Apr 23, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
NGỒI Ở PHÒNG KHÁCH, ĐÊM NHÌN XUỐNG ĐỒI
NGUYỄN TRUNG DŨNG

 

Đường vòng dốc núi, xe mỗi lúc mỗi lên cao, đến trước cửa một ngôi nhà thì đỗ lại. Dưỡng ngạc nhiên hỏi:
“Nhà cậu đây sao”.
Doãn thản nhiên bảo:
“Nhà mình đấy”.
“Lớn quá. Mình không ngờ cậu ở một ngôi nhà lớn như thế”.
“Mồ hôi nước mắt nhiều năm trời quần quật làm việc cả đấy. Nay vợ chồng mình về hưu rảnh rỗi rồi”.
Xuống xe, Doãn khoát tay vừa nói:
“Vào nhà đã. Ở ngoài này sương xuống, lạnh cóng cả người”.
“Đêm ở Cali, thời tiết nó thế này hay sao”.
“Cậu sang đúng vào mùa đông. Nhà mình lại ở trên sườn đồi, chắc chắn là lạnh hơn ở dưới thấp là cái chắc”.
Đã bước chân vào phòng khách, Dưỡng thấy một người đàn bà, biết là vợ Doãn, chàng vội lên tiếng chào rồi xã giao hỏi:
“Chị vẫn khỏe”.
Vợ Doãn nhẹ nhàng nói:
“Cám ơn anh. Tôi vẫn khỏe”.
“Ở nhờ anh chị mấy ngày, có gì làm phiền anh chị không”.
Vợ Doãn lại nhỏ nhẻ đáp:
“Không có gì để gọi là phiền cả. Anh cứ tự nhiên đừng ngại là được rồi. Đâu phải ai xa lạ, chỗ bạn bè quen biết thân tình với nhà tôi, được tiếp anh là vui quá đỗi”.
Doãn tiếp lời vợ:
“Tụi này có sẵn phòng riêng cho cậu. Theo mình vào trong này để cậu rửa mặt cho tỉnh táo, xong ra phòng khách ngồi uống trà nói chuyện đợi bà xã mình lo sửa soạn bữa ăn”.
Thay vì đáp để trả lời, Dưỡng chỉ gật đầu. Chẳng lâu sau đó, ở bộ “sa lông” kê trong phòng khách, Dưỡng đã ngồi đối diện với Doãn, một bình trà với hai cái tách để trên mặt cái bàn hình ô voan kê giữa hai người. Đưa tay ra nhấc cái bình, Doãn rót trà vào hai cái tách, miệng nói:
“Bên cậu ở, dân bồ câu có nhiều không”.
Nghe Doãn nói “dân bồ câu”, Dưỡng hiểu ý Doãn muốn hỏi mình về anh em trong giới truyền tin. Vì thế, Dưỡng chẳng cần suy nghĩ đã trả lời:
“Đếm ra vừa đúng 3 mống. Có thể còn nhiều con chim khác, nhưng bay lạc đàn, nên chẳng biết còn những ai và ở đâu, không liên lạc được”.
“Mình ở San Jose cũng thế thôi. Bồ câu chắc khá đông nhưng cũng chỉ biết có năm bẩy người. Gặp thì ít khi có cơ hội để gặp. Điện thoại thì thỉnh thoảng mới nhắc phone gọi nhau. Trái lại ở Nam Cali, bồ câu thì nhiều lắm. Lâu lâu lại có hội họp. Lâu lâu có dịp lại tổ chức ăn uống họp mặt. Anh em cấp lớn cấp nhỏ gặp nhau, vui không biết đâu mà nói”.
“Đúng như cậu vừa bảo. Có năm tiện dịp bay về Orange County, nhằm đúng ngày kỷ niệm thành lập hội, mình đã đến tham dự. Bồ câu họp bầy đông và vui không thể tưởng tượng được. Gặp, ai cũng tay bắt mặt mừng, ôm nhau khắng khít. Thật cảm động khi nhìn thấy mấy niên trưởng cấp tá ngày xưa, nay trở thành những bồ câu già, xù lông, rũ cánh. Thể xác có yếu, tinh thần có giảm, thế nhưng các vị vẫn giữ được phong độ thư thái như xưa, cung cách xử thế tình nghĩa huynh đệ chi binh trước sao nay vậy, dù vật đổi sao dời, mình thấy đến nay ai cũng trên kính dưới nhường được như thế, quả thật là đáng quý vô cùng”.
“Nghe cậu nói, mình lại tiếc chưa có một lần đến hội ngộ với các bồ câu bạn. Có lỗi cũng chỉ vì ba cái chuyện làm ăn nó lấy hết thì giờ của mình. Ngày, vợ chồng mình long nhong chạy xe trên xa lộ, tối, vừa xong bữa ăn đã lo lăn ra ngủ để lấy sức sớm dậy kéo cày. Nay hưu rảnh rồi, nếu mai mốt hội có họp, có tổ chức ăn uống gặp nhau, chắc chắn mình không thể nại cớ đường xa, bận việc, mà vắng mặt được”.
  
