Mar 28, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
HOA TUYẾT TRONG BÃO LỬA
Diễm Châu TNQG 
Hơn một tuần nay, mùa thu lẽ ra đã về trên đất khách, với khí hậu lạnh lạnh ban đêm. Nhưng chỉ được vài ngày, sau đó trời nóng trở lại, nóng lạ thường, khí hậu khô khốc khó chịu, gây cho mọi người ấn tượng đang sống trên một vùng đất hạn hán gần sa mạc nào đó, dù chung quanh nhà, cây cỏ vẫn một màu xanh.

Chiều thứ năm, ngày gần cuối tháng mười của năm hai ngàn lẻ ba, thấy mặt đất khô queo, tôi ra vườn tưới cây sớm hơn thường lệ. Mình nóng thì cây cỏ chúng nó cũng biết nóng như người. Tôi có tật hay lo xa và... thương cả cây cỏ thú vật!
Bầu trời không có nắng, làm như có một tảng mây lớn che lấp mặt trời đi chứ không phải trời sắp mưa. Tôi mắc lo quan sát những lùm sả mập mạp sát nhà, cây ổi có vài trái cũng đã lớn bằng nắm tay dù cây còn nhỏ, hồng giòn chắc cũng gần ăn được rồi, chanh ra trái quá nhiều, rụng đầy vườn... Phải lượm chanh dục thùng rác cho sạch, rồi tôi nhìn mấy khúc mía chúng tôi đã chặt trồng xuống vài ngày trước, vẫn chưa thấy nhú ra mầm gì cả.
Từ khi quay phim Pháp Trường Máu, tôi có hát một bài trong phim đó, chứ không phải diễn viên đóng phim, thì tôi đâm ra “mê” những bụi mía của căn nhà, nơi đoàn phim mượn chỗ để quay. Mía được trồng từ đầu ngõ dọc theo một hàng vào tận phía sau xa tít... Những cây mía thẳng tắp, được bóc vỏ sáng sủa sạch sẽ, khoe những lóng mía bằng một gang tay vàng óng, mập mạp. Mía mọc ngay hàng thẳng lối, thay thế cho hàng rào nhìn gợi nhớ về quê hương và đẹp lạ lùng, mát mắt làm sao.
Tôi quyết phải có một hàng rào mía cho nhà mình, dù tôi không thích uống nước mía cho mấy, cũng chẳng biết cách làm chạo tôm quấn quanh khúc mía ăn vừa ngọt vừa bùi... Tôi sẽ chịu khó tước lá mía để nhìn cho đẹp... Có người tưởng tôi trồng mía để làm thương mại, người thì lại cho ý kiến trồng thứ khác có lợi hơn nhiều...
Mặc cho ai nói gì thì nói, tôi cứ thích nhà mình phải có hàng rào mía. Chẳng biết bao lâu mía mới bao bọc hết chung quanh nếp nhà nho nhỏ của tôi, nhưng bây giờ thì chiều nào cũng phải tưới cho chúng ra mầm trước đã. Coi bộ tốn nước hơi nhiều!

