Apr 19, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
THỜI TRANG PHỤ NỮ VIỆT & Ý NGHĨA TỤC LỆ CƯỚI GẢ
Hải Bằng HDB
Có nhiều người Mỹ tò mò muốn tìm hiểu về tục cưới gả Việt Nam vì họ đọc hay nghe nói có những sự kiện như tính độc đoán của cha mẹ khi cưới vợ hoặc gả chồng cho con qua câu nói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hay những việc thách cưới quá mức mang tính chất mặc cả (bargain) của buôn bán “cò kè bớt một thêm hai” hoặc chú rể phải kiên nhẫn sêu tết lâu năm mới lấy được vợ, và việc làm dâu thể hiện trong câu “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. (Tầu; hàm ý ác ngược)
Trong thực tế có nhiều người đã lợi dụng uy tín hay địa vị xã hội của mình để bày đặt thêm những tục lệ này nọ không mang tính văn hóa và người sau gọi là hủ tục cần nên bài trừ. Tuy nhiên, những sự kiện đó không có tính phổ biến và có một số nhà văn thường phóng đại nhằm tạo ảnh hưởng và thu hút độc giả. Trong ý nghĩa của “văn hóa”, tục lệ Việt nói chung đều đề cao tính nhân bản: thương yêu, hiền lành, phúc đức, và biết ơn xuất phát từ niềm tin “ở hiền gặp lành; ở ác gặp dữ” hay “thương người như thể thương thân”.


Một Thoáng Nhìn về Lịch Sử & Văn Hóa Việt Nam
*
Việt Nam có hình dạng chữ S nằm dọc theo lục địa Ðông Nam Á từ biên giới Trung Hoa tới Vịnh Thái Lan. VN có chiều dài hơn 1000 dặm từ bắc xuống nam và khoảng dưới 100 dặm từ đông sang tây. Toàn bộ đất nước nằm trong vùng nhiệt đới có nhiều rừng rậm, đồng lầy, và ruộng lúa phì nhiêu. Nhiệt độ thay đổi giữa 50 và 90 độ F. Miền Bắc có 4 mùa rõ rệt. Miền nam chỉ có hai mùa: khô và mưa. Dân số hiện nay khoảng 80 triệu so với năm 1945 là 25 triệu.
Dân tộc Việt có lịch sử văn hóa lâu đời, ít nhất là 4000 năm kể từ thời đại Hùng Vương. Người Việt trong những ngàn năm đó đã nhiều lần nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược từ phương Bắc tràn xuống như Nhà Hán, Nhà Ngô, Nhà Minh, Nhà Thanh và Mông Cổ, và tiếp theo là cuộc toàn dân nổi dậy chống Pháp (1945-1954). Sau đó Cộng Sản VN phát động cuộc chiến cho tới 1975 thì Cộng Sản Miền Bắc cưỡng chiếm Miền Nam. Hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi và tất cả những cộng đồng VN ở hải ngoại đều là những cộng đồng tỵ nạn Cộng Sản. Ðó chính là lý do tại sao càng ngày càng nhiều chính quyền tiểu bang công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ ố lá cờ của Miền Nam trước đây - là lá cờ của cộng đồng Việt tại hải ngoại.
Thời Trang Truyền Thống Phụ Nữ Việt
*
Thời trang phụ nữ Việt thay đổi nhiều qua thời gian nhưng tựu trung vẫn là tấm áo-dài hay còn gọi là áo-chùng duyên dáng gồm hai hoặc bốn mảnh vải khéo léo đan kết lại, bó sát thân hình làm nổi bật lên dáng thon mềm và những đường cong tuyệt vời đầy nữ tính. Trước đây, cho tới những năm 1950, người ta vẫn còn thấy nữ giới khi ra ngoài thường phải mặc áo-dài kể cả các cô bé. Cho dù là nhà nghèo, cũng phải cố dành dụm để sắm áo-dài. Ðó chính là tấm áo để trình diện khi có tiếp xúc. Ngoài tấm áo dài, còn phải nói tới dải yếm, dải thắt lưng, và chiếc nón quai thao:
Em đeo dải yếm đào
Quần lãnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao
Chùa Hương, Nguyễn Nhựơc Pháp

