Oct 12, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CHUYỆN TÌNH TRONG QUÁN CÀ PHÊ
NGUYỄN TRUNG DŨNG

 

Nếu lấy thống kê, đàn ông đa số thích uống cà phê còn đàn bà chỉ là thiểu số. Đàn ông đến quán cà phê thường để gặp bạn bè ngồi tán chuyện. Trong lúc tán chuyện, muốn hút thuốc lá thì hút, muốn nhìn gái thì nhìn. Thuốc không cấm hút ở những nơi này. Gái quán nào cũng có. Những cô gái được tuyển chọn thường trẻ và đẹp. Họ được chủ quán mướn không ngoài mục đích là thu hút khách vừa là nhân viên phục vụ. Phục vụ công việc đơn giản chỉ là bưng cà phê và dọn bàn hoặc làm những chuyện lặt vặt trong giờ quán vắng khách. Do điều kiện hay do tự nguyện, những cô tiếp viên thường ăn mặc rất giản dị. Áo với vải mỏng hở hang. Quần với gấu ngắn cũn cỡn. Váy với sợi mắt lưới phô bầy da thịt. Đấy không biết có phải là những lý do để, nếu thống kê, con số nam giới uống cà phê chiếm đa số so với thiểu số nữ giới trong các quán như thường thấy có lẽ là vậy. Nữ giới không thích đến quán cà phê uống cà phê có nhiều nguyên nhân để giải thích. Một là họ không muốn tới một nơi có nhiều đàn ông tụ tập, một nơi ồn ào với tiếng người nói chuyện, một nơi với tiếng nhạc phát ra từ dàn loa khuếch âm quá lớn, một nơi nồng nặc mùi hôi của khói thuốc lá, một nơi mà người ta chuyện trò những chuyện thiếu đứng đắn cần phải tự chế hơn là đi quá đà giới hạn. Hai là, nữ giới không có bạn bè cùng lứa cũng thích đến quán, thích uống cà phê ở một nơi như thế để ngồi tâm sự. Uống cà phê họ còn sợ làm da mặt sần sùi nổi mụn, sợ mất ngủ và sợ cả đến sự tiêu hóa bất bình thường.

Thùy là người ngoại lệ trong số nữ giới như vừa kể. Nói đúng ra, nếu trước đây khi chưa quen Tuấn, người bạn trai của nàng, thì Thùy chẳng bao giờ biết đến mùi cà phê. Mỗi lần rủ thì đi. Mỗi lần đi thì uống. Uống riết rồi quen. Từ đó đến nay, Thùy không bao giờ để ý đến chuyện uống cà phê có hại là bởi vì, những lúc đối diện với Tuấn ở quán, ngồi ở cái bàn nhỏ gần sát kính cửa sổ ngó ra đường, với ly cà phê để trước mặt, Tuấn và Thùy đã có những chuyện cần đưa ra để nói. Được cái, quán cà phê Thùy và Tuấn đến, nếu ở những cái quán Việt Nam ồn ào và sặc mùi khói thuốc, có những tiếp viên phục vụ với áo quần ngắn cũn cỡn hở hang, thì ở đây, quán cà phê Starbucks của Mỹ lại khác hẳn. Cà phê thuộc vào loại uống được. Phòng ốc kể ra khá khang trang. Chỗ ngồi thật sạch sẽ. Khách muốn ăn hay uống phải tự mình phục vụ. Đến quầy tính tiền, đặt món mình thích, thanh toán xong, bưng về chỗ ngồi để ẩm thực.

Kể từ khi không còn Tuấn, cái thói quen chỉ là một phần, nhớ đến Tuấn lại là chính, không thường xuyên nhưng có thể được gọi là thường xuyên, buổi trưa, Thùy lại lái xe đến quán cà phê ngồi uống. Thất nghiệp hai tháng, ở nhà chẳng có việc gì để làm, cũng là lý do Thùy đến quán cà phê. Bên cạnh đó, cái lý do chính đến quán là để nhớ lại Tuấn, người bạn cũng là người tình xa xưa, nay người đó đã vĩnh viễn không bao giờ còn gặp.

