Apr 24, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
BÁT NƯỚC VỐI
CAO MỴ NHÂN

Xe dừng lại trước cửa trường nữ trung học Gia Long xưa, nay đổi tên là trường cấp 3 Nguyễn Thị Minh Khai, ngôi biệt thự của ai trước 1975, giờ biến thành quán ăn THĂNG LONG đầy tính chất lịch sử.

Một thanh niên trang phục nhã nhặn ra sân, sắp xếp những chiếc xe Honda cho thứ tự, rồi mời chúng tôi vào quán.

Trong quán đã thấy sẵn một cô trẻ măng vận y phục cổ truyền, váy lĩnh đen, thắt lưng mầu hoa lý, yếm đào, áo tứ than nâu non, khăn mỏ quạ đen, tóc mai vài sợi uốn cong, thả lửng.

Bên trong hàng rào trúc, là dãy giả sơn, nước chảy róc rách, cây đào giả với những cánh hoa mong manh tươi mát, hai câu thơ của một người thơ gốc miền Nam, được viết bay bướm trên một tấm bia hồng lợt, chữ đỏ, không đề tên tác giả:

Từ thủa mang gươm đi mở nước
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Tất nhiên chủ quán chỉ muốn mượn chữ “THĂNG LONG”, không có ý đồ văn chương hay chính trị gì cả.

Các bàn kê trong quán đều hình vuông hay chữ nhật bằng gỗ tạp, chủ quán không dùng bàn tròn nhìn có vẻ một quán ăn Tầu, mang vẻ cao lâu, tửu điếm.

Quán Thăng Long chủ yếu dọn các món ăn Bắc Kỳ nguyên thủy như cua lột, trứng cáy, cá trê, cá chép, ốc bươu, sò huyết, đậu phụ, tương mắm v.v… món ăn từ quê ra tỉnh.

Chúng tôi chưa kịp kêu món ăn trong thực đơn, đã được người tiếp viên dọn chén đĩa ra bàn. Tôi chợt thấy chén đĩa nào cũng mẻ chút xíu, hay rạn nứt một đường nhỏ, xẫm đen tưởng sợi tóc vắt ngang.

Ðịnh hỏi thăm sao có sự kiện lạ lùng vậy, cón gái tôi vốn là giáo viên cấp 2 của một trường trung học thuộc thành phố, cô này đã từng đến quán Thăng Long thưởng thức những món ăn quê Bắc, nên nhoẻn miệng cười:

- Model của quán đó má, má có muốn vào cái phòng trong nhà kia xem bản đồ nước Việt Nam thời nhà Lý, nhất là xem hình ảnh thành Thăng Long, má sẽ được nghe đại diện quán trình bầy cặn kẽ.

- Thì vô xem thử

Thế là chúng tôi bước vào căn phòng trống, với lối trang trí toàn bằng mô hình cùng tấm bản đồ nước Việt Nam đời nhà Lý thật lớn treo kín bức tường ngang.

Tấm bản đồ được vẽ theo suy diễn qua những di tích kịch sử còn để lại:
một tiền thân Hà Nội với thành Thăng Long trên đó.

Người đại diện quán chắc đã nhiều lần trình bầy cho khách đến quán nghe về đất đai ranh giới quê hương từ thời nhà Lý, nên ông ta nói gần như thuộc lòng một cách thông thạo , và có lẽ ông ta rất thích công việc đó, nói năng hứng chí lắm.
Bản đồ vẽ chiều dài đất nước khi đó mới ngang khỏi Thanh Hóa một chút. Nhưng phía bắc thì không giống bây giờ, có nghĩa một phần đất đai của nước ta vượt xa hơn Hà Giang, Cao Bằng ngày nay, có lẽ bao gồm tỉnh Quý Châu, Vân Nam của Trung Quốc.

Tôi hỏi, người lập họa đồ đã căn cứ vào đâu mà vẽ chi tiết như thế, nhân viên quán Thăng Long trả lời – càng về sau này, việc nghiên cứu càng dễ dàng, những người nghiên cứu có thể tìm đến những quốc gia, dân tộc liên hệ lịch sử để tìm hiểu tra cứu ngay trên các lãnh vực xã hội, lịch sử, địa lý v.v…sẽ truy nguyên ra hết thôi.

Một thực khách ngồi bàn khác muốn chứng tỏ điều diễn tả trên là đúng, đã hào hứng kể rằng chất hóa học “C14” mà ông ta theo học ở Ðại Học Khoa Học cách đây 15 năm đã được thấy người tham cứu dùng một dụng cụ dí vào một bộ xương người chôn dưới hầm sâu, đã phân biệt ngay tức khắc bộ xương đó gốc dân tộc nào: Ta, Tàu hay Mỹ chẵng hạn.

Tôi quan sát thực khách và cho rằng ông ấy cường điệu đến khôi hài.

Quán Thăng Long còn là nơi đụng độ của các dòng suy nghĩ từ bốn phương đổ về, bởi nó mang phong cách vừa như biểu lộ vừa muốn ẩn dấu qua mỗi cách suy nghĩ riêng tư.

