Apr 19, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Quan điểm
CÁI MỚI VÀ CÁI HAY TRONG VĂN CHƯƠNG
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
HOÀNG NGỌC THƯ

Tháng Chín năm  2007, tôi đọc thấy câu hỏi này trong thư mời tham gia thảo luận do ban chủ trương Tiền Vệ đặt ra: “Với tư cách người cầm bút cũng như với tư cách độc giả, anh/chị nghĩ sao về cái mới và cái hay trong văn chương?” tôi đã biết ngay — và khẳng định — là tôi sẽ viết gì khi nào có thì giờ. Tôi cũng đã chờ để đọc những ý kiến thú vị, vì tôi cho rằng sẽ có nhiều người đóng góp cảm nghĩ về đề tài này.

Như một người yêu văn chương thuần túy, tôi luôn luôn đi tìm những tác phẩm đặc sắc để tôi đặt bên cạnh những tác phẩm mà tôi hằng say mê của các tác giả tôi hết lòng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, những phát hiện như thế quả là hiếm hoi. Điều này đã dẫn đến một câu hỏi mà tôi tin rằng mọi người yêu văn chương đều đã có tham gia tranh luận trực tiếp hoặc gián tiếp, bàn thảo một cách nghiêm túc hoặc trao đổi một cách thân tình: “Thế nào là văn hay? Và văn hay, hay văn mới là quan trọng trong việc đánh giá một tác phẩm?” Tôi tin rằng mỗi người yêu văn chương đều có câu trả lời cho riêng mình. Trong bài viết này, tôi xin được chia sẻ với bạn đọc những suy nghĩ và cảm nhận của tôi về cái hay và cái mới trong văn chương, như một độc giả và một người sáng tác.
*
Trước khi bắt đầu cuộc thảo luận, tôi cũng xin thưa rõ với bạn đọc đôi điều: những ý kiến trong bài này hoàn toàn là của riêng tôi và không có liên quan gì đến chủ trương của nhóm sinh hoạt văn chương, hoặc cá nhân nào khác. Và cũng như với tất cả các bài viết khác, tôi đã giữ mọi ý nghĩ cho riêng mình trong bài này, cho nên không ai biết được tôi đã viết gì cho đến khi tôi đã hoàn tất và gửi đi để chia sẻ với mọi người.

Đây là bài viết để phân tích và bình luận về các gợi ý của Tiền Vệ cho đề tài này, cho nên trong bài sẽ có những điểm tôi đồng ý hoặc không đồng ý: nhưng những điều này hoàn toàn tùy thuộc vào cách lập luận và bằng chứng đã được đưa ra mà không phải vì một lý do nào khác. Tôi tham gia cuộc thảo luận này với tinh thần một người góp mặt trong một buổi tiệc bàn tròn: nơi mỗi người đều có thể chia sẻ ý kiến của mình một cách thẳng thắn, trung thực và dân chủ. Những người trong trong các nhóm chủ trương sinh hoạt văn chương, hoặc các độc giả, văn thi sĩ, đối với tôi đều là những người bạn văn, cho nên tôi tôn trọng ý kiến mọi người như nhau, không thiên vị hoặc phân biệt ai vì bất kỳ lý do gì. Vì vậy, tôi sẽ góp ý một cách trung thực, công bình, cũng như sẽ sẵn sàng lắng nghe và trao đổi với bất cứ ai muốn góp ý với tôi về những điều tôi đưa ra trong bài viết này. Và tôi cũng xin phép được cho rằng mọi người góp mặt trong buổi tiệc bàn tròn này đều là những người thật sự yêu văn chương, chịu khó đọc kỹ để đánh giá các tác phẩm một cách nghiêm túc; và các ý tưởng, cảm nhận là của chính họ chứ không phải đi từ khuôn mẫu của trường lớp, hoặc bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài.
1.
Trước hết, tôi xin phát biểu bằng cảm quan của một độc giả. Và tôi xin được dùng một nguyên tắc căn bản vốn là nền tảng trong cách lý luận và chứng minh được dùng trong Toán học để phân tích những điều tôi đã trích dẫn từ Tiền Vệ, trước khi trình bày ý kiến của riêng tôi. Nguyên tắc này gồm có hai phần: 1/ Mọi ý kiến đưa ra đều không có giá trị cho đến khi nào đã được chứng minh đầy đủ với bằng chứng rõ ràng; và 2/ Bất kể lời tuyên bố là của một nhân vật lớn bậc nào, hoặc đã đứng vững bao nhiêu lâu, nhưng nếu có ai tìm thấy chỉ một bằng chứng ngược lại thì lời tuyên bố ấy mất hết giá trị và cần phải xét lại. Đây là cách để mọi người phán xét để công nhận hoặc bài bác các định luật trong mọi ngành Toán và Khoa học.

Cho dù văn chương không thuộc phạm trù khoa học, nhưng để đánh giá và nhận định mỗi ý kiến một cách sáng suốt và công bình, chúng ta cần phải kiểm tra và chứng minh từng điểm một cách khoa học, dựa trên nền tảng của lý luận, trước khi công nhận hoặc bài bác ý kiến ấy. Dĩ nhiên, với những ý kiến chung chung, hoặc với lối phát biểu tuỳ theo cảm tính, ý thích cá nhân, ai cũng có thể làm được; nhưng chẳng ai phải bận tâm với những điều như vậy, vì mọi người không cần phải xem đó là chân lý hoặc thước đo cho vấn đề đã được nhắc đến.

Trước khi đi sâu vào chi tiết, tôi có một nhận xét chung cho ba nhóm ý kiến mà Tiền Vệ đã gợi ý: hai trong ba nhóm này đặt cái mới nặng hơn là cái hay trong văn chương. Tuy nhiên, đó là những ý kiến từ một số cá nhân nào đó mà Tiền Vệ thử đưa ra để gợi ý, cho nên tôi biết sẽ còn có rất nhiều ý kiến và lý do khác nhau cho những người yêu văn chương khi họ lựa chọn giữa cái hay và cái mới trong các tác phẩm văn học.

