May 03, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
NIỀM RIÊNG
LÊ THỊ NHỊ

Ra khỏi phòng mạch bác sĩ, Thương Thương lảo đảo, đi không vững. Nàng tựa vào Sơn, chồng nàng, mặc cho chàng dìu đi trên lối hành lang bệnh viện dài hun hút.
Nỗi đau đớn tận cùng đã làm tê cứng thân thể nàng. Nước mắt cũng đông đặc, không thể trào ra được nữa.
Lời nói cuối cùng của vị bác sĩ như một bản án tử hình đối với con gái nàng còn văng vẳng bên tai:
- Chúng tôi rất tiếc, kết quả thử nghiệm cho biết tủy sống của tất cả mọi người trong gia đình ông bà đều không hợp với cô ấy.
Thương Thương mơ hồ thấy cánh cửa đen ngòm mở toác ra rồi đóng ập lại, nhốt hai vợ chồng nàng vào một căn phòng nhỏ, tối om. Bỗng một điểm sáng lóe lên. Rồi căn phòng tuồn tuột rơi xuống không ngừng. Cảm giác hụt hẫng và sợ hãi khiến nàng nhắm nghiền mắt lại, ôm chặt lấy chồng.

Khi Thương Thương mở mắt ra thì cánh cửa đen ngòm và căn phòng tối om đã biến mất. Chung quanh nàng, một khoảng không gian mênh mông, trắng xóa. Mặt trời thật gần, đang tỏa ra những tia sáng chói lòa. Nàng nhìn thấy những bóng trắng chập chờn di động. Họ có thân hình của loài người, nhưng khuôn mặt thì vô cùng dị dạng. Người có mắt thì không mũi, người có mũi thì không tai, không miệng. Cũng có người cụt cả hai chân, hai tay.
Bỗng một bóng trắng chạy đến, ôm lấy nàng, khóc nức nở. Thương Thương không nhìn rõ mặt người lạ. Nhưng vòng tay và hơi thở của người này, đối với nàng dường như quen thuộc lắm. Nàng nhíu mày, nghĩ mãi không ra đã gặp người này ở đâu và bao giờ? Nhưng mà nụ hôn nồng nàn và bàn tay luồn vào mái tóc nàng gãi gãi, nghịch ngợm như thế thì chỉ có Văn thôi. Không thể là ai khác được.
Nàng ôm cứng lấy Văn. Những giọt nước mắt lăn dài trên má. Anh về với con và em đây ư? Cảm ơn Trời Phật. Vậy mà người ta cứ bảo máy bay của anh bị bắn rơi ở Đồng Hới. Vậy mà người ta cứ bảo, xác của anh, chân tay co quắp, cháy đen như con heo quay.
Ô hay, sao tóc của anh còn đen thế này? Sao trên mặt anh chẳng hề có vết nhăn? Anh vẫn trẻ, vẫn đẹp trai, lịch lãm, như trong đêm dạ vũ của không đoàn năm xưa. Cái đêm mà trọn đời em không quên, ngàn năm em vẫn nhớ. Cái đêm chúng ta đã quên đi những hệ lụy của cuộc sống, để đưa nhau vào mộng, đón con vào đời.
Hằng Nga, tên con gái yêu quý của chúng ta đó anh. Trong giấy khai sinh, dưới mắt mọi người kể cả Sơn thì Hằng Nga là Nguyễn Thị Hằng Nga. Xin lỗi anh, em đã không cho con mang họ Trần. Vì em nghĩ, con cần có một người cha, mà Sơn thì thật xứng đáng. Và nhất là vì em thù hận gia đình anh. Trong em, trong con, chỉ có anh, không có họ Trần nào cả. Khi có anh bên cạnh, vì tình yêu của anh, em đã nghiến răng chịu đựng sự khinh miệt của gia đình anh đối với em. "Đũa mốc lại trèo mâm son". " Cái thứ ăn xó mó niêu ấy, về làm dâu nhà mình không được đâu..."