Tưới mía xong, tôi dõi mắt về ngọn núi phía sau nhà. Ủa, khói đen ở đâu mà bốc lên cao thế! Chết rồi, cháy nhà... nhưng không phải, hình như cháy núi. Tôi nhích ra chỗ trống hơn để nhìn cho rõ, hình như cũng có nhà nữa... cụm khói to lớn loang rộng trong bầu trời trong xanh. Khói bốc lên cuồn cuộn. Ðám cháy có vẻ lớn, nhưng nhìn cũng hơi còn xa nên tôi không lo ngại mấy. Hình như xuất phát từ vùng núi Cucamonga Winderness.
Tôi vẫn tiếp tục tưới cây, mấy cây mướp hương gần cuối mùa mới ra trái, nhưng đa số chưa kịp lớn thì bị hư hết. Giàn bầu kế bên trước khi giã từ hàng rào thân yêu, để đi vào thùng rác thì cũng cho ra rất nhiều bầu con. Tôi định khi tưới cây xong, sẽ cắt những đọt lá và tất cả trái bầu non, luộc ăn với cá nục kho tiêu. Mới nghĩ đến nồi cá nục tôi đã cảm thấy đói bụng, những khứa cá vàng vàng nâu nâu, kho thật lâu cho thấm và rục, vài trái ớt đỏ, vài lát thơm lót dưới đáy nồi cùng một trái cà chua cho có mùi vị... Nhâm mi... Ðâu có cần phải “cơm gà cá gỏi” mới có một bữa ăn ngon. Ngon hay không là do mình có đói bụng hay món ăn hôm đó có khoái khẩu hay không.
Tôi không nghĩ đến nồi cá kho nữa, mà thỉnh thoảng dõi mắt trông theo đám khói, tôi nghĩ rằng có lẽ đám cháy nầy sẽ lụi dần trong đêm nay, như những đám cháy rừng khác trước đó, dù có lan rộng cách mấy thì cũng trong một diện tích của vùng đó thôi!
Buổi tối, tôi quên lửng vụ cháy, sau khi ăn cơm, ngồi vào bàn máy làm việc cho đến nửa đêm, dù buồn ngủ, còn phải soạn vài thứ vật dụng cần thiết cho vào va ly, để ngày mai, chúng tôi sẽ đi về San Diego thăm mấy đứa cháu và cô bé Bù Tọt.
Ngày thứ sáu, buổi trưa ra vườn lo tưới cây trước khi đi, tôi vẫn còn thấy khói bốc lên mù mịt, cũng khu vực hôm qua, chưa lan rộng ra mấy. Chỉ là một đám cháy trên rừng. Tôi lại quên vụ cháy dễ dàng như hồi hôm.

