Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CÁNH BÈO HOA
Diễm Châu TNQG 

Tháng Bảy ngày lễ Ðộc Lập năm nay, chúng tôi không có thì giờ để đi coi bắn pháo bông như mọi năm. Mỹ là một nước giàu có, chỉ ngày lễ nầy, nội việc bắn pháo bông cho dân chúng xem, cũng tốn không biết bao nhiêu là tiền. Một cây pháo thăng thiên loại chiến, lớn và tỏa lan trên không trung rất đẹp, có cây lên tới vài chục ngàn đô la. Một đêm mừng lễ, pháo bông được bắn trong vòng nửa tiếng. Thường là từ 9 giờ tới 9 rưỡi. Thử tính coi tốn bao nhiêu tiền? Nuôi được dân của các nước nhỏ nghèo đói cả tháng là ít...

Nhưng, đó là mình thương, nghĩ tới những người nghèo khổ mình nói thế, chứ đây là truyền thống vui chơi của một nước hùng mạnh nhất thế giới, không thể nào thiếu được mục bắn pháo bông quan trọng nầy. Cũng như ngày Tết ở quê hương mình mà không được đốt pháo thì buồn lắm, thiếu hẳn không khí Tết!

Tốn tiền vụ bắn pháo bông, nhưng trong lúc đó thì lại kéo lên bao nhiêu là dịch vụ thương mại buôn bán làm ăn khác, lợi tức thu được ào ào trong ngày lễ nầy, tiền kiếm được, các chủ nhân đóng thuế lại cho chính phủ cũng đâu vào đó.

Ngày lễ Ðộc Lập tại nơi tôi ở, một địa danh nổi tiếng về khí hậu trong lành nhất nước Mỹ, nằm sát cạnh biên giới Mễ, là thành phố đồi núi San Diego, có những công viên thường xuyên hàng năm tổ chức bắn pháo bông, nên mới sáng sớm, khoảng tám giờ là đã đông người. Có gia đình họ cho người nhà ra từ sáu giờ sáng để cắm lều, dành chỗ tốt cho gia đình sẽ đến sau.

Công viên tràn ngập người lớn và trẻ con. Chợ búa tha hồ mà bán những thứ như nước đá, nước ngọt, bia, cà rem, trái cây, thịt thà, than củi, lò nướng và pháo, đồ chơi trẻ em, nhất là những loại vòng đeo chiếu sáng khi trời sụp tối, gần đến giờ bắn pháo bông...
Mùi thịt nướng lan tỏa ra trong không gian mọi nơi mọi chỗ thật là hấp dẫn. Người ta ăn uống, chuyện trò rất náo nhiệt.

Buổi tối dân chúng đổ xô đến công viên càng đông hơn. Trời bắt đầu nhá nhem là thiên hạ nhốn nháo chờ đợi, khi nghe những tiếng bụp bụp, xì một cái vèo là cây pháo đầu tiên bắt đầu xuất hiện chiếu sáng trên bầu trời, người ta vỗ tay chiêm ngưỡng một cách tận tình. Lúc đó không ai làm gì, ngoài việc ngữa mặt lên trời nhìn pháo bông... với tiếng trầm trồ không dứt...

***
Năm nay, Lễ Ðộc Lập không được chúng tôi để ý tới, tổ chức “picnic” vào buổi chiều như mọi năm, vì có nhiều chuyện phải làm, trong đó, việc đúc đồng Bức Tượng Thuyền Nhân là một.
Sau một thời gian dài chờ đợi, lo lắng và Vi Vi hàng ngày vẫn o bế cho bức tượng Thuyền Nhân, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhìn chiếc xe “truck” đang lăn bánh xa dần nhà mình, đi ra một hải cảng lớn, đưa bức tượng đến giai đoạn cuối cùng là đúc đồng, để có thể trơ gan cùng tuế nguyệt, không sợ hao mòn theo năm tháng thời gian.

