Apr 23, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
ÁM DẤU VÀ ÁNH SÁNG TRONG BÓNG ĐÈ CỦA ÐỖ HOÀNG DIỆU
LƯU NGUYỄN ÐẠT

Khó mà nói tác phẩm Bóng Đè [1] của Đỗ Hoàng Diệu là một truyện ngắn, hay một tùy bút, một đoản văn hay “thi thoảng” một đoạn thơ dài văn xuôi. Có điều thấy ngay, Bóng Đè thu hút người đọc dưới nhiều dạng, ngay trong cái hạnh phúc của bản văn, ngay trong cái bất hạnh của sáng tạo, đa dạng, bất toại. Tối thiểu người đọc có thể nhận định ở bản tác này hai khía cạnh biểu hiện: khía cạnh tâm thức và khía cạnh biểu tượng.[2]

Ở khía cạnh tâm thức, cả cốt truyện phát xuất như một hành vi khuếch xung, khai triển, mở rộng, nong xoáy, vành toác, vần vò hai từ “Bóng/Đè”, như một hình thức giao cấu ngôn ngữ, nửa trừu tượng hư cấu, nửa hiện hữu xoá nhoà (bóng, cái bóng, nói bóng, bóng bảy), nửa động nửa tĩnh, tùy thế cảnh, tùy giai đoạn tác động, hưởng thụ, dồn ép (đè, bị đè, đè nén,để, đẻ). Nếu coi Bóng Đè là một truyện ngắn, thì văn tác này phải là bút thuật của nữ giới. Cũng theo chiều hướng tạo thành hoan lạc văn tác (Plaisir du Texte),[3] cái sức thu hút cao độ, cái giai đoạn khích động tới cực điểm của bản văn phát hiện song song với lúc cực khoái (orgasme) của giao cấu. Văn tác của đàn ông có lẽ khác với văn tác của đàn bà ở cách biểu hiện và thụ hưởng khoái lạc trong cơ cấu và kiến trúc sáng tạo. Một bên (phía đàn ông-animus-nam)[4] thì kiến trúc sáng tạo dồn dập, hun hút tới một cực điểm duy nhất (apex/climax), nổ bung (explosion) rồi chùng xuống, an bài, tắt nghẽn. Bên kia (phía đàn bà-anima- nữ) thì cơ cấu lại chênh vênh, kéo dài, âm ỉ thành một loạt cao hứng, mơn trớn, tái tục nửa vời, qua nhịp độ khởi x(s)ướng thích thú luân lưu: những hạnh phúc nho nhỏ, những cuồng bão câm nín, nổ trong (implosion).

Thật vậy, Bóng Đè là một tùy bút, một dạ ký viết trong đêm, viết về một chuỗi đêm bất tận, một ngàn đêm lẻ của nội tâm, của tiềm thức, với nhiều ám dấu của thể xác, của tâm hồn người đàn bà Việt Nam tầm thường, không tên tuổi rõ rệt, của đám đông vô định, trẻ, chân thật, thèm khát, chưa sống đủ, nay tự đày đọa trong cảnh hãm hiếp hư cấu, trong tâm tưởng, như mày mò một hoan lạc thống dâm, tìm niềm hạnh phúc ngay trong sự thống khổ (masochisme) của đời sống khuôn phép, rỗng tuếch, nửa vời, bất toại.

Chính cái nửa vời này hành hạ người đàn bà, vừa nạn nhân, vừa tác nhân của cảnh hãm hiếp dồn dập, tái tục. Người đàn bà trẻ (tác nhân) đã nộp mạng vào cuộc hiếp dâm, hoan lạc mỗi lần có một đám giỗ lớn nhỏ trong gia đình nhà chồng. Tất cả là “mười sáu đám giỗ” (BĐ, 2) đưa tới mười sáu cuộc hãm hiếp hoan lạc trong mộng tưởng, trong cơ thể và thâm tâm người đàn bà. Hiện tượng thống dâm phát hiện nơi người đàn bà trẻ, cởi mở, tân tiến như cuộc giao lưu của nhiều ngành ngọn, tâm lí có, vật lí có, hoài vọng, ma thuật có.

Tác nhân đã biết thế nào là giao cấu, thế nào là hoan lạc, thú vui xác thịt, tế bào, tâm não. Nhưng cái môi sinh hạnh phúc này là một thứ thị trường bán chịu nửa chừng xuân, một cái thương trường hàng rong nghèo nàn, ít hàng, ít khách, dù ngồi xổm, dù chợ đuổi, vừa bán vừa chạy mà sản phẩm tiêu thụ là thứ tự do đổi chác hoan lạc vụng trộm, du kích, nửa có, nửa không, nên khao khát vẫn là khát khao, ngay trong sa mạc vắng vợi con người, với cảnh vùn vập sơ sài, ít ỏi giữa vợ chồng, hoặc ngắn ngủi, bấp bênh giữa nhân tình, nhân ngãi. Chính cái nửa vời đó, nửa có nửa không, nửa được nửa mất, nửa đóng áo nửa mở thân mới là cái đau đớn, hoạn cắt day dứt trong tế bào toang vỡ, ngay trong cuộc sống thiếu thốn, đọng hoãn. Chính cái thèm khát hãm kèm đó đã khiến tác nhân trở thành nạn nhận của chính mình, dấn thân vào cảnh cầu khẩn, xin xỏ, hạ mình “đồng loã...ưỡn người lên chờ đón” (BĐ,10) những linh hồn ma quái tới vày vò, ban bố khoái lạc.

