May 03, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CÔ TẬP VIẾT VĂN
LINH VANG

Gần bàn làm việc của cô có cửa sổ nhìn thẳng ra khu rừng thông xanh, cao ngất, đang che khuất vầng thái dương. Một ngày cuối tuần bắt đầu. Trước khi ngồi xuống bàn để viết một cái truyện ngắn như đã dự định, cô mở nhạc êm dịu-cô nghĩ sẽ giúp cô cho ra ào ào những chữ những nghĩa-, coi lại giấy mực có đầy đủ không, cũng xuống dưới nhà lấy đem lên một chai nước lọc để bên cạnh đặng khi khát nước thì uống-theo lối sống lành mạnh dạo này, nhà văn không còn uống cà phê (và hút thuốc lá) nữa- mà cô thì đang tập tành làm nhà văn.

Cô biết rằng truyện hoàn thành được là do một phần kinh nghiệm (sống), một phần học hỏi, một phần sáng tạo của tác giả. Ở đây, truyện cô tính viết là do cô vừa nghe anh kể và nhờ cô viết dùm...

Chàng là trung úy Không Quân. Nàng là vợ của một sĩ quan Nhảy Dù. Chàng chưa có vợ-chàng chỉ vừa đánh mất người yêu thôi, người yêu chàng kẹt lại ở Huế từ tháng ba. Nàng có hai con-một trai, một gái ở tuổi bốn và năm. Họ gặp nhau trên một con tàu đông đúc người đang chạy trốn CS, vừa rời bến Sài Gòn vào giờ phút cuối. Mới đầu chàng thấy nàng thân mai mình hạc với con dại, nên chàng ra tay giúp đỡ-đi lấy từng ổ bánh mì, trái cam, cái bánh, chai nước uống đem đến cho mẹ con nàng để nàng bớt vất vả. Nàng rất cảm ơn chàng. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nên chẳng lạ gì khi hai người cô đơn phải lòng nhau. Qua đảo, họ ăn ở với nhau như vợ chồng, cũng khai như thế trong giấy tờ, hầu được đưa đi định cư chung một nơi. Lúc này, chàng chưa biết là nàng lớn hơn chàng tới tám tuổi. Vì nàng có nhan sắc và ở tuổi 33, nét già hẳn nhiên chưa xuất hiện. Chàng mải đắm đuối, say mê trong chuyện gối chăn với nàng nên nếu khi đó có ai cho chàng biết là nàng lớn hơn chàng tám tuổi thì chàng cũng không bận tâm lắm.

Sau 30 năm ở Mỹ, họ làm chủ ba căn nhà: một căn để ở, hai căn cho mướn. À, chưa kể cái nhà gỗ nghỉ mát, nho nhỏ, nằm ở đảo S gần thành phố. Chàng đã phụ nàng nuôi hai đứa con của nàng mà trên giấy tờ cũng là con của chàng, ăn học và lớn khôn, rồi dựng vợ gả chồng cho chúng. Chàng đi làm công chức, lương bổng khá cao. Nhưng nàng làm ra tiền còn hơn cả chàng! Nàng làm nails từ những năm 1980s sau khi bị cho nghỉ việc từ một hãng điện tử. Hồi mới qua Mỹ, nuôi hai đứa nhỏ đã cực quá nên nàng cũng không muốn có thêm đứa con nào nữa, đến lúc muốn đẻ cho chàng một đứa thì tuổi nàng cũng đã lớn, cơ thể đã già nua, bắt đầu trục trặc, nàng không đẻ được nữa. Điều này cũng làm chàng buồn lắm, nhưng không nói ra.

Hè năm trước chàng về Việt Nam lần đầu tiên và về một mình. Chàng về Huế thăm bà mẹ già đã được 90 tuổi, tuy vậy vẫn còn khá minh mẫn, đi đứng loanh quanh sân trước vườn sau được. Các em chàng viết thư bảo hãy về khi mẹ còn nhìn ra anh, chứ không thôi thì sau này anh lại hối tiếc. Bao năm, chàng cứ nhủ để tiền mua vé máy bay cho cả gia đình về thăm nhà mà cho các em để các em và các cháu có thêm chút thịt mỗi bữa cơm. Trong lúc bên này chàng phát tướng, có da có thịt, trắng trẻo mà để cho người thân bên đó đói thèm thì cũng tội.

