Apr 25, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442): CHÂN DUNG và SỰ NGHIỆP. Tại sao có Vụ Án Lệ Chi Viên?
Hải Bằng HDB
*
Phần I
• Nguyễn Trãi Là Ai và Bối Cảnh XH
• Nguyễn Trãi: Sơ L ược Sự Nghiệp Văn Học
*
Nguyễn Trãi là một nhân tài xuất chúng và là đại công thần của Nhà Hậu Lê. Sau khi Vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời tại Lệ Chi Viên ở Bắc Ninh, cả ba dòng họ (cha, mẹ, và vợ) của Nguyễn Trãi đều bị ghép vào tội chết (tru di tam tộc). Thân tộc Nguyễn Trãi phải trốn tránh và thay họ đổi tên, nên nhiều gia phả còn lại có những ghi chú khác biệt.

Ngoài công đức giúp Lê Thái Tổ tức Lê Lợi thành công trong cuộc kháng chiến mười năm đánh đuổi quân Nhà Minh, Nguyễn Trãi còn để lại cho đời nhiều áng thi văn rất giá trị cho những nỗ lực nâng cao nếp sống văn hóa của dân tộc ta. Năm 1980, nhân ngày Lễ Sinh Nhật thứ 600 của Nguyễn Trãi, Tổ Chức UNESCO - tức Tổ Chức Văn Hóa Khoa Học và Giáo Dục Liên Hiệp Quốc – đã công nhận ông là Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới.

I.- Nguyễn Trãi là Ai

Ông là nhân vật trụ cột giúp Lê Lợi thành công trong cuộc Khởi Nghĩa Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) mười năm đánh thắng quân Minh kể từ năm 1418 đến 1427. Nếu không có ông, cuộc kháng chiến của Lê Lợi có thể cũng chỉ đi đến thất bại như các cuộc lớn nổi dậy khác của con cháu Họ Trần, chẳng hạn, cuộc nổi dậy của Trần Ngỗi (1407) hay của Trần Quý Khoáng (1409). Sự kiện này chứng tỏ nhân sự bao giờ cũng là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công hay thất bại.

Tài của Nguyễn Trãi sáng chói không những trong lãnh vực văn học mà còn cả trong lãnh vực chính trị và quân sự nữa. Có thể nói: tài trí của ông là tài trí cộng hưởng của Trương Lương và Hàn Tín thời Hán Sở tranh hùng.

Trương Lương giúp Hán Cao Tổ (Lưu Bang) đem Hịch đi chiêu tập các chư hầu; Hàn Tín dâng Sách Lược tổ chức binh đội, huấn luyện quân sĩ, trinh sát thăm dò địa thế, và thu phục trăm họ. Kết quả Hán Cao Tổ thắng Hạng Võ và chiếm được Trung Nguyên.
Nguyễn Trãi giúp Lê Thái Tổ (Lê Lợi) hiến “Bình Ngô Sách” tức là kế sách căn bản để chiến thắng quân Minh. Ðây là bản phân tích tình hình ta và địch rất chính xác và đưa ra các chiến lược và chiến thuật để giành lấy chiến thắng. Lê Lợi đọc Bình Ngô Sách, tưởng như bắt được vàng, lập tức giữ Nguyễn Trãi ngày đêm ở bên cạnh để hỏi ý kiến. Ngô Thế Vinh viết trong đề tựa Ức Trai Di Tập: “Bình Ngô Sách hiến mưu chước lớn: không nói đến việc đánh thành mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người.”
Nguyễn Trãi xứng đáng được xếp ngang hàng với Lý Thường Kiệt và Trần Quốc Tuấn. Tiếc thay vào cuối cuộc đời trung liệt của ông, ông lại bị kết án tru di tam tộc qua “Vụ Án Lệ Chi Viên” sẽ phân tích sau.