Nhưng trước khi bàn luận, chúng ta cần phải định nghĩa thế nào là mới và hay trong văn chương, vì cái mới thì dễ nhận diện, còn cái hay lại là một tiêu chuẩn phức tạp và trừu tượng. Để phân tích và đánh giá một cách đúng đắn vai trò của mỗi yếu tố hay và mới trong một tác phẩm, chúng ta cần phải hiểu và nắm vững cấu trúc của một tác phẩm là gồm những phần gì.

Theo tôi, mỗi tác phẩm được xây dựng trên nền tảng gồm có ba tầng: tầng đầu tiên là hình thức viết, tầng thứ hai là ý tưởng, và tầng thứ ba là phần tác động đến người đọc. Trong tầng thứ nhất, hình thức viết gồm hai phần: thể loại và cách diễn đạt. Tôi phân biệt hai phần này, vì chẳng hạn như trong một cuộc thi văn chương, tất cả bài viết đều cùng một thể loại theo yêu cầu của đề thi, nhưng có bao nhiêu người viết thì sẽ có bấy nhiêu cách diễn đạt khác nhau, tùy theo vốn từ ngữ, thói quen và khả năng diễn đạt của mỗi người.

Ở tầng thứ hai, chúng ta có thể thấy được có hai loại ý tưởng: những ý tưởng đã được nhắc lại từ một nguồn khác mà người đọc đã biết, và những ý tưởng mới. Và trong mỗi phần này, chúng ta lại thấy được ý tưởng ở hai mức độ: mức độ dễ hiểu so với khả năng tư duy thông thường cho bất cứ ai biết đọc chữ, và mức độ cao hơn cho những ý tưởng cần được suy ngẫm và đào sâu hơn, và đôi khi có một số ý tưởng đòi hỏi kiến thức về một ngành chuyên môn nào đó thì mới hiểu được. Và ở tầng thứ ba là ảnh hưởng của câu chuyện đối với người đọc, điều này được biểu hiện ở ba phương diện: tâm lý, cảm xúc, hoặc có khi dẫn đến hành động.

Xét về cái mới trong văn chương, chúng ta thấy được cái mới chỉ có thể xuất hiện ở hai tầng thấp là hình thức viết và ý tưởng của câu chuyện. Độc giả thường nhận diện được ngay những cái mới trong một tác phẩm, nhưng nếu những cái mới này không gây được tác động gì đến người đọc, thì tác phẩm ấy chỉ được gọi là mới, mà không phải là hay.

Theo tôi, cái hay của một tác phẩm nằm ở sức mạnh và độ sâu những ảnh hưởng của nó đối với người đọc. Một tác phẩm hay là thành quả của sự kết hợp chuẩn xác, hài hoà của cả hình thức lẫn nội dung, và hơn thế nữa, nó mang dấu ấn tài nghệ của người viết để gây tác động mạnh đến người đọc. Một tác phẩm cực hay sẽ để lại ấn tượng sâu đậm và lâu dài trong lòng người đọc, ám ảnh họ bởi không khí trong truyện và thế giới nội tâm của các nhân vật, khiến cho người đọc không thể dứt khỏi câu chuyện hoặc có thể quên được sau khi đã đọc xong.

Dưới đây là sơ đồ tóm lược những điểm tôi đã trình bày về vai trò của cái mới và cái hay trong một tác phẩm văn chương:

Với những lý do đã nêu trên, và đã thấy từ sơ đồ này: trong một tác phẩm văn chương, vì cái hay bao gồm cả hai tầng của cái mới là hình thức và ý tưởng, mà còn thêm một tầng cao hơn nữa là tác động đối với người đọc, nên cái hay chiếm một phần lớn hơn so với cái mới.

Tôi xin đưa ra vài ví dụ để minh hoạ cho điểm này: nếu chúng ta nhìn lại những cái mới trong văn chương cách đây một khoảng thời gian nào đó (vài trăm năm, vài thế hệ hoặc vài thập niên) đã gây chấn động và làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng bây giờ nếu có người vẫn còn dùng các loại hình thức, hoặc vay mượn những ý tưởng như vậy, chẳng có ai sẽ lấy làm lạ vì chúng không còn mới nữa. Tuy nhiên, những tác phẩm lừng lẫy đã được viết trước đây, đặc biệt là các tác phẩm đã thắng các giải thưởng văn chương hàng đầu như Nobel, Booker hoặc Pulitzer đến bây giờ vẫn được ca ngợi là hay, mặc dù chúng không còn mới nữa. Và mặc dù từ lúc những tác phẩm ấy ra đời cho đến bây giờ đã có muôn vàn những tác phẩm mới xuất hiện, nhưng chắc chắn độc giả đương đại vẫn phải cho chúng là hay thì những nhà xuất bản mới tiếp tục tái bản, và các trường học vẫn tiếp tục mang vào chương trình giảng dạy.

Thêm vài ví dụ điển hình nữa mà tôi muốn nêu lên để chứng minh cho điểm này: những tác phẩm của Shakespeare đã được viết cách đây khoảng năm trăm năm, hoặc gần đây hơn là các tác phẩm của Tolstoy, viết cách đây hơn một trăm năm, mọi người đều đồng ý chúng là quá “cũ” trong mọi phương diện cả về hình thức lẫn nội dung. Nhưng có phải vì thế chúng không còn hay không, hay là vì đã cũ nên chúng trở nên dở? Chắc chắc là không, vì cho đến bây giờ, những tác phẩm của Shakespeare và Tolstoy vẫn được xem là những kiệt tác văn chương của nhân loại, và chúng vẫn nằm hàng đầu trong chương trình giảng dạy của văn chương thế giới, cũng như vẫn tiếp tục xuất hiện trên phim ảnh, kịch nghệ v.v…

Vì những lý do và dẫn chứng nêu trên, nên ý kiến của nhóm người thứ ba (như Tiền Vệ đã gợi ý trong thư ngỏ) là không đúng, khi họ cho rằng “cái gọi là ‘hay’ chỉ là thuộc tính của cái mới”, như trong phần trích lại sau đây:

Một số người khác nữa lại tin là cái mới phải được đặt ra trước, chuyện hay hay dở tính sau.
[Với lớp người này], bản thân văn chương nghệ thuật nói chung (không phải là từng tác phẩm cụ thể) là sản phẩm của văn hoá và lịch sử, là những gì được sáng tạo theo một số những quan điểm mỹ học nhất định, do đó, cái gọi là “hay” chỉ là thuộc tính của cái mới.
Vậy thì chúng ta đã thấy quan điểm này là không hợp lý. Đây chỉ là một ý kiến phát biểu theo cảm tính của một cá nhân, và người nào đã tin vào điều này cần phải xem lại lý do họ đặt cái mới lên trên cái hay trong một tác phẩm là có đúng hay không?
*
Trở lại với ý kiến của nhóm người thứ nhất:

Một số người cho: văn chương chỉ cần hay; cái hay không phân biệt mới hay cũ.
[Với lớp người này], cái hay là một giá trị có tính phổ quát và vĩnh cửu, vượt thời gian.
Nếu chúng ta đều đồng ý rằng cái hay gồm ba tầng như tôi đã đưa ra trước đây, và trong hai tầng thấp là hình thức và ý tưởng đều có thể có cái mới xuất hiện, cái hay vì thế không thể “có tính phổ quát và vĩnh cửu, vượt thời gian” như ý kiến này đã đưa ra được. Mà trái lại, vì cái mới trong hình thức viết và ý tưởng sẽ thay đổi theo mỗi thời đại, cái hay sẽ được cảm nhận và có ảnh hưởng đối với độc giả ở mỗi thời đại mỗi khác nhau! Vì vậy, ý kiến của nhóm người này cũng không chính xác, và không phản ảnh được cảm tưởng của những người chọn văn hay hơn là văn mới. Tôi tin rằng trong số độc giả chọn văn hay trên văn mới, sẽ có rất nhiều lý do khác nhau cho lựa chọn của họ, mà nếu có độc giả nào đồng ý với tôi và vui lòng đóng góp, chúng ta sẽ được biết thêm những ý kiến thú vị.
*
Cuối cùng, trong ý kiến của nhóm người thứ hai như Tiền Vệ gợi ý:

Một số người khác lại cho: trong sáng tác, làm mới là một yêu cầu thiết yếu; văn chương không thể hay nếu không mới.
[Với lớp người này], cái hay trong nghệ thuật có tính lịch sử: nó gắn liền với một/những thời đại nhất định.
Có hai câu trong mệnh đề này, và tôi sẽ phân tích từng câu, vì thật ra, chúng không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Với câu thứ nhất: “trong sáng tác, làm mới là một yêu cầu thiết yếu; văn chương không thể hay nếu không mới”, chúng ta đã thấy được như đã trình bày ở trên cho nhóm người thứ ba: trong một tác phẩm, cái hay bao gồm cả cái mới và thêm một tầng cao hơn nữa, cho nên mệnh đề này đã là không đúng. Tôi xin được nêu ra thêm vài ví dụ để minh hoạ cho điểm này.

Nếu chúng ta chấp nhận rằng văn chương không thể hay nếu không mới, vậy chỉ cần viết mới thì ắt sẽ hay sao? Tôi xin đưa ra một ví dụ ngược: giả thử có người thấy rằng từ trước đến nay chưa ai viết gì về chuyện cứt, đái: người ấy cứ viết toàn là những chuyện về điều này, hoặc pha trộn đề tài này trong những bài viết của người khác để “sáng tác” ra cái mới. Nếu hỏi những bài viết như thế có mới không? Đúng, chúng có mới, có lạ đấy, vì chưa ai thử làm chuyện như vậy; nhưng có phải vì cái “mới” này mà bài viết của họ, hoặc bài của người khác đã được “cách tân” trở thành một bài viết hay hay không? Tôi tin chắc những bài những vậy khó mà hay được, hoặc nếu có trường hợp đặc biệt, thì những tiêu chuẩn khác của bài là hình thức viết, lối diễn đạt, ý tưởng ở mức độ cạn, sâu, và ảnh hưởng của bài viết đối với người đọc chính là những yếu tố quan trọng để làm cho tác phẩm hay. Cuối cùng thì cái hay mới là điều quyết định giá trị của những tác phẩm, chứ không phải là cái mới! Nếu người viết chỉ chú trọng vào việc đưa cái mới vào bài viết mà không gây chút ảnh hưởng nào đến người đọc, thì những đề tài hoặc hình thức viết mới không có tác dụng gì đến chuyện làm cho bài viết hay hơn.

Hoặc một ví dụ khác: trong thời gian gần đây, giới cầm viết của người Việt tranh nhau viết bài về đề tài tính dục (sex) mà nhiều người cho là “mới”. Đề tài này trước hết chỉ có mới đối với văn chương Việt vì có ít người khai thác trước đây, nhưng thật ra đã quá cũ so với nhiều nền văn hoá khác, chẳng hạn như tác phẩm Kama Sutra của Ấn Độ đã có từ nhiều trăm năm trước, hoặc vô số những tác phẩm ra đời cả gần nửa thế kỷ trước đây sau phong trào “Cách mạng tính dục” ở các nước Tây Phương. Nhưng vì nhiều người Việt tin rằng đây là một đề tài mới, và chỉ cần viết mới là ắt sẽ được xem là hay, nên nhiều người đã lao vào viết về đề tài này.

Kết quả của phong trào “đổi mới” này là các bài viết không những đã không mới, mà còn kém xa so với những tác phẩm đã xuất hiện trước đây. Điều này có thể là vì khả năng của người này kém người khác, hoặc chính tác giả cũng không cảm nhận được chuyện tính dục ở một mức độ cao như các nhà văn khác (mà đa số không phải là người Việt) vì giới hạn trong kinh nghiệm, văn hoá v.v… Trong trường hợp này, chính cái “mới” là điều giết chết cái hay trong những bài viết, vì tác giả không đủ khả năng để tạo ra cái gì mới, nên phải làm công việc chắp vá ý tưởng hoặc hình thức, hoặc cả hai, từ những nguồn khác. Kết quả của việc này là những bài viết “tái sinh” què quặt, thiếu hụt, tệ hơn những bản gốc. Và chắc chắn là những bài như vậy không hay, bằng chứng là chúng sẽ không được người ta mua tặng nhau, cất giữ để đọc lại, hoặc có thể tồn tại lâu dài sau khi phong trào ấy đã chết.

