Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
ÐƯỜNG RA GA HÀNG CỎ
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
CAO MỴ NHÂN


Sớm hôm nay, tôi chợt nhớ lại một con đường lớn ở Hà Nội, đường đó mang tên Tây, nhưng cũng có tên ta, cách đây gần 60 năm , khi mẹ tôi dẫn mấy chị em tôi đến ở nhờ nhà của gia đình ông Ðội Thập, để tờ mờ sáng hôm sau ra ga Hàng Cỏ. Tôi cứ tạm đặt là Ðường Ra Ga Hàng Cỏ Hà Nội , và cũng không quên tả lại ngôi nhà sang trọng của một ông Ðội, trong Quân Ðội Liên Hiệp Pháp trước năm 1954.

Hà Nội cuối thu quả là đẹp, dù trong sương khói lạnh lùng buổi sớm mai rất nhẹ, màn sương mỏng che phủ những mái nhà, những khuôn cửa kính, nhưng vẫn cảm nhận được sự nồng nàn sau lớp màn cửa thoáng lay động, một Hà Nội thiêm thiếp ngủ của ít nhiều nhân vật được mệnh danh là trí thức, tiểu tư sản và quý tộc còn sót lại: như Bác Sĩ HOÀNG VĂN ÐỨC, Giáo sư NGUYỄN SĨ TẾ (đã mãn phần), Nhạc sĩ NGUYỄN HIỀN, NHẬT BẰNG (đã mãn phần), quý vị trong nhóm Văn Nghệ Tự Do như NHƯ PHONG (đã mãn phần), PHẠM VIỆT TUYỀN, nhị vị đi bên cạnh các thành viên tên tuổi lỗi lạc của Tự Lực Văn Ðoàn là nhà văn DUY LAM, NHẬT THỊNH (vài cháu ngoại của các Văn sĩ lừng danh NHẤT LINH, HOÀNG ÐẠO,THẠCH LAM).

Các ông DUY LAM, NHẬT THỊNH trên trường văn trận bút, thường có những mâu thuẫn, khác biệt, nhưng với Hà Nội xa xưa, thì lại là những nhân chứng tiêu biểu va đầy đủ về mọi sắc tính thi ca, nhạc, họa v.v... và cả những riêng tư rất Hà Nội mà đã mang một Hà Nội trong đầu, thì thưa quý vị dẫu là không có gì đấy, mà vẫn nghe qua ngôn ngữ vẻ... kiêu sa nhưng lại hiếu khách.

Hai bên đại lộ "Ðường Ra Ga Hàng Cỏ" có những bóng đèn điện thời Tây để lại mầu vàng, lạc lõng bầy thiêu thân rã đám soi tìm vũng nước lạnh để nhào xuống, nhưng trời không mưa, chỉ có ánh sương mờ ảo trên vạt cỏ biếc xanh rì....Những mộng mơ đã dồn vào trái tim nhà văn DOÃN QUỐC SĨ, nữ sĩ NGUYỄN THỊ VINH tuyệt sắc khi 30 tuổi (1954), ngôi sao điện ảnh tiềm ẩn KIỀU CHINH đang ở tuổi thiếu nữ bấy giờ... Những tài tử điện ảnh một thời đóng phim rồi mất hút cùng Hà Nội thanh lịch ngày xưa như LAN HƯƠNG, THANH HƯƠNG TRONG CÔ GÁI VIỆT, MAI TRÂM, THU TRANG trong CHÚNG TÔI MUỐN SỐNG, và nhất là 2 nam tài tử Bắc Kỳ, chỉ đóng phim cho thiên hạ biết, rồi nghỉ chơi như LÊ QUỲNH trong CHÚNG TÔI MUỐN SỐNG và NGUYỄN NĂNG TẾ trong HÈ MUỘN sau này.

Thực ra, HÀ NỘI trước năm 1954, giới tư sản và đại khoa bảng không nhiều, mà trí thức vừa đủ kiến thức tổng quát và tiểu tư sản thì chu choa chiếm tới 60%, bởi vì lao động chân tay hay giới bình dân đã tự làm hàng rào cho ÐÔNG ÐÔ, gọi là ngoại thành HÀ NỘI kiểu các làng NGỌC HÀ, HOÀNG MAI, BẠCH MAI v.v... thì lại có hàng loạt giới người cam phận dân ngoại ô, nhưng cũng hãnh diện ở cái chất ngoại ô trữ tình, mơ mộng, là đã luôn thu hút người HÀ NỘI rủ nhau đi phiêu lưu vặt tức ngắn hạn, trong ngày, vài ngày, hoặc một tuần, còn nói là đi cắm trại, đi nghỉ mát...