Bức tượng Thuyền Nhân Vượt Biển thân thương nầy đã ở với chúng tôi bốn năm, lang thang từ thành phố nầy qua thành phố khác, như những người dân “Bô hê miêng” du mục thở xưa...
Tôi chưa từng kể cho ai nghe đầy đủ về câu chuyện bức tượng linh thiêng nầy. Những sự việc lạ lùng mà tôi đã được chứng kiến khi sống gần nhau. Tôi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của thời làm tượng đã qua, mà trong lòng dấy lên một sự thương cảm khó hiểu...
Có thể đây là một việc làm có tính cách nghệ thuật tâm linh, cho nên với tấm lòng thành, chúng tôi đã gặp được nhiều may mắn, vượt qua biết bao nhiêu rủi ro đến trong từng giai đoạn... từ khi ViVi bắt đầu thực hiện pho tượng nầy.

Từ San Diego, khi ViVi vừa làm xong “Mẹ Thuyền Nhân” (tên tôi đặt cho bức tượng có bốn người, gồm hai vợ chồng, một đứa con trai cùng bà mẹ, và tôi hay gọi tắt là “Bà”), thì nơi người quen chúng tôi để nhờ bức tượng họ phải di chuyển đi nơi khác, cho nên chúng tôi cũng phải vất vả tìm một chỗ đứng khác cho “Bà”.

Nói vất vả cũng không sai bao nhiêu. Vì tôi phải vừa đi làm, vừa chạy qua chạy lại lo tiếp tế những gì ViVi cần, vừa lo thực hiện tuyển tập văn chương, đồng thời tổ chức buổi nhạc hội “Tác Giả & Tác Phẩm” (cái tên đầu tiên mà tôi đặt, rất phổ biến hiện nay) nối rộng vòng tay với các bạn hữu v.v.... những việc tôi đã thường làm từ những năm đầu tiên, khi mới đến Mỹ với tuổi hoa niên đầy hăng hái và tận tụy...
Cùng trong thời gian đó, tôi lại gặp chuyện quá đỗi đau buồn trong gia đình, là mất đi một đứa con thân yêu trong đầu năm 2002!

Chuyện thực tế nhất trước mắt là phải đứng dậy để đi tới. Cho dù gặp phải chuyện buồn đau cách mấy, cũng không thể nằm một chổ mà khóc được! Phải đứng lên làm việc, công việc sẽ làm cho bạn vơi bớt những khổ đau trong cuộc sống...

Thực sự đúng như vậy. Tôi vẫn phải làm mọi việc. Trong nhà thì nấu cơm rửa chén, dọn nhà.... ngoài ngõ thì đi cày không thể bỏ được... chỉ có vấn đề giao tế là việc tạm thời phải gián đoạn. Không gián đoạn cũng không xong, vì những khi tôi lái xe đi ngoài đường thường như người mất hồn, có lúc tôi lái loanh quanh trong một bãi đậu xe rộng lớn mà chẳng thấy cái gì trước mắt, chẳng biết mình đang định đi đâu... đến nỗi khi tôi tông một cái ầm vào chiếc xe của người khác ở trước mặt, tôi mới ngơ ngẩn tỉnh mộng, còn nghĩ rằng không hiểu tại sao “nó” lại tông mình!
Tôi muốn di chuyển ra khỏi thành phố mình đang ở trong thời gian đó... Buồn quá, tôi muốn đi xa thật xa!

Mặt khác, bằng mọi cách, chúng tôi phải tìm ra chỗ để cho “Bà” đứng. Nhưng đứng ở đâu? Chuyện nghe thì dễ nhưng không dễ! Lý do hơi khó khăn bởi đây là bức tượng của những người đã khuất, khá to, đem gởi nhà ai cũng bất tiện! Nếu mình có một vuông sân để giữ bức tượng “Bà” ở đó... Nhưng mình thì không có nhà mà cũng chẳng có sân! Căn chung cư hai phòng chúng tôi mướn ở Mira Mesa hồi đó đầy ngập sách báo, không còn chỗ chứa thêm bất cứ gì.

