Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
VÀI SUY NGHĨ VỀ CÕI GIÀ TRÊN ĐẤT LẠ
LƯU NGUYỄN ÐẠT

Bài tham luận này[1] phân tích và bổ túc quan điểm của bài “Cõi Già Trên Đất Lạ” [CGTĐL], nguyên tác: “Aging in a Foreign Land” của Andrew Lâm.

CGTĐL đưa ra quan điểm của một người mẹ, cao niên, thất tuần, “vào cái tuổi giữa 70”, cùng gia đình định cư nhiều năm tại Hoa Kỳ, thuộc giai cấp trung lưu, với một số giá trị căn bản về truyền thống dân tộc. Hai vấn đề chính được nêu lên: đó là trạng thái tuổi già và sự khác biệt văn hoá mà người Việt cao niên phải đương đầu trong cuộc sống tại hải ngoại.

Nhận định rằng “Tại Mỹ, càng già càng mất mát nhiều – bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển, và ý nghĩ của chính mình” có lẽ ẩn dụ một sự than thân trách phận chăng? Nhưng trạng thái “càng già” như vậy chỉ là một trạng huống nhân sinh thông thường tại mọi xã hội trên thế giới: tình trạng suy giảm về sức khoẻ và trí tuệ là môt hiện tượng bình thường của sự gia tăng tuổi tác, sau bao nhiều năm sử dụng cơ thể và trí não. Kết quả hiển nhiên của tuổi già là thu hẹp và giản dị hoá nơi ăn chốn ở, thu hẹp, giản dị hoá hoặc tập trung sinh hoạt cộng đồng, xã giao. Sự cải tiến về mặt y khoa và dinh dượng chỉ phần nào làm giảm bớt tốc lực phá hoại của tuổi già, giúp các cụ sống lâu hơn, chứ chưa thể đổi ngược tuổi tác, già thành trẻ mãi được. Tuổi vàng thì có, nhưng “suối vàng” cải lão hoàn sinh thì vẫn chỉ là một giấc mơ đẹp mà thôi. Vậy, tốt nhất là tìm mọi cách quây quần với con cháu, hội nhập với lớp tuổi cao niên của mình: gặp nhau hỏi thăm bệnh tật, giới thiệu thuốc men, làm việc nghĩa, giúp nhà trường, năng tới cửa Phật, cửa Chúa... Đồng thời lãnh hội và thực thi những quyền lợi mà luật pháp và các tổ chức an sinh xã hội thường dành cho giới cao niên. Thông thường, về mặt sinh hoạt cộng đồng, nhiều tổ chức chuyên nghiệp và hội đoàn còn hướng dẫn thành phần cao niên tranh thủ nhiều quyền lợi có tính cách tương trợ, giải trí, sáng tạo, bảo tồn văn hoá.

Nhận định rằng: “Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; cả hai đều không được người ta kính nể hay cho một chút gì quan trọng”. Trong nguyên bản tiếng Anh-Mỹ, tác giả ghi: “The old are obsolete here in America. Neither respected nor deemed important.” Như vậy, tác giả muốn nói rằng “tuổi già là lỗi thời”, cũ kỹ, lạc hậu (obsolete). Còn nếu dùng chữ của dịch giả, cụm từ “lỡ thời” thuộc vào một phạm trù bao quát hơn, vì tuổi nào cũng có thể “lỡ thời”, nếu không kịp nắm đúng thời cuộc, với cái nghĩa gần như “lỡ tàu”: cô gái bốn mươi mà chưa chịu lấy chồng cũng có thể coi là “lỡ thời”. Tuy nhiên tình trạng “lỡ thì” này cũng còn tùy thuộc vào sở trường cá nhân và nền tảng văn hoá của đối tượng.

