May 18, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
Đọc Tập NÁO NỨC HỘI TRĂNG RẰM, Bút Khảo của HỒ TRƯỜNG AN - Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to


Tập bút khảo NÁO NỨC HỘI TRĂNG RẰM của bút giả Hồ Trường An đề cập tới bảy cây viết. Đó là Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Bình Nguyên Lộc, Vi Khuê, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Bích San và Nguyễn Thị Ngọc Dung. Nội dung các tác phẩm của bảy cây viết này đã được bút giả phân tích kỹ càng, chỉ xin ghi lại ở đây một số ý kiến của bút giả với văn chương của bảy người này mà thôi.

Người thứ nhất là MỘNG TUYẾT THẤT TIỂU MUỘI với quyển tùy bút “DƯỚI MÁI TRĂNG NON”. Lần đầu xuất bản năm 1969 tác phẩm này chỉ đăng những bài văn xuôi. Khi tái bản năm 1996 sách đã thêm thơ và thêm nhiều bài tùy bút khác.
Bút giả Hồ Trường An cho rằng thơ văn của tác giả: “điệu đà, thêu hoa dệt gấm rất diêm dúa và sặc sỡ” và xếp vào loại “đường lối văn chương theo phái Duy Mỹ”.
Riêng về những bài tùy bút thời “Óc quan sát của bà thật tinh nhuệ, thật bén nhạy và thật mãnh liệt. Những sự vật tầm thường dưới ngòi bút của bà trở nên linh động dị thường”. Và “cách diễn tả uốn lượn uyển chuyển”. Hơn nữa bà: “dùng ngôn từ thi ca để viết tùy bút. Cho nên mỗi bài tùy bút của bà là một bài thơ bằng văn xuôi đúng hơn”.
Bút giả đưa ra nhận xét là: “Văn phong như thế này dù có ưỡn ẹo thật đấy, nhưng chẳng những nó không dơ dáng dại hình mà còn có nét đẹp riêng, song song với cái đẹp cổ kính của lụa vẽ nhung thêu xen lẫn cái đẹp của trời nước, của trăng sao, của hoa đồng cỏ nội trong các bài tùy bút khác”.
Bút giả còn đưa thêm ý kiến là văn chương của tác giả Mộng Tuyết: “uyển chuyển, bay bướm, tuy hơi lập dị đôi chút, nhưng thuần túy hiền lành, chứ không giả vờ ngoan ngùy, chứ không giả bộ đôn hậu” và bà “viết văn bằng một tấm lòng trước nhất, sau đó mới trang điểm thêm hoa hòe hoa sói”.
Về thơ thời tác giả đã: “xử dụng ngôn ngữ dù đơn giản nhưng rất thơ, rất đượm đà tính chất sáng tạo. Tuy nhiên, bà dùng một vài hình ảnh, một vài điển tích và cái khí hậu thơ Đường Tống trong văn chương Trung Hoa. Cho nên đôi khi nó đứng ngỡ ngàng bên lề cảm nhận của độc giả và xa cách niềm xúc động của họ một khoảng khá xa”.
Bút giả kết luận : “Bà Mộng Tuyết xuất thân từ lò Nam Phong Tạp Chí nên bút pháp bà vẫn vướng vít vài nét cổ kính, câu văn bà đôi lúc không tránh khỏi thói biền ngẫu réo rắt nhàm tai. Cho nên văn thơ của bà có thể đã không còn ai hưởng ứng, chiêm ngưỡng nữa. Không một nhà văn nữ nào chịu nối gót theo bà”.

