May 03, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
DU KÝ NHẬT BẢN (Tháng Tư, Năm 2007)
KIM VŨ

Đầu mùa Xuân, chúng tôi đi thăm xứ Phù Tang trong chuyến du lịch đầu tiên của năm do hãng Ritz tổ chức. Có cả thảy ba hãng tổ chức đi du lịch Nhật, kéo dài 8 ngày, với lộ trình hơi khác nhau, nhưng chúng tôi đã chọn hãng Ritz vì chỉ tour này mới ghé thăm một thắng cảnh đặc biệt là Kim Các Tự ở Kyoto, nơi chúng tôi muốn đi thăm nhất.
Chúng tôi rời phi trường San Francisco vào sáng ngày 5 tháng 4, và chỉ sau mười tiếng đồng hồ, máy bay đã đáp xuống phi trường Narita ở cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng hơn 30 cây số. Trời hơi lạnh, nhưng đã bắt đầu thấy hoa anh đào nở rộ dọc những con đường trong phi trường.
Người hướng dẫn đưa chúng tôi về nghỉ tại một khách sạn trong khuôn viên phi trường để chờ đợi những người khác cùng tham dự chuyến đi lục tục đến Nhật từ nhiều nơi khác nhau ở Mỹ.
Chúng tôi nghỉ ngơi trên lầu 5 của khách sạn Washington Hotel trong không gian yên ắng. Buổi tối xuống nhà hàng ăn, bắt đầu hiểu tại sao người ta hay nói sinh hoạt tại Nhật rất đắt đỏ. Một bữa ăn theo lối buffet chiều, đồ ăn không lấy gì làm hấp dẫn, mà phải trả đến 28 Mỹ Kim. Chúng tôi dùng đùi gà chiên và cơm bò xào, chưa thấy khi nào món ăn dở như thế.
Sáng sớm hôm sau, xe buýt chở đoàn rời khách sạn từ khoảng 8:20 sáng để trực chỉ Tokyo. Do máy bay vượt qua đường ranh đổi giờ giữa biển Thái Bình Dương, nên mất đi một ngày, và dù chúng tôi rời Mỹ vào sáng thứ Năm, cuộc du lịch thủ đô Nhật Bản chỉ bắt đầu diễn ra vào sáng ngày thứ Bảy.
Có lẽ vì là ngày nghỉ cuối tuần, nên chúng tôi thấy Tokyo không kẹt xe lắm. Xe buýt chở đoàn chúng tôi đi trên đường cao tốc, lơ lửng khoảng 40 mét trên không, nhìn xuống đất thấy đuờng xá nhà cửa thật thấp, có cảm giác là lạ. Nhà cửa tại Tokyo rất chật chội, và tuy rằng hệ thống đường xá hiện đại, nhưng đường thường hẹp và không có chỗ đậu khẩn cấp bên lề, nên nếu có tai nạn hoặc xe bị hư thì sẽ rất phiền.
Chúng tôi đến khu Asakusa trước nhất. Đây là khu buôn bán cổ có đường đi dành riêng cho khách bộ hành dẫn đến chùa Quan Âm, một ngôi chùa khá lớn và đẹp, với một nguồn nước suối mát ngọt cho người vãn cảnh chùa có thể giải khát và cầu sức khỏe. Dọc hai bên đường đi bộ là các quán bán đồ lưu niệm hay đồ ăn. Người Nhật có vẻ thích những món lưu niệm nhỏ xinh và mỹ thuật, nên du khách tha hồ mà mua quà đem về cho gia đình bè bạn.
Tiếp theo, xe đưa đoàn chúng tôi đi đến khu Hoàng Cung, bên một công viên rộng thoảng khoát. Thấy người ta nằm nghỉ ngơi la liệt bên các gốc cây râm mát, trên một thảm cỏ mịn màng trải rộng qua mấy khúc đường đô thị. Không được vào trong khu vua ở, mà chỉ đứng bên cạnh hào sâu nhìn cảnh trí bên ngoài mà thôi. Chúng tôi vào thăm một vườn hoa nhỏ có tượng một nhân vật lịch sử đeo mặt nạ cưỡi ngựa múa gươm trông khá đẹp mắt, nhìn nét khắc đồng đen nổi bật trên nền trời xanh, thấy người dũng sĩ có vẻ oai phong lẫm liệt.