Chàng đi thăm ngôi trường cũ: trường Quốc Học. Nhìn sang trường Đồng Khánh làm chàng nhớ người xưa: Diệu Linh. Diệu Linh, thủa đó tóc đen dài xõa ngang lưng, óng ả; dáng gầy gầy; khuôn mặt nhỏ, nước da trắng. Hai người yêu nhau từ lần cắm trại liên trường. Rồi chàng đi lính, đổi về căn cứ Cần Thơ, sống ở trong Nam nhiều hơn. Đôi lần về phép, có thăm Diệu Thi, thường thì hai người liên lạc nhau bằng thư từ. Năm đó, trong cảnh hỗn loạn, chàng chạy được ra nước ngoài. Diệu Thi kẹt lại.

Ngày chàng về, hàng phượng vỹ vẫn đỏ rực, cành hoa nghiêng bóng xuống giòng sông Hương. Giòng sông vẫn lững lờ trôi chảy. Và vẫn những tà áo trắng thướt tha trên đường Lê Lợi, thế hệ con cháu của chàng và Diệu Thi. Một thế hệ non trẻ sinh ra sau năm 75, rất nhiều năm, không biết gì về cuộc chiến và sự bỏ nước ra đi của nhiều người. Chàng nhìn bên này trường, bên kia sông, xa xa là cầu Trường Tiền, mà ngậm ngùi nhớ người xưa.

Bữa mới về, các em chàng nhắc tới Diệu Linh và ái ngại nói:

-Chị Diệu Linh bao năm vẫn ở vậy. Có lẽ ...vì anh, chị đoan trang, hiền dịu như vậy, không lẽ không có ai để ý hỏi làm vợ?

Các em lại nói như thầm trách cứ chàng:
-Người ta dang dở một đời vì anh!

Diệu Thi mở một sạp vải nhỏ ở chợ. Một đứa em gái dặn dò, anh cứ ra chợ, khu hàng vải, sẽ thấy chị ấy ngay.

Gần ba mươi năm, hai người vẫn nhìn ra được nhau. Diệu Thi sững sờ khi bất chợt ngẩng lên và nhìn thấy chàng đứng đó đang chăm chăm nhìn cô, cô vội thả xấp vải đang cuộn lại. Chàng thấy cô vẫn gầy và khuôn mặt thì buồn nhiều lắm. Họ nhìn nhau hồi lâu, rồi chàng lên tiếng trước:

-Em khỏe không?

Ba mươi năm qua anh ở đâu? Giờ trở về lại bắt đầu một câu hỏi như thế? Nhưng cô lại trả lời:

-Em vẫn thường...như anh thấy!

Thường thế nào được! Ngày anh ra đi, em còn là một thiếu nữ trẻ đẹp, tươi mát; ngày anh về, em là một gái già, khô khan-cả tâm hồn và thể xác.

Hai người có những câu hỏi, câu trả lời thật chẳng dính dáng gì đến nỗi xao xuyến trong lòng của họ, vào lúc đó. Người nào cũng cố giữ vẻ tự nhiên, một cách vụng về.

-Anh về bao giờ?

-Mới ba ngày trước. Có đi thăm Quốc Học, Đồng Khánh.

-Sao anh biết ...mà đi tìm em?

Cô muốn nói thêm là sao anh biết được em vẫn chưa có chồng? Vì cô chắc chắn là ai lại đi tìm người đã có chồng.

-Em quên là gia đình anh vẫn còn ở đây?

Sau lần gặp đó, hai người nối lại duyên xưa. Họ sống với nhau như đôi vợ chồng mới cưới mà vì hoàn cảnh đã xa cách từng ấy năm. Sống một tháng vợ chồng. Chàng quên bẵng là chàng còn có một gia đình ở bên Mỹ. Chàng thấy tình của Diệu Thi đối với chàng. Diệu Thi vẫn yêu chàng tha thiết. Còn chàng, chàng biết là chàng không thể bỏ Diệu Thi một lần nữa. Con tim của chàng nay đã thuộc về Diệu Thi, đập rộn ràng...