“Đúng vậy. Mình ở bên Bỉ, làm một chuyến bay qua Mỹ, chi phí quá bộn bề, muốn đi cũng ngại. Cậu ở đây, nghe nói đi xe đò Hoàng quá tiện, mỗi khi có đại hội bồ câu thông báo tổ chức, cậu cũng cố gắng thu xếp mà đi”.
“Phải đi chứ không cố gắng gì cả. Mình nói chắc nịch như thế để cậu yên tâm”.
Hai tách trà đã được uống cạn. Câu chuyện đến đó thì ngưng. Mắt nhìn qua kính cửa, từ độ cao của ngôi nhà trên núi, Dưỡng đang chăm chú ngó những chấm đèn lốm đốm như sao trời. Những chấm đèn lốm đốm nhấp nháy sáng đó, Dưỡng biết đấy chỉ là những ngọn đèn ở những con đường và nhà cửa ở dưới thấp, nhưng trên cao, bầu trời lại là bóng tối đen như mực tầu. Chợt, Doãn hỏi:
“Cậu vào Thủ Đức khóa mấy vậy”.
“Khóa 14”.
“Vậy ra cùng khóa với mình”.
“Đúng là cùng khóa và cùng ra Vũng Tầu học”.
“Học lớp chuyên môn về truyền tin. Nhớ lại hồi đó thụ huấn bốn tháng cái khóa này, đến bây giờ nhiều lúc nghĩ lại, mình vẫn còn thấy gai người”.
“Gai. Mình thực tình không hiểu cậu muốn nói cái gì”.
“Còn nói cái gì nữa. Lúc bấy giờ, cậu cố mà nhớ đi, học chuyên môn mình nuốt không vô. Một mớ sách viết toàn những danh từ lạ lẫm, kỹ thuật rắc rối đầy những đoạn khó hiểu, nhai như nhai cơm có lẫn sạn, mình ớn đến tận xương sống, sợ quá. Sợ cũng là đúng. Vớ vẩn loạng quạng thi mà trượt, ra hạ sĩ quan là tàn đời rồi. Nói quả tội, lo với sợ thái quá nên mới hoảng, nhưng ngày mãn khóa, danh sách thấy có tên, mừng còn hơn là nghe tin trúng số độc đắc”.
“Chỉ huy trưởng trường Truyền Tin lúc đó có phải là ông Tạo không nhỉ”.
“Còn ai vào đó nữa. Đại Tá Tạo đấy”.
“Cái ngày ấy, nhớ lại những lúc được xuất trại, lang thang bát phố, thả bộ trên bãi cát dọc theo bờ biển, ghé mấy cái quán cóc ở dưới tàn lá của những hàng cây phi lao, thấy đời lên hương như mùi mít tố nữ”.
“Đời có lên hương như mùi mít tố nữ thật, nhưng lúc trở vào cổng trường, nhà trại thì đìu hiu vắng vẻ, gió biển thổi xào xạc trên mái tôn, vừa buồn vừa nhớ Sàigòn thấy mẹ. Lúc đó chỉ mong mãn khóa sớm, rồi về trình diện đơn vị nào được chỉ định, đi đâu thì đi cho nhẹ thở, có đúng thế không”.
“Đúng. Vậy đơn vị nào cậu về trình diện”.
“Mình về Phòng 6”.
“Phòng 6 thuộc Bộ Tổng Tham Mưu”.
“Phòng 6 thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Còn cậu …”
“Khác với cậu là con bồ câu được ở lồng son gác tía, còn mình lại là con bồ câu lạc gió, gió đưa cánh chim bay tít về tận vùng cao nguyên xa xôi”
“Đà Lạt, Kon Tum hay Pleiku”.
“Pleiku. Ở đó đến năm 75, lệnh triệt thoái ban hành, mình vắt chân lên cổ mà chạy”.
“Bạn bè chơi với nhau chí thân, nhưng rất ít khi có dịp ngồi nói chuyện tâm sự như bữa nay, ta có gì cứ phun ra hết để hiểu thêm về nhau. Và đây cũng là lúc ôn cố tri tân, quá khứ nhìn lại để nhớ, hiện tại nhắc đến để thấy, đơn giản chỉ là vậy. Nói đến hồi mình còn ở Phòng 6, trưởng phòng là Trung Tá Dương Thanh Sơn, ông là người hiền lành tử tế không thể chê vào đâu được. Thời đó, dưới quyền Trung Tá Sơn, có nhiều vị sĩ quan khác, nhưng nhớ, mình chỉ nhớ có Trung Tá Bình, Trung Tá Dung, các vị này sau đều thăng cấp lên Đại Tá cả. Phục vụ đâu đó chừng vài năm, mình giải ngũ để trở về đời sống dân sự. Năm 68, biến cố Tết Mậu Thân, lệnh tổng động viên ban hành, mình lại tái ngũ theo tiếng gọi của quân đội. Trình diện đơn vị cũ, Phòng 6 hết chỗ, thuyên chuyển mình xuống Đại Đội 21 Truyền Tin ở Bạc Liêu. Đại đội trưởng là Đại úy Đoan. Đại úy Đoan là người rất tốt. Sáu tháng sau, mình lại có lệnh cho về Tiểu Đoàn Truyền Tin. Tiểu Đoàn này trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Doanh trại Tiểu Đoàn đất thì rộng, nhưng chỉ có một dẫy nhà mái lợp tôn. Mới nhìn, mình có cảm tưởng nó là nhà để xe quân xa hơn là một văn phòng. Vậy mà dẫy nhà đó lại là nơi làm việc của tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng và các sĩ quan từ ban 1 đến ban 5 trong đơn vị. Ngày đầu đến trình diện, nhìn toàn cảnh sân bãi và ngôi nhà, mình nom nó tiêu điều buồn bã đến phát ngán. Nếu đem so với Phòng 6 mình phục vụ trước đây, Phòng 6 là một tòa nhà lớn bao nhiêu, thì nhà dùng làm văn phòng làm việc của Tiểu Đoàn lại nhỏ và nghèo đến thê thảm. Ngày đến đơn vị trình diện, gặp những cơn mưa đầu mùa, nước trên trời đổ xuống chưa kịp thoát vào các ống cống, nước vì thế úng ngập sân trước sân sau nom chẳng khác ao hồ. Bước vào văn phòng đơn vị trưởng, vị Tiểu Đoàn Trưởng là Trung Tá Hoàng. Ông hiền như bụt. Ngồi ở bàn, ông chỉ hỏi mình có mỗi một câu: “Thiếu úy thích đi hay ở một chỗ”. Thấy mình không hiểu, ông giải thích:”thích đi, tôi cho qua bên Trung Tâm Truyền Tin hay Đại Đội Khai Thác là những đại đội di động. Thích ở, tôi cho thiếu úy ở Đại Đội Chỉ Huy đóng ở doanh trại này”. Đại ý, ông nói là nói như vậy. Tính mình xưa nay ưa đứng dậm chân tại chỗ hơn là bước một hai ba bốn nên xin ông cho ở là cái chắc rồi. Từ đó, mình chỉ là một con bồ câu sống quanh quẩn ở chuồng hơn là con chim ưa soải cánh bay trên bầu trời rộng vì sợ gió. Trải qua đúng năm đời các vị Tiểu Đoàn Trưởng, từ Trung Tá Hoàng, Trung Tá Thận, Trung Tá Thịnh, Thiếu Tá Thát, đến Thiếu Tá Nghị, thì đứt phim. Thời Trung Tá Thận, mình nhớ cái Tết năm đó, sân tiểu đoàn được lệnh dựng cây nêu. Cây nêu tất nhiên trên ngọn tre phải có quả bầu tượng trưng cho bình rượu, phong pháo dài tượng trưng cho phồn thịnh hạnh phúc, rồi chẳng hiểu vì gió hay vì lý do nào đó không rõ, quả bầu thay cho bình rượu bỗng đứt dây rớt. Sau đó, mình thấy Trung Tá Thận bàn giao chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng cho Trung Tá Thịnh vừa mới được bổ nhiệm. Thời gian Trung Tá Thịnh lên nắm quyền, mình nhớ có một lần ông tổ chức vũ sesy ở sân doanh trại. Mình lúc đó đeo lon Trung úy, phụ trách chức vụ Sĩ Quan Ban 5 nên có bổn phận phải đứng ra tổ chức cho buổi trình diễn này. Chẳng bao lâu sau đó, Trung Tá Thịnh, cũng không rõ lý do, lại bay chức. Kế đến là ông Thát, cấp bậc Thiếu Tá, chính thức lên thay thế, ngồi vào chức vụ, coi như là vị Tiểu Đoàn Trưởng thứ bốn kể từ ngày mình đáo nhậm đơn vị. Thiếu Tá Thát tính cũng hiền lành. Ông năng động trong công việc ở tiểu đoàn cũng như ở trại gia binh. Một đêm ngủ ở tư gia, sáng ra không thấy ông dậy, ông đi lúc nào gia đình không ai hay biết. Kế Thiếu Tá Thát, đến Thiếu Tá Nghị. Ông Nghị tính cũng hiền và thẳng, đặt quân vụ lên hàng đầu. Lúc nẫy nghe cậu nói đến ngày Pleiku năm 75, cậu vắt chân lên cổ để chạy khi có lệnh triệt thoái rút quân, thì ngày 30 tháng tư năm 75, tiểu đoàn mình ở Sàigòn, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng, mình được lệnh dàn quân ở tuyến phòng thủ hướng mặt tiền của trại, cố thủ tới lúc địch chọc thủng vòng đai bảo vệ đơn vị để tấn công vào thẳng bên trong. Với 11 năm trong quân ngũ, lần đầu tiên mình mới đụng mặt những tên Việt Cộng ở vào trường hợp này”.