Tiểu Sử Nguyễn Trãi

Theo tài liệu của ông Nguyễn Khắc Kham, Giáo Sư giảng dạy Ðại Học Văn Khoa, Saigòn (trước 1975), Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là Phủ Thường Tín), tỉnh Hà Ðông sinh năm 1380 trong tư dinh ông ngoại là Trần Nguyên Hãn và bị tử hình năm 1442. Cha là Nguyễn Ứng Long tức Nguyễn Phi Khanh; mẹ là Trần Thị Thái, con của Trần Nguyên Hãn.

Theo gia phả còn để lại, Nguyễn Trãi có 5 bà vợ: (1) Trần Thị Thái sinh ra Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù; (2) Bà họ Phùng sinh ra Nguyễn Thị Trà, Nguyễn Bảng, Nguyễn Tích; (3) Nguyễn Thị Lộ: không có con, nhưng có con nuôi là con của Thái Bảo Ngô Từ tên là Ngô Chi Lan sau đổi thành Nguyễn Hà Huệ (Ngô Từ còn có con gái tên Ngô Thị Ngọc Dao là vợ cuả Lê Thái Tông và sinh ra Vua Thánh Tông); (4) Phạm Thị Mẫn sinh ra Nguyễn Anh Vũ; (5) Bà họ Lê ở Hải Dương sinh ra vài người con không rõ tên.
Thân tộc và con cháu lánh nạn còn sống sót lại sau Vụ Án Lệ Chi là: Nguyễn Phi Hùng (em); Nguyễn Phù (con) đổi sang dòng họ Bế Nguyễn; bà vợ thứ tư họ Phạm lúc bị vạ đang mang thai, chạy trốn thoát về Thanh Hóa, sau này sinh con ra lấy họ mẹ và mang tên là Phạm Anh Vũ; bà vợ thứ năm họ Lê trốn thoát về Hải Dương.

Trong một cuộc thảo luận tổ chức tại Ðại Học Văn Khoa Saigòn (trước 1975), Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham đã mời được ba vị hậu duệ của Nguyễn Trãi đến tham dự. Ba vị đó là (1) ông Nguyễn Trọng Huy (62 tuổi), cháu đời thứ 16 của Nguyễn Trãi tính từ Nguyễn Phi Khanh; (2) ông Nguyễn Quế (69 tuổi); và (3) ông Nguyễn Quang (70 tuổi). Ông Nguyễn Trọng Huy, nguyên Hiệu Trưởng Trường Cầu Kho cho biết: ông sinh năm 1901, theo ngành giáo dục và di cư vào Nam 1954, làm hiệu trưởng trường Cầu Kho, rồi về hưu năm 1958.

Dòng họ di cư vào Nam dành riêng một ngôi nhà ở số 114 đường Cống Quỳnh làm từ đường tạm thời để thờ cụ Tổ. Riêng ở ngoài Bắc thì tại làng Nhị Khê (dòng họ Nguyễn Nhị Khê ở Hà Tây) hiện có một đền thờ trùng tu năm 1927. Trong đền có một bức tranh lụa rất lớn họa hình Nguyễn Trãi lớn như thật, mặc áo đại trào, ngồi trên chiếc ghế cổ trông như ngai vàng. Bức họa này do một họa sĩ người Tầu vẽ vào năm Nguyễn Trãi vào tuổi thọ 60 lúc về nghỉ hưu tại Côn Sơn. Hàng năm, cứ đến ngày 16 tháng 8 âm lịch, thân tộc tụ tập tại từ đường tổ chức giỗ Ngày Nguyễn Trãi thọ hình tức húy nhật.

Cuộc đời của Nguyễn Trãi gắn liền với bối cảnh xã hội nên cần phải xét lại tình hình xã hội lúc đó có những biến cố quan trọng gì.