Về lại vấn đề cho rằng “tuổi già là lỗi thời/obsolete” thì đúng ở phần nào và sai ở chỗ khác. Đúng về mặt văn minh kỹ thuật: điện tử, máy móc, xe hơi, kiểu mẫu, trang sức v.v. thay đổi mỗi năm, mỗi mùa. Thay đổi từ mặt trái sang mặt phải; lúc to, lúc nhỏ; lúc ngắn lúc dài; lúc xanh, lúc đỏ; lúc tròn, lúc vuông. Kiến thức chuyên môn cũng vậy: bỏ dở không hành nghề vài năm, một chuyên gia hạng giỏi trước đó cũng tự coi mình là “lỗi thời”. Vậy hiện trạng “lỗi thời” là phản ứng tất nhiên của nền văn minh kỹ thuật thay đổi cấp kỳ, từng giai đoạn một, có thể là tháng trước, năm sau, chứ không chỉ áp dụng riêng cho “tuổi già”.

Nhưng cả hai trạng thái “già” và “lỗi thời” lại có thể bao hàm những “lượng giá” tích cực như khi người ta thường nói: “già dặn”, “già đời” cho những ai có nhiều kinh nghiệm sống, khôn ngoan, vững vàng khi thêm tuổi tác. Còn biết bao nhiêu cách ứng dụng phạm trù cũ kỹ, già cả, già đời, trong môi sinh, tạo hoá. Vả lại, tình già như rượu già cũng tăng thêm những hương vị say đắm đặc biệt, đắt giá:

RƯỢU GIÀ

rừng già chắp ngọn cây gần nắng
gốc tụ trần gian ươm bóng tan
lá ngả trên làn sương suối bạc
thần linh phủ độ giấc an khang

tre già măng mọc quê hương đợi
hạt gạo lúa nàng thơm thắm môi
biển cũ núi non chưa đếm tuổi
trăm năm tạm biệt chút thôi nôi

trăng già tóc bạc xanh như gió
em mặc yếm vàng áo cánh xo
tay trái cài hoa lên tấm lụa
chân thiền đạp nhẹ hoá thân thơ

nước già ngọc quý soi tâm đạo
cửa mở vào đêm nối ánh sao
vạn nẻo đường về nơi cố định
từng ngày nhớ lại chốn thanh tao

rượu già chất ngất môi say lịm
da trắng hồng ngây gió thoáng im
thức giấc ngàn năm nho ướp đọng
giọt nồng nguyên thuỷ tựa lòng tim

tình già em nhỉ nguồn ra biển
ngoảnh lại trùng dương vẫn viễn miên
ngọn sóng còn cao như uẩn khúc
hẹn nhau đắm đuối giữa mây miền

LƯU NGUYỄN ĐẠT (NẮNG ĐÊM, 2007)

Còn cái “lỗi thời” hôm nay, vài năm sau có thể trở lại thành “mốt” mới, hoặc vẫn được người ta ưa thích vì “cũ người, mới ta”. Đôi khi chỉ những loại “lỡ cỡ”, dở dở ương ương, chả mới, chả cũ mới là thứ mất giá. Cái “lỗi thời” của quá khứ, vài chục, vài trăm năm sau có thể biến thành của quý, đồ vô giá: những “đồ cổ”, “antiques”, tác phẩm cũ mới tìm thấy, cuốn sách mục nát vài thế kỷ trước nay trở thành khan hiếm, kinh kệ. Chả thế mà đã có kẻ chuyên môn móc rác hoặc mua lạc soong, ga-ra-xen đã vồ được những kho tàng bị “phế bỏ” lầm.