“Lúc đó cậu có sợ chết không”.
“Không. Có thằng đưa mũi súng dí thẳng vào ngực mình, vừa cầm ve áo mình, vừa hùng hổ quát, hỏi mình cấp bậc gì, trên cương vị là một sĩ quan, tự ái, mình vẫn cóc có sợ”.
Thấy Dưỡng vẫn giữ im lặng, chưa tìm ra đề tài để nói, Doãn lại tiếp:
“Sau cái ngày đen tối của đất nước, miền Nam mất, vỡ tổ bồ câu, bồ câu mạnh ai thoát được thì lên tầu rọt ra khơi sang nước ngoài, ai chậm chân không kịp thoát thì kẹt ở lại, rồi đi tù. Ở Long Giao, mình nghe tin bồ câu Thiếu Tá Khôi, vị tiền nhiệm chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy trước khi mình kế nhiệm, đã gẫy cánh. Thiếu Tá Khôi được coi là người đầu tiên trong số trại viên đã chết ở trong nhà tù. Đấy là những gì mình nhớ, nhớ đến đâu kể đến đó, còn cậu, thời gian ở Pleiku, cậu không có chuyện gì để kể ra hay sao”. 
Dưỡng đang ngồi, nghe thấy Doãn nói, mắt vẫn không rời hướng nhìn về khung cửa sổ, nơi đó, dưới thấp có những đốm sáng lung linh nhấp nháy của những ngọn đèn và ở ngoài xa tít tắp theo đường trải dài của không gian với bóng tối vẫn những đốm sáng nom như những con đom đóm lập lòe chớp tắt, ngẫm nghĩ mãi mới lên tiếng trả lời:
“Cậu hỏi mình về Pleiku. Pleiku thì có gì hấp dẫn để mình kể cho cậu nghe. Tối ngày cơm hai bữa, việc hai buổi làm, rảnh thứ bẩy chủ nhật thì xuống phố dạo bộ, đúng như lời của bài nhạc diễn tả tâm trạng của một anh chàng sống ở Pleiku như sau: “phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn, anh khách lạ, đi lên đi xuống, may mà có em, đời còn dễ thưong”.
Vốn là một tay đàn guitar khá giỏi, có giọng hát ấm thật ấm, đúng vào bài nhạc chậm và buồn, đến đây thì Dưỡng không nói mà cất bổng lên tiếng hát: “Em Pleiku, Má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều, Quanh năm mùa đông, nên tóc em ướt, và mắt em ướt, nên em mền như mây chiều trong”.
Hát chỉ hát đến đó, còn đoạn sau, Dưỡng bỏ không hát thêm nữa. Thấy Dưỡng ngồi im, Doãn lại dành quyền lên tiếng:
“Thời gian nhiều năm lính thú trên non cao, mình không tin cậu hiền đến nỗi không có một em nào đó bỏ bùa mê yêu cậu. Nếu đúng là sự thực, cậu đã cố tình dấu mình mà không muốn nói ra”.
“Dấu làm gì. Gái thì khối cả. Nhưng léng phéng qua ngày thì được, còn đã dính vào, dính là bị thương tích đầy mình, chưa nói đến chết, chết không kịp ngáp”.
“Đâu đến độ dễ sợ như vậy”.
“Không sợ hả, đời lính như cậu và mình, nay đây mai đó, nội cái ba-lô đã nặng trĩu trên vai, còn sức đâu mang thêm được cái gì nữa mà ham hố đụng vào”.
Lại nhìn đến chai rượu, Doãn vội nhắc:
“Nói chuyện mãi quên cả uống. Rượu mới đúng một ly, đừng sợ say vì có lái xe đâu mà sợ. Chừng nào mà cậu thấy xỉn, cần vào phòng cậu cứ vào, rồi tự nhiên kềnh lên giường, đánh thẳng cẳng một giấc cho nó tới bến tới bãi, cũng đừng sợ thằng gác tù đánh kẻng thúc cậu dậy như hồi còn ở trại, nghe rõ không”.
“Lâu mới được ngồi cụng ly với cậu trong đêm nay, lẽ nào chỉ vài ly rượu mà có thể đốn ngã mình nhanh đến như thế được. Mưa dù có lớn đến cỡ mấy, nước dù có đổ xuống ồ ạt tới bao nhiêu, cái cây cổ thụ cũng như mình khó mà dễ dàng bứng gốc để làm cho nó đổ”.
“Vậy thì được. Với lại ta phải thức suốt đêm nay để được hàn huyên tâm sự. Cây quỳnh ở trước hàng hiên nhà mình, đã lâu lắm không thấy ra hoa. Mới hơn tháng nay, chẳng nhiều cũng trồi nách thấy nhú một bông hình quả trùy. Tính theo ngày tháng, đêm nay chắc chắn hoa sẽ khai, búp sẽ mở, nửa khuya chắc bung cánh, như bụng một người đàn bà tới giờ bể nước. Đó là giai đoạn lâm bồn”.
“Cậu nói vậy có đúng không. Mình nghe nói quỳnh chỉ nở vào những đêm có trăng, đêm nay trăng không có, lấy đâu hoa nở hả ông”.
“Mình không biết. Nhưng bảo đảm với cậu quỳnh của mình nửa khuya sẽ khai hoa. Cậu gắng kiên nhẫn chờ xem quỳnh nở. Hiếm người có đủ kiên nhẫn ngồi đợi quỳnh nở bao giờ đâu cậu ạ”.
Đồng hồ trên tường hai cây kim vẫn chậm chạp nhích. Thời gian vẫn chẳng cần biết ai mong ai đợi cứ thủng thẳng trôi qua. Đêm vì thế cứ khuya lơ khuya lắc. Đến lúc tai cả hai chợt nghe thấy tiếng chuông của cái đồng hồ quả lắc, đủng đỉnh gõ 12 tiếng, báo thời khắc đã đúng nửa đêm, thì Doãn hớn hở bảo:
“Cậu theo mình ra ngay ngoài hiên nhà. Thấy không, mình đã bảo hoa quỳnh đang chuyển bụng”.
Đúng như lời Doãn nói, hình quả trùy nhọn đầu, lớp bao ngoài từ từ cựa vỏ để giúp cho những cánh hoa nom như những cái ngón tay thon dài của một người đàn bà đẹp, cong lên, vươn ra, rồi đủ sức tỏa. Những cánh hoa trắng ngần và mềm mại đã bung xòe búp, tròn và rộng, nom thích vô cùng.
Giọng nhừa nhựa vì đã thấm say, Dưỡng cũng phụ họa: “Được xem hoa quỳnh thì quá thích rồi. Có lẽ hay nói đúng hơn, cả đời mình chưa một lần được ngồi coi hoa quỳnh nở”.
Chỉ có thế rồi Dưỡng líu lưỡi, ngồi mà cái ghế cứ thấy chân ghế rung.
“Cậu say thật rồi. Để mình đưa cậu về phòng lên giường ngủ một giấc. Còn ngồi ở ngoài này, lạnh, cậu cảm có nước cậu đi luôn”.
Rìu bạn vô phòng xong, Doãn lại ra hàng hiên tiếp tục ngồi coi hoa. Đã bung búp hết cỡ, hoa đung đưa, nhìn chủ nhà, hoa nở một nụ cười.
 