Mất anh rồi, em như con ngựa bất kham. Khi được tin máy bay của anh lâm nạn, mẹ và em gái anh đã đến tìm em tại căn nhà tôn ọp ẹp, nơi chúng mình trốn chui trốn nhủi để được gần nhau. Em bị chửi mắng thậm tệ. Mẹ anh cho rằng em có số sát chồng, vì em mà anh chết. Thái độ xấc xược của em gái anh, em đã đáp lại bằng những cái tát nẩy lửa. Những lời cay nghiệt của mẹ anh, em đã trả lời bằng những hét la.

Khi biết được một mầm sống đang hình thành trong bụng, em vô cùng sung sướng. Em hãnh diện cưu mang dòng máu của anh, người mà em yêu trọn đời, trọn kiếp. Em Dấu kín việc em có thai. Nhất định, nhất định không bao giờ em cho bà mẹ độc ác của anh có cái hạnh phúc là bà ta có một đứa cháu, con của anh.
Em vội vã thành hôn với Sơn, một anh lính hiền hòa dễ mến. Tội nghiệp Sơn, chàng chẳng hề thắc mắc khi thấy Hằng Nga không có nét nào giống mình. Chàng thường bảo: "Hồi có mang con, em yêu em nhiều hơn là em yêu anh nên nó giống em."
Hôm nay thì Sơn đã biết sự thật. Thái độ bình thản và sự lo lắng cho con, cho em của Sơn, khiến em yên tâm nhưng cũng vô cùng xấu hổ. Em đã lừa dối chàng gần ba mươi năm qua. Niềm riêng mà em ấp ủ trong lòng bấy lâu, nhức nhối như một mụn nhọt, bỗng òa vỡ. Anh đã biết. Sơn đã biết. Em thấy nhẹ cả người.
Mà kìa, tại sao anh không nói với em một lời? Anh giận em đấy ư? Tội nghiệp em mà. Em là người, em không phải là thần tiên, cây cỏ. Mà đã là người, ai cũng biết yêu thương, hờn giận, thù ghét. Anh đừng bắt em phải thương yêu mẹ anh. Anh đừng bắt con phải mang họ Trần trong khi một người mang họ Nguyễn dưỡng nuôi.
Em vẫn thấy mình có lỗi với Sơn. Vì tuy sống bên chàng mà ngày ngày, tháng tháng, năm năm, em vẫn tưởng nhớ tới anh. Hình như những mất mát lớn lao trong đời, như em mất anh, không thể thay thế, phải không anh? Trong suốt một đời người, có những lúc chúng ta không thể sống theo lý trí hay một khuôn mẫu. Chẳng hạn như khi xưa, chúng ta đã cưỡng lại gia đình, âm thầm kết hôn với nhau. Chẳng hạn như lúc này, lý trí em bảo phải buông anh ra, vì em đã là vợ của Sơn. Nhưng em nghe tiếng lòng em rung theo nhịp thở của anh. Em thấy vòng tay em quấn chặt lấy anh và môi em run run chờ đợi.
Ô hay! Sao anh lại gỡ tay em ra? Sao anh lại đẩy em nằm xuống giường một mình? Vòng tay anh đâu? Môi hôn anh đâu? Ồ, hay là anh hết yêu em rồi? Có phải vì tóc em đã bạc, da em đã nhăn, môi em đã khô héo? Anh ơi! Hãy vuốt tóc em, cho tóc em xanh. Hãy ôm em, cho da em hồng. Hãy hôn em, cho môi em tươi thắm. Vì tình yêu của anh, đối với em, như mưa nắng đầu xuân, cho cây xanh lá, cho cỏ mượt mà, cho hoa thơm ngát.
Mặc cho Thương Thương nài nỉ, thiết tha, bóng Văn nhòa dần rồi khuất hẳn. Thương Thương chỉ còn thấy lờ mờ hai hốc mắt sâu hoắm. Nàng dơ tay lên, bàn tay năm ngón xương xẩu run run, níu kéo. Nước mắt nàng giàn giụa.