Người cũng vậy. Đừng bỏ người hoặc tự đào thải một cách quá sớm, vô cớ: biết sài thì vấn đủ chân tướng, vẫn hữu dụng như thường, có lẽ còn bền bỉ, đặc sắc hơn là “mặt giá” (face value): tưởng thế mà không thế. Vậy “tuổi già” không luôn luôn bị phế thải, mất giá: dù cũ kỹ, “cổ lỗ sĩ”, tuổi già vẫn có dịp phô trương những giá trị liên quan tới giai đoạn đã qua, hoặc tiêu biểu những giải pháp khả ứng lúc đó. Người ta vẫn tìm tòi những bài học trong quá khứ, “ôn cố tri tân”, xem cái cũ để biết cái mới: tư tưởng, tôn giáo, chiến lược, món ăn gia truyền, văn hoá cổ truyền v.v. Do đó mà bất cứ ở một xã hội nào, tân tiến hay chậm tiến, vai trò của các bậc “Bô Lão” vẫn là nòng cốt trong các Hội Đồng Diên Hồng, Conseil des Anciens, Senior Vice President, Senior Advisors v.v. Vậy quý cụ cao niên vẫn có “nước lắm” để ứng dụng ngay tại các xã hôi Âu-Mỹ. Miễn là đừng quá suy sụp, không giữ vững giá trị khả dụng căn bản của đối tượng.

Hơn thế nữa, ngày nay những xã hội văn minh đều khuyến khích các vị cao niên làm nảy nở hay luân/tái dụng (recycle) những khả năng tiềm tàng, mới mẻ. Với quan niệm “dùng người như dùng mộc”, thì hiện tượng đầu tư nhân sự phải đi song song với khả năng “tái đầu tư” nhân lực, như thay đổi nghề nghiệp, làm những gì họ thấy thích thú mà không biết tới, hoặc không có dịp thử thách trước đó. Vậy phẩm giá của các vị cao niên cần được xác định bởi hiệu lực tinh thần đa diện, căn cứ vào phẩm giá nội tại, lâu bền hơn là hiệu lực kim bản vị thức thời.

Vả lại, nếu quả thực quý vị cao niên đã tới giai đoạn về hưu hoặc tới thời kỳ hưởng thú điền viên an nhàn, thì thế hệ con cháu họ phải thay thế vào những vai trò, chức vị nhiều trọng trách trong guồng máy xã hội. Đó là luật tuần hoàn, có gì khác lạ? Thế hệ sau thay thế thế hệ trước, “tre già măng mọc”. Hơn nữa với đà tiến bộ kỹ thuật càng lúc càng bành trướng, khi thế hệ trẻ đứng lên đảm nhận thêm trách nhiệm, thì họ ắt có thêm quyền. Chính quý cụ thường tuyên bố: “con hơn cha, nhà có phúc”. Và đó cũng là lý do chính đáng khiến mấy triệu Người Việt chúng ta bỏ quê hương xứ sở tới xây dựng môt đời sống mới, nhân bản, khả quan trên thế giới tự do Âu-Mỹ: mong muốn con em chúng ta thành đạt, vượt khỏi cảnh khốn đốn mà các thế hệ trước đã từng chịu đựng. Nếu những đứa trẻ lên 9, lên 10 đã biết thông dịch Anh-Mỹ ngữ giúp đỡ bố mẹ chúng lúc mới đến nơi đất lạ, nếu con cái đi làm, mang tiền đóng góp mua chung căn nhà tụ họp cả gia đình, nếu chúng vữa đi học thành tài, chiều về còn đứng ra giúp đỡ bố mẹ thu vén thương nghiệp, thì thời cuộc đã “hoán chuyển” chúng thành những cộng sự viên, những “partners” chính đáng, những đồng sở hữu chủ hợp lẽ và hợp tình của gia tài mới trên đất khách quê người. Quyền hạn của chúng đi song song với trách nhiệm mà gia đình và xã hội cũ lẫn mới đòi hỏi nơi chúng. Có quyền, nhiều hay ít chỉ là một hiện tượng phân công, phân nhiệm công bằng, minh bạch. Nếu ghép thêm tình nghĩa thì còn cao quý, tốt đẹp hơn thế nữa.

