Apr 16, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
Thư Paris: NGƯỜI ẤY ÐANG YÊU
BÍCH XUÂN
Hình như tôi có duyên với xứ Mỹ. Mỗi năm bỏ cửa bỏ nhà qua Mỹ ở gần ba tháng. Nhớ nhà quá lại mau mau quay về. Quay về, được vài tháng có việc lại phải bay sang Mỹ nữa. Nguyên do, việc đi qua, đi lại liên quan đến chuyện văn chương, văn nghệ nghiệp dư của tôi như con tằm phải kéo tơ để thành sợi. Trời! tôi đâu phải tằm ăn dâu mà phải nhả tơ? Một ngàn năm, một vạn năm- Con tằm vẫn kiếp con tằm nhả tơ. (Nguyễn Bính) Hay là con ngựa chứng nghệ thuật đang lồng lộn giữa gió sương, trước cổng thiên đường bên cửa sổ? Ngày xưa tôi giống như là Bây chừ tôi giống như là ngày xưa (Luân Hoán).

Lâu lắm rồi, hai mươi sáu năm hơn, muốn về thăm mộ ông bà và hai cụ thân sinh tôi ở Việt Nam, nhưng năm nào đến hẹn rồi cũng bận, chẳng biết bao giờ mới về được. Ôi! cũng vì chuyện văn nghệ văn gừng với uớc mơ vui sướng, mà ước mơ thì đâu có giới hạn! Thôi, thì hẹn lại năm sau, nhân dịp Tết về luôn thể

Lần này, từ Paris tôi đến Dallas Fort Worth để dự hai ngày hội ngộ (thứ bảy, chủ nhật) mang tính cách Văn Hoá do Hội đồng hương Quảng Ðà tại Dallas tổ chức. Các văn sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ khắp mọi nơi trên thế giới cùng hưởng ứng trong niềm vui, đồng bay về thành phố cao bồi Texas chung một ý nghĩ, đóng góp một cái gì đó cho quê hương. Hai buổi văn nghệ như một bông hoa thơm ngát, thành công ngoài sức tưởng tượng của Ban tổ chức, có một tiếng vang vào đại chúng và những người hiện diện nơi đây .

Ði một công hai chuyện, tôi đem theo bản thảo của tập truyện vừa hoàn thành trước đó vài ngày. Dự xong hai buổi văn hóa tại Dallas, sáng hôm sau tôi đi Cali ( Orange County ) để in sách.

CALI
Những ngày hồi hộp chờ cuốn sách mới có tựa MÙA XUÂN CHÂU NGỌC ra lò. Hồi hộp bởi ông chủ nhà in, hứa một đường làm một ngã khiến cho tôi muốn đứng tim. Nên sách không giao như đã hẹn, may mà tôi đã tính trước cho dù sách giao trễ, tôi vẫn còn thời gian để xoay xở với những nơi hẹn sẽ đến .
Thời gian ở Orange ố County tôi gặp anh Trần Quốc Bảo hiện giữ chương trình ca nhạc cuối tuần tại phòng trà Bleu, cũng là người công tác thường xuyên cho tờ Tuần báo DIỄM phát hành tại Cali. Ðây không phải lần đầu gặp anh, mà cách đây hơn năm năm tôi đã gặp anh tại một quán nước, lâu quá rồi tôi quên mất tên tiệm đó . Nhưng người và tên anh, tôi còn nhớ vui vẻ cả làng rồi.
Trần Quốc Bảo có nhã ý tổ chức một đêm cho Bích Xuân tại vũ trường Bleu để giới thiệu tác phẩm mới với khán giả, và độc giả ở đây, nhưng vì bận công việc đi đứng, nơi này nơi kia, không có đủ thời giờ, nên tôi bỏ lỡ dịp may. Trước khi từ giã Orange- Couty tôi đã hát một bản nhạc tại vũ trường Bleu tặng anh Bảo để tỏ lòng cảm mến. Cảm ơn người nghệ sĩ có nhiều năng động, uy tín được nhiều người tại đây thương yêu và quý mến. Chúc những gì tốt đẹp và may mắn nhất đến với anh .
Người thứ hai là anh Vũ Công Lý, con người ngang tàng coi trời đất, coi tiền chẳng có ký lô găm nào. Con người ta sinh ra, ông Trời cho được cái này thì mất cái kia, anh ta có khoa ăn nói và trí nhớ rất tốt, đọc sách tới đâu nhớ tới đó, thân hình anh ta nhỏ con, ốm yếu. Nhưng trong cái ốm yếu đó chứa đựng một tinh thần vững chắc và sâu sắc. Gặp anh ta tôi liền nổi máu ni cô, anh ta nói gì tôi cũng niệm Nam Mô, Nam Mô, Nam Mô
Năm nay, tôi gặp anh là kẻ giang hồ bạt mạng, tôi muốn độ cho người lãng tử kia trở về con đường bằng thẳng chứ đừng lái xe vòng quanh, nhưng vì nội lực con cò trong tôi, đang còn nhởn nhơ tìm lúa rụng về đêm chưa định, nên không hàng được kẻ lãng tử kia. Anh ta nghèo nhưng rất hào hoa.
Tôi về, biết năm mô gặp lại anh? Phải nói là tôi in đậm những kỷ niệm với anh trong những ngày tôi đến Orange - County. Gặp anh ta lưỡi tôi líu lại hết nói được, vì anh nói chuyện rất lưu loát. Nói đủ thứ chuyện trên đời. Nào là: Chúa, Phật, chuyện chính trị, chuyện tình yêu, chuyện du đãng, mật thám, chuyện cô ca sĩ này, bồ với ca sĩ kia, rồi giống đực có tên với giống đực hôn nhau v.v Chuyện nào tôi nghe cũng hấp dẫn, sướng lỗ tai. Ai ở xa đến Orange- County gặp Vũ Công Lý kể chuyện thì mới tin tôi nói là đúng.