Ba Miền Nam, Trung, và Bắc VN đều có những tấm áo-dài riêng của địa phương. Nữ sinh các trường như Trưng Vương, Gia Long, Ðồng Khánh, Nha Trang, v.v. đều mặc đồng phục áo-dài với những màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, nói chung thì tấm áo-dài nữ sinh vẫn là tấm áo-dài màu trắng. Và khi nói tới thời trang thì cũng không thể không nói tới các kiểu bới tóc của phụ nữ trong đó mái tóc dài tha thướt hay mái tóc thề buông lơi đã là những nguồn gợi cảm của các văn nghệ sĩ như bức ảnh Suối Tóc của nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi hay bản Suối Tóc của Văn Phụng:

Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi ...
Nay đi tìm dòng Suối Tóc trên vai ...
Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta
Trong ý thơ, cung đàn và Suối Tóc mơ.

Tấm áo dài miền Trung mang sắc thái gợi nhớ đến cố đô Huế. Người sinh trưởng ở Huế hay ai đã viếng thăm Huế và được nhìn các nữ sinh trong tấm áo dài vào giờ tan trường thì khó lòng có thể không nhớ lại chính hình ảnh của thời tuổi ngọc của chính mình với những tình cảm chất chứa đầy những men say ngây ngất của tuổi học trò. Chả thế mà đã dệt thơ:
Chiếc nón nghiêng nghiêng, chiều ngả ngả ...
Áo màu tim tím, tóc mây bay ...
Chiều nay biển lặng, trời êm ả
Thơ thẩn lần theo những dấu giầy ...
Hải Bằng.HDB
Tấm áo dài Miền Nam nói lên tính giản dị của người Miền Nam. Nhưng vì chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp nhiều nên các cô thích mặc đầm hơn.
Tấm áo dài Miền Bắc nổi bật hơn cả vì nó được tổng hợp của tân và cổ nghệ thuật. Chẳng thế mà cố thi sĩ Nguyên Sa đã làm cả một bài thơ có phổ nhạc nổi tiếng “Áo Lụa Hà Ðông”:
Nắng Saigòn em đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Và mùa thu dài lắm ở chung quanh
Và cũng có nhiều bài hát rất dễ thương như “Tà Áo Xanh” và “Ngàn Thu Áo Tím”.
Ngày nay, tấm áo dài Việt Nam vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà vẽ kiểu thời trang đua tài trong đó những tấm áo-dài đẹp nhất vẫn là những tấm áo-dài mặc trong dịp cưới phô bầy những kiểu và màu sắc mới lạ thật ưng ý cô dâu và làm giật mình những khách mộ điệu.

Ý Nghĩa Tục Lệ Cưới Gả
*
Theo phong tục VN, phàm làm bậc cha mẹ phải lo cưới vợ cho con trai hay gả chồng cho con gái sao cho tươm tất thì mới an lòng khi nhắm mắt. Thường con trai hay con gái tới tuổi 15 trở lên (còn vị thành niên) là bố mẹ đã phải lo mai mối cho con:
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm!
Chùa Hương, Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938)