Xe đã đỗ ở bãi, Thùy đi thẳng vào quán. Tới quày lấy cà phê, trả tiền, Thùy đến cái bàn nhỏ, cái bàn đó may mắn là chưa có ai ngồi. Chính ở cái góc có kê cái bàn này, nơi trước đây, mỗi lần cùng Tuấn đến uống cà phê, nàng và Tuấn thường ngồi. Ngồi ở đó,  mắt có thể dễ dàng nhìn ra ngoài đường phố để thấy xe cộ lưu thông, thấy xe “light rail” với dẫy toa từ đâu đó đổ về, thấy trên vỉa hè người qua lại. Bên kia đường ray của  “light rail”, ở đó có một cánh đồng cỏ là đất bỏ hoang không được người ta sử dụng để trồng cây ăn quả hay cất nhà. Cuối bãi đất là phi trường dân sự. Từ dưới thấp cất lên cao, chốc chốc lại có chiếc phản lực nhấc mình bay vào bầu trời. Và xa hơn, một dẫy đồi thấp với sườn dốc thoai thoải hiện ra. Về mùa mưa, hoa cúc nở rộ. Một chỗ thật thích hợp và đúng với ý muốn của hai người. Vào giờ này, quán thường đông. Hầu hết những cái bàn đều có khách ngồi. Đông là bởi, giờ đó là giờ nghỉ của các hãng xưởng, của các văn phòng tọa lạc chung quanh đây, nên nhân viên thường rủ nhau đến quán ăn hoặc uống. Vào đúng lúc Thùy đang mải nghĩ về Tuấn, hồn như đi rong chơi, thì bất chợt nghe thấy có tiếng người hỏi:

“Xin lỗi cô. Tôi có thể ngồi chỗ này cùng bàn với cô được không.”.

Đưa mắt nhìn lên, Thùy thấy người vừa hỏi là một người đàn ông, áo quần “com lê” màu xám, cổ thắt cà vạt, lời nói nhã nhặn, tư cách đứng đắn. Không thể để người hỏi đợi lâu mà không có câu trả lời, Thùy vội lên tiếng:

“Ông cứ tự nhiên. Chỗ này còn trống. Ông có thể ngồi”..

Người đàn ông cám ơn. Cái ly cà phê và cái bánh sandwich có gói giấy được đặt xuống bàn. Uống và ăn, ông vừa nói:

“Tôi thấy phụ nữ rất ít người thích uống cà phê. Nhìn cô uống, tôi tự hỏi, không biết đây có phải là trường hợp ngoại lệ không”.

Thản nhiên, Thùy vừa cười vừa đáp:  

“Ngoại lệ đúng như ông nói đấy. Đàn bà chẳng những đã không thích cà phê mà thấy cà phê còn sợ là đằng khác nữa”.

“Cô bảo sợ, tôi không hiểu tại sao lại phải sợ”.

Thùy đưa mắt lơ đãng nhìn ra bên ngoài đường phố, thủng thẳng trả lời:

“Người khác sợ uống cà phê, còn tôi thì không giống họ. Nói đúng ra, tôi thích uống cà phê chẳng qua cũng chỉ vì một người. Người đó yêu tôi và tôi yêu anh ấy. Những lúc hẹn để được gặp nhau, anh ấy thường đưa tôi tới quán, ngồi trầm ngâm bên ly cà phê, tâm tình trò chuyện. Nhưng bây giờ thì không còn cái cảnh đó nữa, dù vẫn là cái quán này, cái bàn này, cái ly cà phê này, nhưng chỉ còn có một mình tôi uống thôi ông ạ”.

“Tôi không dám chắc nên chỉ đoán phỏng chừng, có thể đây là một chuyện tình buồn như cô mới nói như thế có đúng không”.

“Tôi chưa quen ông, chưa biết ông là ai, lẽ ra tôi không nên nói ra mới phải. Buột miệng đã nói rồi, tôi nghĩ cũng chẳng cần phải giấu diếm ông điều gì. Giả thử nếu tôi nói, ông có thích nghe tôi nói không đã”.

“Cô không biết là tôi đang đợi nghe cô nói hay sao. Vậy cần gì phải hỏi tôi thích hay không thích. Dù đây mới chỉ là lần đầu tiếp xúc với cô, cô có thể coi tôi là người bạn tốt đáng tin cậy được. Biết đâu, chính sự tình cờ được ngồi cùng bàn với cô, có thể cô và tôi có mối quan hệ bạn bè thân thiết “.