Tôi ôm MÙA XUÂN CHÂU NGỌC còn thơm mùi giấy mực đi San Jose nhờ nhóm bạn Quảng Ðà tiêu thụ dùm được một số, rồi đến nhóm bạn hữu của anh Phan Vĩnh Chánh cũng tình nguyện nạp thuế để được tôi đóng mộc trong cuốn sách làm kỷ niệm Những buổi văn nghệ bỏ túi tại tư gia trong không khí gia đình, cho tôi tự nhiên ca hát với cây đàn thùng, có sự đam mê hơn. Tôi mang sách đi lần lên Sacramento

SACRAMENTO
Nhà văn Nhật Thịnh chủ bút tờ Ðất Ðứng và chị Khuê Dung tổ chức buổi họp mặt tại gia của anh, để tôi có dịp gặp gỡ lại các anh chị em mà cách đây 6 năm tôi đã đến đây ra mắt cuốn sách có tựa là CHÀNG và số bạn mới. Tình cờ tôi gặp lại thi sĩ Nguyễn Chí Thiện trong một khung cảnh đầm ấm đầy tình người ở đây. Cách đây bảy năm tôi đã gặp Nguyễn Chí Thiện tại Paris trong một bữa cơm tối ở nhà một người bạn văn chương. Bảy năm sau, nhìn lại thi sĩ có da có thịt và trắng trẻo hơn xưa... Dĩ nhiên tôi và thi sĩ có những cái bén nhạy đồng cảm nhau hơn trong lúc gặp lại. Thi sĩ đã đọc thơ và tập truyện tôi, thi sĩ hiểu rằng tôi rất lãng mạn, nhưng không có nghĩa là phiêu lưu với những cuộc tình vụng trộm, vì cái đẹp của lãng mạn nằm trong sự kỳ diệu của tâm hồn. Chơi hoa mấy kẻ biết hoa Nhặt hoa mấy kẻ biết ta si tình Rồi chủ nhật tôi và Nguyễn Chí Thiện gặp lại nhau trong ngày Quân Lực Cộng Hoà 19 tháng 6 tại Sacramento. Vẫn giọng nói dũng cảm thi sĩ có sự hồn nhiên, pha những kinh nghiệm thực tế của sự sâu sắc, khi nói chuyện trước mọi người.

Tôi hẹn với thi sĩ sẽ gặp lại lần sau, khi trở lai Orange County ( hiện thi sĩ cư ngụ tại Orange - County) Nhưng tôi không đúng hẹn. Ðến Orange County bận gởi sách về Paris, nên quên bẳng đi cái hẹn với thi sĩ. Thi sĩ thông cảm nhé! đừng buồn người đi trong sóng gió sương mây, biết đâu là điểm hẹn? .