Sơn nắm bàn tay nhỏ nhắn của vợ. Chàng hỏi bác sĩ, giọng lo lắng:
- Bệnh tình của vợ tôi ra sao, thưa bác sĩ?
- Không sao ông ạ, bà ta bị xúc động mạnh nên ngất xỉu đi đấy thôi. Tuy nhiên tôi muốn giữ bà ở lại nhà thương tới ngày mai.
Vị bác sĩ chào Sơn rồi đi ra khỏi phòng. Sơn ngồi xuống cái ghế bên cạnh giường bệnh. Bàn tay chàng vẫn nắm chặt tay của Thương Thương như muốn truyền cho nàng sức mạnh. Chàng lặng lẽ ngắm gương mặt xanh xao, hốc hác của vợ, khe khẽ thở dài. Con đau mới hai tháng mà tinh thần và thể chất Thương Thương đã suy sụp một cách thảm hại. Thành ra chàng thật vất vả khi chăm sóc một lúc cả hai mẹ con nàng. Chàng lại còn phải lo tiền bạc và chạy đôn chạy đáo để tìm người hiến tặng tủy sống thích hợp cho Hằng Nga. Mỗi một ngày trôi qua, chàng lại xa dần niềm hy vọng cứu con thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo.
Thương Thương cựa mình, rồi mở choàng mắt, ngơ ngác nhìn chồng. Sơn nâng bàn tay vợ lên môi hôn. Chàng âu yếm nói:
- Em chỉ bị ngất xỉu thôi, không sao đâu.
Thương Thương rơm rớm nước mắt, giọng nàng tràn đầy xúc động:
- Anh hãy la mắng em vì em đã lừa dối anh. Nhưng xin anh hãy thương lấy con. Con không thể thiếu tình thương của anh.
Sơn lấy miếng khăn giấy, chậm nước mắt cho vợ:
- Hằng Nga luôn luôn và mãi mãi là con anh. Em yên tâm tĩnh dưỡng để có sức khỏe mà lo cho con của chúng mình.
Thương Thương xiết mạnh tay chồng:
- Em và con thật may mắn có anh trong cuộc đời.
Sơn mỉm cười:
- Anh cũng may mắn vì có em và con trong cuộc sống.
Thương Thương chợt òa khóc:
- Nhưng mà chúng ta sắp mất con rồi, anh ơi!
- Anh vẫn hy vọng. Nhất định rồi thế nào chúng ta cũng tìm được người hiến tặng tủy sống cho con.
Sơn định nói thêm với vợ điều gì, nhưng chàng lại thôi. Chàng nhìn đồng hồ rồi hôn lên trán vợ:
- Em nằm nghỉ, tối nay anh vào. Bây giờ anh phải đi gặp một người bạn cũ. Hôm nọ anh ấy hứa sẽ giúp chúng ta.
Thương Thương nhìn chồng với ánh mắt biết ơn:
- Cảm ơn anh. Anh nhớ ghé tiệm Tàu mua chút gì để bố con ăn cơm tối nhé, nhà không có gì ăn đâu.
Sơn kéo tấm chăn, đắp ngang ngực cho vợ:
- Lúc nào em cũng lo cho anh và con mà chẳng chịu lo cho chính bản thân em.
Sơn đi rồi, Thương Thương bỗng cảm thấy căn phòng trống vắng lạ thường. Nàng nhớ lại giấc mơ vừa qua. Nàng nhắm mắt, cố hình dung khuôn mặt buồn rười rượi của Văn khi chàng gỡ tay nàng ra, đẩy nàng nằm xuống giường một mình, rồi bóng chàng nhòa dần. Một nỗi ân hận tràn ngập trong lòng Thương Thương. Phải chi nàng đừng vì thù hận mà không cho con nàng nhận bên nội thì giờ này con nàng đâu đến nỗi phải tuyệt vọng. Có phải đây là một hình phạt mà Trời Phật bắt nàng phải gánh chịu? Nghĩ đến đây, Thương Thương úp mặt vào gối, khóc nức nở.