Khu đi thăm tiếp tới là Ginza, khu thương mại trung tâm của thành phố Tokyo, với những cửa hàng sang trọng. Chúng tôi ghé thăm một tiệm bán đồ gốm trưng bày nhiều hàng mỹ thuật, và vào cao ốc Sony xem các hàng mới nhất được quảng cáo cho du khách xem. Có lẽ vì còn sáng sớm, nên không thấy người qua lại đông đúc cho lắm. Tôi không có cảm giác thích thú như khi đi tản bộ dọc các khu Rivoli ở Paris hoặc Soho ở London.
Đến gần trưa, xe đưa đoàn đến khu Shinjuku, nơi có Tòa Thị Sảnh thành phố, một khu mậu dịch quốc tế đại quy mô, một đầu mối giao thông cực lớn với khoảng ba triệu hành khách đến đi mỗi ngày, một khu tập trung nghệ sĩ, một công viên lớn, khu thế vận hội, nhiều trường đại học, và cũng là nơi người ngoại quốc sinh sống nhiều nhất, với những tòa cao ốc nhìn mút mắt. Chúng tôi vào dùng cơm trưa tại một nhà hàng Trung Hoa trên lầu năm mươi của một tòa cao ốc, nhìn ra xa thấy toàn cảnh cửa nhà thật đẹp.
Buổi chiều, xe đưa đoàn đến thăm lăng Minh Trị Thiên Hoàng ở ngoại ô thành phố, một khu tĩnh mịch với nhiều cây xanh, nơi diễn ra nhiều đám cưới theo nghi thức Thần Đạo cổ truyền, cô dâu mặc áo kimono, chú rể cũng bận y phục theo lối xưa, nhưng các khách tham dự thì phần lớn lại mặc y phục màu đen. Người Nhật có vẻ khá cổ điển trong cách ăn mặc, hình như không có thói quen bận quần áo sặc sỡ khi ra đường.
Thắng cảnh kế tiếp là Tokyo Tower, nặng 4 ngàn tấn, cao 333 mét, hơn Tháp Eiffel tại thủ đô Paris của Pháp đến 13 mét, nhưng xây nơi một địa điểm khá chật chội, không cho thấy cái hoành tráng của một kiến trúc đô thị quy mô. Tuy nhiên, người đi thăm rất đông. Chúng tôi cũng đáp thang máy lên một tầng cao, có thể nhìn ra tứ phía để chiêm ngưỡng cảnh quan Tokyo.
Chúng tôi về tới Khách sạn Tokyo Dome khi trời bắt đầu ngả tối. Đây là một khách sạn sang trọng nằm gần một vòm cầu có mái che vĩ đại, nơi diễn ra những trận đấu dã cầu của thành phố. Nhật Bản là dân tộc thứ hai sau Hoa Kỳ thích trò chơi thể thao này. Xung quanh khu nhà vòm là những cơ sở kinh doanh sang trọng, một khu giải trí vui chơi kiểu Disneyland, làm thành một quần thể kiến trúc hiện đại. Gần bên là một phố thương mại có đầy đủ các nhà hàng ăn fast food theo kiểu Mỹ, như McDonald, Subway, vv…
Vì thời giờ quá ít, nên chúng tôi không được dẫn đi thăm những nơi nổi tiếng như công viên hoàng cung ở Shinjuku, viện bảo tàng Shotoku, khu thế vận hội, vv.., làm cho cuộc ngoạn cảnh Tokyo trở nên thiếu sót rất nhiều.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường đến Kamakura, một thành phố du lịch mà ngày xưa vốn đã từng là thủ phủ cho các tướng quân thuộc giòng Minamoto trị vì nước Nhật từ thế kỷ 12 đến 14, ngày nay đuợc thế giới biết đến nhiều vì là nơi có pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng vĩ đại gọi là Daibutsu, cao hơn 13 mét và nặng 121 tấn, ngồi tọa thiền giữa trời nơi một triền đồi thấp. Theo lịch sử, tượng được đúc vào năm 1252, vốn nằm trong một ngôi chùa, nhưng vào năm 1498, một cơn sóng thần đã cuốn nguyên ngôi chùa đi, chỉ còn lại cái nền đá. Vậy mà pho tượng vẫn không hề hấn gì, nên người ta tin rằng Phật muốn ngồi giữa thiên nhiên. Đây quả là một thắng cảnh sẽ gây nhiều thích thú cho du khách đến thăm Nhật Bản.