DALLAS
Bay trở lại Dallas dự buổi văn nghệ Thơ do Giáo sư Nguyễn Thùy đến từ Paris nói về Lãng mạn trong thi ca do Hội Quảng Ðà tổ chức. Phần văn nghệ chẳng có ai ngoài tôi với cây đàn thùng tự độc diễn trên sân khấu, và các thân hữu dự phía dưới lên đọc thơ, ngâm thơ không sáo không đàn dưới ánh đèn vàng giữa buổi trưa hè im ỉm oi bức đến buồn ngủ. Buổi văn nghệ thơ ca mà không có lấy một cây Key board, người nhạc công nào để đệm nhạc, thấy nghèo nàn thiếu mùi vị văn nghệ làm sao ! Ban tổ chức nên để ý đến mục này. Ðừng coi thường những buổi văn nghệ nhỏ, để người ta xầm xì.
Hôm sau cô em gái đưa tôi đi ăn cơm trưa tại nhà hàng Arc En Ciel. Nhà hàng này năm ngoái tôi đến rộng lớn. Năm nay, nhà hàng sửa sang lại nên bị ngăn đi một nửa. Gặp tôi ông bà chủ nhà hàng rất dễ thương, gốc người Tàu nói tiếng Việt rành rọt ! ông chủ còn mê sáu câu vọng cổ và nhạc tiền chiến, thích cả thơ ca nữa. Như rứa là ông bà chủ nhân nhà hàng này có tâm hồn nghệ sĩ, dĩ nhiên trong thức ăn của nhà hàng Arc En Ciel nhiều món hấp dẫn có nghệ thuật văn hoá. Trong một khung cảnh khang trang, sạch sẽ lịch sự vừa với túi tiền của mình thì được quá ! Nhận xét về người chủ nhân này, theo những tế bào nhạy cảm nhất, trong tâm hồn nghệ sĩ trong tôi. Xin có đôi lời giới thiệu với đồng hương tại đây. Một ông chủ vui vẻ rất ư là nghệ sĩ, tổ chức văn nghệ, hội họp gì đến gặp ông bà chủ nhà hàng Arc En Ciel sẽ tính với giá đặc biệt rất nghệ sĩ .

Chiều hôm sau, em gái đưa tôi đi thăm chùa Ðạo Quang nằm trong vùng Richardson Dallas. Ngôi chùa rộng lớn, phía sau có cảnh Phật , có tượng Phật Quan Thế Âm đứng giữa hồ sen, tượng Hoàng hậu Da Du Ðà La trong vườn Thượng uyển, có tượng các Sa Di quì gối lễ Phật, bên tượng Thích Ca khi nhập Niết bàn. Ghế đá dưới hàng cây thông, có khắc tên của ai đó đã cúng dường, cho những ai muốn đến đây ngồi xả hơi, tìm lại những giây phút thảnh thơi tâm hồn, sau một tuần làm việc mệt nhọc căng thẳng. Buổi chiều chưa tắt nắng, gió thổi còn hừng hực, nhìn nụ cười thanh thản trên bức tượng Phật, cũng đủ làm cho tôi cảm giác mát rượi nhẹ nhàng. Hai chị em vào chùa đảnh lễ, gặp Sư trụ trì , tôi chắp tay:
- A Di Ðà Phật, thầy cho chúng con lạy Phật .
- Mô Phật, vừa mớt tan lễ buổi chiều xong. Hai con vào chánh điện làm lễ .
Sau khi lễ xong, hai chị em tôi đến nói chuyện với Sư Tịnh Ðức trụ trì ở chùa này. Tôi nhìn bàn chân đi đất trần của Sư, như thời Giao Chỉ xa xưa còn sót lại. Năm ngón chân Sư xòe ra, dáng đi mỗi bước lộ ra chân quê chất phác, mộc mạc. Nhìn sau lưng Sư, thấy như còn đang rớt lại nụ cười, không cho tôi cảm thấy có khoảng cách để cung kính. Sư cho tôi sự tự nhiên dễ hoà đồng vào Ðạo mà không cảm thấy xa Ðời. Có được cơ duyên như thế, chắc tiền kiếp đã có căn tu nghiệp phước mấy đời. Tôi đang suy tư bỗng Sư hỏi:
- Con ở gần đây?
- Thưa thầy không ạ ở Paris .
Sư kêu a một tiếng, rồi hát một câu thơ của Nguyên Sa:
- Paris có gì lạ không sư?
Nghe Sư hát, hai chị em tôi đồng cười thành tiếng, tôi thầm nghĩ ông Sư vui vẻ xã giao một câu văn minh quá! Tôi nói:
- Thưa thầy có ạ! Paris có vua Louis lúc mười sáu tuổi đánh quân dẹp loạn . Giải phóng Paris năm 1653. Ông nổi tiếng khắp Âu châu với danh hiệu Roi Soleil ( vua mặt trời ) Rồi du khách từ khắp nơi đổ dồn về Paris để chiêm ngưỡng nền văn minh sáng chói dưới thời vua Roi Soleil .
Sư hỏi lại tôi:
- Có phải kiến trúc sư xây lâu đài nhỏ ở trong khu vườn Versaille là Philiplibert La Roy? Tổng công diện tích 51.210 mét vuông. Có 700 phòng và 67 thang cấp. 2.153 cửa sổ lớn nhỏ. Diện tích Versaille có tất cả 17 khu nhà, mỗi nhà cao ba tầng, 7 khu ở trong khuôn viên
Tôi kêu to:
- Ui chao! sao sư biết rành quá vậy?
Sư Tịnh Ðức nói lúc xưa có học ở Paris một thời gian ngắn. Tôi trao đổi vài câu chuyện văn thơ với Sư về Ðôi Mắt Người Sơn Tây của cố thi sĩ Quang Dũng trong đó có câu:
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Sư và tôi không hiểu ý thi sĩ muốn nói gì trong câu thơ ? Tại sao Vầng trán em mang trời quê hương- Mắt em dìu dịu buồn Tây phương ? Thi nhân nào biết xin giảng giải dùm. Rồi đến bài Ðôi Bờ cũng có câu: Quạnh vắng chiều sông lạnh đất Tề,
Ðất Tề có phải nước Tề ? Có người nói với tôi không phải là đất Tề, mà là là Universite ở bên Pháp ? Bài thơ Ðôi Bờ làm năm 1948 . Quang Dũng làm trong thời Tây tiến 1947- 1949.

