Mar 29, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CŨNG ĐÀNH PHẢI QUÊN
LINH VANG
"...Uyên thân thương, đời sống của tao bình thường: ăn, ngủ, và đi làm. Công việc cũng được, nhưng giá mà họ trả tao khá hơn. May mà sống với gia đình bà Oanh đỡ tốn kém. Còn đi chơi thì có Đoàn lo rồi. Có khi nào vì nợ anh chàng nhiều quá, tao phải lấy anh chàng làm chồng không mày? Tao không màng trả nợ lối này, nhưng chắc trở ngại tôn giáo làm Đoàn không dám hỏi cưới tao.
Mẹ chàng không đời nào chịu cho chàng cưới một đứa con gái ngoại đạo. Năm 54, chính bà cụ đã vội vã đưa gia đình vào Nam là cũng vì đạo, ở lại sợ Cộng sản không cho bà thờ phượng Chúa nữa. Bà thường nói con mà lấy Mỹ, mợ không đi dự đám cưới của con. Con mà lấy người khác đạo, mợ cũng không đi dự đám cưới của con. Nhiều khi nghĩ tới bà mẹ già của chàng là tao cười thả ga. Trời ơi! Đã gần hết thế kỷ 20, đã ở xứ Mỹ này rồi! Con em tao nói bà không đi dự thì càng tốt. Mới đầu tao cũng nghĩ như vậy. Nhưng mày không biết Đoàn, anh chàng sợ mẹ dữ lắm. Con em tao nói phải, đàn ông con trai như Đoàn lấy làm chồng rồi sẽ khổ. Khổ vì không lẽ mình cứ đi chống bà già chồng, đời sống ngắn ngủi quá, chuyện đâu có gì...không đáng để mà có chuyện, để mà tốn công tốn sức chống. Bà cụ khó tàn canh. Con gái gọi tới nhà, bà chửi đồ hư thúi, nói chi dám đến nhà. Đoàn không đồng ý với mẹ, nhưng hy sinh hạnh phúc riêng tư cho mẹ. Tao nghĩ bất công quá, đám anh em của Đoàn có ai hy sinh như vậy đâu. Chẳng lẽ vì Đoàn làm gần nhà, ở chung, nên cứ phải chịu sự kiềm chế của bà..."
Thỉnh thoảng Uyên vẫn nhận những lá thư đại loại như thế từ cô bạn gái Kiều Trang. Uyên chơi thân với Kiều Trang từ những năm trung học, rồi đại học, và vẫn giữ liên lạc sau khi hai đứa ra trường, nên Uyên biết rõ về mối tình của Đoàn và Kiều Trang. Hồi đó, hai người là một cặp tình nhân đẹp nhất của trường UC. Trai tài, gái sắc. 25 tuổi, Đoàn đã có bằng Ph.D. Còn Kiều Trang là hoa khôi. Ai cũng cho là rồi họ sẽ lấy nhau.
Mẹ của Đoàn, khuôn mặt phốp pháp trông phúc hậu, thoáng nhìn dễ bị lầm. Mấy người con trai của bà sợ bà lắm, dâu trưởng cưới hỏi ở Việt Nam còn sợ, mỗi lần bà gọi chị còn run, huống gì ai. Ăn nói ngọt thì ngọt, nhưng không ai dễ gì lay chuyển ý của bà. Trang đã lầm, tưởng sẽ thay đổi lối nhìn của Đoàn. Mẹ già đâu có ở mãi với mình. Đoàn đâu phải là con trai một, và Trang thì đi dành hết tình yêu thương của Đoàn dành cho mẹ. Mà Trang đâu có đi dành tình yêu của ai. Đoàn vẫn cứ yêu thương mẹ, Trang đâu có cấm cản điều đó. Trang cũng con nhà lễ giáo, đàng hoàng, nề nếp, có ăn học. Nếu bà còn nghĩ tới chuyện môn đăng hộ đối.
