Apr 24, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
…KẼ HỞ CỦA HỒN… MÀU NHỚ
Hình ảnh
#1
#2
Bấm vào hình
để phóng to
LÊ THU HƯƠNG

 

Bà và ông đi bên nhau trên con đường mòn  trong cánh đồng hoang khô cằn.

Cuối tháng mười một, trời vẫn còn ấm khoảng 70 cho tới 73 độ Fahreinhet.  Bà nhìn chung quanh cánh đồng bao la, gò cao thấp vàng một màu cỏ khô.  Thỉnh thoảng vài cây cao  đứng trơ vơ.  Bà đang nghĩ đến rặng cây rộ nở các chùm hoa nho nhỏ như các hạt ngọc trai màu vàng nhạt, mềm như bông gòn,  trong các công viên hay dọc các con lộ ở Phoenix, Arizona.  Hoa nở từ xuân cho đến cuối hạ.  Bà để ý tìm, nhưng chưa thấy ai trồng nó khu bà đang ở.  Các bông hoa tròn tròn nhỏ trên các cành lá xanh thướt tha cho bà niềm vui là lạ.  Nhìn hoa bà tìm thấy một chút gì thân quen.  Màu vàng ngọt ngào ấy đang đưa bà vào vùng kỷ niệm đã hơn ba mươi năm bà dấu kín.  Màu vàng, màu hoa, màu quê hương, màu cờ nằm đâu đây trong tiềm thức. 

Bà vừa đi vừa nói to cho ông nghe như sợ giọng nói bà tan loãng trong cái bao la của sa mạc:

-  Thiệt tội nghiệp ba cái cây agave.   Ông coi kìa nó giống Từ Hải chết đứng.  Phải đợi hơn nửa thế kỷ để nở hoa.  Hoa tàn đời nó cũng đi đong ông à.  Coi bộ bất công quá? 

Ông dừng  bước, nhình quanh, Sa mạc những ngày đông chỉ có cây Thế kỷ( Century tree-agave) khô nằm ngổn ngang trên mặt đất đỏ hay đứng cho vơ với các cành khô mốc.  Agave, một loại dứa dại rất thấp, lá to bản có răng cưa hai bên lá và đầu lá rất nhọn.  Cây agave đến tuổi trưởng thành, một chồi non trổ to tròn như một thân cây nhỏ, thẳng lên trời, có khi cao tới ba mét.  Cây có thể có tới mươi mười lăm cành hoa trổ ngang mang các chùm hoa dài khoảng ngón tay màu vàng nhung.  Ong bướm chim lao xao chờn vờn để được hút mật hoa.  Khi hoa tàn, cây chết khô nhưng vẫn thẳng đứng giữa sa mạc.  Người ta đồn rằng chúng phải đợi hơn gần trăm năm để ra hoa nhưng các nhà vạn vật học khẳng định rằng cây nở hoa khi ở tuổi hai mươi hoặc hai mươi lăm.  Người tiền sử sinh sống trong Sa mạc Sonoran nướng các chồi non hình thể giống như các đọt măng tây dùng trong các bữa ăn.  Người ta nói rằng các đọt non sau khi nướng chín ngọt như mía nùi.  Còn củ  agave đem nướng nùi, vùi agave dưới lòng đất rồi chất củi khô đốt hai ba ngày cho tới khi ăn được.  Agave một ân điển của Thượng đế cho loài người, mọc khắp nơi trên vùng đất đai cằn cỗi không những là một nét đẹp kỳ ảo khi nở hoa mà còn là thức ăn cho người tiền sử trên sa mạc Sororan Mỹ châu.

-  Thì có gì lạ!  Agave cũng giống như chu kỳ đời sống mấy con cá hồi tiểu bang Washington của mình vzậy bà.  Tôi nghe đâu năm năm sống ngoài biển, chúng bơi ngược dòng về con lạch cũ, giống như nơi chôn nhau cắt rốn của nó.  Mình mẩy da dẻ rách tươm rướm máu, thân lờ đờ nằm thoi thóp bên cạnh các tảng đá trơn rêu trong rạch cạn, đẻ một bọc trứng cho con đực nhả nhớt bao kín chờ ngày nở.  Rồi cả con đực lẫn con cái chết rục làm mồi cho ba con quạ hay bầy hải âu.

-  Thiệt tội nghiệp.  Thôi !  Tui và ông không nên ăn cá nữa.  Tui thấy mình tội lỗi quá hè.  Ông có nghe huyền thoại “cá vượt ngũ môn” thành người hay tiên thánh gì đó về trời.  Không biết agave sau khi phô diễn vẻ đẹp tuyệt vời, rồi chúng đi về đâu hả ông.  Để tui vào nét kiếm ba cái huyền thoại coi người ở đây có giống ông bà mình không hè.