Sau những ví dụ và các lý do đã nêu trên, chúng ta thấy được rằng, nếu tác giả chỉ có thể đem cái mới vào bài viết mà không gây một ảnh hưởng, ấn tượng nào cho người đọc, thì cái mới không đóng góp chút gì vào yếu tố hay của câu chuyện được. Vì vậy, trong mệnh đề này, câu “văn chương không thể hay nếu không mới” là không đúng.

Sang câu thứ hai: “cái hay trong nghệ thuật có tính lịch sử: nó gắn liền với một/những thời đại nhất định.” Tôi đồng ý với câu này, vì tôi thấy rằng mỗi tác phẩm đặc sắc đều có phản ảnh một phần lối suy nghĩ, cách diễn đạt, và không khí của thời đại mà tác giả đã/đang sống và sáng tác, bất kể là tác phẩm ấy đã được viết dưới hình thức nào hoặc về vấn đề gì. Ngoại trừ một số rất ít và rất đặc biệt, hầu hết những tác phẩm văn chương, cũng như âm nhạc, thi ca, hội hoạ, v.v… đều có ảnh hưởng đến/bị ảnh hưởng bởi những người cùng thời, vì vậy mới có những giai đoạn mà đa số nghệ sĩ đều có cùng một khuynh hướng sáng tác, như giai đoạn lãng mạn, hiện thực, v.v… Bên cạnh đó, mỗi tác phẩm cũng mang giá trị lịch sử ở chiều dài thời gian nó được nhắc đến và tồn tại. Ở phương diện này, có những tác phẩm vẫn được nghiền ngẫm sau nhiều nghìn năm như các sách thiên về tôn giáo, triết lý, v.v…, trong khi có những bài viết khác chỉ tồn tại trong vài thập niên, hoặc vài năm, rồi bị chìm vào quên lãng như các bài viết theo một phong trào nào đó.

Ở một phương diện khác nữa mà cái hay trong nghệ thuật cũng có tính lịch sử và gắn liền với một thời đại nào đó: giá trị văn học của tác tiểu thuyết lớn thường đi đôi với khả năng của tác giả đã dựng lại được một cách sống động bối cảnh xã hội và chân dung của những con người trong thời đại của câu chuyện. Vài ví dụ điển hình như Chiến tranh và hoà bình của Tolstoy hoặc Cuốn theo chiều gió của Mitchell v.v… Qua các tác phẩm này, chúng ta thấy được từ cách phục sức, thói quen, tập quán, cho đến niềm vui, nỗi buồn v.v… của những con người bên cạnh các sự kiện lịch sử trong thời đại của họ, mà các nhà sử học hoặc xã hội học vì kém tinh tế, thiếu nhạy cảm, hoặc không thuộc phạm trù làm việc của họ nên chẳng thể nào ghi lại được như các nhà văn.

Sau những điều tôi đã bàn luận ở trên, chúng ta thấy rằng, trong ý kiến của nhóm người thứ hai: “trong sáng tác, làm mới là một yêu cầu thiết yếu; văn chương không thể hay nếu không mới” và “cái hay trong nghệ thuật có tính lịch sử: nó gắn liền với một/những thời đại nhất định”, vì câu thứ nhất không đúng, cho nên mặc dù câu thứ hai là đúng, nó không giúp làm sáng tỏ thêm ý trong câu đầu. Vì vậy, câu thứ hai chỉ là một đơn vị riêng lẻ, và không thể là lý do điển hình cho những người tin rằng “làm ra cái mới trong văn chương là nhu cầu thiết yếu, văn chương không thể hay nếu không mới”. Có lẽ chúng ta nên chờ để được nghe ý kiến một cá nhân nào đó tin vào điều này sẽ đưa ra những lý lẽ có đủ sức thuyết phục để xét lại mệnh đề này. Nhưng chắc chắn ý kiến của nhóm người thứ hai đối với tôi là chưa thoả đáng.
*
Sau khi phân tích và nhận định ý kiến của ba nhóm người do Tiền Vệ gợi ý, tôi không thấy được chỗ đứng của mình, và tôi đoán cũng sẽ có rất nhiều độc giả không thuộc vào một trong những nhóm ấy, vì tôi tin rằng mỗi người đều có cảm quan và cách lựa chọn cho riêng mình. Vậy thì, như một độc giả, bạn sẽ hỏi tôi đi tìm gì và chọn điều gì trong văn chương?

Tôi xin thưa rằng, đối với tôi, văn chương là một thế giới có thật trong tư tưởng của những người sáng tác, và mỗi cuốn sách là một cánh cửa đưa tôi vào một phần của thế giới ấy. Vì vậy, tôi luôn luôn đi tìm những tác phẩm mới, để tôi được nhìn thấy những con người, nơi chốn mới; và để được sống, cho dù thật ngắn ngủi, trong một thế giới khác, rồi trở về với những tặng vật đặc biệt của riêng mỗi tác giả. Đối với tôi, văn chương, cũng như âm nhạc, hội hoạ, và tất cả mọi mặt khác của nghệ thuật là những món ăn tinh thần không thể thiếu được. Vì vậy, tôi xin được dùng một vài ẩn dụ để so sánh những điểm tương đồng trong cách tôi lựa chọn thức ăn và văn chương.