Người thứ nhì là BÌNH NGUYÊN LỘC. Nhà văn này được đề cập tới trong một bài viết của Hồ Trường An mang tựa đề “BÌNH NGUYÊN LỘC, TỔNG QUAN VĂN CHƯƠNG”.
Bút giả nhận định về văn chương của tác giả Bình Nguyên Lộc như sau: “hào hứng tuyệt vời, vạm vỡ sức sống của tiền nhân trong cuộc khai hoang lập ấp và bừng bừng khí phách và anh linh của dân tộc thời xa xưa”. Bút giả cho rằng tác giả đã: “nắm vững nghệ thuật viết văn” và “viết lưu loát, ngon ơ, tuồn tuột, trơn như mỡ, láng như dầu, nhưng vẫn giữ phong thái của một nhà văn thuần túy.”
Văn phong của tác giả thời: “dí dỏm, tương đối khá Nam Kỳ (thứ ngôn ngữ Nam Kỳ ở đô thị).” Tình ý thời “trong sáng, ít có dấu vết khách sáo qua nét thêu thùa chạm khắc”nên luôn luôn “xuề xòa, bộc trực”và “được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ tượng thanh lẫn tượng hình”. Tác giả đã viết văn: “bằng cái trong sáng của thiên lương” và “không làm dáng trong bút pháp và văn phong nhiều”.
Về phần truyện ngắn, bút giả đưa ra nhận định rằng đây là những tác phẩm: “chắt lọc cái tinh hoa quý giá của thần trí sáng tạo”, “văn chương trong đó nồng nàn tình yêu quê cha đất mẹ. Đôi khi cái nồng nàn đó lên tới mức độ sôi nổi” nên tác giả đã “không làm chủ được ngòi bút của mình” và do đó văn chương ấy trở nên”bộc tuệch, trống trải, cường điệu, bộc lộ cá tính Nam Kỳ”. Và tác giả đã “để mặc cho tâm sự mình phơi bày hở hang, trần truồng, không ngụy trang, không úp mở”.
Về phần truyện dài thời hết 99 phần trăm đều đăng theo thể thức từng kỳ trên báo trước khi in thành sách nên: “không tránh khỏi theo thói viết đối thoại cù nhày cù nhằng”. Tức là: “kéo dài lời ông qua và lời bà lại một cách thừa thãi và vô bổ”. Khi đươc in thành sách thời tuy đã: “cắt xén bớt những câu đối thoại vô thưởng vô phạt lẫn những câu nhì nhằng” nhưng quyển sách: “vẫn không sạch sẽ gọn gàng, vẫn như mảnh đất hãy còn những bụi hoang đầy cành lá rườm rà, những cỏ dại bụi gai”.
Bút giả đưa thêm nhận định là Bình Nguyên Lộc đã viết truyện dài: “với tất cả ý thức của một nhà văn chân chính song song với việc nuông chiều thị hiếu của quần chúng”. Và đó là: “điều khó khăn nhất cho người cầm bút”.
Nói chung thời: “Trong bán thập niên cuối của thập niên 50 và trong suốt thập niên 60 Bình Nguyên Lộc là một nhà văn ‘populaire’ (phổ thông) nhất”. Các truyện của tác giả “không kén độc giả bao giờ”. Tác giả đã: “thành công về truyện ngắn hơn là truyện dài”. Chính ở truyện ngắn mà tác giả “có thể biểu dương văn tài” của mình.

