Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
MỘT ĐỜI RỒI CŨNG QUA
LINH VANG

Nhà quàn nằm ngay trung tâm thành phố, tiện đường xe buýt, và cũng gần khu người Việt mà có lợi tức thấp ở. Ban lo cái đám tang này có lý do khi chọn nhà quàn này, là để bà con đồng hương đi thăm cho gần. Nếu để ở nhà quàn ngoài nghĩa trang Mountain View thì là ngoại ô thành phố xa quá, mấy người lớn tuổi mới qua khó đi thăm, vì thường họ không biết lái xe. Có muốn đi thăm cũng không dễ. Con cháu đi làm hết, lấy ai nhờ chở dùm. Cái nhà quàn đó có hình quảng cáo trên xe buýt thành phố, bà con Việt mình dịch ra thấy ngộ lắm. Nó khuyên hãy lái xe từ tốn, cẩn thận, vì nó chưa muốn gặp bà con sớm đâu!

Chung quanh nhà quàn City View này có mấy con đường tấp nập xe cộ ồn ào, nhất là giờ trưa, nhưng có người lại nói, ồn ào vậy cho vui, cái xứ quanh năm suốt tháng mưa gió hoài đã thấy buồn quá rồi! Con đường trước nhà quàn có hai hàng cây phong, mùa này lá đang sum suê, xanh um, che bóng mát. Nắng tháng bảy đã khá gay gắt. Người đến thăm tay bắt mặt mừng ở ngay chỗ mấy cây phong trước nhà quàn. Ông Thâu cũng đứng đó chờ để hỏi ông Phiên:

-Anh khỏe không? Lâu ngày quá mới gặp anh! vẫn dâu dưa đó hả?

Người đàn ông cỡ sáu mươi đang ăn tiền bệnh nhưng còn khoẻ để đi làm lén, lấy tiền mặt, đi tới gần, cười bẽn lẽn trả lời:

-Khoẻ anh, chắc anh cũng khoẻ?...Kiếm chút đỉnh tiền gửi cho mấy đứa nhỏ còn ở bên nhà.

Ông Thâu vừa nói mà vừa như muốn khoe có mấy đứa con đang làm nails khá giả:

-Tui với bà nhà tui cũng muốn đi hái với mấy anh chị cho vui mà tụi nhỏ không cho, nói ba má già rồi, làm chi nữa, làm để mang xuống âm phủ hả. Bây giờ nghe con cằn nhằn cũng nhức cái đầu!

-Anh chị vậy là sướng quá rồi! Từ ngày qua Mỹ đã không phải ra đồng lần nào, ở trong nhà, da dẻ trắng bóc như thế kia!

Rồi ông cũng thực tế nói tiếp:

-Hôm nay, đi đây là bỏ một ngày đồng rồi, mất năm, sáu chục. Nhưng thôi, thấy ổng đi đơn chiếc tội quá, à, cái vụ đó thì cũng phải đi đơn chiếc thôi, chứ chẳng lẽ rủ ren ai..., cũng tới...thắp cho ổng một nén hương. À mà cái nhà quàn này có cho đốt hương không anh hỉ ?

-Đốt được đó anh! Bây giờ họ cũng biết phong tục của người mình, nên dễ chịu lắm, hỏi mình cần gì là họ làm liền cho mình vui. Với lại cũng cạnh tranh nữa. Lâu nay Mountain View hốt hết. Khách Việt bây giờ cũng đông đó, anh có để ý thấy không? Mới tuần trước cũng có người ... đi!

-À, có nghe nói. Bà vợ ông Đáng, bả đau gì mà chết lẹ quá! Nhưng bả may mắn hơn ông An, chết có chồng con đầy đủ lo toan mọi thứ! Chết được ấm cúng.

Thế là hai ông trao đổi chuyện của người chết người mà họ đi tiễn ngày hôm nay.

Ông An 72 tuổi vừa nằm xuống không có người thân bên cạnh. Nhưng vài năm trước ông có vô hội tang tế người Việt ở vùng này nên đám ma của ông không phải hiu quạnh vì hội viên phần lớn ai cũng thấy tội nghiệp cho ông mà tiễn đưa ông lần cuối, lúc ông sắp sửa được đưa vô lò đốt. Kẻ đến sớm một tí, người đến trễ một tí, trước đó họ dặn nhau nhớ đi dùm cho ông, để hồn ông đỡ tẻ lạnh.