HÀ NỘI dưới mắt mọi người đã rất khác nhau, huống hồ qua mắt, hay cách nhìn của các văn nghệ sĩ mọi ngành càng cá biệt, số là HÀ NỘI có nhiều điều để nói, và có nhiều hoàn cảnh để nhớ một đôi khi, hoặc nhớ mãi không quên.

Với tôi, HÀ NỘI chỉ là một thành phố lớn theo sinh hoạt trước 1954, vì toàn bộ các tỉnh khác đều nhỏ hơn HÀ NỘI, nhưng dù ông bà, cha mẹ tôi có nhà ở sát HÀ NỘI, là GIA LÂM, nơi có sân bay lớn ngày xưa, sau này mới có Sân bay NỘI BÀI, và Sân bay thứ hai của Bắc Việt chính là Sân bay CÁT BI ở HẢI PHÒNG, mà bởi nó Ba tôi được thuyên chuyển từ GIA LÂM (HÀ NỘI) về CÁT BI (HẢI PHÒNG) cuối thập niên 40 thế kỷ trước (1949) để mẹ tôi phải đưa chúng tôi xuống cảng, tiếng gọi thành phố HẢI PHÒNG của dân BẮC KỲ xa xưa bằng tàu hỏa, tức xe lửa, nên mới có sự việc chúng tôi ở trọ nhà ông ÐỘI THẬP trên Ðường Ra Ga Hàng Cỏ vậy.

Mẹ con tôi đi như chạy, nhanh đến nỗi sương bay đoạn trước không kịp thấm áo, đã tiếp đến đoạn sau, sương cũng vừa tạt trên tóc, trên vai... Và, ù một cái, mấy mẹ con tôi đã đứng ở cửa ga HÀNG CỎ, để chen lấn vào bên trong, mẹ tôi có lẽ kinh nghiệm đi HẢI PHÒNG mấy lấn thăm Ba tôi, nên bà đã kéo sộc 3 chị em tôi vô "lane" trước một window bán vé, viết như thế cho nhanh, chứ nói quày vé thì quý vị sẽ hình dung ra một cái bàn dài chặn trước kẻ bán với các người mua.

Mẹ tôi đưa tiền cho người bán vé tàu hỏa, rồi được người đó vứt ra trước mặt 4 cuống vé kèm câu gọn lỏn "hạng nhì" tức hạng hai sau hạng nhất sang hơn một chút, và hơn hạng ba vì có hàng hóa biết kêu như heo, gà v.v...

Mẹ tôi lại kéo sộc chúng tôi trở ra nơi chính cái lối đi vào quá chật hẹp có 2 thanh sắt chia biệt các lối đi khác, vào các khung cửa sổ bé xíu khác, cũng chỉ để mua vé, khiến người lại ùn thành một mối kẹt như chỉ rối.

Ra khỏi chỗ bán vé rồi, tôi mới hoàn hồn, cứ mơ màng chẳng nhớ được người bán vé là đàn ông hay đàn bà, một phần vì tôi còn bé, đứng thấp hơn cửa sổ trên, một phần vì nhanh quá, nhưng dù thủa đó tôi chưa được đi học, phải đợi tới 9 tuổi, Ba tôi mới cho đi học ở HẢI PHÒNG, và chưa 9 tuổi tôi chẳng biết quái gì, vậy mà tôi cứ hỏi mẹ tôi:
- Ban nãy, lúc mua vé, sao mẹ không vào một mình mà lôi cả 3 chị em con vào làm gì cho chật.

Mẹ tôi gắt lên:
- Ðể chúng mày ở ngoài cho mẹ mìn nó bắt cóc à? Với lại không vào một lượt, người bán vé tưởng mẹ mua đi bán lại, mới len một chút mà đã kêu chật rồi, con bé này sao đành hanh quá chứ.
Tôi còn ... cãi thêm:
- Con đâu có đành hanh (!), chỉ là thấy lôi thôi quá, vì chả thấy ai hỏi gì chị em con.
- Chúng mày thử không vào xem, họ chu miệng ra, bắt mẹ phải dẫn đủ 3 chị em

- vào, thôi xong rồi, giờ lên tàu xí chỗ đã (là dành chỗ đấy), ở ngoài đường rầy, có nhiều hàng quà lắm, có cả phở gánh, ngon đáo để.

