Nov 10, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
MÙA XUÂN CỦA MẸ
NGUYỄN TRUNG DŨNG

Đang ăn, bà cụ buông bát, bỏ đũa, tay chấm mắt. Nhìn mẹ ngạc nhiên, cô con gái lên tiếng hỏi:

- Mẹ sao vậy. Mẹ đau à.

Bà cụ nghẹn ngào, gượng trả lời:

- Không. Mẹ không đau.

- Vậy sao đang ăn, mẹ lại ngưng ăn. Mẹ có gì buồn sao mẹ khóc.

Bà cụ lặng thinh một lúc, rồi cố nén xúc động, cụ khẽ bảo:

- Vài tháng nữa Tết rồi, mẹ thấy Tết lại nhớ bên nhà.

- Mẹ muốn gì mẹ cứ nói. Mẹ muốn về Việt Nam, chúng con mua vé máy bay cho mẹ về.

- Thật sao con.

- Thật. Con chỉ muốn thấy mẹ vui. Nếu mẹ nhớ quê hương, mẹ về bên ấy chơi vài tháng rồi qua, chuyện đó có gì khó đâu.

- Thế mua liệu còn kịp không. Đây đến Tết đúng 2 tháng, không biết hãng máy bay còn vé không con nhỉ.

- Mẹ hỏi con, con phải hỏi nơi bán vé mới trả lời mẹ được. Để mai, con ghé văn phòng dịch vụ du lịch, nếu còn, con sẽ mua ngay cho mẹ về kịp ngày Tết.

- Con nhớ nhé. Mẹ van vái Trời Phật giúp mẹ thực hiện được điều mẹ ao ước.

Bát cơm được bà cụ bưng lên ăn tiếp. Mắt đã khô. Môi tươi nụ cười. Bà cụ cảm thấy cần phải phân trần để giải thích thêm về lý do cụ muốn về bên nhà:

- Mẹ đã già, đi đâu thì đi, nhưng quê cha đất tổ vẫn là cuống rốn không thể cắt lìa được. Xưa, ông bà ta thường nói: “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, nếu con cáo biết quay đầu về núi, thì mẹ cũng phải đoái tưởng đến chỗ quê cha đất tổ của mình. Các con thông cảm cho mẹ.

Từ nãy đến giờ, con rể của bà cụ tôn trọng câu chuyện giữa mẹ vợ và vợ. Anh ta im lặng ngồi ăn để yên hai người đối thoại. Cảm thấy đã đến lúc cần lên tiếng để góp ý, anh ta mới nói:

- Ở với chúng con, mẹ muốn gì mẹ cứ nói ra, chúng con mới biết được. Mẹ đừng ngại làm phiền chúng con.

- Cám ơn hai con. Mẹ biết hai con hết lòng lo cho mẹ. Nhất là con, con là con rể, cư xử với mẹ vợ mà được như thế, mẹ có phước lớn lắm.

- Mẹ đừng nghĩ ngợi gì cả. Mẹ vợ hay mẹ đẻ, phận làm con, con thấy đều ngang nhau cả. Tứ thân phụ mẫu mẹ à.

- Con nói thế cũng tùy ở người. Có người này người nọ chứ không ai như ai đâu. Mẹ có bà bạn sang đây sống chung với con rể, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, cuối cùng bà già phải xin vào viện dưỡng lão. Cái cảnh đó, mẹ mới biết mẹ còn hạnh phúc hơn nhiều người lắm. Mẹ để bụng lâu nay không nói ra, nhân hôm nay vui miệng, mẹ mới nói để con rể của mẹ rõ. Cám ơn con. Con tốt bụng, mẹ phải cám ơn con là đúng rồi

Bữa ăn chấm dứt. Con gái thu dọn bàn. Bà cụ ngồi coi TV ở phòng khách, được một lúc, mắt đã mỏi, bà cụ vào giường nằm. Tưởng nằm là ngủ ngay được, nhưng bà lại tỉnh như sáo. Bà nghe những giọt mưa gõ trên mái. Cơn mưa buổi chiều, buổi tối rồi tiếp về đêm. Thời tiết đã lạnh. Tháng 11, vừa qua lễ Ma Quỷ, sắp tới lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh rồi Tết Tây. Bấm đốt ngón tay, bà cụ biết, nếu mua vé được, sau tháng 12 ít ngày, bà sẽ về Việt Nam. Háo hức và nôn nóng, bà cụ nằm nghĩ nên mắt cứ mở, muốn ngủ cũng chẳng ngủ được.