Thật ra, ông có một gia đình đông đảo lắm, ở bên Việt Nam. Mười năm trước, vì không có tiền để lo giấy tờ đi Mỹ theo chương trình H.O., ông đành phải cho người ta đi ghép với ông, đóng vai vợ và hai con ông. Người đàn bà đó làm chủ một tiệm vàng ở ngoài Huế, tiền bạc có đủ mà không có điều kiện để đi. Vượt biên bằng tàu đánh cá thì cuối mùa rồi, dù trốn ra khỏi nước Việt Nam được, thì cũng không còn nước cận kề nào nhận cho tá túc một thời gian rồi chờ một nước nào giàu có hơn rước vào. Mua con lai thì cũng không còn con lai để mà mua. Lại không có ngườì thân ở Mỹ để tính chuyện bảo lãnh. Mà bà ta muốn đi Mỹ quá! May mắn có người làm công gốc ở Quế Sơn lại cũng biết hoàn cảnh của ông An nên “mai mối” cho. Người có giấy tờ được đi, người có tiền. Người đứng ra giới thiệu thì cũng được lợi chút đỉnh.

Thế là trên giấy tờ, ông qua Mỹ với một vợ và hai con ở tuổi choai choai. Vợ thì vợ giả-chạy được cái giấy hôn thú. Con thì người giả mà tên thật, vì hai đứa nhóc này mang tên thật của hai đứa con ông. Ông nói giọng Quảng đặc sệt của vùng quê miền núi. “Vợ” nói giọng Huế miền biển! Còn “hai con” thì nói giọng Bắc 75! Chuyện mấy mẹ con họ thì chính ông không biết, vì đó là chuyện chạy giữa họ với nhau. Chính phủ Mỹ cũng chẳng biết. Qua tới Mỹ, được vài tuần thì mạnh ai đường nấy đi. Nghe nói bà vợ hờ đã qua tiểu bang khác nhập vô hộ với nhân tình cũ của bả. Còn hai đứa con hờ thì cũng lặn qua thành phố khác cũng gần đó, sống ẩn dật vì sợ lộ tông tích. Ông An bây giờ một thân một mình, sống ở Housing một phòng. Tiền trợ cấp cho một người thì cũng chỉ đủ chi phí cho một mình ông. Mấy tháng mùa hè, ông theo người ta đi hái dâu, dưa leo, bí đậu ngoài đồng thì còn có chút đỉnh tiền vặt. Còn mùa đông lạnh lẽo, mưa rơi, tuyết đổ thì ông chịu chết, nằm queo trong nhà, luyện phim bộ-bộ phim một người mượn thì cả xóm Housing thay phiên nhau mượn lại coi!

Vợ con, cháu chắt ở bên nhà gửi thơ tới tấp xin tiền. Hai đứa nhỏ nhất vẫn chưa lấy vợ, sau này lại đòi qua Mỹ. Ông cũng muốn đưa chúng qua Mỹ để ông có con bên cạnh mà nhờ vả lo tấm thân già của ông, nhưng ông không có cách nào đưa chúng qua Mỹ được. Trên giấy tờ thì chúng đã ở bên Mỹ này rồi mà. Chúng oán trách ông. Bà vợ ông cũng nheo nhéo trách móc ông sao không tìm đủ cách bảo lãnh bà. Làm sao mà bảo lãnh được!

Hồi đó, bà đã đồng ý để ông làm giấy ly dị bà, rồi mới làm hôn thú với bà kia, rồi ông mới đi qua Mỹ được, mà bà ở lại thì cũng được một số tiền. Chứ nhà nghèo quá, không có người ta thì ông cũng không đi được. Bây giờ, bà nổi sùng ghen tương nói ông ở bên này có bà nào không còn đoái tưởng bà nữa. Nói chuyện trong đường dây điện thoại, lần nào cũng ấy chuyện. Chuyện tiền, chuyện bảo lãnh. Ông nghe mà nhức đầu lắm. Cách đây hai năm, bác sĩ khám ra ông có bệnh. Căn bệnh đã ngặt nghèo, họ chữa cho vài tháng, rồi lắc đầu, kêu bó tay, cho ông một án tử hình, giỏi lắm là sáu tháng. Ông về Việt Nam, tính chết bên đó. Đem về được ít ngàn, tưởng thuốc bắc thuốc nam đủ sống cho tới lúc chết, ai dè sau bốn tháng, tiền hết mà ông chưa chết. Vợ con “đuổi” ông qua lại Mỹ, ở Mỹ dù không làm gì hằng tháng cũng có tí tiền. Có chút ít gửi cho họ.