“Như vừa mới đây tôi đã nói, cái quán này, cái bàn này, dù ly cà phê hôm nay không phải là ly cà phê trước đây, người tình của tôi và tôi đã ngồi uống, nhưng sau khi chiếc phi cơ đi Los bị ngộ nạn, thì kể từ đó anh ấy đã không còn. Cất cánh từ phi trường bay lên, bánh trật khỏi phi đạo, nó nổ rồi phát hỏa. Mọi người chết hết. Người tình của tôi cũng không thoát khỏi trong số người chết đó. Nhớ đến anh ấy cũng là lúc tôi nhớ đến cái quán này, cái bàn này, cái ly cà phê này, vào những ngày tôi còn ngồi uống bên anh”..

“Ngày tháng qua đi. Theo thời gian nỗi buồn rồi cũng vơi bớt. Tìm khuây khỏa trong công việc, nó sẽ giúp cho cô quên đi nỗi đau cô mang trong đầu”.

“Ông nói đúng. Những ngày tôi còn làm ở hãng, không đủ thì giờ để hoàn tất công việc người ta giao cho mình, thì còn chỗ nào hở để mà ngồi đó nhớ, vì thế tôi thực sự thấy thoải mái hơn. Nhưng bây giờ, hãng xuống, tôi bị sa thải, thất nghiệp ngồi ở nhà, nếu ông không là người rớt vào hoàn cảnh đó, ông không thể hiểu được đâu”.

“Vậy ra cô đang cần việc để làm”.

“Chắc chắn là như vậy”.

“Điều này tôi hứa với cô, tôi có thể giúp được cho cô nếu cô muốn”.

“Sao ông lại còn hỏi vậy. Nếu tôi không muốn, tôi đã chẳng nói cho ông nghe tôi đang bị thất nghiệp”.

“Được. Vậy thì, ngày mai, cô đến hãng này, địa chỉ này, cô điền đơn để xin việc làm”.

Nhìn đồng hồ đeo tay, người đàn ông vội đứng dậy:

“Tới giờ tôi phải đi. Cô nhớ sáng mai cứ đến đó nhé”.

Thùy chưa kịp cám ơn thì người đó đã bước nhanh về phía cửa. Đang thất nghiệp, muốn có việc để đi làm, lại có người giới thiệu chỗ làm để mình tới xin việc, đúng là lúc nắng hạn trời khô se, mây đen đem mưa kéo đến. Dù mới chỉ là lời hứa, việc chưa tới tay, đã chắc gì, nhưng Thùy vẫn hi vọng và tin tưởng ở người đàn ông đã nói với mình.

Sáng hôm sau, nhìn tên đường, nhìn địa chỉ ghi trên giấy, Thùy lái xe đến cái hãng ở vùng Milpitas. Đẩy cửa bước vào văn phòng, Thùy biết phải gặp ai và làm gì với cô nhân viên người Mỹ ngồi ở sau cái quày tiếp khách. Thùy trình bầy cho cô ta biết lý do mình đến để xin việc làm. Một tờ giấy từ tay cô nhân viên đưa cho Thùy với lời giải thích, Thùy phải điền những gì trong tờ giấy đó rồi sẽ hoàn lại cho cô ta khi đã xong. Ở một cái bàn nhỏ, Thùy đọc kỹ bản văn, rồi hí hoáy ngồi viết. Viết xong, Thùy đưa trả lại cho cô ta. Cô ấy nói đại ý là bảo Thùy cứ về, đơn sẽ được xét và chờ được gọi đến phỏng vấn. Chưa kịp bước ra khỏi văn phòng, Thùy đã thấy cô gái gọi giật nàng trở lại, rồi với ngón tay, cô chỉ cái ghế ra ý bảo Thùy ngồi. Ngồi chỉ một ít phút sau, cái cánh cửa đang đóng bỗng mở. Một người đàn ông từ cánh cửa mở đó bước ra. Ông ta lạnh lùng lên tiếng hỏi:

“Cô đến xin việc có phải thế không”.

“Phải. Thưa ông”.

“Được. Tôi là manager. Cô theo tôi qua phòng bên này”.

Khi đã qua cái phòng mà người đàn ông tự giới thiệu mình là “manager”, Thùy được ông ta bảo ngồi xuống cái ghế, cái ghế đối diện với ông ta, thì ở trên mặt bàn tờ đơn xin việc nàng vừa mới viết đã thấy để. Cuộc phỏng vấn bắt đầu:

“Cô khai trong này cô đang đi làm rồi bị sa thải”.

“Sa thải không có nghĩa là tôi đã vi phạm kỷ luật. Sở dĩ tôi phải thẳng thắn nói thế vì sợ ông hiểu lầm”.