Vì con cái còn nhỏ tuổi, không đủ kinh nghiệm, nên cha mẹ hay thân tộc phải đứng ra quyết định việc hôn phối. Ðây không phải là việc làm độc đoán như người ta thường gán ghép cùng với câu nói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, mà là vì lợi ích của bản thân người con trai hay gái và lợi ích của cộng đồng: bảo vệ tính đúng đắn của cuộc hôn nhân và sự bền vững của cuộc chung sống nhờ những ý kiến khôn ngoan của các bậc trưởng thượng cùng với sự trợ giúp của họ hàng, làng xóm, và căn cứ vào đó, làng nước mới cấp điền thổ cho cặp tân gia đình trong cộng đồng để tự mưu sinh. Cơ sở hôn nhân như vậy là đặt trên lễ nghĩa cùng lợi ích của cộng đồng, và tình yêu sẽ nẩy nở sau khi chung sống khi có thân tộc và cộng đồng hỗ trợ. Cũng nên nhớ rằng nếu trai gái đã đủ lớn khôn thì cha mẹ thường có trao đổi ý kiến trước khi quyết định. Trong khuôn khổ Nho giáo thì chữ Hiếu nặng hơn chữ Tình: con cái thường ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ và cha mẹ cũng phải kén chọn kỹ chú rể cũng như nàng dâu như câu nói: “Lấy vợ kén tông; lấy chồng kén giống”, hay trai gái cũng phải tự kiểm tra trước khi ưng thuận. Ca dao:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng, răng đen
Và các cô thường bày tỏ kén chọn của chính mình:
Chẳng tham ruộng cả ao liền
Chỉ tham cái bút, cái nghiên anh đồ
Tuy nhiên mọi người cũng đều phải nghiên cứu kỹ:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông
Kiều, Nguyễn Du (1766-1820)
Tất nhiên cũng có những trường hợp lạm dụng quyền làm cha mẹ để ép uổng:
Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã xin mẹ rằng - “đừng”!
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào!
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng?
Tiến trình thủ tục cưới gả gồm có 5 giai đoạn chính: Kén Chọn, Giạm Ngõ, Ăn Hỏi, Lễ Cưới, Lễ Lại Mặt.

Kén Chọn: Ðây là giai đoạn quan trọng để nhà trai cũng như nhà gái, dựa trên sự giới thiệu của ông mai hay bà mối, quyết định làm sui hay không. Vấn đề “môn đăng, hộ đối” thường được đặt ra: gia đình hai bên phải tương xứng với nhau về địa vị xã hội. Nhà gái thì kén rể hiền; nhà trai thì lựa dâu thảo. Ông mai hay bà mối phải ra sức trình bày thuyết phục những ưu điểm của cô dâu và chú rể tương lai.
Ðặc biệt trong giai đoạn này nhà trai và nhà gái thường nhờ thầy coi tuổi đôi trẻ có hợp hay xung khắc và thách cưới. Nhóm tuổi hợp nhau là: Dần-Ngọ-Tuất; Thân-Tý-Thìn; Tỵ-Dậu-Sửu; hay Hợi-Mão-Mùi. Nhóm tuổi kỵ nhau là: Dần-Thân-Tỵ-Hợi; Thìn-Tuất-Sửu-Mùi; Tý-Ngọ-Mẹo-Dậu. Vấn đề này thuộc phạm vi khoa Tử Vi Ðẩu Số của Ðông Phương cho rằng cuộc đời của mỗi người đã được an bài và sự tu nhân tích đức sẽ làm giảm bớt đi phần số xấu (đức năng thắng số). Thách cưới là những đòi hỏi về tài chánh mà nhà trai phải đáp ứng như những món trang sức, tiền cheo, và các chi phí cho tiệc cưới. Ðó là niềm hãnh diện chung cho cả hai nhà trai và gái khi sính lễ được nạp đầy đủ.

Ca dao:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn em đó vào khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Nữa mai lấy chồng, anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Ðôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo 1*
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Giạm Ngõ hay Lễ Chạm Mặt: Sau khi nhà trai cũng như nhà gái đã ưng thuận những gì ông mai hay bà mối thông tin, nhà trai sẽ xin chính thức gặp mặt nhà gái để biết nhau và trao đổi ý kiến về tình thông gia. Cũng trong dịp này, chàng trai và cô gái sẽ được kín đáo thấy mặt nhau. Nếu cuộc gặp gỡ này tốt đẹp thì cuộc giạm hỏi sẽ được truyền ra trong bà con và bạn hữu, và Lễ Ăn Hỏi sẽ bàn tới.
Lễ Ăn Hỏi: Ðó là giai đoạn hai bên cùng thỏa thuận về ngày lành tháng tốt để chính thức làm Lễ Cầu Hôn. Thường thì lễ này tiến hành trong vòng vài tháng sau Lễ Giạm. Lễ vật thì dựa theo khả năng của nhà trai và sự đòi hỏi của nhà gái. Thường gồm 6 mâm: một mâm đựng đôi đèn cưới (nến); một mâm đựng khay rượu và hai chung nhỏ, hộp đồ trang sức; một mâm trầu cau; một mâm bánh mứt; một mâm trà; và một mâm rượu. Các món lễ vật này được dùng biếu bà con nhà gái để chia xẻ tin mừng có đính hôn.
Lễ Cưới: Thường lễ cưới tiến hành sớm sau lễ hỏi vì tục ngữ có câu “Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”. Tuy nhiên có khi cũng có thể là vài ba năm. Tới ngày lành, tháng tốt, nhà trai tổ chức Lễ Tân Hôn hay Lễ Ðón Dâu, nhà gái tổ chức