Ông qua Mỹ, sống thêm một năm nữa. Vậy là ông đã sống lâu hơn là bác sĩ đã dự đoán. Hội tang tế lo cho ông. Tiền hội viên đóng góp được hơn năm ngàn. Gọi về Việt Nam hỏi muốn đốt hay chôn thì đám con nói đốt rồi nhờ người đồng hương mang lọ tro về dùm, còn mấy ngàn tiền trợ táng còn dư thì gửi về. Có người nói vậy cũng khỏe, chứ gửi “tươi” về thì lại phiền phức quá, thân xác ông chắc chắn là bị bỏ cù bơ cù bất như kỳ một người cùng quê của ông mất ở bên này mà đóng hòm gửi về Việt Nam. Với lại, đốt thì rẻ hơn. Có người nói chuyện tính toán rẻ mắc là do con cái của người chết tính, chứ đâu phải việc của mình, bên Việt Nam kêu làm sao thì bên này làm vậy.

-Con cái gì ác nhơn ác đức, ổng đã về rồi, hổng để cho ổng thoải mái chết bên cạnh gia đình cho ấm cúng lại đuổi ổng đi, để qua bên này kiếm tiền già đặng gửi về cho chúng nó xài! Để rồi chết cô đơn lạnh lẽo như thế ri!

-Đúng là chỉ có đồng tiền thôi! Nghe nói hồi ổng chưa đau, ổng có gửi cho sáu ngàn, tiền dành dụm, tiền mượn của mấy ông trong hội lão niên, gửi về cho con cất nhà, chúng dụ ổng nói cất để cho ổng về dưỡng già. Tưởng bở ổng có tiền, nên chúng cố cất nhà bự tổ chảng, banh nợ ra, cuối cùng thì cũng phải bán tháo bán đổ!

Đi dự đám tang cũng có rất nhiều ông qua Mỹ một mình. Qua một mình vì nhiều lý do khác nhau. Lý do như ông An cũng có. Cũng có khi là vợ lớn vợ nhỏ lộn xộn ăn không được thì phá cho hôi, làm người đàn ông phải đi một mình. Có người thì vợ lại không đi, chọn ở với con, cháu, nói qua Mỹ già cả, tiếng u tiếng tây không biết. Thấy cảnh đám ma ở xứ người, không có người thân bên cạnh, họ ngán ngẫm quá, nói với nhau chắc phải về quê mà chết thôi.

-Thì ông An cũng đã tính vậy mà ổng ở có được đâu! Ai lại chẳng muốn được nằm bên cạnh ông bà, tổ tiên.

-Cặp Bốn Biên về được mấy tháng rồi, thằng con cất được cái nhà đàng hoàng cho ổng bả ở. Thì cũng tiền ổng bả lâu nay gửi về, chứ đâu phải tiền của thằng con. Nhưng nghe nói, đau ốm, y tế không sướng như bên này, bên này mà thấy đau mệt, đi bộ băng qua đường là tới nhà thương, bây giờ về quê, ở tận trong xa. Đi tới cái bệnh xá gần nhất mà cũng phải đi ghe, đi đò, đau nhẹ thì không nói gì, đau nặng thì chịu chết thôi!

-Tụi địa phương có làm khó dễ gì không?

-Già cả rồi, về chờ chết, làm khó dễ chi nữa! Mấy người trẻ kia, thường thì bị chúng tới làm tiền. Như em cô Mẫn, cái thằng Mạnh đó. Lúc cổ bảo lãnh gia đình qua Mỹ, nó đang ở bên đó sướng, nhà có mấy chiếc xe đò chạy đường xa, có con bồ nhí xinh như tài tử HongKong, nó không muốn đi, qua Mỹ gặp mấy tháng mưa buồn quá, quay về bển ở, trong lúc cái thẻ xanh cũng chưa có. Bây giờ, Mỹ không cho vô lại mà bên Việt Nam cũng đuổi không cho ở, thế là cứ mấy tháng lại phải nhét cho tụi công an, tụi xã một ít tiền để tụi nó chịu ký giấy gia hạn. Sống cái kiểu cá nằm trên thớt vậy thì mệt rồi. Bây giờ như người vô tổ quốc!