“Cô đã nghĩ sai rồi. Tôi không thể hiểu lầm như cô vừa nói, với chức vụ một manager, tôi có quyền biết tận tường mọi vấn đề đối với một người mới đến xin việc”.

Với nụ cười khó hiểu, ông ta tiếp:

“Trong tờ đơn này, cô khai chuyên môn của cô làm tôi khó nghĩ đấy. Nếu nhận cho cô vào, tôi sẽ không biết có việc gì đúng với khả năng để giao cho cô đây”.

“Thưa ông, ông nói thế làm tôi có cảm tưởng ông muốn từ chối nhận tôi có đúng như vậy không”.

“Tôi chưa thể trả lời được”.

Vừa đúng lúc đó, cô nhân viên người Mỹ bước vào. Ghé tai nói nhỏ với ông “manager”, nét mặt đang cau có khó chịu, bỗng đổi thái độ thân thiện tử tế hơn.

“Cô đã được chấp nhận vào làm việc ở hãng”.

“Bắt đầu từ sáng mai thưa ông”.

“Sáng mai”.

“Tôi thành thật cám ơn ông”.

“Đừng nên cám ơn tôi như thế. Tôi có giúp được gì cho cô đâu”.

Kể từ ngày Thùy chính thức vào làm việc ở hãng cho đến nay, thời gian tính ra đã hơn một tháng. Một tháng, sáng đến hãng, chiều về nhà, Thùy đâu còn thì giờ để ghé đến quán cà phê gặp lại người đàn ông và để cám ơn ông ta đã tìm việc làm cho nàng. Không thực hiện được việc đền ơn đáp nghĩa, Thùy trong lòng vẫn áy náy không yên. Muốn giải tỏa được điều làm nàng bận tâm, Thùy nghĩ chỉ có một cách, buổi trưa vào cái giờ nàng biết chắc chắn người đàn ông hay ghé đến quán uống cà phê, Thùy sẽ lấy cớ có việc để về sớm.

Thẻ đã bấm, phép đã xin, từ hãng, Thùy lái xe đến quán. Vào giờ này, những cái bàn đều đã có người ngồi. Đảo mắt nhìn quanh một lượt, Thùy vẫn chẳng thấy bóng dáng người đàn ông mình cần tìm đâu cả. Thùy tự vấn: bữa nay ông ta bận nên không đến, hay ông ta đến uống xong đã bỏ ra về. Tự vấn rồi Thụy tự trả lời. Đúng vào lúc Thùy đã thất vọng, thì bất chợt, mắt Thùy nhác thấy một người đang ngồi ở cuối căn phòng, tay cầm tờ báo mở rộng, mắt chăm chú đọc. Tờ báo được bỏ xuống bàn, Thùy nhận ra đúng là người đàn ông mình đang muốn kiếm.

“Ông ngồi đây mà bây giờ tôi mới thấy. Cũng chỉ tại ông giấu mặt sau tờ báo làm tôi đâu có thể nhận ra”.

“Ủa. Ở hãng giờ này là giờ đang làm việc, sao cô lại có thể đến đây để uống cà phê như thế này được nhỉ “.

“Không, thưa ông. Tôi không đến đây để uống cà phê mà đến đây để gặp ông”.

“Gặp tôi. Cô cần tôi giúp cô việc gì nữa”.

“Tôi đã có việc, đâu còn dám làm phiền đến ông. Tôi đến đây là muốn để cám ơn ông.

“Cám ơn tôi. Cô khỏi cần cám ơn tôi có được không”.

“Sao ông lại nói như thế được nhỉ. Ông không cần tôi cám ơn tôi vẫn cứ cám ơn”.

“Thôi được. Tôi nhận để cô vui lòng. Đã đến, sao lại không uống cà phê. Uống nhé”.

Thấy người đàn ông tính đứng dậy để ra quày hàng, Thùy đưa tay ra cản:

“Bữa nay tôi không thấy thích. Đã trên một tháng, tôi không thể bỏ hãng để đi được, nên trên một tháng như tôi vừa nói, tôi đã không còn được uống cà phê”.

“Cô nói thế là có ý trách tôi đấy có phải không”.

“Tôi lại dám trách ông ... “.

“Thì cô mới nói, vì phải đi làm nên cô không còn thì giờ để mỗi buổi trưa, cô đến đây uống cà phê. Không phải là cô có ý muốn trách tôi đấy còn gì”.