Cây viết mầm non ngưng gõ cụp cụp trên bộ chữ, vói tay lấy chai nước lọc, uống cái ực. Nước mát làm cô tỉnh táo lại.

Anh từng bảo nhà văn mầm non:

-Chú Khánh hiền lắm, quyền hành, tiền nong, vợ chú nắm cả. Chú cần cù đi làm bao nhiêu năm nay, chẳng để ý vợ chú làm gì, cất tiền ở đâu. Bây giờ chú mà ra đi thì chỉ hai bàn tay trắng thôi!

Cô nhớ cô đã nói:

-Chuyện gì thảm thế? Xứ Mỹ công bình, có hiền mấy thì cũng phải giữ phần mình chứ, chú cũng đã đóng góp vô cái tài sản chung đó mà.

Cô bắt phôn gọi anh và nghe anh ở đầu dây bên kia nói:

-Chú ấy vẫn đi đi về về, chưa tính được gì. Em là nhà văn, em phải viết sao cho thật hay.

Cô than:

-Chuyện thật, khó viết quá! Mà biết chú ấy có ưa em viết chuyện của chú không?

Anh chỉ nói viết đi, viết đi, rồi hối hả bảo, anh phải đi lo việc này cái đã.

Cúp phôn rồi, cô ngồi thừ người. Nếu chỉ là tiểu thuyết thì cô sẽ cho chú có hai bà: bà ở bên Mỹ này và bà ở bên VN kia. Bà bên Mỹ sẽ chấp nhận như thế, không chịu thì sẽ mất chồng. Tức thì cô nghe như có tiếng phản đối dữ dội từ trong tiềm thức của cô:

-Mi cho chàng lấy người ở bên Việt Nam?

-Là người xưa mà! Là người đã tới trước, không phải sao? Một người chung tình như thế!

-Bao nhiêu ông về VN quậy, bỏ vợ già ở bên này, về bển khoe nhãn hiệu Việt kiều mà kiếm bồ nhí, láo nháo làm loạn tùm lum. Mi lại khuyến khích tệ trạng xã hội đó!

Cô nhỏ nhẹ:

-Nhưng bỏ bà nào thì cũng tội quá! Nếu họ chịu dung hòa thì người nào cũng được cái hạnh phúc bé nhỏ cuối đời- những tháng ngày còn lại. Bà ở Mỹ dù bây giờ không còn tình thì cũng còn nghĩa. Còn người xưa? Mi không thấy bao nhiêu năm, cô bỏ cả tuổi thanh xuân để đợi chàng, chứ đâu còn trẻ trung gì nữa. Hãy cho nàng hưởng một chút hạnh phúc của tình yêu. Tao sẽ viết là nàng bên VN sẽ đi xin một đứa con nuôi, sẽ là đứa con của hai người, để họ cũng có một gia đình nhỏ, gắn bó nhau. Bà bên Mỹ có muốn xin con nuôi, để làm sợi dây gắn bó giữa bà và chàng, cũng cho luôn! Chàng tính về hưu sớm, nhưng kiểu một kiểng hai quê như thế này thì chàng cũng phải cày thêm mười, mười lăm năm nữa... Giải quyết như vậy được chưa?

-Mi lại cổ võ chế độ đa thê! Một chế độ lỗi thời...chỉ có mấy ông là thích!

-Ủa! Vậy sao?

-Xí! Đã viết thì viết sao mà nâng cao được phẩm chất của phụ nữ, đề cao nữ quyền. Có vậy mới đáng làm nhà văn nữ!

Cô lại gõ cốc cốc vào máy vi tính. Bị trách cứ như thế nhưng cô cứ viết kiểu cô nghĩ.

