Apr 19, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
ÐỌC TRUYỆN KIỀU: Tác Giả, Nhân Vật và Luân Lý
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ

1. Đây là cuốn biên khảo thứ nhì của nhà Kiều học Đặng Cao Ruyên, sách dầy 418 trang, tiếp theo cuốn ‘Bể dâu trong dòng họ Nguyễn Du”. Sách in công phu, chăm sóc kỹ lưỡng, mỹ thuật, trang trọng. Bìa cứng màu tím nổi bật với những hàng chữ vàng, trình bày bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Mai Trung Thứ, bậc sư tranh lụa, mô tả cảnh Thúy Kiều đang gảy đàn và Kim Trọng ngồi nghe. Có đến 6 phụ bản mầu là tranh lụa của 5 họa sĩ Việt: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Phan Thúc Chương và 1 của họa sĩ Nhật Sekiguchi. Có 23 bức họa đen trắng của họa sĩ Mai Lân minh họa những cảnh chính của Thúy Kiều. Vì công trình biên khảo của tác giả quá dầy, nên phải in thành hai tập, tập II sẽ in bàn về nghệ thuật tả tình, tả cảnh và và ảnh hưởng Truyện Kiều tỏa rộng ra ngòai thế giới. Sách do Tổ hợp xuất bản Miền Đông trình bầy, thiết kế, in ấn và phát hành, về hình thức xứng đáng là một cuốn sách đẹp, qúy đặt trong tủ sách gia đình.

2. Cuốn này luận về tác giả; các nhân vật chính trong truyện và luân lý của Truyện Kiều hay “Đọan trường tân thanh”. Hai chữ luân lý chắc sẽ khiến độc giả chú ý. Tựa sách ghi rõ “luân lý’, nhưng ở cuối sách, nơi quảng cáo ghi là “lý luận”, có thể hiểu là lý luận trong Truyện Kiều, nhưng câu dịch Anh ngữ là morality. Vậy Truyện Kiều, theo dư luận có bên khen và bên chê. Bên chê, trước đây đứng trên quan điểm chính trị chống Pháp; hoặc theo chủ nghĩa duy vật, giai cấp đấu tranh, sẽ không nhắc đến như Hùynh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế; Trương Tửu. Chỉ nêu vài người gần nhất, khen, bênh vực văn chương và đạo đức, có Nguyễn Tường Tam, Tử Vi Lang, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Thanh Giang…Chê, đả kích ở hải ngoại có Hòang Hải Thủy, Nguyễn Bá Triệu… Ông Công tử Hà Đông viết cả một cuốn sách viết diễu cợt, trào phúng kết án Thúy Kiều là dâm lọan. Ông Nguyễn Bá Triệu chê cả về đạo đức lẫn văn chương của Nguyễn Du. Thực ra khen hay chê một tác phẩm, nên đựa trên môi trường, điều kiện xã hội của thời đại hòan thành tác phẩm. Không thể khe khắt đánh giá một tác phẩm nổi tiếng thời trước với con mắt người phê bình thời nay.

3. Tác giả họ Đặng đã nghiêng hẳn về bên bênh vực và đề cao luân lý trong Truyện Kiều. Ông giảng rộng nghĩa luân lý và tóm tắt: Luân thường, luân lý có thể hiểu là cái đạo làm người phù hợp với cái lẽ đương nhiên của trời đất. Ông coi như Thúy Kiều đã trọn vẹn được chữ Hiếu và chữ Tình, có đủ đức tính Nghĩa, Nhân, Trung, Tín và Danh tiết (với Kim Trọng). Có thể có một số nhà văn, nhà giáo, độc giả chưa, hoặc không đồng ý với ông Đặng. Hy vọng rằng đọc xong phần luận về luân lý Truyện Kiều số độc giả đó sẽ được ông Đặng thuyết phục. Tác giả có trích dẫn lời của Thanh Lãng Đinh Xuân Nguyên: “ Do truyền thống và tập tục, họ (phe chê, chống) quan niệm đạo đức và luân lý phải lãnh đạo và chỉ huy mọi họat động nghệ thuật. Ý họ Đinh là không nên lấy quan niệm luân lý và đạo đức để đánh giá tác phẩm có nghệ thuật cao. Người ta cũng bàn rộng chữ luân lý nên ứng dụng vào tùy không gian và thời gian. Ngày nay ở trong nước cũng như ở hải ngọai, những câu thơ gọi là khiêu dâm của Nguyễn Du đã trở nên bình thường, ngay cả mưu kế 7 chữ vành ngòai cũng không có gì là ghê gớm. Còn nếu dịch Luân lý là Morality thì lại có ba nghĩa là đạo đức; là răn dạy và là tinh thần.

