Apr 18, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CHUYỆN NHÀ VĂN
CAO MỴ NHÂN


Từ xưa tới nay, ai cũng biết cái điều “nói thật mất lòng” và với tính cách giáo dục, cổ nhân ta còn thêm vế đầu: “thuốc đắng giã tật”, xong mới tới vế sau: “người thật (hoặc sự thật) mất lòng”
Vậy thì tại sao người nói thật lại hay làm mất lòng người khác? Xin thưa những điều được gọi là thật kia không mấy hay ho đối với giới người không hay chưa muốn phục thiện.
Thí dụ: Bà A đảo mắt nhìn bà B, rồi bụm miệng cười, đoạn nói:
- Về già mà ốm thì xấu lắm, sao bà B không cố gắng mập lên như tôi (A) này, có phải đẹp lão không?.
Quả là người già mà mập mạp, phương phi thì đẹp hơn gầy còm nhăn nhúm – Nhưng:
Lời nói không mất tiền mua
Liệu mà ăn nói cho vừa lòng nhau.
(Ca dao)

Cũng cùng một ý trên, chúng ta có thể mất công xử dụng từ ngữ hơn một chút:
- Thân hình bà B mảnh mai như mô đồ (model), cũng đẹp, nhưng nếu lên kí lô
một chút thi tròn trịa, tươi tốt hơn.

Sự thật người ta có thể nói nhiều câu văn vẻ, lịch sự hơn, nhưng người ta muốn
móc vài câu cho bõ ghét, bõ tức.
Tại sao lại ghét, lại tức người thiên hạ, có phải trong lòng mình có chút gì ganh tỵ khó chịu tha nhân không?
- Chắc là cũng có đấy.

Hôm xưa trên đường gió bụi, đoàn du thuyết của cụ Vì Dân dừng lại trước một ngã ba đường. Cơn mưa từ nhiều phía đổ về làm cho tứ bề chân mây trắng dã, đỉnh trời lại đen như khói đèn chụp xuống không gian, khiến ai lỡ chân bước tới hiện trường khủng khiếp ấy, không khỏi sợ hãi “Đấng hóa công” huyền vi, khéo léo và quyền phép.

Cụ Vì Dân còn nhớ mãi cảnh tượng hãi hùng của một buổi chiều, sắp tối, mưa gió như nêu trên, bèn kể cho nhà văn X nghe, có ý nhờ nhà văn X viết lại, làm sao gần đúng với cảnh thật mà cụ đã vô tình được chiêm ngắm, để giới thiệu với đời một cảnh lạ của tạo hóa.

Song le nhà văn X có ngòi bút dù tài tình đến đâu, cũng không làm vừa lòng cụ Vì Dân được, bởi ông không tưởng tượng được một cơn mưa mà bốn chân mây đều đứt, dồn hết mây đen lên đỉnh đầu trời, chỉ vì nhà văn không có mặt trên đường gió bụi cùng cụ Vì Dân. Cụ Vì Dạn vốn nóng tính, đã thốt:
- Anh chỉ là nhà văn mới chỉ nổi tiếng ở cấp phường xã thôi, chưa tới cấp tỉnh, thành, thì làm sao vang danh tới cấp quốc gia, mà mộng đi quốc tế hở?
Nhà văn X cũng nóng tính, chẳng kém gì cụ Vì Dân, trả lời:
- Vâng tôi chỉ là nhà văn cấp phường xã, vậy cụ đang là nhà chi, ở cấp gì, dựa trên tiêu chuẩn nào mà đánh giá thấp, giá cao tôi đây?
Cụ Vì Dân quả chả là nhà chi, cấp gì, ở đâu, nên có hơi hớ, tức giận quá hóa khùng lên:
- Này, này tôi nói cho ông biết, ông đừng tưởng ông mới có dăm ba cuốn sách mỏng kia, mà lên mặt với tôi nhá – Tôi không là nhà thờ, nhà thơ, nhà thổ, nhà văn gì ráo, nhưng viết như ông thì mỗi tháng tôi có thể đi in một cuốn.
- Đương nhiên, ở hải ngoại này cứ có tiền là in được sách thôi, không in sách, truyện, thơ, nhạc thì làm chi cho hết tiền. Do đó in sách là một cách để dành tiền... cao cấp nhất...
- Vâng, vâng tôi biết rồi, biết hết rồi, khỏi nói nữa đi. – Thưa nhà văn lớn, nhà văn nhỏ, muốn là nhà văn cỡ gì cũng do quý ông tự phong, tự đặt nhau thôi, chứ các nhà độc giả như tôi đây, cụ Vì Dân này cần biết làm quái gì. có điều “nói thật mất lòng” chứ các ông đã vô tình tạo ra một kiểu cách ví von rất chi chí lý lắm, đó là xưa thì thường nhắc đến từ: quân phiệt, võ phiệt, tài phiệt... nay thì hình như là có chữ “văn phiệt” nữa phải không ạ?