2.
 
Sau một đêm ngủ mê mệt, trời chưa sáng rõ, mở mắt, nhìn ra cửa sổ, Dưỡng thấy bên ngoài trời đầy sương mù. Vệ sinh cá nhân xong, Dưỡng ra phòng khách, ngồi ở sa-lông, ngó xuống đồi, xa gần, chỉ thấy ngoài màu bàng bạc phênh phếch trắng của sa mù, mắt chẳng còn nhận ra hình thù cây cối, cảnh vật ở bên ngoài có những gì khác nữa. Chẳng cần vận động trí nhớ mà trí nhớ lại lái đưa Dưỡng nghĩ đến cái ngày còn ở nơi trại tù vùng đất Yên Bái thuộc Hoàng Liên Sơn. Đó là những ngày mùa Đông rét buốt, mỗi lần lên núi vào rừng lấy luồng, nứa, tre, với áo quần phong phanh không đủ chống cái lạnh, với đôi dép lốp không đủ ấm cho đôi bàn chân, da thịt chàng như se lại, xuơng cốt chàng như có kim châm tê buốt, cùng cực khốn khổ trong kiếp tù đày, vậy mà không hiểu có phép lạ nào đã giúp chàng và các bạn chàng vượt qua cửa địa ngục trần gian, để sống lại cõi con người.
“Cậu dậy rồi đấy à. Đêm qua, phần ngồi máy bay mệt, phần rượu uống hơi nhiều, chắc cậu ngủ phải ngon giấc”.
Dưỡng giật mình khi nghe tiếng Doãn nói. Chẳng cần suy nghĩ, Dưỡng đã trả lời:
“Đúng là vậy. Một giấc ngủ xuyên bang có nghĩa là ngủ mê mệt từ lúc đặt lưng xuống giường cho tới lúc sáng thức dậy”.
“Ngủ được như thế là tốt quá rồi. Đêm qua, ngồi chờ coi hoa quỳnh nở, lúc mình trở lại giường, nằm xuống là ngủ ngon một giấc”.
Vợ Doãn đang pha cà phê ở bếp. Với hai cái ly cà phê nóng khói còn phảng phất bay lên, khi đặt xuống cái bàn giữa hai người ngồi, vợ Doãn với giọng nói của người Bắc, nhẹ nhàng khe khẽ nói:
“Ly này có sữa của anh Dưỡng. Ly này cà phê đen của anh Doãn. Mời hai anh”.
 
Rất tự nhiên, với câu cám ơn bình thường phải có, Dưỡng đã nói. Có thói quen hút thuốc từ lâu, nghiện không thể bỏ được, Doãn đưa tay lấy bao thuốc để ở trên bàn. Mồi lửa với cái máy quẹt bằng gas, khi đầu điếu thuốc đã bén cháy, Doãn lặng lẽ ngồi hút. Cửa thông sang phòng trong được đóng, cửa sổ ở phòng khách được mở, khói phả ra từ miệng Doãn đã theo cái cửa sổ mở ở căn phòng khách mà bay ra ngoài, vì thế, hút mà không sợ trong phòng bị ám khói.
Mắt vẫn thả về hướng từ độ cao của ngọn đồi xuống dưới thấp của phố xá phía dưới, nhờ sương đã tan và mặt trời đang le lói mọc, Dưỡng có thể nhận ra nóc của những mái nhà, cây cối ở hai bên lề đường, những chấm sáng nhòe nhoẹt của những ngọn đèn, và những cái xe đang chạy. Bỗng, sau một vài phút đắn đo suy nghĩ, Dưỡng quyết định hỏi:
“Có việc này muốn nhờ cậu, cậu thấy giúp được thì giúp cho mình. Còn không, cứ thẳng thắn cho biết đừng ngại nhé”.
“Cậu muốn mình giúp gì sao không nói thẳng toẹt, lại còn bầy đặt sợ phiền sợ ngại như thế được à”.
Thay vì trả lời câu Doãn hỏi, Dưỡng lại bắt sang chuyện khác:
“Sống lâu ở đây, cậu biết có tiệm phở nào ngon, chốc lát nữa, mình mời cậu đi ăn. Mời cả bà xã cậu nữa. Rồi sau đó, cậu cho mình đến nhà người bạn được không?”.
“Chỉ có thế thôi mà từ nẫy đến giờ, mình thấy cậu cứ ngồi thừ mặt ra. Còn đến bạn, bạn nào của cậu vậy”.
Dưỡng đáp:
“Thảo”.
“Tò mò hỏi thêm để biết Thảo của cậu là ai, chuyện đó thực ra không cho phép mình quan tâm đến. Đưa cậu đến bạn của cậu, đấy mới là việc chính. Được. Chốc nữa đây, xuống phố, ăn sáng, chở cậu đến Thảo, rồi sau đó, cậu cần gì, mình sẽ làm theo ý của cậu”.
Chắc vừa nghe thấy câu chuyện giữa Dưỡng và Doãn ở trong phòng khách, vợ Doãn đã vội bước ra nói như để cản:
“Em đang chuẩn bị bữa điểm tâm cho hai anh, sao hai anh lại còn tính ra tiệm ăn sáng”.
“Chị cho phép tôi mời anh chị …”.
Dưỡng nói chưa hết câu, Doãn đã cắt ngang để chen vào:
“Bà vợ tôi đã bảo vậy, cậu nghe lời đi hơn là để bà ấy phật ý. Tôi biết tính đàn bà, đã muốn mà không làm theo ý họ, họ giận mà không nói ra đâu”.
Nghe Doãn nói, vợ Doãn vừa cười vừa lườm chồng. Phải chiều lòng chủ nhà dù là miễn cưỡng, Dưỡng cố làm ra vẻ vui:
“Vậy cũng được. Ăn xong, chị cho phép tôi nhờ Doãn đưa tôi đến nhà người bạn thân ở dưới phố”.
“Vâng. Mấy ngày sang đây, cần làm gì và đi đâu, anh cứ cho biết, nhà tôi sẵn sàng giúp cho anh. Anh đừng ngại và sợ phiền nhé”.
“Cám ơn chị”.
Món ăn đã được dọn ra bàn. Dưỡng và Doãn bước qua căn phòng trong. Ở đó, với mấy cái ghế kê quanh một cái bàn hình ô voan, cả ba bắt đầu ngồi dùng bữa. Khi mặt trời đã ngoi lên từ đỉnh một ngọn núi, ánh sáng của buổi sớm mai óng ánh vàng như lụa tơ tầm, thì lúc đó là lúc trong xe, Doãn và Dưỡng đang ngồi. Đường vòng vèo men theo sườn đồi dốc, chạy đúng với tốc độ an toàn cần thiết ở một con lộ cong vòng và hẹp, Doãn vừa thả chân gas, vừa đạp chân thắng hay ngược theo mỗi đoạn dốc đòi hỏi. Xuống tới đường bằng của con phố dưới chân đồi, Doãn dùng “freeway” thay vì dùng đuờng trong để chạy về hướng Milpitas. Trong lúc xe đang lăn bánh, tay vừa điều khiển tay lái, Doãn vừa hỏi:
“Mình có gửi sang cho cậu tập thơ gồm những bài thơ của mình sáng tác, chắc cậu đã nhận được”.
“Nhận được và đọc cả rồi. Cậu hỏi, mình nói cảm tưởng của mình sau khi đọc, ngoài nhiều bài khác, mình thích nhất bài “Độc ẩm”. Nhân gặp cậu hôm nay, hỏi bài thơ đó, cậu viết vào hoàn cảnh và trường hợp nào vậy”.
“À. Hoàn cảnh và trường hợp nào hả. Nhớ, mình nhớ vào những ngày sau khi ở tù về. Căn gác nhà mình ở, ngày còn ở Sàigòn cậu có đến và đã biết rồi. Căn gác đó, mặt tiền hướng ra phố. Cửa sổ cũng hướng ra phố ở mặt tiền nhà. Cửa để ra “balcon” nếu ngồi ở trong phòng, mắt có thể nhìn thấy một cái chậu trồng cây hoa sứ. Hoa sứ màu trắng. Một hôm, ngồi buồn nhìn những bông hoa sứ trắng bung cánh nở ở những cành nhánh khô khằng, một bình trà với một cái chén để ở cái bàn trước mặt, bỗng chốc thơ như khói cuộn trong đầu. Thế rồi, thơ tuôn ra trên giấy”.
 