Rời pho tượng, chúng tôi tiếp tục lên xe đi một quãng đường khá dài dọc núi non hiểm trở để tới khu công viên quốc gia Hakone, với hồ Ashi khá rộng, nhưng đặc biệt là nước có màu đen thẫm chứ không trong xanh. Chúng tôi nghỉ ăn trưa và mua quà lưu niệm tại đây, rồi sau đó đi phà du lịch qua một phần hồ, trước khi tiếp tục lên xe đến khu ôn tuyền Owakudani, trên triền một dãy núi mà rất nhiều nơi có khói tỏa ra từ những suối nước nóng. Ở đây có thể mua trứng luộc trong suối nước nóng, lòng trắng trứng có màu đen đậm, theo lời đồn đãi thì ăn một quả trứng trẻ lại được bảy năm.
Tiếp theo, xe dừng lại nơi một điểm du lịch gọi là Vườn Bình An (Peace Garden) thuộc thành phố nhỏ Yotemba. Chúng tôi leo lên một ngọn đồi rất yên tĩnh để thăm một thắng cảnh Phật Giáo màu trắng, có dáng nét của những phù đồ bên Ấn Độ, bốn mặt có tượng dát vàng ghi bốn sự tích trong cuộc đời tu hành và thuyết giảng của Phật Thích Ca Mâu Ni. Dọc đường tản bộ lên phù đồ, có nhiều pho tượng các linh vật được đem đến từ nhiều nơi trên thế giới. Có hai tháp chuông gần đó, một nhỏ một to, mà du khách có thể gióng chuông, nghe tiếng thanh tao vang vọng trong không gian, thấy lòng thật vô cùng êm ả. Phía thấp hơn, có một ngôi chùa nhỏ khá mỹ thuật, với hồ nước kế bên thiết kế theo kiểu Nhật Bản thuần túy.
Buổi tối hôm đó, chúng tôi nghỉ tại khách sạn Tominoko, xây dựng dọc bờ một cái hồ thiên nhiên khá đẹp. Trong khách sạn có bồn tắm hơi công cộng riêng cho nam và nữ, tôi cũng thử vào coi cho biết phong tục tắm chung bên Nhật. Nghe nói hồi viên đô đốc hải quân Mỹ tên là Matthew Perry đem một hạm đội gồm bảy chiến thuyền đến xứ hoa anh đào thị uy và ép Nhật hoàng ký hòa ước giao thương Nhật-Mỹ, người Nhật còn giữ tập tục nam nữ tắm chung, làm cho ông thuyền trưởng này rất kinh ngạc và không tiếc lời chê bai. Thế nhưng bây giờ thì không còn như vậy nữa, cũng ‘nam nữ thụ thụ bất thân’, dù rằng ở mỗi phòng chung, mọi người cũng đều phải ‘tout nu’ thôi!
Sáng hôm sau, chúng tôi lại rời khách sạn từ sớm, đi chẳng bao lâu thì thấy núi Phú Sĩ hiện ra bất ngờ trong ánh nắng sớm. Quả là một cảnh tượng đặc sắc, vì đặc biệt đỉnh núi này tuyết phủ quanh năm. Trời không trong lắm, nhưng chúng tôi cũng có thể nhìn thấy một cách rõ ràng toàn ngọn núi.
Chỉ ít phút sau đó là chúng tôi đến thác Shiraite. Thác này rất đặc biệt và hấp dẫn. Thác không lớn lắm, nhưng làm thành một vòng cung rộng, với nhiều dòng nước lớn nhỏ chảy xuống tự trên cao, nghe tiếng thác reo rì rào thật vui tai.
Rời thác Shiraite, chúng tôi đi qua một khu vực trồng trà, với những giồng xanh tươi kéo dài trên mặt đất và được cắt xén rất gọn gàng. Sau đó, đoàn đến thăm một khu trưng bầy trà, lớn như một viện bảo tàng, xây dựng gồm ba tầng lầu trên một khu vườn theo kiểu Nhật khá mỹ thuật. Người Nhật coi việc uống trà là một nghệ thuật cầu kỳ và thanh lịch, đòi hỏi nghi lễ nghiêm cẩn.