Nghe nói có quà, là tôi quên tất cả, lại có cả phở, trời ơi ngon quá tôi la lớn:
- Mẹ ơi, ăn phở được không?
Mẹ tôi gắt nhẹ:
- Thì đi này, để đồ lên toa, 2 đứa ngồi trông, kẻ cắp như ranh đấy, còn một đứa theo mẹ đi mua phở, ăn mau trả bát cho người ta bán hàng.
Chưa thấy toa xe lửa, chưa thấy hàng quà bánh, chưa... ăn phở, mà mẹ tôi đã dục ăn mau để trả bát cho người bán hàng chứ. Tôi bèn chạy về phía tàu lửa đang đậu, người đi kẻ lại tấp nập, mẹ tôi hét toáng lên:
- Không được chạy, lạc bây giờ.
Tôi vẫn chạy, mẹ tôi nghĩ ra một... kế:
- Mỵ ơi, phở ở đằng này cơ mà.
Thế là tôi quay ngoắt đầu lại. Và rồi, cái gì phải đến đã đến, 4 mẹ con lên được toa hạng nhì , đồ đạc cho chị Mỹ với Mỵ tôi trông, còn chị Thy phải đi bưng phở với mẹ, 4 tô phở thơm phức, đúng danh nghĩa PHỞ HÀ NỘI (xưa) đã được chúng tôi thưởng thức.

Bây giờ ngồi viết lại, nói theo ngôn ngữ của HÀ CHƯỞNG MÔN là tam đảo ngũ hồ tức đi nhiều nơi, đã ngồi trong bao tiệm phở từ Ðông sang Tây, từ Nam ra Bắc, từ lạc hậu đến văn minh phở, kể cả tiệm phở mang cảm giác y học là “chuyên trị phở tái” ở DENVER tiểu bang Colorado, lần đầu tôi nghe câu chuyên trị dành cho hàng phở, giống như kiểu chuyên trị hen suyễn trĩ, lác ngứa v.v..

Tôi thấy chỉ có phở HÀ NỘI nơi ga HÀNG CỎ, và lần trước đó, phở nơi BỐN CHÓ ÐÁ trên đường từ trung tâm thành phố ra ngoại ô HÀ NỘI là... ngon nhất.

Sau mấy chục năm, đi khắp đó đây, ăn phở ở đâu cũng chẳng tìm thấy hương vị cũ kể cả tiệm phở có đầu bếp chính tông là dân BẮC KỲ chuyên nấu phở, cũng chẳng tạo cho tôi thứ cảm giác phở HÀ NỘI xưa.

Phở HÀ NỘI, trời ơi, phải nấu thế nào cơ, nước trong mà ngọt, vị thanh, bánh mềm, thịt thái mỏng, mềm, ít thôi, không cần đầy ắp như kiểu phở kho, hành tây vài lát thái mỏng, hành ta thái lăn tăn, loại hành nhỏ, không lá hành lớn như cọng sen v.v... và v.v... tương đỏ một chút thôi, ai ăn ớt thì cắt vài lát, cũng loại ớt nhỏ thôi...không thấy tương đen...Và hết, tô phở nhỏ vừa, loại sứ mỏng, không cần tô Sứ Giang Tây, miệng tô loe hơn đáy nửa phần, cầm trên tay gọn gàng vừa phải, ăn hết tô phở vừa đủ lót lòng, không phải ăn xong tô phở, no anh ách như bây giờ, đang bơi trên một tô phở loại King size, hay extra large ở TIỂU SAIGON CALI.

Thế là tôi đã dẫn quý vị đi khá xa ÐƯỜNG RA GA HÀNG CỎ, khi bắt gặp một
tô phở HÀ NỘI xưa. Những người HÀ NỘI bây giờ, quê hương VIỆT NAM xa xôi đang muốn biến HÀ NỘI thành một thủ đô lớn như một số thủ đô tạm lớn của các nước trên thế giới, có đường kính 50km, nay đất ruộng cũng bán đi để giới thương mại xây cất cao ốc, cơ xưởng,
Sương vẫn rơi trên thành phố mỗi buổi sáng, nắng vẫn trong veo những buổi trưa và lá vàng rụng, lá khô rơi cuối đoạn đường về ga Hàng Cỏ, Mùa thu HÀ NỘI đẹp võ vàng, hiu hắt, hồ Gươm liễu rũ, mưa bay, tất cả rất mơ hồ trong tiềm thức tôi.

Nhưng ÐƯỜNG RA GA HÀNG CỎ lại đậm nét trong tâm hồn thơ dại của tôi, nó không lẫn lộn với rất nhiều con đường tôi đã đi qua ở khắp nơi, khiến có lúc tôi lặng người đi vì nhớ.

Và khổ quá, thưa quý vị, cái nỗi nhớ cứ lởn vởn chút xót xa, ân hận... làm như mình không đầy đủ bổn phận với một người bà con xa trong họ mà dù sao người bà con đó vẫn có họ hàng với mình.

Hawthorne 9-11-2007
CAO MỴ NHÂN


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003