Người thứ ba là VI KHUÊ với tập truyện “NHỮNG NGÀY Ở VIRGINIA”. Truyện xuất hiện vào năm đầu của thập niên 90 và gồm 15 truyện ngắn.
Đây là quyển truyện thứ hai nên bút giả Hồ Trường An đưa ra nhận xét như sau: “Quyển đầu vừa lùi xa như bóng trăng rằm treo trên đỉnh ngọ vòm trời, thì quyển sau là một luồng ánh nắng gay gắt soi rọi thảm cảnh bên quê nhà và những cảnh huống cười ra nước mắt trong các cộng đồng kiều bào đang định cư bên Hợp Chúng Quốc.”
Bút giả cho rằng tác giả Vi Khuê đã: “rất mẫn cảm với thời sự và thời cuộc trong đất Nước Việt Nam và ở những nước sa vào vòng tranh chấp giữa hai khối Quốc Gia và Cộng Sản.” Và đầu óc của tác giả: “như luôn có sẵn một cái máy mầu nhiệm. Hễ gặp một máy động nhỏ nhặt nào ở Nước Việt Nam đang còn bị bủa vây bởi bức màn tre hay ở đất nước nào có hai khối Quốc Cộng xung đột” là lập tức nó vẽ cho tác giả: “một hoạt cảnh, một vận sự” để từ đó tác giả: “hình thành một truyện ngắn.”
Bút giả xếp loại tác giả Vi Khuê: “là nhà văn hiện thực”. Đôi lúc tác giả: “điêu khắc và thêu thùa thêm vài nhân sinh quan, vài tư tưởng tâm linh, vài tra vấn siêu hình để biến cái bản chất hiện thực thành tân hiện thực.”
Rồi khẳng định thêm rằng chỉ có loại văn chương hiện thực mới giúp cho tác giả: “tham dự và chia sẻ vết thương của tổ quốc, cái bất hạnh ngổn ngang suốt chiều dài của lịch sử qua hai cuộc chiến thảm khốc (chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh cùng cuộc nội chiến giữa hai phe Quốc Cộng).”
Bút giả cho rằng con đường văn chương của tác giả Vi Khuê đã định hướng sẵn rồi. Tác giả: “không viết tiểu thuyết dã sử” mà chỉ: “chuyên viết về xã hội” và “lấy cái đau chung của dân tộc làm cái đau riêng của chính mình.” Rồi nhấn mạnh rằng: “Vi Khuê làm văn chương bằng tấm lòng nhân đạo và bằng sự hồn nhiên.”

Người thứ tư là TRƯƠNG ANH THỤY với tác phẩm “CHUYỂN MÙA”, dầy gần 800 trang, ra đời vào giữa thu 2004. Chia làm 3 tập: “Trạm Nghỉ Chân, Ma Lộ và Chuyển Mùa.”

Bút giả Hồ Trường An cho rằng tác giả là “một cây bút can đảm”. Can đảm: “ở chỗ dám tung ra cái thông điệp lạ lẫm về chính kiến, cái nhìn đặc thù về xung đột giữa hai phe Quốc Cộng cho kiều bào ở khắp bốn phương trời hải ngoại suy ngẫm.” Theo bút giả thời: “Chính trị, chủ nghĩa là một vấn đề phức tạp.” Và tác phẩm đã: “đặt ra nhiều vấn đề lớn lao cho độc giả mà mọi sự phô diễn, giải bày, tư duy nếu không sâu sắc và tinh tế thì trong lằn tơ kẽ tóc sẽ gây nhiều ngộ nhận cho những độc giả cuồng tín, quá khích và nông nổi”. Theo bút giả tác phẩm này: “thuộc loại tiểu thuyết luận đề về chính kiến”.

Bút giả cho rằng tập “Ma Lộ” dài nhất vì: “có nhiều sự việc để tác giả khai thác. Từng biến cố trong và ngoài nước cuống quít xảy ra. Từng vận chuyển thời cuộc nườm nượp kéo tới”. Qua tập này ngòi bút của tác giả tỏ ra: “có vẻ thành thạo đối với báo giới và các ngành truyền thông khác, một đặc điểm xương sống trong sinh hoạt của các cộng đồng người Việt ở rải rác khắp bốn phương trời hải ngoại”.
Nhiều chi tiết trong các truyện ngắn được “miêu tả chi ly tỉ mẫn” nên văn chương “rạng ngời nét tạo hình linh động và sống thực”. Tác giả có “nghệ thuật dựng truyện tinh vi”, đã tạo ra nhân vật trong tác phẩm để: “có dịp gửi một thông điệp xây dựng ưu ái cho các độc giả trẻ tuổi. Đó là cái thông điệp chứa đựng biết bao ký thác và niềm tin cậy của tác giả cho các bạn trẻ tuổi về tương lai đất nước của chúng ta”.