Tôi không biết chủ quán là ai, thuộc thành phần xã hội nào, nhưng chắc chắn phải là một “cụ Bắc Kỳ” sành điệu ăn nhậu của cả hai miền Nam Bắc hiện nay, mới đón thời cơ mở quán trên một khúc đường không dành cho cơ sở thương mại.
Tuy vậy khách cứ đến nườm nượp, và có khách đã ngồi hàng giờ để nghe tiếng nước chảy róc rách (chỉ là vòi nước máy) quanh các hòn đá xếp mà tưởng như đường trường xuyên Việt quan san cách trở.

Món ăn được bầy trên các đĩa đá cổ và trong những chiếc tô kiểu chiết yêu xưa đã sứt mẻ, sực mùi mắm tép, tương cà cùng các món ăn mà miền Nam ít ai thưởng thức như món chả rươi.

Những con rươi nhỏ xíu nhìn giống như những con sâu, lúc nhúc sau cơn mưa sương người ta đi vớt được, đem về rửa bằng nước muối, rồi bỏ vào một cái tô, đoạn đập vài quả trứng vịt vào tô rươi ấy, nêm bột ngọt, mắm, tiêu, trộn ít cọng thì là cắt nhỏ lăng tắng…xong, có người thích hấp, người thích chiên, nướng, có người còn trộn rươi với óc heo, lá hẹ, hấp cách thủy. Ai ăn quen cũng khen món ăn trên ngon lắm, nhưng tôi cảm thấy sợ, không dám đụng đũa bao giờ.

“Người trình bầy” nêu trên, trở lại bàn, hỏi tôi có thích uống các thứ nước giải khát dân gian như lá vối, nụ vối, lá trà xanh, rễ tranh.

Ngoại trừ nước lá vối, nụ vối còn tất cả các thứ nước trà xanh, trà nụ đều có thể cho vào ấm vài lát gừng mỏng rồi nấu sôi, hương vị sẽ ấm áp, thi vị vô cùng.

Có tới nửa thế kỷ hơn tôi chưa uống lại nước vối, từ ngày rời xa quê quán gốc gác là làng SỞ THƯỢNG, huyện THANH TRÌ, tỉnh HÀ ÐÔNG, ngoại thành HÀ NỘI. Nơi làng tôi có đình, có chùa, giếng sâu trong mát, dành cho cả làng gánh về nấu uống.

Hai bên đình làng Sở Thượng có 2 cây vối cổ thụ lớn, rễ phụ lòng thòng, thủa bé thơ lũ bạn và tôi đã thi nhau đu với lên cành để hái lá non chơi bầy hàng, bị chú trương tuần la mắng:

- Mấy đứa ranh con kia, có nhẩy xuống không, lá vối dành cho cả làng uống mà chúng mày hái chơi à, xuống ngay, xuống ngay.

Thế nên tôi nói với tiếp viên nhà hàng:
- Cho tôi bát nước lá vối.

Chiếc tô sành nhỏ, mẻ một miếng lớn bằng đồng xu vàng của Mỹ, đặt trên một khay gỗ tạp cũ kỹ, chứa nước vối nóng bốc khói đã được mang ra, đặt trước mặt tôi, con gái tôi hỏi:

- Nước vối vậy à, sao lại đựng trong tô, mà không đựng trong ly?
- Ly để uống Coca cola thôi.

Và tôi đã thưởng thức bát nước lá vối một cách chân tình.

Con gái tôi bảo rằng quán Thăng Long là quán phục vụ công nhân viên, chứ không phải quán ăn bình thường ở ngoài phố, nên có thể ở mặt nào đó, quán Thăng Long hơn các quán ăn kia, nhưng có thể mặt nào khác, quán thăng Long lại thua kém các quán ăn kia.

Song, quán Thăng Long vẫn nhận khách vãng lai, không phải là công nhân, viên chức. Chủ quán cũng có hảo ý mở quán ăn là để phục vụ khách hang trăm họ, bất kể người hoài Lê hay dân vọng Nguyễn, bởi đã có các câu lạc bộ dành riêng cho từng môn phái Thiếu Lâm hay Nga My chẳng hạn, nên bạn khỏi chạnh lòng, e ngại lạc lõng khi vào quán.

Cổng trường nữ trung học Gia Long xưa và tường vách vẫn quét vôi mầu vàng, lối đi quen chẳng hề thay đổi.

Hai năm đầu tiên từ Bắc vô Nam theo hiệp định Genève 1954, các nữ sinh Trưng Vương chúng tôi phải học nhờ trường này buổi chiều, nơi hang rào sắt kia, chị em tôi đã ngồi chờ giờ mở cửa, mới đó mà đã nửa thế kỷ trôi qua.

Tôi hỏi người bán quán:
- Tại sao mở quán trong Nam, nhà hàng không dùng tên Sài Gòn, Bến Nghé, Gia Ðịnh, Nhật Tảo v.v…

- Tại người mở quán này mê thích chữ Rồng Bay.
- Thích Rồng Bay thì phải lên mây mới thấy Rồng chứ.
- Vì không bay bổng được, nên đứng bán quán, ngó thiên hạ đi, về vậy
- Cũng tốt! Hẹn ngày trở lại Thăng Long thành hoài cổ nhé!

CAO MỴ NHÂN
(Viết trên vách đá)
26-1-2006

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003