-  Bà thì lúc nào cũng vậy.  Hơi một chút là vô nét.

- Tui có cảm tưởng nét giống như Oracle, cho tui biết những gì tôi không biết.  Ông hay cằn nhằn tui hay hỏi ông những cái tầm xàm bá láp. Ôi cha!  Xứ gì cây cỏ toàn gai vzậy ông địa ơi. 

-  Ý bà nói tui mập phải hôn?    Sao tự dưng bà gọi tui là ông địa.  Mập thì nói là mập cho rồi, còn bầy đặt.  Ai là người cho tôi biết về Omega 3 của cá, tốt cho tui.   Ai là người nói antioxidant trong các thức ăn.  Tui lên ký là vzì vzậy.

-  Rồi! Rồi!  Tự ái đầy bụng rồi đó.  Ý tui muốn nói khác xa 360 độ trong bộ óc tối thui mồ hóng nhọ nồi của ông.  Tui với ông đi hơn hai tiếng mà toàn thấy các bụi gai , cành cứ vươn ra như níu kéo tui lại.  Ông thấy đó toàn các bụi  xương rồng xanh mốc gai nhọn hơn ngón tay, lại còn xương rồng Cholla gai tua tủa như tóc, lúc nào cũng muốn nhảy à (cholla là lọai xương rồng hay gẫy, cho nên nhiều người đi gần cành gẫy gai dính chặt vào người đau đớn và khó gỡ ra).  Còn các cây xanh đậm gai dài kia tên là gì vzậy ông?

-  Bà là người nhớ tên cây, tên hoa, chim bướm.  Bà hỏi tui thì cũng như không.  Tháng này làm gì có hoa bướm hả  bà. Bà quên rằng tui với bà thấy hoa vàng nở ngập sa mạc vào đầu tháng năm mỗi lần ngủ ngoài trời đó thôi.  Nhờ có các cơn bão kinh hoàng từ Thái Bình Dương đổ nước xuống sa mạc, cho nên càng lụt lội sa mạc càng có nhiều hoa đẹp, màu rực rỡ bà quên hay sao.   Còn bây giờ , mới có tháng mườì một hà.  Bà còn nhớ năm 2005  mưa bão lụt lội, có các loài hoa chưa nở cả mười năm hay hơn, ngập tràn sa mạc.  Du khách trên toàn thế giới về đây ngắm hoa.

-  Hèn chi tui nhìn đui con mắt mà có thấy gì.  Đấy …đấy …nó đâm chân tui đau thấy mồ, mấy cái gai chết bầm này nó chui qua vzớ thiệt hay.  Tui lờ nó đi nhưng nó càng làm tui đau hơn. 

-  Trời!  Bị gai đâm thì phải lấy nó ra.  Lì như thế có khi đi nhà thương.  Này mà không phải gai của agave chứ.  Gai độc lắm, có thể chạy vào mạch máu chính rồi vào tim.  Bà nhớ Mary, bà y tá mình dùng cơm hổm đó?  Chỉ có cái gai agave đâm vào ngón cái nó làm mủ cả ba tháng và qua bốn lần giải phẫu mới lấy nó ra được đấy.

-  Hổng có gì mà ông hù tui.  Tui có mang cái nhíp nhổ lông mày đây nè…nó chỉ là gai của cỏ tumble weed thôi. Lạ thiệt, cỏ lăn (tumble weed) ở Nga thì mượt mà mềm mại ngon miệng cho bò, ngựa mà qua đây nó độc thế hả ông.  Với các cơn bão gió của trời đất, cả lục địa Mỹ châu là thiên đàng của cỏ tumble ông à.  Ai xem phim cao bồi miền viễn tây, mỗi lần có đấu súng giữa các tay lãng tử thiện xạ, mọi người sợ hãi chạy trốn trong nhà.   Xạ trường lúc đó chỉ có bụi cát, và các bụi cỏ lăn bị gió thổi lăn nhanh trong hoang vắng.

-  Thì cũng giống như các bụi hoa vàng scotch broom ở tiểu bang Washington mình.  Bên  Scotchland loại này có hoa vàng như hoa muồng hiền và đẹp, qua Mỹ nó lan tràn khắp đó đây, khổ cho người bị dị ứng mỗi khi phấn hoa bay trong không.  Không phải cái gì vzô tới Mỹ cũng trở nên tốt đẹp cả.

-  Ông ơi!  Có lẽ cỏ lăn, và cỏ chổi (scotch broom) không hợp thủy thổ, thời tiết nên đổi giống.   Sao tui nghe các dàn nhạc lớn, các nhà soạn nhạc lừng danh, các khoa học gia đại tài, các người danh tiếng từ Nga, Đức, Do Thái chạy qua Mỹ hết vzậy ông.

