Apr 19, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Quan điểm
NHÃN QUAN:CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI
LƯU NGUYỄN ÐẠT

Nhìn là tác động mở mắt và vận động con ngươi để thấy. Tác động nhìn hướng về một đối tượng để đem lại cho người nhìn những thị giác khai mở. Tác động đó cần những bộ phận tiếp thu tốt, như mắt sáng, phía ngoài có giác mạc (cornea), màng mắt trong, với mống mắt hay tròng đen (iris) có khả năng co dãn bình thường, phía trong lòng mắt đủ chiều sâu và độ ẩm đưa thị giác tận võng mạc thu hình. Vậy nhìn đúng, nhìn rõ khởi đầu bằng những bộ phận tiếp thu thị giác của mỗi người. Những tình trạng bất thường, hư, hỏng cũa các bộ phận mắt và con ngươi sẽ khiến người nhìn hoặc bị cận thị (myopia, nearsightedness, chỉ nhìn được gần), viễn thị (hyperopia, hypermetropia, farsightedness, chỉ nhìn được xa) loạn thị (astigmatism, nhìn khiếm khuyết, không đủ đối tượng), loạn sắc (achromatophilia, không thấy rõ, khiếm khuyết màu sắc). Trầm trọng hơn sẽ tới giai đoạn mù, loà.

Với bộ phận mắt, con ngươi tốt, bình thường, thị giác chỉ phát hiện khi có một đối tượng sáng sủa, tinh vi, trong tầm mắt người nhìn. Nếu đối tượng tối tăm, che khuất, xa vời, thị giác sẽ kém cỏi, bất toàn, khiếm khuyết. Khác với sờ mó (xúc giác, tactile, taction, sense of touch), ăn uống, nếm (vị giác, taste) cần sát nhập, gần gũi với đối tượng, nhãn quan (vision, sight, gaze) cho phép người nhìn thấy đối tượng để xác định và hiểu biết sự thể, dù đối tượng còn ở xa, chưa hoàn toàn sáp nhập với bộ phận cơ thể người nhìn. Nhưng mắt và con ngươi chỉ là những bộ phận tiếp thu, đón nhận thị giác. Nhãn quan chỉ hình thành sau khi thị giác gặp võng mạc thu hình được dẫn giải qua hệ thống thần kinh thị giác (optic nerve) để nhập vào vỏ não trong óc. Đối tượng lúc đó trở thành hình ảnh chứa đựng trong óc người nhìn.

Sự nhận thức hay tri giác (perception) của người nhìn không những có tính cách phản chiếu (reflection) những đặc tính tự tại, những tính chất hữu thể vật lý của đối tượng (to, nhỏ, vuông tròn, đỏ, xanh v.v.) mà còn phân loại, sắp xếp, xác định luồng thị giác để tạo thành hình ảnh đặc thù hay biểu tượng thị giác (visual representation) của thế giới ngoại vi. Như vậy, nhãn quan khi trở thành tri giác có liên hệ mật thiết với hiện tượng tâm lý để xác định và lượng giá đối tượng đang nhìn. Người nhìn có thể là người quan sát, rình mò, khán giả, người tình, kẻ thù, người trên, kẻ dưới, với những vị thế và căn bản khác nhau của người trần, mắt thịt. Do đó, người nhìn sẽ nhận thức khác biệt, tùy thuộc phần nào vào môi trường văn hoá, hoàn cảnh kinh tế, giáo dục, thế lực xã hội, tình trạng cơ thể, nội tạng giới tính. Người tỉnh thành nhìn con giun, con rắn một cách khiếp đảm, sợ xệt. Người Tây Phương thấy da trắng, tóc vàng là đẹp, là mẫu mực; người Phi Châu thấy da đen là hợp nhãn, tuyệt mỹ; người Á Châu cho màu da ngăm ngăm, đậm đà, tóc đen nháy là duyên dáng, là sắc nước hương trời. Người thích cao, thích thấp, nhỏ to, gầy gò, đẫy đà. Màu sắc, kích thước, nét mặt đều được nhận thức và lượng giá khác nhau (thích, thú, thèm muốn, sợ hãi, ghê tởm, loại bỏ) tùy từng sở trường, hoàn cảnh, nội tâm và nội tạng của người nhìn.
Đôi khi hình ảnh, tư duy, hành động của đối tượng quan sát còn bị phản ánh, xác định nhầm vì người nhìn có thành kiến, có góc cạnh nhìn khác biệt đến nỗi không thể phân biệt hư thực ra sao. Vậy, tình trạng sai lạc, bất thường về nhãn quan và nhận thức còn có nguyên nhân tâm lý nữa. Do đó, người cận thị, viễn thị, loạn thị, loạn sắc, mù quáng cũng có thể là những con bệnh thần kinh, tâm lý bất bình, hoặc những con bệnh văn hoá nhiều mặc cảm: có thành kiến miệt thị, hẹp hòi, tiêu cực, lệch lạc. Những người đó dù có những con mắt rất tốt, nhưng đầu óc họ lại có phần khiếm khuyết trong sáng, thăng bằng, nên sự thật về đối tượng nhìn không còn giá trị khách quan, khả ứng và đầy đủ nữa. Cách nhìn như vậy sẽ đem laị những thành quả sai lệch, tai hại trong hệ thống tư tưỡng, xử thế, tiêu thụ, quản trị, thưởng phạt, sinh sống.