Cũng xin lưu ý thêm, ngày hôm nay trong nước, ngoài một số quý cụ thuộc giai cấp lãnh đạo, đặc biệt ưu đãi trong xã hội hiện tại, đa số thường dân cao niên trong Nước, đều gặp nhiều khó khăn, từ vật chất tới tinh thần, hơn quý cụ sống già tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu hoặc Âu Châu. Họ không có an sinh xã hội, không có bảo hiểm sức khoẻ; không có phương tiện di chuyển công cộng miễn hoặc giảm phí. Họ không thể tự do ra khỏi nước một cách dễ dàng để du lịch, thăm viếng họ hàng, bạn bè như họ mong muốn. Như quý cụ cao niên hải ngoại “thông thường” làm trên mảnh đất mới, dù tạm dung. Họ không có xe hơi, nhà lầu đầy đủ tiện nghi, điện nước, điện thoại, ti-vi, máy lạnh, vệ sinh công cộng, cầu thang máy tập thể. Họ không mua được một cách bình thường những thực phẩm mới, tốt, chọn lọc, bảo đảm về mặt giá cả, vệ sinh căn bản. Và khi họ ốm đau, họ không có những phương tiện điều trị tân tiến, an toàn, đầy đủ, “miễn phí” hoặc có bảo hiểm như quý cụ sẵn hưởng, sẵn có, một cách đàng hoàng, minh bạch, khi sống già tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu hoặc Âu Châu. Và khi họ mệnh chung, công việc chôn cất cũng rất lôi thôi về những thủ tục hành chính rườm rà, soi mói. Họ luôn luôn phải chen chúc, luồn cúi, đút lót để được sống và chết một cách rất bình thường. Thưa Quý Cụ, đất nước mình ngày hôm nay, không mấy “ngon lành” như quý cụ tưởng. Tình cảm, dịch vụ căn bản không còn được cung cấp một cách đương nhiên, minh bạch, miễn phí, công bằng, tử tế, như trong quá khứ vàng son.

Vậy nói rằng “Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng, và khi ta mất những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi” thì rất đúng. Nhưng tình trạng mất mát, ít hay nhiều, là do tư cách và mối liên hệ của người cao niên với con cháu trong gia đình, với bạn bè thân hữu trong xã hội, trong bối cảnh đời sống hiện tại. Đối với con cháu ở xa không tới thăm mình luôn, thì nếu quý cụ đủ sức khoẻ, đủ phương tiện thì tự ý tới thăm chúng. Nếu con cái bận bịu không kịp gọi điện thoại, thì mình rảnh rỗi gọi hỏi thăm chúng. Chứ không nên viện lẽ, nào tự ái, nào lấy quyền làm cha mẹ, ông bà, bề trên, mà đòi hỏi tình thương, bổn phận phải thi hành theo trật tự “hướng thượng”, một chiều. Chính quý cụ đã từng dạy con cái là “nước mắt chảy xuôi” cơ mà !

Mất hay không cũng tùy thuộc mức độ quý cụ nắm lấy cơ hội “vớt vát” trong tầm tay mình. Một số quý vị cao niên vẫn còn trực tiếp đứng ra cổ xuý phát huy những giá trị văn hoá và truyền thống dân tộc một cách tích cực. Cơ thể của quý cụ trưởng thượng có bề bình thường suy yếu, nhưng tâm trí, “nỗi lòng” về đất nước và truyền thống dân tộc, gia đình của quý cụ đó vẫn ở mức độ nhiệt tình rất cao, dù phải sinh sống trên đất khách quê người. Tôi đã từng quen biết vài cụ năm nay đã hơn tám chục tuổi, ấy thế mà vẫn luôn luôn bận bịu, sáng đi thăm vợ tại nhà thương, trưa về lo công việc cộng đồng, tối thì nghe ngóng, bình luận những tin tức nóng bỏng về đất nước, về thế thái nhân tình. Lăm lúc tôi có cảm giác quý cụ đó còn thiết tha nhiều với cuộc sống, tiếp tục tìm ra những lẽ sống, dù hoàn cảnh không toàn hảo.