Cái năm cụ được bảo lãnh sang Mỹ cũng thế, đêm mưa nằm nghe mưa, mưa nơi ngõ ngách, mưa giọt ngắn giọt dài, bà cụ cũng mang tâm trạng háo hức xốn xang đợi tới ngày đi. Nhưng hồi đó, cụ chưa biết đất cụ đến nó ra sao, nên nếu có tưởng tượng, bà cụ cũng không thể hình dung ra được. Còn ở quê nhà, xóm ngõ đã quen thuộc, người thân cũng quá thân, cụ chỉ cần nghĩ là đã thấy người này nơi nọ. Căn nhà nhỏ có con đường hẻm, rộng vừa đủ một chiếc xe ba bánh ra vào, con đường đó, một đầu đụng cái nghĩa địa, đầu kia thông ra con phố. Đầu ngõ, bên phải bên trái là tiệm hủ tíu của chú Lù người Tàu, tiệm cà phê của ông Năm Cụt Giò. Gọi tên ông chủ quán cứ Năm mà gọi cũng đủ, nhưng ông cụt giò nên người ta quen miệng gọi ông là ông Năm Cụt Giò để phân biệt ông Năm có cửa tiệm sửa chữa xe đạp ở gần bên. Những người đó là hàng xóm xa gần của bà cụ. Gần, bà cụ có ông bà Phước ở cận lân. Cũng cận lân bên trái nhà, là bà cụ giáo đã già, chân cẳng yếu, đi phải có gậy chống để tựa thân. Chỗ thân tình khắn khít, bà cụ và bà cụ giáo thường ngồi kể lể tâm sự, tương kính tương đắc lắm.

Bà cụ qua Mỹ được một năm, ở bên nhà, bà cụ giáo ngã bệnh rồi mất. Đối diện căn nhà cụ ở là nhà người em ruột. Ngày con bảo lãnh bà cụ qua đây, căn nhà đó bà cụ để vợ chồng đứa con của người em cụ ở. Ở để vừa trông coi vừa bảo quản nhà cửa. Tết này về, cụ sẽ về ở căn nhà đó với vợ chồng chúng nó trong thời gian lưu lại Sàigòn.

Nằm nghĩ ngợi đến lúc cụ chợp mắt thiếp đi, ngủ lúc nào không hay. 
 
Sáng như mọi ngày, bà cụ dậy. Dậy trễ hơn mọi khi. Vào giờ đó hai vợ chồng con gái bà cụ đã đi làm. Phòng ốc lại im ắng lặng tờ như chùa bà Đanh. Bà cụ thường hay đem chùa bà Đanh để so sánh nơi cụ ở nó vắng như cửa chùa. Mà vắng thật. Cụ ra phòng khách ngồi. Ngồi một thân một mình. Cụ đứng dậy đi đi lại lại, cũng một thân một mình. Ngày thì dài. Tháng và năm vô tình chẳng cần biết đến ai buồn ai vui. Sớm nắng, chiều mưa, cứ theo thói quen của thời tiết đổi thay và lặng lẽ lăn như hòn bi tròn cạnh. Bà cụ lại nhớ đến giấc mơ đêm qua, bà cụ thấy xóm ngõ chỗ ở cũ của mình. Cái nhớ đã nhắc tới cái vé máy bay, cho nên bà cụ nóng lòng mong ngày qua mau để chiều tới, con gái về cho bà cụ biết vé còn hay hết, mua được hay không. Khi người ta đợi người ta thường thấy thời giờ lâu hơn, dài hơn. Đó là thời gian tâm lý. Thực sự, thời gian vẫn chẳng ngắn chẳng dài, vì thời khắc theo cây kim đồng hồ, ngấn vạch cho một giờ đã đâu vào đó cả, chính xác không vị nể với bất cứ ai. Muốn nhanh nó cũng không nhanh. Muốn chậm nó cũng không chậm. Nó công bằng và thẳng thắn vì nó là máy móc đã được điều chỉnh đúng theo thời lượng. Rồi sự ngóng đợi của bà cụ cũng được thời gian rút ngắn lại. Bốn rưỡi chiều, giờ của một đàn sáo đen bỗng từ trên cao đáp xuống những cành nhánh cây cối trước tiền nhà. Chúng đậu với những tiếng chí chóe như cãi cọ về những chuyện gì đó không thể biết được. Ngôn ngữ của loài chim chẳng là ngôn ngữ của giống người, bà cụ nghe thấy chúng ồn ào cọ mỏ thì nghĩ là chúng cãi cọ thế thôi. Một cách suy đoán để nhanh chóng kết luận thông thường mà bà cụ cho là vậy. Bốn rưỡi chiều cũng là giờ con gái bà cụ về tới nhà. Mọi khi, bà cụ không mấy lưu tâm đến việc đó. Nhưng bữa nay khác, bà cụ mong con về để biết con gái bà mua được vé hay không. Cửa mỗi khi có tiếng động, bà cụ lại nhấc nhổm vì đoán cô con bà về. Cửa, có tiếng tra thìa khóa, nắm đấm cựa quậy, bà cụ nhổm lên từ chỗ ngồi, nhướng mắt đợi cái cánh cửa mở. Đúng. Cô con gái bà đã về.