Nhãn quan có liên hệ mật thiết giũa người nhìn và đối tượng. Người nhìn có thể vận động nhãn lực để soi sáng thị cảnh, như xuyên chiếu tấm màn chia tách người nhìn và đối tượng của thị giác. Tùy thể cách song phương hay đơn phương, mà nhãn quan và phản quan giữa người nhìn và đối tượng có thể bộc lộ dưới nhiều dạng khác nhau. Nhãn phúc (le plaisir du regard) là nhãn quan và phản quan hài hoà của những cặp mắt nhìn nhận ra nhau trong cảm giác cởi mở, đoàn tụ, chờ mong “tay bắt, mặt mừng”. Những cặp mắt đó là những cánh cửa mở rộng hân hoan, là nhũng mảnh gương rọi chiếu tình tứ, nhân nghĩa. Nhãn quan và phản quan có tính cánh song phương, cân đối, hoán chuyển. Đâu cũng là tiếp nhận, thụ hưởng. Đâu cũng là hành động kết tác, kết nghĩa, mời mọc, hỏi han, truyền đạt, trao đổi. Lúc đó, ánh mắt là ngôn ngữ, là trào lực khai mở giao cảm, thông tri, đem theo những luồng tư tưởng song song nhưng thẩm thấu, bồi hoàn sinh lực. Trong thế song phương, đối tượng của nhãn quan có thể là người, nay thành đối tác, người nhìn lại. Đối tượng phù hợp cũng có thể là cảnh, vật quen thuộc, hài hoà, đón mời người nhìn.

Ngược lại, khi đối tượng hung dữ, khác lạ, kinh dị, người nhìn có khuynh hướng khước từ bằng cách nhắm mắt, như con đà điểu vùi đầu vào cát để khỏi thấy nguy cơ, hay quay mặt bỏ đi không nhìn, hoặc có nhìn mà không muốn thấy.
Cũng có trường hợp người nhìn đối tượng mà không nhận ra hình ảnh quen thuộc của đối tượng, như trường hợp đứa trẻ bị gia đình bỏ lại trong chiến tranh, loạn lạc, khi quân đội Phù Tang tới chiếm đóng Thượng Hải, Trung Quốc, vào những năm đầu của Đệ Nhị Thế Chiến, trong phim Empire of The Sun (1987) của Steven Spielberg. Nhỏ Christian Bale đã trải qua nhiều giai đọan nguy cơ, tuyệt vọng vì đói khát, cô đơn, lạc lõng từ trại giam nghiệt ngã này tới khu phố đổ vỡ, hoang vu, chết chóc kia. Khi đoàn tụ với bố mẹ, nó nhìn họ mà không nhận ra những người thân, vì tâm hồn tê dại, mất trí nhớ. Đó cũng là hoàn cảnh bi đát của những người di dân, sống nhiều năm tại hải ngoại, biền biệt xa cách, khi về lại quê hương xứ sở nhìn người và cảnh, không thể nhận ra dấu tích quen thuộc. Những liên hệ bình thường giữa thị giác, nhãn quan và nhận thức đã bị xáo trộn tại gốc, trong tâm não người nhìn. Hiện tượng lạc lõng, cắt đứt này, môn phân tích tâm lý học (phân tâm học, psychoanalysis) gọi chung là “castration”[1], vừa là thiến, cắt đứt đoạn nơi thân thể, vừa là ruồng bỏ ở thể diện tinh thần. Chúng ta có những từ ngữ “đau như hoạn ... đứt ruột”, có lẽ vừa điển hình, vừa dễ hiểu khi nói tới hiện tượng đau đớn vì cảnh chia cắt, ly thân và ly tâm này.