Thóc ở đâu bồ câu theo đó. Sau khi thấy không lay chuyển ý bà được, Trang đề nghị hai người kiếm giốp ở xa, đủ xa tầm ảnh hưởng của bà. Vì công ăn việc làm, Đoàn sẽ phải đi xa, sẽ ở riêng, và sẽ không ai trách móc Đoàn được hết, và hai người sẽ tự do yêu thương. Nhưng Đoàn đã không dám làm. Để rồi cứ phải...đôi khi Trang bực mình tủi thân nói, "đi chơi với nhau mà trốn lén như Trang là vợ bé, vợ nhỏ. Trang đâu phải đồ hủi mà anh sợ người ta thấy anh đi với Trang." Trang phàn nàn như vậy cũng phải. Tên Kiều Trang nằm trong danh sách “top five” những người đẹp ở UC do mấy ông con trai còn mồ côi bồ bầu ra. Đã thế, Kiều Trang còn học giỏi, nàng vào ngành điện khi con gái học kỹ sư còn ít, một năm chỉ vỏn vẹn có dăm ba cô gái Việt . Bọn con trai ở trường biết bao người muốn rủ Trang đi chơi. Đó là một hân hạnh lớn lao đối với họ, để được đi chơi với Kiều Trang. Nói thì nói vậy, Trang cũng biết là Đoàn sợ mẹ biết chuyện Đoàn hay đi chơi với Trang, mà bà thì không muốn hai người bồ bịch thương yêu nhau sâu đậm.
*
* *
...Tháng chín, Trang đến New Orleans thăm Đoàn. Anh đón nàng ở phi trường với bó hoa hồng. Nàng cười nói sao cải lương dữ vậy, nhưng trong thâm tâm có một chút vui, bởi vì đôi khi những cử chỉ cải lương đó làm mình cảm động. Hồng nhung còn ướt thẩm. Hẳn anh mới ghé một tiệm bán hoa nào đó trên đường tới đây. Hoa tươi, còn anh trông héo quá, tóc anh đã lốm đốm trắng, nàng đến không ngờ. Đã bảy năm xa cách, nàng còn nhớ, và ai cũng già dặn hơn, nhưng anh thì quá già đi so với số tuổi ngoài 30 của anh.
Anh vừa đưa hoa vừa dang rộng cánh tay kia như muốn ôm choàng lấy Trang, làm Trang lúng túng không biết sẽ làm việc gì trước: để anh ôm hay là nhận hoa mà không làm dập nát những cánh hoa?
-Em đi đường mệt không?
-Mệt thì không mệt, nhưng nóng quá!
Trang than ngay. Trong những lần gọi nói chuyện điện thoại, hai người hay đề cập về thời tiết nơi mình ở, nên lúc ra đi Trang có biết là tháng chín New Orleans còn nóng lắm, nhưng Trang không ngờ nó nóng đến như vậy. Cái cảm giác nóng như những mùa hè Trang còn bé gia đình đi ra Cấp tắm mát rồi buổi trưa lái xe vào chợ mua thức ăn. Tất cả kính xe kéo xuống, cái nóng cứ thế hắt vào mặt. Thuở đó xa rồi mà Trang vẫn còn nhớ.
Anh vội đưa nàng ra xe rồi mở máy lạnh. Đưa nàng xuống phố. Chú nhỏ da đen thổi kèn chơi nhạc jazz ở góc đường ngay phố chính, nơi hai người sẽ ghé một tiệm ăn mà anh cho biết là rất nổi tiếng về đồ ăn biển. Trời thì nóng chảy mồ hôi hột mà chú nhỏ cứ phồng cổ thổi. Những cỗ xe lừa xếp hàng dài đợi du khách dọc theo Jackson Square, mỗi con lừa đầu đội một cái mũ khác nhau. Khi nàng đến gần, một chú lừa quỉ quái ngáp vào mặt nàng khoe cái lưỡi dài đỏ hỏn. Người bán hot - dog đẩy cái xe hàng con con bằng nhựa đầy màu sắc. Họa sĩ vẽ những bức tranh bày bán dọc theo lối đi trong công viên. Tranh vẽ cảnh nghèo nàn, đói khổ, dơ bẩn, khác với tranh vẽ nàng thường bắt gặp khi đi dạo chơi dọc theo mấy cái bờ vịnh ở Seattle luôn luôn là cảnh núi non, sông vịnh, thuyền buồm, bầu trời... Kinh tế vùng New Orleans này mấy năm nay xuống dốc, đời sống thấp kém khó khăn. Khách lơ đễnh ngắm nhiều hơn mua. Dưới tàn cây cao, vài người da đen nghèo nằm ngủ trưa trên những ghế đá, có người trên mặt phủ một tờ nhật báo. Dưới đất, mấy chai bia nằm lăn lóc. Cũng chẳng khác gì cảnh Pioneer Square của thành phố Seattle, nơi mà mùa đông năm nào cũng có một hai người không chịu nổi cái lạnh đã chết cóng. Nhiều cơ quan từ thiện, nhiều công sở có cố gắng cung cấp chỗ ngủ, sẵn giường sẵn mền ấm áp mà họ lại thích ngủ ở ngoài trời, để được tự do hơn. Cảnh sát đi tuần cứ thấy là đuổi, không cho ngủ ở công viên.
