Mar 29, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
SÁNG TẠO KẾT SINH TRONG THI CA ĐỖ BÌNH
LƯU NGUYỄN ÐẠT

Tại một thiền viện dòng tu Rinzai, Đất Phù Tang, mỗi sáng các thiền sư dùng điểm tâm bằng một bát cháo lỏng, dưới đáy thưa thớt vài hạt cơm. Gần miệng nhà tu, bát cháo lỏng trong vắt phản ánh trần nhà, dưới mái thiền môn. Do đó các nhà tu gọi là “cháo trần”. Và khi hớp hụm “cháo trần”, các nhà tu lùa vào thân thể và tâm não vừa chất dinh dưỡng, vừa ấn tượng hài hoà đối chiếu, hướng thượng.

Một tác phẩm thi văn cũng được coi là một món ăn tinh thần. Vậy so sánh với “cháo trần” thiền môn, thi phẩm MÙA XƯA VỖ CÁNH [1] của Đỗ Bình phản ánh gì? Chúng ta hãy đọc bài thơ mở đầu, “Mùa Xưa”:

Dạ khúc,

mưa khuya
sầu trút cạn.
Long lanh
giọt nước
bóng thời gian.
Mùa xưa vỗ cánh
về trăng mộng.
Phố, biển,
nhòa theo
sóng khuất ngàn! (MXVC, «Mùa Xưa », 39)

Trong bài thơ này, từ mặt đất, “Dạ khúc” vốn là sáng tạo của người nghệ sĩ lồng chiếu “mưa khuya”, để tất cả khơi lại chất sầu trong lòng người, đứng giữa trời và đất, đứng giữa quá khứ và hiện tại. Phải chăng chất “sầu trút cạn” mở đầu cho cả một chuỗi đau trùng khởi, phản ánh và xuyên chiếu khắp thi phẩm MÙA XƯA VỖ CÁNH. Niềm đau hiện sinh là chất lượng và lý do sáng tạo thi ca, là nguồn thơ khai mở mà Musset đề cập tới trong “La Muse”, [2] với phần trích đoạn như sau:

Quel que soit le souci que ta jeunesse endure,
Laisse-la s'élargir, cette sainte blessure
Que les séraphins noirs t'ont faite au fond du cœur;
Rien ne nous rend si grands qu'une grande douleur.
Mais, pour en être atteint, ne crois pas, ô poète,
Que ta voix ici-bas doive rester muette.
Les plus désespérés sont les chants les plus beaux,
Et j'en sais d'immortels qui sont de purs sanglots [..]

Theo truyền thống lãng mạn, mà Đỗ Bình phần nào chịu ảnh hưởng, mức độ sáng tạo vĩ đại trong thi ca và tư duy cao quý của thi nhân tự trọng, trung thực với chính mình và tha nhân, không thực hiện ở chỗ câm nín, chịu đựng thống khổ, mà phát xuất ở khả năng mở toạc tâm gan như con chim biển Pélican của Musset, để nói lên sự thật về nỗi thống khổ của mình, về thân phận người, nhiều thương tích :

«Cứ khom lưng mau vươn thân em ạ,
Đời lõa lồ, chữ nghĩa cũng...banh da !»
(MXVC, «Bờ Lau Lách », 114)

Cái đau của Đỗ Bình không bị gò bó, kìm hãm trong tâm cảnh nhà tu khổ hạnh,[3] không chảy máu khô khan nơi thân thể siêu thực, cao ngạo theo triết phái khắc kỷ (stoïcisme).[4] Cái đau trong thi phẩm MÙA XƯA VỖ CÁNH thu hút, lây biến từ nỗi đau này sang nỗi đau khác, như một hiện tượng chảy máu phía trong cơ thể,[5] một cách liên tục, liên khởi, dây chuyền.