Nhà văn cấp phường, xã bỗng cảm thấy tâm hồn thơ thới chi lạ vì hình như cụ Vì Dân chính là tri kỷ của ông, bởi lẽ cụ hiểu sâu xa cái phần thầm kín nhất, tuy không hoặc chưa tiện nói ra, song , hầu như tập thể quí vị nhà văn, hoặc ái hữu nhà văn, cảm tình nhà văn ở hải ngoại này, đều dư biết là có vấn đề... văn phiệt đấy chứ Nếu không văn phiệt, thì tại sao nhóm văn này lại chẳng thích nhóm văn kia, hay là mỗi nhóm nhà văn dù nhiều hay ít, lại quy tụ ở môt tờ báo chẳng hạn.

Tuy nhiên, nói cho dễ hiểu thôi, văn phiệt tự nó xếp đặt cho các nhà văn một chỗ ngồi trên cái thang danh vong, mà giới trẻ vừa tuổi lớn lên ở thế kỷ 21, thì cho là danh vọng đó mỗi lúc lỗi thời dần đi, nếu các nhà văn không bắt kịp mạch văn mới mẻ của thế kỷ cả về hình thức lẫn nội dung.

“Văn phiệt”, nghe cũng hay hay – Các vị công, hầu, bá, tử, nam tước của văn phiệt phải làm sao thể hiện phong cách của ngòi bút mình đúng với phương châm của tờ báo do văn phiệt chủ trương.
Chẳng hạn tuần san này ưa gây gổ, thì toàn bộ người viết báo đó phải gây gổ – để được tiếng “nhất quán tư duy”.
Nếu đã là “Văn phiệt” thì nhất cử nhất động phải “Phiệt”, trước nhất phải có tôn ti trật tự của kẻ cầm viết, là con người biết rõ thể thức ai trước, ai sau, ai đáng dẫn đầu, ai chờ cuối bảng, vì nhà văn bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào đều là những vị thủ lãnh về chữ nghĩa, bằng chứng đã viết ra hằng hà sa số ngôn từ tạo thành những cuốn sách... mà nhà văn là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Khi chữ nghĩa đã in rành rành trong sách báo rồi, chẳng còn chối cãi được là nhầm lẫn hay ngộ nhận.

Mải suy nghĩ, nhà văn cấp phường xã đã ...vượt xa cụ Vì Dân cả chục cây số, tâm tư tình cảm nhà văn như có vẻ thăng hoa. Nhà văn ngó lại cuộc đối thoại tuy chưa dứt điểm, mà nghe sao... cổ tích quá, nhà văn nở nụ cười thật hòa nhã, ngó cụ Vì Dân một cách thân tình:

- Cụ ơi, chúng ta vừa nói chuyện gì và đến đâu rồi.
Cụ Vì Dân ngúng nguẩy:
- Tôi chán nhà ông lắm, chán mớ đời đi
- Thế ạ
- Còn thế ạ gì nữa, ông vừa ở trên mây xuống hở?
Nhà văn cấp phường, xã kính cẩn gật đầu, đoạn đáp:
- Thưa cụ, cháu mới đang viết tới cấp phường thôi ạ, vâng, quý hóa quá, cháu sẽ
cố gắng vươn lên đạt chỉ tiêu cấp quận.
Cụ Vì Dân bĩu môi:
- Đời ông chỉ ước mơ được làm nhà văn cấp quận thôi à?
- Đúng thế thưa cụ, cháu vừa đi ăn phở ở câu lạc bộ người già và người bệnh tại một viện y học dân tộc bên quê nhà, về đây. Người bán xe phở tên là Tiến, hắn là một thanh niên hăm tám tuổi , Tiến nói:
- Điều mơ ước duy nhất của tôi, từ lâu rồi cơ, là mở một hiệu phở ngon cấp quận, với mỗi ngày bán được 50 tô, là sung sướng lắm rồi.
Như có thoáng mây mù bay ngang chỗ hai người nói chuyện, bầu trời chợt buồn bã hẳn, cụ Vì Dân chép miệng thở dài:
- Tội cho thanh niên Việt Nam quốc nội quá, tưởng là mơ ước cao xa gì, dè đâu chỉ mong được làm chủ hiệu phở loàng xoàng thế thôi sao?
- Không phải là toàn thể thanh niên Việt Nam quốc nội ước mơ bán phở ngon nổi tiếng, mà chỉ một mình Tiến, mong muốn được làm chủ một tiệm phở cấp quận. – Trở lại tên tuổi nhà văn của tôi, cụ Vì Dân đánh giá mới nổi tiếng cấp phường xã, thì lẽ dĩ nhiên tôi phải mong lên cấp quận, để tiếp tục vươn cao, vươn xa tới cấp thành phố, cấp quốc gia, rồi biết đâu có ngày góp mặt trên văn đàn quốc tế.
- Là nhà văn mới nở hoa văn tài mà biết phục thiện, lại tri kỷ tri bỉ để vươn lên,
thì đó là một yếu tố thành công nhưng vẫn phải đổ mồ hôi và rơi nước mắt, vì đôi khi luẩn quẩn trong vòng văn phiệt, nó làm ông chán nản vô cùng.
- Được một người ngoài cuộc thông cảm là cũng an ủi lắm rồi, giờ thì tôi yên tâm viết lách, vì chuyện thành công hay không hay không là do mình, chẳng phải do văn phiệt côông kêênh nhau lên phải không cụ?