Chúng tôi về đến San Diego gặp thân nhân bạn bè cho đến tối ngày hôm sau, tức là tối khuya thứ bảy, mới quay lại San Bernardino. Khi về đến xa lộ 10 gần nhà, chàng họa sĩ bảo sao có mùi un khét, tôi cũng thấy như vậy, nhưng tưởng xe của ai bị cháy máy, hay có ai đốt cái gì đó mà mùi khói lan tỏa trong không khí.
Lúc chiếc xe vừa quẹo vào trong chỗ gần nhà tôi, trước mặt tôi hiện ra mấy dãy đồi núi (nhà tôi ở dưới chân đồi, có giàn thiên lý có... trồng rau thơm) Nhưng trời ơi... mấy ngọn núi đồi đó, lửa đang bốc cháy rực sáng trong đêm! Tôi cứ há hốc ra nhìn, không thể tưởng tượng được những gì đang xảy ra trước mắt mình. Ngọn lửa bừng bừng cao vút trên không trung, kéo dài từ núi đồi nầy qua núi đồi khác, như một đám lửa của dân du mục được kết nối thật dài, làm cho tôi thấy nó giống như người ta đang đốt lửa mừng mùa Halloween vậy, vì màu rửa đỏ rực trên cao như màu cam hiện lên trong đêm tối, giống như màu của mùa bí rợ nầy. Những cột lửa tiếp nối nhau vần vũ trên không trung, gió thổi ào ào nhưng chưa đến nỗi mạnh lắm như những ngày gió lớn.
Xe càng đi đến gần nhà tôi, mùi khét càng bốc lên mạnh hơn. Ðường sá thỉnh thoảng mới có một xe chạy qua, vắng lạnh đến rợn người. Mấy người chung quanh nhà mình đâu hết rồi? Tôi chợt thấy rùng mình! Sợ thật là sợ, cảm giác như lần mới đây qua New York bị cúp điện, sợ bị kẹt lại trong trung tâm thành phố không thoát ra ngoài được khi màn đêm buông xuống!
Bước xuống sân trước, tôi ho sặc sụa. Mọi khi chỉ cần đứng gần một người hút thuốc là tôi chịu không nổi, huống chi bây giờ đứng giữa một vùng khói lửa như thế nầy! Trước mặt tôi, mới hôm qua vườn tược sạch sẽ mà bây giờ như một bãi chiến trường! Cây cối gãy ngã xiêu vẹo, mấy thùng rác bay tứ tung trong sân... Có lẽ hôm qua hay hôm nay đã có gió lớn. Rồi tàn tro và bụi đầy trong không khí!!!
Chạy vào nhà đóng cửa lại, không khí trong nhà vẫn còn sạch, chưa bị khói xâm lấn. Nhưng làm sao mà dám ngủ lại đây. Bây giờ gió dù không lớn, nhưng vẫn thổi ào ào... Ghê quá, lỡ đang ngủ mà gió thổi đưa tàn lửa xuống đây cháy nhà thì tàn đời! Chưa kể khói tràn qua ngõ ngách vào nhà thì ngộp thở chịu gì nổi...
Tôi lật đật thu dọn ít đồ đạc, quần áo vào va ly. Bên tai tôi ViVi hối “nhanh lên, làm gì mà lâu vậy”, anh chàng lại còn thêm: “nếu nó cháy thì cái gì nó cũng cháy, đừng thèm lấy đi gì hết!” Ơ hay chưa, cái nầy thì tôi không chịu rồi... ít ra thì mình cũng phải có vài bộ đồ để thay đổi chứ, lại còn đám tài liệu viết lách của tôi nữa, mấy cái đĩa “load” bài ra chẳng biết để đâu, rồi thì máy móc, máy quay phim, máy nghe nhạc, máy thâu băng... cái gì cũng cần. Ô, còn master CD, bìa băng..., làm sao mà rinh được... Lại mớ hình ảnh nữa chứ... nhiều thứ quá, cái gì cũng muốn đem theo, cũng quan trọng trong đời sống... Chưa kể là phải có nước uống và mấy cái thức ăn liền! Y như lần chạy loạn năm 1975 vậy!
Cuối cùng ViVi tháo Computer chứa đầy bài vở của tôi, cùng1 cái computer của ViVi với nhiều hình vẽ trong đó, đem ra xe cất an toàn ... Thôi cũng được, có gì thì... làm lại từ đầu... “Bên em viết sách, bên chàng vẽ tranh”, rồi hai đứa uống nước lạnh! giờ nầy mà còn làm lại từ đầu thì nghe nản quá đi!
Mà thật vậy. Nghe ViVi nói tôi cũng chán, có nhiều chuyện trái cẳng ngỗng đã xảy ra, nhiều khi để lại nhà mà còn, chứ mang theo rồi lại mất! Cho nên tụi tôi chỉ lấy có hai cái computer và mấy bộ quần áo thôi, đi tỵ nạn “khói lửa” nhiều lo sợ, nên quên béng vụ đưa theo đồ ăn, rủi mà chạy “lửa” dài dài, thì chỉ có nước ăn... cóc, vì trên xe của tôi còn bịch cóc ổi xanh dờn chấm muối ớt hết sẩy, mà anh chị nhạc sĩ Xuân Ðiềm mới hái về từ Florida cho. Có còn hơn không!
Trước khi đi, lại còn thương đám cây cối chịu nóng nảy, tôi tưới cây lênh láng, nước tràn đầy róc rách xuống sân. Tôi còn tưới cho ướt trên mái nhà, ướt sân, phòng hờ có tàn lửa nào bay bậy xuống thì đã có nước trị.
Chạy qua nhà người anh họ cách đó hơn nửa tiếng ngủ nhờ một đêm, với ý nghĩ ngày mai bớt khói sẽ “trở về mái nhà xưa”.
Sáng hôm sau, ông anh bà chị dẫn đi ăn phở, no tức cả bụng! Về lại nhà là gần 1 giờ trưa chủ nhật. Bây giờ trời sáng, nhìn núi rõ hơn, lửa vẫn cháy rực đỏ trên đó, ngọn lửa bốc lên mạnh, không có vẻ bớt đi chút nào!
Dĩ nhiên là không khí ô nhiễm không thể tưởng. Trời nóng mà trong sân nhìn ra như có tuyết, những bông tuyết nhè nhẹ đang bao phủ mặt đất. Nhưng... đây không phải là tuyết lạnh mà là tro. Tro dính lên xe, lên mái nhà, lên đầu cổ người bộ hành, làm cho người nào lấy tay gạt tro bám vào mặt dính tèm lem tuốt luốt, giống như lọ lem! Còn ai không phủi tro đi thì nhìn cũng chẳng khá hơn! Cũng phải chịu thôi. Những nhà chung quanh đã thấy có bóng người ra vô. Chắc họ mới trở lại nhà.
Phía từ dốc núi chạy xuống, thỉnh thoảng thấy mấy ông Mễ với xe truck chở bàn ghế và mấy tấm nệm chạy qua. Tôi nhìn theo thấy cũng buồn cười. Ðiệu nầy chắc họ sợ ăn ngủ không có bàn ghế hay sao chứ!