Hồ Quý Ly Soán Ngôi Nhà Trần

Vào giai đoạn này, Nhà Trần bước vào giai đoạn suy vi vì cuộc sống trụy lạc của các vua Trần, đặc biệt là Trần Dụ Tông (1341 – 1369). Năm 1363, Dụ Tông sai sửa sang vườn Hậu Uyển, đào hồ lớn, chất đá làm núi, chở nước mặn vào hồ để nuôi đồi mồi, cá biển, và nuôi cá sấu trong vườn ... Sách Cương Mục ghi: “Dụ Tông nghiện rượu, mê đàn hát, xa xỉ, làm cung điện nguy nga với tường vách trạm trổ, lãng phí tiền của, hoang dâm chơi bời; món gì Dụ Tông cũng mắc. Cơ nghiệp Nhà Trần sao khỏi suy nhược?” Nhiều nơi trong nước đã có nhiều biến loạn như các cuộc nổi dậy của Ngô Bệ (1344), Trần Tề (1354), và Phạm Sư Ôn (1389). Vào thời điểm này, Hồ Quý Ly đã có mưu đồ đoạt ngôi Nhà Trần.

Tổ tiên của Hồ Quý Ly là Hồ Liêm gốc ở Nghệ An, sau dời ra Thanh Hóa và được làm con nuôi của một vị đại quan đời Nhà Trần. Quý Ly có hai người cô lấy Trần Minh Tông sinh ra các vua Hiến Tông, Nghệ Tông, và Duệ Tông. Quý Ly lại lấy công chúa Huy Ninh, con gái của Trần Nghệ Tông, nhờ đó, uy thế của Quý Ly rất lớn và tất nhiên dễ dàng đưa Quý Ly nghĩ tới hành động soán đoạt ngôi Nhà Trần tương tự như trường hợp của Trần Thủ Ðộ đã khéo léo chiếm đoạt cơ nghiệp Nhà Lý vào năm 1226 khi Trần Thủ Ðộ ép công chúa Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chống là Trần Cảnh. Ðây chính là sự kiện gọi là “lịch sử tái diễn”.

Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi Vua Trần Thiếu Ðế và tự xưng Hoàng Ðế. Họ Hồ cho thanh toán hết thân thích họ Trần. Gia đình Quan Tư Ðồ Trần Nguyên Hãn, ông ngoại của Nguyễn Trãi, nhờ kết sui gia với Hồ Quý Ly nên được yên ổn. Cũng năm 1400, ở tuổi 20, Nguyễn Trãi đi thi và đậu Thái Học Sinh (Tiến Sĩ) và được cử giữ chức Ngự Sử Ðài Chánh Chưởng. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh được cử làm Ðại Lý Tòa Trung Thư kiêm Hàn Lâm Học Sĩ Quốc Tử Giám.

Hồ Quý Ly tuy có tài giỏi nhưng không được lòng dân. Con cháu họ Trần nhiều lần ám hại Hồ Quý Ly nhưng đều thất bại. Năm 1404, Trần Thiêm Bình trốn sang Tầu xưng là con của Trần Nghệ Tông và xin Vua Nhà Minh giúp trừng phạt họ Hồ. Nhân cơ hội này, Nhà Minh sai sứ sang đòi Nhà Hồ cắt đất Lộc Châu nhường cho Trung Quốc. Hồ Quý Ly phải nhượng bộ.
Tuy nhiên ý đồ Nhà Minh trước sau là chiếm nước ta. Nên vào năm 1406, Nhà Minh cho 5000 quân đưa Thiêm Bình về nước nhưng bị Hồ Quý Ly kháng cự và quân Minh thua to, phải giao Thiêm Bình cho Nhà Hồ. Có lẽ đó chỉ là mưu thâm của Nhà Minh muốn thăm dò phản ứng và triệt hạ Thiểm Bình. Ngay năm đó, Nhà Minh cử Trương Phụ dẫn đại quân vượt Ải Nam Quan đánh thốc xuống đồng bằng sông Hồng. Ðến đầu mùa hạ năm 1407, Trương Phụ kéo vây Tây Ðô (Thanh Hóa) bắt sống được cha con Hồ Quý Ly giải về Kim Lăng (Tầu). Hồ Quý Ly bị đầy ở Quảng Tây, còn Hồ Nguyên Trừng được tha nhờ biết đúc súng thần công. Hồ Quý Ly tuy có tài nhưng không có chính nghĩa, không thu phục được lòng người nên không có sức mạnh để chống quân Minh.

Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi cũng bị giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi và người em là Nguyễn Phi Hùng khóc lóc theo lên tận Ải Nam Quan. Truyện kể lại rằng nhân lúc vắng vẻ, Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi: “ Con là người có học lại có tài. Vậy nên tìm cách rửa nhục cho nước và trả thù cho cha. Lọ là cứ phải đi theo cha, khóc lóc như đàn bà mới là hiếu sao?”

Nguyễn Trãi Tìm Phò Lê Lợi

Nguyễn Trãi nghe lời cha trở về Ðông Quan (Thăng Long) với tấm lòng của một người phải làm một cái gì để rửa nhục cho đất nước và báo thù cho cha. Theo sử gia Phan Huy Chú, Tướng Nhà Minh là Trương Phụ ép Nguyễn Phi Khanh viết thư gọi con ra trình diện. Nguyễn Trãi ra trình diện nhưng từ chối hợp tác. Nhờ Hoàng Phúc can thiệp, Nguyễn Trãi được tha chết nhưng bị giam lỏng ở Đông Quan tức Thăng Long (Hà Nội). Sau đó, khoảng 1416, nghe tin Lệ Lợi chiêu tập hiền sĩ, ông tìm cách thoát thân và cùng với Trần Nguyên Hãn (em họ) vào Thanh Hóa ra mắt Lê Lợi. Trong chuyến đi này, theo Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn, có Thị Lộ đi theo với phong cách lúc nào cũng tỏ ra đoan trang, hoạt bát, và vui vẻ.

Trong cuộc hội kiến lần đầu này, truyện kể lại Hãn có nhận xét: “Lê Lợi có tướng như Việt Câu Tiễn”, nghĩa là, chỉ có thể giúp nhau trong lúc hoạn nạn; không thể ở với nhau lúc sung sướng, nên cả hai cùng bỏ đi. Nhưng, một thời gian sau, nghe tin Lê Lợi sắp dựng cờ khởi nghĩa, ông lại cùng Trần Nguyên Hãn, hai người đổi tên là Trần Văn và Trần Võ, tìm vào Lôi Giang yết kiến Lê Lợi. Lần này, sử sách ghi: “Hãn lén thấy Lê Lợi uy nghiêm, khí tướng thay đổi”. Bấy giờ, Hãn mới dâng kiếm báu của nội tổ là Trần Quang Khải, còn Nguyễn Trãi thì dâng Bình Ngô Sách. Lê Lợi xem như bắt đưọc hai báu vật: thanh kiếm giúp quy phục con cháu Họ Trần và lòng dân; Bình Ngô Sách giúp kế sách chiến thắng Quân Minh. Từ đó, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn luôn luôn ở bên cạnh Lê Lợi như là hai cánh tay mặt và trái của Lê Lợi trong suốt 10 năm kháng chiến. Ngoài Bình Ngô Sách, Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi tổ chức hai Hội Thề để củng cố tinh thần đoàn kết và chấm dứt chiến tranh với Nhà Minh.

Hội Thề Lũng Nhai (1416)
Tương Tự như Vườn Đào Kết Nghĩa

Năm 1416, sau khi 18 vị anh hùng, hào kiệt khắp nơi đã quy tụ đông đủ dưới ngọn cờ của Lê Lợi, và để củng cố tinh thần đoàn kết, Lê Lợi tổ chức ngày ăn thề gọi là Hội Thề Lũng Nhai trong rừng Lam Sơn, Thanh Hóa. Trong Hội Thề này có thể Nguyễn Trãi chưa có mặt. Sau đó, con số tăng thêm và gồm: Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Thân, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Lê Hiếu, Lê Liêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Nguyễn Thận, Trần Nguyên Hãn, Cẩm Quý, Xa Khả Tham, , Lý Tuấn, Trịnh Khả, Trịnh Võ, Trương Lôi, Trương Chiến, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Bùi Quốc Hưng, Võ Uy.

Theo Hoàng Xuân Hãn, lời thề đó do Lưu Nhân Chú tuyên đọc như sau:

Nay ở nước tôi, tôi phụ đạo Lê Lợi đứng đầu với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ. Tuy phần vinh hiển có khác nhau, nhưng nguyện đem tình đối xử với nhau như người không khác họ.