Ngày hôm nay, tôn trọng nhân phẩm, lẽ phải, công bằng, bắc ái là căn bản. Ông bà, bố mẹ, con cháu, bề trên, kẻ dưới, đều phải tìm hiểu để thông cảm lẫn nhau; tìm cách tôn trọng lẫn nhau, trên căn bản con người, vị tình, vị nghĩa, chứ không nhân danh một áp lực siêu hình, siêu thực, quá đáng nào cả. Trân trọng, kính nể, thương xót phải là động cơ chính yếu trong mọi giao dịch với gia đình, với tha nhân. Mọi hình thức áp bức, độc đoán, độc quyền và một chiều phải gạt bỏ, vì lỗi thời, vì lẻ loi và vô hiệu. Kết sinh mọi nỗ lưc, từ trên xuống dưới, ngang và dọc, trong gia đình, nơi xã hội, để sống và sinh tồn mới có cơ hội phát triển vẹn toàn, hài hoà, đúng cách.

Chúng ta không thể độc quyền văn hoá, độc quyền yêu nước yêu nòi, yêu gia tộc tổ tiên mà bỏ quên vai vế, quyền lợi và trách nhiệm của người khác trong họ hàng, xã tắc. Thành kiến độc tôn quyền lực, khơi khơi “lãnh tụ” phải được giải toả bớt với những khái niệm cởi mở, xây dựng: “phân công, phân nhiệm”, phối hợp khả năng, kết lực sinh tạo. Văn hoá là trào lực sinh tồn của cộng đồng, dân tộc, tiếp nối, thêu dệt, uốn nắn, nuôi dượng bằng ngàn, bằng triệu tâm hồn thiết thực, bằng ngàn, bằng triệu ao ước, lựa chọn lối sống. Làm sao truyền thống văn hoá có thể đơn phương hoàn tất, gánh vác bởi một cá nhân, dù đầy thiện chí? Làm sao văn hoá của số đông, của cả một dân tộc có thể tụ tích vào ý muốn và sở thích của một Lãnh tụ độc đoán, vị kỷ, một Chủ Tịch bạo quyền, khát máu, một tập đoàn đảng phái ma-phia tham nhũng, bất lực, bất tài?

Giả thử, chúng ta còn ở tại quê hương, với những điều kiện lịch sự thuận lợi cho một xã hội bình thường, không bị xáo trộn, tha hoá, thì mọi sinh hoạt, suy nghĩ dễ ăn khớp, diễn tiến một cách hài hoà, hợp tình, hợp cảnh. Với những điều kiện nội tại đó, truyền thống tốt đẹp phát xuất bằng cách thẩm thấu tự nhiên. Vậy, tùy hoàn cảnh của từng gia đình trong nước cũng như tại hải ngoại, nếu còn gìn giữ được căn bản truyền thống tốt đẹp, nhân bản vững chắc, thì hiễu lực hội nhập văn hoá trở nên dễ dàng, thực hiện một cách trực tiếp, cha truyền, con nối. Đó là cách hấp thụ bằng “nội nhập văn hoá” (inculturation): nói tiếng mẹ đẻ và thấu nhận tập tục văn hoá truyền thống gia đình, hàng xóm, dân tộc.

Nhưng với tình trạng xáo trộn, tha hoá trong hiện tình đất nước, và trong sự khác biệt văn hoá nơi đất khách quê người, thì truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt, với những giá trị căn bản cao quý, quân bình, tử tế, nhân từ nhân ái, cần được hội nhập một cách minh mẫn, lớp lăng, dưới hình thức lãnh hội từ phía ngoài, hay “ngoại nhập văn hoá” (acculturation): học sinh ngữ, tập tục, văn hoá mới, vì xa lạ hoặc lãng quên.