Ông An lúc còn ở Việt Nam theo đạo thờ cúng ông bà. Qua đây buồn cảnh một thân, một mình, bị mấy anh theo Tin Lành gù mãi đem xe tới đưa đi chỗ này chỗ nọ rồi dụ vô đạo nên cũng ngã lòng, rồi thời gian đau ốm có đám nhà thờ Tin Lành tới đọc kinh cầu nguyện cho ông hằng đêm. Buồn thì theo cho vui, chứ ông An không phải loại lúc nào cũng đem đạo ra giảng và dụ người khác theo. Vì thường thì cái loại Tin Lành 30 tháng tư này cuồng tín lắm. Cái gì cũng Chúa dẫn dắt. Như lão Đồng Cỏ, một bữa vào mùa hè, lão vui mừng khoe với ông hàng xóm trong Housing:

-Cũng do Chúa dẫn dắt hết đó, anh!

-Làm gì mà Chúa dẫn dắt?

-Tui đang hái dâu thì Chúa dẫn dắt ông Tầm Phào kêu tui vô làm dưa, lựa dưa đứng trong nhà mát hơn mà còn ăn lương giờ cao hơn.

Rồi một bữa khác, lão Đồng Cỏ lại than với ông hàng xóm:

-Khó nghĩ quá anh! Nhà tui Tin Lành, phải làm đám cưới cho con trước mặt Chúa đàng hoàng, nghĩa là phải làm giấy hôn thú cho chúng nó, mà làm như vậy không xin phiếu y tế được, thì đẻ chửa tốn mười ngàn đô la, chịu sao nổi, con nhỏ cũng lớn tuổi, kêu nó khoan đẻ cũng tội. Ông hàng xóm bật cười, khuyên:

-Anh sao lo xa quá, chuyện tụi nhỏ thì để tụi nhỏ lo. Chuyện có vậy mà cũng bắt Chúa lo.

Ông mục sư Quýnh còn trẻ lắm, mới ba mươi tuổi ngoài, có một vợ và một con gái nhỏ hai tuổi. Đầu ông luôn luôn chải láng coóng, xịt keo để giữ hai mái tóc. Đi ngang qua ông nghe mùi dầu cologne ông xức thơm phứt! Thời gian về coi cái nhà thờ này, ông chỉ lo học, ông ăn học cao, có bằng tiến sĩ thần học. Ông chỉ lo việc giảng đạo cuối tuần, mà mỗi tháng được trả ba ngàn, còn những việc nhà thờ như thăm viếng săn sóc tinh thần con chiên thì có một ông mục sư phụ tá lo. Ông này tên Tường trên 65 tuổi rồi, ăn tiền già do chính phủ phát cho, còn thêm một ngàn của nhà thờ nữa. Nhà thờ tháng nào cũng kêu gọi rất thảm thương để móc túi những con chiên ngoan đạo, vậy mà vẫn thiếu hụt. Có hai người của nhà thờ Tin Lành ở nhà quàn khi thấy hai ông mục sư một trẻ một già xách cặp đi vào thì tự dưng đem chuyện bất mãn của họ ra thì thầm kể cho cả những người không phải là cùng đạo với họ nghe.

-Té ra lâu nay mình nuôi cha mục sư Quýnh để chả đi học tiến sĩ!

-Thì chả cũng có dâng hiến lại cho nhà thờ ba trăm đồng.

-Toàn người ăn tiền bệnh, ăn tiền già làm gì có tiền nhiều! Chỉ còn trông cậy cái đám trẻ kỹ sư làm cho Boeing mà thời buổi layoff khó khăn nên chúng cũng hạn chế phần dâng hiến! Chúng còn lo méo mặt hơn người già. Bắt ép chúng quá thì chúng bỏ luôn nhà thờ! Mùa này nắng nôi khô ráo phải tính huy động tụi nhỏ rửa xe kiếm tiền, các bà các cô thì gom đồ đạc cũ lại bán garage sale.

Một người là con chiên sùng đạo giờ mới lên tiếng:

-Ậy, có cha T làm nghề bán địa ốc mà keo kiệt với Chúa, có dâng hiến gì đâu, lâu lâu mới bỏ ít tiền lẻ. Anh biết không? Tuần nào cũng nghe lời giảng của Chúa mà không đóng góp thì coi như mình ăn quịt của Chúa đó.