4. Một lần nữa tác giả nhắc lại thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du. Nguyễn Du dù sau này đã có chỗ ngồi cao trong họan lộ nhưng vẫn buồn chán, chưa thật tọai nguyện, chưa hài lòng với lẽ sống đã chọn lựa. Nguyễn Du không yên tâm làm quan, coi cuộc đời là vô thường. Câu kết Phần I, tác giả viết: “Chính nỗi “đau đời” thấm đượm tình người của ông đã chắt lọc và kết tinh thành những đóa hoa muôn mau sắc của sự khổ đau”. Phần II có mười mục, nói đến các nhân vật chính như Đạm Tiên (nhân vật ảo), Thúy Kiều, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Thúc Sinh, Từ Hải, Thúy Vân, ba nhân vật tử tế ( Giác Duyên, Tam Hợp, mụ Quản gia) và mục giải nghĩa tên các nhân vật theo chữ Hán và chiết tự. Không nêu tên Kim Trọng, người tình, người yêu đầu tiên và cuối cùng, tuy có thể hiểu Kim Trọng đã được nhắc đến nhiều lần khi điểm các nhân vật trên. Ông Đặng khen hồn ma Đạm Tiên là khả ái, đôn hậu và coi như đã lên tiếng thay cho Thúy Kiều, một kẻ đồng hội đồng thuyền.

5. Tài sắc Thúy Kiều đã có quá nhiều tác giả tán tụng, nên nói đến tâm hồn, tâm lý nhân vật chính này. Tác giả nhận định: Sau hai lần tu chùa, nhưng trong sổ đọan trường còn tên, tuy tu nhưng chưa hết Tham, Sân, Si, nên phải tu chùa lần thứ ba mới hết nợ. Thúy Kiều không tự quyết định được đời mình, đã có khuôn xanh, đã là đồng hội với Đạm Tiên nên bị ma đưa lối qủy dẫn đường. Chỉ lần tu thứ tư là tu tại gia, theo đạo nhưng không bỏ hẳn đời, nàng mới được thảnh thơi. Tác giả dẫn lời đạo cô Tam Hợp: Thúy Kiều thông minh, có tâm hồn trong trắng, nàng có công đức, chỉ vì mắc vòng tình ái, nên không gọi là tà dâm. Biết lấy tình thâm trả nghĩa trọng là chí hiếu. Gián tiếp giết Từ Hải nhưng đã cứu được muôn người thóat nạn chiến tranh. Thúy Kiều biết nói lời phải chăng với Kim Trọng, Tú Bà, Từ Hải, Thúc Sinh, Họan Thư. Nói chung tâm hồn nàng Kiều đôn hậu. Tâm lý Thúy Kiều là tâm lý phụ nữ, rất bình thường, cũng mong áo gấm về làng, phu qúy phụ vinh, cuối cùng được yên vui, hạnh phúc.

6. Tác giả có ý chê trách Thúc Sinh, cũng cho là đáng thương cảm. Thúc Sinh vẫn được Thúy Kiều nhớ ơn và yêu thương. Nhớ ơn đã cứu ra khỏi lầu xanh, yêu thương vì đã tỏ ra mê say nàng để làm liều. Thúc Sinh rõ ra là một tay chơi, con nhà giầu, mê gái, nhưng nông nổi và… sợ vợ. Thúc Kỳ Tâm là một nhân vật nam suy nghĩ và hành động rất bình thường và là người gây ra nhiều hệ lụy nhất trong truyện.