Gió biển thổi vào thành phố mang theo mùi cá cua tanh tanh. Cơn gió nhẹ không đủ làm dịu cái nóng khô khan gay gắt. Những chiếc xe điện chờ thứ tự đậu ở bến St. Charles, để rồi chuyển bánh từ từ đưa khách về những khu phố khác. Thành phố như bất động. New Orleans có khung cảnh khá đặc biệt của một thành phố Pháp. Bồi ở phi trường phần lớn nói tiếng Anh bằng giọng Pháp. Đoàn đổi về đây đã được 2 năm, sau ngày mẹ chàng mất. Bà góa phụ Hoàng phú Thịnh đã không còn nữa. Từ lúc bà đến tìm Trang cho đến bây giờ cũng được mấy năm rồi. Lúc đó, Trang đang ở nhà anh Thành và chị Oanh để đi làm cho tiện. Bà đòi Trang hãy cắt đứt sự giao thiệp với con trai bà, nói thương nhau đậm thì rồi chính nàng sẽ khổ vì không khi nào bà muốn Đoàn đi cưới một cô vợ mà không có cùng một tôn giáo, cùng một niềm tin với gia đình bà. Và Đoàn thì rất có hiếu với mẹ. Bù lại, bà muốn cho Trang một số tiền làm quà mua sắm vì biết Trang rất thời trang, chịu ăn diện, dĩ nhiên là Trang không nhận, Trang đã rất sửng sốt khi nghe đề nghị của bà. Trang lớn lên ở Mỹ, nàng chưa bao giờ nghe ai kể có một đề nghị lạ lùng đến như vậy. Bà phản đối mà không cần biết Trang có thể vì yêu Đoàn quá mà bằng lòng học đạo và theo đạo Công giáo. Bên cha mẹ Trang thờ cúng ông bà, nên nếu Trang lấy Đoàn rồi theo đạo chồng thì cũng không có gì trở ngại.
Trang xa Đoàn không phải vì sự phản đối của bà, mà là thái độ yếu hèn của Đoàn đã làm Trang bỏ đi, Đoàn cứ gọi điện thoại van xin Trang đừng bỏ Đoàn, Trang biết là Đoàn có yêu Trang, nhưng nếu quả thật yêu đến nỗi không thể xa rời nhau, thì phải đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình chứ. Trang kiếm việc ở một thành phố khác. Trang từ bỏ nhiều thứ hạnh phúc cùng một lúc. Trang không có gia đình cha mẹ anh chị em ở gần. Năm đó, Trang vừa 22 tuổi, ở cái tuổi còn quá trẻ cho một quyết định lớn lao như vậy. Ngoài giờ làm, để quên đi nỗi buồn, Trang cứ đi coi phim ảnh hết rạp này qua rạp khác. Đó là giai đoạn Trang coi hết những phim mới ra. Sau này đôi khi xem lại những phim đó được chiếu lại trên màn ảnh nhỏ là kỷ niệm cũ cứ trở về tưởng như mọi chuyện mới xảy ra hôm qua hay tuần trước, và Trang vẫn còn thấy con tim nàng đau nhói...
-Em đang nghĩ gì vậy Trang?
Đoàn vừa hỏi vừa lái xe, mắt liếc thoáng qua Trang. Trang che dấu những ý nghĩ thầm kín, vội trả lời:
-Em nghĩ xứ này nóng vậy mà lầm tưởng chỉ tiểu bang Arizona mới nóng dữ vậy thôi!
Đoàn cười:
-Nên em cần qua đây chơi một chuyến là vậy.
Trang đã thành công trong việc nói dối này. Nhưng không phải mọi việc Trang làm đều thành công. Nhớ tới nguyên nhân hai người đổ vỡ, và những năm tự sống lạnh lùng của mình, nàng vẫn còn giận mẹ anh, và có đôi chút giận anh nữa. Với Trang, đó là một thất bại lớn trong đời nàng, để thuyết phục Đoàn cưới nàng. Những năm sau đó, không phải là không có ai theo đuổi nàng, nhưng nàng sợ yêu rồi lại lụy nữa nên không dám thân thiện với ai, để rồi đám con trai theo đuổi nàng cho là nàng phách lối. Thôi thì cũng đành mang tiếng phách lối.