“Thơ phú mình không thông. Làm thì không làm được nhưng đọc thì rất thích đọc. Có cái dở là đầu óc lú lẫm nên hay quên. Bài thơ đó, câu đầu có phải là “một mình ngồi uống trà. dưới tàn cây hoa sứ. buổi sáng …”.
Thấy Dưỡng cố nhớ nhưng nhớ không ra, Doãn vội đọc tiếp:
 
“buổi sáng sương thu ẩm
hương đại và tâm tư.
 
uống trà không bè bạn
nhìn hoa sứ sắp tàn
ngụm trà hương sen đắng
thơm ngát cả mùa xuân. 
  
ôi mỗi mùa sứ nở
lá non chưa rộ cành
bên cửa sương gió lạnh
lặng ngồi ly trà xanh.
 
dưới gốc cây hoa sứ
nhìn hoa rụng đầy sân
gom hoa ủ trà mộc
thương ta đời phong trần.
 
thương ta đời lận đận
ôm hoài trái tim khô
con chim còn có tổ
ta một đời bơ vơ.
 
trà một ly độc ẩm
nhìn hoa rụng đầy sân
ly mộc trà sáng dậy
nhớ bè bạn xa gần”.
 
“Mình thích nhất đoạn cuối. Cái đoạn cuối đó đủ để nói hết tâm tư và tình cảm của một người ngồi một mình uống trà mà lòng tưởng nhớ đến bạn bè gần xa. Chân thật và cảm động quá chứ. Mà này, hình như cậu lơ đãng không để ý đến tên đường trên bảng, cậu chạy lố một quãng rồi”.
“Ờ. Không phải hình như mà đúng là lố rồi. Cũng chẳng sao để mình vòng xe quay lại”.
Doãn vòng xe quay lại thì cái ngã quẹo vào con phố thấy cái tên Dưỡng và Doãn đang tìm. Táp sát lề, ngừng xe, tắt máy, Doãn và Dưỡng cùng bước xuống đường. Ngôi nhà họ cần đến là ngôi nhà có cái cửa sắt sơn màu xanh. Cửa thấp ngang lưng là cửa của khuôn viên vào vườn cây kiểng ở trước nhà. Nhìn toàn cảnh của mặt tiền, Doãn buột miệng khen:
“Một vườn cảnh khá gọn gàng và đẹp mắt. Từ đó có thể đánh giá con người, tôi quả quyết với cậu về chủ ngôi nhà này phải là người có tay trồng cây, có mắt mỹ thuật, có đúng thế không”.
“Đúng. Người mà cậu sắp gặp, vườn cây kiểng như cậu vừa khen, ở trong nhà bầy biện đồ đạc còn rất đẹp mắt. Ngoài ra, cậu sẽ thấy trên ba bức vách tường, toàn những tranh là tranh cả”.
“Tranh mua hay tranh của người bạn cậu vẽ”.
“Tranh vẽ. Bả là một họa sĩ”.
Đã đứng trước cánh cửa vào nhà, Dưỡng đưa ngón tay bấm cái núm bằng nhựa. Sau tiếng chuông đổ nghe khá vui tai, cửa mở cùng lúc chủ nhà là một người đàn bà còn trẻ, nhan sắc còn mặn mà, hiện ra.
“Anh Dưỡng đây sao”.
Câu nói biểu lộ cho sự ngạc nhiên mang tính ngờ vực sự thực, nhưng sự thực không thể khác được khi Dưỡng đúng là Dưỡng đang hiện diện ở đây. Dường như Dưỡng không quan tâm lắm về câu nói đó nên miệng thì cười, tay thì đưa ra để chỉ Doãn cùng với lời giới thiệu:
  
“Anh Doãn. Bạn của anh”.
Cả hai, Doãn và chủ ngôi nhà đều nhìn nhau và đều gật đầu chào.
“Mời hai anh vào nhà”.
Dưỡng chưa kịp bước vào, Doãn đã chặn lại:
“Chỗ bạn bè chí thân, đến đây, sau đó, cậu còn tính đi đâu khác nữa không”.
Chẳng để cho Dưỡng lên tiếng trả lời, bà Thảo đã nói:
“Anh cho phép tôi được mời anh Dưỡng ở lại đây chơi. Chừng nào anh ấy muốn về lại bên anh, tôi sẽ lái xe đưa anh ấy đến trả. Còn nếu anh không bận, anh nán lại rồi chốc lát nữa đây, tôi mời anh và anh Dưỡng đến quán ta cùng ăn trưa”.
“Cám ơn chị. Ở nhà, bà xã tôi đã chuẩn bị cơm nước, tôi không về không được. Còn Dưỡng, cậu tính sao?”.
“Tính gì nữa. Thảo đã tính cho mình cả rồi”.
“Vậy thì được. Cậu cứ thoải mái ở đây đến chừng nào muốn trở lại nhà mình, cậu phôn một tiếng là mình đến đón cậu”.
“Kể như xong. Cậu yên tâm. Chừng nào mình về, mình sẽ phôn cho cậu”.
Khi Doãn đã ra xe, khi cánh cửa đã được đóng lại, Dưỡng và Thảo đi vào phòng khách.
“Vẫn không thay đổi là bao. Tường đầy tranh. Trên các mặt tủ đầy các chậu hoa. Một thế giới cực kỳ ấm cúng và tươi mát của một họa sĩ ưa chuộng màu sắc và cây kiểng”.
Nghe Dưỡng nói, Thảo thản nhiên bảo:
“Đó không phải là điều khó để thực hiện, nhưng lại đúng là khó ở một người sống có tính thần thực tế và vật chất quá đáng. Nếu biết dung hòa hai thái cực, nếu biết bão hòa giữa cương và nhu, ai cũng có thể tạo cho mình một đời sống trong trạng thái nửa thực tế và nửa kia là hư ảo. Đối với em, cuộc đời vui hay buồn, sướng hay khổ, tất cả đều do mình quyết định.
“Đúng vậy. Đuổi bắt những cái đời thường thì dễ, còn đuổi bắt những cái vượt trên không gian và thời gian thì khó, Thảo đã chọn được cho mình một cách sống khác hẳn với cái khác người là đạt đến thượng thừa rồi”.
“Thượng thừa thì chưa dám nhận là thượng thừa như anh nói. Nhưng có điều, những gì mình thích mình làm được, đó là niềm vui và hạnh phúc thế thôi. Ờ, đã vào phòng khách rồi, sao anh cứ đứng mà không ngồi”.
Tay vừa chỉ cái ghế sofa vừa như làm một một cử chỉ mời khách, Thảo nói tiếp:
“Cà phê hay trà. Tuỳ anh muốn gì em pha đó”.
“Mới sáng ở nhà Doãn, vợ Doãn đã cho uống cà phê”.
“Như thế có nghĩa là anh cần trà. Vậy để em pha trà rồi ngồi nói chuyện”.
Khi bình trà và hai cái tách được chủ nhà đem ra và đặt lên bàn, người đàn bà tên Thảo ngồi xuống cái ghế đối diện với ghế của Dưỡng.
“Trong mấy bức tranh này, anh thấy mấy bức mới vẽ có đúng thế không?”.
Thảo thừa nhận:
“Đúng. Ba bức treo ở vách tường trước mắt anh, ba bức đó em vẽ về biển. Nhìn, anh nhận xét ra sao”.
“Nhận xét, anh biết gì mà nhận xét. Thưởng lãm tranh, con mắt người thường của anh thấy đẹp thì bảo là đẹp. Còn nếu em hỏi thêm, đẹp như thế nào thì thực tình anh không có thể diễn tả được”.
“Coi tranh thấy đẹp có nghĩa là đã ưng ý và cũng có nghĩa là đã không chê. Chừng đó và bấy nhiêu đủ làm vui cho người vẽ tranh rồi. Hỏi sang chuyện khác, chuyến du lịch qua Cali lần này, anh tính ở lại đây bao lâu”.
Tay vừa đón tách trà của Thảo đưa cho, Dưỡng vừa lặng lẽ trả lời:
“Tính ở lại bao lâu thì còn tùy. Nếu thấy vui, ở lại một hai tuần. Nếu thấy buồn, không chừng vài ngày rồi bay về Bỉ”.
“Anh không phải là con chim có cánh, dễ gì anh làm điều đó dễ dàng như thế được. Mà thôi, sang lần này, ngoài chuyện đi ngao du, anh còn có việc gì khác nữa không?”.
“Việc gì khác là việc gì vậy”.
“Ờ. Thì như mấy lần anh qua, nếu không là tham dự ra mắt sách, nếu không là góp mặt với đám cưới của con bạn bè, và nếu không là đến phòng triển lãm tranh của em, lần này chắc hẳn …”.
 
