Apr 25, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
BÓNG ÐÈ, TRÀN ÐẦY ẨN DỤ
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ

Nếu muốn xếp Bóng Ðè xuất hiện lần đầu trên Hợp Lưu - vào thể lọai văn nào, có lẽ nên gọi là truyện ngắn, bởi nó được dựng trên một cái cột sống vừa thực, vừa ảo giác, vừa hư cấu. Ghép tác phẩm ngắn kỳ lạ này của Ðỗ Hòang Diệu vào thể lọai tùy bút hoặc trường thi bằng văn xuôi không thích hợp. Truyện viết từ Hà Nội tháng 6 năm 2004, dài 17 trang. Từ đó đến nay Bóng Ðè được chú ý đặc biệt, được khen và cũng bị chê bai nặng nề. Nếu chỉ đọc theo lối cưỡi ngựa xem hoa, chỉ đọc một hai trang, sẽ bĩu môi: Lại chuyện dâm ô, theo đuôi phong trào viết sex xưa cũ, nay đội mồ sống dậy.

Nói về kỹ thuật diễn tả sex, ÐHD cao tay ấn hơn hẳn Lệ Hằng trước 75 hoặc Lê Thị Thấm Vân ở Mỹ, cũng già dặn không ngây thơ như thơ Vi Thùy Linh. Ðọc kỹ hơn, đọc hết trang cuối để thấy tác giả chỉ mượn hình thức dâm tục, mượn cái vỏ, chiếc áo khóac tính dục để ngụy trang, che dấu úp mở cho ẩn dụ (metaphor) sâu sắc của mình. Về cách chọn từ, ÐHD tung ra những từ chưa ghi trong từ điển Việt Nam như: múi thịt,vung vấp, ám dấu, thi thỏang, trơn lọn, thẽ mà gợi hiếu kỳ. Ðúng thế, Bóng Ðè tràn đầy ẩn dụ như giáo sư - nhà văn Lưu Nguyễn Ðạt, như bà mẹ của nhà văn Dương Như nguyện đã cảm nhận. Luật sư - nhà văn họ Dương sau khi đọc Bóng Ðè đã viết 4 kỳ liên tiếp bằng Anh ngữ để bàn về truyện ngắn đặc biệt này. Cô gửi qua điện thư dưới một danh sách hạn chế gồm thân hữu trí thức thế hệ 1 rưỡi và thế hệ 2, có tiến sĩ, giảng sư, giáo sư, vài b/s và nhà thơ, nhà văn thế hệ 1. Cô Như Nguyện có viết một câu đại ý: “Không để cho bóng đè, phải đè lại bóng”

Trong bài này không nhắc lại những cảnh cưỡng bức do bóng ma ông bố chồng đè cô con dâu, trong những đêm hai vợ chồng trẻ về quê cúng giỗ. Tiện đây chỉ tạm so sánh văn phản kháng của Dương Thu Hương với ÐHD. Họ Dương nóng nảy, nói hụych tọet những gì cần nói, thô lỗ, tục tằn. Còn ở ÐHD khác hẳn, kín đáo, thâm trầm, hư và thực trộn lẫn tinh vi.. ÐHD dường như rút kinh nghiệm những người đi trước, dùng vỏ dâm tục để câu độc giả và để chống đối ngầm. (Ðến nay người đọc hải ngọai lấy làm lạ với hiện tượng Nguyễn Quốc Chành trên Talawas làm thơ rất hung hăng, sâu sắc, có trình độ, đang moi móc, nặng nhẹ chế độ nhưng vẫn chưa bị hỏi thăm sức khỏe?)

Nền của câu chuyện, có hậu cảnh thôn xã đối lập với thành phố, hai nơi cách nhau 3 giờ tàu hỏa. Chỉ riêng điều này đã thấy hố ngăn cách hai nơi ngày càng sâu. Hai vai chính trong đó, khi sống ở thành phố rất vui vẻ, thỏai mái, nhưng hễ về quê ăn giỗ là bị ám ảnh, sợ hãi, câm nín vì những bóng đen vô hình. Hai không gian nổi bật giầu nghèo, giữa nơi có chút dễ thở với nơi bị gọng kìm xiết chặt. Nơi có nhiều ngọai giao đòan, có nhiều tai mắt truyền thông ngọai quốc, trái lại nơi kia một anh thôn trưởng làm chúa cướp đất, bán đất của dân. Cái hậu cảnh đó còn lôi kéo theo quá khứ đau thương qua cuộc Cải Cách Ruộng Ðất đẫm máu và cuộc chiến giết hơn ba triệu người Nam-Bắc. Ông nội cuả Thụ bị đấu tố hồi phát động phong trào, ÐHD viết:” chết thảm trên ổ kiến lửa’, ý muốn nói chết vì long căm thù xúi giục đưới lưỡi mã tấu, gậy gộc, gạch đá của đầy tớ, của bần cố nông chất phác dễ tin. Sáng mai bà nội chỉ tìm thấy vài cọng tóc nơi cột trói, xác không biết đi đường nào.. Rất có thể xác ông đã bị kéo đi chôn dấm dúi nơi nào đó, bởi người ta không muốn gia đình địa chủ ác ôn đó đắp mộ tội đồ của nhân dân.