Chỉ có một người đã không nghĩ Kiều Trang phách lối. Đó là Đạt, chàng kỹ sư trưởng phòng bên khu Tây, đổi về Seattle làm được 3 năm nay. Đạt ra trường bên hướng Đông, có gia đình gồm ông bà bố mẹ anh em đông đủ bên đó. Chàng chạy trốn, cố quên lãng một mối tình đổ vỡ..., người con gái bỏ đi lấy chồng.
Chàng yêu ai rồi cũng thấy người yêu lên xe hoa về nhà người khác!
Những đổ vỡ đó tạo chàng thành một con người nghi ngờ phái nữ. Bữa đầu, chàng không thèm dòm Kiều Trang nữa, cứ cho đó là một cô gái Tàu nào đó. Sau này chàng kể lại chàng nhìn không kỹ, chứ mắt đen to tròn của Trang đâu phải mắt Tàu!
Còn Trang, dĩ nhiên Trang biết chàng là một người Việt mới đến làm sếp đám kỹ sư bên khu Tây, trước đó ông sếp của nàng đã cho biết như vậy và còn nói “ông ấy cũng họ Nguyễn với cô, không chừng có bà con với nhau, check him out.” Ông tưởng nàng sẽ thích lắm vì ông nghĩ là cùng người Việt với nhau chắc sẽ có bạn cho vui nên ông mới mau mắn chạy đi báo cáo với nàng, ai dè...Trang tỉnh bơ! Trong hãng này, chức tước của Đạt và Trang ngang nhau, người coi bên khu Đông, người coi bên khu Tây, có gì đâu mà bận tâm.
Vì Đạt không đến với Trang như một người theo đuổi nên Trang thoải mái khi ở cạnh Đạt, mới đầu qua những lần tiếp xúc vì dính líu tới công việc hãng, rồi sau đó là những lần ăn trưa với nhau, tiền ăn lúc thì người này trả, lúc thì người kia trả, không ai nợ nần ai. Cứ tới giờ trưa thì họ hẹn nhau ở bãi đậu xe rồi đi chung với nhau, có bữa là cơm Tàu, có bữa cơm Việt, có bữa là tiệm Mễ, có bữa tiệm Ý, bữa phở Bắc, và bữa hamburgers ở McDonald's hay Dairy Queen's.
Đạt không có vẻ đạo mạo như Đoàn. Đạt hay cười, hay pha trò khi kể chuyện, nhưng không lấc cấc như những tên con trai mới lớn hay múa máy để được chú ý. Tuy nghề nghiệp đòi hỏi anh phải mang cà vạt, anh nói anh chỉ mang vào những bữa có họp ở sở. Đoàn thì khác. Con người anh lúc nào cũng vô khuôn khổ, làm gì cũng vì công danh sự nghiệp. Nghĩ cho cùng, thì bọn con gái tụi Trang cũng có nghề nghiệp, và cũng có công danh chứ đâu có thua bọn đàn ông con trai. Đến chơi nhiều lần thấy Trang coi những mục trình diễn áo quần hay chương trình thi hoa hậu, Đoàn cứ cằn nhằn Trang em coi cái gì đâu đâu mất thì giờ, có học hỏi được gì đâu. Đoàn có coi TV thì chỉ coi phần tin tức. Đạt cũng học giỏi mà đâu có nói mình học giỏi. Đạt cũng thích thơ văn như Kiều Trang, những thứ mà Đoàn cứ kêu "mấy thứ vớ va vớ vẩn ", nhớ hôm nào Trang vào sở gặp Đạt ở cầu thang, trời bên ngoài mưa lớn và Đạt thấy Kiều Trang chạy vào, tóc Kiều Trang còn ướt rũ, chàng đọc ngay bài thơ " Mưa" cho Trang nghe. Và Trang đã thật cảm động. Văn thơ tô đẹp đời sống, như tô phở gà sáng thứ bảy lâu lâu phải có, dù rằng Trang cũng biết nó không bao giờ là sự cần thiết tối hậu.