Nỗi đau trong thi phẩm MÙA XƯA VỖ CÁNH phát xuất từ sự cảm nhận một hiện tượng mất mát hiện sinh. Ở địa hạt không gian, đó là những «Chấm Phá ... hay mối đục mảnh trăng rằm» (MXVC, 47), những «Mảnh Vỡ» (MXVC, 50) quê hương xứ sở, nay chỉ còn là bóng dáng hoen mờ của «thiên thai lạc giấc mơ đầu » (MXVC, 51). Hiện tượng mất thiên đường, bỏ thiên thai là viễn ảnh tách biệt khỏi môi trường sinh sống toàn bích, chân, thiện, mỹ, mà người xưa đã từng biết tới:

«Bức tranh cổ nửa đời say đắm
Có thuở vàng son lắm khách thăm ...»
(MXVC, «Chấm Phá», 47)

Đó là những hình ảnh nguyên vẹn, trong sáng, êm dịu:

«Em thuở đó như nàng tiên phố nhỏ
Tuổi mộng mơ hồn xanh ngát học trò
Dáng mỏng manh tà áo trắng đong đưa... »
(MXVC, «Màu Mắt», 57)

Đó cũng là những hình ảnh hướng thượng về một không gian tuyệt hảo của huyền sử tổ tông, của những cội nguồn xa xôi, mà con đường về ngày nay đã mất hết dấu tích dẫn lộ:

«Theo em quên nẻo đường về
Trăm năm chợt tỉnh lời thề có nhau ?
Thiên thai lạc giấc mơ đầu... »
Đập gương tìm bóng hỏi câu ân tình »
(MXVC, «Mảnh Vỡ », 51)

Thiên thai trong huyền sử dân tộc Việt liên tưởng tới một không gian tuyệt hảo, với những bữa tiệc thần tiên, đào ngọt, rượu quý, mà chỉ những hiền nhân, như Lưu Nguyễn, mới có duyên hạnh ngộ. Giống như không gian tuyệt mỹ của Gérard de Nerval, mà Richard Jean-Pierre gọi là «Géographie magique»,[6] hay địa lý thần linh, cái «thiên thai lạc giấc mơ đầu» siêu việt của Đỗ Bình cũng ẩn dụ sắc thái toàn cõi thiên cung:

«Nửa vầng trăng cũ lung linh nghê thường
Ta về trả cõi yêu đương
Còn nghe âm hưởng thiên đường ngày xưa... »
(MXVC, «Mảnh Vỡ », 51)

Đối với Đỗ Bình, «trăng» là một viễn ảnh trong sáng, huyền bích, tiêu biểu cho lý tưởng hướng thượng về một không gian cao đẹp của Quê Hương Xứ Sở trước đây. Bùi Giáng và rất nhiều văn thi sĩ khác đã dùng cụm từ «Cố Quận» để ám chỉ những địa danh, những «Hồn Quê» bị mất tên, đổi dạng, thất tung trong dòng lịch sử võ đoán, hẹp hòi của những năm tháng vừa qua.
Sự đổ vỡ của đất nước còn lan rộng mãi :

« Sợ thế nước nghiêng thành sóng vỡ
Quê hương trôi mãi tận cung hằng !»
(MXVC, « Sóng Vỡ », 52)

Hiện tượng «cung hằng » ở đây nhắc tới một không gian viễn tạo, cái đất hứa lý tưởng tuyệt vời, nhưng đầy ảo ảnh, đồng thời cũng ám chỉ một nơi hằng cửu của cõi chết, ngay giữa lòng Thái Bình Dương, nơi đã cuốn đi biết bao «thuyền nhân», những « boat people » [7] liều lĩnh vượt biển, người đắm tàu, kẻ chết nổi, vì mong muốn thoát khỏi đất tù cộng sản.

Cựu Ước và Tân Ước Ky Tô Giáo có nói tới sự xua đuổi con người khỏi thiên đường vì tội lỗi tổ tông trước cám dỗ thể xác và kiến thức táo bạo hiện sinh.[8] Sự đày đoạ của Người Việt ngày nay nơi Thiên Đường Cộng Sản cũng do lòng ham muốn tự do, ao ước tìm lại dân chủ nhân bản. Sự xua đuổi con người ra khỏi quê hương xứ sở ngày trước, cũng như tình trạng quên lối về lại thiên thai, luôn luôn được phối kiểm trong thơ Đỗ Bình bằng sự tách nối, vừa tương phản, vừa tương ứng của hiện tại và quá khứ:

«Thiên thai lạc giấc mơ đầu
Đập gương tìm bóng hỏi câu ân tình
Bẽ bàng mảnh vỡ lặng thinh.. » (MXVC, « Mảnh Vỡ », 51)

hoặc :

«Trải dòng suối bạc
ngỡ rừng xưa
Vói tay
Mới biết
làn hư ảo...» (MXVC, « Mộng Thừa », 46)

hoặc :

«Bức tranh cổ nửa đời say đắm
Có thuở vàng son lắm khách thăm
Một sáng tình cờ lau lớp bụi
Mới hay mối đục mảnh trăng rằm»
(MXVC, «Chấm Phá», 47)

Như vậy, nỗi đau hiện sinh trong lòng thơ Đỗ Bình là do sự va chạm, day dứt, đối nghịch giữa một quá khứ tốt đẹp, mỹ miều và một hiện tại bẽ bàng, đổ nát, ô nhiễm. Con người đày đoạ trong hiện tại và môi trường sinh sống suy thoái thấy mất lý tưởng cao đẹp, dần dần bị lôi cuốn, vùi dập trong ô nhiễm hiện hữu:


«Ai nỡ
xô trăng
xuống vũng lầy ?»
(MXVC, «Xót Trăng », 48)

Kể cả người thoát khỏi cảnh tù đày, ô nhục, nay sinh sống nới đất khách quê người, cũng vẫn khắc khoải cô đơn, với những cảm giác lạc lõng của kẻ tỵ nạn, vất vưởng ngoài lề mảnh đất tạm nương:

«Em theo tiếng gọi mơ hồ
Lòng say phố mới quên bờ suối xưa !
(MXVC, «Chữ Tình », 61)

Hoặc :

«Hơn gì nhau kiếp lưu đày
Chén vàng thì cũng mượn vay xứ người ?!
(MXVC, «Kỹ Nữ», 119)

Hoặc :
«Sông Seine
hờ hững niềm đau...

Phố đông
người vẫn bơ vơ
Người đông
thôi cũng ơ thờ
lặng thinh ! »
(MXVC, «Cô Đơn», 67)

Hoặc :

«Kiếp tha hương buồn tênh
người quanh ta hững hờ !»
(MXVC, «Chiều trên Sông Seine», 77)

Sự mất mát hiện sinh còn xót xa, gần gũi, khi liên hệ trực tiếp tới sự khuất biệt của người tình:

«Ôi giai nhân
Trong đáy nước nhạt nhoà
Em trôi mất
mảnh thuyền xưa
mục rã !»
(MXVC, «Bọt sóng», 87)

Hoặc :
«Em biệt mãi phố già hơn tháp cổ
Ta trầm luân theo ngàn sóng giạt xô
(MXVC, «Màu Mắt », 58)

Hoặc :
«Từ khi xa em
tâm hồn ta héo hon lạc loài ! »
(MXVC, «Phố Khuya», 84)

Và :
«Không có em...lối bỗng thênh thang !
Em đi nắng cũng quên nơi ấy
Bỏ chiếc lá thu tủi bẽ bàng ! »
(MXVC, «Thu Paris », 76)

Sự vắng vợi của người tình làm không gian trống trải, như trong bài thơ «L’isolement» của Lamartine:

Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières,
Vains objets dont pour moi le charme est envolé ?
Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères,
Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé. [9]

Tình trạng mất mát đối tượng ân tình đôi khi phản chiếu trong thơ Đõ Bình bằng những cảm giác bẽ bàng, bằng thất vọng đắng cay, nếu cố nhân bội bạc, thay lòng đổi dạ:

«Lòng em
gian dối
khôn lường
Lừa nhau
đến đoạn cuối đường
tình ơi !.. »
(MXVC, «Vỗ Cánh», 59)

hoặc phản ánh bằng sự ngờ vực, hay ngộ nhận nơi chính mình:
« hay em là hư ảnh ? (MXVC, «Chỉ Yêu Cuộc Tình», 68)