Ăn trưa nhẹ tại một kiosk ngay cạnh nhà trưng bày trà với mấy miếng đùi gà chiên, hình như đây là món ăn độc nhất ăn còn tạm được trong thời gian chúng tôi du hành tại Nhật. Tiếp đến, người hướng dẫn đưa chúng tôi lên xe lửa shinkansen là loại tầu tốc hành đi từ Tokyo đến Osaka, đại loại cũng giống như tầu TGV ở Pháp mà tôi đã có dịp đi nhiều lần khi qua thăm Kim bên Pháp. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đi một đoạn ngắn cho biết, nên đến Kakegawa là lại xuống tàu lên xe buýt tiếp chuyến du lịch.
Đêm đó, chúng tôi nghỉ tại khách sạn Biwako bên một cái hồ lớn có hình dạng giống như một cây đàn tỳ bà, nên có tên là Hồ Tỳ Bà. Sáng hôm sau thì lên đường tới Kyoto, cố đô của nước Nhật Bản, nơi có nhiều kiến trúc cổ, ghi lại một nền văn minh đặc biệt của phương Đông.
Thành phố Kyoto còn giữ được khá đầy đủ nét cổ kính của kinh đô xưa. Nhà cửa phần lớn bằng gỗ, xây cất mỹ thuật và ngăn nắp. Có nhiều con kinh nhỏ ngay giữa thành phố, kinh nào cũng thẳng tắp và rất sạch sẽ. Dọc đường, thấy rất nhiều cây anh đào hoa trắng hồng nở rộ. Có một con đường dọc một con kinh nơi trung tâm thành phố mang tên nhà văn Kawabata, người đã từng được giải Nobel về văn học với những tác phẩm như “Xứ Tuyết” và “Ngàn Cánh Hạc”, mà tôi có dịp đọc hồi còn trẻ ở Việt Nam, thấy văn phong khác hẳn văn phong Âu Mỹ.
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm ở Kyoto là chùa Kyiomizu (đền Tịnh Thủy) vì ở đó có những dòng nước ngọt từ trong núi chảy ra quanh năm , những du khách hay dừng chân uống nước từ gáo bằng tre. Chùa xây ngay trên một triền dốc của núi, cho thấy một hệ thống cột kèo bằng gỗ vĩ đại và tinh vi, người Nhật hiện nay đang đề nghị với Liên Hiệp Quốc chọn nơi này làm một trong bảy kỳ quan mới của thế giới.
Tiếp theo, chúng tôi đến Đền Heian, một ngôi đền lớn của Thần Đạo, với gam màu trắng và cá vàng khá chói chang, xét theo khía cạnh mỹ thuật thì không xuất sắc như các kiến trúc Phật Giáo. Đặc biệt trong Thần Đạo không có một biểu tượng rõ ràng nào để thờ phượng, mà chỉ là những vật trong thiên nhiên như gió, lửa, vv… Kế bên ngôi đền là một vườn hoa lớn có nhiều hoa anh đào đẹp, nhưng vì có quá ít thời giờ nên chúng tôi không vào thăm được.
Ngay sau đó, chúng tôi được đưa đến “Kim Các Tự”, ngôi chùa vàng nổi tiếng xây cất năm 1397, vốn là nhà an dưỡng của một vị tướng quân. Khi ông qua đời, người con cải đổi kiến trúc thành một ngôi chùa Thiền thuộc phái Lâm Tế. Ngôi chùa đã bị cháy nhiều lần, lần cuối cùng vào năm 1950, do một nhà sư cuồng trí đã nổi lửa đốt vì muốn giữ lại mãi trong tâm trí mình hình ảnh tuyệt vời của nó. Năm 1955, nó được xây lại hoàn toàn. Dựa trên câu chuyện đốt chùa, nhà văn Nhật Bản Yukio Mishima đã dựng nên một cuốn tiểu thuyết có tên là Kim Các Tự (Kinkaku-ji).
Ngôi chùa quả là đẹp phi phàm, hai tầng lầu trên có tường dát vàng ròng, được trùng tu lần cuối vào năm 1987, diềm mái cong nhẹ được làm lại năm 2005, và trên đỉnh là hình một con chim phượng hoàng bay bướm. Phần tầng trệt thì gồm những mảng tường trắng và một bao lơn rộng với khung gỗ màu nâu. Màu hoàng kim rực rỡ của tường hai tầng trên sáng loáng trong ánh nắng xuân, đúng vào hôm chúng tôi đến viếng chùa, khác hẳn hôm trước đó trời thật âm u. Hình ảnh chùa phản chiếu trên mặt nước hồ trong xanh quả là đẹp không thể nào tả xiết.