Khi thân rồi, Đạt bắt đầu kể về những cô Trâm, cô Mai, cô Thúy, tự nguyện kể, chứ Trang không hỏi; chuyện tình cảm của Đạt, nàng không muốn tìm hiểu, nàng chỉ muốn cười đùa với những mẩu chuyện buồn cười trong đời sống ở sở. Nàng mệt mỏi với những đổ vỡ của Đạt. Ba, bốn cái đổ vỡ của người khác không bằng một đổ vỡ của nàng!
Mới đầu Đạt nói:
-Tôi sẽ không yêu ai nữa! Cô thấy có ai yêu mình mà không làm mình khổ không? Kinh nghiệm rồi, bây giờ với đàn bà, con gái, tôi chỉ muốn coi như bạn thôi, bạn vui hơn, không cãi cọ, không lẫy hờn gì hết, như bạn với Trang đây, tôi thấy khỏe tâm hơn. (Đạt còn cho biết, nói chuyện với con gái vui hơn nói chuyện với con trai.)
Nhưng rồi một hôm Đạt đổi ý, nói:
-Nói thì nói vậy, chứ rồi mình cũng sẽ yêu nữa, sẽ có người yêu mình mà không làm khổ mình, chứ hả Trang?
Trang nghe và chỉ cười nhẹ, không trả lời. Đạt nói thật tự nhiên:
-Tên đàn ông nào đó thật dại mới để mất Trang!
Trang nghe và lờ đi. Nhưng một lúc bất ngờ, Đạt nói:
-Rồi Trang cũng sẽ quên người ấy thôi, anh chắc như vậy.
Trang thấy khó chịu vì Đạt đề cập đến đời sống riêng tư của nàng. Chưa bao giờ Trang cho phép ai xâm phạm vào đời sống ấy. Trang nghĩ Đạt không tế nhị. Đâu phải vì Trang thân thiện, đi ăn trưa với Đạt mà Đạt cho là Đạt có thể nói những câu nói như vậy.
Trang giận Đạt không nói chuyện với Đạt... một tháng! Trang không đi ăn trưa với Đạt và từ chối không tiếp những cú điện thoại của Đạt gọi. Có chuyện gì cần với công việc của hãng, Trang thẩy việc qua cho Ted, người kỹ sư phụ tá của nàng. Buổi trưa, Trang ăn tại bàn làm việc. Một cái sandwich kẹp chả, một gói mì đổ nước sôi, một trái chuối, một trái cam, hay một hũ da-ua...Nhớ những buổi ăn trưa vui vẻ với Đạt. Thèm nghe những mẩu chuyện tếu anh kể. Có một buổi trưa trời xanh trong veo, nhìn rõ ngọn núi tuyết Rainier trước mắt in bóng trên nền trời, trên đó tuyết vẫn còn phủ đầy trắng xóa làm Trang nhớ mùa hè năm rồi, Đạt và Trang đã lên chơi Paradise, một nhánh thấp của Rainier. Trang say sưa chạy nhảy té đùi đụi trên vùng tuyết dầy lạnh ngắt. Đã lâu, Trang mới có một ngày vui như thế. Trông Trang còn hồn nhiên lắm, như những ngày Trang mới quen Đoàn, chưa biết những rắc rối của mối tình mới nhìn tưởng thật đơn giản. Nghịch tuyết chán chê dưới ánh nắng mặt trời, xong ăn uống ở nhà hàng cất trên đỉnh Paradise, bên trong đốt củi thật ấm, tiếng củi kêu tí tách vui vui. Hai người ngồi bên cửa sổ kính nhìn nắng hanh hanh bên ngoài, tuyết tan thành nước chảy róc rách làm một cái mương nước nhỏ. Trang chợt nhớ là lần đi chơi đó, vui quá Trang có nhớ tới Đoàn đâu. Ngày xưa, Trang đã ngây thơ nghĩ đi chơi đâu có Đoàn bên cạnh là Trang vui rồi...
Trang cố gắng chăm chú làm việc để không có thì giờ nghĩ vẩn vơ.
Thật sự, nàng đã quên " người ấy", nhưng Đạt không được quyền biết điều ấy, làm như vậy phải chăng là Đạt đang soi mói tò mò vào đời sống tình cảm của nàng?
Trang thấy mình khổ sở ngồi ăn trưa một mình, nên một tháng sau đó thì chính Trang gọi điện thoại làm lành...
