vẫn nằm đây, không về VN lấy con nhỏ nào cả. Bà rúc vào vòng tay ông, người ông ấm áp. Bà nhủ thầm, từ nay trở đi, ông đâu là bà đó, về VN cũng vậy, có tốn kém thì chịu tốn kém, bà cũng sẽ đi theo kè kè sát bên ông, chứ không để ông đi một mình nữa. Biết đâu hôm nay là mộng, ngày mai là thật! Chỉ một khoảng cách! Cái mác Việt kiều, dù là một Việt Kiều xấu trai, lùn và đen...như ông. Từ nay, bà sẽ để ý tới ông nhiều hơn và cưng ông hơn.
Chỉ là giấc mơ. Nhưng cũng có thể xảy ra ngoài đời lắm chứ. Bao nhiêu cạm bẫy! Nào ai biết được!   


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003