Có thể nói tôi là người kén ăn. Tôi không thích thức ăn nhanh đã được làm ra hàng loạt theo công thức để đáp ứng nhu cầu của số đông, và tôi thà nhịn đói hơn là ráng ăn những thứ dở. Tôi biết bao tử của mình có giới hạn, và vì thế, tôi phải để dành chỗ cho những thức ăn ngon (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen). Vì vậy, mặc dù tôi luôn sẵn sàng và háo hức được thưởng thức những món ăn mới; tôi đã được thử thức ăn của rất nhiều nước trên thế giới, tôi vẫn luôn đi tìm, và trở lại, nơi nào có thức ăn ngon nhất, đã được nấu nướng tinh tế và trình bày đẹp đẽ nhất.

Cái thú ăn uống đối với tôi không phải ở chỗ nhét đầy bụng để chóng thoả mãn cơn đói, mà ở chỗ được thưởng thức hương vị thơm ngon, dù lạ hay quen, và được tận hưởng cái đẹp đẽ, hấp dẫn trong cách trình bày. Một điều khá quan trọng nữa trong việc tôi lựa chọn thức ăn là phải tinh sạch. Cho dù thức ăn có ngon đến mấy, nếu tôi thấy cách chuẩn bị hoặc nấu nướng bẩn thỉu, tôi sẽ mất hết thú ăn uống và chẳng bao giờ trở lại nơi ấy nữa. (Tôi biết nhiều người sẽ cho rằng tôi khó tính, nhưng có lẽ bản tính cố hữu của mỗi người khó mà thay đổi, nhất là trong những chuyện mà chúng ta có được sự lựa chọn.)

Trở lại việc lựa chọn tác phẩm văn chương và những điểm tương tự như tôi đã nêu trên: tôi rất ít khi đọc sách báo, văn thơ, hoặc xem truyền hình, phim ảnh thuộc loại “thức ăn nhanh”; mà tôi thấy rằng, trong văn chương và nghệ thuật nói chung, tính tiêu thụ và sản xuất hàng loạt theo phong trào để chiều theo thị hiếu của số đông cũng khá giống như lối tiêu thụ và chế biến thực phẩm. Vì chất lượng của những tác phẩm như vậy thường không đủ thoả mãn nhu cầu của tôi, cho nên tôi thường phải chịu “nhịn đói” tinh thần và chờ cho đến khi nào tìm được những tác phẩm thật đặc sắc để được thưởng thức một cách trọn vẹn.

Đối với tôi, mặc dù trọng tâm của một bài viết hoặc món ăn chính là vẫn ở nội dung, nhưng hình thức viết, hoặc cách bày biện các món ăn cũng góp một phần lớn vào thành công của tác phẩm: cách trình bày tinh tế, mỹ thuật sẽ làm tôn thêm vị ngon lành của thức ăn, cũng như cách viết chuẩn xác, hình tượng đẹp đẽ trong lối diễn đạt sẽ làm tôn thêm sức thu hút của một tác phẩm. Cách trình bày lôi thôi, luộm thuộm sẽ làm mất đi sức thu hút của một món ăn ngon hoặc một câu chuyện hay; và tôi biết đôi khi một món ăn, hoặc một tác phẩm không được người khác để ý đến (nếu chưa được giới thiệu, hoặc “nếm” qua) chỉ vì bề ngoài thiếu hấp dẫn.

Một điều quan trọng nữa có ảnh hưởng đến việc tôi lựa chọn các món ăn, hoặc văn, thơ là cách chế biến cần phải sạch sẽ: vì những lỗi chính tả, ngữ pháp sai, câu văn tối nghĩa, dùng từ nhầm lẫn, v.v… là những thứ uế tạp sẽ làm hỏng một bài viết; giống như vật liệu bẩn, gia vị ôi sẽ làm hỏng một món ăn. Hương vị mới, cách bày biện lạ mắt sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn và gây bất ngờ thú vị cho người thưởng thức. Nhưng một tác phẩm văn chương hay, hoặc một món ăn ngon vẫn có thể là một tác phẩm đặc sắc mà không nhất thiết phải có hương vị mới. Điểm chính và quan trọng nhất là, nó phải hoàn thiện về tất cả mọi mặt, và cái mới lạ sẽ là một phần tiêu biểu xuất phát từ nét đặc trưng trong phong cách riêng của tác giả. Điều này được thể hiện qua tài của người nấu nướng, cách nêm nếm gia vị, và bày biện, để làm cho món ăn ngon đặc sắc; hoặc trong văn chương, cách diễn đạt, cùng với các ý tưởng đặc biệt của riêng tác giả sẽ làm cho tác phẩm hay, và gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc.

Nhưng trước khi kết thúc phần cảm tưởng của tôi như một độc giả, có lẽ tôi cần phải nhắc đến một phương diện quan trọng nữa của văn chương, cũng như thức ăn, đó là phần chuyên chở hoặc chứa đựng. Nếu ta xem ý tưởng như thức ăn, và hình thức viết như các loại hộp chứa, tôi nghĩ đến việc so sánh các trường phái viết: truyền thống, hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức, v.v… . với những cách chứa và chuyên chở thức ăn: “truyền thống” là nhét ống tre, bọc lá chuối, v.v…, “hiện đại” là hộp gỗ, lọ thuỷ tinh, v.v…, “hậu hiện đại” là hộp nhôm, túi nhựa, hộp giấy, v.v…, “tân hình thức” là những thứ được cải tiến và pha trộn của những thứ đã biết, v.v… (bạn đọc có thể thêm vào, cải tiến, hoặc bàn luận về cách tôi so sánh như vậy). Tôi cần phải nhắc đến điều này, vì tôi biết, có nhiều người vì mê hình thức nên mải chạy theo những trường phái viết; hay nói một cách ví von là họ đã hoa mắt trước những cái hộp quá đẹp mà quên mất nó có phù hợp với loại thức ăn nó cần phải chuyên chở, hoặc có chứa thứ gì bên trong hay không.

Có những tác phẩm tôi đọc được, hình thức thì đơn giản làm sao, nhưng ngay cả lúc chưa đọc hết, tôi đã thấy choáng váng. Và tôi đã phải đọc lại, đọc thật kỹ, thật chậm, vì tôi vừa sợ… hết truyện (có ai yêu sách mà không sợ như tôi không?), và cũng để nghiền ngẫm để không bỏ sót những điều chứa đựng trong tác phẩm ấy. Và không cần phải nói, chắc bạn đọc cũng biết tôi ngưỡng mộ tác giả ấy chừng nào, vì người ấy đã có những ý tưởng thật tuyệt vời và “nặng ký” như vậy.