- Sao con.

Bà cụ lên tiếng hỏi.

- Có vé cho mẹ rồi. Chuyến bay chỉ còn một chỗ, nếu không mua hôm nay, đi chuyến khác cũng có nhưng chậm nửa tháng. Đã vậy, máy bay không đi suốt, đỗ xuống phi trường mất cả tiếng đồng hồ mới tiếp đường bay.

- Suốt cả ngày mẹ ngồi đứng không yên. Mẹ chỉ sợ hết chỗ.

- Tết, năm nào thiên hạ cũng đổ về Việt Nam ăn Tết cả. Mẹ già, sang đây lâu, nhớ quê quán, mẹ có về cũng phải. Còn những người khác về chỉ là về chơi, hưởng thụ, về làm gì mẹ nhỉ. Cố sang cho được, cố về bằng được.

Nhắc đến chồng thì chồng đẩy cửa bước vào nhà.

- Em có ghé dịch vụ du lịch mua vé cho mẹ chưa.

- Em mua rồi. Mẹ mừng lắm.

- Từ đây đến ngày mẹ về Việt Nam, mẹ cứ ăn ngon ngủ yên mẹ nhé.

Bà cụ cười. Cái cười như một bông hoa vừa nở. Người ta ai cũng như ai, ước được, mong thấy, đó là niềm vui làm tở mở cõi lòng người già. 
 

Ngày qua nhanh. Đã đến lúc bà cụ có mặt ở phi trường. Bà cụ lên máy bay rồi máy bay bò ra sân bay. Từ đường băng dài và phẳng, chiếc phản lực chở hành khách trượt nhanh trên mặt đất để lấy trớn ngỏng mũi theo chiều chênh chếch lên cao bầu trời. Đêm với khoảng không đen tối, bà cụ chẳng thể biết được đây ở đẩu ở đâu, ngồi nhắm mắt đọc kinh kệ, giữa những người không hề quen biết, và tiếng động của thân tầu rung rung nhè nhẹ. Trời gần, đất xa, bà cụ chỉ nghĩ được có thế vì biết rằng, máy bay đang bay  ở độ rất cao. Có bao giờ bà cụ tưởng tượng được ngày cụ được bảo lãnh qua Mỹ đoàn tụ với con gái con rể, ngày cụ trở về thăm quê hương bản quán, ngồi trong bụng cái máy bay như con chim khổng lồ bay trên tầng mây cao. Cái tưởng tượng đó không còn là tưởng tượng mà nó là sự thực lúc này của cụ.

Chẳng biết thời gian là bao lâu cụ ngồi trên phi cơ bay trên trời, chỉ đến khi phi cơ đã đáp xuống sân bay cụ mới biết phi cơ đã hạ cánh. Người đi đón thân nhân đứng bu đen hai bên lối ra cho hành khách ở nước ngoài về. Cậu em bà cụ đã nhận ngay ra bà chị ruột của mình. Vợ cậu em và mấy người con cũng ùa tới cùng lúc với cụ. Họ vây quanh bà cụ, kẻ ôm người cầm tay cu,ï mừng vui tíu tít. Ít phút đón rước ngắn ngủi qua nhanh, để sau đó, tất cả đều ra xe trở về nhà. Đường ngõ, phố xá, người xưa năm cũ là đây khi xe đỗ và bà cụ bước xuống thấy mọi cảnh vật chung quanh, hàng xóm láng giềng thân thuộc xúm xít. Nước mắt bà cụ chảy. Cụ khóc trong niềm vui và buồn tủi. Những người quen biết cũng xúc động bùi ngùi. Rồi mọi chuyện cũng qua đi khi cụ đã bước vào nhà, mở từng gói quà đưa tặng. Ai khó khăn nghèo túng, thay vì quà cáp tượng trưng, cụ cho họ tiền. Ngày ra phi trường, con gái cụ đã dúi vào túi xách tay của cụ một ngàn đô. Cụ nhớ lời con bảo: biếu mẹ để mẹ chi dùng và để giúp ai thực sự cần giúp.  
 