Rời Kyoto, chúng tôi lên đường đi Nara, nơi đây đã từng là kinh đô của nước Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 dương lịch. Ở đây có ngôi chùa vĩ đại gọi là Todai-ji (Đông Đại Tự), được biết như là kiến trúc bằng gỗ có kích thước quy mô lớn nhất thế giới hiện nay. Ngôi chùa nguyên thủy được hoàng đế Nhật xây dựng vào năm 728, với ý nguyện nhờ thần lực của Phật mà đất nước thoát khỏi nhiều tai họa. Theo tài liệu còn lưu trữ tại chùa, có tất cả hai triệu sáu trăm ngàn người đã tham gia vào việc xây dựng. Khởi nguyên, có hai kiến trúc cao 100 mét, vào thời điểm đó được coi là công trình xây dựng cao nhất thế giới sau Kim Tự Tháp Ai Cập. Chùa bị phá hủy và hư hại nhiều lần, hoặc vì động đất, bị đốt cháy, hoặc nhiều lý do khác. Lần cuối cùng chùa được xây dựng lại là vào năm 1709, chỉ cao có 48 mét 74, và bề ngang nhỏ hơn kiến trúc nguyên thủy khoảng 30%, nhưng cũng đủ đứng đầu thế giới hiện nay về loại hình kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ. Trong chính điện là một bức tượng Phật Tỳ Lô Giá Na vĩ đại bằng đồng đen, nguyên thủy cao 16 mét, nhưng cũng được làm lại nhiều lần, và bức tượng hiện nay chỉ cao 14 mét 98 mà thôi. Phật Tỳ Lô Giá Na, hay Đại Nhật Như Lai, tượng trưng cho Trí huệ, là vị cổ phật được tôn sùng trong Chân Ngôn Tông, cũng là biểu tượng cho Pháp thân trong Hoa Nghiêm Tông, thuyết giảng lý vô tận duyên khởi thậm thâm trong Phật giáo Đại Thừa. Theo lời dạy của Phật Thích Ca, Phật và chúng sinh đồng một thể, chỉ có khác nhau là mê hay ngộ mà thôi, và người vật muôn loài đều không sai khác, vì vậy trong khuôn viên chùa, cũng như trong toàn thành phố Nara, có nuôi nhiều nai sika, một loài linh vật được coi là sứ giả của người trời theo tín ngưỡng Thần Đạo. Có trên một ngàn con nai như thế đi dông khắp thành phố. Những con nai đẹp đẽ đi lại thoải mái, tự nhiên ăn đồ ăn từ tay du khách, không thấy dấu hiệu sợ sệt lo âu nào. Đúng hôm chúng tôi đến thăm chùa có gặp nhiều học sinh đến viếng, từng đoàn trai gái ồn ào vui nhộn, mặc đồng phục sậm màu.
Phần cuối cùng của ngày du lịch, chúng tôi đến Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, với lâu đài tướng quân cao chót vót ngay giữa trung tâm thành phố. Khi chúng tôi đến nơi thì trời đã ngả về chiều, thành phố có vẻ thoảng khoát và được xây dựng có mỹ thuật tổ chức hơn ở thủ đô Tokyo nhiều. Bên ngoài khu lâu đài tướng quân là vườn hoa anh đào nở rộ, trông rất đẹp mắt. Chúng tôi vào đến tận trong khu lâu đài tướng quân, và dùng cơm chiều theo lối Nhật Bản, thấy người Nhật rất quan tâm đến khía cạnh mỹ thuật của việc ăn uống, những chén bát, cách sắp xếp trên khay cũng đều có tính toán tỉ mỉ.
Khi ra về, thấy lâu đài tướng quân được thắp sáng trong màn đêm, trông như một viên ngọc bích, xứng đáng là một thắng cảnh cho du khách trên khắp thế giới đến thăm.
Tối hôm đó, chúng tôi dừng chân nơi khách sạn New Hankyu Hotel ở Osaka. Đây là một khách sạn sang trọng trong một khu vực thương mại đông đúc. Ngảy thứ tư này của chuyến du lịch trong đảo Honshu, đảo lớn nhất và quan trọng nhất của quần đảo Nhật Bản, là ngày đáng giá nhất, với những phong cảnh và thắng tích xứng đáng đại diện cho nền mỹ thuật Phù Tang, có thể sánh với bất cứ nền văn minh nào trên thế giới.