“Ông lại suy diễn rồi. Sao tôi có thể trách ông như thế được”.

“Nếu không có việc phải đi, tôi sẽ ngồi đây cả buổi chiều này với cô để được nghe cô nói”.

“Ý ông muốn bảo tôi là người đàn bà lắm chuyện đấy có phải thế không”.

“Không. Cô đã hiểu sai rồi đấy”.

“Sao ông cứ nhìn đồng hồ hoài vậy. Ông cần đi sao lại không đi”.

“Ờ, tôi đi”.

Nói rồi, ông ta đứng dậy, môi nở một nụ cười, bước vội ra khỏi quán.

Đã gần tới giờ “break”, Thùy cắm cúi làm gấp cho xong cái  “job” nàng vừa được giao, thì từ xa, “manager” đi vội đến, đứng ở cạnh chỗ Thùy ngồi, ông ta bảo:

“Cô Thùy. Cô theo tôi lên văn phòng có việc”.

“Việc gì vậy hả ông”.

“Cô không cần hỏi. Tôi nói cô lên văn phòng”.

“Cái job này là job hót, tôi đang làm gấp ông không thấy sao”.

“Hót hay không hót, cô cứ bỏ đó. Nếu ai nói, tôi chịu trách nhiệm”.

“Ông bảo vậy, tôi phải nghe theo lệnh của ông”.

Đứng dậy, đi theo “manager”, Thùy đã có mặt ở trên văn phòng. Đẩy cái cánh cửa đang đóng, ông ta ra dấu cho Thùy vào. Ngồi ở cái ghế, cái ghế đằng sau cái bàn, Thùy thấy người đàn ông nàng thường gặp ở quán cà phê. Ngạc nhiên, Thùy sửng sốt nói:

“Ủa. Sao ông lại đến đây”.

“Tôi đến để gặp cô”.

“Gặp tôi. Đang giờ làm việc, bất tiện cho tôi quá. Mà ông đến gặp không thôi hay có chuyện gì vậy”.

“Có. Tôi muốn mời cô đi uống cà phê”.

“Nếu không phải là giờ làm việc, ông không mời tôi cũng mời ông. Nhưng hôm nay, ông cho phép tôi được từ chối”.

“Tôi biết cô từ chối vì lý do gì rồi. Nhưng cô không cần lo chuyện đó”.

Thùy chưa kịp nói, người đàn ông đã đưa ngón tay bấm cái nút trên cái hộp để ở mặt bàn, cái hộp đã phát ra tiếng nói:

“Thưa ông ....”.

“Ông lên gặp tôi”.

“Dạ”.

Chỉ vài giây sau tiếng dạ, cánh cửa phòng mở, ông quản lý đã bước vào:

“Thưa ông giám đốc, ông giám đốc có điều gì chỉ thị”.

Tai vừa nghe hai tiếng giám đốc, mặt Thùy đã tái lại. Đấy chẳng qua chỉ là sự bất ngờ như sự  bất ngờ trong lúc lái xe, chợt thấy có một bà già băng qua con lộ, không tự chủ được tinh thần, nên đã hoảng hốt.

“Ông cho cô Thùy đi với tôi để cô ấy phụ việc này cho tôi có được không”.

“Thưa ông giám đốc, cô Thùy là nhân viên của hãng, ông giám đốc có toàn quyền  điều động bất cứ lúc nào, ông giám đốc đâu cần phải hỏi tôi như thế bao giờ ạ”.

“Ông thực sự nói chưa đúng lắm đâu. Là quản lý coi toàn thể nhân viên trong hãng, việc kiểm soát và điều hành trực tiếp dưới tay ông, muốn gì tôi cũng cần phải hỏi ông chứ”.

“Cám ơn ông giám đốc đã bảo thế”.

“Bây giờ thì ông có thể ra được rồi đấy”.

Chờ ông quản lý đã đã khép cánh cửa phòng, bấy giờ Thùy mới lúng túng nói:

 “Tôi ...  tôi xin lỗi ông giám đốc. Thực tình tôi không biết ông là ... “.

“Ý cô muốn nói tôi là giám đốc có phải như thế không. Giữa cô và tôi, điều đó tôi cho là không quan trọng. Ở hãng, trước mặt mọi người, đương nhiên không thể nào khác được, cô phải gọi tôi là giám đốc. Nhưng trong trường hợp chỉ có cô và tôi, lúc chuyện trò, tôi yêu cầu cô hãy quên cái chữ giám đốc đó đi có được không. Và tôi còn muốn thêm một điều nữa, cái chữ ông mà cô xưng hô, từ nay xin cô cũng đừng dùng đến nó.