Từ hôm ở bệnh viện về, những xúc động, lo lắng, buồn phiền của Thương Thươmg như lắng hẳn xuống. Nàng chấp nhận và chờ đợi sự ra đi vĩnh viễn của con với một tâm trạng thật bình thản. Nàng xin nghỉ việc để có nhiều thời giờ với con. Hàng ngày, mẹ con nàng đi dạo phố mua sắm, đi xem phim...Tối đến, gia đình xum họp với những món ăn ngon, với những tiếng cười, ánh mắt đầm ấm.
Cuối tuần, Sơn đưa vợ con đi chơi xa để chụp ảnh, quay phim hoặc tổ chức họp bạn cho con tại nhà. Thương Thương cảm động và biết ơn chồng vì Sơn vẫn tận tụy, yêu thương vợ con và chẳng bao giờ chàng thắc mắc tới chuyện Hằng Nga không phải là con ruột của mình.
Thương Thương gượng vui từng giờ, từng phút được sống bên con. Tâm hồn nàng thường chùng xuống khi nghe tiếng tích tắc của kim đồng hồ hoặc nhìn mặt trời đỏ ửng khuất dần sau dãy núi xa xa, xanh biếc. Những cánh hoa lất phất trong chiều, những chiếc lá vàng chao đảo, quay quay trong không gian trước cơn gió nhẹ cũng làm cho nàng xao xuyến, chơi vơi.

Xuân đã sang mà trời vẫn lạnh. Thương Thương thu mình trong chiếc áo len màu tím đỏ, thơ thẩn trong vườn.
Vạn vật đang bừng lên một sức sống mãnh liệt dưới ánh nắng ban mai dịu dàng. Những bông hoa tim tím, xinh xinh, nở đầy, khép nép giữa những giây lá nho nhỏ bò lan khắp mặt đất, quanh những khóm hoa đủ loại mới bắt đầu nhú lá non. Thảm cỏ còn vàng khô, nhưng một vài chỗ đã trồi lên những cụm cỏ xanh xanh, run rẩy trong gió như reo vui, như vẫy gọi. Một vài con chim nhỏ, đong đưa trên những cành khô mảnh mai, đang trổ lá, ríu rít hót ca.
Trước cảnh êm ả của buổi sáng mùa xuân và sự trỗi dậy của cỏ cây, Thương Thương chợt nhớ tới con gái với những ngày còn lại thật ngắn ngủi. Nàng ứa nước mắt. Lạy trời, lạy Phật, xin các Ngài đừng cướp đi mạng sống của Hằng Nga, con gái duy nhất của con.
Thương Thương ngồi bệt xuống gốc cây táo. Nỗi buồn đau trong lòng nàng bỗng dâng lên cuồn cuộn. Chuông điện thoại trong nhà reo vang mà nàng cũng chẳng thèm nhúc nhích. Có gì quan trọng đâu? Lúc này, nàng chỉ nghĩ tới con và ước mơ một phép lạ.

Chuông điện thoại cứ reo mãi. Cuối cùng nàng cũng phải chạy vào nhà, nhấc ống nghe. Mắt nàng bỗng mở lớn, miệng nàng há hốc ra. Nhưng lưỡi nàng thì cứng đơ, không nói được một lời. Mãi thật lâu sau, nàng mới láp bắp hỏi:
- Thưa bác sĩ, có thật là đã tìm ra người có tủy sống thích hợp với con gái tôi không?
- Thưa bà vâng, và họ đã chấp nhận giúp con bà vô điều kiện.
- Bao giờ chúng tôi có thể gặp vị ân nhân đó?
- Họ không muốn gặp thân nhân của bệnh nhân. Họ ở tiều bang xa tới, cấy tủy xong là họ đi ngay.
- Thưa bác sĩ, bao giờ thì thực hiện việc cấy tủy?
- Càng sớm càng tốt. Tôi sẽ nói chuyện với ông bà và cháu vào ngày mai, lúc 10 giờ sáng, tại phòng mạch của tôi.
- Cảm ơn bác sĩ, xin hẹn gặp bác sĩ ngày mai.