Nếu có bè đảng nào, vì muốn xâm tiếm, tỏ vẻ xem chừng sắp vượt cửa vào để làm hại, thì: Ví bằng chúng tôi đây, Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, có đều hiệp lực đồng tâm chống giữ địa phương để làng xóm được yên; nếu chúng tôi sống chết cùng nhau không quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị thần linh chứng giám cho, ban xuống trăm điều lành, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều được yên lành để đời đời hưởng lộc Trời. Ví bằng Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến lại ra ý đổi đường, tìm sướng hiện thời, mập mờ sao lãng, không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời. Kính cẩn tâu trình.

Hội Thề Đông Quan (1427)
Buộc Quân Minh Bỏ Ý Đồ Xâm Lược

Trong thời gian Tướng Minh là Vương Thông thua nhiều trận và phải cố thủ ở thành Đông Quan chờ viện binh từ Trung Quốc giải vây, phần đông các tướng cho ý kiến phải rút đánh hạ thành Đông Quan để tránh nguy cơ “nội ứng”. Riêng Nguyễn Trãi đưa ra lý luận:

Đánh Đông Quan là hạ sách. Nếu ta đánh thành kiên cố đó, ta phải mất mấy tháng hay hàng năm mà chưa chắc đã hạ nổi và quân sĩ ta lại bị mệt mỏi. Đang khi đó thì viện binh của địch kéo đến, ta bị địch đánh cả đằng trước, đằng sau, đó là rất nguy. Chi bằng ta hãy nuôi sức khỏe, chứa dũng khí, chờ đánh viện binh. Khi viện binh đã bị phá, tất nhiên quân trong thành không đánh cũng hàng. Thế là ta chỉ khó nhọc có một phen mà thu lơị gấp hai.

Lê Lợi ngả theo ý kiến của Nguyễn Trãi. Kết qủa diễn ra đúng như dự tính của Nguyễn Trãi: hai đạo viện binh do Liễu Thăng và Mộc Thạch bị phục binh đánh tan ngay khi vào khỏi biên giới. Vương Thông phải mở thành Đông Quan ra hàng và phải dự “Hội Thề Đông Quan”: cam kết rút quân về nước và không xâm phạm nữa.

Sau chiến thắng này, Nguyễn Trãi lại thảo Bình Ngô Đại Cáo để bố cáo cuộc kháng chiến chống quân Minh đã thành công vẻ vang. Bình Ngô Đại Cáo được đánh gíá là Bản Tuyên Ngôn ĐộcLập lần thứ hai sau Bản Tuyên Ngôn Độc Lập lần thứ nhất của Ngô Quyền tức bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”:

Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư


Bản Tuyên Ngôn do Nguyễn Trãi thảo có đoạn viết đại ý:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Như nước Đại Việt ta tù trước vốn xưng nền văn hiến đã từ lâu. Nước non bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc, Nam cũng khác. Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương. Tuy mạnh, yếu có lúc khác nhau; song hào kiệt thời nà cũng có”. (Theo bản dịch của Ngô Tất Tố).

II.- Nguyễn Trãi: Sơ Lược Sự Nghiệp Văn Học

Ngoài hai công trình nổi tiếng Bình Ngô Sách và Bình Ngô Đại Cáo giúp đưa Nguyễn Trãi lên vị trí hàng đầu của các danh nhân Việt Nam ở thế kỷ thứ 15, ông còn để lại nhiều tác phẩm văn chương viết bằng chữ Hán và chữ Nôm nhằm giúp nâng cao nếp sinh hoạt văn hóa của dân tộc ta. Đó chính là những yếu tố căn bản để Cơ Quan Văn Hóa, Khoa Học, và Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc công nhận ông là Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới.