Nhưng cũng không ít lần tôi được mời thưởng thức những tác phẩm được xem là kiểu mẫu của một loại hình thức viết nào đó, và có lẽ người mời còn chờ tôi khen những tác phẩm này. Vì nể lòng người mời, mà cũng vì tôi thích tìm tòi, thử nghiệm những cái mới, nên tôi đã hớn hở mở ra xem chỉ để thất vọng là “cái hộp” đẹp quá mà bên trong chẳng có thức gì cho tôi “ăn” được; hay nói một cách nghiêm chỉnh là bài viết thật hoàn hảo trong lối trình bày theo một trường phái nào đó, mà bên trong không có một ý tưởng nào để tôi mang theo khi đã đọc xong câu chuyện. Thay vì khen bài viết và cảm ơn người mời, tôi đành phải im lặng, mà nếu phát biểu thật lòng, có lẽ tôi sẽ nói đôi lời tương tự như “Trời ơi, cho dù tôi có háu ăn đến mấy, và phải chịu nhịn đói vì đã không tìm được ‘món’ gì đi nữa, tôi cũng không ăn cái hộp được, bạn đồng ý chứ?” Nhưng tiếc thay, có lẽ người mời tôi đã mờ mắt trước cái hộp thật hoàn mỹ nên đã quên cả đói, chứ không háu ăn và lúc nào cũng phải đi tìm thức ngon như tôi.

Vậy thì, như bạn đã biết, nếu có ai hỏi tôi: thích ăn thức ăn lạ hay ngon, chắc chắn tôi sẽ trả lời ngay là chọn thức ăn ngon. Thức ăn ngon đối với tôi không hẳn là phải cầu kỳ, có khi chỉ được uống nước lọc và ăn cơm với rau nấu cẩn thận, tinh khiết đã là một bữa ăn ngon mà tôi có thể ăn hoài không chán. Nhưng thức ăn lạ, mùi vị mới mà dở thì tôi sẽ không tự ép mình phải ăn, mặc dù điều này có thể sẽ lấy được lòng nhiều người xung quanh vì họ tưởng rằng tôi dễ tính; hoặc chán hơn nữa là họ cho rằng như thế mới là người cầu tiến, biết cởi mở để đón nhận cái mới. Nhưng họ không biết cái mới lạ chẳng thể nào che lấp được cái dở, mà ráng nuốt thức ăn dở sẽ làm tôi khổ sở hơn là bị chê, mà được ăn ngon.

Với tất cả những lý lẽ mà tôi đã trình bày ở trên, chắc bạn cũng đoán được câu trả lời của tôi trong việc lựa chọn giữa cái hay và cái mới trong văn chương là thế nào. Với tư cách một độc giả, văn chương hay đối với tôi là quan trọng nhất, đó là điều khẳng định. Từ trước đến nay tôi chỉ lựa chọn và say mê đọc những tác phẩm mà tôi thật sự thấy hay, bất kể là thuộc trường phái hoặc thể loại nào. Mà đa số những tác phẩm xuất sắc và danh tiếng thế giới đều phải là những tác phẩm hay, tiêu biểu là những tác phẩm đoạt giải Nobel, Booker hoặc Pulitzer. Mỗi tác phẩm như thế đều có những điều mới lạ, nhưng điều này không nhất thiết phải có thì tác phẩm mới đạt đến tầm cỡ của nó.

Tôi xin được đưa ra một vài ví dụ từ những tác phẩm tôi rất say mê để chứng minh điều này: như Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse, và gần đây nhất là hai cuốn sách (bản Anh ngữ) tôi mới đọc được của Paulo Coelho là The Alchemist (Người hoá kim)[1] và Manual of the warrior of light (Cẩm nang của người chiến binh ánh sáng).[2] Những ý tưởng và cách diễn đạt trong các cuốn sách này không có nhiều điều mới. Về mặt ý tưởng, chúng ta có thể nhận ra nhiều điều trong Câu chuyện dòng sông từ các sách Phật giáo; và truyện của Paulo Coelho phảng phất những điều răn dạy của Khổng giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, v.v…, và những truyện cổ tích, huyền thoại tôi đã đọc được từ bé.

Về mặt hình thức, cả hai nhà văn này đều viết rất trong sáng, ngôn ngữ họ dùng giản dị đến mức bất kỳ người nào chỉ cần biết đọc chữ đều có thể đọc và hiểu được, dĩ nhiên là mức độ cảm nhận và đào sâu thì còn tuỳ vào khả năng tư duy của người đọc. Với những ý tưởng gần như đã được trình bày ở những tác phẩm khác, và lối viết giản dị như vậy, nếu lý luận rằng cái mới, chứ không phải cái hay, là tiêu chuẩn để xét giá trị của một tác phẩm, vậy ra những tác phẩm này không hay, hoặc kém giá trị sao?

Như tôi đã trình bày ở trên: cái mới và cái hay của những tác phẩm này nằm ở cách cảm nhận và diễn đạt riêng biệt, độc đáo của mỗi tác giả. Cho nên mặc dù có những ý tưởng trong các tác phẩm nêu trên (và rất nhiều tác phẩm hay khác) đã được biết đến từ những nguồn khác, nhưng lối suy nghĩ, phong thái và tài năng riêng của mỗi tác giả chính là điều quyết định mức độ hay của tác phẩm, mà điều này sẽ được phản ảnh qua tác động của nó đến người đọc. Bằng chứng là Câu chuyện dòng sông là một trong những truyện của Hermann Hesse đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và bán nhiều nhất trong những tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel văn chương này; và những truyện của Paulo Coelho đã được dịch ra trên năm mươi thứ tiếng và bán gần một trăm triệu bản trên khắp thế giới. Điều này cũng chứng tỏ rằng số độc giả yêu văn hay rất nhiều, có lẽ còn nhiều hơn là độc giả thích văn mới. Nhưng bạn đọc không cần phải tin lời tôi: chúng ta cần phải đi tìm thống kê hoặc phải tự đi thu thập tài liệu để chứng minh trước khi đưa ra kết luận này.