Buổi sáng, trước khi rời Osaka, chúng tôi dùng một bữa điểm tâm buffet rất phong phú, với nhiều món ăn Nhật Tàu Tây, tôi nghĩ giá tiền cũng khoảng 30 Mỹ Kim. Tiếp theo đó, xe lên đường quay trở lại hướng Tokyo. Lần đi về này chẳng có chi là hứng thú lắm, vì đi xe suốt buổi sáng mới tới một đền Thần Đạo lạ đời, là nơi những người hiếm muộn con cái thường đến cầu xin cho được sinh quý tử, nên những hình tượng thờ là những ‘của quý’ của các ông. Ai nhìn vào cũng phải bật cười.
Buổi tối hôm đó, sau một nửa ngày dài nữa trên xe, chúng tôi đến thành phố Atami, là một nơi nghỉ mát, một thị trấn miền biển, đồng thời cũng là nơi có nhiều suối nước nóng, không xa Tokyo lắm. Chúng tôi nghỉ ngơi tại khách sạn Sun Resorpia, ngay cạnh bờ biển, và buổi tối tham dự một buổi dạ yến chia tay cho đoàn, với những món ăn Nhật Bản đặc biệt, trong một căn phòng trang trí theo kiểu Phù Tang, thực khách ăn mặc theo lối truyền thống, với trang phục yukata nhẹ nhàng hơn kimono, nhưng cũng thật là mỹ thuật.
Những phòng trong khách sạn này trang trí theo kiểu Nhật thuần túy, với nơi tiếp khách trải nệm tatami, bàn thấp lè tè, phải ngồi theo lối Nhật Bản khi uống trà. Trong đêm, nghe tiếng sóng biển vỗ vào bờ nghe rất nên thơ gợi cảm.
Sáng hôm sau, khách sạn lại đãi một bữa sáng theo kiểu Nhật thật xuất sắc, với cá nướng và soupe ghẹ, có các cô chiêu đãi mặc áo kimono Nhật Bản thật xinh xắn tiếp đồ ăn cho khách.
Trên đường trở về Tokyo, chúng tôi ghé hải cảng Yokohama, thăm phố Tàu, suốt dọc những con đường dài toàn là tiệm ăn, nhưng đồ ăn thức uống rất đắt. Chúng tôi ghé thăm một siêu thị nhỏ gần đấy để xem thử giá cả ra sao. Thấy một quả chuối giá 1,5 Mỹ Kim, một quả soài giá 8 MK, một quả táo 6 MK, một quả cantaloupe cỡ trung giá 13MK. Quả thật nếu đi chơi Nhật mà không theo kiểu packaged tour thì chắc khó mà chịu cho thấu.
Nói chung, chuyến đi đã đem lại cho chúng tôi nhiều vui thú, và tôi đặc biệt hài lòng vì đã được đến thăm Kim Các Tự, một công trình kiến trúc vượt xa sự mong đợi của tôi. Chùa Đông Đại Tự cũng là một kỳ quan mà tôi không thể ngờ trước được là có thể vĩ đại và mỹ thuật đến thế.
Điều nhận xét của riêng tôi, là người Nhật rất sạch sẽ ngăn nắp, sống trong ý thức rất cao về nghệ thuật, tuy riêng về mặt ăn uống thì tôi thật sự thất vọng, vì hình như người Nhật chỉ biết làm việc chứ không màng đến sự ăn uống, mà riêng như tôi nghĩ thì ăn uống là một trong những khía cạnh quan trọng bậc nhất của đời sống con ngưòi.
Có một điều vui vui đáng đề cập trong chuyến đi Nhật kỳ này mà tôi cũng muốn kể lại ra đây: trong hầu hết những khách sạn mà chúng tôi ghé qua, đều có một loại bồn vệ sinh rất đặc biệt hiện đại, với những nút bấm làm phun ra vòi nước để làm vệ sinh, cho phụ nữ cũng như cho việc đại tiện. Hình như về mặt này chưa nước nào theo kịp Nhật Bản về tính cách hiện đại và tiện nghi.
Sau chuyến đi, tôi có cảm hứng làm ra một số bài thơ kể lại toàn bộ cuộc du lịch, cũng như vài kỷ niệm đáng nhớ. Hy vọng sau này sẽ có dịp đưa lên mạng để độc giả thưởng lãm.

KIM VŨ

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003