Gác máy điện thoại, Thương Thương tưởng như mình ngủ mơ. Nàng tự cấu vào đùi. Rồi nàng nhấc điện thoại lên, bấm số văn phòng bác sĩ:
- Hello! Tôi là bà Sơn đây. Có phải bác sĩ vừa nói chuyện với tôi không?
Tiếng cô thư ký trả lời bên kia đầu dây:
- Thưa bà vâng. tại sao bà lại hỏi vậy?
- Xin lỗi cô, tôi tưởng tôi ngủ mơ.
- Thưa bà, tin vui thực sự cho gia đình bà đấy.
- Cảm ơn cô.
Vừa buông điện thoại xuống, Thương Thương lại nhấc vội lên, tay run run bấm số của chồng. Sơn không có ở ăn phòng. Chưa bao giờ nàng thấy cái máy trả lời lại vô duyên đến thế. nàng ngồi bên điện thoại, chố chốc lại bấm số lia lịa, hy vọng có thể báo tin vui cho chồng.
Nhưng, năm phút, mười phút, rồi ba mươi phút trôi qua mà Sơn vẫn biệt tăm. Thương Thương lẩm bẩm:
- Có lẽ chàng đi họp. Thôi, chẳng thèm ngồi đây mà đợi nữa.
Thương Thương tiếc mãi vì tin vui nhu vậy mà không có người thân để chia sẻ. Sơn thì không có ở sở làm, con gái thì sáng nay đi tập thể dục với bạn tới trưa mới về. Nàng đứng lên, đi về phía bàn thờ Phật và bàn thờ bố mẹ, thắp nhang rồi lâm râm khấn vái. Bức tượng Đức Quán Thế Âm màu trắng thật tươi và ngời sáng. Mắt bố như cười và vẻ mặt của mẹ hiền hậu, bao dung.
Nàng hôn thành cầu thang khi chạy lên phòng ngủ để thay quần áo.. Nàng mỉm cười với cây kim đồng hồ đang nhúc nhích. Lúc này, đối với Thương Thương, hình như tất cả mọi vật xung quanh đều có linh hồn, đều có thể chia sẻ niềm vui với nàng.
Khi Thương Thương trang điểm xong thì Sơn cũng vừa về tới. Nàng mở cửa, ôm chầm lấy chồng, báo tin vui cùng chàng với những giọt nước mắt hạnh phúc.
Sơn hôn lên trán vợ:
- Chúng ta thật là may mắn, phải không em?
- Vâng, như một phép lạ vậy.
Thương Thương bỗng hỏi chồng:
- Hồi nãy em gọi anh mãi mà không được. Anh đi đâu vậy? Và tại sao giờ này anh lại về nhà?
Sơn nhìn vợ mỉm cười:
- Sáng nay mới đến sở làm thì một người bạn cũ gọi anh và cần gặp anh gấp nên anh xin nghỉ cả ngày luôn. Cũng may, về nhà lại được em báo tin vui.
Thương Thương lơ đãng với câu trả lời của chồng. Nàng còn mải suy nghĩ về vị ân nhân sẽ cứu sống con nàng. Thương Thương nói với chồng:
- Lạ quá anh ạ, người cho con tủy sống không chịu cho gia đình mình gặp mặt mà cũng chẳng đòi hỏi tiền bạc gì cả.
- Có thể họ là người tốt thực sự nên không muốn mình tạ ơn họ.
Nhưng họ cũng nên cho nình gặp mặt để nói lời cảm ơn chứ. Hay là minh nhờ bác sĩ chuyển lời năn nỉ xem họ có đổi ý không, anh nhé!
- Ừ, để mai mình nói thử với bác sĩ xem sao.

Một tuần sau, bác sĩ thực hiện việc cấy tủy cho Hằng Nga. Kết quả thật là mỹ mãn. Tình trạng sức khỏe con gái càng tiến triển tốt đẹp, Thương Thương càng băn khoăn, mong ước được gặp vị ân nhân của gia đình nàng. Mặc dù nàng biét, cái ơn trời bể ấy không bao giờ nàng có thể đền đáp được.