Sau cuối câu chuyện Sư biết tôi đánh đàn, ngâm thơ. Sư bảo tôi chủ nhật này 12 giờ trưa làm lễ đến 1 giờ thì xong, sau đó con phụ diễn văn nghệ tại chỗ, nhớ mang cây đàn guitar theo .

Chủ nhật, sau khi lễ xong, Sư giới thiệu tôi với các đạo hữu. Tôi ôm đàn lên ngay giữa chánh điện, tự giới thiệu và gãy đàn, nhưng tiếng ca thì còn đang ngập ngừng chưa cất tiếng. Sư ơi! biết ca bài nào đây? Trước, sau, hai bên tường treo đầy hình Phật. Ngại ngùng quá! con đâu dám hát nhạc đời ở đây! nhờ thầy hát trước đi . Sư thầy có tâm hồn nghệ sĩ cất tiếng hát liền : Lên xe tiễn sư đi, chưa bao giờ buồn thế! trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly Ông Sư văn minh biết ngâm thơ, biết làm thơ, hát luôn mấy bài liên tiếp làm không khí trang nghiêm sau giờ nghi lễ rộn rã tươi vui hẳn lên, làm cho lòng tôi muôn vàn kính phục vị Sư có trình độ tâm lý rất cao. Hầu như tất cả các Sư trụ trì nơi cửa chùa, tất cả đều biết rành về tâm lý về giáo lý căn bản Ðạo Phật, thấp nhất là Trung học và cao nhất là tốt nghiệp Ðại học, Cao học, Tiến sĩ v.v

Tôi ôm đàn hát rất tự nhiên rất tận tình (không phải ôm đàn để làm duyên làm dáng), tôi được hoan hô quá chừng. Sau đó, dĩ nhiên là tôi được các anh chị mua CD và sách. Trước khi từ giã Sư Tịnh Ðức để ra về, thầy bảo tôi để lại sách và CD nhạc đặng thầy tặng các đạo hữu. Em gái tôi thấy Sư cúng dường 200 đô vào những cuốn sách nghệ sĩ của tôi, nó hốt hoảng vội móc tờ 100 đô trong ví bỏ vô thùng Phước Sương để cúng dường ngôi Tam Bảo. Ui chà! Vì tôi mà tờ giấy bạc 100 của em tôi bay vô thùng Phước Sương. Nên cúng dường để làm gương, cũng giống như dành dụm vốn cho kiếp này. Mô Phật! Con cảm ơn thầy. Xin trả lại thánh trí thênh thang, con xin về lại chốn thiên thai tục lụy, chẳng ai mời gọi mà con cứ lăn xả vào. Trên đường trờ về nhà, tôi còn nghe văng vẳng giọng ca vô tư vui vẻ của Sư Tịnh Ðức đâu đây: Ðời nghệ sĩ lăn lóc dưới mương. Ba ngày sau vớt lên sình chương.