Gió đã đổi chiều, thay vì tạt về phía nhà tôi thì thổi về hướng núi. Nhứ vậy thì hướng đó lại khốn khổ vì gió sẽ mang lửa theo!
Quả thật, chiều hôm chủ nhật, cô em Út của tôi nhắn trên Email là nhớ cầu nguyện cho nhau và hãy cẩn thận, vì lửa đã xuống tới San Diego rồi. Kinh khủng thật!
Hai đứa em tôi, một thì ở khu Cripps Ranch và một ở Mira Mesa đều bị di tản ra khỏi khu vực, vì lửa cháy sát bên nhà!
Khi tôi viết bài nầy trong ngày vào cuối tháng mười, thì lửa vẫn đang hoành hành trên đỉnh Big Bear, lửa vẫn còn cháy tại San Diego, gần 2000 căn nhà ra tro, khoảng 7 trăm ngàn mẫu đất đã bị lửa tấn công, số nhân mạng tử vong cũng khoảng 20 người, và vẫn còn nữa, chưa phải con số như vậy là chấm dứt!
Dù thành phố đã hoạt động lại gần như bình thường, nhưng số người và xe cộ ngoài đường ít hẳn đi. Tại các trung tâm thương mại, hầu như vắng vẻ và cái rộn rịp thường ngày không thấy có, mà đìu hiu buồn bã làm sao!
Trong lúc đám cháy xảy ra, điện chỉ bị cúp khoảng nửa tiếng, sau đó thì có lại ngay, chứ nếu mà điện cúp lâu một chút, thì chắc mọi người sẽ vô cùng hoảng hốt!
Trong thời gian ngọn lửa hoành hành trên núi, những thành phố dù xa, dù gần ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tro bụi. Quận Cam nghe nói cũng không tránh khỏi, đường sá thì dơ bẩn mọi nơi...
Nhà của một bác bạn già trong Giáo Xứ VN, cách nhà tôi năm phút lái xe, nghe nói lệnh phải di tản, đã đi rồi, chợt nhớ quên vài món đồ, chạy về lấy thì thấy lửa đang “liếm” nhà mình, bèn mở vòi nước xịt lia lịa, kết quả thần hỏa phải bỏ chạy qua nơi khác, thế là cứu được cái nhà! Thật là may mắn. Ðúng là trời chưa cho cháy thì không sao.
Buổi sáng mở cửa nhìn chiếc xe đậu trong sân, một lớp tro phủ dày trên đó, ga ra nhà tôi cũng đầy tro luồn vào bên trong qua những kẽ hở, vì trong thời gian nầy thường có gió mạnh! Cứ mỗi lần mở cửa xe hay nhà, thì tro lại theo gió bay vào, làm cho các bà nội trợ thêm công việc!

Nước Mỹ đang lúc gặp nhiều biến chuyển. Cùng lúc hỏa hoạn lại phải đương đầu với “Khủng Bố” và “Nghiệp Ðoàn”. Các chợ lớn trong vùng đình công, chợ cũng vắng ngắt, trừ chợ Mễ! Người cầm biểu ngữ cũng nhiều như lính cứu hỏa lấy làm sung sướng, vì đã gây ra nhiều hậu họa cho loài người. Nghe nói vụ lửa cháy cũng do có người đốt, phải bàn tay người mới gây ra cháy nhiều nơi như vậy, chứ không thể tự nhiên một lúc, mà lửa cháy lan tràn từ nơi nầy qua nơi khác được.
Bầu trời cuối tháng mười tối thui. Muốn mưa đến nơi, cầu trời cho mưa xuống để thần hỏa đi chỗ khác chơi, cứu bao nhiêu tài sản và nhân mạng tại vùng Ca Li nắng ấm nầy, dù cho điều đó có làm cho các nhi đồng nước Mỹ mất vui một chút trong ngày Halloween năm nay...
Tôi cúi đầu, thầm thì... “Lạy trời mưa xuống...”

Diễm Châu TNQG
Oct 31 - 2003





Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003