Gia tộc Thụ có một nghĩa địa riêng còn lại 11 ngôi mộ và có 16 đám giỗ phải làm cỗ cúng. Trong đó có một liệt sĩ Ðiện Biên và một liệt sĩ Ðường 9 Nam Lào (cuộc Hành Quân 719) Hạ Lào) “xương hốt về bằng đầu đũa chôn chung một mộ”. Ðó là con đường thăm thẳm của 60 năm chiến tranh và hòa bình tạm bợ. Ðó là bức tường câm nín đáng sợ, đám mây đen trùm phủ gia đình Thụ, đó là gia phả, là sự tích bí ẩn ám ảnh vài thế hệ sau này. Bóng ma luôn xuất hiện - do ÐHD chế biến - oan nghiệt thay lại là ông bố chồng lọan luân trong những cơn mê ảo giác kinh khủng. Trong ảnh, đó là “một người đàn ông trung niên có hàm răng hơi nhô với tia nhìn sắc lạnh”. Phải chăng đó là bóng dáng đại diện đảng hiện lên luôn cưỡng búc khối óc con tim người dân vô tội?

Bà mẹ chồng không cay nghiệt, nhưng mê tín, luôn luôn dò la, khinh bỉ cô con dâu. Bà đã có kinh nghiệm sống, đã báo động, đã cảnh cáo nàng dâu trưởng:” Lấy chồng theo thói nhà chồng, mọi thứ đều có lễ nghi, trên dưới cứ thế mà làm. Chị làm khác đi sẽ rước họa vào thân, tôi nói trước”. Có nghĩa là thứ kinh nhật tụng, là pho giáo điều đã có từ hơn 70 năm nay, cứ nhắm mắt mà theo. Thứ tôn ti của tấm màn đỏ nhưc nhối buộc mọi ngừoi không được suy tư, hành động khác đi sẽ bị tiêu diệt, đừng mong cởi trói, tụ do, mở cửa gì ráo trọi. Không phải chỉ đời nay, sẽ còn truyền đời mãi mãi. Không những thế, bóng ma quái ác hiện lên làm chuyện tồi bại có khi mang dáng hình một lão già Trung Quốc. Hai huân chương liệt sĩ trên bàn thờ cũng là hình ảnh luôn ám ảnh vợ chồng Thu.

Ðược nhắc đi nhắc lại nhiều lần là chiếc bàn thờ quá khổ rộng và dài như tấm màn đỏ che trước bàn thờ với bát hướng tàn nhang vun đầy hình nấm mộ. Tấm màn đỏ lừ đỏ quạch, bên trong bay ra những chiếc bóng lũ lượt tích tụ thành mảng đen lớn thuờng xuyên gây sợ hãi, câm nín cho Thụ và khơi dậy sức phản đối cho vợ Thụ. Chiếc bàn thờ cổ đó là tảng đá thánh, là cột đồng Tô Ðịnh buộc mọi người phải phủ phục tung hô, không đuợc tả khuynh, hữu khuynh, chệch hướng. ÐHD giáng câu:” dòng họ nào ở miền Bắc mà không chạy lọan hay đội trên đầu xứ Trung Hoa?” A ha! Rõ rồi nhé! Ngót một nghìn năm bị đô hộ chưa đủ sao, giờ này lại tiếp tục muốn đội trên đầu mãi mãi, muốn vái lạy muôn năm? Câu tố cáo khéo léo này nhắc lại thêm bốn lần trong truyện. Ðôi cánh tay dài quá gối là dòng dõi đế vương của gia tộc này, khiến nhớ lại huyền thọai hay bịa thoại là lãnh tụ yêu kính có tới hai con ngươi mỗi mắt, sáng như sao.