Hàng ngày tôi đi làm về, hay thẫn thờ ngồi trước cửa, vừa buồn nhớ con vừa lo lắng suy tư về bức tượng... Mướn một căn nhà có sân tại thành phố nầy, giá khoảng hai ngàn đô một tháng quá tốn kém. Chỉ có cách theo ý mình đang muốn là dọn nhà đi. Ði xa là đi tận đâu? Tôi cũng chưa biết! Nói thẳng ra là tôi không rành địa thế ở vùng đất nầy.

Thế rồi một hôm, tôi đi thăm ông chú ruột của tôi ở vùng Wanut gần LA, được chú dẫn đi ăn phở, thấy có tờ báo Việt Nam mang tên Người Ðưa Tin được phát tại đó, tôi lấy một cuốn ngồi đọc. Ông chú tôi hối thúc:
- Ăn đi con... không thì hết nóng...
Tôi dạ dạ rồi vừa ăn vừa coi... Tôi đọc hết từ tin tức cho tới quảng cáo... Rồi rất tình cờ, tôi thấy trong báo có đăng rao vặt bán một căn nhà nhỏ, đất rộng nửa mẫu với giá khá rẻ, mình không nghĩ tới là khoảng một trăm ngàn.

Thời gian đó, ở San Diego mua Condo một trăm ngàn cũng không có. Thường thường mua loại chung cư nầy thì phải 150 ngàn trở lên, dĩ nhiên là không có vườn tược và phải đóng tiền dọn dẹp cây cỏ hàng tháng khoảng vài trăm. Tôi không thích những điều lệ đó.
Thế là tôi kết cái quảng cáo nầy. Giữ cẩn thận tờ báo, về nhà tôi điện thoại ngay cho người nhân viên bán nhà, hỏi xem cái nhà đó ở thành phố nào, mừng rỡ khi biết căn nhà vẫn còn đó ở San Bernardino chưa ai mua, và hẹn ngày đi coi nhà.

Từ San Diego, sau khi tìm trong bản đồ kỹ càng, và theo lời hướng dẫn của ông bán nhà... chúng tôi lái xe hết gần hai tiếng mới đến nơi.
Khi đứng trước cửa căn nhà, tôi thấy đất đai vuông vức thật rộng. Phía sau nhà, có cây Khuynh Diệp cổ thụ vươn những cành lá xum xuê, làm cho căn nhà có vẻ mát hơn những khi ánh mặt trời buổi chiều rọi xuống mái. Chung quanh nhà, tôi thấy đã có trồng sẵn những cây ăn trái như hồng dòn, táo tàu, đào lông, chanh vàng, chanh xanh...
Ngay dưới tàn cây tôi đang đứng tránh nắng, cũng là một cây “berry” đầy trái chín, mà tôi thấy ở ngoài chợ Mỹ bán loại nầy rất đắt, thường đựng trong hộp nhựa nhỏ xíu giá khoảng ba, bốn đô. Ngắt ăn thử vài trái, tôi thấy ngọt ơi là ngọt, nhưng miệng lưỡi mình thì đen thui nếu ăn nhiều!

Nhìn thấy những cây trái như vậy, tôi chịu căn nhà lắm rồi. Cho dù đó chỉ là một ngôi nhà nhỏ hai phòng ngủ xây từ bốn mươi năm nay. Ở phía sân sau, có một ga ra chứa được hai xe, dàn sườn gỗ kiến trúc bên trong khá chắc chắn, có thể làm thành xưởng vẽ được.

ViVi thì cho rằng ở đây khá xa, nhưng cũng thoải mái, OK vì có đất rộng, còn chỗ nào hơn thế nữa để mà dời bức tượng đi với giá rẻ như thế nầy.