Bóng Đè không còn tính cách ngoại vi, tâm linh, lãng mạn nữa. Sự đè nén, áp bức hết là một hiện tượng hoảng sợ trừu tượng, vô hình, ma quái. Nó hết là cơn ác mộng có thể chấm dứt khi đối nhân tỉnh giấc. Nó trở thành sự thật, một ám ảnh của những cuộc đột nhập táo bạo, xâm phạm tiết hạnh, vày vò thể xác: “chỉ tích tắc nữa sẽ ập xuống mình...nó thò hẳn vào lùng sục từng bộ phận thân thể tôi” (BĐ,8).

Nhưng hành vi xâm phạm tiết hạnh này đã đem lại cho nạn nhân những cảm giác của nghiện ngập, mà người hưởng thụ không sao bỏ được: “Tôi ngượng ngùng tự thừa nhận với mình nghiện mười sáu đám giỗ, mười một ngôi mộ, tấm phản đen bóng...” (BĐ 15). Sự thống dâm trong mộng tưởng, trong tâm nảo, dần dần trở thành một trào lực để sống còn. Đó là những cảm giác chân thực của mồ hôi nhễ nhại, hôi tanh “nhớp nháp máu trộn nước con gái” (BĐ, 14), của “mụn nhọt” (BĐ,16), hoặc những cơn “khát gắt gỏng nhức nhối trong cuống họng...Khát mỗi sợi tóc. Khát từng nếp gấp làn da. Khát mỗi đốt xương”...(BĐ, 13). Người đàn bà biên tế, câm nín, vắng vợi đã đón nhận sự áp bức, xâm phạm tiết hạnh, hãm hiếp để cảm thấy được sống. Ngay trong cảnh huống thương xót, ghê tởm: “Tôi quỳ gục hoàn toàn. Tôi thương tôi và tôi ghét tôi” (BĐ, 16).

Ở khía cạnh biểu tượng, Bóng Đè là tác động dồn ép của một truyền thống văn hoá lỗi thời, áp bức, biểu hiện qua bức màn đỏ “loang rộng” (BĐ,4) phủ khắp bàn thờ tổ tiên, anh hùng “Điện Biên, liệt sĩ đường 9 Nam Lào” (BĐ, 2). Hậu ảnh và hào quang của họ, của cái cơ sở văn hoá đảng phiệt vẫn tiếp tục gây áp lực phỉnh gạt một xã hội mong manh, nay dồn ép phải vịn víu vào quá khứ thiểu não, đóng khung thờ phụng, tôn sùng nghi thức để hiện hữu, dù phải hụt hẫng thụt lùi, bế tắc. Trong Bóng Đè, việc ẩn dụ tên anh hùng gian tặc Trung Quốc hiếp dâm con dâu Việt Nam đã minh hoạ một cách cụ thể sự áp đặt cưỡng bách của một nền văn hoá vọng lai, với cái ý thức hệ phi nhân, phi nghĩa, phi luân, phi lí mà chính quyền và dân tộc Việt Nam vẫn bị mê hoặc, thu hút: “Lão Tầu xa xăm, bí ẩn, vừa đen tối vừa có sức hút lạ kỳ, quyến rũ khác thường...” (BĐ, 13).

Khác với người đàn bà không tên, thế hệ chính thống được khuôn phép ban cho những tên phù hợp như “Thụ” của thụ giáo, thụ động, thụ hưởng, thụ bệnh; những tên như “Thắm” của màu cờ sắc áo, của huy hiệu tôn vinh. Họ là những mẫu người sẵn sàng được thuyết phục, sẵn sàng khuất phục trong đời sống an bài, an phận. Sau bao nhiêu cuộc chinh chiến tương tàn, xã hội đó tồn tại, bất di bất dịch, nhờ vào áp lực đè nén của căm thù, đấu tố, ngay trong gia đình phân tán, giữa vợ chồng, con cái, anh em, họ hàng đố kỵ, độc đoán. Tất nhiên, trong một xã hội sống chung với chuột dơ bẩn, với rắn độc rình mò, thâm hiểm, một xã hội bị Bóng Đè về mặt văn hoá tù túng đó, người bình thường, yếu đuối ắt phải nhận định: “Tôi hiểu mình phải im lặng, im lặng trong sợ hãi tột tận đời người” (BĐ, 8).