Các bà ngồi dãy toàn là đàn bà cũng sẵn dịp nói chuyện bên Việt Nam như ai làm giàu, ai lấy cán bộ gộc; chuyện bên này như chuyện cắt oeo-phe, cắt phiếu y tế, cắt giảm nhà ở. Con cái nhà ai, đứa nào bỏ đứa nào, đứa nào theo đứa nào, ai làm sui với ai. Ai về Việt Nam sửa sắc đẹp. Ai đi Cali sửa sắc đẹp. Họ cười cười nói nói vui vẻ.

Xong đám ma, bà con chào nhau ra về. Lại vỗ vai, bắt tay.

-Tui ở Housing trên hướng North, anh ở gần đây, mấy khi mà mình gặp nhau. Cũng nhờ cái đám ma này mà gặp nhau, vui quá. Thôi chờ cái đám ma khác thì mình lại gặp nhau, anh nhé.

-Tại anh không đi casino của tụi Da Đỏ nên anh không gặp ai, chứ tui hay đi, gặp bà con mình hà rầm hà! Có thiếu mặt nào đâu nà! Rồi ông chặc lưỡi:

-Đúng là mình nợ nần bọn Da Đỏ mà! Có đồng nào đem vô đó cúng hết. Ông này vừa nói vừa cười, rồi tiếp, như tui đây, nhà ở tiện đường xe buýt hết biết, cứ đi một chuyến là đến ngay trước cửa casino. Cái ông mà con cái không cho đi hái dâu cũng than là ít gặp người Việt. Còn ông bạn của ông ta thì lại nói, tui làm đồng, làm cỏ cũng gặp nhiều bà con mình, gặp nhiều thì sinh chuyện nhiều, chứ có ích chi đâu anh. Ậy! Còn đỡ hơn là mắc bệnh tinh thần!

-Anh ở trên ấy thì không tiện đi ăn cơm già ở dưới này. Bây giờ có đầu bếp Việt nấu ăn ngon lắm. Họ cho ăn phở, ăn bún bò...Mình yêu cầu món gì thì họ nấu món ấy. Thỉnh thoảng cũng có mấy ông làm ở Bộ Xã Hội tới ăn rồi nói chuyện quyền lợi oeo-phe cho bà con nghe. À anh không biết, cũng có người tới cắt móng tay móng chân cho mình, sướng lắm! Bác sĩ ở bên văn phòng dịch vụ cho người già họ sợ mình tự cắt hổng được, phải có một loại kéo đặc biệt và phải là người có đi học mới biết cắt.

-Sao mà nhiều chuyện quá vậy?

-Không phải nhiều chuyện đâu anh, họ học có sách vở hết đó, tại mình không biết gì nên cứ cắt bừa vậy thôi. Nhiều khi trúng phao nhiễm trùng chết mà không hiểu tại sao, cái gì cũng kêu là tại trúng gió! Có người đi ra tới cửa còn quày trở vô hỏi cho ra ai là người cất giữ mớ tro tàn của người quá cố.

-Anh an tâm về đi! Có người lo rồi!

Đàn ông nói chuyện đàn ông, đàn bà nói chuyện đàn bà. Cái băng ngồi sòng chơi bài Tiến Lên, trước khi ra về, các bà cũng dặn nhau:

-Bữa nào tui gọi chị, kêu con cháu tới chở chị tới ngồi giữ một chân.

-Lâu rồi em không chơi, không còn nhớ chi cả mấy chị ơi!

-Ồ chị đừng lo! Cứ ngồi vô sòng là nhớ hết thôi chị à, cũng giống em hồi đó.

Đám tang rồi cũng xong, cuộc gặp gỡ rồi cũng tàn. Người đi bộ thì đi bộ về nhà, người đi xe buýt cũng lên xe buýt về nhà. Ai đi quá giang ai thì cũng leo lên xe của người cho quá giang về nhà. Cái nhà quàn chẳng mấy chốc đã trở lại vắng hoe. Chỉ còn hai, ba nhân viên của nhà quàn lẳng lặng đi ra đi vô, làm việc gì của họ. Bóng chiều dần dần ngả về tây, hiện ra một màu hồng tím ở cuối chân trời.


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003