Thụ, một thanh niên sinh ra và lớn lên trong nôi chế độ, tạm coi như có tầm nhìn xa tí chút, nhưng vẫn ngây thơ, nhút nhát. Trên dưới ba chục năm đã bị nhồi nắn, bị đeo vòng kim cô, bị ăn cháo lú. Trước cảnh bát hương đột nhiên bốc cháy, Thụ đã quá sợ “ qùy mọp trước bàn thờ dập đầu lia lịa. Thụ khấn trước bàn thờ những gì? Chỉ là ập è, âm thanh xin xít đầu lưỡi. Thụ không nói mà cũng không hát, tựa tiếng kêu của lòai bò sát”. Phải rồi, con người dưới bóng ma chế độ, dưới bàn thờ chủ nghĩa chỉ là con giun, cái kiến. Thụ bất lực không can thiệp được, không giúp gì được cho vợ đạt được khát vọng tự do. Thụ sợ hãi cái bàn thờ, tấm màn màu máu mỗi khi về quê, đã phải nói dối vợ:nằm phản mát rượi, nhưng người Thụ đầm đìa mồ hôi”.

Vai chính là vợ Thụ, như đã nói ÐHD dùng áo ngụy trang sex dâm tục thay cho ý hướng tự do khai phóng, đòi quyền sống thỏai mái, không bị bóng ma quá khứ nào uy hiếp. Những cuộc uy hiếp cưỡng chế tinh thần thô bạo đã được chuyển thành những cuộc cưỡng hiếp vô luân. Cô vợ trẻ, một phụ nữ tràn đày sức sống vô tội, không hùng hục như con hổ cái trong tính giao, cô chỉ đòi một tình yêu chân thực, cô muốn được hưởng hạnh phúc, được bay bổng, được hưởng không khí trong lành. Những bàn thờ vĩ đại là tảng đá thánh, tấm màn đỏ nhức nhối là lá cờ máu, bát hương đắp tàn nhang như nấm mộ là nắm xương liệt sĩ đã đe dọa, hành hung, đàn áp cô.

Vợ Thụ có hai bàn tay rất đẹp, bàn tay tượng trưng cho phụ nữ có phẩm giá cao, can sống, đòi sống: “bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấyà bàn tay tôi vẫn mảnh dẻ.. bàn tay không tuổi tác..” Cô khẳng định như một thách thức:” Giông gió, bão lũ, nắng hạn, tôi có thể chết đi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn với năm ngón ngắn dài, làn da mỏng tanh”. ÐHD cố ý tỏ lộ điều vô lý khi giả vờ tả chân chuyện dâm ô để hé mở là chuyện đó không hề có, trên thực tế cũng như trong cơn mê lọan. Thụ tất nhiên phải nghe hơi thở vợ mình, nghe rõ tiếng ú ớ, rên rỉ và tiếng hét, anh ta phải đánh thức vợ day. Anh không phản ứng như thế vì chuyện cưỡng hiếp không hề xảy ra. Thụ hiểu vợ, nhưng hèn, bất lực trước quá khứ tối đen. Rõ hơn nữa, tác giả nói thêm:” cái thai trong bụng tôi, không phải của Thụ, không của bất cứ người đàn ông nào. Cô không có thai, cô chỉ hân hoan mừng cho khối óc con tim mình đã tìm được tia lửa hạnh phúc, không có bức tường nào, tấm màn đỏ nào, tảng mây đen nào che lấp được ánh sáng của cô được nữa.