Dưỡng nhìn Thảo nhếch môi cười:
“Lần này à, qua không có dự định tham dự ra mắt sách, không góp mặt đám cưới con cái của bạn bè, cũng không đến phòng triển lãm tranh của em vì em có triển lãm tranh đâu, nhưng anh qua để bàn với em một vấn đề cực kỳ trọng đại”.
“Nghe dễ sợ. Một vấn đề cực kỳ trọng đại. Vấn đề gì mà ghê gớm thế”.
“Nói thẳng ra, vấn đề đó có liên quan tới anh và em. Từ bao lâu nay rồi, trong con tim, anh vẫn thường nuôi nấng và ấp ủ một tình yêu dành cho người anh yêu. Người đó là ai thì em, nếu không cố tình ngoảnh mặt làm ngơ, em đã biết là ai rồi”.
Con mắt Thảo không nhìn về hướng người ngồi đối diện, mà nhìn về hướng cửa sổ có cây cối ở bên ngoài. Lãng đãng, mơ hồ, thản nhiên, Thảo buông rơi câu nói:
“Em biết. Nhưng biết để làm gì hả anh. Chọn cách riêng cho mình, em chỉ muốn mình là người lữ khách độc hành trên con đường mà mình đang đi. Đi nốt cuộc đời còn lại. Chinh vì vậy, em đã tạo riêng cho mình một thế giới nho nhỏ, mà thế giới đó thật bình yên và hạnh phúc ở ngôi nhà mà em đã thừa hưởng sau khi chồng em, một người chồng Mỹ đã tạo dựng và để lại cho em sau khi anh ấy vĩnh viễn ra đi”.
“Như vậy, em vẫn giữ thái độ cố thủ như một người lính cố thủ để chống cự tới cùng với kẻ thù đang ra sức công phá đồn lũy, và nay cả em cũng muốn hiện thân là người lính đó hay sao. Đem kẻ thù bao vây và tấn công người lính và em nữa, anh không phải là người đó mà lại là người muốn được yêu em. Vậy còn gì phải suy nghĩ nếu trong trái tim em, em chưa xóa nhòa hình ảnh của người tình cũ”.
“Thời gian như dòng nước chảy, khi nó từ dòng suối trôi ra sông rồi tìm về biển khơi, còn ai ở đó mà mất công kéo nó ngược lại được nữa bao giờ”.
Dưỡng cảm thấy thất vọng trước những lời của Thảo nói. Đúng rồi, dòng suối trôi ra sông rồi nước tìm về biển, có ai cản được nó và bắt nó chảy ngược lại bao giờ đâu. Nhưng đem tình yêu để ví với thời gian và dòng nước, thì cái sai chắc chắn trăm phần trăm là sai rồi. Trong hi vọng mong manh và cố gắng gượng gạo, Dưỡng vẫn chưa chịu đầu hàng nên lại vớt vát nói:
“Trong chuyến qua Cali kỳ này, đây có thể được coi là lần cuối cùng gặp em, em hãy nên mở rộng vòng tay và tấm lòng cho anh một cơ may lần chót, sau khi để em có thì giờ suy nghĩ và chọn cho mình một quyết định dứt khoát, em hãy làm theo ý anh mong muốn là: nếu từ chối, trong lòng bàn tay, em sẽ không viết một chữ gì, còn nếu chấp thuận, trong lòng bàn tay em, anh đợi chờ em sẽ dành cho anh ba chữ viết tắt. Chữ đó là ILY”.
Dưỡng muốn áp dụng theo lối hình thức bỏ phiếu thay cho lời nói nói ra bằng miệng, với cách đó, Dưỡng nghĩ sẽ giúp cho Thảo dễ dàng có quyết định để lựa chọn hơn. Thấy Thảo vẫn chưa hiểu ý mình muốn nói gì, một tay cầm cây bút lông màu xanh mực đậm đưa cho Thảo, tay kia nắm lấy bàn tay ngưòi tình, rồi lại nói tiếp:
“Hãy viết hoặc không viết gì cả”.
Đứng dậy, đi về phía cửa sổ, mắt nhìn ra khu vườn sau có cây cối trồng, Dưỡng cố ý để Thảo ngồi một mình suy nghĩ và quyết định. Thấy thời gian đủ để quay về chỗ ngồi và để biết kết quả với mấy chữ viết trong lòng bàn tay của Thảo, Dưỡng cảm thấy hồi hộp như một thí sinh đi coi bảng thi. Bàn tay của Thảo vẫn còn nắm chặt. Nắm chặt với những ngón tay cong lại như sợ mở ra, vật mà Thảo giữ trong đó sẽ bay mất hay rơi xuống. Dưỡng hồi hộp cầm bàn tay đó, nhẹ nhàng gỡ từng ngón tay với một cử chỉ thận trọng, khi bốn ngón tay của bàn tay ruỗi thẳng, Dưỡng đã chẳng thấy gì trong lòng bàn tay của Thảo. Mặt đổi sắc, Dưỡng đứng dậy rồi trở lại cái ghế đã ngồi, trong khi Thảo nói:
“Là một người bạn hay một người tình, em thấy vẫn đẹp và quí hơn là chuyện đi tới hôn nhân. Em trân trọng và giữ gìn nó mỗi khi nghĩ đến anh. Vậy thì cần gì phải bận tâm tìm cách chiếm đoạt cái mà ta đã có. Vì thế, trong lòng bàn tay em, em đã không muốn để lại một chữ viết gì như điều anh hi vọng”.
Dưỡng gượng cười:
“Tất cả những điều anh mong muốn, bây giờ không còn gì khác nữa để mà ấp ủ đợi chờ”.
Chỉ một câu nói đó thôi, Dưỡng cho là đã quá đủ. Vừa chán nản vừa thất vọng, Dưỡng không còn tha thiết với bữa ăn trưa mà Thảo đề nghị lái xe đưa chàng xuống phố để đến quán ăn nữa. Với lúc đến gặp Thảo vui bao nhiêu, thì nay, với lúc ngồi ở trong phòng khách đối diện với Thảo, Dưỡng lại cảm thấy đã buồn mà còn thất vọng. Một giọt nước tròn và nhỏ, đọng trên lá long lanh trong suốt nom đẹp thế đấy, nhưng khi giọt nước từ lưng tầu lá lăn mình rớt xuống, nó chạm đá rồi vỡ thì giọt nước chớp mắt đã hóa thân. Với tâm trạng của Dưỡng lúc này cũng không khác gì giọt nước đọng trên tầu lá, với hi vọng tình yêu sẽ nở hoa, nhưng nụ hoa chưa kịp xòe cánh đã rụng cuống rời cành.
 