Khi nhãn quan thuộc loại nhìn một chiều, soi mói, chủ động, ức đoán, xuyên chiếu, thì bên bị nhìn trở thành thụ động, kèm hãm, giảm thiểu thành vật dụng, tài sản cố định của người sở hữu chủ, hoặc thành hàng hoá đem bày bán trước mắt tham lam của kẻ tiêu thụ, trước những cặp mắt “cú vọ” nhìn trộm, gian nhãn (voyeuristic). Theo Jacques Lacan[2], nhãn quan và nhận thức có tính cách thu hẹp đối tượng (the Gaze as object petit a), đồng thời vật hoá đối tượng thành sự ham muốn của người nhìn (imagery petit a is the lure for the subject's desire). Người nhìn như muốn khuếch xung, kéo dài mình nối tiếp với đối tượng để thấy lại mình nơi hình dung đối tượng. Đó cũng là huyền thoại Hylạp về Narcissus (cùng gốc với Hy ngữ narcosis, có nghĩa là tê cóng, tê mê/numbness) khi mê say hình ảnh mình rọi trên mặt nước: mình và đối tượng ngắm nghía “tuy hai mà một” trong một hệ thống nhãn quan có tính cách nhận thức vị kỷ, vị ngã (egoistic, egocentric). Người nhìn vị ngã chỉ muốn nhìn nơi đối tượng những gì thích hợp với chính họ, với bản ngã, thói quen, văn hoá và vị thế của họ. Tương tự là trường hợp của Thần Echo (Thần Vang Vọng), của huyền thoại Hylạp ngày xưa và tuyên truyền, tuyên ngôn chính trị độc đoán ngày nay, của những kẻ độc diễn, miệt thị, của những giọng điệu độc âm, hẹp hòi: thích nghe lại hồi âm của chính lời mình phát biểu, có bề xuôi tai, lý thú và tiện lợi hơn. Theo chiều hướng đó, tự do ngôn luận đôi khi chỉ có tính cách phát âm quá khích, một chiều, và dù đương sự có lắng tai nghe lại cũng chỉ muốn nghe những vọng âm quen thuộc của chính lời bản ngã, vị kỷ, như muốn độc quyền tự do nói đi nói lại với chính mình, trong một hệ thống thu hẹp, luẩn quẩn, hẹp hòi với chính bản ngã, bè phái, nhóm đảng.