-  Họ cũng như vợ chồng mình, yêu thích tư do.  Mỹ luôn luôn là đất hứa, là mecca cho tất cả những ai tìm đến đây với bất cứ lý do nào.  Cho nên Mỹ có nền văn minh tạp chủng.  Tạp chủng đúng nghĩa của nó rất hay.  Mỹ như một cái hồ cạn, mỗi cơn mưa nước chảy về, và cứ như thế, con người bị đàn áp, bị đầy đọa, nhất là nhân tài được trọng đãi, được đón nhận với lòng kính trọng vẫn mơ về miền đất này.  Các ban nhạc chỉ nổi danh khi vào đất Mỹ chẳng hạn như Beattle với John Lenon, Bee Gee và nhiều ban nhạc khác nữa.  Bà còn nhớ cái máy slot machine đầu tiên  ở sòng bài, phát minh bởi anh chàng trẻ tuổi người Nga sang Mỹ lập nghiệp đó thôi.     

-  Ông nói tui nghĩ cũng đúng.  Tui mê sushi của Nhật, Enchilada và Salsa của Mễ, Bơ Pháp, phô ma Ái Nhĩ Lan, Fettucine Alfrado của Ý, thịt cừu nấu kiểu Ấn độ, canh chua Thái, mắm Việt Nam.

-  Bà quên thịt nướng của Đại Hàn à.  Thức ăn Phi, Indonesia vân vân và vân vân…

Tiếng hai người vang trong sỏi đá khô cằn giữa các bụi gai trên đồng hoang, phần đất bao la của châu Mỹ còn hoang sơ như trước thờì Columbus đặt chân lên đây.

-  Ông à.  Chiều nay vợ chồng mình có món thịt bò hầm với khoai Mỹ.

-  Bà nói gì?  Tui không hiểu. 

- Tui nhớ khi thằng chả, Columbus, từ Spain được phép nữ hoàng rong buồm đi thám hiểm thế giới.  Đến châu Mỹ, Columbus không tìm ra vàng mà đào được ít khoai ăn thử thấy ngon cho cái tên cũng ngồ ngộ, les pommes de terres, trái táo đào từ dưới đất, chứ không treo toòng teng trên cành như trong vườn táo Wenatchee trên triền đồi nhìn xuống dòng sông lớn Columbia miệt đông tiểu bang Washington.  Nghe đâu thổ dân da đỏ gọi nó là wapato …wapato rồi quí vị da trắng  đem về trồng, quên cả nguồn gốc đặt cho cái tên lạ hoắc là Potatoe.  Thấy nực cười quá hà.  Của người lấy làm của mình sướng hôn.  Tui lại tưởng nó qua xứ mình do mấy thằng Tây nên mình gọi nó là khoai tây, mấy thằng cai trị mình.  Nay tui sẽ gọi nó là khoai Mỹ cho đúng với lịch sử của nó.

-  Bà làm tui tức cười.  Lúc nào cũng thích ba cái chuyện ngược đời.

-  Nhờ “NET” đó ông à.

-  Hay vzậy.  Bây giờ mỗi lần đi hiking hay đi các nơi mới bà  đọc bản đồ, để tui có làm sao bà lo được.

-  Hông được đâu.  Đang đi giữa sa mạc mênh mông, ông hỏi tui hướng nào tui còn hổng biết.  Tui không giúp ông được, tui chỉ có thể nói chuyện tầm bậy tầm bạ cho ông tỉnh để lái xe thôi.  Sao ông không mua cái GPS (Global Positioning System.  Hệ thống tìm phương hướng toàn cầu, dùng 24 satellite bay trên quỹ đạo.  Khởi đầu Bộ Quốc Phòng My dùng.  Tổng thống Reagon biết rằng GPS rất cần cho tất cả mọi người.  Reagon đề nghị cho phép dân Mỹ dùng, và trở nên phổ biến trên toàn cầu) cho mình khỏi lạc.  Đâu cần cái đầu nhớ nhớ quên quên của tui.

-  Ừa!  Nhớ vào nét tìm hiểu về sa mac Sonoran rồi tui khảo bài bà.

-  Dễ ụi.  Này nhé tui và ông đang hiking trên Sonoran nhen.  Ông nhìn đây là xương rồng Cholla, prickly pears, kia là Palo Verdes, tumble weeds  ….

-  Bà hay thiệt nhớ đừng cho Cholla nó ôm bà nhe.

-  Còn lâu nó mới nhảy sang tui được, tui ghét nó lắm.  Tui thích xương rồng saguaro sống hơn trăm năm, cao hai ba từng lầu hay organ pipe với các thân thẳng đứng như các ống đồng của các ống đàn organ vĩ đại trong các nhà thờ.   Chúng cao và đẹp quá ông à.  Tui chẳng thấy cây nào vzậy?