“Ông giám đốc đã đặt tôi vào trường hợp khó xử”.

“Khó xử chỉ là do em không muốn, còn khi em đã muốn, anh thấy chẳng có gì khó xử cả”.

Nghe người đàn ông ngồi trước mặt mình đổi chữ cô thành chữ em, đổi chữ tôi thành chữ anh, Thùy cảm thấy thích thì có thích, nhưng thâm tâm lại rất sợ. Khôn ngoan và tự tin, ông giám đốc tiếp tục dồn Thùy vào chân tường khi ông thủng thẳng nói:

“Tôi biết giờ này là giờ Thùy thích uống cà phê, tôi mời Thùy đi uống cà phê với tôi có được không”.

“Thưa ông giám đốc ...” .

“Lại thưa ông giám đốc rồi. Cô nên tập nói chữ anh chữ em đi cho quen miệng”.

“Vâng. Nếu chiều ý cùng anh đi uống cà phê, chuyện này người ta biết sẽ đem em ra nói xấu. Vậy anh thông cảm cho em từ chối có được không”.

“Được thì cũng được. Nhưng cô từ chối,  cô có biết làm thế tôi buồn không”.

“Em biết”.

“Biết. Vậy sao cô vẫn cứ làm”.

“Tại vì đang là giờ làm việc, em không thể bỏ hãng đi với anh được”.

“Chuyện đó là chuyện của tôi. Cô đâu cần phải lo. Nào đi”.

Bữa đó, buổi sáng ngày thứ sáu cuối tuần, vào giờ làm việc, các nhân viên đã vào trong hãng, ngoài sân bãi chỉ còn có những chiếc xe đậu ngay hàng thẳng lối trong những vạch kẻ bằng sơn màu trắng. Hướng đằng Đông, mặt trời tròn như một cái mâm đồng, đang từ ngọn những cây thông già, ngoi lên. Đúng lúc đó, có một cái xe đời mới, xe sơn màu đen, từ con đường lớn quẹo len chạy vào bãi đậu trong sân của hãng. Người lái chiếc xe hơi đắt tiền đó là một người đàn bà. Mở cửa, xuống xe, tay xách cái bóp da, từ bãi đậu đi thẳng về cái cửa của văn phòng. Cửa mở, bà ta bước vào. Vừa thấy người đàn bà, cô nhân viên người Mỹ đã đứng dậy. Miệng hello, môi nở một nụ cười, vẻ đon đả để đón tiếp bà khách. Khách là ai mà cô nhân viên người Mỹ lại tỏ ra lễ phép lịch sự đến thế. Chắc chắn khách không phải là người đến xin việc để cô phải mất công đứng dậy, miệng hello, môi nở một nụ cười, niềm nở và đon đả như thế bao giờ cả.

“Thưa bà giám đốc, bà giám đốc muốn gặp ông giám đốc đấy có phải không ạ”.

“Ông giám đốc chắc đang ở trong phòng riêng của ông”.

“Không. Thưa bà giám đốc. Ông giám đốc bữa nay có cuộc họp nên đi ra ngoài rồi”.

“Cô cho tôi gặp ông quản lý”.

“Để tôi gọi ông quản lý”.

Chỉ một lát sau, ông quản lý đã có mặt ở trong căn phòng có người đàn bà đang ngồi.

“Chào bà giám đốc. Bà giám đốc cần gặp tôi”.

“Ông khỏe không”.

“Dạ, cám ơn bà giám đốc, tôi khỏe”.

“Hôm nay đến đây, tôi có việc muốn cần đến ông”.

“Xin bà giám đốc cứ nói”.

“Ông là quản lý, nhân viên dưới quyền, ông có biết hết tên không”.

“Chắc chắn là tôi phải biết hết tên thưa bà giám đốc”.

“Vậy nhân viên ở trong hãng, cái cô gái tên Thùy ông cũng biết đấy chứ”.

“Dạ. Bà giám đốc nếu cần gặp cô Thùy, tôi sẽ gọi cô ấy lên gặp bà”.

“Dĩ nhiên tôi muốn gặp. Ông có thể gọi cô ấy lên văn phòng được chứ”.

“Xin bà giám đốc vui lòng chờ để tôi đi gọi”.