Tôi vẫn tiếp tục đi trên con đường thiên lý để tìm cái đẹp gởi gãm vào trang giấy trắng này. Ðể về sau có sự kính trọng, để xem xét, để thấy ơn nghĩa tràn đầy, và cũng để biết lắm điều bất công trong quá khứ ghi nhớ, và thâu nhận những gì đẹp đẽ nhất, cho tâm tư an lạc trong cõi hồng trần này. Tôi càng đi tôi càng tập cho cuộc sống mình một cuộc sống không tự mãn, tự kiêu mà sống cuộc sống đầy tự tin ở chính mình .

HOUSTON
Tháng bảy ở Houston khí hậu ẩm ướt nóng, trong người như khô khét rin rít, khó chịu hết sức. Thấy tôi ôm chồng sách sắp bước vô tiệm sách NGÀY NAY, bà chủ tiệm đứng bên trong chào tôi với nụ cười bình dị trên môi, đang bay ra ngoài theo nắng mênh mông gió mát. Nụ cười đáng giá nghìn đô. Ði bất cứ nơi đâu, nếu có dịp về đây tôi cũng ghé thăm bà chủ tiệm, có nụ cười dễ mến. Trước thăm bà chị, sau nhờ bà chị cúng dường cô ni ít tiền (ni-cô) cho những cuốn sách sáng tạo qua bản tính nghệ sĩ tôi. Ba năm rồi, vẫn mái tóc vén kiêu sa tém cao sau gáy. Chị gầy hơn trước. úi chà! chị mà gầy thì mặc cho tôi hít hà khen lấy khen để. Lâu năm gặp lại khen các chị ốm là sướng mê nhé! Khen giàu nghe đâu sướng lỗ tai bằng: Này chị ốm đi đấy nhé! là thấy các chị ngẩn ngơ sung sướng y như rằng mới đi mỹ viện về vậy!.
Tôi chụp vội tấm hình với chị rồi hối hả đi ra xe, vì cô bạn chờ ở ngoài. Bà chị tiệm sách NGÀY NAY ở Houston cũng như bà chị tiệm sách VĂN NGHỆ ở Orange County, LÀNG ở Sacramento ( Cali ), ba chị đều có nét mệnh phụ, mỗi người một vẻ, tôi nhìn thấy vui cặp mắt là thấy đời tươi thêm.
Ðến Houston tôi hay tin bạn Hồng Vân đã bán tờ Kịch Ảnh cho ca sĩ Diễm Chi ba tháng nay rồi! Ðường đời vạn nẻo. Tôi tay trắng. Bạn cũng trắng tay. Tay trắng trở lại với trắng tay. Tất cả rồi cũng trôi qua, chỉ còn lại tấm lòng. Mỗi người đều có nghiệp lực để trả. Ôi đời là cơn mộng ảo?

Tôi đi với anh chị Vân Bình và anh chị Trung đến vũ trường CBC để gặp anh chị Chủ nhiệm mới tạp chí Kịch Ảnh là Diễm Chi, Dương Hữu Chương hiện ở Houston, và Phạm BáVinh, Quỳnh Giao từ Virginia đến. Ðây là lần thứ ba tôi ghé đến vũ trường Mini Club do ba Kiều nữ trong Ban nhạc CBC phụ trách là: Bích Ly, Bích Loan và Bích Liên. Không khí vui nhộn sống động nơi đây nhờ cô ca sĩ kiêm đàn sĩ đánh Key-Board Bích Loan . Tôi được làm quen với Ban nhạc sau những bài hát mỗi lần ghé thăm vũ trường. Công tâm mà nói tôi ca với Ban nhạc CBC những bài có nhạc điệu Blue tôi phê dễ sợ. Nhạc mà trỗi lên thân hình tôi lắc lư như con tàu trên sóng, cứ sàng qua sàng lại như kẻ mộng du. Thôi chết! tôi mê Ban nhạc CBC rồi trời ạ! .
Diễm Chi hát tặng tôi bài Mộng Dưới Hoa để kỷ niệm buổi tao ngộ. Cảm ơn chị, không bao giờ tôi quên cảm tình đặc biệt anh chị đã dành cho tôi đêm nay .
Sau khi nói chuyện bằng nụ cười niềm nở, và tạm từ giã anh chị chủ nhiệm cũng bằng nụ cười niềm nở tươi như hoa. Hẹn ngày mai gặp lại. Số tôi may mắn đến Houston lần này, có chuyện vui hơn lần trước. Chị Vân Bình lần này thì tôi biết rõ về chị thêm tí nữa, chị lúc nào cũng tươi mát bên cạnh ông chồng dạy võ có tâm hồn rất nghệ sĩ, không có buổi tiệc nào ở Houston mà vắng mặt ông bà võ sĩ này .