Tình trạng bị cô lập hay tự cô lập, tất nhiên đưa tới sự tách biệt, đứt đoạn cũa truyền thống về mặt xã hội, lẫn gia đình. Với lời tuyên bố: “Tôi là người giữ gia phả của giòng họ, nhưng tất cả đều nằm ở trong đầu. Biết ai liên quan với ai như thế nào trong họ là nghề đặc biệt của tôi, người con gái trưởng trong nhà. Nhưng không một đứa con nào của tôi biết được những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc, ngay cả đến những người em của chính tôi. Không có tôi, họ hàng thân thích sẽ trở thành kẻ xa lạ nếu tình cờ gặp nhau trên đường phố...”, vô hình trung Cụ Bà trong cuộc một mặt dành độc quyền [“nghề đặc biệt của tôi”] gìn giữ gia phả, truyền thống gia tộc, đồng thời đã thiếu sót bổn phận vì không chỉ dẫn con cháu tìm kiếm và nuôi dưỡng “những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc.” Kết quả tất nhiên là con cháu Bà trở thành xa lạ với họ hàng thân thuộc, với truyền thống văn hoá. Cái cầu văn hoá nếu bị đứt đoạn cũng vì thiếu sự chăm sóc của các thế hệ trước. Nếu quý cụ sợ đứt cầu, ít ra quý cụ cũng nên chuẩn bị con cái, người thân kẻ thuộc quen biết thêm về hình thù, bản chất và cách thức bảo trì, tiếp nối cây cầu đó. Về hoàn cảnh của Cụ Bà, “người con gái trưởng trong nhà”, Cụ có thể tự tay, hay sai bảo con cháu, hay thuê người đánh máy điện tử ghi chép gia phả, rồi gửi tới con cháu để nhắc nhở chúng về tông tích gia tộc. Xa mắt, nhưng không xa lòng, nếu vẫn nuôi dưỡng được những dây liên hệ máu mủ đó.

Vậy nếu quý cụ cao niên Việt tại Hải Ngoại cũng như trong Nước muốn thực thi ước nguyện, muốn cây cầu văn hoá Việt Nam không bị gián đoạn, cắt cụt, hủy bỏ, nếu quý vị cao niêm không muốn thấy mất “cái tôi”, cái thể diện tốt đẹp trong truyền thống cao quý, thì xin quý cụ ra tay thu ven, chỉ dẫn thêm để con cháu đưộc gần gũi với nguồn gốc và giá trị của nền văn hoá mà quý cụ tôn kính, yêu chuộng.

Trên thực tế, quý cụ cao niên nay khoảng từ bảy mươi tới tám chục tuổi, khi bước chân tới đất khách quê người, dù là Hoa-Kỳ, Gia-Nã-Đại, Pháp, Đức v.v. từ năm 1975 chỉ trên 35, dưới 50 tuổi. Quý vị lúc đó vẫn đủ sức lực, đủ minh mẫn học hỏi thêm một tiếng nói mớí, một nền văn hoá mới, một cách sinh sống, suy nghĩ khác với những gì quý vị có và biết trước khi bỏ nước, bỏ quê hương xứ sở. Sau 33 năm trời, sau gần “nửa đời người” sinh sống nơi “đật lạ”, quý vị không còn cơ hội trực diện một nền văn hoá cổ truyên thuần túy Việt Nam nữa. Sau 33 năm trời dài đằng đẵng, hay vù đi cái một, quý vị di dân khách trú hay “tân dân” (new citizen) nước tạm dung, cũng phần nào có dịp hay bị thời cuộc lôi cuốn “hội nhập” vào đời sống mới, một đời sống đa văn, đa diện, đa cảm. Đó là chuyện chẳng đặng đừng, một hiệu lực phản xạ (side-effect) của liều thuốc “tỵ nạn”. Được yên ổn, bảo vệ, từ lúc trẻ tới lúc già, thụ hưởng vật chất, được tự do đi lại, hội họp, tự do tư tưởng, tín ngưỡng, thi thố tài nắng, dành lấy cơ hội sinh sống thăng tiến chính đáng cho mình và con cái ắt cũng giúp quý cụ nhận định rằng quý cụ đã nhận được nhiều để cần biết hưởng và biết cho lại: cho lại con cháu, thế hệ sau, và những người còn khốn đốn hơn quý cụ rất nhiều. Được như vậy, chắc cũng đáng phải trả giá bằng một sự hy sinh tối thiểu: cảm thấy phần nào cô đơn, lạc lõng, không hoàn toàn “ăn khớp” nơi “đất lạ”. Nhưng từ đó cho rằng: “Mỹ là ...địa ngục giới già” thì quả thật hơi quá đáng, ngoa ngoắt.