- Chính thế, ông lại có thêm một điểm son nữa, là biết trau dồi khả năng trong việc viết lách, để văn tài đặc biệt hơn, tôi nghĩ tập trung tư tưởng cho mình là cốt yếu, còn nhìn việc làm của người khác, rồi tỵ hiềm, đố kỵ, thì vừa mất thì giờ ôn luyện văn chương, vừa tạo ra không khí mất đoàn kết.

- Ô hay, cụ từng nói các nhà văn đoàn kết với nhau là văn phiệt – Sao lại bảo tôi phải kết đoàn với các nhà văn khác, khi tôi biết được điều cụ băn khoăn đã đi sát tình hình văn học, văn chương, văn nghệ hải ngoại là quả có chia bè, kết nhóm, chơi với nhau nơi các tòa soạn riêng, và ai nấy đều hãnh diện nhóm mình, báo mình đáng được nâng đỡ, đáng được ngợi ca, đại diện cho bao nhiêu phần trăm nhà văn, ái hữu nhà văn, cảm tình nhà văn, đáng được hâm mộ...
- Sao ông hùng biện thế, tôi chưa nói hết mà.
Nhà văn tự phong lên cấp quận trong nháy mắt, bèn cười đắc ý:
- Là nhà văn chúng tôi phải có lập trường rõ rệt, để kiên quyết đấu tranh...
Chưa dứt câu, cụ Vì Dân đã cắt ngang:
- Cha chả, nghe ông phát biểu, giống y bên ViệtNam Cộng Sản.
Nhà văn gật đầu cười thớ lợ;
- Cụ cũng vừa nói một chữ y như họ, là “phát biểu” đó thôi.
- À, à, đôi khi chúng ta bắt kịp thời đại, quý vị đi tù cải tạo về, qua đây theo diện H.O, đã thường vô tình thốt mấy cái chữ gọn gàng, mau mắn đó, có đôi chữ cũng dùng được, có đôi chữ phải... đặt lại vấn đề.
- Chu choa, “đặt lại vấn đề” là từ ngữ Việt Nam Cộng Sản rồi.
- Chết chết, thế thì chúng ta phải kiêng cữ nhiều lắm đó ông nhà văn, chẳng hạn chữ màu sắc Đỏ đó, lúc này mà hớ một chút thì thành Cộng Sản ngay.
- Tức là với tập thể chiến sĩ quốc gia nên tránh cái màu đỏ là tốt nhất chứ gì, kể cả màu da cam, cà rốt hay màu hồng. Được lắm thưa cụ, ai mà thích cái màu đỏ máu đó làm gì. Ta sẽ luôn luôn nói mặt trời vàng, trăng vàng, nhưng đến sao, thì làm ơn diễn tả là sao bạc nhé, được không cụ?
Cụ Vì Dân mơ màng:
- Đúng đúng, sao bạc trên nền trời xanh biếc đẹp lắm, xém một chút tôi có sao bạc trên cổ áo rồi.
Tức là nếu không bị đổi đời thì cụ đã được vinh thăng chuẩn tướng đấy – Ôi chuyên xưa tích cũ, nghĩ lại mà buồn chi lạ.
Tuy nhiên, với gần ba chục năm diện bích từng hồi, từng chặp ở Tịch mịch viện San Bernardino đã phần nào cho cụ “ngộ”, giờ thì địa vị, công danh v.v...quả là phù du.
Ấy vậy mà lâu lâu lại như đồng bóng, cứ ngúng nga, ngúng nguẩy chơi chữ với đời, chán đến không thể tưởng tượng được cái thói rởm, để lại phải nêu ra một vài sự thật, làm mếch lòng thiên hạ.
Nhà văn lỡ cười nhạt:
- Thôi nhé cụ Vì Dân, tôi... khắc phục tất cả cả các điêù cụ phê phán nên từ nay chúng ta chẳng còn gì liên hệ với nhau nữa, thú thực với cụ , thà tôi quay vòng trong cái quỹ đạo văn phiệt tôi tham gia, hơn là được tự do độc lập bên cạnh cụ, bởi vì trước nhất tôi không bị phê bình, kế tới, tay nào viết lách cũng như tôi vậy thôi, chẳng ai hơn ai, chỉ có văn phiệt lượng giá tác phẩm của tôi, chịu lép một chút thì tôi là nhà văn tên tuổi, nghĩa là luôn luôn được văn hữu nhắc tới tên, còn xử thế bằng những thể thức ngoại giao, thì tôi trở thành nhà văn lớn ngay đâý ạ.
Cụ Vì Dân giơ tay chào tạm biệt:
- Mừng nhà văn có một quan niệm viết chuyên biệt – Từ nay tôi phải ghi nhận một điều là tính cách văn phiệt rất dân tộc, có thế tác phẩm Việt Nam hải ngoại mới nhiều vô số kể. – Chúc nhà văn viết khoẻ.

CAO MỴ NHÂN
01/23/2004






Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003