Trong bữa cơm đầu tiên khi Hằng nga từ bệnh việc trở về, Thương Thương đã kể lại cho chồng con nghe tất cả sự thật của đời mình. Khi chấm dứt câu chuyện, nàng hỏi chồng:
- Nếu anh biết em có thai với Văn, anh có lấy em không?
Sơn cười vang:
- Con ai vào nhà anh cũng là con anh, tội gì mà từ chối. Thấy em có mang với Văn, anh còn mừng nữa, vì anh biết anh không thể có con.
Hằng Nga đùa:
- Thế là lấy mẹ, bố được lời con.
Sơn hỏi vợ:
- Bây giờ em còn thù bà mẹ của Văn không?
- Hết rồi! Vì nếu bây giờ Hằng Nga đòi lấy một anh chàng cầu bơ cầu bất thì em cũng ngăn cản vậy. Thành ra câu tục ngữ: "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ" thật là đúng.
- Có bao giờ em nghĩ tới việc tìm gia đình Văn không? Nếu họ biết họ có đứa cháu là Hằng Nga, chắc họ sẽ mừng lắm.
Thương Thương thở dài:
- Trước kia thì em không nghĩ tới. Nhưng bây giờ lại khác. Tuy nhiên, việc đó thật khó khăn vì gần ba mươi năm nay em không có tin tức gì về họ cả.
Hằng Nga đổi đề tài:
- Bây giờ con khỏi bệnh rồi. Mình tổ chức ăn mừng vào tuần tới bố mẹ nhé?
Sự nhắc nhở của con khiến nét mặt Thương Thương tươi hẳn lên. Sơn cũng mỉm cười âu yếm nhìn con. Rồi cả ba người say sưa bàn tính cho bữa tiệc sắp tới. Căn nhà vang lên tiếng cười nói. Những tiếng cười nói hạnh phúc phát ra tự đáy lòng. Không phải là miễn cưỡng, đầy kịch tính như những tháng ngày vừa qua.

Thương Thương và Hằng Nga đang loay hoay trong bếp để nấu nướng cho bữa tiệc chiều nay thì Sơn đi chợ về. Chàng vừa đặt mấy túi nước ngọt xuống sàn bếp vừa nói với vợ con:
- Hôm nay chúng ta sẽ có hai vị khách bất ngờ. Họ sẽ tới sớm lắm, khoảng 3 giờ.
Thương Thương la lên:
- Khách nào mà lại đến sớm thế? Ba giờ thì đã xong thế nào được?
Hằng Nga nói đùa:
- Đến sớm thế thì cho họ vào phụ bếp luôn.
Sơn tủm tỉm cười:
- Có thể lắm, ý kiến của con thế mà hay!
Thương Thương thắc mắc hỏi chồng:
- Ai vậy hả anh?
- Người mà em muốn gặp nhất.
- Em đâu có muốn gặp ai đặc biệt đâu?
- Thế em không muốn gặp vị ân nhân đã cứu sống Hằng Nga hay sao?
Thương Thương sửng sốt:
- Thật hả anh? Họ cho mình gặp hả anh?
- Ừ, anh năn nỉ lắm họ mới chịu đấy!
Từ lúc được Sơn báo tin vị ân nhân của gia đình sẽ tới thăm, Thương Thương đứng gồi không yên. Nàng làm việc gì cũng quên trước quên sau. Đầu óc nàng còn xoay quanh với những lời tri ân sẽ nói cùng vị khách quí. Nàng tưởng tượng ra một khuôn mặt hiền từ, nhân ái. Nàng vẽ ra một mối giao tình đằm thắm trong tương lai. Mấy tiếng đồng hồ chờ đợi, đối với Thương Thương sao mà dài lê thê.
Cuối cùng thì hai vị khách đặc biệt cũng tới. Khi kim đồng hồ chỉ đúng ba giờ thì tiếng chuông ngoài cửa cũng vang lên. Sơn và vợ chạy ra đón khách.