Các tác giả Tây Phương, nhất là các tác giả feministes Hoa Kỳ thuộc thập niên 70 từng khởi xướng bênh vực quyền lợi, giá trị và nhân phẩm của nữ giới, đã kết luận cho ràng nhãn quan một chiều, vừa miệt thị, hẹp hòi, vừa vị ngã, vị kỷ là đặc tính cũa hệ thống trọng nam, phụ hệ, tự tôn, tự trọng, kỳ thị nẵng nề về giới tính. Laura Mulvey trong "Visual Pleasure and Narrative Cinema,"[3] (1975) dùng lại các nhận định của Lacan và Freud để cho rằng cách biểu hiện và nhận thức trong điện ảnh bị lệ thuộc vào con mắt của nam giới (male gaze). Trong công trình nghiên cứu Three Essays on Sexuality[4], Sigmund Freud phối hợp nhãn lạc (scopophilia) với thích thú nhìn thân thể tha nhân như vật thể. Do đó, Mulvey cho rằng màn ảnh là sự lồng chiếu của hiện tượng nhận thức vị ngã, tự mê giác (narcissistic identification) cũa nam giới, cộng với thú nhãn dâm (erotic voyeurism, scopophilia) có khuynh hướng vật hoá đối tượng (looking at other people's bodies as objects) trong một thế giới nhị thể, tách biệt, một bên là nam giới, chủ lực năng động, bên kia là nữ giới, bị trị thụ động. Tác nhân nữ được thể hiện trong thế bày hàng, vai vế thụ động thu hút nhãn quan của nam khán giả. Cái đẹp của người đàn bà con gái trở thành chất vỏ ngoài của đối tượng thị giác, thành hình dung, kích thước của vật dụng, của tài vật sở hữu (những hình ảnh “man-canh” cứng đơ trưng bày nữ trang, châu báu của nam giới thống trị).

Nhận định trên đúng trong những xã hội và giai đoạn trọng nam khinh nữ, những nền văn hoá macho, mafia tài phiệt, cha chú, hưởng dụng thu lời, buôn bán đàn bà, con gái (human trafficking). Hiện tượng này đã được phần nào giảm thiểu, chỉnh đốn qua những biện pháp cải tiến xã hội, ổn định luật pháp và luân lý. Trong các thập niên giữa và cuối thế kỷ 20, tại Hoa Kỳ và trên thế giới (tự do), nhiều sắc luật cấm đoán kỳ thị về tôn giáo, sắc tộc, giới tính, tuổi tác đã được công bố để bênh vực những nạn nhân thường bị kỳ thị trước đó. Trong những giai đoạn “tân tiến”, cởi mở này, vai vế và nhãn quan về nữ giới rất thăng tiến, đôi khi còn quá cấp tiến để trở thành một thứ kỳ thị ngược (reverse discrimination): học sinh đa số da trắng khó vào các Đại Học lớn, trong khi sinh viên thiểu số gốc Phi Châu lại được biệt đãi trong vấn đề tuyển chọn nhập học vào các cơ sở giáo dục trên. Các phim ảnh ngày nay dành cho phái nữ những vai vế quan trọng, những mẫu mực năng động, siêu đẳng (bionic/super woman, nhân viên cảnh sát kiểu Cagney & Lacey; thư ký trở thành nữ giám đốc tài năng, nữ Tổng Thống, Commander-in-Chief trên màn ảnh Hoa Kỳ, trước cả Hillary Rodham Clinton tham gia vào cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2008 v.v.). Trong các phim ảnh trinh thám gần đây, đàn bà, con gái bao giờ cũng đánh gục kẻ gian, trong khi vai nam dù bề ngoài vẫn có vẻ macho, oanh liệt, nhưng lúc cần dụng võ thì lại bị trọng thương, đánh ngã ngất xỉu một cách thảm hại, khá khôi hài. Còn nhà chức trách, đa số là nam cảnh sát, lại vắng mặt hoặc tới muộn, sau khi vai nữ “nạn nhân” đã tự ra tay cứu vãn tình thế. Những giải pháp điện ảnh “đóng khung” này (một thứ “cinematic reverse discrimination” đã trở thành “cliché” dễ đoán, đôi khi quá máy móc, kém sáng tạo, nhưng “ăn khách”, vì ngày nay đa số khán thính giả thuộc nữ giới (female/feminine spectatorship). Sự hoán chuyển “male gaze” thành “female gaze” được thực hiện với các sở trường chao đảo như sau: vai đàn ông thành trò cười (comic spectacle of maleness), trò chơi (playgirls), đàn bà tự chủ, kiểu “material girl” như Madonna, thực tế, vật chất, thích gì làm nấy. Thân thể đàn bà (body matters) không còn là trò chơi, hàng hoá, tài sản khoe khoang của đàn ông, mà trở thành quyền lực nữ giới (women's empowerment) v.v. Trong một xã hội thị trường toàn thịnh, nhãn quan dân gian hoán chuyển như thủy triều chính trị, còn nhu cầu và lý tưởng dân chủ thì lên xuống như “cái váy thời trang”, theo kiểu mãu ngắn, dài, biến sắc từng mùa, từng hồi.