-  Saguaro ở cao độ 1500 ft trở lên ở Tucson, trên đường từ Phoenix đến Sedona,  trong rặng núi Suspetition, Arizon và biên giới Mexico.   Đọc cái mục hoa cỏ dại trên sa mạc bà sẽ thích.  Bà biết tuy là sa mạc nhưng là sa mạc cao (high desert) cho nên thảo mộc mỗi nơi mỗi khác tùy theo địa thế, mưa nhiều ít.

-  Tui mới khám phá được một loại hoa tui rất thích ông à.

-  Nói tui nghe đi.

-  Mimosa Đà Lạt?

-  Bà ba sạo rồi.  Định xí gạt tui hay sao.  Mà mimosa là hoa gì cà.  Tui hổng biết hoa đó.  Nó nở ở đâu?

-  Đầu ông để ở đâu.  Bao nhiều lần ông lái xe vào Phoenix, mimosa được trồng dọc xa lộ hay các con đường các trung tâm bán hàng.  Ông cứ ừa …ừa.  Làm như biết tui nói gì rồi.

-  Bà vào “NET” rồi chỉ cho tui nhen.

-  Tui muốn gọi Charles trồng mấy cây này.  Nó có thể chịu lạnh ở 10 độ Fahreinhet.   Tin tôi đi ông, nếu nó sống được bẩy năm, không có độ lạnh nào mà giết nó đươc là vườn tui có mimosa cho ba con bạn tui ngạc nhiên.

-  Charles chỉ hứa bồi thường, nếu cây chết trong một năm bà còn nhớ.

-  Ông đừng lo.  Tôi không cho nó chết đâu. Tui sẽ  quấn mền len cho nó  ấm những ngày  đóng băng (frost) thì làm sao nó chết được.   Mimosa của sa mạc này có cái tên lạ hoắc ông à: sweet acacia(Acacia farnesiana) chịu được 10 độ  Fahreinhet và cây white thorn acacia(acacia constricta) chịu được 5 độ Fahreinhet. Theo cuốn Lanscape Plants for the Arizona Desert, hoa tròn nhỏ vàng nhạt hay đậm, nở từ mùa xuân sang hạ.  Vườn mình sẽ có nhiều bướm ong và chim thăm vườn. 

-  Còn hoa nào màu khác không ?  Tui thích màu tươi: đỏ, hồng gì đó. 

-  Tui sẽ trồng thêm nhiều xương rồng đủ màu cho ông.

-  Chứ không phải cho bà à. 

-  Ừa thì ông hỏi tui.  Tui trả lời ông. Vzậy mà cũng gây.

-   Bà thiệt hết sức.  Tui nhắc bà là vì bà đòi cây phải có hoa đẹp và không tốn tiền nước, tiền thuê người săn sóc.  Còn hoa gì ngoài xương rồng.

-  Ông nói trúng ý tui.  Nhưng mimosa là một khám phá tuyệt vời của tui.  Có nó trong vườn tui không tiếc nuối là chưa có dịp đi Đà Lạt.

Tiếng cười của ông vang động trong cái yên tĩnh của sa mạc khi ông nghe bà nói đến mimosa cứ như một khám phá mới lạ hay là thị trường chứng khoán đang lên cao độ.  Chỉ có cành hoa mong manh màu vàng nhạt mà bà nhớ đến Đà Lạt.  Còn muôn vàn kỷ niệm trong tim bà, bao nhiều màu sắc của hoa cho vợ ông cảm thấy thân quen với quê hương thứ hai. 

Vừa đi ông vừa nghĩ, ông sẽ trồng các loại hoa bà thich và biến cái vườn đầy sỏi thành một ốc đảo xanh tươi cho vợ.  Trong mường tượng ông thoảng nghe đâu đây bà khoe với  ông …này mắc cở , này bông điệp vàng, này bông ngọc lan, này quỳnh, này táo ta và cây vzú sữa.  Ông nghe tiếng bà trong trẻo reo vui. ..Ông quay lại nhìn bà âu yếm.  Ông dừng chân đợi bà còn đang đi xa ông vài mét.  Khi bà đến gần, ông gọi tên vợ và cầm tay mềm của bà đưa lên môi:

-  Trên đường về vợ chồng mình vào Botanical garden của Charles nhen bà. 

Bà cảm động, nhìn ông âu yếm, mắt chớp nhanh.  Mắt bà dường như long lanh một màn nước chưa kịp rơi trên đôi má nhiều tàn nhang.  Bà quay nhìn núi đỏ xa xa thở nhẹ. 


Cornville/Arizona 12/07

 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003