Gần gũi hơn, trong những nhà văn của Việt Nam, văn của Võ Phiến là một điển hình của văn hay mà không cần phải mới. Và cho đến bây giờ, bao nhiêu thập niên đã qua, nhiều thử nghiệm mới đã tàn lụi, các tác phẩm văn chương của Võ Phiến vẫn đứng vững ở vị trí hàng đầu của văn chương Việt Nam, bất kể là chúng đã được viết dưới hình thức hoặc thể loại nào. Để phân tích và bình luận văn của Võ Phiến một cách đầy đủ, tôi cần phải viết một bài riêng vào một dịp khác. Nhưng xét một cách bao quát: mặc dù không có nhiều cái mới, nhưng văn của Võ Phiến hay tuyệt diệu là do sự kết hợp cân đối, hài hoà từ cách nhìn tinh tế, đến cách chọn lọc từ ngữ, hình ảnh hết sức thú vị; và mọi ý tưởng đều được ông diễn đạt trên nền tảng ngôn ngữ giản dị nhưng chuẩn xác một cách tuyệt vời.
2.
Sau những điều tôi đã trình bày như một độc giả, bạn sẽ hỏi: vậy với vai trò một người sáng tác, tôi nghĩ thế nào về cái mới và cái hay trong văn chương?

Một điều tôi cần nói rõ ở đây là tôi viết văn cho tôi đọc trước. Vì vậy, với tư cách một người sáng tác, tôi đòi hỏi ở mình những tác phẩm, mà như một độc giả, tôi sẽ đi tìm và đọc một cách say mê. Và như bạn đã biết: mặc dù tôi thích đọc truyện mới, tôi chỉ say mê truyện hay, và vì vậy, trọng tâm sáng tác của tôi vẫn phải là những bài viết hay. Nhưng để đánh giá tác phẩm của mình một cách công bình và sáng suốt, tôi thường phải thay đổi vai trò: trong lúc viết, tôi là người sáng tác, nhưng khi đọc lại bài viết, tôi là độc giả khó tính và khắt khe của chính mình. Vì vậy tôi chỉ viết hoàn tất những tác phẩm mà tôi cho là hay, và đã từng, cũng như sẽ sẵn sàng vứt bỏ những bài viết tôi thấy không hay, cho dù tôi đã viết gần xong đi nữa. Lý do là vì tôi biết tôi không cần phải nuối tiếc hoặc phí thì giờ vào những bài viết tôi sẽ không thấy hứng thú để đọc lại. Tôi biết có rất nhiều người thích viết văn, và số lượng những bài viết không hay nhiều vô vàn, cho nên tôi không cần phải đóng góp thêm vào số bài viết chẳng mang lại ích lợi gì cho ai, nhất là cho chính bản thân mình như là một độc giả.

Tôi luôn tin rằng, nếu chính tác giả mà không thấy truyện hoặc thơ của mình hay, thì không nên nuôi hy vọng hão huyền là độc giả của mình sẽ thấy hay được. Hoặc nếu chính tác giả không thấy xúc động, không cùng khóc, cùng cười với tác phẩm của mình thì không mong gì bài viết ấy sẽ có những tác động như vậy đối với người đọc. Ngoại trừ trường hợp những người cho rằng lối viết mập mờ, hoặc cách dùng từ ngữ kỳ dị, quái đản của họ có thể làm hoa mắt người đọc, và gây “ấn tượng” về những ý tưởng kỳ bí, cao siêu: tôi thấy đó là một điều vô ích, vì nếu độc giả không hiểu được bài viết thì họ sẽ không thấy hay được. Hơn nữa, nếu chính tác giả không thể giải thích được rõ ràng ý tưởng và mục đích của bài viết, mà để cho độc giả hoặc các nhà phê bình suy đoán, diễn dịch, và luôn trả lời một cách lấp lửng, mơ hồ các câu hỏi về tác phẩm của mình: họ vừa không trung thực với độc giả, mà vừa tự lừa gạt chính họ vì cho rằng những bài viết như thế sẽ được khen là hay. Nhưng đa số những bài viết như vậy sẽ không có điều gì đọng lại một cách rõ rệt trong lòng người đọc, và vì vậy sẽ không được mang ra xem lại, hoặc nhớ đến, sau khi đọc xong. Tôi không bao giờ lưu tâm đến những tác phẩm như vậy với tư cách một độc giả, và vì thế, như một người sáng tác, tôi cũng không bao giờ viết như vậy.

Về cái mới trong các tác phẩm tôi viết: vì tôi sáng tác hoàn toàn từ những điều tôi suy nghĩ và tưởng tượng, cho nên mặc dù tôi không chủ định đi tìm cái mới, nhiều điều tôi tưởng tượng thường được xem là lạ lùng, và vì vậy hoàn toàn mới với độc giả.

Để trình bày cách tôi viết văn, tôi xin phép được dùng thứ ngôn ngữ tôi vốn quen dùng trong lúc sáng tác: tôi không thích đi dưới đất để góp nhặt những báu vật của người khác để lại, mà cho mình được mang cánh để bay đến những vùng trời mới, và đi tìm những kho báu chưa từng được khám phá. Những điều kỳ diệu tôi thấy được trên đường bay là cũng một phần của cái kho báu toàn những điều mới lạ tôi sẽ mang về, mà người đi dưới mặt đất sẽ chẳng bao giờ ngờ tới, hoặc tìm thấy được. Nhưng để hoàn thành mỗi chuyến bay như thế, tôi cần phải nhớ và tuân thủ hai điều: không đổi hướng nửa chừng, và không để những thứ trên mặt đất cám dỗ mình hạ cánh; hay nói bằng ngôn ngữ của những người ở mặt đất là: trung thành với câu chuyện, và trung thành với chính mình. Khi tôi trung thành với câu chuyện, tôi sẽ không cố uốn nắn, xoay trở nó mà để nó tự diễn tiến một cách tự nhiên theo trí tưởng tượng; và khi tôi trung thành với chính mình, tôi sẽ không bị điều kiện bên ngoài, hoặc những người xung quanh làm ảnh hưởng đến chuyện sáng tác của mình.