Từ căn phòng bước ra, khi đã đứng trước cái bàn làm việc của Thùy, ông ta hạ thấp giọng nói:

“Cô Thùy. Bà giám đốc muốn gặp cô”.

“Bà giám đốc ... “.

“Tôi nói rồi cô đã nghe thấy sao lại còn hỏi”.

“Tôi hỏi vì tôi thắc mắc”.

“Tôi không có thì giờ để giải thích cho cô nghe. Cô hãy theo tôi lên văn phòng ngay tức khắc. Bà giám đốc không thể chờ cô lâu được”.

Thùy đứng dậy đi sau ông quản lý lên văn phòng. Để Thùy ở lại, ông quản lý ra ngoài, khi chỉ còn có hai người, cửa phòng đã đóng, người đàn bà ngồi ở cái ghế sau cái bàn lớn nhìn Thùy đã hỏi:

“Cô là cô Thùy”.

“Vâng. Tôi là Thùy”.

“Tôi có nghe tên cô. Cô trẻ và đẹp lắm”.

“Bà gọi tôi lên đây, chắc chắn không phải là để khen tôi có đúng vậy không”.

“Cô tưởng tôi khen cô thật đấy à. Cô đẹp hay xấu chuyện đó không đáng để tôi phải quan tâm. Nhưng cô đừng bao giờ lấy cái trẻ và đẹp của cô để làm mê hoặc người khác. Đấy là chuyện tôi muốn nói” .

“Bà muốn nói sao không nói thẳng lại vòng vo như thế để làm.Từ nãy đến giờ tôi đã quá nhẫn nhục nhưng sự nhẫn nhục nào cũng có giới hạn của nó. Nói chuyện với tôi, cô không được quyền xưng hô theo cách đó cô biết không”.

“Ý bà muốn tôi phải xưng hô như thế nào”.

“Cô đứng trước ông giám đốc, cô không thể gọi ông giám đốc là ông không thôi mà là ông giám đốc. Vậy trước mặt tôi, cô là nhân viên làm trong hãng, cô phải gọi tôi là bà giám đốc chứ không thể chỉ là một chữ bà trống không như thế được”.

“Xin lỗi ... “.

“Tôi không cần cô xin lỗi”.

“Ủa, nếu với bà tôi có lỗi, tôi xin lỗi cũng không được sao”.

“Phải nói thẳng cho cô biết, tôi không muốn thấy mặt cô làm ở trong hãng này. Chắc cô đã thừa biết vì sao lại như vậy rồi. Nếu cố tình không biết, cô có cần để tôi nói hết ra không”.

“Bà khỏi cần nói, tôi là người đủ thông minh và sáng suốt để hiểu bà đến gặp tôi với chủ đích gì rồi. Tôi chẳng bao giờ cho bà dùng quyền hành của bà để bà sa thải tôi như thế được đâu. Tôi sẽ ... .

“Sẽ dựa vào sự can thiệp của ông giám đốc có đúng như vậy không”.

“Không. Tôi đâu đến nỗi phải quỵ lụy tới độ đó. Tôi cho bà biết, không phải chuyện này tôi sẽ nói cho ông giám đốc để xin được can thiệp như ý bà hiểu, mà tự tôi quyết định cho chính tôi. Tôi sẽ xin nghỉ việc”.

“Đúng đấy. Cô xin nghỉ việc hơn là để tôi phải sa thải. Vậy thì bao giờ cô xin nghỉ”.

“Ngay khi tôi ra khỏi căn phòng này”.

Tôi tin cô sẽ giữ lời nói. Nếu không, tôi sẽ phải làm việc đó thay cô”.

Mãi quá trưa, ông giám đốc mới trở về hãng. Đỗ xe ở bãi, tay cầm một cái ly giấy đựng cà phê, ông đi đến cái cửa văn phòng. Cửa mở, ông bước vào bên trong. Khi đã ngồi ở cái ghế sau cái bàn giấy lớn, ly cà phê đã để trên mặt bàn, ông bấm cái hộp điện thoại gọi ông quản lý. Ông quản lý đẩy cửa bước vào, chào ông giám đốc, rồi nói:

“Thưa ông giám đốc, ...”.

“Ông cho cô Thùy lên gặp tôi”.

“Thưa ông giám đốc ...” .

“Sao ông cứ đứng không đi lại cứ thưa như thế mãi vậy”.

“Thưa ông giám đốc, cô Thùy đã xin nghỉ việc rồi”.