Đêm giao thừa, buổi tối chỉ còn hai chị em ngồi tỉ tê chuyện trò. Cậu em tên Thân nói:

- Chị sang bên đó ở đã 5 năm, chị thấy ra sao.

Bà cụ Thọ đáp:

- Đất lạ xứ người, tuổi già như chị không hợp.

- Còn hai cháu.

- Cả hai đều có công ăn việc làm. Đã mua được căn nhà khang trang rộng rãi, đấy là do tụi nó biết căn cơ tằn tiện. Tiền bạc kiếm được không dám phung phí tiêu pha bừa bãi. Kể ra đất Mỹ là thiên đường của tuổi trẻ, bọn chúng sang đúng là rồng mây hội tụ. Được thế chị cũng mừng.

- Mấy giờ rồi em.

- Còn 5 phút là tới 12 gi.

- 5 phút nữa là tới 12 giờ. Gần giao thừa mà không nghe pháo nổ.

Xưa, chị nhớ chưa tới giờ này, pháo nổ rộ khắp nơi xa gần, mùa xuân tưng bừng rộn rã.

Có tiếng thở dài của người em. Đã bước sang năm mới rồi khuya khoắt, hai chị em bà cụ đi ngủ.

Buổi sáng em bà lái xe gắn máy đưa bà đi lễ chùa xa chùa gần. Bà cụ thấy người nghèo ngồi đầy ở cổng. Họ ăn xin để gượng sống qua ngày. Người đi lễ Phật ít ai đứng lại bỏ xuống ca coóng, chậu thau, mũ nón của họ vài đồng tiền lẻ. Kẻ giầu có đến cửa Phật, cầu xin Phật phúc lợi, nhưng lại hẹp lòng bố thí. Bà cụ động lòng thương xót người bần hàn cơ cực, móc tiền đưa ra phân phát.  Ba ngày tết có cái vui không trọn vẹn, có cái buồn chẳng dễ mau quên. Ba ngày Tết qua thì kế đến là những ngày thường với đời sống sinh hoạt ở một nơi đô thị ồn ào tất bật. Đi đó đi đây xa và gần đã chán, sau một tháng bà cụ chỉ muốn nằm lì ở nhà. Đã tới lúc nhớ đến con gái và con rể, bà cụ lại bắt đầu ủ ê lòng dạ.

- Chị tính ở ba tháng lận. Nhưng ba tháng thì lâu quá chắc chị không ở tới ba tháng được đâu. Tuần sau, chị muốn sang bên đó. Mai em ra quày vé ghi tên ngày giờ chuyến bay cho chị trở lại Cali..

- Em xếp sắp chương trình sẽ đưa chị đi ra Bắc thăm chùa Hương, đi Đà Lạt ghé mấy thác nước, bây giờ chị lại muốn tuần sau về, hỏng bét dự định của em rồi.

- Lúc ở bên đó, chị hăm hở thôi thúc chúng nó mua vé cho chị về, nay về rồi, không hiểu sao chị lại nôn nóng muốn qua bên đó. Mình già rồi cho nên cái tính tình nó cũng bất nhất chẳng ra làm sao cả. Thôi, em có cản chị thì chị cũng không muốn nán lại ở lâu thêm nữa đâu. 
 

Lại gần tới ngày ra máy bay bay về Mỹ, bà cụ đi chào quanh một vòng khắp xóm ngõ, nắm tay người này, mếu máo gượng nói với người kia, để từ biệt. Đêm ra phi trường, lên máy bay, ngồi trong bụng con chim sắt khổng lồ, đầu óc bà cụ ngổn ngang những ý nghĩ lộn xộn. Bà cụ có lúc ví mình như cây tre già sau cơn mưa bão tróc gốc. Rễ cây bị rút lìa khỏi đất nên cây tre đổ kềnh vắt ngang con suối nước chảy. Đầu bên này suối là cái gốc với rễ tua tủa như râu rồng, đầu bên kia con suối là ngọn cây tre với lá đã vàng úa. Cây tre hiện thân cho bà cụ chân đứng ở Mỹ, đầu ngoái về quê hương. Chưa có thời đại nào thân phận con người lại ngang trái trăm chiều như thời đại của những người già như bà cụ. Sống không có nơi có chỗ nhất định, cho nên, ở đâu thì ở, thân xác thuộc hiện tại, hồn hướng về quá khứ xa xưa.
 

NGUYỄN TRUNG DŨNG 
 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003