Một điều tôi thấy được như một độc giả cũng như một người sáng tác: cái mới trong văn chương là điều hiển nhiên mỗi tác phẩm phải có, nếu người sáng tác hoàn toàn viết bằng trí tưởng tượng của mình, vì không bao giờ có ai tưởng tượng giống ai, cho dù là hai người sinh đôi. Và tôi tin chắc rằng, mặc dù mọi người đều được học, đọc và nghe cùng một thứ ngôn ngữ: nhưng số từ vựng, cách sắp xếp câu từ, lựa chọn hình ảnh, phong thái diễn đạt của mỗi người mỗi khác.

Ai không tin tôi thì hãy thử làm thí nghiệm này: cho một nhóm người cùng ngồi xem một cuốn phim và yêu cầu mỗi người tự viết lại về cuốn phim ấy. Chắc chắn mỗi bài viết sẽ mỗi khác: từ độ dài ngắn, đến góc độ nhìn, cảm tưởng, quan điểm v.v… ; và có khi chỉ vì cách miêu tả và cảm nhận khác nhau, mà những nhân vật trong phim lại hiện ra khác nhau qua mỗi bài viết. Bài viết hay nhất sẽ là bài gây nhiều ấn tượng nhất, ghi lại được nhiều hình ảnh đáng nhớ nhất, khiến cho người đọc không cần xem phim mà vẫn thấy được toàn bộ câu chuyện, với đầy đủ chi tiết về khung cảnh, sự kiện và con người trong phim. Và hơn cả việc ghi lại cuốn phim, bài viết hay nhất là một bài văn mang phong cách, suy nghĩ, cảm tưởng riêng của tác giả, không chỉ để phản ánh giá trị của cuốn phim, mà còn mang giá trị riêng của một bài văn. Đây chính là mục tiêu của tôi, như là một người sáng tác văn chương.

Để đúc kết cảm tưởng của tôi như một người sáng tác: cái hay và mới đối với tôi thật ra chỉ là một. Khi người viết văn dùng mọi chất liệu từ chính tâm hồn và trí óc của mình, và nhớ rằng độc giả của mình là những người thật sự say mê văn chương và uyên bác về mọi mặt, thì thành quả sáng tác của họ luôn luôn đầy những cái mới, vì chưa có ai khác đã tưởng tượng giống như vậy; và luôn luôn hay, vì họ chăm chút, cẩn trọng trong lúc viết, cũng như đã dùng những mảnh tâm hồn, trí tuệ của chính mình để xây dựng câu chuyện.
*
Cuối cùng, tôi xin được chia sẻ với bạn đọc cảm tưởng của tôi về thế giới văn chương: vì tôi biết rằng tư tưởng và óc sáng tạo của con người là một điều kỳ diệu và biến hoá không ngừng, cho nên tôi luôn tin rằng những điều mình đã biết, và cho là hay, đẹp, không phải là khuôn thước cho muôn đời. Đúng hơn, chúng là những cột mốc cho những thành tựu con người đã đạt được qua mỗi thời đại. Vì vậy, với những thế hệ đương thời và sau này, tôi vẫn luôn tin tưởng sẽ có những tài năng mới để dựng lên những cột mốc mới với bản sắc và phong thái riêng, nhưng không kém phần quan trọng trong việc góp phần vào những thành tựu cho nền văn học nghệ thuật của nhân loại.

Như một người hết lòng say mê văn thơ, tôi luôn mong mỏi được tìm thấy những tác phẩm mới — những cánh cửa mới mở cho tôi bước vào một phần của thế giới của văn chương mà tôi chưa từng biết. Và như một người may mắn được mang đôi cánh của người sáng tác: tôi luôn đi tìm cho mình những vùng đất chưa ai đặt chân tới nơi thế giới vô tận này, để tôi vun trồng những hạt giống tôi đã ấp ủ trong tâm tưởng. Và tôi hy vọng với thành quả lao động của mình, tôi sẽ hái tặng những người thật sự yêu văn chương những hoa quả vừa mới lạ mà vừa thơm ngon, đúng theo tinh thần của một người vừa kén ăn ngon, mà lại thích thức ăn mới, như tôi.
*
Nếu bạn đọc nào có khẩu vị văn chương (hoặc ẩm thực) khác với tôi, xin vui lòng đóng góp ý kiến để chia sẻ với mọi người, hoặc viết cho tôi nếu có điều gì muốn trao đổi riêng với tôi. Tôi hy vọng bài viết này đóng góp đôi chút trong các cuộc thảo luận quanh bàn viết (và bàn ăn) của các bạn đọc trong và ngoài nước.

Adelaide 25-29/3/2008 & 19/4/2008
_________________________

[1]Tôi dịch “The Alchemist” từ bản Anh ngữ là “Người hoá kim” vì theo tinh thần của câu chuyện, ông là người có phép thuật (a sorcerer) có thể biến hoá bất kỳ kim loại nào thành vàng với một mảy đá thần thông (Philosopher’s stone), khác với một số dịch giả đã dịch là “luyện kim” hoặc “giả kim”, dịch như thế đều không đúng, vì ông không tôi luyện ra vàng từ quặng mỏ, mà cũng không làm vàng giả. Có một bản dịch đã gọi truyện này là “Người đi tìm hòn đá mặt trăng” nhưng ý niệm này hoàn toàn không có liên hệ gì đến câu chuyện.

[2]Tiền Vệ có đăng 3 đoản văn trong Cẩm nang của người chiến binh ánh sáng do anh Hoàng Ngọc-Tuấn chuyển ngữ từ bản tiếng Tây-ban-nha. 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003