“Nghỉ việc. Tại sao lại nghỉ việc.

Tôi không biết. Sáng nay bà giám đốc đến đây gặp cô Thùy, bà giám đốc và cô Thùy nói chuyện ở trong phòng, tôi không có mặt nên không rõ chuyện đó là chuyện gì, rồi sau đó, cô Thùy ra nói với tôi xin nghỉ việc”.

“Có chuyện như thế thật sao. Ông là quản lý ở hãng, tôi tưởng ông phải biết cho một nhân viên viên nghỉ việc sai nguyên tắc là phạm luật chứ. Thực tình tôi không thể hiểu được một chuyện như thế mà ông không giải quyết được”.

“Bà giám đốc có nói với tôi, bà giám đốc tính sa thải nhưng cô Thùy đã không chờ hãng sa thải mà tự ý nghỉ việc. Tôi có được hỏi ý kiến gì đâu thưa ông giám đốc”.

“Thôi được. Ông có thể ra ngoài”.

Còn lại một mình ở trong phòng, ông giám đốc ngồi lặng lẽ nhìn cái ly cà phê bằng giấy để ở trước mặt, ông không thể tưởng tượng được giờ này Thùy đang ở đâu. Ở đâu thì chỉ là ở nhà, ngồi một mình trong căn phòng vắng, Thùy chắc là đang khóc.

Không đúng như ông giám đốc nghĩ, giờ này Thùy đâu có ngồi lẻ loi khóc một mình mà nàng đang ở quán cà phê. Vẫn cái bàn kê gần sát kính cửa sổ, vẫn ly cà phê để ở trước mặt, một tay tì má, Thùy trầm ngâm lặng lẽ thả trôi hồn mình như những cái lá vàng mặc cho gió thổi bay đi. Có lúc không còn tự chủ được bản thân, Thùy bị cuốn theo dòng hồi tưởng đưa nàng từ hiện tại đi vào quá khứ. Cái quá khứ đó chỉ là cái quá khứ  của ngày nào gần đây thôi, ở cái quán này, ở cái bàn này, có một người đàn ông xa lạ đã đến và đứng ở trước mặt nàng để lên tiếng hỏi:

“Xin lỗi cô. Tôi có thể ngồi chỗ này cùng bàn với cô được không”.

“Ông cứ tự nhiên. Chỗ này là chỗ trống, ông có thể ngồi”.

“Tôi thấy phụ nữ rất ít người thích uống cà phê. Nhìn cô uống, tôi tự nghĩ, không biết đây có phải là trường hợp ngoại lệ không”.

“Ngoại lệ đúng như lời ông nói đấy. Đàn bà chẳng những không thích uống cà phê mà thấy cà phê còn sợ là đằng khác nữa”.

“Cô bảo sợ, tôi không hiểu tại sao lại phải sợ”.

“Người khác sợ uống cà phê, còn tôi thì không giống họ. Nói đúng ra, tôi thích uống cà phê chẳng qua cũng chỉ vì một người. Người đó yêu tôi và tôi yêu anh ấy. Những lúc hẹn nhau để được gặp, anh ấy thường đưa tôi đến quán, ngồi trầm ngâm bên ly cà phê, tâm tình trò chuyện. Nhưng ...” .

“Tôi có thể ngồi chỗ này được không thưa bà”.

Người vừa hỏi là một bà người Mỹ.

“Thưa, chỗ trống, xin bà cứ tự nhiên”.

Đứa bé gái xinh xắn dễ  thương là con của bà ta được bà ta đặt cho ngồi bên cạnh. Nó nom kháu khỉnh và đẹp như thiên thần. Mắt tròn và sáng như gương. Môi đỏ như  thoa son. Tóc vàng hoe như những sợi tơ của những con tằm mới nhả. Cái áo đầm màu xanh có điểm bông. Một đứa bé gái hồn nhiên ngây thơ và vô tư, miệng ngậm kẹo ngồi ngoan ngoãn bên cạnh mẹ, trong khi mẹ của nó thản nhiên uống cà phê. Nhìn nó, Thùy bỗng nhớ lại tuổi thơ của chính mình. Ước gì, nếu nàng được như đứa bé đó, nàng sẽ chẳng phải khổ lụy về tình yêu, chẳng phải vướng bận về cuộc sống, thì ... thì ... không gì sung sướng cho bằng.    


N G U Y Ễ N  T R U N G  D Ũ N G

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003