Theo bút giả thời tác giả Trương Anh Thụy: “không phải là nhà viết tiểu thuyết diễm tình” mà là: “một cây bút xông xáo vào địa hạt tâm linh để phóng chiếu cái tầm mức cao vòi vọi của nó vào mọi lãnh vực khoa học nhân văn và vào mọi góc cạnh của xã hội phồn tạp trên quê hương tổ quốc của chúng ta.”

Bút giả quan niệm rằng: “Trong lãnh vực văn chương, thâm thúy nhất là ở chỗ tả cảnh ngụ tình.” Và kế đó đưa ra nhận xét là tác giả: “vốn là người ưu tư trước vận nước đang hồi ngửa nghiêng, trước dân tâm ly tán” nên “muốn có sự hòa hợp giữa dân mình với dân mình” và gán cái ước vọng đó cho nhân vật trong truyện, không sợ bản thân mình “phải đi dưới hai lằn đạn”, không sợ bị “người bên này phao vu là đi hàng hai để tuyên truyền cho Cộng Sản”. Từ đó bút giả ca ngợi: “phép ẩn dụ trong nghệ thuật văn chương của Trương Anh Thụy thật kỳ diệu.”

Để đưa ra một kết luận bút giả cho rằng Trương Anh Thụy: “tỏ ra nhạy cảm với từng cái máy động của thời cuộc, từng chặng biến chuyển của hai khối Quốc gia và Cộng sản quốc tế cũng như quốc nội”. Chuyển Mùa có vẻ được viết “bằng khối óc hơn là bằng con tim.” Nhưng đọc kỹ, chúng ta nhận ra ngay người viết dùng khối óc: “để vun quén mảnh đất tình người, khơi mở mạch suối yêu thương, thắp sáng tinh thần xả kỷ ” cho nên chính con tim cũng đã góp phần tạo nên dòng văn chương của tác giả: “Chị vẫn là cây bút đặt tình thương yêu trên mọi điều trong cuộc bút trình của chị như tự xưa giờ.” Bút giả đánh giá Chuyển Mùa là: “một tác phẩm lớn.” Và cho rằng nhà văn khi sáng tác một tác phẩm thường ôm một hoài bão hay một giấc mơ nào đó. Riêng giấc mơ của tác giả là: “phó thác cho các thế hệ trẻ đứng lên để hoàn thành trách nhiệm của kẻ đi trước đang bỏ dở dang.”

Người thứ năm là NGUYỄN THỊ THỤY VŨ với tập truyện dài “KHUNG RÊU”. Tác phẩm đã đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc vào năm 1971.

Bút giả Hồ Trường An đưa nhận định là tác phẩm này: “chỉ ở lưng chừng giữa hai lằn mức hiện thực và tân hiện thực mà thôi” và vì “không có tác giả hiện diện trong tác phẩm. Cho nên chúng ta không thể gọi đây là một quyển tiểu thuyết tự truyện”.

Còn về tác giả Nguyễn Thị Thụy Vũ thời: “là một nhà văn tả chân” và “lối mô tả cùng nghệ thuật diễn tả tình ý các nhân vật” dưới ngòi bút của tác giả “đượm đà một chút hương vị thãi thừa của văn phong bút pháp các nhà văn tiền chiến, nhất là các nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn”. Trong một đoạn khác bút giả nói thêm: “Bằng một bút pháp bình dị và trong sáng, bằng sự diễn tả lạnh lùng và khách quan” tác giả “vẫn đưa chúng ta vào nỗi buồn sâu hun hút, kéo dài cơn bàng hoàng ngây ngất...”