Người đàn bà trong truyện tượng trưng cho đám đông quần chúng “cúi đầu xuống” (BĐ, 2), câm lặng vì tê liệt trong kinh dị của hiện tượng sợ hãi tập thể. Bóng Đè ở thể biểu tượng chính trị là cái áp lực tuyệt đối, toàn diện của chế độ cộng sản đổ ập trên cơ thể, trên trí não và tâm linh của toàn dân bị nhồi sọ, bị tước đoạt ý chí và nhân phẩm. Bóng Đè là cuộc hãm hiếp loạn luân của cơ sở thống trị, của các đồng chí tối cao, các cán bộ nồng cốt, của Nhà Nước đảng phiệt, mà toàn dân là con cháu Bác Đảng đã tăm tắp tuân theo vì áp lực của một “quá khứ phi phàm... không thể nào chống cự nổi” (BĐ, 11). Người dân mù mịt, bất lực chỉ còn biết cúi đầu thụ giáo, thụ hành, ép mình đồng loã với “thứ tội tổ tông mà chẳng ai có quyền chê trách” (BĐ, 12).

Vậy trong cái xã hội mệt mỏi, yếu kém, sẵn sàng đầu hàng bạo lực vinh quang, đương nhiên màu đỏ phải được nâng cấp tới tột đỉnh của trí tuệ, dù ngột ngạt, hung dữ, dù chậm tiến, ngược dòng. Đã có giai đoạn bên Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc (People’s Republic of China), họ cho xe ngưng chạy khi đèn xanh và cho xe chạy khi đèn đỏ vì đó là màu của tiến bộ, của thắng thế. Đến khi Trung Quốc cất bỏ màn tre bế môn toả cảng thì chế độ xanh-đỏ ngược chiều đã gây ra quá nhiều tai nạn lưu thông cho du khách, nên Chính Quyền đã đành nhắm mắt đổi đỏ thành xanh và xanh thành đỏ, để kịp theo nhịp giao thông hài hoà trên thế giới. Cũng sẽ có ngày những người anh hùng thời đại đó sẽ đổi màn đỏ thành màn xanh trên các mồ mả, kho bạc, quét vôi xanh thay vì vôi đỏ, ngắm lá xanh thay vì lá đỏ, rụng rời.

Trong Bóng Đè, đen tối luôn luôn được dùng để biểu hiện những tâm trạng mù mờ, những “vùng khuất lấp của mình” (BĐ, 5), những “ám dấu” (BĐ, 16) của cơ thể và tâm não đơn độc, cá nhân, những ám ảnh thống dâm, ma quái, những “u mê” (BĐ,16) tê liệt. Nhưng cuối cùng, người đàn bà vô hạnh đã thu hồi lại mạch sống khi tạo dựng được một huyết mạch mới: “Rồi máu không còn nhỏ xuống chân tôi nữa...Cái thai trong bụng tôi, không phải của Thụ, không của bất kỳ người đàn ông nào cứ lớn dần...Tôi thương giọt máu của mình. Tôi thương đứa bé vô tội cũng bất lực như tôi đã bất lực...Không biết có người mẹ nào yêu thương di sản của tăm tối như tôi?” (BĐ, 17). Và đó là tia nắng mới của một chân trời nội tại, bật nở ngay trong lòng người, bằng thứ ánh sáng của niềm tin vụt khởi, nguyên vẹn, thôi nôi.

Đó cũng là thứ ánh sáng gìn giữ qua làn da mỏng của bàn tay mẹ ru con, của bàn tay văn sĩ còn cầm được ngòi bút tự do, còn muốn lùa ngón tay vào sáng tạo bất diệt: “Chiến tranh, giông tố, bão lũ, hán hạn, tôi có thể chết đi ròi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn” (BĐ, 17). Tới trạng thái quyết liệt này, tới đường cùng của định mệnh, “Nắng tắt, mà bàn tay vẫn óng ánh diệu kỳ”, như tác phẩm Bóng Đè của một Đỗ Hoàng Diệu, dù tại nơi đó, nắng chưa lên.

LƯU NGUYỄN ĐẠT


CHÚ THÍCH:

[1] Ðỗ Hoàng Diệu, Bóng Ðè, Hà Nội, 6-2004> Lần đầu xuất hiện trên Hợp Lưu78. Các trích dẫn về Bóng Ðè sẽ viết tắt (BÐ, với số trang).
[2] Về ý nghĩa tường thuật này, xin xem Roland Barthes, "The third meaning", Image, Music, Text, Hill and Wang, New York, 1988.
[3] Căn cứ vào ý niệm Plaisir du Texte của Roland Barthes
[4] Theo lối nói của Gaston Bachelard, "animus/anima", trong Poétique des Mots, Presse Universitaire de France, Paris 1963
.

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003