Vậy nhãn quan và quyền lực thường đi song song với nhau. JP Sartre đã từng phán xét “l'enfer, c'est les autres”[5], phải chăng để cho rằng áp lực của nhãn quan tha nhân làm giảm thiểu, tê liệt nội trạng phản ánh (en-soi)[6] của đối tượng bị thị sát? Trong truyền thống nhãn lực áp chế, con người luôn luôn cảm thấy tự do, nhân phẩm và quyền sinh sống bị kiềm chế, hủy hoại. Cả trong huyền thoại Cổ Hy, con mắt thần quỷ quyệt của Medusa đã từng làm kẻ ngước nhìn lại hoá thành đá. Michel Foucault[7] cho rằng nhãn lực áp chế là một hiện tượng của nhãn quan rình rập (inspecting gaze), soi mói có tính cách bạo lực (power, violence) hơn là giới tính (gender). Trong một guồng máy cai trị “toàn thám xét” (panopticon) rình mò một chiều, con người trở thành tù nhân tập thể, dần dà ngoan ngoãn tự kiểm theo nhãn quan của chế độ mật thám: họ nhìn họ mà không thấy họ nữa, mà chỉ thấy màu sắc của một áp lực đen tối, của hình ảnh đe dọa trừng phạt mọi hành vi, tư tưởng khác biệt, “phản động”, dù chính đáng. Họ trở thành những đối tượng vô tri vô giác của các chế độ tập quyền chuyên chế, phát-xít, cộng sản, mafia tài phiệt. Họ chỉ là những đối tượng thụ động của thông tin tuyên truyền một chiều, chứ không hề là đối tác của truyền thông giao cảm song phương.

Thay vì tranh chấp giữa giai cấp, thế lực xã hội, sắc tộc, giới tính, tuổi tác v.v., biểu hiệu bằng những nhãn lực áp chế, ruồng bỏ lẫn nhau, thiết tưởng một quan niệm sống tự trọng, hướng tâm, một cách nhìn đời cởi mở, hài hoà, tương thuận có lẽ là giải pháp xây dựng, tích cực nhất, đem phúc lợi cho cả đôi bên, bản ngã và tha nhân, để cùng nhau thắng lợi, cùng nhận, cùng hưởng và đáp lại tương xứng: có đi có lại mới toại lòng nhau, như các cụ Việt Nam ta thường nói trong tinh thần xử thế thiết thực, kết sinh tương ứng, công bằng, tử tế.

LƯU NGUYỄN ĐẠT, Ph.D.
11-2006
_____________________

1. image's emblematic status as a symbol of castration, suggesting that the castration complex itself may be best understood as a fetish, acting as a decoy for other losses that cannot be acknowledged overtly. Like a phantom limb, the castration fetish is a substitute that at once disavows an absence and acts as a memorial to that absence (Elizabeth Ezra: The Case Of The Phantom Fetish: Louis Feuillade's Les Vampires)
2. Jacques Lacan, "The Eye and the Gaze," in The Four Fundamental Concepts of Psychoanalysis , trans. Sheridan, Alan, New York: Norton, 1978
3.. Laura Mulvey, "Visual Pleasure and Narrative Cinema," in Screen, vol.16, no.3, Autumn, 1975
4. Sigmund Freud, Three Essays on Sexuality (1901-05), translation by James Strachey, London, 1953
5. Jean-Paul Sartre, Huis Clos (1945), "Pas besoin de gril: l'enfer, c'est les Autres."
6. Jean-Paul Sartre, L'Etre et le Néant (1943)
7. Michel Foucault, Discipline and Punish: The Birth of the Prison, New York, Pantheon, 1977



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003