Phải nói rằng tôi may mắn khi mua căn nhà nầy. Không biết vì làm bức tượng Tâm Linh, hay do con mình phù hộ, dẫn dắt... Và cũng nhờ một số bạn hữu và các em tôi đã cho vay mượn số tiền đặt cọc, giúp cho tôi có được căn nhà theo ý muốn.

Thấy đất quá rộng, tôi đã có ý nghĩ phải biến nơi đây thành một nơi đầy tính cách nghệ thuật. Chúng tôi sơn sửa lại nhà cho sạch sẽ. Chặt bỏ những cây cối không cần thiết, và trồng thêm những gì muốn trồng. Làm những sản phẩm như vẽ trên bàn ghế, dự định sẽ làm các tượng của những nhân vật nổi tiếng...

“Bà” được đưa vào trong nhà xe đứng trên một cái bục gỗ trong đó. Một buổi tối, tôi vào nhà kho để lấy đồ, không cầm theo đèn bin, và cũng không bật đèn, bởi tôi nghĩ tôi đã biết chỗ cần lấy đồ ở đâu, bên ngoài trời lại mới nhá nhem, chưa tối lắm... Thế nhưng bỗng dưng tôi lạnh gáy vì phía sau lưng có người nắm áo giựt ngược lại. Tôi hoảng hốt cực điểm... tưởng có quân gian vào núp trong nầy... Nhưng khi tôi lấy hết can đảm quay lại, thì mới hay là cái vạt áo của mình đang vướng vào tay Bà, cánh tay Bà trong tư thế vươn tới phía trước như van nài cầu xin cứu khổ, một tay kia thì Bà đang ẵm đứa con trai...

Trái tim đập thình thịch, tôi vẫn chưa hết sợ hãi, vì bóng tối đang lan nhanh đến, tôi chạy vội vô nhà, quên cả lấy những thứ mình đang cần. Ðứng trong nhà một hồi, khi hơi thở quân bình lại, tôi mới thấy đỡ sợ, nhưng không dám ra ngoài nhà xe nữa. Bị nắm áo hai lần như vậy, tôi từ từ quen dần những góc cạnh trong nhà, và hết sợ...

Sáng hôm sau, đợi cho trời nắng chang chang nhảy múa khắp mọi nơi, tôi mới dám ra phía sau, mở hết các cánh cửa ở nhà xe cho ánh sáng tràn vào, trong phòng sáng trưng, bức Tượng vẫn hiền hòa nằm đó...
Tôi cầm tay Bà cầu nguyện, xin Bà đừng có làm cho tôi sợ... Rồi tôi lấy cây chổi quét dọn bụi bặm trong đó. Công việc nầy tôi làm thường xuyên, bởi vùng San Bernardino thường hay có gió lớn vào mùa đông. Những cơn gió chạy ào ào trên mái nhà, thổi những cành cây rạp xuống, có nhiều cây to trốc cả gốc ngã quỵ xuống đất.... Gió thổi tung, đảo lộn tất cả mọi vật di chuyển đi lung tung trên đường phố.

Trong sân nhà rộng lớn của tôi, sau mỗi lần gió bão là chán lắm, bởi vì rác rến và giấy báo vương vãi ở khắp mọi nơi... Trong ga ra chỗ Bà đứng, gió len lỏi qua những khe nhỏ, thổi vào đầy những cành hoa trăng trắng nhỏ li ti, trông giống như là hoa của cây Khuynh Diệp gần đó.

Gió lớn, nhiều khi tôi lái xe đi giao bài cho tòa báo, mà nghe như muốn thổi tung cả xe của mình lên, làm cho tôi sợ quá phải quay trở lại nhà, dùng máy Computer gởi đi vậy...
Chúng tôi ở vùng đất quê mùa, ít dân Việt đó cũng gần ba năm, dù cho tình cờ thời gian sau, biết được mình ở gần một ngôi thánh đường có cha và giáo xứ Việt gần bên, cảm thấy ngạc nhiên lẫn thích thú... Chúng tôi cũng có những người bạn già trẻ đầy ân tình thỉnh thoảng ghé thăm, quen biết trong khuôn viên giáo đường, luôn sẵn sàng hổ trợ trong các việc làm nghệ thuật.