Tôi đến Houston chiều chủ nhật. Thứ hai tuần sau phải về. Ðến Houston nhân dịp có tác phẩm mới trong tay. Anh chị Diễm Chi đưa tôi đến gặp nhà văn Lan Cao bàn tính buổi họp mặt, để tôi có dịp quen biết thêm các bạn văn chương ở đây. Chị Diễm Chi đề nghị tối thứ sáu tại phòng trà của Duy Thành 8. Nhà thơ Lan Cao trợn mắt: Ui chà! Chỉ còn 3 ngày nữa làm răng mà qui tụ đủ số khách? Tôi nói: Ðời đưa đẩy em, đi như sóng gió, biết đến đâu mà hẹn hò? Nói theo như kiểu nhà binh, tới đâu thì đánh đó! Tiến.
Hôm sau nhỏ Hoàng Cúc chở tôi đến cái vù, bằng chiếc xế hộp màu đen mẹc xơ đì, loại sport hai cửa tới quán anh Lan Cao thì gặp ca sĩ Hoàng Tường, nhà thơ Lưu Nguyễn Từ Thức, Ðặng Xuân Ngô v.vàđã để hàng ghế thấp gần mặt đất, ( loại ghế con nít ngồi ) các anh ngồi thành một dàn chào trước tiệm. Hai đứa đến nơi nhập bạn để nói chuyện thơ thẩn dưới mái hiên, mà nghe ấm áp tình người, tình đời ! Tôi và nhỏ Hoàng Cúc ngồi trên cái ghế thấp ni, hai đầu gối sát ngực, làm tôi nhớ tới mấy bà bán hàng ngồi trong chợ:
Em ngồi tôm cá bày để ra

Hôm sau tôi lên đài radio Quê Hương thì gặp nhà thơ họ Ðào. Trong buổi chiều hơi nóng còn khen khét, tại sao có Ðào nở giữa mùa xuân? Mùa xuân là mùa người ta vui chơi, mùa của trai gái với nhau!
Chiều nay có buổi họp mặt trong phạm vi báo chí và giới truyền thanh do Luật sư Hoàng Duy Hùng mời tại nhà hàng Kim Phụng. Bàn tròn phía bên phải là người trong gia đình của Luật sư. Bên trái dành cho báo chí. Tôi nghe tiếng ông luật sư Hùng này mấy năm nay, qua những bài viết về chính trị già dặn và sắc bén đăng trên các báo. Tôi tưởng ông Hùng này già lắm ở ngoài đời! nhưng thực tế thì khác. Hoàng Duy Hùng trẻ, tự tin, thể hiện qua sự dũng cảm khôn lanh trong đôi mắt. Hình dáng và trình độ biết của ông Hùng, với cá nhân tôi nhận xét, ông Hùng có thể ra giữa thương trường, nhập vào xã hội văn hóa của người Mỹ không thua bất cứ ai. Thần tướng ông Hùng có thể cho tôi tin tưởng được .