Còn nhân vật Họan Thư, đối với dân chúng Việt, đã biến thành tính từ thay cho ghen sâu sắc, dữ dội, như tên Sở Khanh là bạc bẽo, lừa đảo trong tình yêu. Họan Thư ghen đầy bản lĩnh, nhưng không hãm hại người bị ghen, còn mở lối thóat cho nạn nhân. Không hành hạ nàng Kiều tới cùng, không đuổi theo bắt lại , không đòi lại chuông vàng khánh bạc. Họan Thư còn có tài biện hộ trước tòa án của phu nhân Từ tướng công.

7. Từ Hải là một trong ba nhân vật truyện có thật trong lịch sử Trung Hoa. Tác giả khẳng định ngay: Từ Hải là “giấc mơ không thành” của Nguyễn Du. Luận về Từ Hải, ông không quyết một lời coi họ Từ là tướng cướp hay anh hùng. Từ Hải ở trong thế được làm vua thua làm giặc. Nhân vật này ngang tàng, có tài trong chiến tranh, nhưng thiếu cơ mưu và vẫn phạm lỗi lầm là để vợ dự việc quân, ‘bởi nghe lời thiếp”

Thúy Vân là người có sắc đẹp trang nghiêm, phúc hậu, nhưng mờ nhạt, ít xuất hiện, nàng đã bị chê là vô tâm, ít tình cảm. Tác giả cho là Thúy Vân tốt số và bào chữa cho nàng là cũng đã biết ân cần hỏi han khi Thúy Kiều bắt đầu bước vào đời bạc mệnh. Nàng đã kín đáo có chút tình với Kim Trọng trong dịp du xuân, đã nhận lời gửi gấm và đã bằng lòng lấy Kim Trọng. Tác giả khen Thúy Vân là người vợ hiền, chấp nhận thiệt thòi của kẻ đến sau. Chính Thúy Vân đề nghị chị thành hôn với chồng mình, không hề tỏ ra ghen tuông với người máu mủ ruột mềm, vui với vai vợ bé.

8. Tác giả nêu lên tên ba người tử tế với Thúy Kiều. Mụ quản gia giàu lòng vị tha, săn sóc vết thương, cho uống thuốc, an ủi, chỉ bảo điều hơn lẽ thiệt cho Thúy Kiều. Ni sư Giác Duyên biết người, hiểu nết, rất nể Thúy Kiều. Bà đả chứa chấp, không tố giác, tìm cách để nàng rời chùa. Còn đạo cô Tam Hợp gần như một nhân vật ảo. Không bao giờ người ta thấy đạo cô xuất hiện, không bao giờ nghe Tam Hợp lên tiếng trực tiếp. Có thể những lời tiên tri nhắn lại là của chính ni sư Giác Duyên. Bà Tam Hợp nói sẽ gặp nhau ở sông Tiền Đường và hồn ma Đạm Tiên cũng cho biết trước như thế, vậy cái ơn của bà với Thúy Kiều cũng nhẹ thôi.

Một số độc giả và người viết đã nhắc đến lòng tử tế ra ơn của quan huyện Lâm Truy. Nếu không có sự xử án theo tình, vì nể qúy tài sắc, nhất là do quyết ý hòan lương của bị cáo thì số phận nàng Kiều sẽ ra sao? Đã thế ông còn ra lệnh phải làm lễ cưới ngay tại nha môn để Thúc Ông hết đường chần chừ. Quan huyện Lâm Truy nên đựơc kể là người tử tế thứ ba.