*
* *
Mấy năm qua, Đoàn vẫn chưa lập gia đình. Vài năm sau này, sau khi tìm ở đâu ra được số phôn của nàng, Đoàn đã liên lạc lại với nàng. Họ chưa một lần gặp mặt, chỉ nghe lại giọng nói của nhau qua đường dây viễn liên. Trang nghĩ là Trang còn yêu Đoàn, vì Trang vẫn chưa yêu ai khác. Đoàn nói Đoàn vẫn còn yêu Trang tha thiết. Và Đoàn vẫn sống với ...mẹ già! Sau mấy vụ mai mối với những người cùng đạo mà chuyện chẳng đi tới đâu, bà chấp nhận để Đoàn yên, Đoàn không chịu lấy ai, bà thôi không hối thúc nữa. Mỗi chủ nhật, Đoàn chở bà đi lễ. Đoàn đi lễ là vì bà, chứ không phải thuộc loại sùng đạo. Mấy ông anh, mấy bà chị thấy em ở độc thân như vậy có lợi cho họ hơn nên không ai nhắc chuyện vợ con cho chàng cả. Họ chỉ nghĩ tới quyền lợi cá nhân của họ, dù mẹ là mẹ của chung, nhưng họ đẩy bà cụ cho Đoàn. Rồi đời sống côi cút ấy lâu dần là việc hiển nhiên thôi. Anh đi đi về về như cái bóng lặng lẽ.
Hai năm trước mẹ Đoàn mất. Không còn ai cấm cản việc chọn lựa người yêu cho mình, Đoàn mạnh dạn cho Trang biết là Đoàn còn yêu Trang, và Đoàn không dấu Trang điều ấy, mà Đoàn cứ lập tới lập lui với Trang điều ấy. Lần này, trái lại, Trang dè dặt hơn. Trang không nói đến chuyện còn thương Đoàn không, dù Đoàn nhiều lần đã hỏi. Đoàn hỏi để được nghe điều Đoàn muốn nghe. Dù không được nghe, Đoàn không buồn lắm, bao năm trôi qua rồi mà Trang vẫn chưa lấy ai, vậy hẳn nhiên là Trang còn yêu Đoàn, Đoàn nghĩ vậy.
*
* *
Khách sạn Trang ở nhìn xuống phố chính. Hai tối rồi sau khi đi ăn với Đoàn về, Trang thường đứng bên cửa sổ trầm tư cho đến khi trời đã khuya, đường lớn phía dưới thưa dòng xe cộ. Đêm nay là đêm cuối, sáng mai sớm Trang sẽ lên phi trường về lại sở làm. Những điều cần nói Trang đã nói tối nay. Rằng chuyện tình cảm giữa hai người bây giờ không còn gì nữa cả. Họ đã đánh mất nó từ lâu lắm rồi. Trang biết chắc khi vừa đến đây thăm Đoàn. Trang nói:
-Em nghĩ là anh cũng đã nhận thấy điều đó. Mình đã xa cách một thời gian quá dài, mình đã thay đổi quá nhiều. Em không còn là Trang của anh của ngày xưa nữa. Trang còn nhớ lúc đó không khí trong phòng ăn thật oi bức và nhà hàng đang cho chạy bản nhạc “ The Way We Were “, Trang nghe và ghét cay ghét đắng bản nhạc đó vô cùng. Đoàn không muốn nghe những lời Trang nói, vì Đoàn không tin là họ đã đổi thay, hay rõ hơn là Trang đã đổi thay. Đoàn cứ xua tay không cho Trang nói tiếp:
-Trang, em đừng nói bậy...
Trang thấy khó chịu nhìn cảnh Đoàn van xin Trang hãy thương anh. Khi thấy sự dửng dưng lạnh lùng của Trang, Đoàn mới nhận ra là Đoàn đã thật sự mất Trang - hay chưa bao giờ Trang là của Đoàn? - anh đâm hốt hoảng, tưởng như bấy giờ ai cũng bỏ rơi anh. Trang thấy mồ hôi trán anh đọng lại từng giọt và đâm ra thương hại sự yếu đuối của anh, nhưng Trang biết nàng không giúp được gì cho anh cả. Giọng Đoàn thật buồn khi nói:
-Em sẽ không yêu ai như em đã yêu anh!