Bút giả cho rằng: “dù viết chuyện cưỡng dâm hay vụ thông dâm, tác giả không cố tình khiêu dâm, mà nhằm tạo cái đầu mối, cái then chốt của tấn thảm kịch mà tác nhân lẫn nạn nhân đều phải kê vai gánh vác cái hậu quả bi đát và cái hệ lụy oan trái sau này”. Bút giả nhấn mạnh: “táo tợn thì có mà khiêu dâm thời không bao giờ. Càng viết táo bạo, tác giả càng khai thác cái bản năng thú tính của con người, càng chất chồng hệ lụy vào tấn thảm kịch gồm các nhân vật then chốt trong truyện. Cho nên dù áp dụng văn phong trong văn chương tiền chiến, nhưng tác giả đưa đẩy hành trình cây bút của mình vào những cuộc phanh phui tàn nhẫn hơn”.
Bút giả kết luận: “Đây là một cây bút phụ nữ viết văn với một ý thức sáng trưng: mở rộng một chân trời bao la cho văn chương phụ nữ, tránh cái riêng tư lẻ tẻ nhỏ nhoi để lao vào cái lớn lao nằm trong phạm vi thời đại, xã hội, lịch sử và đất nước”.

Người thứ sáu là TRẦN BÍCH SAN với tập “VĂN KHẢO” trình làng vào năm 2000.

Nhận định đầu tiên của bút giả Hồ Trường An là: “mười ba chương biên khảo văn học chỉ được thu nhỏ vào trong 160 trang sách” nên đây là “một tác phẩm cô đọng”. Tác giả đã “chắt mót gạn lọc cái tinh hoa trong đống sách tham khảo cao nghệu” để sau đó đưa vào tác phẩm của mình hầu “truyền đạt đến người đọc một cách thống khoái”. Cộng thêm với sự diễn tả “rất gọn gàng và trong sáng, sự sắp xếp mọi tình tiết rất minh bạch và ngăn nắp nên người đọc cảm thấy thoải mái...”

Bút giả nhận định rằng: “Văn Khảo là một quyển biên khảo văn học đa dạng”. Và rằng: “... công trình biên khảo dù ngắn gọn nhưng vẫn biểu dương cách làm việc công phu của học giả Trần Bích San. Cách làm việc ấy tỉ mỉ như của một nghệ nhân kim hoàn khi chạm trổ hay khảm nạm trân châu, ngọc thạch, kim cương vào các món bội hoàn tinh xảo”. Có nhiều trường hợp tác giả đã: “gạn lọc lấy cái tinh hoa trong đống tài liệu để đúc kết thành một nhận định mới, chính xác hơn và đáng tin cậy hơn”. Có nhiều trường hợp “từ một vận sự nhỏ nhoi” mà tác giả đã “phóng đại nó ra để nêu rõ vấn đề hơn”.

Bút giả ngợi ca rằng tác phẩm trên đã giúp cho tác giả Trần Bích San: “tham dự vào hàng ngũ các nhà phê bình biên khảo văn chương nổi tiếng ở hải ngoại”

Người thứ bảy là NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG với tác phẩm “NON NƯỚC ĐÁ VÀNG” do Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm xuất bản năm 2007. Đây là một tập bút ký gồm 6 chương.

Ba chương “Non Nước Đá Vàng, Lạc Vào Khung Tranh và Theo Dấu Chân Ấn Tượng” trong đó tác giả Ngọc Dung thuật lại các cuộc đi du lịch với chồng mình thời được bút giả Hồ Trường An đưa ra nhận định là những dòng bút ký đó đã: “vẽ lên trong tâm tưởng độc giả cuộc ngoạn cảnh cùng cuộc thưởng lãm cái hay cái đẹp của xứ Hoa Kỳ của đôi vợ chồng vào tuổi thứ 3 trong cuộc sống. Nó hé lộ một chút bóng dáng cuộc sống hạnh phúc lứa đôi của tác giả”.