Ði hay về, gặp những nỗi buồn trong cuộc sống, tôi đều ra phía sau nhà, ngồi nhìn ngắm, kể lể cùng pho tượng, thành quen, ngày càng thân mến hơn....
Bàn tay níu áo tôi lúc đầu của Bà, sau nầy tôi vẫn nắm lấy, ấp ủ trong tay mình những lúc cầu nguyện.
Trong những ngày tháng ở đây, chúng tôi ít gặp ai... Nhưng cũng có không ít nghệ sĩ tên tuổi trong cộng đồng Việt, đã dừng chân ghé thăm gia trang nầy.

Thực hiện bức tượng Thuyền Nhân, khi xong, đưa ra trước công cộng cho người ta tưởng nhớ, thưởng lãm... Ða số dân chúng đến chiêm ngưỡng, trầm trồ, khen ngợi, lẫn xúc động rơi lệ, khi nhớ đến những người kém may mắn trên đường vượt biển đã mất, hay chính ngay bản thân, gia đình mình trong những ngày vượt biển kinh hoàng xa xưa. Ít ai nghĩ đến người nghệ sĩ đã tạo nên bức tượng đó như thế nào. Nhiều khi rất là trần ai, tương tự như những mảnh đời nghệ sĩ sau bức màn sân khấu!

Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến bức Tượng Thuyền Nhân. Sau một thời gian để trong nhà xe, thấy tôi có cái bàn cũng khá vững chãi, mới mua về mà chưa dùng, vì trong nhà đã có bàn ăn, ViVi bèn lấy cái bàn đó, đưa ra phía sân sau, nơi tôi vừa thuê tụi Mễ đến lát những viên gạch đỏ vuông vức một khoảng sân, dự định làm thêm một giàn cây trồng nho, và dùng cái bàn mới tại đó, để chiều chiều vừa ngồi uống rượu đỏ, vừa nhìn những cây trái, thành quả của mình làm chưng quanh nhà, cũng thú vị lắm.
Kê cái bàn ngay ngắn xong, ViVi bảo:
- Em giúp anh 1 tay...
Một tay thì ăn nhằm gì, hai tay tôi cũng giúp như thường! Nhưng tôi ngán ngẩm khi nghe ViVi vừa đi vào trong ga ra, vừa nói tiếp:
- Giúp anh 1 tay khiêng bức tượng ra ngoài để lên bàn!
Chu mẹ ơi.... tưởng gì chứ cái nầy thì tôi hơi ngần ngại! Bởi tôi không phải là người có bắp thịt, sức khỏe phi thường như người khác! Tay chân giày dép vòng nhẫn size 5 thì làm sao mà gánh vác nổi ... giang san như người ta. Cứ hễ làm cái gì quá sức thì tay chân tê liệt sau đó ngay... Tôi sợ khiêng nặng, nói thẳng là như vậy.
- Ðể em qua bên cạnh nhờ mấy ông Mễ...

Chuyện nhờ Mễ đối với tôi dễ ợt. Cứ qua hàng xóm, cười thân thiện một phát là mấy ông Mễ không ngại, ghé vai gánh vác... kèo cột giùm mình. Tôi có tài ngoại giao... Nhưng ViVi vốn tính thích gì thì phải làm ngay, không chịu đợi, dù thêm một phút:
- Thôi mà, có chút xíu chứ bao nhiêu...
Thế là tôi dại đột nghe theo lời của chàng! Than ôi! gồng mình lên mà khiêng, công nhận bức tượng thì nhẹ với người mạnh... chứ với tôi thì phải ba người khiêng mới vừa sức mình, dù bức tượng đã được ViVi cẩn thận tách ra làm hai cho dễ di chuyển! Dù nặng è cổ ra, nhưng tôi không dám buông tay, sợ hư hại đến bức tượng mà tôi vừa kính cẩn vừa thương quí.