Trang nghĩ buồn cười cho câu nói của Đoàn. Giờ phút đó mà Đoàn còn tự tin nói như vậy, hay anh đã quá tuyệt vọng buông một câu an ủi cho chính anh. Trang trả lời trong đầu. Anh đã lầm, cũng như em đã lầm, con người có đổi thay, người ta không sống mãi với quá khứ, với kỷ niệm.
Ở nhà hàng đi ra, Trang vừa cảm thấy nhẹ nhõm vừa cảm thấy cõi lòng trống vắng buồn buồn. Trang cho đó là cái cảm giác của một mối tình đi đến hồi kết thúc. Trang hối tiếc là đã đi gặp Đoàn để phải gặp cảnh ngỡ ngàng này, giá gì Trang chỉ gọi phôn dứt khoát được rồi. Giá gì bây giờ Trang đang thả bộ ra xe cùng với Đạt sau một buổi ăn trưa vui vẻ.
Sáng sớm hôm sau Đoàn đưa Trang ra phi trường để về lại Seattle. Thôi xin giã từ New Orleans. Thành phố đã nhộn nhịp, dù mới 6 giờ sáng. Xe chạy qua công viên, những người vô gia cư còn nằm co queo ngủ trên ghế đá. Nước Mỹ mang tiếng giàu có, vậy mà cũng có cảnh này. Phải chăng vì tình trạng kinh tế khó khăn chung, hay vì họ thích lối sống như vậy?
Đoàn cầm tay lái, mắt chàng lâu lâu lại đưa qua nhìn Trang. Hình như Đoàn muốn nói gì. Trang đoán biết vậy nhưng nàng lờ đi. Và mong là Đoàn đừng nói gì thêm nữa. Vì đâu còn chuyện gì để nói nữa. Hai người ngồi gần nhau mà tưởng như họ đang ở xa nhau lắm. Sự yên lặng làm Trang đến gần ngộp thở; nàng chỉ mong lên máy bay cho thật lẹ, đi thật nhanh ra khỏi thành phố này, hay đúng hơn...để không còn phải nhìn thấy Đoàn nữa.
Bỗng Trang nghe Đoàn hỏi nhỏ:
-Thỉnh thoảng anh gọi em được không?
Đoàn bao năm rồi vẫn thế. Anh chẳng làm được gì cho tình yêu của hai người, nhưng cứ khi gần mất thì cố níu kéo gìn giữ, bây giờ cũng vậy, chuyện đã chẳng đi tới đâu, Trang đã hết lời giải thích, ngay cả việc đã nói lên sự thật là Trang không còn yêu Đoàn nữa, nhưng Đoàn vẫn nghĩ là không có gì.
-Thôi anh Đoàn...Em nghĩ là anh đừng gọi em nữa. Hãy quên số phôn đó đi! Anh nên gọi ai khác...Anh nên lấy vợ đi! Và em nữa...em cũng phải lấy chồng, em cũng già quá rồi...
Đoàn nhíu mày. Trang nghĩ thầm. Mình không còn khả năng làm cho anh cười được nữa. Nhưng cần gì, sao không thắc mắc là lâu nay anh không còn làm nàng cười được nữa. Họ đã trở lại nhau sau cái chết của người mẹ, nối lại mối tình dở dang, hay thật sự chỉ là hai người bạn cũ có một khoảng quá khứ, kỷ niệm chung. Sao chẳng bao giờ Đoàn hỏi cưới Kiều Trang? Sao chẳng bao giờ Đoàn hỏi mình em có chịu làm vợ anh không?
Trang thấy buồn lạ lùng. "Mình mới là kẻ cắt đứt mối tình cũ kia mà." Thì ra, trong đổ vỡ, kẻ chủ động hay người thụ động đều buồn...
*
* *
Trang ngạc nhiên khi thấy Đạt đứng đợi nàng ở phi trường, nhất là bữa đi Trang không cho Đạt biết là nàng đi đâu. Đạt không dấu vẻ vui mừng ra mặt, làm Trang cảm động, Trang hỏi:
-Sao...anh Đạt biết?
Đạt cười:
-Dễ mà!
Nhưng sau đó chàng chẳng buồn giải thích là tại sao lại dễ, cứ băn khoăn lo lắng việc đi đường của nàng. Trang lắc đầu. "Cứ khỏe không à, Trang ngủ một lèo trên máy bay". Trang lại nói dối. Trang không mang hành lý gì nhiều, chỉ một cái xách tay áo quần nên không phải chờ lấy hành lý. Trang thầm nghĩ không biết là Đạt có biết mình đi đâu không, nàng chỉ biết là anh rất mừng vui khi thấy lại nàng.