 Tay mò sâu trong cái túi áo, Dưỡng lấy cái “cell phone” ra. Lặng lẽ bấm những con số, đưa cái “cell phone” áp vào tai, khi nhận ra bên kia có tiếng của Doãn, Dưỡng đã nói:
“Mình cần về. Cậu đến đón mình ngay bây giờ được chứ”.
Không biết bên kia Doãn nói gì, chỉ thấy Dưỡng trả lời:
“Không sao. Đến đón mình ngay nhé”.
Nắp cái “cell phone” đã được đóng, Dưỡng bỏ nó vào túi rồi quay qua Thảo nói:
“Xin lỗi em. Anh đã vô lối và bất lịch sự như thế có đúng không. Nếu em là anh, em mới hiểu được tâm lý bị dội ngược, anh không kìm hãm được phản ứng tự nhiên của con tim”.
“Không. Em coi mọi chuyện vẫn bình thường. Và nếu có sự bất ngờ xẩy ra, em cũng vẫn coi đó chỉ là điều tự nhiên phải có. Ở anh hay ở bất cứ người nào khác, có lẽ cũng vậy thôi. Nhưng còn việc đi ăn trưa như em đã mời, anh không thể đè nén tự ái thái quá để ở lại đi ăn với em được sao”.
Nghe thì có nghe, nhưng Dưỡng đã không lên tiếng trả lời. Một con người cao ngạo và khó tính như Dưỡng, Dưỡng không dễ dàng lùi bước để chịu thua. Cảm thấy bị tổn thương, bị hắt hủi, bị xô ngã, Dưỡng tự có cảm tưởng mình chỉ là một con thú cô đơn trong khu rừng già.
Khi Doãn đến, khi đã ngồi trong xe, khi xe đã ngon trớn trên đường “freeway”, Doãn thấy Dưỡng chỉ im lặng với nét mặt như đi đưa đám, thì cười:
“Có chuyện gì sao nom buồn thế. Bộ cậu gặp nạn rồi đấy có phải không”.
Chẳng nói chẳng năng, Dưỡng cứ ừ ừ như miệng ngậm hột thị. Mãi sau, lần thứ hai thấy Doãn thắc mắc cứ hỏi vặn mãi, Dưỡng mới bực mình bảo:
“Vừa rồi, giữa mình và Thảo có chuyện không vui”.
“Nói rõ hơn có được không”.
“Còn rõ hơn cái gì nữa. Mình đưa ra ý muốn lấy Thảo, nhưng Thảo cứ phớt lờ như không có. Lại còn nói, Thảo chỉ trân trọng và yêu quí tình bạn hơn là tình vợ chồng. Biết bao lâu nay rồi, mình tha thiết yêu Thảo, muốn Thảo cùng sống chung. Vậy mà, Thảo vẫn giữ thái độ coi mình như pha”.
“Tôn trọng người khác phái khi họ muốn hơn là đòi hỏi họ làm đúng theo ý mình. Nếu Thảo của cậu đã chọn vĩnh viễn con đường của Thảo đã đi, cậu ngăn đường cản lối là điều tối kỵ. Cậu tung chưởng nhắm vào đối tượng để đánh ra nhưng chưởng không trúng đích lại bay vào thinh không, cậu thất bại là đúng quá rồi”.
“Lại thêm cậu nữa. Thôi đừng nói ”.
Doãn cười. Cả hai rơi vào im lặng. Chỉ còn tiếng động của bánh xe dưới gầm xe nghiến mặt đường lăn đi nhanh như gió. Với gần nửa tiếng đồng hồ, ngọn đồi nơi Doãn ở đã hiện ra về phía trước mặt. Và đường vòng có dốc, xe bắt đầu leo lên với tốc độ chậm chạp vừa đủ để lên cao. Thực ra, với tốc độ đó, xe chạy ở đường bằng sẽ nhanh như phóng.
Cơm bữa trưa rồi bữa chiều, khi mặt trời từ từ dấu mình ở phía đằng Tây, thì lúc đó, bóng tối đã phủ và đèn dưới phố đã bật. Vẫn những ánh sáng nhấp nháy như ánh sáng của những con đom đóm ở vùng quê, nhưng không bay mà đứng cố định một chỗ.
Vào lúc Doãn bận làm việc với cái “lap top” để ở bàn, Dưỡng ngồi một mình ở sofa nơi phòng khách. Vẫn hướng nhìn về phía cửa sổ gắn kiếng của căn phòng, mắt Dưỡng thấy một khoảng không gian rộng và dài ở trước mặt, nơi là bóng tối thẫm đặc, nơi là đèn ở dưới đồi lấp lánh sáng. Bây giờ đã bình tâm tĩnh trí, Dưỡng mới có đủ tỉnh táo và sáng suốt để nhớ lại những gì mình đã làm khi ở nhà Thảo. Hối hận và tự trách mình, Dưỡng thấy đau đớn không phải thể xác mà là tinh thần. Rồi tất cả những lối lầm, Dưỡng nhận hết về phần mình. Và nếu như thể có Thảo ở đây lúc này, Dưỡng sẽ không ngần ngại mà không thực tình xin lỗi Thảo. Điện thoại cho Thảo ư. Dưỡng có nghĩ nhưng không muốn thực hiện. Đêm đã khuya. Thấy bạn ngồi như một bức tượng trong bóng tối của căn phòng, đã thấy muộn, Doãn phải lên tiếng nhắc:
“Cậu vào phòng đi ngủ đi”.
“Ừ. Có lẽ nhờ giấc ngủ mình sẽ bớt bứt dứt. Mình đã quá bậy khi ở nhà Thảo. Bây giờ nghĩ lại mới thấy có lỗi và hối đấy cậu ạ”.
“Lời trong bản nhạc Tình Sầu của Trịnh Công Sơn, mình nhớ có những câu: tình yêu như trái phá, tình yêu như vết cháy, tình yêu như nỗi chết, tình yêu như cơn bão, cái tình yêu nó dữ dằn như thế phải là người có sức mạnh như mãnh sư mới chịu thấu nổi. Không biết trong cái tình yêu dầy vò cậu như vậy cậu ở dạng nào”.
“Dạng nào thì dạng, nhưng đã yêu thì làm sao dứt bỏ tình yêu được. Sao cái ngày mình yêu rồi lấy vợ mình, mình đâu có thấy nó khổ sở thiểu não đến như thế nhỉ. Nay loạng quoạng dính vào yêu Thảo, mình khốn khổ khốn nạn hơn cả lúc còn ở trong tù”.
Nghe, Doãn bật lên cười thành tiếng.
“Thôi ông ơi, khuya rồi ông đi ngủ đi”.
“Đúng. Đi ngủ. Nhưng trước khi đi ngủ, mình có chuyện này muốn nói với cậu”.
“Chuyện gì vậy”.
“Mai sáng, cậu cho mình ra phi trường mình đổi vé máy bay. Thay vì ở lại, mình về Bỉ sớm hơn dự định”.
“Về sớm chỉ vì thất tình. Cậu lớn tuổi rồi mà cứ như con nít”.
“Đừng đùa. Mình đổi vé máy bay về thật mà”.
“Nếu cậu muốn về thật, cậu đã nhờ thì mình giúp. Chuyện đó để mai sáng dậy tính sau, còn bây giờ, giấc ngủ cần đến trước nhất đã”.
 
3.
 