Cánh cửa vừa mở, Thương Thương thụt lùi lại một bước, đôi mắt nàng mở lớn. Nàng không tin vào thị giác của chính mình. Có thể nào hai vị khách quý lại chính là mẹ và em gái của Văn? Có thể nào ân nhân vĩ đại của gia đình nàng lại là người nàng hận thù bấy lâu nay? Thương Thương lắc lắc cái đầu như để xác nhận cái sự thật bất ngờ này. Kìa, bà Vân, mẹ của Văn, vẫn có khổ người đẫy đà, đôi mắt và đôi lông mày xếch lên. Dĩ nhiên, thời gian đã để lại trên mặt bà nhiều nếp nhăn và mái tóc lơ thơ, bạc trắng. Ngân, cô em gái chanh chua của Văn ngày nào, nay đã trở thành một thiếu phụ chững chạc, ăn mặc hợp thời trang.
Sau phút ngỡ ngàng, Thương Thương nhỏ nhẹ:
- Mời bác và cô vào nhà. Thật là bất ngờ qua!
Ngân giải thích:
- Mẹ và em thì đã biết trước hôm nay sẽ được gặp chị và cháu, vì anh Sơn đã xếp đặt mọi chuyện. Đáng lẽ mẹ và em muốn gặp chị và cháu từ trước hôm cấy tủy cho cháu, nhưng anh Sơn muốn tránh cho chị xúc động mạnh va để dò xem ý chị thế nào đã.
Thương Thương nhìn chồng với ánh mắt dò hỏi. Sơn nói nhanh:
- Câu chuyện dài lắm, anh sẽ kể sau. Tóm lại là anh đã tình cờ thấy được tấm ảnh của Văn trong hộc tủ của em. Sau ảnh có tên và số quân của Văn. Do đó, anh đã nhờ một người bạn trong Hội Không Quân tìm dùm tin tức của gia đình Văn.

Mọi người đã ngồi trong phòng khách bên những tách trà đang bốc hơi nghi ngút. Sơn yên lặng, lắng nghe ba người đàn bà nói chuyện với những đôi mắt đẫm lệ.
Thương Thương kể lể về nỗi nhọc nhằn của nàng, một người vợ lính lúc chồng luôn luôn đi hành quân vắng nhà. Bà Vân, cô Ngân kể lể về những truân chuyên, những mất mát mà họ đã phải trải qua trong cuộc chiến thảm khốc của đân tộc.
Nhắc tới chuyện xưa, bà Vân nói qua màn nước mắt:
- Xin cháu tha lỗi cho bác và cho bác nhận con Hằng Nga. Nó là giọt máu duy nhất của thằng Văn.
Thương Thương thoáng thấy những nét của Văn trên khuôn mặt già nua của bà Vân. Nước mắt nàng rơi lã chã. Những giọt nước mắt hờn giận, tủi thân, hạnh phúc, tha thứ như quyện vào nhau. Nàng quay sang hỏi chồng:
- Anh cho phép con nhân bà nội và cô của nó, anh nhé!
Sơn vui vẻ đáp:
- Dĩ nhiên rồi! Hồi nãy Hằng Nga còn muốn hai người khách quý phải phụ bếp vì tới sớm nữa đấy.
Thương Thương nghẹn ngào nói với bà Vân:
- Để con vào nói chuyện với cháu rồi đưa cháu ra chào bà nội và cô Ngân.
Trên khuôn mặt ba người đàn bà, những khổ đau chất chồng, những giận hờn như tan biến đi và những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má họ. Sơn dường như cũng quên hẳn thời gian vừa qua, gia đình chàng đã phải đương đầu với căn bệnh hiểm nghèo của Hằng Nga. Chàng lơ đãng nhìn qua song cửa. Bầu trời trong xanh, những giọt nắng lóng lánh rơi trên những cành cây đang nhú lá non. Chàng bỗng thấy mùa xuân đã trở về với đất trời và gia đình chàng thật nhẹ nhàng và êm ái.

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003