Sau vụ Án Lệ Chi Viên, nhiều sáng tác của ông bị thất tán. Những tác phẩm hiện nay được ghi nhận là : Quốc Âm Thi Tập, Ức Trai Thi Tập, Quân trung Từ Mệnh Tập, Dư Địa Chí, Lam Sơn Thực Lục, Núi Chí Linh (phú), Lam Sơn Vĩnh Lăng Thần Đạo Bí, và Ngọc Đương Di Cảo.

Riêng bài “Bán Chiếu Gon”, có giả thuyết cho là không phải của ông vì trong những bài thơ của ông, không có một bài nào khác có tính bỡn cợt như vậy. Hơn nữa, địa vị và phẩm cách của ông cũng không cho phép ông làm như vậy. Bài thơ “Bán Chiếu Gon” có thể được thêu dệt cùng với chuyện rắn báo oán nhằm giảm bớt đi lòng phẫn nộ của dân chúng trước cái chết bi thảm của một vị đại công thần và một bậc tài hoa: Nguyễn Trãi và Thị Lộ.

Thi phẩm Gia Huấn Ca viết bằng quốc ngữ hồi đ ó (Nôm) là những bài thơ dạy dỗ con cháu trong nhà.

Theo cuốn Việt Nam Văn Học xuất bản năm 1960, ông Phạm Văn Diêu đã dựa vào những tài liệu của hai nhà biên khảo Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm viết một bài “Dẫn” ghi đầy đủ về tập Thơ Quốc Âm của Nguyễn Trãi. Trong bài Dẫn đó có một mục lục cá bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi được chia ra từng loại như sau:

1. Loại vô đề gồm 192 bài sắp thành 14 mục: Thủ Vĩ Ngâm, Ngôn Chí, Mạn Thuật, Trần Tình, Thuật Hứng, Tự Thán, Tự Thuật, Tức Sự, Tự Giới, Bảo Kinh Cảnh Giới, Qui Côn Sơn, Trùng Cửu Cảm Tác, Giới Sắc, và Huấn Nam Tử.

2. Loại Thời Lệnh nói về thời tiết gồm 21 bài chia ra làm 9 mục: Tảo Xuân Đắc Ý, Trừ Tịch, Vãn Xuân, Xuân Hoa, Tuyệt Cú, Tích Cảnh Tuyệt Cú, Thủy Trung Nguyệt, và Thủy Thiên Nhất Sắc.

3. Loại Hoa Mộc nói về hao và cây gồm 33 bài chia ra làm 23 mục: Mai, Cúc, Hồng Cúc, Tùng, Trúc, Đào, Mẫu Đơn, Thiên Tuế Thu, Ba Tiêu, Mộc Cận, Gía, Lảo Dung, Mộc Hoa, Mạt Lị, Liên Hoa, Hòe, Cam, Trường Yên, và Dương.

4. Loại cầm thú nói về muông thú, gồm 7 bài chia ra: Lảo Hạc, Nhạn Trận, Điệp Trận, Miêu, Trư, Thái Cầu, Nghễng, và Trung Ngưu.
Tổng cộng là 253 bài.

Tóm lại thơ của Nguyễn Trãi trải rộng nhiều thể loại chứng tỏ tâm tư tình cảm của ông cảm ứng với vạn vật. Đây là vài câu trích dẫn:

Côn Sơn Ca
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm

Hoa Đào
Một đóa hoa đào khéo tốt tươi
Cánh xuân mơn mởn, thấy xuân cười
Đông phong ắt có tình chăng tá
Kín tiễn mùi hương dễ động người
*
Tháng 7 năm 1442, Vua Lê Thái Tông bất ngờ qua đời trong khi thăm viếng trại vải của Nguyễn Trãi ở Bắc Ninh. Cả ba dòng họ Nguyễn Trãi bị xử tội ám hại nhà vua. Đó là vụ “Án Lệ Chi Viên”. Tiếc thay một con người tài hoa như vậy lại chịu một nỗi oan ức để cả ba họ bị tru di. Thật đúng là:

Chữ tài liền với chữ tai một vần!
(Nguyễn Du: Kiều)
(Xin coi tiếp phần II: Nguyễn Trãi và Vụ Án Lệ Chi Viên)
*


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003