Tôi không có thú vui gì nhiều, tối ngày chỉ thích quanh quẩn vườn sau hay vườn trước trồng cây. Vì sợ rắn, tôi đã trồng một hàng rào bằng cây xả chạy từ sau ra trước, ngay hàng thẳng lối, cắt đều trên ngọn, ba tuần một lần trông rất đẹp mắt. Xả nhiều vô số kể.
Ngay cái hàng rào bên hông nhà, bao nhiêu năm tháng những cây leo mọc rồi chết trên đó, tôi thuê một anh làm vườn đồng hương đến thu dọn, chỉ một hàng rào từ trước ra sau, khá dài, chở đi cũng tốn hết hai xe rác!

Bởi nhìn thấy khu đất sau nhà quang đãng, bởi nhìn thấy bức tượng cứ gần gũi bên mình mãi, ViVi mới có ý định đem ra ngoài trời để trên bàn cao cho thoáng mát thoải mái.
Cũng may là tôi không bị đau tay lần nầy như những lần khiêng nặng khác. Tụi tôi kiếm hai chậu cảnh khá lớn, để hai bên chân tượng coi cho mát mắt.
Như vậy, bức tượng Thuyền Nhân ở với chúng tôi thật lâu, “như một thành viên trong gia đình”... Lời quảng cáo của 1 đài TV mới hữu lý trong trường hợp nầy.
Trước thời gian làm và chờ đợi Ban Tổ Chức lấy tượng, ViVi lại vẽ và làm thêm những bức tượng mẫu nho nhỏ cho ban tổ chức tùy nghi xử dụng. Tôi ngồi gần bên để làm “thợ vịn”. Thật lạ lùng. Ðiều tôi muốn nói ở đây là trong ba bức tượng mẫu Thuyền Nhân nhỏ, có một bức dùng để tặng cho Thượng Tọa ThíchViên Lý của chùa Bảo Pháp luôn luôn bị chảy nước, dù cũng làm bằng chất liệu y hệt như hai bức kia.

Khi ViVi khám phá ra điều đó, tôi mang bức tượng vào nhà, để trên bàn nhìn kỹ. Một chất nước rịn ra làm cho ướt hết bức tượng, không hiểu là nước gì.... Tôi lấy mấy khăn giấy mỏng thấm vào tượng, thấm hết chung quanh cho khô bằng cả năm sáu tờ “napkin”. Rồi tôi lại còn lấy máy xấy tóc hong cho khô. Sau đó cất tượng ở một chỗ cao.
Ngày hôm sau, nhìn lên bàn thờ, tôi lại thấy nước thấm ra ướt hết tượng. Bưng xuống, tôi nhìn kỹ và tôi không hiểu tại sao nước lại ra từ đâu. Tôi vừa thấm nước, vừa hỏi ViVi :
- Anh có cho chất gì vào bức tượng nầy không?
ViVi trả lời là làm ba bức chất liệu như nhau. Mà coi kỹ mấy bức tượng kia lại bình thường, không có nước non gì hết, thế mới lạ!
Tôi chịu thua. Nhưng rồi tôi và ViVi chợt cùng có chung ý nghĩ: “Hay đây là tượng những người vượt biển đã chết, nên sự linh thiêng khiến bức tượng toát ra ướt sũng như bị chìm dưới nước...”
Ý nghĩ nầy khiến tôi nổi da gà! Làm sao mình biết được thế giới siêu hình?