Tối thứ sáu đã tới, Hoàng Cúc và tôi đến tiệm Duy Thành 8. Ðúng 9 giờ Chị Diễm Chi với chiếc áo dạ hội màu đỏ bó sát từ ngực dài đến chân lên sân khấu điều hành chương trình văn nghệ với đông đủ văn nghệ sỹ Houston đến để hội ngộ với Bích Xuân như: nhóm thơ Bèo Mây (thi sĩ Lan Cao, Quí Phi và bạn hữu ) Hội trưởng Hội Quang Trung (thi sĩ Cù Hoà Phong, ca sĩ Nhật Hạnh) Hội Quảng Ðà Houston (thi sĩ Vô Tình...), Ô. B. võ sư Văn Bình, Ðài Tiếng Nước Tôi (Ô. B. Trần Viêt Thắng) Ô. B. Chủ Tịch các Tiệm Vàng làng Kế Môn , Ô.B. Ðặng Xuân Ngô , Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Châu, Nhà thơ Huy Hà, Bác sĩ Nguyễn Ðức Ðịnh và phu nhân Ngọc Lan, ca sĩ Hoàng Tường, nhà văn An Phong Nguyễn Văn Diễn, Nhà thơ Dương Hồng Hoa, tổng thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại thi sĩ Vĩnh Tuấn, nhạc sĩ Vũ Khoa, anh Ðạt Vũ, chị Nga và anh Văn Chung, ca sĩ Mai Hoa và phu quân người hùng mũ đỏ v.v
Sau khi các bạn hữu lên hát giúp vui, chương trình văn nghệ sau là phần trình diễn của tôi gồm các mục ca nhạc Pháp, ngâm thơ. Tôi được anh chị hâm mộ như một nhạc sĩ tài hoa, cùng với tiếng đàn guitar theo tiếng hát mê cuồng của tôi. Chấm dứt bản nhạc, tôi luôn luôn giữ trên môi một nụ cười vô cùng tươi vui quyến rũ, nên chẵng ai chịu ra về.
Hoàng Cúc cho biết tiền ủng hộ trên một ngàn. Vì buổi hội ngộ được tổ chức quá gấp rút, nên danh sách các thân hữu ủng hộ chỉ ghi được một phần như sau đây: Ô. B. Ðặng Xuân Ngô$ 320.00 Ô. B. Lan Cao $ 300.00. Ô. B. Bác Sĩ Nguyễn Ðức Ðịnh $ 300.00. Ô. B. Võ sư Văn Bình 0.00. Thi Sĩ Cù Hòa Phong $ 50.00.. v.v

Tối hôm sau thứ bảy dư âm còn tiếc nuối lại hẹn tôi đến tư gia anh chị Xuân Ngô quậy tiếp. Chưa hết tối chủ nhật buổi gặp mặt lần cuối được diễn ra tại tư gia thi sĩ Cù Hòa Phong, cuộc vui lại tiếp tục và lần này có sự phụ hoạ tiếng đàn Key board của nhạc sĩ Bảo và thêm ca sĩ Lan Ngọc chị cả ban nhạc “LaVăng Tui Ra” Laventura rất hào hứng.
Ðêm họp mặt, ngày mai tôi chia tay. Tôi đọc được tâm hồn qua những dòng chữ trong bài thơ, được nghe tiếng nói trong lời ca mà các anh chị đã dành cho tôi. Tôi hạnh phúc với tình bạn xung quanh, nên không dấu được sự xúc động. Ðột nhiên tôi ràn rụa nước mắt. Họ Ðào ở đâu chạy đến ôm tôi trong niềm cảm xúc trầm ấm, tưởng có thể trao lời nói lại cho những người mình đang muốn tâm sự. Sau cái ôm chầm đó tôi và họ Ðào bắt đầu nghĩ ngợi lung tung:

Người đi tiền bạc mang theo
Còn em nghệ sĩ vai đeo cây đàn
Ngày mai cửa sẽ buông màn
Nhốt hương xuân lại muôn vàn nhớ thương
Paris em có vấn vương
Ðêm trăng lỏa thể anh vươn vai buồn
Xuân ơi! trôi nổi mây trời
Xin dừng chân lại cho đời gá duyên
( Lan Cao)

Sáng hôm sau, trước khi tạm biệt Houston, tôi ăn cơm trưa với Hồng Vân cùng với nhạc sĩ Hoàng Văn, thi sĩ Hoàng Ngọc Ẩn, Hoàng Cầm .
Hoàng Cúc và Hoàng Ngọc Ẩn đưa tôi ra bến xe, chờ cho chiếc xe lăn bánh hai bạn mới quay về. Họ Ðào nghe tin ra tận bến xe định đưa tôi đến cuối đường Dallas, nhưng con chim đã vỗ cánh bay lên trời ra khỏi tầm mắt khói sương, mang theo tâm sự bọt bóng mong manh của ai kia đang òa vỡ trong lòng. Tình em là một bức rèm- Nửa thưa nửa khít nửa thèm cho ai!

BÍCH XUÂN




Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003