9. Tác giả đặt câu hỏi: Có chăng những những câu thơ tình không nên giảng? Nói cho rõ hơn là có nên giảng, nên tán rộng về những câu thơ bị coi như dâm ô, tục tĩu? Rồi ông tự trả lời và cho rằng không nên giảng những câu “trong sáng” đó và càng không cần giảng thêm gì nữa. Đoạn kết mục này có lẽ là chưa đủ sức thuyết phục những người vẫn chê Truyện Kiều là khích dâm. Riêng phần này dường như tác giả còn e dè, chưa dứt khóat, có lẽ ông cần mạnh dạn bênh vực Nguyễn Du mạnh mẽ hơn nữa để “bắt đúng hay gần đúng tần số tình cảm của Nguyễn Du”. Những người chê Truyện Kiều vẫn vin vào những câu thơ tả chân như:

Nước vỏ lựu máu mào gà
……………..
rồi: Buồn mình, trước đã tần mần thử chơi
………………
hay: Vành ngòai bẩy chữ, vành trong tám nghề
……………..
hoặc: Chơi cho liễu chán hoa chê
……………...

Phải chi từ lớp 10 trở đi nếu có học Kiều trong giờ Văn, trước đó đã có giờ giảng về cơ thể nam nữ và tính dục thì ông thày sẽ tự do giảng kỹ, tán rộng hơn.

10. Luận về lòng nhân của Nguyễn Du qua đối chiếu Kim Vân Kiều Truyện với cuốn thơ phóng tác Đọan Trường Tân Thanh. Tác giả đưa ra những so sánh để chứng minh là Nguyễn Du giau lòng nhân. Đưa thêm vào thuyết tài mệnh tương đố để làm nút thắt và mở; không nói đên vụ chủ chứa vất xác Đạm Tiên ra bờ ngòi; bỏ qua lời đề nghị táo bạo, thô lỗ của Thúy Vân nói với chi, khi gặp Kim Trọng lần đầu; không cho nàng Kiều mang theo chai rượu, khóc lóc và ngả vào lòng Kim Trọng; không có văn bản bán Kiều mang chữ ký của Vương Ông Vương Bà. Kể cả Nguyễn Du làm nhẹ bớt cảnh Tú Bà đánh chửi tàn tệ nàng Kiều; thêm nét trang trọng cho nàng Kiều là được quan huyện ra lệnh tổ chức tức thì đám cưới cho Kiếu với Thúc Sinh. Nguyễn Du cũng không cho nàng Kiều lấy cắp tới 10 bao vàng bạc, không tả cảnh lệnh bà trả óan xử tử rùng rợn, dã man các tội nhân. Suy ra cũng có vài trường hợp Nguyễn Du sàng lọc như thế là do kỹ thuật văn thơ đòi hỏi, phải chọn lọc thêm bớt cho có lý, tránh thô bạo, ngớ ngẩn như nguyên tác.

11. Tác giả Đặng Cao Ruyên có một văn phong biên khảo khoa học và cẩn trọng. Ông viết hòa nhã, tránh tranh luận, không quả quyết, chém đinh chặt sắt, mà từ tốn trình bày, thuyết phục khéo léo, nhẹ nhàng. Ông tỏ ra trung thực, không cường điệu, không kiêu căng mà nhuần nhuyễn thấm đượm như viết tiểu thuyết. Ông không đưa ra những suy diễn hoang tưởng, lập dị, không như một vài người viết về Truyện Kiều đưa ra những tư tưởng, những cảm nghĩ, suy tư, những triết lý gán cho tác giả, mà Nguyễn Du và người cùng thời không hề có. Đã có những người méo mó nghề nghiệp, như một hai nhà giáo, nhà chính trị, bác sĩ, triết gia, chẳng hạn đã chẩn bệnh, gán cho Thúy Kiều bị bệnh nọ, bệnh kia.

Tác giả làm vịêc cần cù và còn mong tiếp tục cho in những cuốn kế tiếp bàn về chữ nghĩa, tài hoa Nguyễn Du tả tình, tả cảnh. Nhất là độc giả trông đợi bộ thư mục Truyện Kiều trên 1000 trang, luôn được cập nhật hóa, có lẽ phải chia làm ba cuốn mới hết.