Ba chương “Ngàn Dặm Du Ca, Thư Gửi Bạn Quê Nhà và Những Ngọn Cỏ Thơm” trong đó tác giả ghi lại những sinh hoạt của mình với các bạn học Trưng Vương cũ, với các bạn văn, bạn thơ trong cuộc sống hiện tại thời được bút giả trầm trồ khen ngợi là: “buổi hoàng hôn cuộc đời của tác giả đẹp biết ngần nào”

Nói chung thời bút giả đánh giá là tác giả Ngọc Dung đã: “viết nên một thiên bút ký làm độc giả phải ao ước thèm thuồng”. Thường thì người đi du lịch chỉ viếng cảnh, chụp hình, quay phim mua bưu ảnh hoặc vài món thổ sản làm kỷ niệm, nhưng tác giả thời khác vì đã: “thâu nhận những gì hiện trong vùng nhãn giới của mình bằng óc quan sát tinh nhuệ, bằng niềm rung cảm tuyệt vời của một nghệ sĩ hiến mình trọn vẹn cho 3 bộ môn nghệ thuật là thi văn, nhiếp ảnh và hội họa”.

Bút giả nói thêm là tác giả Ngọc Dung đã có “tinh thần hiếu học của một cây bút phụ nữ” và “không phải ngoạn cảnh suông trơn mà cốt mở rộng tầm kiến thức của mình”. Rồi bút giả kết luận rằng: “ngoài kiến thức chuyên biệt về văn chương, tác giả còn có cái kiến thức tổng quát phong phú gồm lịch sử, địa dư, thẩm mỹ, hội họa. Đó là cái lợi khí cho một nhà văn viết du ký ”.

Bút giả Hồ Trường An nêu rõ lý do vì sao mình viết cuốn “NÔ NỨC HỘI TRĂNG RẰM” như sau: “Đọc sách đối với tôi là một nhu cầu thường nhật không thể thiếu” và nhấn mạnh rằng: “cuộc sống của tôi đã bị những sợi dây oan nghiệt trói buộc vào công việc viết lách từ gần nửa cuộc đời, không thể vất bỏ được”.
Và đây là lý do tại sao bút giả lại tuyển chọn bảy cây viết trong tập bút khảo này: “ngoài tài năng của họ, tôi viết về văn chương họ qua mối thiện cảm sâu xa”. Bút giả nói thêm: “Đó là những khuôn mặt của kỷ niệm, của một quá khứ xa xôi hay gần gũi, nhưng tạo cho tôi một nguồn cảm hứng phong phú ...”
Thật ra trong khi viết về văn chương của bảy cây viết trên Hồ Trường An nhân đó đã chỉ dẫn cho người đọc được biết thêm nhiều chi tiết vừa ích lợi, vừa kỳ thú về vô số các vấn đề khác: như về các tạp chí Nam Phong, Bách Khoa v.v... về thi đoàn như Quỳnh Dao, về Tự Lực Văn Đoàn v.v... Và nhất là về các cây viết khác (kể cả Việt Nam lẫn quốc tế, kể cả xưa và nay). Quốc tế như George Sand, Georges Simenon, Emile Zola, Francoise Sagan, Léon Tolstoi, Dostoievski, Gustave Flaubert, Lâm Ngữ Đường, Tào Tuyết Cần v.v... Nước Việt như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Đông Hồ, Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Hiến Lê, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo, Sơn Nam, Lê Xuyên, Hồ Biểu Chánh, bà Tùng Long, Nhật Tiến, Lê Tất Điều v.v... và còn nhiều nữa, kể ra không hết.

Người ham đọc sách, mê văn chương chữ nghĩa, từ lâu dõi theo ngòi bút của Hồ Trường An đều biết rằng bút giả này tính cho tới nay đã cho ra đời 22 cuốn truyện dài, 10 tập truyện, 18 tập ký sự, bút khảo, bút ký và 2 tập thơ. Như vậy bây giờ mà có viết thêm vào phần kết luận nơi đây rằng bút giả này có một tinh thần vô tư, khách quan khi viết sách, có sự nhuần nhuyễn trong suy tư và có một kiến thức dồi dào như cả một thư viện thời cũng bằng thừa!

Virginia, USA, tháng 8 năm 2007

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003