Lễ Vu Quy hay Lễ Ðưa Dâu. Nhà trai phải sắm sửa nhiều mâm sính lễ để đón dâu tương tự như Lễ Ăn Hỏi: mâm rượu, mâm trầu cau; mâm đồ trang sức & tiền cưới; mâm bánh; mâm trà; mâm rượu; mâm trái cây; và mâm heo quay. Mâm trầu cau phát xuất từ Sự Tích Trầu Cau: “Hai anh em cùng yêu một cô gái. Người anh được nên duyên. Người em buồn rầu bỏ đi, chết trong một khu rừng và biến thành tảng đá vôi. Người anh thương nhớ em, bỏ đi tìm, cũng chết bên tảng đá vôi và biến thành cây cau. Người vợ đi tìm chồng tới chỗ cây cau thì chết và biến thành cây trầu leo trên thân cây cau. Người làng đi tìm, đến chỗ này, phát hiện cảnh tượng lạ: lá trầu quấn thân cây cau bên tảng đá vôi trắng, bèn hái cau bổ ra, ghém với lá trầu có quệt thêm vôi trắng ăn thử, thấy mùi vị cay và nước đỏ thắm. Họ liên tưởng tới chuyện ba người bỏ làng đi và không thấy trở về, bèn cho rằng ba người đó đã chết và biến thành trầu, cau, và vôi thắm thiết quấn quýt bên nhau”. Từ đó có tục ăn trầu để nhớ tình thắm thiết của ba người đó, và khi tiếp khách thường bày âu trầu, cau, và vôi têm sẵn kết thành hình cánh phượng rất đẹp mắt để mời khách dùng cho câu chuyện thêm đậm đà (sau này còn thêm vị thuốc lào). Vì thế có câu “miếng trầu là đầu câu truyện”.
Những nghi lễ trang trọng và đầy màu sắc cùng với những y phục cổ truyền cũng là nhằm mục đích tạo những ấn tượng tốt cho sự bền vững của cuộc hôn nhân và đó cũng là niềm hãnh diện của các bậc cha mẹ khi thấy trách nhiệm đối với con cái đã làm tròn.
Qua dòng thời gian và mặc dù đã có những dòng văn hóa nghịch hướng (counterculture) hay vô thần muốn cuốn đi, tục lệ cưới gả Việt vẫn còn lưu lại những nét cổ truyền chứng tỏ tấm lòng tha thiết của người Việt đối với những giá trị truyền thống của một thời nâng nhằm cao phẩm cách con người.

Lễ Lại Mặt: Tiếp ngay sau ngày cưới là Lễ Lại Mặt, thường gọi là Nhị Hỷ: đôi vợ chồng sửa một lễ gồm mâm xôi gà hay xôi thủ trở lại nhà cha mẹ vợ để tạ ơn. Ðây là ngày vui thứ nhì tại nhà gái để chú rể được bày tỏ niềm hãnh diện và cảm giác hạnh phúc được là thành viên chính thức của gia đình nhà gái. Tất nhiên là cô dâu cũng có dịp tâm tình với cha mẹ và anh chị em về nỗi sung sướng của người con gái đã thành gia thất, khỏi bị tiếng “ế chồng” hay tránh cái ám ảnh của cảnh “buồng không lẻ bóng”:
Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào!
(Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều)

HẢI BẰNG HDB & BẠCH CÚC N.T.N

Ghi Chú:
1* tiền nộp cho làng để gây quỹ. Thường lệ: nếu lấy chồng trong làng thì nộp 6 tiền; lấy chồng ngoài làng thì nạp một quan và 2 tiền (làng hụt đi một nhân lực).

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003