Nằm bên nhau, chàng hứa hẹn với Diệu Thi:

-Anh sẽ về cưới em. Trong khi chờ đợi, mỗi tháng anh sẽ gửi cho em ít tiền, đủ cho em khỏi phải lo chuyện buôn bán nữa. Anh đã coi em là vợ của anh thì anh có bổn phận phải lo cho em. Hãy cứ nghĩ anh là người chồng đi làm xa. Em đồng ý không?

Cô rúc vào người chàng-cô đã quen được mùi đàn ông của chàng-, cảm thấy tràn trề hạnh phúc. Cứ như thế này đã thấy đủ hạnh phúc, cô không trông mong gì nhiều hơn. Chỉ là-cô rụt rè:

-Còn chị bên ấy?...Em mong mỗi năm anh về một lần là em vui rồi.

Chàng nghĩ bụng. Diệu Thi hiền quá! Cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Nhiều năm cực khổ dưới chế độ mới mà nàng cũng không học tánh mánh lới như phần lớn những người khác. Không đòi hỏi gì nhiều nơi chàng. Không bắt chàng phải chi cái này cái nọ. Không đòi chàng đưa tiền cất nhà hay để cho cha-già-mẹ-yếu-em-thơ. Với chàng, nàng vẫn là người cho đi, không màng nhận lại.

-Em đừng lo! Không có anh, Mộng Lan vẫn tự lo cho cổ được, cả việc không cần đi làm nữa. Lan còn có hai đứa con của cổ, đừng sợ không ai lo. Bên đó, chỉ có anh là lẻ loi, một mình thôi, anh mới là người không có ai.

Bất chợt lại có tiếng mỉa mai thắc mắc. Lẻ loi một mình? Hừm! Tin được không đây? Sao ba chục năm nay không kêu lẻ loi?

Cô nhà văn mầm non lại phải giải thích:

-Thôi tin đi mà! Không phải lỗi của ai, mà tại hoàn cảnh hết. Nếu chưa có chuyện sập tiệm năm 75 thì chắc chàng và Diệu Thi đã lấy nhau, sẽ sống hạnh phúc, Mộng Lan cũng đâu phải chạy ra nước ngoài tay ẵm tay dắt con thơ dại khờ như vậy? Còn chuyện sau khi sập tiệm, nếu Diệu Thi cứ đi lấy chồng thì ai cũng “mồ yên mả đẹp” thì làm gì có cảnh khó xử như bây giờ. Nhưng mi biết không, nếu biết không có gì tuyệt đối trên đời này thì cuộc tình tay ba xem ra cũng được thôi. Mọi người hãy nên nhượng bộ một chút.

-Còn chồng của Mộng Lan đâu? Sao không nghe nhắc tới cái ông sĩ quan Nhảy Dù đó?

-Không biết! Bộ ba người chưa khó xử sao? Mi còn muốn cho người thứ tư xuất hiện? Không chừng ông ấy cũng chạy được qua nước nào rồi, và cũng có vợ khác rồi! Cứ cho là vậy đi, có hậu hơn là cho ông bị đi tù cải tạo, khổ tâm khổ xác cho ông...Thôi đừng có lộn xộn nữa! Tớ giải quyết như vậy là hay quá rồi!

Ngày hôm sau cô đưa bản thảo cho người yêu đọc, và yên lặng ngồi chờ phản ứng...

Đọc xong, anh nghiêm trang phán một câu “xanh dờn”:

-Em tính hay quá! Để anh kêu chú ấy tới gặp em.

Cô giẫy nẩy:

-Gặp em để làm gì? Em đâu phải là cố vấn hôn nhân. Em đang tập viết văn thôi mà!

Anh lại phán một câu xanh dờn khác:

-Em là nhà văn, em nhớ viết cái đoạn kết của chuyện chúng mình cho thật hay,... cho anh với em lấy nhau.

Được kêu là nhà văn, cô thấy vui quá, thành ra cô chẳng để ý là anh vừa nói lời cầu hôn với cô! Cô đang bận tâm chuyện khác cơ:

-Em quên chưa ký bút hiệu dưới cái truyện. Bút hiệu gì đây?

Cô ngây người chợt nhớ ra là cô chưa chọn bút hiệu nào cả!

LINH-VANG
www.geocities.com/linhvang

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003