Apr 25, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
ĐỌC MIÊN MAN TÙY BÚT của LÝ LAN
Hình ảnh
#1
#2
Bấm vào hình
để phóng to
VIỆT BẰNG

  Trong khi văn chương hải ngoại nghiêng hẳn về thể loại ký sự, Lý Lan một mình một ngựa đi vào Tùy bút với nhan đề rất gợi hình, gợi cảm – Miên Man Tùy Bút.

 Tác giả khẳng định trong lời khai từ:

 -    cái này không phải là tự truyện
 
-          Cái này là những câu chuyện và suy nghĩ tôi viết ra trong những tình huống nào đó qua những thời gian khác nhau. Vì vậy nó thể hiện cuộc sống quanh tôi và cuộc đời tôi thật thà hơn khi tôi nghĩ lại mà viết theo một đề cương có chủ đề xuyên suốt.
                                                   
Tôi sẽ gọi nó là tùy bút…
                                                    (Như xem lại tấm hình chụp mình)
 
Qua lối viết này, Tôi chợt nhớ đến chú Chệt trong cửa hàng bán giầy dép khu Chợ Bolsa một lần chỉ vào hai đôi giầy, và nói với tôi:
 
-          Cái lày của Việt Nam bền lắm, 8 Dollars thôi.
-          Cái lày của Thái Lan, da Trung Quốc, vừa đẹp vừa bền chỉ có 12 Dollars.
 
Dường như có một sự tương đồng nào đó trong cách diễn tả ý tưởng của một nhà văn và cách nói của chú Chệt bán hàng.
 
    Tự truyện -  một hình thức phá thể của tiểu thuyết (fiction), gần đây chỉ có Han Suing – nữ sĩ người Hoa thành công với tự truyện – A Many Splendored Thing, số ấn bản bán ra lên tới hàng triệu.
 
    Miên Man Tùy Bút là tập hợp của 11 đoản văn  (personal essays, nonfiction) không có đề tài mà chỉ được đánh số từ 1 đến 11. Tất cả đều liên quan tới tác giả từ thủa ấu thời mẹ mất sớm, theo cha về Chợ Lớn cho đến khi thành công trong sự nghiệp và thành danh trong cuộc đời.
 
    Số 2 tiêu biểu nhất, mang những nét đặc thù và sống động nhất - tác giả đậu vào Đại Học Sư Phạm Khoa Văn lại bị đổi sang Khoa Anh ngữ  – ngôn ngữ thất thế cuối thập niên 70 và cả thập niên 80 của thế kỷ trước tại Việt Nam nhưng trớ trêu thay cũng chính ngôn ngữ ấy đưa Lý Lan đến với danh vọng hôm nay..

  “Tôi nhìn tấm bảng ghi Khoa Văn cắm ở đầu sân và tấm bảng ghi Khoa Anh cắm ở cuối sân, không biết đứng chỗ nào. Tôi vốn thi vào trường với nguyện vọng học Khoa Văn mà trên danh sách dán ở tấm bảng khổng lồ trước phòng giáo vụ kia lại xếp tên tôi vào lớp 1C Khoa Anh..

     Từ hồi học lớp đệ thất (lớp 6) tôi đã nhen nhúm ý định trở thành một giáo viên dạy văn. Hình tượng đẹp đẽ khơi gợi trong tôi ý tưởng đó là cô Minh dạy giảng văn, vì yêu cô mà tôi thích môn học này và vì thích môn học này mà tôi yêu tất cả giáo sư dạy tôi môn đó trong suốt 7 năm trung học. Công bằng mà nói, tôi đã may mắn được học với những giáo sư dạy văn giỏi nhất của trường Gia Long, và tôi thấy không có nghề gì hay hơn làm một giáo sư văn. Còn Anh văn chỉ là một môn phải học mà thôi.” 

        (Miên Man Tùy Bút, trang 42 – 43)
 
    Khi Lý Lan bước vào Phòng Hiệu trưởng Trung Học Hùng Vương Quận 5 Sài Gòn, trình Ban Giám Hiệu Sự Vụ Lệnh Thuyên Chuyển từ Trung học Cần Giuộc về Hùng Vương , tôi thấy một cô giáo trẻ, khá cao, đi dép mỏng dính, ngực lép, y phục mầu xanh thẫm hay đen bó sát người, tạo cho tôi ấn tương “một cây sậy biết đi”,  khác hẳn với một Lý Lan lúc này, sức sống tràn đầy biểu lộ qua những nét đẹp phái tính của mình khiến người đối thoại phải chú ý.
  
    Trong Miên Man Tùy Bút, nhiều đoạn được diễn tả bằng những mẩu đối thoại thay vì miêu tả hay thuật truyện. Viết đối thoại cũng là một sở trường của Lý Lan, Chỉ với vài câu đối thoại, Lý Lan đã nói lên được một hiện thực Xã hội:
 
     “Có một lần tôi khóc trong lớp. Lần duy nhất tính đến bây giờ. Cuối học kỳ phải ghi điểm vào sổ cái của lớp. Tôi rà lại danh sách.
 
-          Nguyễn Thị N.A
-          Nghỉ luôn.
 
Tôi gạch ngang tên người học trò rồi hỏi lớp trưởng:
 
-          Vì sao N.A nghỉ học?
-          Bạn ấy nghỉ học đi làm
-          Mười sáu, muời bẩy tuổi, nghỉ học biết làm gì?
 
Trong không khí thoải mái của lớp học cuối năm, một học sinh nào đó đáp câu hỏi của tôi:
-          Làm gái nhảy.
 
Tôi nghiêm mặt, nhưng hóa ra đó là sự thật và khi tôi để các em tự do tranh luận, sự thật còn phũ phàng hơn nhiều:
 
-          Làm gì miễn có tiền thì thôi, bao nhiêu người bán cả lý tưởng, cả lương tri… thì sá gì một cô gái bán thân.”
(Miên Man Tùy Bút, trang 62 – 63)

      Đọc Lý Lan tôi tìm lại được những tình tự đã ngủ quên. 

    Về văn phong, khác với những nhà văn viết theo kinh nghiệm, Lý Lan, xử dụng tối đa kỹ thuật viết văn và thường viết những câu phức hợp.   
     
Lý Lan – một trong những nhà văn khoa bảng nữ ở hải ngoại, tác giả của 24 tác phẩm đủ thể loại từ Thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn v.v còn là dịch giả bộ truyện của nhà văn Anh - Harry Potter.
 
     Nếu tôi không lầm, Lý Lan đang chuẩn bị hội nhập dòng chính (mainstream) như những Le Ly Hayslip, Lan Cao, Barbara Tran, Mong Lan, Monique T.D Truong, Le Thi Diem Thúy, Dao Strom v.v…
 
    Tuy chưa một lần ra mắt, những Truyện của Lý Lan tương đối dễ kiếm trong các thư viện Mỹ, cho những ai muốn tìm đọc.

  VIỆT BẰNG 

 

 

 

 

 

 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003