Mai sáng, đúng như ý muốn của Dưỡng, thay vì đưa Dưỡng ra phi trường để đổi vé cho chuyến bay, Doãn lại dùng điện thoại để lấy ngày về sớm hơn thay cho ngày về của cái vé đã mua trước. Có một ghế còn trống vào lúc nửa đêm, Doãn hỏi ý kiến Dưỡng, thấy Dưỡng gật đầu thì chàng trả lời đồng ý để cô nhân viên tại quày bán vé ở phi trường lên danh sách. Sáng, trưa, chiều rồi tối, sau bữa ăn, Doãn và Dưỡng ra ngồi ở phòng khách tán gẫu đủ thứ chuyện. Có lẽ vì thế, Dưỡng đã vui và quên không còn nghĩ đến Thảo nữa. Vẫn cái ghế Dưỡng hay ngồi, cái ghế hướng về phía cửa sổ ngó xuống phía dưới ở độ thấp của ngọn đồi, trong bóng tối vẫn sáng lên ánh sáng của những ngọn đèn lấp lóe như đốm huỳnh quang ở đuôi của những con đom đóm, và sáng của những vệt sáng đèn xe quơ qua quét lại trên những con đường dưới phố. Thỉnh thoảng, đôi mắt Dưỡng lại nhìn lên cái đồng hồ treo tường, để dòm chừng vì sợ trễ giờ phải có mặt ở phi trường. Thấy vậy, Doãn đã vội trấn an:
“Cậu cứ việc an tâm. Từ nhà mình ra đến “airport” xa chẳng mấy đỗi, với thời gian, xe chạy chừng 20 phút là tới ngay rồi”.
“Ừ. Mình phó thác việc đó để cậu lo cho mình. Thật rủi và đáng tiếc, nếu như sáng nay, Thảo chịu viết cho mình một chữ, mình đâu có muốn trở về sớm như thế này. Mà cũng tại mình nữa, chuyện có gì đáng để mình phải hậm hực rồi nổi sùng giận dữ với Thảo. Bình tâm mà xét, con người mình mang sẵn tính khó khăn hẹp hòi, nóng rồi mất khôn, có lẽ chẳng qua chỉ vì mình không kìm được tự ái, cho Thảo đã gây tổn thương cho mình quá nhiều, mình mới xử sự một cách quá đáng và lố bịch như vậy. Nay thì mọi chuyện đã xong cả rồi. Xong trong thất bại mà nghĩ lại còn thấy xấu hổ nữa”.
Dưỡng ngồi than thân trách phận như thế chán rồi mặt cứ chảy dài mãi ra. Để cho Dưỡng nói đến lúc không còn gì để nói nữa, Doãn mới chậm rãi lên tiếng bảo:
“Khi cậu đã nhận ra cậu và nhìn thấy cái lỗi của mình làm, cậu vẫn còn là người tỉnh táo và khôn ngoan rồi đấy. Còn chuyện trách Thảo thế này thế kia, theo mình nghĩ, cậu trách như thế là không được. Cái nhân sinh quan của mỗi người mỗi khác, không ai giống ai bao giờ cả. Thảo đã vạch ra con đường để đi thì cậu muốn đi chung con đường đó cũng được, nhưng đi như thế không có nghĩa cậu đi sóng vai bên Thảo mà đi trước hoặc sau Thảo có vậy thôi”. Hai nữa, trước đây cậu là dân truyền tin, cậu biết thuở xa xưa cổ nhân không có phương tiện hữu hiệu và hiện đại như bây giờ, vì thế mới dùng chim bồ câu để đưa tin như vào thời Trần Nguyên Hãn, dùng lửa để báo tin khi thành bị vây hãm lúc có kẻ thù đến đánh đặng cầu cứu các nước đồng minh mang quân đến giải tỏa như thời Đắc Kỷ, nay, những cái đó đều đã lỗi thời và xưa cả rồi. Còn cái cách cậu dùng viết chữ lên lòng bàn tay dưới hình thức trưng cầu dân ý, đem áp dụng trong tình yêu, cậu đã khờ thấy mẹ rồi”.. 
Dưỡng tính nói, nhưng mắt chợt nhìn lên cái đồng hồ quả lắc treo tường, Dưỡng thấy đã tới giờ ra phi trường nên lại thôi. Đứng dậy từ cái ghế sofa, Dưỡng khoát tay ra dấu cho Doãn:
“Đi không trễ. Tới giờ rồi”.
Thấy vợ Doãn đang lui cui nấu nướng ở bếp, Dưỡng lên tiếng:
“Xin phép chị, tôi về nhé”.
“Làm gì mới qua, anh lại về sớm vậy”.
“Vì một lý do riêng, tôi phải về sớm hơn dự định. Cám ơn chị, chị đã tiếp đãi tôi chu đáo quá”.
“Có gì đâu. Bạn của nhà tôi cũng như bạn của tôi thôi mà”.
Đã ngồi vào cái ghế ở cạnh ghế của Doãn, Dưỡng rõi mắt nhìn hai ánh đèn pha quét trên đường dốc núi. Còn hai bên chỉ thấy bóng tối và sương dầy đặc cùng những ngọn đèn dưới dẫy phố nhấp nháy như sao trên trời. Thấy sương dầy đặc, Dưỡng e ngại nói:
“Không biết có delay không đây. Thời tiết tối nay coi bộ xấu quá”.
“Coi thế chứ không phải vậy đâu. Sương như thế này, máy bay vẫn bay như thường chứ chẳng delay hay cancell như cậu tưởng”.
Chuyện qua chuyện lại giữa hai người trên đoạn đường xe đang chạy, chẳng mấy chốc họ đã tới phi trường. Thả Dưỡng xuống, quay xe lộn về con lộ Doãn đã đi, nửa tiếng sau, Doãn đã về tới nhà. Vừa thấy mặt Doãn, vợ Doãn đã nói:
“Anh và anh Dưỡng vừa rời khỏi nhà, có điện thoại của một bà gọi đến”.
“Bà nào vậy”.
“Bà Thảo”.
“Bà Thảo. Bà ấy nói gì vậy em”.
“Bà ấy nói cho gặp anh Dưỡng”.
“Không biết có chuyện gì ”.
“Chuyện gì nữa. Em nghe bà Thảo muốn được nói chuyện với anh Dưỡng để tạ lỗi đã làm anh ấy buồn. Bà Thảo còn tâm sự với em là bà ấy muốn đùa để thử lòng anh Dưỡng thế thôi, còn chuyện kia, bà ấy thực tình muốn sống chung với anh Dưỡng từ lâu nay rồi”.
“Thực vậy sao. Cái thằng Dưỡng này thiếu tế nhị làm hỏng cả đại sự. Thôi được. Để anh gọi cho Dưỡng báo tin cho hắn biết ngay. Nếu chưa lên máy bay, anh cá với em là hắn sẽ gọi anh ra ngay phi trường để đón hắn”.
“Vậy lại hủy bỏ vé máy bay hay sao”.
“Còn gì nữa. Vé máy bay có nghĩa gì so với tình yêu của hắn đã có. Thôi, em đừng hỏi nữa để anh gọi cho Dưỡng kẻo không kịp”.
Doãn lấy cái “cell phone”, mở nắp, bấm số, rồi áp vào tai nghe. Nghe nhưng nghe mãi vẫn chẳng thấy có tiếng của Dưỡng hồi âm. Thất vọng, Doãn đóng nắp máy điện thoại cầm tay lại, thở dài, rồi nói:
“Điện thoại cầm tay của hắn đã off rồi”.
 
NGUYỄN TRUNG DŨNG
2.2010

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003