Thi nhân đã có lúc đổi thế tiêu cực, đứng xa khỏi vị trí nạn nhân của cảnh độ vỡ, bội bạc hà tì, bằng cách khéo léo «soi gương», nghĩa là tách khỏi mình để nhìn mình và tự châm biếm, như coi cái mất mát, xấu xa, hà tì nội tại là một hiện tượng bên ngoài, có thể trông thấy một cách khách quan, rõ rệt:

«Soi gương
giận
chẳng thấy mình
Đem treo xó bếp
bỗng
hình
hiện ra...
Hoảng hồn
tưởng gặp
bóng ma !
Sáng đèn
mới tỏ
chính ta
dọa mình !
(MXVC, «Soi Gương», 97)

Tự châm biếm, mỉa mai là một sắc thái của tư duy lãng mạn, ironie romantique,[10]. Khôi hài hoá cái đau, cái thấp kém, bẽ bàng của chính mình cũng là một đặc tính của người Việt khi ta biết dùng nụ cười, hoặc giả dạng nhũn nhặn, khiêm tốn để tự bảo vệ, để sáng suốt nhận định và thấy rõ cảnh rầy vò nội tâm chỉ là một «bi-hài-kịch», không hơn, không kém, đáng cười hơn là đáng sợ.

Sau thái độ hốt hoảng thổ lộ đau đớn bẽ bàng, sau cả sự nhận định sáng suốt về thực trạng khả chấp của những cảnh đổ vớ, mất mát, thái độ tích cực nhất của thi nhân là ở khả năng bừng sống lại, khi biết chắp nối sinh lực:

«Anh xin ca ngợi tình yêu
Dù cho đời vẫn có nhiều dối gian !
...
Bên nhau ngày bớt hững hờ
Rừng xuân chim hót ngẩn ngơ đắm hồn ! »
(MXVC, «Đồi Thông», 63)

Khi tin rằng tình yêu vẫn còn sức bồi dưỡng, hoàn sinh :

Gặp em
hồn bỗng cảm

mùa xuân
trên đời.»
(MXVC, «Tri Kỷ», 70)

Khả năng chắp nối sinh lực còn biểu lộ qua hiện tượng lôi cuốn nhiều cảnh huống khác nhau, tiếp cận quá khứ với hiện tại, tình cảm với hoài cảm, như một bài ca láy nhịp trùng khởi, hài hoà kết sinh sáng tạo:

«Mưa Paris giọt buồn rơi thánh thót
Cơn mây chiều giăng nỗi nhớ quê hương...

Mưa thổn thức ôm nỗi lòng phố Huế
Nhìn sông Seine mà ngỡ nước sông Hương...

Mưa Hà Nội bỗng chợp chờn lối ngõ
Phố cổ xưa màu sắc lẫn Paris...

Mưa rả rích Paris càng thơ mộng
Thương Sài Gòn mưa ngập lối nhà em...»
(MXVC, «Mưa Paris », 79-80)

Ở trạng thái nhập tâm này, nỗi đau chia tách quá khứ và hiện tại đã giảm thiểu nhiều, chỉ để lại một niềm linh cảm dây chuyền, nối tiếp những cảm xúc đồng tâm, đồng cảnh, xuyên chiếu lẫn nhau để kết tạo những thi ảnh có chiều sâu, có đáy lòng người biết thương, biết nhớ, biết thụ hưởng, biết sáng tạo. Đỗ Bình đã gây được trào lực kết sinh trong sáng tạo thi ca khi sát hợp nhiều hiện thể trùng khởi. Nỗi đau trong kiếp nhân sinh trở thành những hiện tượng khả chấp, những thực thể vô thường, vô ngã, có khả năng tiếp ứng, cải biến lẫn nhau. Trong ý thức trùng khởi kết lực sinh tồn, con người liên hiệp với nhiều sắc thái nhân bản khác nhau để bù đắp cho thân phận, để liên tục hồi sinh, về lại với chính mình, với lý tưởng hài hoà:

«Thả hồn lướt cánh say trong nắng,
Giải thoát đời qua kiếp đọa đày !»
(MXVC, «Người Tù Và Bóng Tối », 88)

và sau đó :