Cử chỉ phô bày hạ thể đêm khuya bên cạnh chồng chỉ là phản ứng phải có, hình thức phản kháng tiêu cực đã xảy ra. Cử chỉ này phá vỡ luật lệ của bà mẹ chồng đã cảnh cáo, khiến cho cô Thắm em chồng hiểu là chị dâu dâm dục, khiến bà mẹ chồng thức khuya rình mò, thắp hương van vái xin tha tội lỗi. Anh chồng câm lặng vì:” .. tôi nhìn rõ hai mắt anh không nhắm tí nào, thậm chí còn mở to hơn thường ngày” đã sợ hãi từ chối sự dâng hiến, từ chối làm chuyện tổ tông truyền. Khi ra thăm mộ địa ban ngày một mình cô mới sống thực với mình, cọ chạy nhảy, giữa vùng cỏ mọc, có trời cao, gió thổi mây bay. Cô cởi phăng áo:” Vú tôi rứng tràn không khí. Vú tôi là đời sống, là hơi thơ’, là khí quyển. Khuôn ngực trần đó ẩn dụ niềm khát khao được sống tự do. ÐHD viết tiếp không e dè nữa:” Mồ mả là quá khứ, là huân chương, là tổ quốc (thứ tổ quốc của chủ nghĩa), tôi thách thức thần linh, thách thức âm hồn dòng dõi Trung Hoa nhà Thụ.
Tai nạn ban đêm máu tươi chảy ướt áo quần, đọng đen mặt phản và tai nạn bị vỡ mủ ung nhọt gần “cửa đàn bà’ cũng do cũng là do tác giả tưởng tượng thêm cho ly kỳ hơn. Tác giả chỉ muốn ám dấu rằng những khối bàn thờ, những tấm màn đỏ lừ, những bóng ma, những oan hồn kẻ chết trận muốn giết cô, nhưng không giết nổi. Những ám chướng đó thèm máu tươi đàn bà và con trẻ, một thứ ma cà rồng, một lọai Frankenstein, một lũ Satan. Một lần nữa thấy Thụ quá nhút nhát, không dám mạnh tay bóp vỡ ung nhọt hộ cho vợ, để chờ đến đêm cô vợ trẻ phải chiến đấu với bóng ma mới vỡ mủ được. Cô đã tự giải thoát được ung thư tư tưởng người ta muốn áp đặt cho cô. Phải chăng ÐHD đã cho nhân vật chính, vợ Thụ, thuộc về nhóm người quyết chống lại bệnh dịch trong “ Dịch Hạch” của Albert Camus?

Haỹ nghe cô vợ nhận xét chồng sau nhiều biến cố:” chúng tôi không đủ sức lực, can đảm mang trên mình bộ mặt thường nhật cố lừa dối bản thân được nữa. Thụ ít nói hẳn đi, gần như im lặng.. nhưng Thụ không nhìn thẳng mặt tôi, anh ngồi câm điếc ánh mắt vô hồn” chỉ vì anh chưa dứt khóat, chưa chung tần số với vợ. Vợ Thụ thật sự chưa có thai, nhưng cô hy vọng con cô là trai sẽ nhất quyết là không buông xuôi đầu hàng, sẽ từ chối không bảo vệ tấm màn đỏ, sẽ không hiến đời mình để lây tấm huy chương của con thiêu thân. Nếu là gái, sẽ không không còn sợ ma nhát, bóng đè nữa, sẽ làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Ðứa con gái đó sẽ dư can đảm chống lại bóng ma, sẽ đè lại bóng.

ÐHD sẽ có rất nhiều bàn tay mảnh dẻ năm ngón búp măng. Những bàn tay ấy sẽ có rất nhiều trọng lượng biết nắm giữ tự do, biết gìn vàng giữ ngọc dù cho thân thể đang bị buộc trói. Nắng sẽ bừng lên, chiếu vào những bàn tay thần diệu, ngón dài nhất mơn man môi chồng, bàn tay với những ngón tháp bút sẽ ân cần nâng niu đứa con nhỏ yêu qúy.

Nếu công an văn hóa có gây phiền hà rắc rối cho ÐHD cũng là chuyện dễ hiểu . Nếu những bồi bút chế độ có đua nhau hạ giá tác phẩm này xuống hàng sex tầm thường, cũng dễ hiểu thôi. Chỉ biếr rằng ÐHD là cây bút đáng nể, so với Dương Thu Hương mức thuyết phục, đàn em đã vượt trội hơn đàn chị.


GHI CHÚ:
Theo ảnh trên VNExpress Ðỗ Hòang Diệu còn rất trẻ, khỏang 25-27, là con một nhà văn ở Hà Nội. Bị Nguyễn Huy Thiệp cho là viết giống Vệ Tuệ (Trung Hoa). Bị chê nhiều hơn khen, cô nói: không cần đọc cả chồng sách báo tấn công cô, vì cô “có máu lạnh”.. Cô trả lời những cuộc phỏng vấn khéo léo, dè dặt, nhưng đã nói: Bóng Ðè có chuyện sex chỉ là vỏ bọc và cô muốn gửi một thông điệp. Bóng Ðè là truyện đã được thu gọn, sưả chữa của bản thảo “Thung lũng 11 ngôi mộ” dài 40 trang. Sau khi viết xong, cô ngất ngư, đêm ngủ đầy mộng mị. Cô sắp lên xe hoa với một người Mỹ gốc Việt cao lớn, giỏi giang ngòai 40 tuổi.



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003