-A, nếu anh giỏi như vậy thì anh có biết Trang đã đi đâu không?
Thật ra Trang cũng không nên đem điều này ra hỏi, nhưng dù sao Trang cũng đã lỡ hỏi rồi. Đạt thản nhiên, xua tay nói nhỏ, không cần biết...không có gì quan trọng. OK, nếu anh không cho nó là quan trọng thì nó không là quan trọng, đừng nói là Trang đã không thành thật với anh. Trang nghĩ bụng và bằng lòng với thái độ của chàng. Đạt trách nhẹ nhàng:
-Đi chơi vui quá, không nhớ ai! Mấy hôm rày phải đi ăn trưa một mình buồn quá. Rồi anh nói nhanh. Anh thấy nhớ cô bạn gái hay đi ăn trưa với anh.
Khi Đạt nói câu này là lúc chàng đang mở cửa xe cho Trang. Trống ngực Trang đánh nhịp nhanh, vì Trang biết ngay đó là một câu nói tỏ tình. Họ đã tìm hiểu nhau qua một thời gian 3 năm dài. Rồi như sợ Trang phản đối, Đạt cũng lấy hết can đảm để nói -vì sợ chẳng có một dịp nào khác để được thố lộ tâm tình của mình, vì Trang cứ đóng vai một cô bạn đồng nghiệp, mà Đạt thì muốn tình cảm hai người tiến xa hơn thế nữa.
Trang biết là từ đây Trang sẽ không còn có những ngày chờ đợi, và những đêm cô đơn với những giọt nước mắt chảy dài khổ đau. Đời sống ngắn lắm, nếu mình cố thì hạnh phúc bình thường đơn giản cũng không phải là khó tìm thấy...Cứ chạy theo hạnh phúc ảo tưởng mới khó. Mà Trang thì cũng mệt mỏi quá rồi.
-Trang nghĩ là Trang đang cần bờ vai của anh làm chỗ dựa. Nói tới đây, Trang nhè nhẹ ngả đầu dựa vai Đạt, và nói tiếp:
-Trang sẽ không đi đâu nữa...mà không có anh. Có đi đâu thì hai đứa mình sẽ đi với nhau.
Bầu trời Seattle trong xanh đẹp đẽ ngày Trang trở về.
*
* *
"...Uyên mến thương, mi hằng quan tâm đời sống tình cảm của tao nên tao phải cho mi biết ngay. Tháng tới tụi tao làm đám cưới. Tao biết mi sẽ rất vui khi biết chú rể không ai khác hơn là Đạt. (Hai người đàn ông tao yêu thương đều có tên bắt đầu bằng chữ Đ, buồn cười không? Nói để mà nghe chơi, chứ tao đã hứa với lòng tao là sẽ không còn nhớ chữ Đ kia, chắc mi hiểu.) Dạo trước mi cứ mắng tao ngu không chịu cho Đạt một cơ hội, nhưng mi ơi, anh chàng cũng khôn đáo để không cần sự giúp đỡ của mi đâu, anh chàng âm thầm tấn công mà tao nào có hay, để rồi một ngày tao mới nhận ra là tao sẽ sống mất vui nếu thiếu anh chàng. Sau chuyến qua thăm Đoàn (mi phản đối dữ dội), tao mới hiểu rõ tình cảm của tao, mọi việc đã thay đổi hết rồi, bởi vì có Đoàn bên cạnh mà tao buồn quá, tao muốn về Seattle ngay. Tao đã dấu ngay cả lòng tao lúc ấy là...tao đã nhớ Đạt da diết, tao đã yêu Đạt hồi nào không hay. Đạt mới thật là người đang mang đến cho tao hạnh phúc, và những nụ cười. Bên Đạt, tao thấy thật thoải mái. Đó là hạnh phúc, mi từng bảo, đôi khi chỉ là những đơn sơ như vậy. Tao lấy chồng, cũng xong phần tao. Tao vẫn mong Đoàn có hạnh phúc...
Thiệp cưới sẽ đến sau. Báo cho mi biết để vợ chồng con cái nhà mi bỏ ống, nuôi heo chuẩn bị là vừa - hồi đó, tao đi dự đám cưới của mi có một mình, mà bây giờ phải mời lại...cả đàn!..."
LINH - VANG

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003