Ngày đại nhạc hội, Ban tổ chức muốn chúng tôi có mặt rất sớm. Lúc đó chưa có khách, nhà hàng cũng chưa dọn dẹp xong. Chúng tôi được sắp ngồi hơi xa sân khấu. Anh bạn là ca sĩ đi cùng quen chúng tôi, có giọng hát ấm ngọt, đến từ tiểu bang xa mục đích đóng góp tiếng ca cho buổi văn nghệ gây quỹ tượng đài Thuyền Nhân nầy, vốn là một Xếp ở bưu điện Mỹ, tỏ ra ngạc nhiên khi thấy ngồi quá xa như vậy. Nhưng rồi chúng tôi cùng thấy “miễn có chỗ là tốt rồi”.
Tôi không biết với bức tượng nhỏ Thuyền Nhân Vượt Biển do thượng tọa Viên Lý giữ đó hiện nay ra sao. Nếu vị nào thắc mắc có thể gọi thầy ở chùa Bảo Pháp để hỏi.

***
Chúng tôi lái xe ra khỏi thành phố San Diego ngay trước lễ Ðộc Lập để thư giãn đầu óc. Lâu rồi, cả nửa năm chẳng có cơ hội đi Vacation. Xa lộ xuôi về hướng Ðông thưa thớt xe cộ. Hai bên đường rực nắng, có những thân cây xương rồng vươn cao giữa trời không hoa lá.
Cũng có những cơn mưa rào, còn những trận mưa to thì đến rất bất thường.
Có lúc, chúng tôi gặp những cơn “bão bụi”, khiến cho xa lộ và hai bên cánh đồng hoang chìm trong một màu cát vàng đục, mờ mịt trời đất, chẳng còn nhìn thấy gì một vùng phía trước mặt.
Ghé vào một thành phố nhỏ ở tiểu bang New Mexico, chúÔng tôi nghỉ đêm tại một hotel có lối kiến trúc theo kiểu Indian, khá mỹ thuật.
Vào một tiệm ăn chuyên về thịt bò nướng của Da Ðỏ, không khí náo nhiệt, vui nhộn. Bồi bàn nam nữ cùng nhau nhảy những vũ điệu Da Ðỏ ngay kế bên bàn của khách... khi người khách vào ăn có sinh nhật ngày hôm đó.
Nhìn cách nhảy của các tiếp viên như nhảy quanh lửa hồng của Việt Nam ngày xưa, tôi thấy thật là thú vị khi mình có dịp đi chu du như vầy.
Sau khi thưởng thức miếng thịt bò nướng mềm mại tan dễ dàng tan trong cổ họng, đĩa sà lách trộn dầu dấm và chén cơm hạt có mầu đen, cách nấu ướp với đặc sản của người Da Ðỏ thật lạ miệng và ngon, chúng tôi cùng trở về khách sạn .
Ngang qua một vườn hoa, có băng đá phía trước, hai đứa ngồi xuống nhìn những cảnh vật chung quanh. Ô kìa, trong hồ nước đang chảy róc rách nhè nhẹ phía trước, có phải là mắt tôi trông thấy vài cánh lá màu xanh, giống như cánh bèo hoa bên mình.
Tôi chạy đến bên hồ nhìn vào cho rõ... Ôi trời, là cây bèo thật, Việt Nam mình gọi là bèo Nhật Bản. Bạn nên nhớ bèo hoa nó đẹp như cánh hoa trôi trên nước, thanh cảnh... không phải như lục bình có hoa tím đâu. Hoa lục bình thì với tôi, như một cô thôn nữ mộc mạc trên sông nước miền Nam.
Bèo Hoa và lục bình rất dễ sinh sôi nẩy nở. Mặt hồ chỉ đẹp khi có một vài cánh bèo điểm trang. Nhiều quá mất hay.

Ðêm nay, tình cờ tôi nhìn thấy lại cánh bèo năm xưa, trôi nổi vô số trên hồ sen phía sau nhà thuở thơ ấu, và một góc cạnh khác, với hai ba cánh bèo hoa thấp thoáng đâu đây... ẩn hiện trong lu nước lớn được đặt dưới chân tượng “Bà” Thuyền Nhân, khi chúng tôi cùng ở kề cận bên nhau tại miền đất cao San Bernardino.

Diễm Châu TNQG 7/06

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003