Tôi được kể một câu chuyện khá thương tâm về một cụ bà khoảng trên dưới chín chục tuổi. Cụ tôn sùng những giá trị cổ truyền một cách tối đa, tuyệt vọng. Nhân dịp Ngày Nhớ Cha (Father’s Day) năm 2008, cụ ra mộ chồng cúng bái, rồi trước linh hồn người quá cố và với sự hiện diện của đại gia đình con cháu ba đời, đông đủ tụ tập từ các Tiểu bang khác tới, Cụ nêu lý do chính đáng về tập tục gia đạo, rồi tuyên bố ly khai, truất bỏ thằng “chít đích tôn” vì nó “lai Mỹ, không nói sõi tiếng Việt, nên sợ khi cúng bái Thần Linh, Tổ Tiên không thấu hiểu”. Ngay lúc đó, Cụ chọn một thằng chít dòng thứ thay thế làm “đích tôn”, vì bố mẹ nó là người Việt “chính cống”. Cụ thật thiết tha, chân tình với truyền thống gia đạo, sẵn sáng cắt đứt máu mủ để duy trì phương thức ngoại vi, phiến diện của truyền thống. Cụ không thể nghĩ rằng một đứa trẻ dù lai, dù sinh đẻ tại Hoa Kỳ, nếu được dạy dỗ, được hấp thụ những giá trị tốt đẹp, khả kính của truyền thống văn hoá Việt Nam, cũng có thể tiếp nối truyền thống đó, nếu không bằng ngôn ngữ, màu da, ít nhất cũng bằng con tim, máu mủ, bằng tấm lòng nhân bản. “Nươc mắt chảy xuôi” ở chỗ nào nhỉ ? Nước mắt trên màu da trắng, vàng, nâu..., nếu chân tình bùi ngùi thì cũng mặn mà, xót xa như nhau. Còn nước mắt dân tộc, gia đình thuần túy cũng có cơ hội biến thành “nước mắt cá sấu”, hay cũng nhạt nhẽo như nước ốc, nước lã, nếu hời hợt, khách sáo, giả tạo. Truyền thống dân tộc, gia đạo chỉ là những tục lệ, trí tuệ đáng duy trì, kính trọng, nếu thực sự có chân tình, lẽ phải, rộng lượng, nhân từ, nhân ái. Còn những sắc thái phù phiếm, hẹp hòi, bất nhân, bất nghĩa của bất cứ truyền thống nào, tư tưởng dân tộc nào, cũng nên cải bỏ, tu bổ cho phải đạo làm người, hợp với đạo trời đất, đạo tự nhiên, tự tại.

LƯU NGUYỄN ĐẠT
DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC
HOA THỊNH ĐỐN
18 JULY 2008


GHI CHÚ:

[1] người viết bài tham luận trên cũng là hạng “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, gần bảy mươi tuổi đời, định cư tại Virginia, USA, nên cũng rất thông cảm với đời sống và suy tư của giới “Cao Niên Hải Ngoại”.



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003