«Ta về trả cõi yêu đương
còn nghe âm hưởng thiên đường ngày xưa... »
(MXVC, «Mảnh Vỡ», 51)

Để kết luận, ngay lúc khai mở, tên thi phẩm MÙA XƯA VỖ CÁNH, tự tại là một thách đố siêu thoát thời gian lẫn không gian. «Mùa Xưa» thoát vượt sự sắp xếp luân vũ xuân, hạ, thu, đông. « Mùa Xưa » vỏn vẹn như dòng nước vô ngã, vô thường, với vạt thời gian đầy ngập hư không. « Mùa Xưa » không có màu sắc rõ rệt, không hoa, không lá, không mưa, không nắng. Vô hình, quá khứ lôi cuốn, xoá nhoà, thu hút, thời điểm thi ca vang vọng từ những vực sâu đáy thẳm. « Mùa Xưa » chỉ còn là một cảm giác bất biến, bất thành. Có cũng như không. Không mà vẫn có.

Bỗng dưng, Đỗ Bình, như nhà ảo thuật sinh tồn ngôn ngữ, đã vung tay chắp nối « Mùa Xưa » với trào lực « Vỗ Cánh ». Bỗng dưng, cái thời gian xoá nhoà kia, vô hình, vô dạng kia lại tồn tại trở lại, vùng vẫy ngay trong không gian và tầm mắt của hiện hữu mong manh, ngay trong ánh sáng đầu mùa sáng tạo: «Mùa xưa vỗ cánh về trăng mộng », về lại lý tưởng bất khuất, bất diệt.

Song song, cả thi phẩm MÙA XƯA VỖ CÁNH đã được hoán chuyển từ tâm cảnh của thi nhân tới bờ hạnh ngộ nơi độc giả. Trong cuộc hành trình kết sinh sáng tạo tiếp nối, đa diện.

Lưu Nguyễn Đạt, Ph.D
Fairfax, Virginia, 19 April, 2008

GHI CHÚ

[1] Đỗ Bình, MÙA XƯA VỖ CÁNH. California, Nhà Xuất Bản Cội Nguồn, 2007. Những trích dẫn từ thi tập sẽ ghi MXVC với số trang liên hệ.
[2] Musset, “La Muse”, La nuit de Mai, Poésies Nouvelles (1836-52)
[3] Tu khổ hạnh, chịu đựng kham khổ, ascétisme.
[4] Triết phái khắc kỷ (stoïcisme) phát xuất từ triết gia Zénon: «supporte et abstiens-toi».
[5]... một thứ ‘hémorragie interne’.
[6] Richard Jean-Pierre, Poésie et Profondeur. Géographie magique de Nerval. Profondeur de Baudelaire. Fadeur de Verlaine. Rimbaud, ou la poésie du devenir. Paris, Editions du Seuil, 1955. Collection «Pierres Vives ».
[7] «Boat People» là danh xưng dành riêng cho những «thuyền nhân» tỵ nạn, những người Việt đã liều lĩnh vượt biển, vượt sóng gió, đương đầu với hải tặc, với mọi nguy nan bất trắc, cốt để thoát cảnh thống khổ tinh thần, thể xác, kinh tế, chính trị, với hy vọng cặp bến tạm trú, hoặc tới nơi «Đất Hứa». Đã có cả ngàn, ngàn người thuyền nhân bỏ mạng nơi biển cả, hoặc mất xác trên hoang đảo thuộc Thái Bình Dương.
[8] Sự cám dỗ về thể xác và kiến thức táo bạo hiện sinh được đề cập qua biểu tượng «Cây Kiến Thức », l’arbre de la connaissance (du bien et du mal) trong Cựu Ước (Ancien Testament), Tân Ước và Truyền Thống Ki Tô Giáo (Nouveau Testament/Christianisme), lẫn Hồi Giáo (Islam).
[9] Lamartine, Méditations Poétiques, «L’isolement», 1820.
[10] Tự châm biếm, mỉa mai là một sắc thái của tư duy lãng mạn, ironie romantique, do Friedrich Schlegel và Byron khởi xướng và ứng dụng lần đầu tiên trong thế kỷ XIX tại Âu-Châu.



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003