12. Ông muốn thảo luận, nhưng tránh tranh luận để đi đến bút chiến, nhất là mắc vào vòng chỉ chú tâm vào từng chữ nôm, chữ quốc ngữ, có khi cãi cọ vì một dấu chấm hay dấu phẩy, rồi cả về ý, tứ câu thơ. Truyện Kiều, như ta đã biết có rất nhiều bản in trước, in sau, bản chữ nôm, bản chữ quốc ngữ, bản kinh, bản phường… (bản cổ nhất mới tìm thấy ở Việt Nam in/viết sau khi tác giả thất lộc 14 năm). Ngòai ra chữ Nôm chưa đựoc chính quy hóa, người đọc ra chữ này, kẻ hiểu ra nghĩa khác. Do đó chưa biết bản nào là đúng bản do chính tay Nguyễn Du viết hòan tất. Tất cả những bản ra đời sau đó coi như tam sao thất bổn, đã được người khác hiệu đính, chú thích theo chủ quan của mình, và tất nhiên là phải có dị biệt. Tranh luận vụn vặt loanh quanh về một tác phẩm lớn, nhưng không có được chứng tích gốc nguyên bản, phải chăng đã làm chuyện vô bổ?

13. Nói thêm về một khía cạnh khác là công trình nghiên cứu, khảo luận văn chương ở hải ngọai thật khó. Những bậc lão thành thông hiểu chữ Hán, chữ Nôm lần lượt tiêu hết qũy thời gian. Lại thêm nạn kỳ thị văn học nghệ thuật giữa trong và ngòai nước. Một nhà Kiều học là cựu giáo sư dạy văn ở Sài Gòn trước đây cứ bị giới nghiên cứu Truyện Kiều kèn cựa tranh luận với thái độ bất lịch sự, hằn học qua tạp chí ngôn ngữ và Đời sống. Giáo sư Phạm Trọng Chánh ở Pháp cho biết giới chức có quyền về văn học nghệ thuật ở quê nhà đã giấu Lưu Hương Ký, khi mới phát hiện ra, không cho đem qua Pháp đến tay học giả Hòang Xuân Hãn. Đào Duy Anh ở miền Bắc, người đã tận tụy với chế độ, viết xong từ điển Truyện Kiều bị dìm không cho in suốt 10 năm. Sau phải nhờ đến thủ tướng can thiệp cuốn từ điển công phu và giá trị đó mới được ấn hành.

14.Năm 1994 trong tập san Văn Hiến số 1 đã tiết lộ: Tiến sĩ nho học Nguyễn Mai gọi Nguyễn Du bằng bác tuy đã 78 tuổi đã bị quy thành phần cường hào phong kiến vì học vị tiến sĩ và có vài mẫu ruộng cho phát canh. Ông bị đấu tố 3 đêm liền, lĩnh án 15 năm tù khổ sai, bị giam ở trại Đâng là nơi nước rất độc, ông chết trong trại giam, xác vùi ven rừng. Rồi trong đợt cải cách ruộng đất, đền đài bia miếu thờ danh nhân họ Nguyễn bị phá hủy mất nhiều. Ngôi nhà năm gian chứa đầy thư tịch của họ Nguyễn bị đốt bỏ.
Bây giờ đây họ bày trò, đưa người cháu gái đời thứ 8 Nguyễn Thị Vân Huyền của Nguyễn Du cho khoe là nhà nước sẽ lập Khu lưu niệm Nguyễn Du, tốn 5 tỷ đồng, các mục xây cất rải rác trên 20 mẫu, tòa nhà chính rộng 1000 mét vuông, có cả nơi thờ Thúy Kiều. Theo chính sách sử dụng giai đọan, theo nhu cầu chính trị, biết đâu độ 10 năm sau nữa Truyện Kiều và Nguyễn Du bị xét lại, khu Lưu niệm sẽ bị phá tan??

DIỆU TẦN

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003